Lợi ích và thách thức khi sử dụng Facebook trong dạy học tiếng Anh
Theo nhà nghiên cứu Tan(1) hầu hết học viên dành phần lớn thời gian ngoài giờ học trên các trang mạng xã hội. Do vậy, có thể nói việc sử dụng Facebook để hỗ trợ cho việc giảng dạy trên lớp rất phù hợp với xu hướng hiện nay. Bên cạnh đó, xu thế toàn cầu hóa đã làm cho tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ giao tiếp trực tuyến chủ yếu của giới trẻ mặc dù đó không phải tiếng mẹ đẻ của họ(2). Vì thế, sử dụng mạng xã hội Facebook có thể hỗ trợ cho việc giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ. Hơn nữa, việc kết hợp giảng dạy trực tiếp với trực tuyến có thể góp phần giải quyết vấn đề không đủ thời gian lên lớp của giáo viên và có thể giúp giáo viên làm cho bài giảng hấp dẫn hơn đối với học sinh(3).
1. Facebook - một phương tiện giáo dục
Facebook là một trang web phổ biến cho phép người dùng tương tác với nhau trong một cộng đồng ảo được thiết lập từ trước(4). Đây là một trang mạng xã hội và công cụ giao tiếp trực tuyến cho phép người dùng xây dựng hồ sơ ở chế độ công khai hoặc riêng tư để kết nối và tương tác với những người là một phần của mạng xã hội mở rộng của họ. Facebook là trang mạng xã hội lớn nhất, với gần một tỷ thành viên, cho phép mọi người kết nối, chia sẻ sở thích và tham gia các nhóm(5). Trang mạng này thành công đến mức phần lớn học sinh trung học và học viên đại học sử dụng hàng ngày cho mục tiêu học tập và các hoạt động ngoài xã hội(6). Theo Wise (2011)(7), học viên dành trung bình một giờ mỗi ngày trên Facebook, đặc biệt là tham gia vào các tương tác xã hội. Tuy nhiên, Facebook không chỉ có các ứng dụng xã hội mà còn có thể sử dụng trong học tập. Nhà nghiên cứu giáo dục, giáo viên cần tìm ra học sinh ở vị trí nào thì dạy ở vị trí đó và Facebook chính là nơi học sinh thường tìm đến(8). Việc học có thể diễn ra ở bất kì nơi nào miễn nơi đó có sự tương tác có ý nghĩa giữa những người học để tiếp thu kiến thức. Do đó, nếu giáo viên sử dụng Facebook hiệu quả thì nhiều hoạt động và trải nghiệm diễn ra trên mạng xã hội này có thể góp phần nâng cao hiệu quả học tập. Trên thực tế, đây có thể được coi là một hình thức của thuyết kiến tạo, vì nó mang lại cho học viên cơ hội cộng tác, học hỏi lẫn nhau, xây dựng cộng đồng học tập và xây dựng kiến thức thông qua sự tương tác của các thành viên trong cộng đồng này(9).
Facebook giúp giáo viên tạo ra những trải nghiệm giáo dục năng động và có ý nghĩa, đặc biệt trong các lớp học ngôn ngữ vì nó cho phép học viên thực hiện các tương tác có ý nghĩa và thực tế với những người bản địa(10). Kết quả là, người học có thể cải thiện các kỹ năng ngôn ngữ của mình, tăng động lực và sự tự tin đối với tiếng Anh, đồng thời phát triển sự hiểu biết đa văn hóa(11). Theo Godwin(12), các công cụ và nền tảng như Facebook rất hữu ích để cải thiện khả năng giao tiếp, tương tác giữa con người với nhau và học ngôn ngữ. Trên thực tế, Facebook có thể là một công cụ thiết thực để thu hút học sinh tham gia vào các hoạt động đọc, viết và nhiều hoạt động học tiếng Anh khác. Nghiên cứu của Joinson(13) cũng cho thấy rằng ngay cả học viên cũng thích sử dụng Facebook cho một số hoạt động học tập của họ như chia sẻ tài nguyên học tập hoặc tương tác với các bạn cùng lớp trong các cuộc thảo luận và tranh luận. Đó là lý do tại sao nhiều giáo viên đang sử dụng mạng xã hội này cho mục đích giảng dạy ở các lớp học khác nhau, trong đó có lớp tiếng Anh.
2. Lợi ích của Facebook đối với việc dạy - học tiếng Anh
2.1. Đối với giáo viên
Theo nhà nghiên cứu Pilgrim(14), giáo viên tiếng Anh có thể nhận được nhiều lợi ích từ việc sử dụng Facebook đối với các lớp của họ. Công cụ này có thể giúp giáo viên thu hút sự chú ý của học viên bên ngoài lớp học. Thông qua Facebook, giáo viên có thể tìm hiểu các xu hướng và các vấn đề liên quan đến giảng dạy tiếng Anh cũng như có thêm ý tưởng cho các hoạt động trên lớp. Trên thực tế, mặc dù Facebook được biết đến rộng rãi như một phương tiện giao tiếp kỹ thuật số nhưng đây cũng là một phương tiện để thu thập thông tin vì nó cung cấp một nguồn tài nguyên chuyên nghiệp và mạnh mẽ cho các giáo viên tiếng Anh(15). Tuy nhiên, đây không phải là những lợi ích duy nhất mà Facebook cung cấp cho giáo viên. Nhiều tổ chức giáo dục lớn như Hiệp hội Đọc sách Quốc tế (IRA), Reading Rockets (RR) và Hiệp hội Giáo dục Quốc gia (NEA) đã tạo những kênh riêng trên Facebook để quảng bá về tổ chức của họ và chia sẻ các tài nguyên hữu ích cho các nhà giáo dục(16). Các trang này thường bao gồm những thông tin về các xu hướng và vấn đề hiện tại trong giảng dạy tiếng Anh, các tài liệu học tập, các tài liệu để nâng cao chuyên môn,… Hơn nữa, những kênh này còn giúp giáo viên có cơ hội hợp tác, trao đổi với các giáo viên tiếng Anh khác. Do đó, việc đăng ký và theo dõi các tổ chức giáo dục thông qua Facebook là một cách để truy cập thông tin và tài nguyên có giá trị mà không mất phí (17). Họ có thể nhận miễn phí các tài liệu dạy học, mở rộng mối quan hệ chuyên môn thông qua trang xã hội này(18). Vì vậy, Facebook mang lại nhiều lợi ích cho giáo viên trên toàn thế giới, tuy nhiên họ không phải là đối tượng duy nhất nhận được lợi ích từ nền tảng này.
2.2. Đối với học viên
Theo nhà nghiên cứu Mills(19), Facebook tạo ra nhiều lợi thế cho người học như thúc đẩy sự tương tác và trao đổi xã hội giữa những người tham gia. Điều này nâng cao năng lực giao tiếp và học ngôn ngữ của người học. Bên cạnh đó, Blattner(20) khẳng định Facebook có thể thúc đẩy sự phát triển khả năng sử dụng tiếng Anh trong tương tác giữa các thành viên trong và ngoài lớp học. Một số nhà nghiên cứu khác như Bosch(21) và Ophus(22)đã chứng minh việc sử dụng Facebook trong lớp tiếng Anh có thể giúp người học cải thiện kỹ năng nói cũng như kỹ năng viết và đọc của người học. Vì thế, nền tảng này có tác động tích cực đến học viên vì nó làm việc dạy và học tiếng Anh trở nên thực tế, có sự tương tác và toàn diện hơn. Ví dụ, Pilgrim(23) đã thực hiện một nghiên cứu với một số sinh viên đại học từ Pháp và Đức. Trong quá trình nghiên cứu, nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng việc sử dụng Facebook trong các hoạt động của lớp học đã thúc đẩy việc tương tác và nâng cao khả năng học tập của sinh viên.
Tương tự, Blattner(24) đã nghiên cứu phản ứng của sinh viên Pháp khi sử dụng Facebook trong một khóa học ngôn ngữ. Mục tiêu chung của các sinh viên khi tham gia là học tiếng Anh và giao tiếp với những người học tiếng Anh khác. Do đó, sinh viên được yêu cầu viết bài đăng và trả lời bài đăng của người khác bằng tiếng Anh. Kết quả của hoạt động này là sinh viên có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp cũng như khả năng đọc và viết bằng tiếng Anh. Joinson(25) phát hiện ra rằng những người học gặp khó khăn khi không theo kịp cuộc thảo luận trên lớp với tốc độ nhanh sẽ thích các hoạt động trực tuyến mà họ cho là dễ hiểu hơn nhiều. Ông cũng thấy rằng sinh viên tham gia nhiều hơn vào các hoạt động trực tuyến so với các hoạt động trực tiếp trên lớp, nơi chỉ những sinh viên tự tin hơn mới tham gia vào các cuộc đối thoại trên lớp. Do đó, việc sử dụng Facebook thực sự có thể nâng cao khả năng giao tiếp và tương tác của sinh viên bằng ngôn ngữ đích. Facebook cũng cung cấp cho sinh viên những trải nghiệm học tập có ý nghĩa giúp họ có cơ hội thực hành các kỹ năng ngôn ngữ của mình một cách ngẫu nhiên và thân mật hơn. Điều này giúp giáo viên có liên hệ các nội dung bài giảng và thực tế cuộc sống.
Bằng cách đó, sinh viên có thể sử dụng các kỹ năng đã học trên lớp và áp dụng chúng vào các tình huống thực tế bên ngoài lớp học. Manan(26) nhận thấy rằng việc sử dụng Facebook để liên kết các lý thuyết, khái niệm đã học trên lớp với bối cảnh cuộc sống là một cách tốt để nâng cao hiểu biết của sinh viên. Trong nghiên cứu với 535 sinh viên của các lớp tiếng Anh khác nhau ở Malaysia, ông đã phát hiện ra rằng Facebook là một công cụ sư phạm mạnh mẽ giúp sinh viên cải thiện các kỹ năng tiếng Anh của mình.
Học viên cũng có những quan điểm và ý kiến tích cực về việc sử dụng Facebook như một công cụ giáo dục để hỗ trợ cho việc học tiếng Anh. Các học viên trong nghiên cứu của Wang(27) cho rằng mạng xã hội này tạo ra cơ hội tương tác và giao tiếp thực sự mà họ chưa từng trải nghiệm trước đây. Nền tảng này đã làm tăng sự tự tin trong việc tiếp thu ngôn ngữ và mang lại cảm giác được kết nối với nhau. Kabilan(28) cũng đề cập rằng học viên thích sử dụng Facebook vì nó mang lại cho họ cơ hội thực hành tiếng Anh với người bản ngữ trong môi trường tự nhiên và thân thiện hơn. Trên thực tế, Manan(29) cho rằng khi học viên phải nói chuyện với người bản ngữ, họ cảm thấy buộc phải cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của mình vì họ cần giao tiếp với bằng tiếng Anh.
Do đó, khả năng ngôn ngữ của họ tăng lên chỉ vì họ viết, đọc, nghe, và nói bằng tiếng Anh nhiều hơn. Nhà nghiên cứu Kabilan(30) chỉ ra rằng học viên có thể học từ mới thông qua bạn bè trên Facebook vì khi bạn bè họ đăng bình luận sử dụng những từ mà họ không hiểu, họ cảm thấy có động lực để tra từ điển để tìm hiểu nghĩa của những từ đó. Tương tự, những học viên chơi trò chơi trên Facebook cảm thấy buộc phải cải thiện kỹ năng tiếng Anh của mình vì những trò chơi đó yêu cầu học viên hiểu các hướng dẫn bằng tiếng Anh và phải tương tác với những người cùng chơi bằng tiếng Anh. Tất cả điều này chứng tỏ rằng mọi người học tốt hơn trong các môi trường xã hội như Facebook vì chúng giúp người học tiếp xúc với các tương tác xã hội thực tế và gần gũi với họ.
3. Thách thức khi sử dụng Facebook với hoạt động học tập
3.1. Đối với giáo viên
Mặc dù Facebook mang lại nhiều lợi ích cho người dạy và người học tiếng Anh nhưng nó cũng đặt ra một số thách thức cho những người không sử dụng nó một cách khôn ngoan và có trách nhiệm.
Nhà nghiên cứu giáo dục Fewkes(31) cho rằng chỉ áp dụng công nghệ mà không thực sự hiểu tiềm năng của nó sẽ không đủ. Nếu giáo viên không cố gắng tìm hiểu thêm về cách sử dụng đa dạng các công cụ trực tuyến này như Facebook thì sẽ không thể thu hút và thúc đẩy quá trình học của học viên vì họ thường đi trước giáo viên trong việc sử dụng công nghệ. Tuy nhiên, đây không phải là thử thách duy nhất mà các giáo viên phải đối mặt.
Thách thức thứ hai là sự khác biệt giữa hoạt động giải trí và hoạt động trí tuệ thực sự. Bản chất của đa phương tiện là có thể thu hút học viên một cách dễ dàng nhưng sự tương tác trực quan này không nhất thiết thể hiện sự tương tác trí tuệ. Trên thực tế theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ(32), quá nhiều kích thích đa phương tiện có thể cản trở quá trình xử lý nhận thức sâu hơn. Đó là lý do tại sao giáo viên cần đảm bảo rằng các hoạt động mà họ dự định phát triển bằng Facebook thực sự giúp học viên học tập.
Một thách thức khác mà giáo viên phải đối mặt là ngôn ngữ ưa thích được hầu hết học viên sử dụng để tương tác trên Facebook là ngôn ngữ kết hợp hoặc bất kỳ ngôn ngữ bản địa nào tùy quốc gia. Rất ít học viên thực sự sử dụng tiếng Anh chuẩn để tương tác với nhau. Do đó, chất lượng tiếng Anh được sử dụng trong các tương tác trực tuyến rất kém. Để kiểm soát tình trạng này, giáo viên phải khuyến cáo, nhắc nhở học viên chỉnh sửa bài cẩn thận trước khi đăng bài lên Facebook. Việc yêu cầu học viên kiểm tra từ ngữ, chính tả và cấu trúc câu trong quá trình tương tác trên Facebook cũng rất hữu ích.
Một vấn đề khác cần được xem xét là ảnh hưởng của việc giáo viên là “bạn bè” trên Facebook của học viên. Mặc dù hầu hết học viên muốn có giáo viên làm bạn bè trên Facebook của họ, một số khác không muốn điều này bởi vì như Wang(33) đề cập, một số học viên bị ảnh hưởng bởi những gì họ viết trên Facebook sau khi kết bạn với giáo viên của họ. Một vấn đề khác là việc giáo viên tự tiết lộ thông tin trên Facebook có thể ảnh hưởng đến uy tín của họ và nhận thức của học viên về giáo viên. Đó là lý do tại sao nhiều nhà nghiên cứu đề xuất các nhà giáo dục tạo một tài khoản Facebook khác chỉ dành cho mục đích nghề nghiệp và giáo dục(34).
Nhà nghiên cứu Wise(35) cũng phân tích một thách thức khác của việc sử dụng Facebook trong lớp học. Nhìn chung, các giáo viên quan tâm đến việc sử dụng công nghệ để nâng cao ý thức học tập của học viên, tuy nhiên, đôi khi họ gặp khó khăn trong việc duy trì sự chú ý của học sinh vào các hoạt động trong lớp khi các hoạt động trên Facebook bắt đầu được áp dụng. Nhà nghiên cứu Crystal(36) đã đưa ra bằng chứng về tác động của Facebook đối với thời gian học tập và ông kết luận rằng người dùng Facebook dành ít thời gian cho việc học hơn và có kết quả học tập thấp hơn so với những người không sử dụng nền tảng này. Theo Joinson(38), điều này thường xảy ra bởi vì nếu một học viên cố gắng trò chuyện trực tuyến trong lúc đang làm bài về nhà thì hiệu quả sẽ giảm đi so với việc chỉ tập trung vào bài tập. Tuy nhiên, bối cảnh này hơi khác một chút trong các lớp học tiếng Anh vì ở đó kiến thức được xây dựng trên nền tảng tương tác và giao tiếp. Trên thực tế, học viên có thể thực hành tiếng Anh khi họ nói chuyện với bạn bè về các chủ đề mà họ quan tâm. Điều duy nhất mà giáo viên cần cân nhắc là tạo cơ hội cho học viên tiếp cận với người bản ngữ nói tiếng Anh để thúc đẩy các cuộc hội thoại hiệu quả bằng tiếng Anh.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất là phải xem xét sở thích học tập của học viên. Những người học ủng hộ phương pháp dạy học truyền thống sẽ không cho rằng Facebook có thể là một môi trường hiệu quả để học tập. Trong nghiên cứu của Manan, một số học viên cho rằng để nắm bắt và nâng cao ngôn ngữ tiếng Anh, cần phải có các cấu trúc học thuật và bài bản hơn. Đó là lý do tại sao giáo viên nên cân bằng và cố gắng điều chỉnh các lớp học sao cho phù hợp với nhu cầu và sở thích của tất cả học viên. Họ cũng phải cẩn thận để không lạm dụng Facebook hoặc cho rằng công cụ này sẽ thay thế hướng dẫn và thực hành trực tiếp.
3.2. Đối với học viên
Trên thực tế, cũng có những lo ngại rằng mạng xã hội làm tăng khả năng xảy ra những rủi ro mới cho bản thân người học, chẳng hạn như mất quyền riêng tư, bắt nạt, làm hại những người có liên quan và hơn thế nữa. Theo Pilgrim(39), học viên và giáo viên không lường trước được sự việc sẽ có thể tự đặt mình vào nguy hiểm khi chia sẻ những thông tin của họ. Sau khi thông tin được đưa vào không gian ảo, nó sẽ trở thành một phần của mạng toàn cầu. Tính bền vững và khả năng tìm kiếm nội dung, sao chép và xử lý thông tin sẽ tạo ra một môi trường mà trong đó nhiều người sẽ gặp rủi ro. Bạo lực trực tuyến cũng đã lan rộng ra toàn cầu. Đó là lý do một số trường cấm sử dụng Facebook và Internet trong trường. Trong trường hợp này, giải pháp là phát triển chuyên môn. Phát triển chuyên môn là điều cần thiết để đào tạo giáo viên và học viên trong lớp về cả lợi ích và rủi ro liên quan đến mạng xã hội. Hơn nữa, việc hỗ trợ và hợp tác giữa các bên liên quan là rất quan trọng để phát triển các hoạt động và bài học phù hợp, đặc biệt là khi Facebook được sử dụng như một công cụ giáo dục.
4. Kết luận
Dựa trên các thông tin trên, có thể kết luận rằng Facebook có thể giúp giáo viên kết hợp thành công việc giảng dạy trực tuyến với giảng dạy trực tiếp. Sự phát triển của Internet đã tạo ra một thế giới không giới hạn. Do đó, việc dạy và học không còn bị bó buộc trong bốn bức tường của lớp học. Giáo viên tiếng Anh cần phải sáng tạo và cập nhật công nghệ hiện tại để bắt kịp nhịp độ phát triển nhanh của xã hội. Việc soạn giáo án cẩn thận giúp giáo viên tiếng Anh có thể sử dụng Facebook như một công cụ giảng dạy hiệu quả để thu hút học viên tham gia vào các hoạt động sử dụng tiếng Anh hiệu quả và từ đó nâng cao năng lực giao tiếp của người học ngôn ngữ. Trên thực tế, nếu được lên kế hoạch phù hợp, Facebook thậm chí có thể tạo điều kiện phát triển cộng đồng người học tiếng Anh trực tuyến, nơi học viên có thể thực hành các kỹ năng ngôn ngữ của mình thông qua các cuộc thảo luận trực tuyến và trò chuyện với người bản ngữ nói tiếng Anh. Tuy nhiên các giáo viên nên xem xét những cạm bẫy và thách thức của công cụ này như mất quyền riêng tư, bạo lực,...
Khi giáo viên lập kế hoạch phù hợp và khéo léo, họ có thể tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu những cạm bẫy của công cụ này để biến lớp học trở thành một môi trường an toàn, phong phú và mang tính tương tác tích cực. Ngoài ra, cần chỉ rõ cho học viên những lợi ích và rủi ro liên quan đến mạng xã hội để kết hợp thành công Facebook vào việc học tập của họ bởi vì cho dù bất kể những cạm bẫy nào thì mạng xã hội vẫn là một phần thiết yếu trong cuộc sống của giới trẻ. Vì vậy, giáo viên phải nỗ lực vượt qua những thách thức và tận dụng những lợi ích mà công nghệ mang lại./.
_________________________________________________
(1), (15), (16) Tan, K. (2010), Online activities and writing practices of urban Malaysian adolescents. Science Direct System, 322-341.
(2), (37) Crystal, D. (2011), Internet linguistics: A student guide. Oxon: Rouledge, 23-40.
(3), (17), (18), (26), (29), (38) Manan, N. (2012), Utilizing a social networking website as an ESL pedagogical tool in a blended learning environment: An exploratory study. International Journal of Social Sciences & Education, 1-9.
(4) Boyd, D. (2007), Social network sites: Definition, history, and scholarship. Journal of Computer & Mediated Communication, 210-230.
(5) Vigmo, S. (2013), Crossing boundaries in Facebook: Students’ framing of language learning activities as extended spaces. International Journal of Computer-Supported Collaborative Learning, 201-220.
(6) Kirscher, P. (2010), Facebook and academic performance. Computers in Human Behavior, 110-128.
(7), (35) Wise, L. (2011), Facebook in higher education promotes social but not academic engagement. SYSTEM, 92-121.
(8) Janice, L. (2014), An exploration of the potential educational value of Facebook. Computers in Human Behavior, 304-322.
(9), (28), (30) Kabilan, M. (2010), Facebook: An online environment for learning of English in institution of higher education?. The Internet and Higher Education, 177-190.
(10) Garrison, R. (2004), Blended learning: Uncovering transformative potential in higher education. The Internet and Higher Education, 90-112.
(11) Wenger, E. (1998), Communities of practice: Learning, meaning, and identity. Cambridge: Cambridge University Press.
(12) Godwin, R. (2008), Mobile computing technologies: Lighter, faster, smarter. Language Learning & Technolgy, 82-101.
(13), (25), (37) Joinson, A. (2008), Looking at, looking up or keeping up with people? Motives and use of Facebook. SYSTEM, 1011-1030.
(23), (39) Pilgrim, J. (2011), Learning through Facebook: A potential tool for educators. The Delta Kappa Gamma Bulltetin, 35-41.
(19) Mills, A. (2009), Facebook and the use of social networking tools to enhance language learner motivation and engagement. NEALLT, 146-160.
(20), (24) Blattner, G. (2009), Facebook in the language classroom: Promises and possibilities. Instructional Technology and Distance Learning, 15-30.
(21) Bosch, T. (2009), Using online social networking for teaching and learning: Facebook use at the University of Cape Town. Journal for Communication Theory and Research, 165-183.
(22) Orphus, J. (2009), Exploring the potential perceptions of social networking systems in university courses. Journal of Online Learning and Teaching, 630-651.
(19), (27), (33), (34) Wang, Y. (2007), Online synchronous language learning: SLMS over the internet. Innovate, 3-11.
(20), (31) Fewkes, A. (2012), Facebook: Learning tool or distraction?. Journal of Digital Learning in Teacher Education. 73-90.
(21), (32) American Psychological Association. (2009), How technology changes everything and nothing in psychology. American Psychologist, 411-430.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền Thông điện tử ngày 3.4.2023
Bài liên quan
- Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- Một số vấn đề đặt ra với chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Yêu cầu rèn luyện phong cách, tác phong của giảng viên đại học
- Vai trò của podcast quảng cáo đối với doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay
- Những yêu cầu về kĩ năng biên tập ngôn ngữ sách lý luận chính trị đáp ứng mục tiêu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- 3 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 4 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua báo điện tử VietnamPlus
Trong những năm gần đây, các quốc gia trên thế giới đều nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia. Quảng bá hình ảnh quốc gia được thực hiện thông qua nhiều phương tiện và phương thức khác nhau, trong đó, báo chí đối ngoại được xem như là công cụ chủ đạo, là vũ khí sắc bén để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền hình ảnh Việt Nam với thế giới. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần phát huy hiệu quả việc quảng bá hình ảnh quốc gia trên báo điện tử VietnamPlus.
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Những ngày qua, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế lo lắng, cầu mong mọi điều bình an đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Thật buồn, khi tôi đang viết bài này thì phép màu nhiệm đã không đến... Vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim người con ưu tú của nước Việt đã ngừng đập…
Một số vấn đề đặt ra với chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Một số vấn đề đặt ra với chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo cử nhân chuyên ngành Báo ảnh lâu đời nhất tại Việt Nam, cung cấp cho hệ thống chính trị nhiều phóng viên ảnh có lý tưởng, chuyên môn cao, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Bước vào thời kỳ xã hội thông tin và chuyển đổi số, chuyên ngành Báo ảnh gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn. Bài báo đặt ra một số vấn đề với chuyên ngành Báo ảnh và đưa ra một số khuyến nghị nhằm vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo.
Yêu cầu rèn luyện phong cách, tác phong của giảng viên đại học
Yêu cầu rèn luyện phong cách, tác phong của giảng viên đại học
Trong giáo dục đại học, phong cách, tác phong của giảng viên có vai trò, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tu dưỡng, rèn luyện, hình thành nhân cách của sinh viên và chất lượng hiệu quả giáo dục, đào tạo của nhà trường. Vì vậy, tăng cường rèn luyện phong cách, tác phong của giảng viên là một trong những nội dung quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Bài viết đánh giá khái quát sự cần thiết, từ đó đề xuất một số yêu cầu rèn luyện phong cách, tác phong giảng viên đại học hiện nay.
Vai trò của podcast quảng cáo đối với doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay
Vai trò của podcast quảng cáo đối với doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay
(LLCT&TTĐT) Sau một khoảng thời gian biến động do đại dịch Covid-19 mang lại, nhu cầu sử dụng và tạo ra các nội dung kỹ thuật số đã tăng vọt từ năm 2021. Người xem cũng như người sáng tạo nội dung đã và đang có sự dịch chuyển sang các nền tảng podcast để được kết nối và tạo ra những cảm xúc tích cực hơn thông qua các chương trình phát trên podcast. Chính vì vậy, các thương hiệu đang bắt đầu đưa podcast vào chiến lược và ngân sách quảng cáo. Podcast đang cho thấy sự đa dạng hơn về cả đối tượng và nội dung chương trình. Theo báo cáo của Market.us(1), thị trường quảng cáo podcast toàn cầu được dự đoán sẽ đạt mức định giá 12,5 tỷ USD vào năm 2023, điều này cho thấy podcast quảng cáo đã và đang đem lại những lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp.
Bình luận