Một số vấn đề liên quan tới đạo đức trong các nghiên cứu truyền thông trên không gian ảo
Hầu hết mọi người khi nghĩ về đạo đức hay liên tưởng tới các quy tắc phân biệt giữa đúng và sai, chẳng hạn như các qui tắc sống vàng thể hiện trong ca dao tục ngữ của một nền văn hoá, ví dụ như “Cười người chớ vội cười lâu; cười người hôm trước, hôm sau người cười”, các quy tắc ứng xử nghề nghiệp như Lời thề của Hypocrat trong ngành y (“Trước tiên, không gây hại”), các mệnh lệnh đạo đức và tôn giáo như Mười điều răn của Chúa (“Làm người không được giết người...”), hoặc những ngôn từ khôn ngoan như những lời răn dạy của Khổng Tử. Dù thế nào thì đạo đức cũng được hiểu đơn giản là các chuẩn mực xã hội được một nhóm người chấp nhận, qui định hành vi đúng sai trong quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân và xã hội.
Trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các nghiên cứu có liên quan tới con người, các nguyên tắc đạo đức càng cần thiết. Các nguyên tắc này giúp nhà nghiên cứu quyết định lựa chọn giữa một/hay nhiều hành động phù hợp với các chuẩn mực về những gì được coi là đúng sai về đạo đức trong toàn bộ chu trình nghiên cứu từ những bước ban đầu như lựa chọn vấn đề, lựa chọn địa bàn và khách thể nghiên cứu cho đến những khâu cuối như phân tích, trình bày và báo cáo kết quả nghiên cứu. Những chuẩn mực đạo đức khoa học được xem như là nguyên tố quan trọng cho sự tồn tại phát triển của khoa học và văn hóa khoa học. Hiện nay, sự xuất hiện của các môi trường nghiên cứu mới với nhiều hứa hẹn thú vị tiếp theo sự phát triển và bùng nổ của Internet và các công nghệ trực tuyến đang tạo ra không ít những thách thức về đạo đức đối với các nhà nghiên cứu nói chung và nghiên cứu truyền thông nói riêng. Những thách thức này đến lượt nó đòi hỏi các nhà nghiên cứu cần phải xem xét và định nghĩa lại các nguyên tắc đạo đức vốn vẫn được nghiễm nhiên áp dụng trong các nghiên cứu trước đây. Với nhận thức đó, tác giả bài viết mong muốn có thể tổng thuật giới thiệu một số lo ngại và thảo luận liên quan đến đạo đức nghiên cứu trong môi trường ảo nhằm góp phần và khơi gợi thêm những thảo luận sâu sắc hơn về vấn đề này giữa các học giả trong nước trong thời gian tới.
1. Một số vấn đề đạo đức đáng chú ý trong các nghiên cứu truyền thông trực tuyến
về dữ liệu trên không gian ảo
Câu hỏi “Liệu dữ liệu trên không gian ảo là tài liệu công hay tư?” đã trở thành đề tài cho không biết bao nhiều tranh luận trên các diễn đàn học thuật. Một số cho rằng, những thảo luận và tin nhắn đăng tải trên Internet là các tài liệu công, nhưng một số khác thì không cho là như vậy(1). Với một số tác giả khác, các nội dung mà mọi người đăng tải trên Internet cũng chẳng khác gì các bức thư hay câu chuyện được đăng tải trên báo chí, chỉ có điều cần chú ý đến sự khác biệt về sức ép tâm lý vì không phải ai tham gia vào các nhóm thảo luận trên mạng cũng vì muốn tìm kiếm sự “nổi tiếng”(2). Ngay cả trong số những người sử dụng Internet thì nhiều người cũng cho rằng những thông tin, câu chuyện mà họ đăng tải trên không gian mạng là của riêng họ và do vậy không hài lòng khi các nhà nghiên cứu dùng những thông tin riêng tư đó trong nghiên cứu của họ. Một số người cũng gợi ý rằng nhà nghiên cứu có thể xác định ranh giới giữa cái chung và riêng về thông tin như vậy bằng cách xem xét cách thức đăng nhập và đăng ký vào diễn đàn/trang thông tin, số lượng người đăng ký và có thể truy cập, các qui định, qui ước và nhóm đối tượng đích của diễn đàn/trang...(3).
Do vậy, nếu nhà nghiên cứu quan tâm và muốn thực hiện nghiên cứu của mình, ví dụ phân tích thông điệp truyền thông hay quan niệm của một nhóm dân số nào đó về các chủ đề nhạy cảm như khuyết tật, lạm dụng tình dục, bạo lực, v.v.. trong một nhóm thảo luận riêng thì cần phải chú ý và xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến sự cho phép truy cập, sự đồng ý tham gia có thông tin của nhóm và các cá nhân trong nhóm và đặc biệt là sự cho phép sử dụng và đăng tải lại các trao đổi trên diễn đàn. Đây là những vấn đề rất dễ bị bỏ qua trong các nghiên cứu trên không gian mạng bởi chính nhận thức rằng các thông tin đăng tải và trao đổi trên không gian mạng là các thông tin công cộng, ai cũng có thể sử dụng. Thậm chí, để đảm bảo tính xác thực của thông tin, nhiều người còn đăng chính xác không chỉ nội dung thông tin mà còn tên nhóm, tên nhân vật và ngày tháng đăng tải của những thông tin đó... Những cách hiểu thiếu chặt chẽ về quyền truy cập được phê chuẩn, quyền tiếp cận các thông tin cá nhân như vậy đã vi phạm các nguyên tắc đạo đức nghiên cứu cơ bản khi vô hình chung đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các thành viên khi bị “nổi tiếng” một cách không mong muốn cũng như chức năng hỗ trợ của các diễn đàn/nhóm được chọn nghiên cứu(4).
Về yêu cầu bảo mật
Phần thảo luận về việc tiếp cận và sử dụng các thông tin cá nhân ở trên cho thấy rằng yêu cầu bảo mật trong các nghiên cứu trực tuyến khó được bảo toàn hơn so với các nghiên cứu ngoại tuyến. Việc thu thập các thông tin trên mạng cũng có rất nhiều rủi ro. Nếu xét mức độ riêng tư, có thể thấy các giao tiếp trực tuyến, ví dụ như thư điện tử, thì cũng chẳng khác gì so với thư tay hay các cuộc điện thoại chỉ có khác về khả năng “nghe trộm” và “lan truyền”. Một bức thư điện tử có thể được cắt, dán và gửi chuyển tiếp cho những người khác mà chủ nhân của bức thư đó không hề hay biết. Như trên đã đề cập, sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật và các phương tiện truyền thông cá nhân cho phép các cá nhân gặp những vấn đề về sức khoẻ, công việc, tình dục, giao tiếp... có thể tâm sự, chia sẻ, tìm kiếm thông tin và sự trợ giúp xã hội từ không gian mạng. Liệu điều gì sẽ xảy ra khi có “những người khác” biết được những thông tin cần bảo mật? Liệu những cá nhân thuộc nhóm dễ bị tổn thương này có bị đẩy vào những tình huống lúng túng và thậm chí nguy hiểm, vốn vẫn được định nghĩa là “mối nguy hại” trong các nghiên cứu ngoại tuyến truyền thống?
Để giảm thiểu nguy cơ này, trước hết, những người tình nguyện tham gia vào các nghiên cứu trực tuyến cần được cung cấp các thông tin cần thiết về nghiên cứu để từ đó có thể có những lựa chọn có thông tin. Ngoài ra, họ có thể sử dụng các tên hiệu riêng để bảo toàn nhân dạng và địa điểm thật của bản thân. Người tham gia cũng được toàn quyền quyết định mức độ thông tin mà họ muốn chia sẻ(5). Về phần các nhà nghiên cứu, họ cũng cần thận trọng với lời hứa về mức độ bảo mật đối với người tham gia. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, câu trả lời thành thực nhất của nhà nghiên cứu trong trường hợp này là họ sẽ cố gắng hết sức có thể để bảo toàn tính bảo mật thông tin của người tham gia nghiên cứu ở mức tối đa, tuy nhiên, thực tế có thể diễn ra khác với những gì họ mong muốn do bản chất của các phương tiện và giao tiếp trực tuyến. Bằng cách đó, người tham gia nghiên cứu hiểu rõ và hoàn toàn lường trước được những hậu quả tiềm tàng của việc đồng ý tham gia vào nghiên cứu. Việc thông tin về các hậu quả có thể xảy ra như vậy càng cần phải chú ý khi các nhà nghiên cứu muốn sử dụng các trích dẫn nguyên si từ một trao đổi trực tuyến nào đó. Mặc dù nhà nghiên cứu đã sử dụng tên giả và thay đổi các thông tin giúp nhận dạng ra người trả lời thì các công cụ tìm kiếm mạnh, chẳng hạn như Google, cũng có thể truy cứu ra các tin nhắn gốc có địa chỉ email của người đó, khiến những nỗ lực bảo toàn tính bảo mật của nhà nghiên cứu trở nên vô ích(6).
Về sự an nguy của người tham gia nghiên cứu
Trong không gian nghiên cứu nào thì nhà nghiên cứu đều có trách nhiệm bảo vệ người tham gia nghiên cứu tránh khỏi những rủi ro và mối nguy hại không mong muốn. Trong các nghiên cứu trên môi trường ảo, sự quan tâm của nhà nghiên cứu tới một cộng đồng nào đó trên không gian mạng có thể ảnh hưởng không nhỏ tới cộng đồng đó. Thậm chí khi biết có người “theo dõi” hoạt động của nhóm/diễn đàn, nhiều thành viên đã rút khỏi danh sách email của các thành viên vì cảm thấy không còn an toàn nữa hay đang bị biến thành các con chuột thí nghiệm, bị mổ xẻ bởi một người ngoài nhóm - thường là sinh viên hay nghiên cứu sinh nào đó(7). Và như vậy, vấn đề đạo đức ở đây thể hiện ở thực tế là chính nỗ lực công tác của nhà nghiên cứu đã vô hình chung làm nhóm/cộng đồng đó mất đi một/nhiều thành viên. Ảnh hưởng này còn lớn hơn nữa nếu như cộng đồng này có qui mô nhỏ và các thành viên nhóm thực sự phụ thuộc vào sự tồn tại của các thành viên khác.
Thậm chí ngay cả việc nhà nghiên cứu đăng tải lời mời và tìm kiếm sự tham gia có thông tin của các thành viên của một nhóm ảo cũng gây ra không ít căng thẳng về tâm lý cho các thành viên của nhóm. Mặc dù đã được cho phép truy cập và tham gia diễn đàn, nhà nghiên cứu có thể nhận được những bình luận thể hiện thái độ tiêu cực, “rất không thân thiện”, thậm chí bị cho là đang “lợi dụng những người trong hoàn cảnh khốn cùng”, v.v.. Không ít thành viên trong nhóm cũng khó có thể hiểu và thông cảm với suy nghĩ là có ai đó sẽ khai thác sử dụng những trao đổi riêng của họ như một nguồn số liệu nghiên cứu(8). Trong một số trường hợp hiếm hoi khi nghiên cứu được thực hiện bởi chính một thành viên của cộng đồng đó, tức là người hiểu rõ văn hoá và qui tắc ứng xử trong nhóm, thì việc này cũng khiến cho không ít các thành viên khác cảm thấy bị phản bội và do vậy tìm mọi cách để thể hiện sự chống đối của mình(9).
Có thể thấy rằng một khi thông tin đã được chia sẻ trên mạng thì nó sẽ tồn tại mãi. Đây cũng chính là một thực tế mà các nhà nghiên cứu cần phải chú ý khi thực hiện nghiên cứu trực tuyến. Nhiều người tham gia nghiên cứu có thể vẫn có suy nghĩ rằng không gian mạng không bị kiểm soát và kiểm duyệt nên dễ dàng chia sẻ những gì thầm kín nhất của mình (chẳng hạn như việc sử dụng ma tuý, hay hành vi phạm pháp trước đây của bản thân). Đặc biệt, người tham gia đôi khi còn cảm thấy thoải mái và do vậy thường là không “cảnh giác” trong những thông tin mà họ chia sẻ vì tưởng rằng họ được “an toàn” khi không phải tham gia vào những giao tiếp mặt đối mặt với nhà nghiên cứu - trong nhiều trường hợp là người lạ, chỉ là gặp gỡ trên mạng, người chưa từng và sẽ không bao giờ gặp mặt họ trực tiếp. Trong một nghiên cứu ngoại tuyến thông thường, nhà nghiên cứu có thể ngay lập tức cảnh báo người tham gia, tắt băng ghi âm hay thậm chí không gỡ những đoạn băng nhạy cảm đó. Còn trong nghiên cứu trực tuyến, nhà nghiên cứu có nỗ lực nhiều như thế nào để xoá các thông tin “nhạy cảm” nhằm bảo vệ người tham gia thì không bao giờ xoá được tận gốc. Thực tế cho thấy nếu cần người ta có thể phục hồi được tất cả các thư điện tử vốn đã bị xoá khỏi máy tính(10).
Ngay cả khi đã mời được người tình nguyện tham gia vào nghiên cứu thì cũng có khá nhiều các nguy cơ lạm dụng và quấy rối đối với người tham gia. Ví dụ, trong các thảo luận nhóm thực hiện trên không gian mạng, người tham gia có thể bị quấy rối bởi các thành viên tham gia và không tham gia nghiên cứu. Để giải quyết việc này, nhà nghiên cứu cần đưa ra một qui định về cách ứng xử trên mạng và nguyên tắc về bảo mật trong nghiên cứu. Nhà nghiên cứu lập riêng một diễn đàn thảo luận cho nghiên cứu của mình và chỉ có những người tham gia vào nghiên cứu mới được truy cập, đăng tải và trao đổi ý kiến. Bản thân nhà nghiên cứu cũng cần thường xuyên theo dõi những chia sẻ của mỗi thành viên tham gia nghiên cứu, sửa chữa nếu thấy có những từ ngữ và nội dung không phù hợp, có ý thoá mạ, công kích các/một thành viên nào đó trong nhóm... và trong trường hợp sửa chữa nhà nghiên cứu cần có giải thích rõ ràng cho cả nhóm biết lý do sửa chữa và qua đó nhấn mạnh lại các nguyên tắc ứng xử trong nhóm. Nhà nghiên cứu cũng cần làm rõ qui định về việc các thành viên không được phép chia sẻ và phát tán những gì được chia sẻ trong nhóm kín đó ra bên ngoài(11).
Một lo ngại khác nữa đó là khả năng gian dối trong các giao tiếp trực tuyến. Sự gian dối này có thể là từ phía người đồng thuận tham gia nghiên cứu. Họ có thể không nói thực về nhân dạng chính xác của mình (họ thực sự là ai?). Ngoài việc chấp nhận những gì mình nghe thấy, nhìn thấy và biết là thực, nhà nghiên cứu rất khó có thể chứng thực được người được phỏng vấn đúng là đối tượng mình cần tuyển dụng cho nghiên cứu. Làm sao nhà nghiên cứu có thể khẳng định chắc chắn người nói chuyện với mình hay chủ nhân của trang blog mà mình phân tích nội dung là của một người phụ nữ có gia đình, có con và từng có trải nghiệm về bạo lực tình dục trong hôn nhân hay đang sống chung với HIV như họ tự giới thiệu hay thể hiện trên mạng? Rồi về phía nhà nghiên cứu, bản thân nhà nghiên cứu nếu cần thiết cũng có thể che giấu hoặc tạo dựng những thông tin cá nhân của mình khi tham gia nghiên cứu (tuổi, giới tính, tầng lớp xuất thân, dân tộc, sức khoẻ...). Sự không thành thật này có vẻ là cần thiết đối với một số nghiên cứu, giúp nhà nghiên cứu có quyền tiếp cận, truy cập vào một cộng đồng ảo nào đó hay gây dựng mối quan hệ với nhóm yếu thế, tuy vậy, sự không thành thực, đặc biệt khi bị phát hiện, sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của nhà nghiên cứu, kết quả nghiên cứu và tâm lý của người tham gia nghiên cứu(12).
Vấn đề này chỉ có thể giải quyết bằng chính hiểu biết của nhà nghiên cứu về trách nhiệm của bản thân liên quan đến đạo đức nghiên cứu. Họ phải bảo đảm rằng những người tham gia nghiên cứu hiểu rõ về bản chất công cộng của các giao tiếp trên mạng trước khi ký kết bản cam kết tham gia nghiên cứu cũng như được nhắc nhớ trong toàn bộ quá trình nghiên cứu. Họ cần phải được hiểu rõ rằng họ được phép tự bảo vệ mình, cân nhắc về các thông tin trước khi chia sẻ hay gửi đến cho nhà nghiên cứu. Nhà nghiên cứu cần phải áp dụng các biện pháp bảo mật tốt nhất có thể: không đề cập hay ám chỉ đến địa chỉ hay chức năng của diễn đàn, thay đổi tên, thay đổi các thông tin có thể khiến người tham gia nghiên cứu bị nhận dạng bởi người quen của họ,... Dù cẩn trọng thế nào thì nhà nghiên cứu cũng cần hiểu và thông tin cho người tham gia hiểu, và theo đó tự quyết định có tiếp tục tham gia hay không, rằng những biện pháp bảo mật tốt nhất cũng có thể không hoàn toàn tránh được mọi rủi ro trong những nghiên cứu trực tuyến(13).
Trong bài viết này, chúng tôi đã có gắng chỉ ra một số vấn đề nổi bật liên quan đến các vấn đề đạo đức trong các nghiên cứu trực tuyến. Cũng giống như các nghiên cứu khác, các nghiên cứu trên không gian mạng vừa tạo ra môi trường và phương tiện nghiên cứu thực tế và giá trị khác với các nghiên cứu truyền thống vừa mang lại những thách thức, trong đó phải kể đến những quan ngại về đạo đức nghiên cứu. Môi trường trực tuyến không bị giới hạn về phạm vi địa lý và giúp cho nhà nghiên cứu có thể đến được tiếp cận với bất cứ ai trên thế giới hay khả năng theo dõi và truy cứu bất cứ điều gì một cá nhân chia sẻ trên không gian mạng không có nghĩa là nhà nghiên cứu có thể làm bất cứ điều gì và bằng mọi cách. Nhà nghiên cứu cần phải tính đến sự riêng tư và những rủi ro mà người tham gia nghiên cứu có thể gặp phải. Với những gì chúng tôi tổng thuật trong bài viết này, hy vọng sẽ giúp được các nhà nghiên cứu cẩn trọng hơn trong những nghiên cứu tiếp theo của mình trên không gian mạng./.
__________________________________
(1) Pitts, V., (2004) “Illness and Internet Empowerment: Writing and Reading Breast Cancer in Cyberspace”, Health, tập 8, số 1, tr. 33-59.
(2), (3), (9) Eysenback, G. and Till, J. E., (2001) “Ethical Issues in Qualitative Research on Internet Communities”, British Medical Journal, tập 323, số 7321, tr. 1103-1105.
(4), (10), (12) Liamputtong, P., (2006) “Qualitative Cyberspace Research: An Introduction”, in Liamputtong, P. (ed) 2014, Health Research in Cyberspace: Methodological, Practical and Personal Issues, Nova Science Publishers, Inc., New York, tr. 1-25.
(5), (8) Sharf, B. F., (1999) “Beyond Netiquette: The Ethics of Doing Naturalistic Discourse Research on the Internet”, in Jones, S. (ed) (1999) Doing Internet Research: Critical Issues and Methods for Examining the Net, Sage Publications, Thousand Oaks, CA., tr. 243-256.
(6) King, S.A., (1996) “Researching Internet Communities: Proposed Ethical Guidelines for the Reporting of Results”, The Information Society, tập 12, tr. 119-127.
(11) Mann, C. and Stewart, F., (2000) Internet Communication and Qualitative Research: A Handbook for Researching Online, Sage Publication, London.
(13) Reid, E., (1996) “Informed Consent in the Study of On-Line Communities. A Reflection on the Effects of Computer-Mediated Social Research”, The Information Society, tập 12, số 2, tr. 169-174.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông tháng 2.2021
Bài liên quan
- Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
- Một số giải pháp tăng cường quản lý nội dung số của VTVcab, Đài truyền hình Việt Nam
- Một số giải pháp nhằm quản lý thông tin về thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực Nông nghiệp trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay
- Xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay
- (LLCT&TT) Phát thanh và sự tin cậy(*)
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Chiều 25/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin. Đây là phiên họp cuối cùng trong kế hoạch làm việc chung của Hội đồng để thống nhất thông qua Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Báo chí và thông tin, bước cuối cùng trước khi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiệm thu theo quy định.
Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Các chương trình tương tác là một trong những nội dung được đánh giá là hấp dẫn và thu hút công chúng trên báo mạng điện tử hiện nay. Không còn dừng lại ở một vài hình thức nhỏ lẻ, cùng với sự linh hoạt của báo mạng điện tử, các chương trình tương tác ngày càng đa dạng và phong phú về nội dung và hình thức, tăng thêm sức hấp dẫn cho tờ báo, thu hút công chúng. Bài viết sẽ đi sâu vào nghiên cứu về vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử hiện nay, làm rõ dưới các góc độ công chúng, tờ báo và hoạt động báo chí nói chung, từ đó lý giải được nguyên nhân vì sao các chương trình tương tác đang ngày càng được các tờ báo mạng điện tử coi trọng và tập trung phát triển.
Một số giải pháp tăng cường quản lý nội dung số của VTVcab, Đài truyền hình Việt Nam
Một số giải pháp tăng cường quản lý nội dung số của VTVcab, Đài truyền hình Việt Nam
Để bắt kịp những xu thế báo chí hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, đồng thời, đáp ứng yêu cầu công tác thông tin, truyền thông của nhà nước, việc quản lý nội dung số của Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) - Đài Truyền hình Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng. Nó có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều khía cạnh của hoạt động truyền hình, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành truyền hình tại Việt Nam.
Một số giải pháp nhằm quản lý thông tin về thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực Nông nghiệp trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay
Một số giải pháp nhằm quản lý thông tin về thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực Nông nghiệp trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay
Dựa trên những ứng dụng siêu kết nối và sự phát triển vượt bậc của AI (trí tuệ nhân tạo), những nguồn dữ liệu khổng lồ (bigdata) len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống của nhân loại. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng nền kinh tế số là một tất yếu khách quan. Tại Việt Nam, quốc gia sản xuất nông nghiệp phát triển, việc xây dựng kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành liên quan, mà rất cần sự vào cuộc của báo chí, truyền thông. Từ đó, bằng sức mạnh của minh, thông tin báo chí sẽ góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi sản xuất, thói quen mua - bán sản phẩm nông sản, đáp ứng yêu cầu của kinh tế số và thương mại điện tử trong lĩnh vực kinh tế có quy mô lớn của nước ta hiện nay.
Xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay
Xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay
Để đạt mục tiêu 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước) như Chính phủ đề ra ở Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhiều cơ quan truyền hình tại Việt Nam đổi mới tư duy, quyết tâm hành động và coi truyền hình đa nền tảng là giải pháp đột phá với bước đi, lộ trình phù hợp. Bài viết khái quát xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay, những thành công và một số hạn chế của xu hướng này.
Bình luận