Một vài nét về diễn biến, nguyên nhân và mục tiêu của cuộc tiến công biên giới phía Bắc Việt Nam (tháng 2.1979)
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời (1.7.1921) và tiếp sau là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930), nhân dân hai nước Việt Nam, Trung Quốc đã có sự hợp tác, phối hợp và giúp đỡ lẫn nhau một cách chặt chẽ và hiệu quả. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam, Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã dành sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn cho Việt Nam, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là sự giúp đỡ nhân dân Việt Nam không bao giờ quên.
Trong khoảng thời gian Việt Nam tiến hành kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ nền độc lập, trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc tuy có những va vấp nhất định, nhưng nhìn tổng thể, quan hệ hợp tác hữu nghị trên cơ sở của chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa quốc tế vô sản vì hòa bình, ổn định và lợi ích của hai nước vẫn là dòng chủ đạo. Nhưng sau khi đất nước Việt Nam được thống nhất, thái độ của Trung Quốc với Việt Nam có nhiều chuyển biến tiêu cực. Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, kích động tâm lý thù hận dân tộc, cắt viện trợ, khiêu khích vũ trang, xâm lấn đất đai (từ 234 vụ năm 1975, 812 vụ năm 1976, lên 873 vụ năm 1977 và 2175 vụ năm 1978), gây nên tình hình căng thẳng, phức tạp giữa hai nước trên vùng biên giới phía Bắc Việt Nam.
Đến giữa năm 1978, Trung Quốc dựng lên “sự kiện nạn kiều”, đưa gần 20 vạn Hoa kiều về nước, vu cáo Việt Nam ngược đãi, xua đuổi, khủng bố Hoa kiều, gây ra tình hình ngày càng nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết tình hình nói trên bằng giải pháp hòa bình, đồng thời khẩn trương tăng cường lực lượng, đẩy mạnh xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước. Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới chung dài 1.400 km chạy qua 8 tỉnh của Việt Nam là Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, với 27 huyện, 145 xã, 19 thị trấn và 3 tỉnh của Trung Quốc là Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam.
Do tình hình căng thẳng trên biên giới phía Bắc, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị: Tổ chức xây dựng thế trận phòng thủ ở các tỉnh biên giới và quần đảo Đông Bắc thuộc Quân khu 1; Tăng cường củng cố bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, triển khai lực lượng phòng thủ và cơ động xây dựng công trình chiến đấu, tổ chức hệ thống kho trạm, củng cố hệ thống chỉ huy, thông tin liên lạc.
Quân khu 1 bố trí lực lượng, xây dựng thế trận phòng thủ trên hướng Lạng Sơn (trọng điểm là Đông Bắc, Cao Lộc, Lộc Bình), hướng Cao Bằng (trọng điểm là Hà Quảng, Trà Lĩnh, Hòa An) và hướng Quảng Ninh.
Quân khu 2 bố trí thế trận phòng thủ trên hướng Hoàng Liên Sơn (trọng điểm là thị xã Lào Cai), hướng Lai Châu (trọng điểm là thị trấn Phong Thổ) và hướng Hà Giang.
Các Quân khu 3, 4, các quân chủng, binh chủng, quân đoàn được chỉ đạo xây dựng lực lượng, chuyển một số đơn vị làm kinh tế sang làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu chống đổ bộ đường không, đường biển, bảo vệ vững chắc hậu phương; sẵn sàng chi viện lực lượng, phương tiện, vật chất cho các quân khu phía trước chiến đấu bảo vệ biên giới.
Ngày 3.11.1978, Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác, đề cập sự hợp tác, phát triển toàn diện giữa hai nước, trong đó có vấn đề quốc phòng-an ninh.
Tháng 12.1978, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IV) ra Nghị quyết nhấn mạnh: Tăng cường quốc phòng - an ninh và bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng mọi mặt công tác chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh quy mô lớn có thể xảy ra. Ngày 6.1.1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị Về tăng cường chiến đấu ở các tỉnh phía Bắc, nhấn mạnh: Phải theo dõi nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện âm mưu và hành động tiến công, phá hoại của kẻ thù, quyết không để bị bất ngờ, không mắc mưu khiêu khích… Gấp rút đẩy mạnh công tác sẵn sàng chiến đấu ở các địa phương trên toàn biên giới, bảo đảm đánh thắng ngay từ đầu trong bất kỳ tình huống nào.
Ngày 8.1.1979, Quân ủy Trung ương ra Chỉ thị sẵn sàng chiến đấu, yêu cầu: Tất cả các quân khu, quân chủng, binh chủng, đặc biệt là Quân khu 1, Quân khu 2 và các tỉnh biên giới phía Bắc, các quân chủng Phòng không, Không quân, Hải quân phải ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Các sư đoàn, các đơn vị trực thuộc của quân khu, quân chủng, các trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội bộ đội địa phương tỉnh và huyện phải bảo đảm từ 1/3 đến 1/2 quân số luôn luôn tại trận địa, chiến hào. Các trận địa pháo mặt đất, pháo phòng không phải bố trí sẵn ở trận địa để có thể nổ súng được ngay.
Ngày 11.1.1979, Bộ Tổng Tham mưu ra mệnh lệnh chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất cho các lực lượng vũ trang, đặc biệt là các đơn vị làm nhiệm vụ trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Thực hiện các chỉ thị, mệnh lệnh trên, quân và dân cả nước, đặc biệt là các lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2 và nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc gấp rút củng cố thế trận phòng thủ, chấn chỉnh tổ chức, biên chế, bổ sung lực lượng, trang bị kỹ thuật, tăng cường huấn luyện, hoàn chỉnh phương án tác chiến, sẵn sàng chiến đấu.
Như vậy, từ tháng 7.1978 đến giữa tháng 2.1979, quân dân cả nước đã nhanh chóng chuyển thế trận, vốn là hậu phương trước đây thành tiền tuyến của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhanh chóng hình thành ba hướng chiến lược: Quân khu 1, Quân khu 2, Quảng Ninh; bố trí trên mỗi hướng chiến lược lực lượng tương đương một quân đoàn và tổ chức tuyến phòng thủ bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hiệp đồng tác chiến giữa các Quân khu và các Quân chủng.
Từ tháng 8.1978, Trung Quốc điều động lực lượng từ phía sau ra biên giới Trung - Việt gồm 32 sư đoàn bộ binh (9 quân đoàn và 5 sư đoàn độc lập), cùng 550 xe tăng, xe bọc thép, 2.258 pháo các loại, trong đó có 1.092 pháo xe kéo, 676 máy bay. Trên biển, hàng chục tàu chiến của Hạm đội Nam Hải áp sát hỗ trợ. Ngoài ra, Trung Quốc còn bố trí nhiều trận địa pháo, trạm ra đa, trang bị vũ khí cho dân binh ở vùng biên giới, tổ chức diễn tập chuẩn bị cho cuộc tiến công.
Vào lúc 5 giờ sáng ngày 17.2.1979, hàng chục vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới Trung Quốc - Việt Nam, tiến công nhiều mục tiêu trên toàn tuyến biên giới nhằm nhanh chóng đánh chiếm một số thị xã, đường tiếp tế của Việt Nam từ phía sau lên. Hướng tiến công chủ yếu là Lạng Sơn, Cao Bằng, hướng quan trọng là Lào Cai, hướng phối hợp là Phong Thổ, Lai Châu, hướng nghi binh để thu hút lực lượng của Việt Nam là Hà Tuyên và Quảng Ninh.
Cách đánh chủ yếu của Trung Quốc là sử dụng lực lượng áp đảo bất ngờ tiến công đồng loạt, tập trung vào hướng chính diện kết hợp với vu hồi, thọc sâu, bao vây, chia cắt lực lượng ta, đặc biệt là sử dụng pháo binh gây sát thương lớn cho bộ đội và dân thường Việt Nam.
Một câu hỏi lớn đặt ra là vì sao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từng có quan hệ gắn bó, hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau, đang cùng xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam vừa mới kết thúc chưa đầy 4 năm… lại rơi vào mối quan hệ xấu đến mức Trung Quốc huy động hàng chục vạn quân tiến đánh Việt Nam? Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy cuộc tiến công quy mô rất lớn này của Trung Quốc dựa vào các lý do sau:
- Vì Trung Quốc cho rằng Việt Nam ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô (ngày 3.11.1978), khẳng định chính sách ngả hẳn về Liên Xô (nhất biên đảo) trong bối cảnh mâu thuẫn Trung - Xô đang diễn ra gay gắt. Lãnh đạo Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã phản bội vì Trung Quốc đã giúp Việt Nam rất nhiều về vật chất và ủng hộ về tinh thần trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
- Vì Việt Nam đưa quân xâm lược Campuchia, đánh chiếm thủ đô Phnôm Pênh của một nước có chủ quyền, vì thế phải trừng phạt Việt Nam để cứu chính quyền Campuchia Dân chủ của tập đoàn Pôn Pốt-Iêng Xary; để ngăn chặn ý đồ của Việt Nam mở rộng xâm lược ra các nước khác trong khu vực.
- Vì Việt Nam chủ trương phản Hoa, bài Hoa, gây ra vụ nạn kiều, xua đuổi người Hoa sinh sống lâu đời ở Việt Nam về nước, gây nên tình cảnh thống khổ cho Hoa kiều nên Trung Quốc phải hành động để bảo vệ Hoa kiều.
- Trung Quốc buộc phải phản kích để tự vệ vì các đơn vị bộ đội Việt Nam đã hàng trăm lần tiến hành khiêu khích vũ trang, xâm phạm biên giới Trung Quốc, làm chết và làm bị thương hàng trăm bộ đội biên phòng và người dân trên vùng biên giới của Trung Quốc.
Điều này được thể hiện trong cuốn sách “Lịch sử ngoại giao Trung Quốc đương đại, 1949-2001” do Tạ Ích Hiểu chủ biên, bản dịch tiếng Việt. Trang 294 có đoạn: “Đối với hành động khiêu khích vũ trang và đối địch chống Hoa, bài Hoa điên cuồng của lãnh đạo Việt Nam, trong một thời gian dài, Trung Quốc đều có thái độ hết sức kiềm chế, nhẫn nhịn. Tháng 8 năm 1978, sau khi đàm phán cấp Thứ trưởng ngoại giao bắt đầu, Việt Nam vẫn tiếp tục phản Hoa, bài Hoa; sau tháng 8, đã xâm phạm biên giới Trung Quốc ở 162 nơi, tiến hành khiêu khích vũ trang đối với Trung Quốc 705 lần, đánh chết và làm bị thương 300 người gồm dân biên phòng và cư dân sống ở biên giới Trung Quốc. Trong thời gian này, lãnh đạo Việt Nam đã sử dụng vũ trang quy mô lớn xâm lược Campuchia, ngày 7 tháng 1 đã xâm chiếm thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia và đang dàn thế để chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ Campuchia. Chủ nghĩa bá quyền khu vực Việt Nam đã liều lĩnh đến mức không thể rút lại được. Xuất phát từ yêu cầu phản kích kẻ xâm lược Việt Nam, yêu cầu bảo vệ an ninh và hòa bình ở vùng biên cương, xuất phát từ tư duy chiến lược hạn chế đà phát triển của chủ nghĩa bá quyền khu vực Việt Nam, từ đó phản kích chủ nghĩa bá quyền Liên Xô tại Đông Nam Á, bộ đội biên phòng Trung Quốc đã tiến hành phản kích tự vệ vào ngày 17.2.1979”. Đây là những lý lẽ hết sức sai trái, bịa đặt.
Theo nghiên cứu của chúng tôi, cuộc tiến công quân sự quy mô lớn này nhằm các mục tiêu:
Một là, cứu nguy và hỗ trợ cho tập đoàn cầm quyền Pôn Pốt-Iêng Xary-Khiêu Xămphon của Campuchia Dân chủ, bị quân và dân Việt Nam phối hợp với quân và dân Campuchia đánh đuổi, hiện đang tập trung co cụm lực lượng ở khu vực biên giới Campuchia-Thái Lan, quay trở lại nắm quyền, nhằm giữ Campuchia trong quỹ đạo của Trung Quốc. Ý đồ của lãnh đạo Trung Quốc là chiếm một số khu vực đất đai của Việt Nam, nếu điều kiện thuận lợi sẽ tiến vào sâu trong nội địa, buộc Việt Nam phải đàm phán và buộc phải rút quân đội khỏi Campuchia để bảo vệ miền Bắc, đánh đổi việc Trung Quốc rút quân.
Hai là, chứng minh với Mỹ và các nước tư bản phương Tây sự sẵn sàng bắt tay với những nước này, không phân biệt “ý thức hệ” nhằm tranh thủ tiền của và vật chất, kỹ thuật của Mỹ và các nước tư bản phương Tây giúp Trung Quốc cải cách mở cửa, thực hiện mục tiêu 4 hiện đại hóa đã được đề ra.
Ba là, phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng của Việt Nam, làm cho Việt Nam suy yếu, tiêu diệt một bộ phận lực lượng vũ trang, kích động bạo loạn, hạ uy thế quân sự, chính trị của Việt Nam, buộc Việt Nam phải đi theo Trung Quốc.
Bốn là, răn đe các nước khác ở khu vực Đông Nam Á và các nước khác có chung đường biên giới với Trung Quốc, lôi kéo các nước này chống lại Việt Nam.
Năm là, thăm dò phản ứng và sự trợ giúp của Liên Xô cho Việt Nam sau khi Liên Xô ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác với Việt Nam; thăm dò phản ứng của dư luận thế giới để chuẩn bị cho các hành động tiếp sau.
Sáu là, giải quyết mâu thuẫn nội bộ, thống nhất quan điểm đối với vấn đề Việt Nam, gây sức ép tối đa nhằm buộc Việt Nam phải đi theo Trung Quốc.
Bảy là, kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc để thực hiện hiện đại hóa quân đội, bởi vì quân đội Trung Quốc đã trải qua gần 3 thập kỷ không có chiến tranh, vũ khí trang bị, kỹ thuật, chiến thuật lạc hậu, hạn chế.
Trước hành động tấn công ồ ạt của quân Trung Quốc, giết hại nhiều dân thường, tàn phá nhiều công trình kinh tế, văn hóa, giáo dục của các tỉnh dọc biên giới, ngày 4.3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi quân dân cả nước: phát huy khí thế cách mạng, hăng hái thi đua lao động sản xuất với kỷ luật chặt chẽ và năng suất cao… quyết tâm giữ vững biên cương của Tổ quốc.
Ngày 5.3, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng công bố Lệnh Tổng động viên cả nước để bảo vệ Tổ quốc. Cùng ngày 5.3, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định 83-CP quy định mọi công dân nam từ 18 đến 45 tuổi, nữ từ 18 đến 35 tuổi có đủ điều kiện ra nhập dân quân du kích, tự vệ, thực hiện chế độ làm việc và luyện tập quân sự đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ngày 5.3, Trung Quốc tuyên bố rút quân. Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam chỉ thị cho các lực lượng vũ trang và nhân dân vùng biên giới ngừng mọi hoạt động tiến công quân sự để Trung Quốc rút quân.
Ngày 18.3, Trung Quốc rút hết quân khỏi Việt Nam sau khi giết hại nhiều dân thường, phá hoại, tàn phá nhiều địa phương, hạ tầng cơ sở kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Tuy nhiên ở một số nơi trên tuyến biên giới, nhất là Hà Giang, cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc còn kéo dài 10 năm sau đó.
Cuộc tiến công quân sự tháng 2.1979 được Trung Quốc chuẩn bị từ khá lâu, kỹ càng nhằm đánh đòn chủ động, bất ngờ. Trung Quốc mới sử dụng lực lượng lục quân của các quân khu phía Nam Trung Quốc, chưa dùng không quân, tên lửa, hải quân. Đây là cuộc tiến công hạn chế về thời gian nhưng có quy mô rất lớn về lực lượng tham chiến và không gian tiến công.
- Trung Quốc sử dụng lực lượng lớn, bất ngờ, chủ yếu là bộ binh, xe tăng và pháo binh, tiến công đồng loạt trên diện rộng, hành động giết chóc dã man, tàn bạo. Tuy nhiên, do chất lượng các đơn vị tham gia tác chiến hạn chế, vũ khí, trang bị và cách đánh yếu kém nên quân Trung Quốc bị nhiều tổn thất.
- Việt Nam dựa vào lực lượng tại chỗ tác chiến là chủ yếu, tiến hành triển khai kịp thời thế trận chiến tranh nhân dân địa phương, chưa huy động các quân đoàn chủ lực trực tiếp tham chiến, chưa huy động các quân chủng Phòng không, Không quân, Hải quân và các lực lượng chủ yếu của các binh chủng tham chiến.
Cuộc tiến công quân sự của Trung Quốc đối với Việt Nam tháng 2 năm 1979 là một vết đen trong lịch sử quan hệ hai nước, đã đưa quan hệ giữa hai nước vào một thời kỳ căng thẳng, bất ổn kéo dài hơn hai thập kỷ.
____________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2019
PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà
Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: http://lyluanchinhtri.vn
Bài liên quan
- Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
- Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
- Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
- Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
- Một số vấn đề về nhận diện bản chất của chủ nghĩa tư bản trong thời đại mới, góp phần củng cố vững chắc định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 3 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 4 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 5 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nghiên cứu dựa trên các điều tra khảo sát hàng năm của khoa Xã hội học và Phát triển đối với sinh viên đang học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm đánh giá về nhiều vấn đề xã hội trong có đánh giá về giảng viên và cơ sở vật chất thông qua 48 biến số. Kết quả nghiên cứu năm 2024 với 734 sinh viên cho thấy, phần lớn sinh viên đánh giá ở mức cao hơn so với một số đánh giá của sinh viên tại các trường đại học khác. Có 7 nhóm yếu tố được đánh giá ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về giảng viên và cơ sở vật chất gồm: Chất lượng giảng viên; Chuyên môn của giảng viên; Phương pháp dạy của giảng viên; Năng lực tổ chức môi trường học tập; Phẩm chất sư phạm của giảng viên; Cố vấn học tập; Cơ sở vật chất. Đối với biến phụ thuộc đo lường về sự hài lòng của sinh viên dựa trên thang đo niềm tin (được đánh giá với thang đo từ 0-9 điểm) thông qua 9 biến số về quản lý, giảng viên, cơ chế đào tạo, phương pháp giảng dạy, thư viện và cơ sở vật chất của giảng đường.
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp to lớn đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Đối với công tác xây dựng Đảng, Đồng chí giữ vai trò là ngọn cờ lý luận, là người truyền cảm hứng, là nhà lãnh đạo xuất sắc trong thực hành công tác xây dựng Đảng, là người cộng sản mẫu mực, là tấm gương sáng ngời cho cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện.
Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Trong quá trình thực thi quyền lực chính trị, tính chính đáng cầm quyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tính chính đáng được xây dựng dựa trên cơ sở niềm tin của người dân đối với chủ thể cầm quyền, là sự thừa nhận rằng, chủ thể đó xứng đáng được cầm quyền. Nếu chủ thể cầm quyền có tính chính đáng cao, khi đưa ra các quyết định, các mệnh lệnh, mức độ chấp hành của người dân cũng cao. Điều này quy định tính hiệu quả của việc thực thi quyền lực.
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một chủ trương mới, được đưa ra trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm 2021. Tuy nhiên, nội dung, phương thức, bản chất của quản trị quốc gia là vấn đề còn khá mới mẻ và có nhiều ý kiến khác nhau. Mặt khác, vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quản trị quốc gia như thế nào? Bài viết góp phần thảo luận và phân tích, làm rõ những nội dung liên quan đến những vấn đề đó.
Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng ta kế thừa, vận dụng xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Trong bối cảnh mới hiện nay, nhiệm vụ tiếp tục quán triệt giá trị chân lý trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Bình luận