Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự cho người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội theo chức năng, nhiệm vụ của công an phường
1. Khái quát tình hình người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hà Đông
Hà Đông là quận nội thành phía Tây Nam của Thủ đô Hà Nội, là “cửa ngõ” gắn kết khu vực các quận nội thành với các huyện ngoại thành, có vị trí quan trọng trong hành lang kết nói Thủ đô Hà Nội với các tỉnh khu vực Tây Bắc. Thời gian qua, quận Hà Đông có tốc độ phát triển kinh tế cao và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Hiện nay, trên địa bàn quận có 22 khu đô thị mới, là các khu đô thị: Mỗ Lao, Văn Quán, Văn Khê, An Hưng, An Phú, Dương Nội, Đồng Mai, Thanh Hà, La Khê, XaLa, Geleximco, Lê Trọng Tấn, Kiến Hưng, Park City, Phú Lãm, Phú Lương, Usilk City, Văn La - Văn Khê, Nam La Khê, Bông Đỏ, Đô Nghĩa. Các khu đô thị có nhiều chung cư cao cấp và dịch vụ hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, trong đó có người nước ngoài.
Trong những năm qua, các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hà Đông đã thu hút một lượng lớn người nước ngoài đến sinh sống và làm việc, chiếm phần lớn số lượng người nước ngoài trên địa bàn quận. Tại thời điểm tháng 12 năm 2024, có 519 người nước ngoài cư trú, làm việc tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hà Đông, chiếm tỷ lệ 40,83% so với tổng số người nước ngoài cư trú trên địa bàn quận (1).
Người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hà Đông nhìn chung đều có ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng các quy định và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận người nước ngoài chưa nhận thức được đầy đủ về trách nhiệm pháp lý của mình, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến an ninh, trật tự. Theo thống kê từ năm 2019 đến năm 2024, Công an quận Hà Đông đã phát hiện và xử lý 68 trường hợp người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, chủ yếu là các hành vi không khai báo tạm trú, tạm trú quá thời hạn, không mang theo hộ chiếu, giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu. Bên cạnh đó, Công an quận Hà Đông cũng đã phát hiện, xử lý 21 vụ việc phạm pháp hình sự liên quan đến người nước ngoài tại khu đô thị mới, gồm: 10 vụ việc về trộm cắp tài sản của người nước ngoài, 9 vụ việc cố ý gây thương tích, 01 vụ việc về lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 01 vụ việc bắt giữ đối tượng người nước ngoài đang bị truy nã (2).
2. Thực tiễn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự cho người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hà Đông theo chức năng, nhiệm vụ của công an phường
Trước tình hình trên, để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về an ninh, trật tự của người nước ngoài, Công an các phường trên địa bàn quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai các biện pháp liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự cho người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hà Đông. Cụ thể là:
Về nội dung tuyên truyền, phổ biến, công an các phường trên địa bàn quận Hà Đông đã tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài; các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; về bảo đảm trật tự công cộng (3).
Về hình thức tuyên truyền, phổ biến đã thực hiện trong thời gian qua của công an các phường trên quận Hà Đông bao gồm:
Một là, trực tiếp gặp gỡ người nước ngoài để tuyên truyền. Đây là hình thức phổ biến nhất mà công an các phường đã áp dụng. Theo đó, cán bộ công an phường đã trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với người nước ngoài tại nơi cư trú, làm việc để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự.
Hai là, thông qua việc xử lý các vụ việc vi phạm hành chính liên quan đến người nước ngoài tại các khu đô thị mới để tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự cho người nước ngoài. Chẳng hạn như: thông qua giải quyết vụ việc tranh chấp tài sản dẫn đến xô sát ngày 28/6/2022 giữa 02 người nước ngoài quốc tịch Trung Quốc làm việc tại công ty Best Express và nhân viên Bưu cục FS Express Hà Đông (số 6TT34c KĐT Văn Phú, phường Phú La), công an phường Phú La đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo đảm trật tự công cộng, các quy định của pháp luật hình sự liên quan đến các hành vi cố ý gây thương tích cho hai người nước ngoài và yêu cầu họ không được tái diễn các hành vi tương tự (4).
Ba là, phát tờ rơi để tuyên truyền. Đây cũng là một hình thức tuyên truyền được công an một số phường trên địa bàn quận thực hiện trong thời gian qua. Công an các phường đã biên tập, khái lược các quy định của pháp luật Việt Nam về cư trú của người nước ngoài; giới thiệu các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam bằng tiếng Anh được Công an một số phường phát cho số người nước ngoài cư trú trên địa bàn phường trong đó có số người nước ngoài cư trú tại các khu đô thị mới.
Bốn là, niêm yết tại các tòa nhà chung cư tại khu đô thị mới nơi có người nước ngoài cư trú, làm việc. Công an các phường đã phối hợp với các Ban quản lý khu chung cư, khu đô thị mới để niêm yết công khai các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự bằng tiếng Anh tại các tòa nhà chung cư nơi có người nước ngoài cư trú và làm việc. Thông thường, công an phường thường lựa chọn niêm yết tại sảnh các chung cư hoặc trong thang máy các chung cư, đảm bảo 100% cư dân trong các tòa chung cư, trong đó có người nước ngoài được tiếp cận với các thông tin tuyên truyền pháp luật.
Năm là, tuyên truyền thông qua mạng xã hội. Thực tế cho thấy, các cư dân cư trú tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận thường tham gia các nhóm, hội trên mạng xã hội (zalo, facebook), do đó, công an các phường trên địa bàn quận thời gian qua đã thông qua các nhóm, hội này để tuyên truyền các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự cho cộng đồng cư dân tại các khu đô thị mới, trong đó có cả những người nước ngoài.
Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự cho người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hà Đông trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của người nước ngoài trên địa bàn, qua đó hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự của người nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác này vẫn còn những hạn chế nhất định:
Thứ nhất, việc triển khai chưa được thường xuyên, liên tục
Về cơ bản, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự cho người nước ngoài tại các khu đô thị mới mới chỉ được Công an các phường triển khai vào một số thời điểm nhất định trong năm, hoặc theo các kế hoạch của công an cấp trên, mà chưa được triển khai một cách thường xuyên, liên tục. Trong khi đó, người nước ngoài trên địa bàn quận Hà Đông thường xuyên có sự biến động. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự cho người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận thời gian qua.
Thứ hai, hình thức tuyên truyền chưa thực sự đa dạng, chưa thực sự phù hợp với đối tượng là người nước ngoài
Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự cho người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận của công an phường mới chỉ dừng lại ở một số hình thức như gặp gỡ trực tiếp, phát tờ rơi, niêm yết tại các khu đô thị mới, qua mạng xã hội hoặc thông qua xử lý các vụ việc phức tạp liên quan đến người nước ngoài. Nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được quy định trong Luật phổ biến, giáo dục chưa được triển khai như tổ chức hội nghị để tuyên truyền; biên soạn, cung cấp tài liệu tuyên truyền...(5). Nhìn chung, các hình thức công an phường đã triển khai chưa thật sự phù hợp với đối tượng là người nước ngoài tại các khu đô thị mới, chưa thu hút được sự quan tâm tìm hiểu của những người nước ngoài, đặc biệt là những người bận rộn.
Thứ ba, nội dung tuyên truyền mới chỉ tập trung vào các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, về nguyên tắc, công an các phường trên địa bàn quận phải tuyên truyền đầy đủ các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự đối với người nước ngoài. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, thời gian qua, hầu hết công an các phường trên địa bàn quận chủ yếu tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài mà ít chú trọng vào tuyên truyền các nội dung pháp luật khác.
Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan:
Về nguyên nhân khách quan
Một là, người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hà Đông thường tạm trú trong thời gian ngắn; nhiều người nước ngoài làm việc tại các địa bàn khác, chỉ về nơi cư trú vào ban đêm; một bộ phận người nước ngoài sống khép kín, không hợp tác với lực lượng công an. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định đối với công an các phường trong triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người nước ngoài.
Hai là, các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự nói chung, liên quan đến người nước ngoài nói riêng thời gian qua thường xuyên được sửa đổi, bổ sung. Điều này cũng tạo ra áp lực nhất định cho công an các phường trong việc cập nhật và truyền đạt thông tin pháp luật kịp thời đối với người nước ngoài.
Ba là, kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự nói chung, tuyên truyền, phổ biến cho người nước ngoài tại các khu đô thị mới nói riêng nhìn chung còn hạn chế.
Về nguyên nhân chủ quan
Một là, số lượng cán bộ công an phường còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ công tác ngày càng cao.
Trong bối cảnh yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn phường trên địa bàn quận Hà Đông ngày càng nặng nề, nhất là thời gian qua, công an các phường phải triển khai quyết liệt việc cấp căn cước công dân, định danh điện tử cho công dân theo Đề án 06; trong khi đó, số lượng cán bộ công an phường còn thiếu, đã ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt công tác, trong đó có công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự cho người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận. Cụ thể, số lượng cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự cho người nước ngoài tại một số phường trên địa bàn quận Hà Đông như sau: phường Hà Cầu 02/26 đồng chí Công an phường, phường Phú Lương 01/29 đồng chí Công an phường, phường Phú Lãm 07/26 đồng chí Công an phường, phường Vạn Phúc 07/24 đồng chí Công an phường (6).
Hai là, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ công an các phường trực tiếp làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người nước ngoài còn hạn chế.
Số cán bộ, chiến sĩ có thể sử dụng ngoại ngữ để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người nước ngoài tại các khu đô thị mới còn chưa đảm bảo; số lượng cán bộ, chiến sĩ thành thạo ngoại ngữ ít. Khả năng về công nghệ thông tin của đội ngũ công an phường nhìn chung còn hạn chế. Đội ngũ công an phường thiếu các cán bộ, chiến sĩ có kiến thức về đa văn hóa, khả năng giao tiếp đa văn hóa, vì vậy, cán bộ, chiến sĩ chưa tự tin trong việc tư vấn, hỗ trợ, phổ biến các quy định pháp luật về an ninh, trật tự đến người nước ngoài.
3. Dự báo và một số giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự cho người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội
Trong những năm tới, quận Hà Đông dự kiến sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng và tiện ích, cùng với đó là sự tác động của chính sách đầu tư và mở cửa. Điều này sẽ thu hút ngày càng nhiều người nước ngoài đến quận Hà Đông, kéo theo là tình hình an ninh, trật tự tại các đô thị mới diễn ra ngày càng phức tạp. Do đó, cần có các giải pháp để tiếp tục tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự cho người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội theo chức năng, nhiệm vụ của công an phường. Từ thực tế công tác tuyên truyền và những hạn chế, nguyên nhân đã nêu, thời gian tới, công an phường cần thực hiện tốt những vấn đề sau:
Một là, thường xuyên đổi mới nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự cho người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hà Đông.
Công an phường cần căn cứ vào đặc điểm của người nước ngoài, thực tiễn những vấn đề phức tạp nảy sinh liên quan đến người nước ngoài để xác định các nội dung trọng tâm cần tuyên truyền, phổ biến. Cần tập trung vào những vấn đề người nước ngoài còn chưa hiểu rõ, còn khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện. Bên cạnh đó, nội dung tuyên truyền pháp luật về an ninh, trật tự phải được cập nhật thường xuyên phù hợp với sự thay đổi của hệ thống pháp luật.
Đồng thời, cần đơn giản hóa ngôn ngữ và làm cho các nội dung tuyên truyền trở nên dễ hiểu, dễ nhớ. Tài liệu tuyên truyền phải được dịch sang các ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn và các ngôn ngữ khác phù hợp với đối tượng tiếp nhận, đồng thời điều chỉnh nội dung cho phù hợp với văn hóa và phong cách giao tiếp của từng quốc gia.
Hai là, đa dạng, linh hoạt các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự đối với người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hà Đông.
Công an các phường trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt các hình thức tuyên truyền cho người nước ngoài đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua, đồng thời áp dụng các hình thức tuyên truyền, phổ biến mới như: tuyên truyền qua các kênh thông tin trực tuyến, nhất là thông qua mạng xã hội; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến; xây dựng các điểm tư vấn pháp luật; phát hành tài liệu, bảng tin; lồng ghép yếu tố văn hóa và trải nghiệm sống vào tuyên truyền.
Ba là, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa công an phường với các cơ quan, tổ chức trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự đối với người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hà Đông.
Công an các phường cần phối hợp chặt chẽ với công an cấp trên, đồng thời, thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm, sáng kiến trong công tác tuyên truyền để nhân rộng các mô hình, hình thức tuyên truyền hiệu quả. Bên cạnh đó, công an phường cần phối hợp chặt chẽ với UBND phường để lồng ghép các hoạt động tuyên truyền với các chương trình, hoạt động của phường; phối hợp với đoàn thanh niên để thành lập các đội tuyên truyền trẻ; phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, trường học, câu lạc bộ của người nước ngoài, ban quản lý khu đô thị mới nhằm tổ chức các buổi gặp mặt, hội thảo, tọa đàm; hợp tác với các đơn vị công nghệ thông tin và truyền thông để sản xuất các video, infographics đa ngôn ngữ phục vụ cho công tác tuyên truyền.
Bốn là, nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ công an phường.
Thời gian tới, cần tổ chức tập huấn chuyên sâu định kỳ cho cán bộ, chiến sỹ công an phường để lực lượng công an phường trên địa bàn quận Hà Đông được cập nhật và sâu sắc hơn kiến thức pháp luật hiện hành liên quan đến quản lý người nước ngoài, an ninh, trật tự và các quy định đặc thù tại khu đô thị mới. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài cho cán bộ, chiến sĩ công an phường thông qua các hình thức khác nhau như cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh trong công an phường; sử dụng các cán bộ có năng lực, trình độ để đào tạo, kèm cặp cho các cán bộ còn hạn chế về ngoại ngữ, khả năng giao tiếp. Ngoài ra, cũng cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng sử dụng khoa học công nghệ cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an phường để hỗ trợ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người nước ngoài.
Năm là, bảo đảm kinh phí, tăng cường trang thiết bị, khoa học, công nghệ phục vụ công tác tuyên truyền.
Thời gian tới, công an các phường cần đề xuất với công an cấp trên tăng cường kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật của công an phường; đồng thời, huy động sự hỗ trợ từ UBND phường cũng như tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các tổ chức cá nhân để bảo đảm kinh phí, mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự cho người nước ngoài trên địa bàn phường.
Tóm lại, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự cho người nước ngoài tại các khu đô thị mới là nhiệm vụ quan trọng của công an các phường trên địa bàn quận Hà Đông. Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng công tác này trong thời gian qua, bài viết đã đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự cho người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội theo chức năng, nhiệm vụ của công an phường. Hi vọng những giải pháp mà bài viết đưa ra có giá trị tham khảo để công an các đơn vị vận dụng vào thực tiễn công tác tuyên truyền./.
____________________________
(1), (6) Theo kết quả khảo sát bằng bảng hỏi của nhóm tác giả thực hiện ngày 14/01/2025 đối với công an 15 phường trên địa bàn quận Hà Đông.
(2), (4) Công an quận Hà Đông, Báo cáo tổng kết chuyên đề "Người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú trên địa bàn quận Hà Đông" các năm 2029, 2020,2021, 2022, 2023, 2024, Hà Nội.
(3) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Báo cáo Sơ kết thực hiện Quy chế 18 ngày 11/5/2017 về phối hợp giữa các sở, ban ngành Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã trong công tác quản lý người nước ngoài cư trú, hoạt động trên địa bàn Thành phố Hà Nội và Kế hoạch số 247/KH-UBND ngày 04/10/2021 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hà Nội.
(5) Quốc hội (2012), Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Quản trị nhà nước tốt gắn liền với thể chế dân chủ ổn định và phát triển
- Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Tuyên Quang hiện nay
- Quản trị khủng hoảng truyền thông của các doanh nghiệp tổ chức sự kiện ở Việt Nam hiện nay
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long tham gia xây dựng chính quyền cùng cấp hiện nay
- Đổi mới phương pháp dạy và học các môn lý luận chính trị ở các trường đại học tại Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
-
1
Mạch Nguồn số 66: LỜI HIỆU TRIỆU MÙA XUÂN
-
2
Mạch Nguồn số 68: LAN TỎA PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC TẠI HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
-
3
Mạch Nguồn số 65: NHÌN LẠI 2024 "CHUYỆN LÀNG, CHUYỆN NƯỚC"
-
4
Quản trị khủng hoảng truyền thông của các doanh nghiệp tổ chức sự kiện ở Việt Nam hiện nay
-
5
Đổi mới phương pháp dạy và học các môn lý luận chính trị ở các trường đại học tại Việt Nam hiện nay
-
6
Du lịch tỉnh Tây Ninh vươn mình trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
Thời khắc lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một sự kiện trọng đại - ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Đó không chỉ là chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy khó khăn gian khổ, mà còn là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của ý chí độc lập, tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Quản trị nhà nước tốt gắn liền với thể chế dân chủ ổn định và phát triển
Quản trị nhà nước tốt gắn liền với thể chế dân chủ ổn định và phát triển
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, các quốc gia ngày càng nhận thức rõ rằng hiệu quả quản trị nhà nước không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn là kết quả của một thể chế chính trị phù hợp. Trong đó, thể chế dân chủ với các nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân được xem là nền tảng quan trọng để xây dựng một nhà nước hiện đại, pháp quyền và phát triển bền vững.
Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Tuyên Quang hiện nay
Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Tuyên Quang hiện nay
Trong bối cảnh tỉnh Tuyên Quang đang tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao và đẩy mạnh cải cách hành chính, yêu cầu đặt ra là phải có một đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã thực sự vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, đáp ứng tốt nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định về chất lượng, cơ cấu, trình độ và năng lực điều hành của cán bộ chủ chốt ở cấp xã, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và lòng tin của nhân dân. Việc nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giải pháp chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã là yêu cầu cấp thiết nhằm góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn tới.
Quản trị khủng hoảng truyền thông của các doanh nghiệp tổ chức sự kiện ở Việt Nam hiện nay
Quản trị khủng hoảng truyền thông của các doanh nghiệp tổ chức sự kiện ở Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh truyền thông số và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, vai trò của truyền thông trong việc kiến tạo, duy trì và bảo vệ hình ảnh công chúng của doanh nghiệp ngày càng trở nên trọng yếu. Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện – một lĩnh vực đặc thù, nơi giá trị thương hiệu gắn liền với tính chuyên nghiệp, uy tín tổ chức và trải nghiệm truyền thông trực tiếp của công chúng – thì công tác quản trị khủng hoảng truyền thông không chỉ là yêu cầu tất yếu mà còn là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển bền vững. Thực tiễn truyền thông tại Việt Nam cho thấy, không ít sự kiện, lễ hội hay chương trình giải trí quy mô lớn từng vướng vào các khủng hoảng truyền thông ở nhiều cấp độ, từ sai sót trong tổ chức đến các phản ứng tiêu cực trên không gian mạng, gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh thương hiệu và mức độ tín nhiệm từ phía công chúng. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và tính cấp thiết nêu trên, bài viết tập trung phân tích hiện trạng công tác quản trị khủng hoảng truyền thông trong các doanh nghiệp tổ chức sự kiện tại Việt Nam hiện nay, nhận diện các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khủng hoảng, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực truyền thông ứng phó và bảo vệ hình ảnh doanh nghiệp trong môi trường truyền thông số nhiều biến động.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long tham gia xây dựng chính quyền cùng cấp hiện nay
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long tham gia xây dựng chính quyền cùng cấp hiện nay
Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực thực hiện chức năng tham gia công tác xây dựng chính quyền cùng cấp, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng và sự phát triển của các tỉnh, thành phố trong vùng. Bài viết bàn về một số vấn đề lý luận về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long tham gia xây dựng chính quyền cùng cấp hiện nay về nguyên tắc, nội dung, phương thức; từ đó, chỉ rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long tham gia xây dựng chính quyền cùng cấp.
Bình luận