Nâng cao nhận thức của các tổ chức đảng và đảng viên trong xây dựng đảng về đạo đức ở Việt Nam hiện nay
Thứ sáu, 09:41 29-03-2024
(LLCT&TT) Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Đây là một trong những nhân tố quyết định trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, chúng ta phải nghiêm khắc thừa nhận, một số cán bộ đảng viên và tổ chức đảng còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế, yếu kém. Bài viết nêu ra thực trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, từ đó chỉ ra một số phương pháp cơ bản để nâng cao nhận thức của các tổ chức đảng và đảng viên trong xây dựng Đảng về đạo đức ở Việt Nam hiện nay.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng đã bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức vào mục tiêu xây dựng Đảng: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”(1). Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(2); “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”(3).
Muốn vậy, phải xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ, thực sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Đồng thời, cần xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, chúng ta cũng phải nghiêm khắc thừa nhận, nhiều cán bộ đảng viên và tổ chức đảng vẫn còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế, yếu kém. Một số tổ chức đảng quán triệt và vận dụng thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng về đạo đức mới dừng lại ở hình thức, chưa linh hoạt, chưa hiệu quả và thiếu sự thay đổi, sáng tạo; chưa chú trọng đúng mức đến việc nhận thức, giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng đạo đức cách mạng trong tình hình mới. Một số tổ chức đảng thiếu tinh thần phê và tự phê, thậm chí mất sức chiến đấu khi xuất hiện những tình huống có vấn đề.
Thực trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của một bộ phận cán bộ đảng viên, đặc biệt là cán bộ cấp cao cũng nảy sinh, chưa có giải pháp ngăn chặn một cách hiệu quả. “Chỉ tính từ sau Đại hội XII của Đảng (tháng 01.2016) đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 5 Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 người trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương, thậm chí có 1 Ủy viên Bộ Chính trị đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và lĩnh án 30 năm tù; 11 người nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng đã nghỉ hưu cũng bị xử lý kỷ luật”(4).
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng “Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng; trong đó có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu. Trong đó, có 3 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 7 Ủy viên Trung ương Đảng, 16 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 1 bộ trưởng và 4 nguyên bộ trưởng; 22 thứ trưởng và nguyên thứ trưởng; 12 bí thư và nguyên bí thư tỉnh, thành ủy; 3 phó bí thư và nguyên phó bí thư tỉnh ủy; 15 chủ tịch và nguyên chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; 26 sĩ quan cấp tướng trong quân đội, công an,...”(5).
Tại Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Ủy ban kiểm tra Trung ương cho thấy: “Từ đầu năm đến nay, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 142 tổ chức đảng và 6.519 đảng viên (trong đó có 1.371 cấp ủy viên). UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 48 tổ chức đảng và 2.064 đảng viên (có 771 cấp ủy viên). UBKT các cấp đã nhận được 12.787 đơn, thư tố cáo, trong đó phải giải quyết tố cáo 53 tổ chức đảng và 458 đảng viên. Cấp ủy các cấp giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của 35 đảng viên; UBKT các cấp giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của 38 đảng viên”(6).
Nhận diện về nguyên nhân gây ra tình trạng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm nêu trên, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, như: một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu, chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình; chưa quyết tâm và có biện pháp chỉ đạo đủ mạnh, còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, thẳng thắn phê bình, tự phê bình, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí còn mắc vào chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất; thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân”(7).
Để nâng cao nhận thức của các tổ chức đảng và đảng viên trong xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay, theo chúng tôi cần có một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tiêu chuẩn, quy định của đảng viên và tổ chức đảng.
Trên thực tế, một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, thậm chí có cả đảng viên là cán bộ cấp cao còn nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa sâu sắc về vị trí, vai trò, tiêu chuẩn, quy định của đảng viên và tổ chức đảng cũng như tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức, xây dựng Đảng về đạo đức và tầm quan trọng của việc bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng.
Do đó, cần tạo được sự thống nhất, đồng thuận trong nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò của đạo đức cách mạng và sự cần thiết, cấp bách xây dựng Đảng về đạo đức trong tình hình mới. Khi nhận thức của tổ chức đảng và đảng viên được nâng cao thì xây dựng đạo đức trong Đảng sẽ được coi trọng và tạo ra chuyển biến tích cực trong hành động của mỗi đảng viên và tổ chức Đảng.
Hai là, mỗi cán bộ, đảng viên tăng cường nhận thức về tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đề cao vai trò gương mẫu trong xây dựng Đảng về đạo đức.
Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải gương mẫu trong đạo đức, lối sống, thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, ra sức phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; không ngừng tự rèn luyện đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thường xuyên rèn luyện, không ngại khó, ngại khổ, làm cho việc tự tu dưỡng của đảng viên là nhu cầu không thể thiếu được, tăng sức đề kháng, miễn dịch với mọi thói hư, tật xấu… rèn luyện đạo đức người đảng viên, văn hóa lãnh đạo, góp phần xây dựng Đảng về đạo đức. Thực hiện tốt những nội dung trên sẽ làm cho cán bộ, đảng viên tự rèn luyện phong cách lãnh đạo, quản lý cho mình, rèn luyện phẩm chất đạo đức, góp phần xây dựng Đảng về đạo đức.
Tiếp tục thực hiện đề cao vai trò gương mẫu nêu gương sáng về phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, văn hóa Đảng của mỗi cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ người đảng viên của Đảng. Cần quán triệt vai trò, trách nhiệm đầu tàu gương mẫu của đảng viên. Đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; thực hiện tốt lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tạo chuyển biến rõ rệt ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu trong Đảng.
Đặc biệt coi trọng “phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu”, nghĩa là, phải phát huy vai trò gương mẫu, nói đi đôi với làm của từng cấp ủy viên và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng trong xây dựng, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, phương pháp, tác phong, văn hóa Đảng. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải gương mẫu về đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên noi theo; đảng viên đi trước phải làm gương cho đảng viên đi sau; đảng viên giữ cương vị, chức vụ càng cao thì phải càng gương mẫu, trong sáng về đạo đức cách mạng. Có như vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng Đảng mới đạt hiệu quả thiết thực. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(8).
Thực tế cũng cho thấy, cấp ủy, tổ chức đảng nào mà người đứng đầu luôn gương mẫu, chí công vô tư, trong sáng về đạo đức thì cấp ủy, tổ chức đảng đó luôn đoàn kết, thống nhất, phát huy cao độ năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa trong Đảng và toàn xã hội.
Ba là, nâng cao nhận thức cho đảng viên và tổ chức đảng về yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức.
Các cấp ủy, tổ chức đảng và toàn thể đảng viên cần nhận thức đây là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Đồng thời, khắc phục tình trạng phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””. Cần quán triệt đúng đắn, đầy đủ, thực chất cho cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nắm vững nội dung xây dựng Đảng về đạo đức trong tình hình hiện nay và chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới.
Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày.
Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng.
Cần tăng cường nhận thức về việc đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức đồng thời cần cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội. Bên cạnh việc xử lý kỷ luật nghiêm những đảng viên vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cả cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu; chú trọng công tác tuyên dương khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương “người tốt việc tốt” bằng nhiều hình thức phong phú, tạo niềm tin, sự lan tỏa trong Đảng và toàn xã hội.
Ngoài ra cần nâng cao nhận thức trong kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, của các cơ quan truyền thông và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt.
Bốn là, nâng cao nhận thức về các nội dung trong xây dựng Đảng về đạo đức.
Xây dựng Đảng về đạo đức thực tế là xây dựng đạo đức với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ cần phải hết sức quan tâm thực hành rộng rãi dân chủ trong Đảng, phải nghiêm chỉnh thực hành tự phê bình và phê bình, thường xuyên lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân về xây dựng Đảng, thực hiện sự kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên.
Thực hiện công khai, minh bạch thông tin và chế độ trách nhiệm trong Đảng, trong các cơ quan công quyền, trong các tổ chức đoàn thể để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình. Đây là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Năm là, tăng cường nhận thức về đổi mới phương thức lãnh đạo của của các tổ chức Đảng trong điều kiện mới gắn với việc đẩy mạnh việc phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí
Cần nhận thức việc thực hiện tốt việc lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương… và vai trò tiên phong, gương mẫu của các đảng viên sẽ tạo ra được một không khí dân chủ thực sự trong nội bộ Đảng. Cán bộ, đảng viên cần học tập theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều”(9), có dân chủ thì mới “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”(10).
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải có “Cách làm việc có khoa học”, làm việc đúng hơn, khéo hơn, thể hiện cách lãnh đạo, quản lý khoa học, văn hóa trong Đảng. Trong lãnh đạo, quản lý khoa học đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có cách làm việc sát với thực tiễn, đúng với quy luật khách quan, mang tính kế hoạch, bài bản, sáng tạo và hiệu quả… Cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng nhất là việc cụ thể, công khai để cán bộ, đảng viên, nhân dân biết và giám sát việc thực hiện.
Nâng cao nhận thức về phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên sai phạm, đồng thời tăng cường tuyên truyền, biểu dương gương những cán bộ, đảng viên tốt có tinh thần trách nhiệm xây dựng Đảng về đạo đức. Trong giai đoạn hiện nay, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí xảy ra trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã và đang làm xói mòn đạo đức tốt đẹp của Đảng, xói mòn văn hóa Đảng trước quần chúng nhân dân.
Do đó, phải nâng cao nhận thức và chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí. Chủ động xây dựng cơ chế phòng ngừa, răn đe, ngăn chặn có hiệu quả quan hệ “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”; thực hiện cải cách hành chính, tư pháp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Có thể khẳng định, xây dựng Đảng về đạo đức có vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của mỗi cán bộ đảng viên và tổ chức Đảng, là một trong những nội dung cơ bản góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, vì vậy cần không ngừng nâng cao nhận thức về vấn đề này. Khi đã có nhận thức đầy đủ, sâu sắc, thấu đáo vấn đề xây dựng Đảng ở từng đảng viên, từng tổ chức Đảng thì việc thực hiện chắc chắn sẽ đem lại thành công./.
*Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp Bộ “Xây dựng Đảng về đạo đức trong đội ngũ đảng viên ở Việt Nam hiện nay” do PGS,TS Nguyễn Tài Đông làm Chủ nhiệm đề tài.
_________________________________________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, H., tr.202.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, H., T.1, tr.180.
(3) Đảng Cộng sản Việt nam (2016), Sđd., tr.184.
(4) Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. CTQG Sự thật, H., tr.206.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQG Sự thật, H., T.2, tr.208-209.
(6) Minh Ngọc, Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, https://ubkttw.vn/danh-muc/tin-tuc-thoi-su/hoi-nghi-toan-quoc-so-ket-cong-tac-kiem-tra-giam-sat-6-thang-dau-nam-trien-khai-nhiem-vu-6-thang-cuoi-nam-2022.html truy cập ngày 7.7.2022.
(7) Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. CTQG Sự thật, H., tr.373.
(8) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, T.1, Nxb. CTQG Sự thật, H., tr.284.
(9),(10) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, T.5, Nxb. CTQG Sự thật, H., tr. 284,319.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Chiều 31/10, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3).
Phát triển nguồn nhân lực không những góp phần đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà còn góp phần đảm bảo phúc lợi cho người lao động. Vì thế, trong quá trình hội nhập, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực – yếu tố then chốt để Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của nguồn nhân lực, Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã có những chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và đã đạt được những kết quả tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Song, bên cạnh những thành tựu, vẫn con những hạn chế nhất định, vì vậy, cần xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng yếu tố quyết định thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo lợi thế cạnh tranh của tỉnh hiện nay trong thời gian tới.
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp sâu sắc đối với sự phát triển lý luận của Đảng về quyền con người. Những quan điểm của Tổng Bí thư sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng và định hướng quan trọng cho các hoạt động về quyền con người trong thời kỳ mới.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Bình luận