Nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động cho công nhân theo quan điểm Hồ Chí Minh
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chấp hành kỷ luật lao động là một việc làm cần thiết của người lao động, thể hiện “lề lối làm việc xã hội chủ nghĩa”(1) của những con người XHCN. Công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, do đó, họ phải là lực lượng đi đầu, làm gương trong thực hiện lề lối làm việc mới. Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh để nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động cho công nhân Việt Nam hiện nay là việc làm cần thiết, qua đó khẳng định bản lĩnh chính trị của giai cấp tiên phong, đồng thời hoạt động này còn góp phần quan trọng nâng cao hiệu suất lao động, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
1. Quan điểm Hồ Chí Minh về ý thức chấp hành kỷ luật lao động của công nhân Việt Nam
Thứ nhất, sự cần thiết phải nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động cho công nhân.
Sinh thời, Hồ Chí Minh rất quan tâm xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh về mọi mặt: chính trị, văn hóa, chuyên môn… Trong đó, Người rất chú ý giáo dục để nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động, bởi trong xã hội XHCN, công nhân Việt Nam là người lao động XHCN, là người chủ nước nhà, họ không còn là người “làm thuê làm mướn” như trong xã hội cũ. Với vị trí là người chủ, công nhân được hưởng quyền lợi và phải thực hiện nghĩa vụ: “làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân, tức là: - Tuân theo pháp luật Nhà nước. - Tuân theo kỷ luật lao động…”(2).
Như vậy, chấp hành kỷ luật lao động là trách nhiệm của mỗi công nhân, đồng thời là nét đặc trưng của giai cấp duy nhất đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc chấp hành kỷ luật lao động, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Các xí nghiệp, các cơ quan, các trường học, các đoàn thể... phải tăng cường kỷ luật lao động”(3), công nhân phải “tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật lao động”(4).
Công nhân Việt Nam ra đời ở một nước nông nghiệp lạc hậu, đa phần xuất thân từ nông dân lại làm việc trong điều kiện máy móc thô sơ, lạc hậu… nên còn mang nặng phong cách của người sản xuất nhỏ, tính kỷ luật chưa cao, tùy tiện. Tác phong và thói quen của nền sản xuất nông nghiệp nhỏ, manh mún khiến “kỷ luật lao động ở một số xí nghiệp, một số cơ quan, một số trường học lỏng lẻo, có người không ốm cũng giả ốm để nghỉ việc, đi chậm về sớm…”(5).
Trong bài nói chuyện khi về thăm khu mỏ năm 1957, Hồ Chí Minh đã thẳng thắn phê bình việc thiếu kỷ luật lao động của công nhân: “không có một nước nào mà 15% công nhân vắng mặt trong buổi làm, như thế trước hết là ảnh hưởng đến anh chị em công nhân, ảnh hưởng ngân quỹ, ảnh hưởng tăng gia sản xuất, ảnh hưởng đến giá sinh hoạt, ảnh hưởng không tốt đến việc kiến thiết chủ nghĩa xã hội. Hay có người đương làm thì bỏ đi ngủ, thái độ như thế không phải là người chủ, cán bộ và công nhân ta phải biết đấu tranh chống thói xấu ấy”(6).
Xét về bản chất, giai cấp công nhân Việt Nam là những người lao động trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp. Đã gắn với công nghiệp đòi hỏi phải có tính chuyên môn hóa, sản xuất theo dây chuyền. Như vậy, công nhân bắt buộc phải tuân thủ kỷ luật lao động, không thể tùy tiện làm việc theo thói quen, sở thích. Thực tiễn đó đòi hỏi phải xây dựng phong cách làm việc công nghiệp, hiện đại cho công nhân Việt Nam. Biểu hiện rõ nhất của phong cách làm việc công nghiệp là việc chấp hành kỷ luật lao động; có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, làm việc nghiêm túc, chịu khó học hỏi, rèn luyện tay nghề... từ đó nâng cao năng suất, tạo uy tín và nâng cao thu nhập cho mình. Hồ Chí Minh coi “Đó là con đường đi đến cải thiện đời sống cho nhân dân và cho giai cấp mình”(7).
Công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh nói: “Về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo”(8). Đây cũng là giai cấp có tinh thần cách mạng: “kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật”, do vậy, giai cấp công nhân đã “ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác”(9). Nếu quan tâm giáo dục toàn diện cho giai cấp công nhân, đặc biệt là giáo dục nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động thì chẳng những xây dựng tác phong công nghiệp cho giai cấp công nhân mà các giai cấp, tầng lớp khác cũng có ảnh hưởng tích cực.
Thứ hai, nội dung ý thức chấp hành kỷ luật lao động của công nhân.
Trong quan điểm Hồ Chí Minh, ý thức chấp hành kỷ luật lao động của công nhân được biểu hiện qua việc công nhân thực hiện nghiêm túc chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của nhà máy, có tác phong làm việc công nghiệp và bảo đảm an toàn lao động…Ngày 01.01.1964, nói chuyện với công nhân Khu gang thép Thái Nguyên, Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Phải giữ gìn tốt máy móc, làm việc phải đúng nội quy. Phải thực hiện tốt bảo hộ lao động. Kỷ luật lao động phải thật chặt chẽ”(10).
Trước tiên, công nhân có ý thức chấp hành kỷ luật lao động là phải “tuân theo pháp luật Nhà nước”. Đây là nghĩa vụ công dân nói chung và cũng là nghĩa vụ của mỗi người công nhân Việt Nam. Công nhân chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ giúp họbiết tự bảo vệ mình một cách chính đáng và có những đóng góp tích cực để xây dựng doanh nghiệp,đất nước.
Bên cạnh pháp luật, mỗi doanh nghiệp lại có những nội quy, quy định riêng trong lao động sản xuất, lề lối làm việc. Công nhân có ý thức chấp hành kỷ luật lao động tốt phải tuân thủ đúng và đủ nội quy, quy định của nhà máy, của doanh nghiệp. Hồ Chí Minh từng nói: “tình trạng muốn làm thì làm, không muốn làm thì thôi, nghỉ sớm, không ốm cũng cáo ốm để nghỉ, đều là thiếu kỷ luật lao động… nhà máy không có kỷ luật lao động, không phải là nhà máy tốt”(11).
An toàn trong lao động sản xuất là biểu hiện rõ nét nhất của việc chấp hành kỷ luật lao động của công nhân.Hồ Chí Minh đã dẫn chứng, ở nhiều nơi xảy ra tai nạn lao động là do thiếu giáo dục công nhân về kỷ luật lao động, điều đó rất đáng tiếc, “chúng ta phải quý trọng con người, nhất là công nhân, vì công nhân là vốn quý nhất của xã hội. Chúng ta cần phải hết sức bảo vệ, không để xảy ra tai nạn lao động”. Hồ Chí Minh giải thích: “Một công nhân bất kỳ nam hay nữ đều rất quý báu, chẳng những quý cho gia đình các cô, các chú mà còn quý cho Đảng, Chính phủ và nhân dân nữa. Nếu để xảy ra tai nạn là thiệt chung cho bản thân, gia đình, cho Đảng, Chính phủ và nhân dân. Người bị nạn không đi làm được, gia đình sẽ gặp khó khăn, sức lao động của nhân dân do vậy cũng kém sút. Vì thế chúng ta phải hết sức bảo vệ an toàn lao động, bảo vệ tính mạng người công nhân”(12).
Để nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động cho công nhân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò tuyên truyền, giáo dục của tổ chức Công đoàn. Tại Hội nghị cán bộ Công đoàn toàn miền Bắc năm 1962, Hồ Chí Minh nói: “Công đoàn là tổ chức của công nhân, phải đoàn kết công nhân, giáo dục công nhân, làm cho công nhân hiểu rằng lao động là vẻ vang, hiểu rõ giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, chủ nhân nước nhà. Vì vậy, công đoàn cần phải nhắc nhở, giúp đỡ, khuyến khích anh chị em công nhân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và phải xem xét đến đời sống vật chất, đời sống văn hóa của anh chị em công nhân. Đó là nhiệm vụ của công đoàn, cho nên công đoàn là một trường học để thực hiện cải tiến dần dần lên chủ nghĩa xã hội”(13).
Quan điểm Hồ Chí Minh về ý thức chấp hành kỷ luật lao động cho công nhân có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, trở thànhkim chỉ nam để Đảng ta đề ra những chủ trương, chính sách từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động cho công nhân. Thực hiện tốt điều này, giai cấp công nhân Việt Nam mới thực sự xứng đáng là “giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trongsự nghiệp công nghiệp hóa,hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…”(14).
2. Thực trạng ý thức chấp hành kỷ luật lao độngcủa công nhân Việt Nam
Theo kết quả nghiên cứu của đề tài Lối sống công nhân Việt Nam trong điều kiện công nghiệp hóa: có 18,3% số công nhân có thâm niên nghề nghiệp có ý thức chấp hành kỷ luật lao động rất cao; 41,6% số công nhân được đánh giá có ý thức khá tốt.
Kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn về Ý thức chấp hành pháp luật lao động của công nhân năm 2014 cho thấy: 51,5% trả lời tốt, 31,5% trả lời khá, 16,1% trả lời trung bình(15). Như vậy, cuộc khảo sát cho thấy rằng, công nhân tự đánh giá về ý thức chấp hành pháp luật của mình tương đối tốt, phần nào đáp ứng được đòi hỏi của người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, kết quả dựa trên sự tự đánh giá thì chưa khách quan. Nhìn từ góc độ của các nhà quản lý, nhà sử dụng lao động, công nhân Việt Nam bên cạnh những điểm tích cực vẫn còn một bộ phận công nhân chưa có tác phong làm việc chuyên nghiệp, có những trường hợp cố tình không thực hiện pháp luật lao động nên đã xảy ra tình trạng tai nạn lao động. Con số này phần lớn nằm ở nhóm đối tượng công nhân xuất thân từ nông thôn, mang nặng tác phong tiểu nông, chưa được đào tạo, rèn luyện về kỷ luật lao động công nghiệp.
Theo báo cáo của Trung tâm quốc gia về An toàn - Vệ sinh lao động của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020, trên toàn quốc đã xảy ra 8.380 vụ tai nạn lao động, làm 8.610 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động), trong đó: số người chết vì tai nạn lao động là 966 người; số vụ tai nạn lao động chết người là 919 vụ; số người bị thương nặng là 1.897 người; nạn nhân là lao động nữ là 2.724 người.
Riêng trong khu vực có quan hệ lao động, số vụ tai nạn lao động và mức độ nghiêm trọng có chiều hướng giảm nhưng nguyên nhân không phải do ý thức chấp hành kỷ luật lao động của công nhân tốt lên mà do năm 2020, từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn trong sản xuất, số lượng công nhân tham gia lao động giảm mạnh, cụ thể:
Theo kết quả khảo sát về tình trạng công nhân vi phạm các quy định, nội quy trong công ty đối với 2.500 công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất cho thấy, có 1.064/2.500 công nhân trả lời có đi muộn, về sớm. Tình trạng công nhân nghỉ không lý do vẫn diễn ra khá phố biến. 566 người trả lời có làm hỏng, sai sản phẩm; 375 công nhân trả lời có hiện tượng cãi nhau trong giờ làm việc và không hoàn thành định mức lao động; đặc biệt 176 công nhân đánh giá có hiện tượng công nhân lấy đồ của công ty(17).
Nguyên nhân những hạn chế trên xuất phát nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về chính sách lao động, tiền lương và an toàn, vệ sinh lao động để thực hiện. Nhiều người sử dụng lao động chưa có ý thức chấp hành pháp luật. Một số doanh nghiệp nắm được các quy định của pháp luật về lao động nhưng để tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, họ lại cố tình không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật.
Cùng với đó, nhận thức của công nhân về các quy định của pháp luật còn hạn chế: công nhân không biết hoặc không nắm đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động, do đó không thể đề xuất, kiến nghị với người sử dụng lao động để bảo đảm doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật hoặc người lao động biết các quy định của pháp luật nhưng đồng ý thỏa thuận với người sử dụng lao động không thực hiện để được làm việc tại doanh nghiệp. Nhiều công nhân do trình độ văn hóa còn thấp nên không biết được những quyền lợi đã được pháp luật lao động quy định.
3. Giải pháp nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động cho công nhân Việt Nam theo quan điểm Hồ Chí Minh
Nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động cho công nhân trong thời điểm hiện nay là việc làm rất cần thiết. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam đang có xu hướng giảm, Việt Nam bắt đầu bước vào trạng thái “bình thường mới”, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh để phục hồi kinh tế. Công nhân Việt Nam sau thời gian không tham gia sản xuất hoặc bị gián đoạn sản xuất đã bị ảnh hưởng đến ý thức chấp hành kỷ luật lao động. Để quá trình phục hồi sản xuất có hiệu quả cao nhất, các chủ thể cần nhận thức và hành động đúng để nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động.
Vận dụng sáng tạo quan điểm Hồ Chí Minh về ý thức chấp hành kỷ luật lao động của công nhân, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức công đoàn và bản thân mỗi công nhân cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, hệ thống hóa và hoàn thiện những luật có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công nhân, như pháp luật lao động, tiền lương… Các luật ban hành cần bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, quy định cụ thể để giảm bớt tình trạng chờ hướng dẫn mới thi hành. Tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích, giáo dục pháp luật để công dân hiểu và tự giác chấp hành. Các quy tắc pháp lý cần chú ý vấn đề dung hòa các lợi ích khác biệt.
Thứ hai, Công đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho công nhân.Mục đích của hoạt động này là nhằm hình thành và mở rộng tri thức, hiểu biết pháp luật cho công nhân, tạo tình cảm và lòng tin của họ đối với pháp luật; hình thành động cơ và thói quen sống và làm việc theo pháp luật. Công đoàn cần tập trung phổ biến về pháp luật lao động và Luật Công đoàn, làm rõ quyền và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia quan hệ lao động.Giáo dục ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lao động, học tập, công tác, giáo dục ý thức chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế của cơ quan doanh nghiệp, thực hiện tốt nội dung hợp đồng lao động đã ký…
Cải tiến phương pháp tuyên truyền, giáo dục, làm phong phú, sinh động các hình thức phổ biến pháp luật. Vận dụng linh hoạt các hình thức như: phát hành tờ rơi, tổ chức tập huấn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu pháp luật, bảng tin, truyền thanh nội bộ, lồng ghép vào các chương trình truyền thanh, truyền hình...
Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, với người sử dụng lao động, coi trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Phát triển đa dạng các hình thức và nâng cao chất lượng công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của công đoàn cho người lao động. Kết hợp giáo dục pháp luật, với giáo dục đạo đức, văn hóa, nâng cao trình độ cho công nhân.
Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật. Thời gian qua, tổ chức Công đoàn đãquan tâm đổi mới hình thức, phương pháp để nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục ý thức chấp hành kỷluật lao động cho công nhân. Các chủ doanh nghiệp cần chủ động quan tâm, phối hợp với Công đoàn trong giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kỷ luật lao động. Người sử dụng lao động phối hợp với Công đoàn phổ biến pháp luật, phổ biến nội quy, quy chế của doanh nghiệp ngay khi mới vào làm việc tại doanh nghiệp để công nhân thực hiện nghiêm pháp luật; tuyên truyền, giáo dục cho công nhân hiểu biết về quyền lợi và trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật lao động; nhắc nhở, phê bình những trường hợp lơ là, không chấp hành nội quy, quy định của đơn vị và pháp luật lao động; động viên công nhân thực hiện tốt các quy định của pháp luật.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật lao động trong doanh nghiệp. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của cả người sử dụng lao động và người lao động, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết những vướng mắc từ cơ sở. Đồng thời, phát hiện những nội dung bất cập, không khả thi của pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Khi kiểm tra, đánh giá, không chỉ kiểm tra việc chấp hành pháp luật của chủ doanh nghiệp mà cần kiểm tra việc phối hợp của doanh nghiệp với các cơ quan chức năng trong tuyên truyền pháp luật lao động và tình trạng chấp hành nội quy, quy định pháp luật của công nhân.
Xử lý nghiêm minh tất cả những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là những vi phạm của những người có cương vị và trọng trách trong xã hội, không tạo ra các vùng cấm trong xử lý vi phạm pháp luật.
Thực hiện đồng bộ các chính sách và pháp luật của Nhà nước nhằm phát huy dân chủ và giữ vững kỷ cương trong xã hội. Thông qua công tác đấu tranh chống vi phạm pháp luật, bảo đảm công bằng xã hội, ý thức pháp luật của công nhân sẽ được củng cố và không ngừng nâng cao.
Thứ năm, mỗi công nhân phải luôn tự ý thức rèn luyện bản thân, tích cực tìm hiểu các quy định pháp luật, tìm hiểu phương pháp để thực hiện các quy định có một cách hiệu quả; không ngừng nâng cao nhận thức về các giá trị tốt đẹp, văn minh của pháp luật và thực hiện pháp luật; hình thành tư duy, thói quen, tác phong, kiên trì, quyết tâm thực hiện các hành vi đúng đắn để biến việc chấp hành kỷ luật lao động thành thói quen trong mọi lúc, mọi nơi, tự nguyện, không cưỡng bức.
Quan điểm Hồ Chí Minh về ý thức chấp hành kỷ luật lao động cho công nhân có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, các chủ thể học tập và làm theo, nghiêm túc thực hiện pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của doanh nghiệp, bảo đảm an toàn trong lao động… chính là góp phần thực hiện chủ trương “xây dựng giai cấp công nhân hiện đại”(18) mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.
_______________________________________________
(1), (12) Hồ Chí Minh (2011),Toàn tập, T.12, Nxb. Chính trị quốc gia, H., tr.123,142.
(2), (7) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.9, tr.259, 503-504.
(3), (4), (5), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, sđd, tr.545.
(6), (13) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.11, tr.110, 114.
(8), (9) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.8, tr.256, 256.
(10) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.14, tr.229-230.
(12) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.12, tr.142.
(14) Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28.01.2008, Hội nghị lần thứ sáu khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
(15), (17) Lê Cao Thắng (chủ biên) (2018), Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, lý luận và thực tiễn, Nxb. Lao động,, tr.127, 166.
(16) Trung tâm quốc gia về An toàn - Vệ sinh lao động: Tình hình tai nạn lao động năm 2020, http://huanluyenantoan.gov.vn/tinh-hinh-tai-nan-lao-dong-nam-2020.html, truy cập ngày 16-3-2021.
(18) ĐCSVN (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.2, Nxb. Chính trị quốc gia, tr.166.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 18.3.2022
Bài liên quan
- Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
- Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
- Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và nghiên cứu Điều 3 Quy định số 144 để thấy được bước phát triển của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Bình luận