(LLCT&TT) Với tư cách là một nửa xã hội, phụ nữ ở bất cứ nơi đâu và ở bất kỳ thời đại nào đều có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của toàn xã hội. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng là một lực lượng lao động quan trọng, tạo ra của cải vật chất, thúc đẩy xã hội phát triển. Bài viết dựa trên lý thuyết báo chí - truyền thông, phân tích vấn đề nữ quyền hiện nay và vai trò của báo chí trong việc thúc đẩy nữ quyền.
1. Những nghiên cứu về vấn đề nữ quyền
Cùng với sự phát triển của xã hội, chủ nghĩa nữ quyền cũng có lịch sử hình thành và phát triển qua các thời kỳ, gắn liền với đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của phụ nữ. Năm 1791, nhà hoạt động chính trị và nhà viết kịch người Pháp Olympe de Gouges xuất bản “Tuyên ngôn về Quyền của Phụ nữ và Công dân Nữ”(1). Bài báo đầu tiên tuyên ngôn về quyền của phụ nữ và công dân của nữ giới đã trả lời: “Phụ nữ được sinh ra tự do và bình đẳng với con người về các quyền. Sự phân biệt xã hội có thể chỉ dựa trên tiện ích chung”. De Gouges mở rộng điều thứ 6 của Tuyên ngôn về quyền của con người và của công dân, trong đó tuyên bố các quyền của công dân tham gia vào việc hình thành luật, để: “Mọi công dân kể cả phụ nữ đều được thừa nhận bình đẳng đối với tất cả các phẩm giá, chức vụ và công việc công, tùy theo năng lực của họ và không có sự phân biệt nào khác ngoài phẩm chất và tài năng của họ”.
Năm 1792, Mary Wollstonecraft, một nhà văn và nhà triết học người Anh, chuyên ủng hộ quyền phụ nữ đã xuất bản cuốn “A Vindication of the Rights of Woman:”(2) (tạm dịch: Lời minh oan về quyền phụ nữ) cho rằng, chính sự giáo dục và nuôi dạy của phụ nữ đã tạo ra những kỳ vọng hạn chế. Một số chuyên gia người Anh cùng thời với Wollstonecraft là Damaris Cudworth và Catharine Macaulay bắt đầu đề cập về quyền trong mối quan hệ với phụ nữ, cho rằng phụ nữ nên có nhiều cơ hội hơn giống như nam giới.
Tiếp đó, Simone De Beauvoir, nhà triết học, nhà văn người Pháp (1908 - 1986), nhà sáng lập thuyết nữ quyền hiện sinh, một bộ phận của học thuyết nữ quyền hiện đại, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Giới tính thứ hai” (The Second Sex) năm 1949(3), là một trong những người đầu tiên đã đưa ra thuật ngữ “vị trí xã hội” để so sánh với thuật ngữ “vai trò xã hội” của phụ nữ từ góc độ triết học và xã hội học phát hiện ra rằng, từ sự bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới đang tồn tại trong xã hội nam quyền, người phụ nữ đã phải chịu nhiều bất công khi chỉ tính đến vai trò của phụ nữ mà không quan tâm nhiều đến vị trí, vị thế xã hội của họ. Phân tích từ góc độ khoa học xã hội học, “vai trò xã hội” xác định những gì cá nhân phải làm ở một không gian và thời gian nhất định theo những quy tắc và chuẩn mực mà xã hội đặt ra. Cuộc sống của cá nhân chủ yếu do phản ánh việc thực hiện nhiều vai trò xã hội khác nhau, do đó họ phải tuân theo một số khuôn khổ có sẵn, chẳng hạn: người phụ nữ có vai trò là người sản xuất, người vợ, người mẹ trong gia đình; nam giới có vai trò là người sản xuất, người chồng, người cha.
Nghiên cứu các làn sóng nữ quyền trên thế giới, các nhà nghiên cứu không thể không đề cập tác phẩm “History of Woman Suffrage” (tạm dịch Lịch sử quyền bỏ phiếu của phụ nữ, gồm 6 tập) của các tác giả E.C.Stanton, S.B.Anthony, M.S.Gage và I.H.Harper(4) nổi tiếng trong thế kỷ XIX, xuất bản từ năm 1881 đến năm 1922 tại Mỹ. Cuốn sách là một tác phẩm đánh dấu sự ra đời của làn sóng nữ quyền lần thứ nhất. Làn sóng đầu tiên này chính thức bắt đầu vào ngày 20.7.1848, khi Elizabeth Cady Stanton và đồng nghiệp là Lucretia Mott tổ chức một hội nghị về quyền phụ nữ đầu tiên trong lịch sử thế giới tại Seneca Falls bang New York (gọi tắt là Hội nghị Seneca Falls, Mỹ). Tại hội nghị, gần 300 người tham dự gồm cả phụ nữ và đàn ông đã thảo luận vấn đề làm thế nào để dành lại sự công bằng cho phụ nữ. Một số nhân vật tham gia Hội nghị Seneca Falls đã nêu ra những tư tưởng và đường lối chính trị, lần đầu tiên những người phụ nữ này thực hiện các công việc “không nữ tính” như nói trước đám đông, truyền đạt và bày tỏ lập trường của mình.
Có thể thấy, làn sóng đầu tiên này tập trung vào việc làm thế nào để tạo nhiều cơ hội việc làm hơn cho phụ nữ và đấu tranh để phụ nữ có được quyền bỏ phiếu, làm chủ (đứng tên) tài sản. Kết quả tiêu biểu là vào năm 1920, phụ nữ Hoa Kỳ da trắng cuối cùng cũng đã có thể đi bầu cử.
Tiếp theo đó là làn sóng nữ quyền thứ hai, bắt đầu từ những năm 1960 đến năm 1980. Mục tiêu của làn sóng nữ quyền lần này đòi bình quyền cho phụ nữ trong các khía cạnh đời sống gia đình, tình dục, công việc, quyền sinh nở và các quyền lợi về luật pháp khác...
Làn sóng nữ quyền thứ ba được bắt đầu từ giữa những năm 1990 với hình ảnh một người ủng hộ vấn đề nữ quyền khác hẳn với làn sóng trước, thoa son, mang guốc cao, và để lộ ngực của mình một cách tự hào (việc mà làn sóng thứ nhất và thứ hai xem là sự đàn áp của đàn ông). Mục tiêu của làn sóng nữ quyền lần thứ ba là đề cao sự khác biệt và đa dạng của các cá nhân trong xã hội, thay đổi và thách thức những định kiến về “nữ tính”. Đây cũng là làn sóng gây tranh cãi nhiều nhất, ngay cả trong cộng đồng những người ủng hộ nữ quyền.
Từ năm 2008 tới nay được xem là làn sóng nữ quyền lần thứ tư, đánh dấu một kỷ nguyên mới của cuộc đấu tranh giành nữ quyền. Làn sóng nữ quyền lần thứ tư nổi dậy có lẽ do giới trẻ nhận ra những chướng ngại vật ngăn cản làn sóng thứ 3 (thái độ lạc quan quá mức và bị ngăn cản bởi nhiều hình ảnh xấu). Nằm trong danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới, nữ tướng của Facebook- Sheryl Sandberg năm 2013 đã cho ra mắt cuốn sách Lean In: Women, Work and The Will To Lean(5). Đây được xem là một tuyên ngôn mới về sự bình đẳng của phụ nữ thế kỷ XXI trong lĩnh vực nghề nghiệp việc làm và sự nghiệp của họ.
Tác giả cuốn sách đã chỉ ra lối mòn của phụ nữ hiện đại đó là luôn tự nghi ngờ trình độ của bản thân, hạ thấp ước mơ của mình. Đây là một trong số rất nhiều nguyên nhân khiến con đường phụ nữ hướng đến vị trí lãnh đạo bị chững lại. Thực tế cho thấy, khi làn sóng thứ 2 phá tan những vật dụng được xem là đàn áp phụ nữ như Tạp chí Playboy, đồ trang điểm, áo ngực, giày cao gót,… phụ nữ bước đầu có được những quyền tự do với thân thể của mình, họ nhận ra một điều rằng việc mặc váy và trang điểm không phải là những thứ bắt buộc. Họ cũng đã được khuyến khích hãy làm những công việc “của đàn ông”, để nhận ra được khả năng của họ không chỉ gói gọn trong nhà và các công việc nhàm chán, lương thấp. Qua đó, có thể thấy, điều kiện để thực hiện quyền phụ nữ trong xã hội là phải cải cách xã hội và luật pháp qua các chính sách được xây dựng để tạo nên những cơ hội bình đẳng cho phụ nữ. Thực tế chỉ ra rằng, phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn sẽ giúp họ tiếp cận với công bằng xã hội và bình đẳng giới tốt hơn. Và, một điều không thể phủ nhận, trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, báo chí - truyền thông luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy vấn đề nữ quyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện bình đẳng giới.
2. Truyền thông về vấn đề nữ quyền
Từ giữa thế kỷ XX, tại các nước phương Tây, một số lý thuyết về nữ quyền đã được phát triển, có ảnh hưởng nhất định trong đời sống xã hội. Các lý thuyết nữ quyền tạo nên các phong trào xã hội mạnh mẽ, đấu tranh chống lại sự thống trị của nam giới, phê phán gay gắt chế độ áp bức phụ nữ, đòi quyền lợi cho phụ nữ, tạo lập bình đẳng giới. Mặc dù có chung mục đích là vì sự phát triển của phụ nữ chống lại chế độ nam trị, nhưng lý thuyết nữ quyền có nhiều trường phái khác nhau; thậm chí, có những trường phái mâu thuẫn nhau gay gắt. Có thể nêu một số lý thuyết nữ quyền có ảnh hưởng mạnh đến xã hội phương Tây thời gian qua là: Nữ quyền tự do; Nữ quyền mác-xit; Nữ quyền xã hội chủ nghĩa; Nữ quyền phúc lợi; Nữ quyền triệt để; Nữ quyền hiện sinh; Nữ quyền phân tâm;... và gần đây xuất hiện một số lý thuyết nữ quyền mới, như: Nữ quyền hậu hiện đại, Nữ quyền da đen, Nữ quyền phụ nữ thế giới thứ ba...(6)
Phân tích từ lý thuyết thiết lập chương trình nghị sự để phân tích vai trò của báo chí - truyền thông về vấn đề nữ quyền có thể thấy, lý thuyết “thiết lập chương trình nghị sự” (Agenda Setting Theory) mô tả khả năng ảnh hưởng của giới truyền thông đối với công chúng thông qua các phương tiện truyền thông. Trong thực tế của đời sống truyền thông, nếu một tin tức nào đó được nhắc tới thường xuyên, liên tục và nổi bật, công chúng sẽ nhớ tới nó và coi nó quan trọng hơn những thông tin khác(7). Chức năng “thiết lập chương trình nghị sự” là một giả thiết quan trọng trong các lý thuyết truyền thông. Quan điểm chủ yếu của lý thuyết này là các cơ quan báo chí - truyền thông có một chức năng sắp đặt “chương trình nghị sự” cho công chúng, các bản tin và hoạt động đưa tin của cơ quan truyền thông ảnh hưởng đến sự phán đoán của công chúng tới những “chuyện đại sự” của thế giới xung quanh.
Sau khi Maxwell Mccombs và D.Shaw đưa ra lý thuyết thiết lập chương trình nghị sự, nhiều chuyên gia khác kế thừa và tiếp tục các nghiên cứu có liên quan. Một trong những hướng nghiên cứu của chuyên gia nghiên cứu truyền thông G. Ray Funkhouser của Mỹ là cơ quan truyền thông đã vận dụng cơ chế truyền thông (mechanisms) như thế nào để thiết lập chương trình nghị sự. Ông G. Ray Funkhouser đã đưa ra 5 cơ chế sau: cơ quan truyền thông lựa theo quy trình của sự kiện; đưa tin quá nhiều về các sự kiện quan trọng và hiếm gặp; đối với những sự kiện ít có giá trị thì lựa chọn những phần có giá trị về mặt thông tin để đưa tin; ngụy tạo ra những sự kiện có giá trị về mặt thông tin; đưa tin tổng kết về sự kiện, hoặc đưa tin những sự kiện không có giá trị về mặt thông tin theo hình thức như đưa tin về sự kiện có giá trị về mặt thông tin.
Công trình nghiên cứu của hai chuyên gia khác của Mỹ là Danielian và Reese trong thập kỷ 1980 đã đưa ra khái niệm “thiết lập chương trình nghị sự giữa các cơ quan truyền thông”. Đối tượng nghiên cứu của họ là những bản tin về vấn đề ma túy từ năm 1985 đến năm 1986, họ phát hiện ra rằng, trong thời gian đó, lượng tiêu thụ ma túy thực tế không tăng lên rõ rệt, nhưng những tin, bài trên báo chí lại xuất hiện rất nhiều. Sau khi nghiên cứu, họ rút ra được kết luận rằng, đây thực ra là kết quả của hoạt động thiết lập chương trình nghị sự, bởi báo chí - truyền thông đua nhau làm rùm beng chứ không phải do vấn đề ma túy trong xã hội nghiêm trọng hơn gây nên, mức độ ảnh hưởng của hoạt động thiết lập chương trình nghị sự của tờ Thời báo New York lớn nhất, trong các hãng truyền thông không cùng loại hình, chương trình nghị sự của cơ quan báo in sẽ ảnh hưởng đến truyền hình(8). Mặc dù thiết lập chương trình nghị sự là kết quả của sự tác động trực tiếp của cơ quan truyền thông, tuy nhiên, đằng sau nó có mối quan hệ phức tạp giữa chính trị, kinh tế và hình thái ý thức.
Tại sao một số vấn đề xã hội lại được coi là quan trọng còn số khác lại không? Mô hình này bắt nguồn từ giả thuyết rằng nếu các phương tiện truyền thông thường xuyên thông báo về một sự kiện và sự kiện này nhận được mức độ quan tâm nhiều hơn sẽ khiến công chúng coi nó là quan trọng hơn. Như Bernard Cohen từng nói: “Báo chí có thể không thành công khi muốn người ta nghĩ thế nào, nhưng nó đã thành công một cách đáng ngạc nhiên khi muốn họ nghĩ về cái gì”.
Theo McQuail và các công sự, quá trình thiết lập chương trình nghị sự bao gồm ba yếu tố chính: chương trình nghị sự truyền thông, chương trình nghị sự công chúng và chương trình nghị sự chính sách. Mô hình thiết lập chương trình nghị sự khẳng định rằng, các phương tiện báo chí - truyền thông chưa chắc đã ảnh hưởng tới việc chúng ta nghĩ thế nào nhưng chúng lại có ảnh hưởng vô cùng lớn khi xét tới khía cạnh khiến chúng ta nghĩ tới một cái gì đó. Nói cách khác, sự có mặt hay vắng mặt của tin tức trên các phương tiện truyền thông có thể ảnh hưởng tới thứ hạng của chúng trong chương trình nghị sự của công chúng và chương trình nghị sự chính sách.
Thông thường, các cơ quan báo chí sẽ có sự thống nhất trong việc đưa tin về những tin tức chính trong ngày. Xét từ giác độ này để tìm hiểu vấn đề nữ quyền trên báo chí đã và đang được báo chí thiết lập trong chương trình nghị sự như thế nào, đặc biệt là vai trò của báo chí đối với vấn đề nữ quyền hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới, ngày càng có thêm nhiều chương trình nghị sự được truyền tải hằng ngày và điều này dẫn tới việc một số người đề xuất chấm dứt việc thiết lập chương trình nghị sự, bởi vì công chúng khá đa dạng và nội dung trở nên cá nhân hóa hơn. Với số lượng thông tin lớn mà chúng ta có thể tiếp cận “không giới hạn” như hiện nay, việc định hướng những thông điệp truyền thông tới các bộ phận công chúng mục tiêu trở nên quan trọng hơn. Điều này rõ ràng thay đổi mô hình tiếp nhận tin tức và tạo ra một hệ thống khác về việc lựa chọn và sàng lọc thông tin. Sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông xã hội cũng gây trở ngại đối với các cơ quan báo chí - truyền thông trong việc loại bỏ các vấn đề ra khỏi chương trình nghị sự.
3. Báo chí với vấn đề nữ quyền
Có thể thấy, các phương tiện truyền thông đại chúng với tư cách là một thiết chế xã hội giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội: cung cấp thông tin, giải trí và góp phần định hình các giá trị xã hội… Ở nước ta, báo chí là các phương tiện truyền thông đại chúng thiết yếu của tổ chức Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và là diễn đàn của nhân dân. Đặc biệt, báo chí có vai trò rất to lớn trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ và bình đẳng giới.
Trong những năm gần đây, báo chí đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc trao quyền, đòi quyền cho phụ nữ. Báo chí đăng tải nhanh, thường xuyên những văn bản, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành liên quan chỉ đạo về việc thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho nữ giới. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam từ trước tới nay. Hiến pháp Việt Nam và Luật Bình đẳng giới đã ghi nhận quyền bình đẳng về mọi mặt của công dân nam và nữ. Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp bình đẳng giới của Việt Nam cũng như mục tiêu bình đẳng giới của Diễn đàn nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, báo chí tích cực lên án đối với những hành vi bất bình đẳng giới như: bạo lực gia đình, định kiến giới… Nhiều tác phẩm đã đi sâu chỉ rõ, phân tích những hình thức bất bình đẳng giới trong thực tế; đăng tải những mức xử phạt với những hành vi bạo lực, buôn bán phụ nữ trẻ em… từng bước góp phần giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, có thể rút ra một số nội dung chính sau:
Thứ nhất, báo chí cập nhật nhanh chóng, kịp thời chuyển tải những chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành liên quan chỉ đạo về việc trao quyền cho nữ giới, thực hiện bình đẳng giới để tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện, tiến tới hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam là bình đẳng giới thực sự. Đồng thời, báo chí thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giúp xã hội hiểu rõ quyền của nữ giới trong xã hội hiện đại.
Thứ hai, báo chí có trách nhiệm thông tin nhanh chóng, chuẩn xác, định hướng thông tin và hướng dẫn dư luận, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, quyền lợi của nữ giới. Đây là một trong những vai trò quan trọng của báo chí trong việc góp phần giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giới, đồng thời tạo các diễn đàn, chuyên mục đăng tải ý kiến của công chúng về một vấn đề liên quan đến nữ quyền. Các diễn đàn này sẽ là nơi bàn luận về những vấn đề thời sự nóng hổi liên quan đến nữ giới và là mối quan tâm của dư luận xã hội.
Thứ ba, báo chí kịp thời phản ánh thực tiễn, phát hiện và biểu dương những kết quả đáng ghi nhận của các đơn vị trong việc thực hiện nữ quyền, bình đẳng giới; tuyên truyền những tấm gương điển hình tiên tiến về thực hiện công tác bình đẳng giới. Đồng thời, báo chí cũng phê phán mạnh mẽ những vấn đề bất bình đẳng giới, tạo khoảng cách giới trong xã hội.
Thứ tư, khi báo chí đưa những thông tin về nữ quyền cần phù hợp với văn hóa của dân tộc, đảm bảo tính nhân văn trong các sản phẩm truyền thông. Đặc biệt, khi đưa tin về một vụ bạo lực gia đình, hình ảnh nạn nhân bị bạo lực cần phải làm mờ đảm bảo tính nhân văn của báo chí.
Thứ năm, báo chí có vai trò quan trọng trong phản biện xã hội về các vấn đề liên quan đến nữ quyền, đặc biệt là vấn đề bất bình đẳng giới, cụ thể như việc đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo; việc chi trả chế độ, tiền lương cho cả hai giới nam và nữ; các chính sách về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em; giám sát các hình thức xử lý, giải quyết các vụ việc tạo nên bất bình đẳng giới trong xã hội.
Cùng với sự phát triển của xã hội, ngày nay báo chí cần phải thể hiện được vai trò, trách nhiệm với vấn đề về nữ quyền, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ. Hơn lúc nào hết, những người làm báo phải là người tiên phong, có nhận thức rõ ràng và độ nhạy cảm về thông tin để sáng tạo các tác phẩm báo chí có giá trị, thúc đẩy quyền của phụ nữ, từ đó, góp phần xóa bỏ định kiến giới đã tồn tại lâu đời, giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giới trong xã hội, trao những quyền chính đáng và hợp pháp cho nữ giới./.
_______________________________________________
(1) Olympe de Gouges (1791), Tuyên ngôn về Quyền của Phụ nữ và của Công dân (Nữ), Tiếng Pháp Décloy des droits de la femme et de la citoyenne, xuất bản tại Pháp.
(2) A Vindication of the Rights of Woman (1792): with Strictures on Political and Moral Subjects.
(3) Simone De Beauvoir (1949), The Second Sex.
(4) E.C.Stanton, S.B.Anthony, M.S.Gage &I.H.Harper (1881 -1992), History of Woman Suffrage”
(5) Sara Delamont (2003), Feminist Sociology, SAGE Publiction Ltd, 6 Bonhill Street, London EC2A 4PU.
(6) Nguyễn Linh Khiếu, Nghiên cứu giới ở Việt Nam - quá trình và xu hướng, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 6.3.2007.
(7) Nguyễn Thành Lợi (2014), Tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại, Nxb. Thông tin và Truyền thông.
(8) Werner J. Severin, James W. Tankard (1992): Communication theories: origins, methods, and uses in the mass media, New York, Longman, P.28, P.234.
Bình luận