Ngoại giao "tâm công" Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển truyền thống ngoại giao của dân tộc
- Ngoại giao "tâm công"
Ngoại giao "tâm công" là một trong những đặc trưng nổi bật của ngoại giao truyền thống Việt Nam. Phương pháp này được ông cha ta vận dụng khéo léo trong cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược hùng mạnh. "Tâm công" là thu phục lòng người bằng chính nghĩa, bằng nhân tình, thuyết phục bằng lẽ phải và đạo lý. "Tâm công" dùng trong địch vận để làm nhụt nhuệ khí của địch, gây hoang mang trong hàng ngũ đối phương, kết hợp với thắng lợi trên chiến trường buộc địch phải nghị hòa và rút quân về nước. Đó là phương pháp ngoại giao đã được Nguyễn Trãi vận dụng suốt những năm kháng chiến chống quân Minh và đạt hiệu quả cao.
Kế sách này bắt nguồn từ niềm tin vào con người, luôn hướng tới Chân - Thiện - Mỹ, mặt khác lại nêu cao khả năng hướng thiện ở con người. Nguyễn Trãi luôn vững tin vào sức thuyết phục của chính nghĩa, của đức lớn hiếu sinh, của đạo lý nhân nghĩa “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy trí nhân để thay cường bạo”
Xuất phát từ tư tưởng “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn” và nhận rõ tác dụng quyết định của “lòng người” trong chiến tranh, các nhà quân sự thời Lê hiểu rằng, một mặt phải đánh thật mạnh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch thì mới làm địch suy yếu và mau suy sụp tinh thần; một mặt khác khoét sâu vào nhược điểm trí mạng về tinh thần của quân đội xâm lược chiến đấu xa nhà, xa nước đứng trước cả một dân tộc đang chống lại. Phối hợp hai mặt tiến công đó, vừa đánh tiêu diệt lực lượng vật chất của địch vừa tiến công vào tinh thần chiến đấu của chúng. Tổ tiên ta đã buộc hàng chục vạn tên địch phải hạ vũ khí xin hàng, làm tan rã về tổ chức và tinh thần cả một đội quân xâm lược lớn mạnh. Trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi tổng kết:
Bó tay để đợi bại vong, giặc đã trí cùng lực kiệt
Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công
(Bình Ngô đại cáo - Bản dịch của Ngô Tất Tố)
Những văn kiện địch vận của Nguyễn Trãi có sức thuyết phục mạnh mẽ, nêu bật tính chất chính nghĩa của chiến tranh giải phóng của dân tộc ta và tính chất phi chính nghĩa trong chiến tranh xâm lược của nhà Minh, nêu rõ sức mạnh đoàn kết của quân và dân ta và mâu thuẫn của nội bộ địch, nhằm mục tiêu làm tan rã tinh thần chiến đấu của chúng, đưa chúng đến chỗ hàng phục ta trong điều kiện bị vây hãm vào thế nguy khốn về quân sự. Đánh bằng quân sự càng mạnh, quy mô càng lớn, thì đánh bằng binh vận cũng ngày càng mạnh, với quy mô càng lớn.
Trong thư gửi Phương Chính, một tướng nhà Minh, Nguyễn Trãi vạch ra: “Nước người nhân dịp nhà Hồ lỗi đạo, mượn tiếng điếu dân phạt tội (ý nói nhà Minh mượn tiếng thương dân sống khổ mà đánh kẻ có tội để cứu dân), kỳ thực là làm việc bạo tàn, lấn cướp nước ta, bóc lột dân ta, thuế nặng, hình nhiều, vơ vét của quý, dân mọn các làng không được yên sống. Nhân nghĩa lại làm thế ư? Nay ở nước người, dân oán, thần giận, kế tiếp có đại tang, thế mà đã không biết tự xét lỗi mình, lại còn cùng binh độc vũ (ý nói dùng vũ lực, đánh nhau không thôi), ham thích xâm lược nơi xa, khiến cho sĩ tốt phơi thây, nhân dân lầm bụi”.
Đối với tướng sĩ ngụy, Nguyễn Trãi khêu gợi tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc: “Người xưa có câu nói: Quạ đi lại về quê cũ, cáo chết quay đầu về núi”, cầm thú còn thế, huống nữa là người? Các ngươi vốn đều là dân Tây Việt, dòng dõi nhà quan. Trước nhân nhà Hồ thất đức, giặc Ngô lăng loàn, các ngươi có người thân bị hãm ở tặc đình, có người thì danh bị buộc ở ngụy chức, đó là thế không đừng được, nào phải do bản tâm đâu… Bọn các ngươi nếu biết sửa lòng đổi dạ, bỏ nghịch theo thuận, hoặc ở làm nội ứng hoặc ra để cũng đầu hàng thì không những rửa mối hổ thẹn ngày trước mà cũng được phần soi xét về sau. Ta không nói lời lại ăn lời, nếu các ngươi lại còn tiếc tham ngụy chức, chống cự vương sư thì khe hãm thành tội các người tất nặng hơn giặc Ngô đấy”.
Chính sách đối với quân giặc ra hàng cũng đã được quy định rõ:
“Tướng giặc đã hàng mảy may cũng không được xâm phạm. Bất cứ tội to tội nhỏ đều xóa cho hết”.
Đối với tướng sĩ ngụy đã ra hàng:
“Ra ngoài thành cùng hòa thân, thì ta sẽ coi các ngươi như tình anh em ruột thịt, chẳng những là đảm bảo tính mạng vợ con mà thôi…”.
Còn đối với tướng sĩ nhà Minh:
“Nếu muốn rút quân về nước ta sẽ sửa sang cầu cống, chuẩn bị thuyền bè, thủy lục hai đường, tùy theo ý muốn, bảo đảm đưa ra khỏi bờ cõi không phải lo gì”.
Tổ tiên ta đã kết hợp chặt chẽ tác chiến và địch vận nên phát huy được sức mạnh chính trị, tiết kiệm xương máu, giành thắng lợi to lớn trong cuộc chiến bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước.
Có thể nói “tâm công” là kế sách hiệu quả nhất để thu phục lòng người; người sáng tạo và thực thi kế sách là bậc đại hiền: “Trừ độc, trừ tham, trừ ngược/Có nhân, có trí, có anh hùng”.
- Hồ Chí Minh - Người kế thừa và phát triển ngoại giao "tâm công" của dân tộc
Không chỉ kế thừa, Hồ Chí Minh đã phát triển phương pháp ngoại giao “tâm công” lên một tầm cao mới.
Thứ nhất, theo Hồ Chí Minh, cơ sở của “ngoại giao tâm công” chính là tính hướng thiện của mỗi con người và sự chia sẻ các giá trị nhân văn chung của nhân loại tiến bộ trên thế giới. Bác khẳng định “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ”. Đây chính là cơ sở để Hồ Chí Minh thực hiện “ngoại giao tâm công” nhằm khơi dậy và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè thế giới đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân ta.
Thứ hai, ngoại giao tâm công xuất phát từ tinh thần nhân đạo, yêu chuộng hòa bình của Hồ Chí Minh. Không mong muốn đổ máu nên ngay cả trong chiến tranh Bác vẫn luôn tìm mọi cách để giảm thiểu thương vong.
Thứ ba, những am hiểu sâu sắc về nền văn hóa của các nước là điều kiện thuận lợi để Hồ Chí Minh thực hiện ngoại giao tâm công.
Nhà thơ Liên Xô, Ôxíp Manđenxtam từng nhận xét: Ở Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa không phải là văn hóa của châu Âu mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai. Sự am hiểu sâu sắc về các nền văn hóa trên thế giới giúp Hồ Chí Minh có lối ứng xử lịch thiệp. Điều này khiến bạn bè thế giới, thậm chí cả những người đứng bên kia chiến tuyến cũng dành một tình cảm đặc biệt cho Hồ Chí Minh.
Văn hóa kết hợp sức mạnh tinh thần của dân tộc. Chọn văn hóa để đi vào lòng người là một cách nâng cao vị thế của dân tộc; phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc trong hoạt động đối ngoại sẽ tạo sự hiểu biết và tôn trọng của bạn bè thế giới đối với dân tộc mình.
Xét trên khía cạnh khác, ngoại giao "tâm công" thực ra không gì khác ngoài việc áp dụng những kiến thức văn hóa vào hoạt động ngoại giao. Văn hóa là nội lực có thể phát huy được của một dân tộc, góp phần làm giàu văn hóa thế giới và đưa đến những sự hợp tác quốc tế. Lấy chủ nghĩa nhân đạo và nhân văn làm nòng cốt để từ đó thuyết phục bạn bè và cảm hóa đối phương với đặc trưng là khiêm tốn, nhã nhặn và sự thành thực tự nhiên, đó chính là điểm khởi đầu của ngoại giao “tâm công” Hồ Chí Minh.
Kết hợp truyền thống với hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và đưa “ngoại giao tâm công” lên một tầm cao mới trong cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Phương pháp “ngoại giao tâm công” của Hồ Chí Minh được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:
Một là, với bạn bè và đồng chí của nhân dân Việt Nam, Người luôn hướng tới xây đắp tình cảm chân thành, “vừa là đồng chí vừa là anh em” và tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung. Với chủ nghĩa nhân văn sâu đậm, Người luôn chủ động xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết với các dân tộc trên thế giới. Bác nhắc nhở cán bộ ngoại giao: phải làm đúng đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước… tăng cường đoàn kết hữu nghị với dân tộc bị áp bức, với nhân dân thế giới… vì lợi ích của hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Hai là, “tâm công” trên cơ sở chủ nghĩa nhân văn, tìm ra những điểm tương đồng để thức tỉnh và khích lệ sự ủng hộ quốc tế, phân biệt rõ bạn thù, phân biệt dân tộc với kẻ phản động trong Chính phủ để cô lập kẻ thù gây chiến nhằm tập hợp lực lượng rộng rãi trên thế giới. Người tìm ra những điểm tương đồng giữa dân tộc Việt Nam và các dân tộc trên thế giới, lấy đó làm cơ sở để thực hiện “ngoại giao tâm công”. Trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân kỉ niệm Cách mạng tháng Tám” ngày 19.8.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Noi gương Cách mạng 1776 của Mỹ, Cách mạng tháng Tám tự chủ chống ngoại xâm. Cũng như Cách mạng 1789 của Pháp, Cách mạng tháng Tám thực hành lý tưởng: Bình đẳng, Tự do, Bác ái. Theo gót Cách mạng 1911 của Tàu, Cách mạng tháng Tám thực hiện chủ nghĩa: Dân tộc, dân quyền, dân sinh”.
Hồ Chí Minh luôn lấy hòa bình, hữu nghị và đạo lý làm tiêu chí để phân biệt bạn - thù. Người không bao giờ đánh đồng cả một dân tộc hay một nước với những kẻ cầm quyền gây chiến tranh xâm lược nước đó để trung lập hóa và cô lập kẻ thù chính, đồng thời ra sức tranh thủ nhân dân nước đó đứng về phía nhân dân Việt Nam. Tùy từng đối tượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm những điểm tương đồng để khơi dậy tình hữu nghị và hợp tác giúp đỡ lẫn nhau. Trong nhiều trường hợp, Người dùng lý lẽ để ràng buộc họ, khiến họ ủng hộ hoặc trung lập, không chống lại ta.
Ba là, với đối phương, Hồ Chí Minh vừa khơi dậy lòng tự hào, vừa thuyết phục để thức tỉnh lương tâm. Trong quan hệ với Pháp, Người khơi dậy lòng tự hào của nhân dân Pháp để nhân dân Pháp phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chính người Pháp đã thừa nhận: Hồ Chí Minh đã đánh chìm chủ nghĩa thực dân Pháp mà vẫn giữ được tình hữu nghị với nhân dân Pháp.
Trong thư gửi tướng Leclerc, được cử sang điều tra tình hình Việt Nam đầu năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Ngài là một đại quan nhân và một nhà ái quốc… Một nhà ái quốc trọng những người ái quốc khác. Một người yêu quê hương mình, trọng quê hương kẻ khác… Giá thử ngài đánh được chúng tôi đi chăng nữa - đấy là một điều viển vông, vì nếu ngài mạnh về vật chất thì chúng tôi đây, mạnh về tinh thần, với một ý chí cương quyết chiến đấu cho tự do của chúng tôi - thì những thắng lợi tạm thời kia chẳng những không tăng thêm mà lại còn làm tổn hại đến uy danh quân nhân và tư cách ái quốc của ngài”.
Với tấm lòng nhân ái bao dung, thực hiện tâm công, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác địch vận. Người khẳng định: Đánh mà thắng địch là giỏi, không đánh mà thắng lại càng giỏi hơn. Không đánh mà thắng địch là nhờ địch vận.
Phương thức “ngoại giao tâm công” đã được Hồ Chí Minh thực hiện hiệu quả mang lại nhiều thắng lợi cho cách mạng Việt Nam. Phương pháp này không chỉ thể hiện tài ngoại giao của Hồ Chí Minh mà còn là minh chứng rõ nét cho trí tuệ và tinh thần Việt Nam. Thế giới biết đến Việt Nam bởi Việt Nam có một người vĩ đại như Hồ Chí Minh. Và thế giới biết đến Hồ Chí Minh bởi chính tài ngoại giao của Người, trong đó nổi bật là ngoại giao "tâm công"./.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí điện tử Dân tộc ngày 08.11.2013
Bài liên quan
- Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản lĩnh chính trị của đảng cách mạng và định hướng giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng hiện nay
- Tư tưởng, tấm gương và phong cách báo chí Hồ Chí Minh
- Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và vận dụng vào thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng ta hiện nay
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân và giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
- Vấn đề động lực trong triết lý phát triển Hồ Chí Minh - tiếp cận từ góc nhìn biện chứng
Xem nhiều
-
1
Đại hội Chi bộ khoa Tuyên truyền nhiệm kỳ 2025-2027
-
2
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội nghị Tuyên dương điển hình tiên tiến lần thứ VI (2025-2030)
-
3
Quản lý thông tin về khoa học quân sự trên báo chí quân đội ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và một số giải pháp tăng cường
-
4
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
-
5
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên hiện nay
-
6
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh trong tham gia xây dựng Đảng
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Đại hội Chi bộ Ban Thanh tra nhiệm kỳ 2025 - 2027
Sáng 12/3/2025, tại phòng họp số 1102, tầng 11, Nhà A1, Chi bộ Ban Thanh tra tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2025-2027. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng ban Thanh tra làm Bí thư Chi bộ; đồng chí Nguyễn Đình Định, Phó Trưởng ban Thanh tra làm Phó Bí thư Chi bộ. Đại hội cũng đã bầu ra 02 đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhiệm kỳ 2025-2030. 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản lĩnh chính trị của đảng cách mạng và định hướng giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng hiện nay
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản lĩnh chính trị của đảng cách mạng và định hướng giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng hiện nay
Nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng ta là một bộ phận rất quan trọng của công tác xây dựng Đảng về chính trị; bao trùm, chi phối mạnh mẽ những nội dung khác của công tác xây dựng Đảng về chính trị, nhằm giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Để công việc này đạt hiệu quả, cần nhận thức sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản lĩnh chính trị của đảng cách mạng, vận dụng tốt quan điểm ấy trong xác định giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng hiện nay.
Tư tưởng, tấm gương và phong cách báo chí Hồ Chí Minh
Tư tưởng, tấm gương và phong cách báo chí Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, nhà báo vĩ đại, khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người để lại cho chúng ta khối lượng đồ sộ, nhiều thể loại các tác phẩm báo chí; hệ thống quan điểm tư tưởng, lý luận toàn diện và sâu sắc về báo chí cách mạng Việt Nam và phong cách nghề nghiệp của người làm báo. Bài viết khái quát những cống hiến chủ yếu của Người trên lĩnh vực báo chí nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” hiện nay, góp phần xây dựng nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại theo chủ trương Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và vận dụng vào thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng ta hiện nay
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và vận dụng vào thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng ta hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của Đảng ta, vị “cha già” của dân tộc, người dẫn lối, chỉ đường, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ độc lập. Bác đã đi xa, nhưng di sản về lý luận Người để lại vẫn còn nguyên giá trị. Trong kho tàng di sản quý báu đó, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ có giá trị soi đường trong hoạt động thực tiễn xây dựng Đảng, tạo đà cho đất nước phát triển theo hướng bền vững. Trong phạm vi bài viết, tác giả không có tham vọng sẽ hệ thống hoá được toàn bộ các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ mà chỉ trình bày khái quát những quan điểm cơ bản của Người, qua đó làm rõ thêm giá trị khi vận dụng vào thực tiễn công tác cán bộ của Đảng ta hiện nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân và giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân và giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân là một nội dung quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Người. Hồ Chí Minh lựa chọn độc lập dân tộc gắn với tự do, hạnh phúc của nhân dân theo con đường cách mạng vô sản có ý nghĩa sâu sắc đối với tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Đó là sự lựa chọn vô cùng đúng đắn, phù hợp với dân tộc và xu thế của thời đại. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tư tưởng của Hồ Chí Minh về một nền độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân vẫn còn nguyên giá trị, được Đảng ta tiếp tục khẳng định và hiện thực hóa trong thực tiễn xây dựng đất nước.
Bình luận