Nhận diện chiều cạnh văn hóa của công chúng từ giác độ vai trò của họ đối với báo chí
1. Vai trò của công chúng đối với báo chí
Từ quan niệm về công chúng báo chí, cho thấy, công chúng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động của cơ quan báo chí:
Trước hết, công chúng là cơ sở cho sự ra đời của báo chí truyền thông. Không có công chúng với nhu cầu tiếp nhận thông tin của họ, loài người tuyệt đối không mất công sức, thời gian để nghiên cứu, sáng tạo, phát minh ra cái gọi là “báo chí”. Nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng với đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng là mạch nguồn cho “dòng sông báo chí” mải miết chảy từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, từ quốc gia này tới quốc gia khác. Và chính nó cũng là động lực, là nguồn cảm hứng để các cơ quan báo chí nỗ lực áp dụng các hình thức truyền thông, các kênh truyền thông mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng.
Thứ hai, công chúng là đối tượng thẩm định, xác lập, phát triển thương hiệu, uy tín, sức mạnh xã hội của cơ quan báo chí. Là người thẩm định bởi vì công chúng chính là đối tượng tiếp nhận và đưa ra cảm nhận, đánh giá trực tiếp về chất lượng sản phẩm báo chí. Công chúng là những khách hàng thông minh và khó tính. Để cân đo thương hiệu, uy tín của một cơ quan báo chí truyền thông, rõ ràng, chỉ có thể nhìn vào số lượng công chúng ít hay nhiều mà tờ báo đó chiếm lĩnh được. Sự đánh giá của họ là cơ sở để khẳng định đâu là tờ báo “đáng đọc, đáng nghe, đáng xem”, đâu là tờ báo mang tính chất “lá cải”, đâu là tờ báo hấp dẫn và đâu là tờ báo bình dân. Với sự xuất hiện của hàng trăm kênh báo chí truyền thông hiện nay, công chúng chỉ lựa chọn những sản phẩm chất lượng, có giá trị với bản thân, với cộng đồng xã hội. Nhìn vào chỉ số tiêu dùng, dễ dàng đánh giá được cơ quan báo chí đó có uy tín cao hay thấp, thương hiệu mạnh hay yếu, và theo đó là sức mạnh xã hội của tờ báo thế nào.
Sức mạnh xã hội của cơ quan báo chí chính là khả năng tác động, gây ảnh hưởng của sản phẩm truyền thông làm thay đổi nhận thức, thái độ, đặc biệt là hành vi của công chúng. Thông tin báo chí truyền thông chỉ có thể có được sức mạnh thực tế, lan toả và ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng, xã hội khi nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của công chúng. Cơ quan báo chí có sức mạnh xã hội khi có lượng công chúng đông đảo, tập hợp được công chúng cùng chung tay giải quyết các vấn đề xã hội đang đặt ra, ví dụ: xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, xoá bỏ bất bình đẳng giới, chung tay ủng hộ người nghèo và người có hoàn cảnh yếu thế, thực hành ứng xử văn hoá nơi công cộng, thực hiện Luật và các chính sách của Nhà nước nói chung,…
Thứ ba, công chúng góp phần gia tăng hàm lượng văn hoá của tác phẩm báo chí: Công chúng là người thẩm định các sản phẩm truyền thông. Họ không dễ dãi chấp nhận những sản phẩm kém chất lượng (không hay, không hấp dẫn, không mới, không chính xác, đơn điệu và nghèo nàn về hình thức thể hiện…). Công chúng chỉ chấp nhận những tác phẩm có chất lượng, có giá trị. Đó cũng chính là cơ sở, là động lực, và cũng là áp lực để các cơ quan báo chí phải không ngừng tìm cách thức gia tăng tính hay, tính mới, tính hấp dẫn, tính chính xác khách quan… của tác phẩm - nói cách khác là gia tăng hàm lượng văn hoá của tác phẩm.
Thứ tư, công chúng góp phần định hình văn hoá của nhà truyền thông và cơ quan báo chí truyền thông. Văn hoá của nhà báo và cơ quan báo chí được thể hiện ở nhiều bình diện. Ở bình diện năng lực chuyên môn, văn hoá của nhà báo và cơ quan báo chí thể hiện thông qua xác lập chất lượng tác phẩm. Ở bình diện giao tiếp, văn hoá của nhà báo và cơ quan báo chí thể hiện ở cách giao tiếp, ứng xử với nhau, với đối tác, với công chúng…
Có thể nói, công chúng là người giám sát, là “tai mắt” đối với hoạt động của nhà báo và cơ quan báo chí ngoài xã hội. Với tầm quan trọng đặc biệt của mình, họ xác lập những nguyên tắc giao tiếp “bất thành văn” đối với nhà báo và cơ quan báo chí. Nhà báo, cơ quan báo chí phải có cách ứng xử và giao tiếp trên tinh thần cầu thị, tôn trọng, thân thiết, gần gũi và lịch sự để được công chúng tin tưởng, yêu mến, xa hơn là sẵn sàng tạo điều kiện tác nghiệp, sẵn sàng cộng tác, sẵn sàng mua báo, xem, nghe chương trình. Chính những đòi hỏi khắt khe đó, yêu cầu các nhà báo và cơ quan báo chí phải thực sự tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, luật báo chí cũng như phải nỗ lực không ngừng để đem lại những tác phẩm chất lượng, hiệu quả.
Thứ năm, công chúng là khách hàng, thị trường tiêu thụ của báo chí. Một điều hiển nhiên là báo chí - tuy là sản phẩm tinh thần, thực hiện sứ mệnh chính trị xã hội, nhưng nó cũng là loại hàng hoá đặc biệt, được bán trên thị trường để đem lại nguồn thu. Công chúng là người mua - khách hàng, là thị trường tiêu thụ. Càng đông người mua báo, nghe đài, xem truyền hình, đọc báo mạng, lợi nhuận thu về cho cơ quan báo chí càng lớn. Đó là lợi nhuận hữu hình và lợi nhuận vô hình, lợi nhuận trực tiếp và lợi nhuận gián tiếp.
Lợi nhuận hữu hình, trực tiếp là số tiền bán báo, thu phí mà tờ báo thu được mỗi ngày, mỗi tuần từ công chúng. Lợi nhuận vô hình được đem lại từ thương hiệu, uy tín, từ đó, thu hút quảng cáo, tổ chức sự kiện... Đó mới là lợi nhuận cao nhất mà cơ quan truyền thông nào cũng mong muốn đạt tới. Cho nên, thực tế, có những tờ báo in “càng in càng lỗ”, vì giá bán báo thấp hơn giá thành sản phẩm, nhưng, họ vẫn in nhiều, phát hành nhiều, bởi mục tiêu tờ báo là cố gắng tiếp cận được với lượng công chúng đông đảo nhất. Trên thế giới, có những tờ báo “miễn phí”, phát không cho công chúng mỗi ngày. Nguồn lợi từ bán báo, quảng cáo, tổ chức sự kiện,… chính là nguồn nuôi dưỡng cơ quan và nhà báo theo nghĩa đen, và cả nghĩa bóng. Nguồn tiền có được càng nhiều, tái đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, tái đầu tư cho chất xám càng cao, giúp nâng cao chất lượng sáng tạo sản phẩm, và ngược lại. Do vậy, tìm cách thu hút công chúng là bài toán mà bất kỳ cơ quan báo chí truyền thông nào cũng trăn trở tìm lời giải.
Thứ sáu, công chúng là cộng tác viên - người sáng tạo các sản phẩm truyền thông. Thực tế, mỗi cơ quan truyền thông, mỗi nhà báo đều có nguồn cộng tác viên thân thiết. Do gắn chặt vào mạch nguồn cuộc sống, sản phẩm cộng tác của công chúng - tuy có thể còn thô ráp, sần sùi - nhưng lại mang hơi thở nóng bỏng của hiện thực, trở thành “khẩu vị” lạ, một phần không thể thiếu hiện diện trên tờ báo.
Đặc biệt, khi báo mạng điện tử ra đời, sự hiện diện đó càng sinh động, rõ nét hơn. Nhiều báo dành riêng các chuyên mục cho cộng tác viên - công chúng. Ví dụ: báo VnExpress.net có Góc nhìn, Tienphong.vn có Tôi nghĩ, Dantri.vn với Blog, Diễn đàn…; báo Sinh viên, Hoa Học Trò cũng thường xuyên đăng tải bài viết, tranh ảnh của cộng tác viên là học sinh, sinh viên từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi về. Trên phát thanh, truyền hình thì có các dạng chương trình như: Theo bước chân bạn xem truyền hình, Thư bạn nghe đài, Nhịp cầu thính giả, Lá thư âm nhạc, Hành trình cùng bạn,… lấy chất liệu chủ yếu là những lá thư, những tâm sự, những chia sẻ của công chúng. Sự tôn trọng cộng tác viên - tác giả, thể hiện qua sử dụng các tác phẩm của họ trên mặt báo là chất keo gắn kết chặt công chúng với nhà báo và cơ quan báo chí. Đây là sự “tích luỹ chất xám công chúng” rất thông minh của cơ quan báo chí.
Thứ bảy, công chúng là nguồn đề tài, nguồn cảm hứng bất tận cho báo chí truyền thông. Đối tượng phản ánh chủ yếu của báo chí truyền thông là con người, trong đó có bộ phận lớn là công chúng. Ý thức của công chúng, nhận thức, thái độ, hành vi của công chúng góp phần tạo nên những “đợt sóng” sự kiện, sự việc, tình huống, vấn đề nảy sinh hàng ngày, hàng giờ; biết bao số phận công chúng - với những biến cố nổi bật, hay những đóng góp ý nghĩa, lớn lao với cộng đồng, xã hội,… tất cả điều đó chính là mạch nguồn cảm hứng, nguồn đề tài bất tận cho báo chí khai thác, phản ánh mỗi ngày. Nói cách khác, công chúng là nguồn “dưỡng sinh” cho đề tài báo chí và cảm hứng nhà báo. Thiếu công chúng, mạch nguồn chủ đề, ý tưởng thông tin của báo chí dễ bị cạn kiệt, cằn cỗi.
Thứ tám, công chúng “dẫn dắt”, góp phần định hình sản phẩm truyền thông và hoàn thiện mô hình truyền thông. Đặc điểm xã hội học, nhu cầu, sở thích, thói quen, năng lực tiếp nhận thông tin của mỗi nhóm đối tượng là khác nhau. Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi các cơ quan báo chí truyền thông lớn của phương Tây luôn tiến hành điều tra nhu cầu thông tin của công chúng trước khi quyết định sản xuất/xuất bản chương trình hay tờ báo nào, với cách thức nội dung và hình thức chương trình ra sao, phát hành, phát sóng ở đâu, vào khung giờ nào…, và định kỳ khảo sát ý kiến phản hồi của công chúng để điều chỉnh tờ báo.
Ngay cả những comment, bình luận của công chúng cũng có khả năng dẫn dắt chủ đề mà cơ quan báo chí cần tập trung phản ánh. “Những phản ứng của công chúng sau khi tiếp nhận các sản phẩm truyền thông sẽ là một trong số các yếu tố quy định hoạt động truyền thông tiếp theo”(1). Trên báo mạng điện tử, số lượng phản hồi, lượt đọc (view) nhiều hay ít đối với một bài báo, chính là chỉ báo quan trọng để nhà báo biết có cần tập trung phát triển dòng chủ đề đó, hay dừng lại. Nội dung thông tin qua comment của công chúng cũng có thể hé lộ cho nhà báo những chi tiết, ý tưởng hay ho để nhà báo đi sâu tìm hiểu, phản ánh. Đó chính là thẩm quyền “dẫn dắt truyền thông” của công chúng hiện đại.
Tóm lại, sự phát triển và ngày càng dân chủ hóa của xã hội, sự nâng cao trình độ hiểu biết của công chúng, sự không ngừng hoàn thiện của các phương tiện kỹ thuật là điều kiện để chuyển hóa mô hình truyền thông đại chúng từ một chiều áp đặt sang hai chiều mềm dẻo, từ (đơn nhất) một chiều sang truyền thông tương tác (đa chiều). Ranh giới giữa nhà báo, cơ quan báo chí và công chúng ngày càng được thu hẹp. Sự nhất thể hóa giữa người truyền thông và công chúng đã trở thành nét đặc trưng chủ yếu của mô hình truyền thông mới trong kỷ nguyên truyền thông hiện nay.
2. Các chiều cạnh văn hoá báo chí của công chúng
Sức mạnh, khả năng tác động, ảnh hưởng của công chúng đối với hoạt động truyền thông đã được trình bày qua tám (08) vai trò chính yếu. Điều đó cho thấy, trong hoạt động báo chí, có ba trụ cột chính yếu cấu thành văn hoá báo chí, là văn hoá nhà báo - cơ quan báo chí - công chúng. Ba thành tố này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Báo chí, muốn đạt được hàm lượng văn hoá, và cho dù đã đạt đến một hàm lượng văn hoá nhất định, cũng cần phải có sự đồng bộ về nhận thức, trình độ từ phía công chúng tiếp nhận. Bởi vì, chỉ có công chúng có văn hoá phù hợp mới có thể tiếp nhận, giải mã được một cách đúng đắn, trọn vẹn, chính xác nội dung thông tin của tác phẩm báo chí. Hơn thế, chỉ có công chúng với thái độ, hành vi văn hoá, mới góp phần làm gia tăng hiệu quả và ảnh hưởng xã hội của báo chí truyền thông.
Từ cách nhìn nhận đó, có thể nhận định: Văn hoá báo chí của công chúng chính là văn hoá tiếp nhận, văn hoá ứng xử của công chúng đối với nhà báo, cơ quan báo chí, có vai trò góp phần thúc đẩy chất lượng, hiệu quả của sản phẩm truyền thông.
Nói cách khác, văn hoá báo chí của công chúng là thái độ, hành vi văn hoá trong giao tiếp, ứng xử với báo chí của công chúng, góp phần tăng cường hàm lượng văn hoá chung trong lĩnh vực báo chí truyền thông.
Từ quan niệm trên, có thể tạm định hình các chiều cạnh văn hoá báo chí truyền thông của công chúng qua công thức sau:
Văn hóa báo chí của công chúng = Thái độ văn hóa + Hành vi văn hóa công chúng.
2.1. Thái độ văn hoá của công chúng
- Sử dụng và hài lòng
Các sản phẩm báo chí truyền thông tại Việt Nam gần như đang được cung cấp miễn phí cho công chúng (trừ các tờ báo in). Với đa dạng loại hình báo chí và hàng nghìn tờ báo, chương trình phát thanh, truyền hình đang hoạt động mỗi ngày, công chúng được hưởng nguồn tài nguyên thông tin dồi dào, quan trọng, giá trị, đặc biệt rẻ tiền. Vì vậy, thái độ văn hoá có thể được thể hiện thông qua:
+ Nhóm thái độ yêu thích: Công chúng có thể bày tỏ thái độ yêu thích đối với truyền thông qua trạng thái đam mê, “nghiền” đọc/nghe/xem một số sản phẩm truyền thông nhất định. Họ cố gắng sắp xếp công việc, thời gian để được tiếp nhận các kênh truyền thông, các chương trình, chuyên trang, sản phẩm… mà mình yêu thích, sẵn sàng thể hiện sự thích thú thông qua hình thức phản hồi, click biểu tượng like, share…
+ Nhóm thái độ chấp nhận: Công chúng có thể thể hiện thái độ chấp nhận rằng các loại hình truyền thông như báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng được công nhận là công cụ, phương tiện để họ tiếp cận thông tin, tiêu khiển giải trí và là phương tiện để thâm nhập vào xã hội (hiểu rõ hơn môi trường chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội). Họ dành thời gian trao đổi, thảo luận với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… về các vấn đề, sự kiện mà truyền thông đưa ra, có suy nghĩ nghiêm túc về các thông điệp được tiếp nhận qua truyền thông, tạo tiền đề cho những thay đổi về hành vi (nếu có thể) trong thực tiễn.
+ Nhóm thái độ thích ứng hay trung lập: Một nhóm công chúng không đọc/nghe/xem nhiều mà cũng không đọc/nghe/xem ít. Họ cho rằng truyền thông có thể đáp ứng nhiều mục đích khác nhau, từ cung cấp thông tin đến nhu cầu giải trí, tuy nhiên cần phải có sự chọn lọc thông tin nhất định hoặc đầu tư để thông tin hấp dẫn hơn.
Các chỉ số về sử dụng và hài lòng của công chúng sẽ góp phần giúp cơ quan truyền thông nâng cấp nội dung thông tin lẫn phương thức chuyển tải theo xu hướng tích cực.
- Công chúng thông minh
Dưới tác động của công nghệ truyền thông hiện đại và bối cảnh kinh tế phát triển, một thế hệ công chúng mới của truyền thông cũng đã xuất hiện, được gọi là thế hệ công chúng thông minh (phân biệt với thế hệ công chúng bị động passive masses, có thể tạm xem là thế hệ công chúng trước khi truyền thông Internet ra đời tại Việt Nam).
Đó hầu hết là những người có trình độ học vấn, kiến thức rộng. Họ, thứ nhất, luôn đề cao tính chính xác, khách quan, nhanh chóng và cân bằng của thông tin báo chí mà không cần quá nhiều bình luận hay định hướng từ người đưa tin. Qua thông tin khai thác từ nhiều nguồn, họ sẽ tự phân tích, phán đoán xu thế phát triển của kinh tế, sự vận động sắp tới của các chính sách từ nhà cầm quyền, đòn bẩy chính trị quốc tế hay ẩn ý PR cho một thương hiệu, một nhãn hàng…
Thứ hai, công chúng thông minh không nhất thiết lựa chọn thông tin miễn phí. Họ sẵn sàng trả phí để khai thác thông tin độc quyền, thông tin “đặt hàng”, thông tin thực sự có giá trị với bản thân.
Thứ ba, công chúng thông minh có sở thích đọc mới, vừa tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội (thông tin phi chính thống), vừa lĩnh hội thông tin từ báo chí (thông tin chính thống), để sau đó, tự phân tích và thẩm định, tự bồi bổ và gạn lọc.
Thứ tư, công chúng thông minh “dẫn dắt truyền thông”, không chỉ là khả năng “cá nhân hoá” yêu cầu phục vụ của truyền thông, mà còn là khả năng buộc truyền thông phải nói theo ý mình, viết những gì công chúng thích, công chúng quan tâm…
- Nghệ thuật và xúc cảm thẩm mỹ
Công chúng gồm đa dạng đối tượng, với trình độ và năng lực, nhu cầu và thói quen khác nhau, nhưng trong tiêu dùng và thụ hưởng sản phẩm truyền thông, có những nhóm công chúng mà bản thân tâm hồn của họ, tính cách của họ đã giàu xúc cảm nghệ thuật và thẩm mỹ, dễ phát hiện và thấu cảm với vẻ đẹp của sản phẩm báo chí. Một tư thế sẵn sàng, một tâm thế hào hứng được tiếp nhận thông tin, một thái độ trân trọng các tác phẩm và kênh truyền thông, đó cũng chính là xúc cảm nghệ thuật và thẩm mỹ. Nhưng cao hơn thế, là những rung động xuất phát từ trái tim trước vẻ đẹp của các sản phẩm báo chí. Chính sự hoà nhịp đó dễ khiến họ tin báo chí, yêu báo chí, luôn khao khát được làm những điều thiện, điều đẹp đẽ trong cuộc sống. Những điều này, ngược lại, có khả năng tiếp thêm động lực sáng tạo và cống hiến của nhà báo.
- Tiếp biến thích ứng
Dưới ảnh hưởng của kỹ thuật và công nghệ truyền thông hiện đại, công chúng có sự thích ứng tiếp biến, chuyển hoá linh hoạt thói quen, nhu cầu, khả năng tiếp nhận thông tin.
Dễ nhận thấy hiện nay, công chúng đang có sự chuyển mình mạnh mẽ từ “văn hoá đọc sang văn hoá nghe nhìn, từ văn hoá bút mực sang văn hoá mạng, từ văn hoá tinh hoa sang văn hoá tiêu dùng”(2). Sự chuyển mình đó của công chúng chính là nhằm giải mã cao nhất, tốt nhất thông tin từ các kênh truyền thông mới xuất hiện - dưới tác động của tiến bộ công nghệ. Bật đài mỗi khi lên ô tô, mở thiết bị di động để tiếp nhận tin tức trên nền tảng di động (phát thanh, truyền hình di động hoặc báo mạng) mỗi giờ, ở bất kỳ không gian nào - thay vì đọc báo in, đã trở thành thói quen của hàng chục triệu công chúng thời công nghệ. Và với văn hoá mạng, việc dùng bàn phím máy tính để thảo luận, phản biện, thể hiện quan điểm, chính kiến đã trở thành nhu cầu; hành vi lướt tin (thay vì đọc tin kỹ lưỡng như trước đây) đã trở thành thói quen; thậm chí, công chúng cũng quen tiêu dùng, mua sắm qua tiện ích báo chí online…
Bức tranh rộng lớn về các loại hình báo chí truyền thông trên nền tảng Internet, các hình thức truyền thông sáng tạo vừa chính là hệ quả, vừa chính là điều kiện cần yếu cho tiếp biến văn hoá của công chúng hiện nay. Việc tiếp cận thông tin trở nên gần gũi, thân thuộc với đại chúng hơn bao giờ hết. Thông tin như đã thành cơm ăn, nước uống hàng ngày, thành thói quen trong nếp sống, lối sống của cá nhân, gia đình, xã hội. Đó chính là biểu hiện đặc trưng của văn hoá tiêu dùng báo chí của công chúng, cũng chính là động lực cho việc mở rộng các kênh truyền thông đại chúng.
2.2. Hành vi văn hoá của công chúng
- Văn hoá biểu đạt tư duy cộng đồng
Tính tích cực trong tiếp nhận sản phẩm báo chí truyền thông của công chúng không chỉ thể hiện qua thái độ, mà còn thể hiện qua hành vi. Trái với thuyết vòng xoáy im lặng của tiếp nhận cách đây đôi mươi năm, khi báo mạng điện tử chưa nở rộ, công chúng hiện nay coi trọng sự biểu đạt. Đó là sự biểu đạt tư duy (kiến thức, sự hiểu biết, kỹ năng), biểu đạt thái độ (yêu, ghét, trung lập, đồng tình, phản đối), biểu đạt mong muốn…
Tương tác với báo chí, đó chính là hình thức hiển ngôn của biểu đạt.
Ngày nay, công chúng sẵn sàng xuất hiện trực tiếp trong các chương trình phát thanh truyền hình, hay trong tác phẩm báo in, báo mạng để bày tỏ trực diện quan điểm, thái độ của mình về các vấn đề trong nước và quốc tế, thậm chí, thực hành “góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác” theo đúng tinh thần của Luật Báo chí (2016). Công chúng không ngại ngần xuất hiện trên truyền thông để cung cấp kiến thức, sự hiểu biết, kỹ năng nghề nghiệp của mình khi được báo chí yêu cầu, đề nghị. Công chúng cũng sẵn sàng comment dưới mỗi bài báo như là cách thể hiện quyền tự do biểu đạt tư tưởng về mọi vấn đề xã hội.
Văn hoá biểu đạt tư duy cộng đồng xoá nhoà khoảng cách ngôn luận giữa công chúng và cơ quan truyền thông, cũng đồng thời kéo gần công chúng với Đảng, Nhà nước, cơ quan chức năng trong phát hiện, giải quyết các vấn đề xã hội. Chính điều này, đã thúc đẩy các cơ quan báo chí coi trọng hơn dư luận đại chúng; về phần mình, công chúng cũng thấy rõ hơn vị trí, vai trò cũng như trách nhiệm ngôn luận của mình.
- Văn hoá tham gia
Đó là sự tham gia sáng tạo và tham gia cung cấp thông tin của công chúng.
Điều 10, Luật Báo chí 2016 quy định, công dân có quyền tự do tham gia sáng tạo tác phẩm báo chí theo đúng Luật mà không có bất kỳ giới hạn nào.
Tham gia sáng tạo của công chúng thể hiện vai trò chủ động, tích cực cao nhất của họ trong hoạt động truyền bá thông tin. Nó đem được hơi thở cuộc sống chân thực vào báo chí, tạo mảng màu sinh động trong bức tranh thông tin. Văn hoá sáng tạo đòi hỏi ở công chúng một bầu nhiệt huyết, nhạy bén phát hiện các vấn đề mới nảy sinh của cuộc sống quanh mình và kỹ năng diễn ngôn cho báo chí thành thạo.
Ở giác độ tham gia cung cấp thông tin, công chúng đã đặt mình vào vị trí là nguồn tin cho báo chí. Các cơ quan báo chí truyền thông, các nhà báo đều cần đến nguồn tin cộng tác viên, từ những thông tin đơn giản, dễ tiếp cận, đến những thông tin mật, đặc biệt quan trọng... Xác định tâm thế là người tham gia cung cấp thông tin, công chúng xác định mình phải trở thành “tai mắt” của nhà báo, có sự chân thành và cởi mở, nhưng cần nhất là có trách nhiệm pháp lý với thông tin cung cấp cho báo chí.
- Thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ công dân khi tiếp cận thông tin
Điều 8. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin trong Luật tiếp cận thông tin (2016) quy định, công dân có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, và khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin. Đồng thời, công dân có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin; không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp; Không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Như vậy, từ Luật này, có thể thấy, công chúng cần phát huy quyền và trách nhiệm:
- Quyền được tiếp cận thông tin chính xác từ báo chí truyền thông. Nếu phát hiện báo chí đưa thông tin sai sự thật, công chúng có trách nhiệm phản hồi với cơ quan báo chí, hoặc phản ánh sự việc với cơ quan chức năng để xử lý.
- Trách nhiệm không làm sai lệch, biến dạng nội dung thông tin từ báo chí, bằng cách loan truyền thông tin bịa thất thiệt trên nền tảng tin thật, gây hoang mang đối với người khác hoặc với cộng đồng.
- Trách nhiệm không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan báo chí và nhà báo. Nhiều vụ công dân - cũng là công chúng báo chí - thu giữ trái phép phương tiện hành nghề của nhà báo, hay thậm chí là bắt giữ nhà báo đã diễn ra, gây bất bình, phẫn nộ trong dư luận. Văn hoá báo chí của công chúng chỉ có thể là nêu cao tinh thần hỗ trợ báo chí, tuyệt đối không thực hiện những hành vi trái pháp luật.
Kết luận
Công chúng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với báo chí, là cơ sở cho sự ra đời, phát triển báo chí; là khách hàng, đối tác, người thẩm định, xác lập uy tín, thương hiệu, vị thế xã hội của cơ quan báo chí; là nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo báo chí, cũng là người có khả năng định hướng, dẫn dắt lối đi cho báo chí. Chính bởi những vai trò như vậy, nhà báo, cơ quan báo chí luôn phải tìm cách hướng tác phẩm của mình về phía công chúng, tôn trọng và nỗ lực đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, năng lực tiếp nhận thông tin của công chúng.
Ở giác độ văn hoá báo chí, có thể khẳng định, văn hoá báo chí được cấu thành bởi văn hoá nhà báo - văn hoá cơ quan báo chí - văn hoá công chúng. Trong đó, văn hoá công chúng, hay gọi chính xác là văn hoá báo chí của công chúng, là hệ thống những thái độ, hành vi mang tính văn hoá của công chúng trong giao tiếp, ứng xử với báo chí, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả của báo chí. Không thể có văn hoá báo chí nếu nhà báo, cơ quan báo chí không coi trọng vai trò công chúng, sáng tạo những sản phẩm xa rời công chúng, không được công chúng tiếp nhận, yêu mến; và ở chiều ngược lại, cũng không thể có văn hoá báo chí nếu công chúng có thái độ, hành vi giao tiếp với báo chí thiếu tính văn hoá. Vì vậy, để có được một nền báo chí phát triển, cả nhà báo, cơ quan báo chí và công chúng đều phải thấy được rõ nghĩa vụ thực hành văn hoá báo chí của mình./.
______________________________________
(1) Tạ Ngọc Tấn (2007), Cơ sở lý luận báo chí , Nxb. Lý luận Chính trị, tr.25.
(2) TS Đặng Thị Thu Hương (2013), Một số vấn đề về truyền thông đại chúng, văn hoá đại chúng và văn hoá truyền thông trong kỷ nguyên kỹ thuật số, In trong sách: Văn hoá truyền thông trong thời kỳ hội nhập, Hội Nhà báo Việt Nam, Trường ĐH KHXH&NV, Nxb. Thông tin và Truyền thông, tr. 151.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Trường Giang (2010), Đạo đức nghề nghiệp báo chí, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.
2. TS. Nguyễn Thị Trường Giang (2014), 100 bản quy tắc đạo đức nghề báo trên thế giới, Nxb. CTQG, Hà Nội.
3. Nguyễn Đức Hạnh (2014), Tiếp tục nhận thức về Văn hóa truyền thông, T/c Lý luận chính trị và Truyền thông, số 7.2014.
4. Trương Thị Kiên (2020), Văn hoá báo chí truyền thông, Đề tài khoa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông tháng 3.2021
Bài liên quan
- Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
- Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
- Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
- Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
- Vai trò của biên tập và yêu cầu luật hóa quy trình biên tập xuất bản hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
- 3 Bài viết “Đôi điều suy nghĩ về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với việc rèn luyện nâng cao năng lực và phẩm chất người làm tạp chí lý luận chính trị hiện nay
- 4 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 5 Củng cố niềm tin, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của sinh viên trong xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
- 6 Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Củng cố niềm tin, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của sinh viên trong xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, ý chí tự lực, tự cường, niềm tin luôn là động lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trên cơ sở làm rõ một số vấn đề lý luận về niềm tin, ý chí tự lực, tự cường, bài viết đánh giá khái quát thực trạng về một số biểu hiện niềm tin xã hội, ý chí tự lực, tự cường của sinh viên Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao việc xây dựng, củng cố niềm tin; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của sinh viên Việt Nam trước yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
Báo chí là kênh giữ vai trò chủ đạo trong việc định hướng dư luận xã hội, bác bỏ và ngăn chặn các dòng thông tin sai lệch, đặc biệt là tin giả từ mạng xã hội. Mỗi nhà báo là một chiến sĩ, vừa có nhiệm vụ truyền tải, dẫn dắt dòng thông tin thời sự đúng đắn, chính xác, bổ ích cho công chúng, vừa đấu tranh chống lại những tác động tiêu cực của tin giả, lành mạnh hóa môi trường thông tin.
Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
(LLCT&TT) Mạng xã hội phát triển đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Khi cộng đồng mạng xã hội lớn mạnh cũng trở thành một “thế giới thu nhỏ”, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển thương hiệu của mình. Bên cạnh những ưu việt mà mạng xã hội mang lại cho thương hiệu như: gia tăng nhận thức về thương hiệu, tiết kiệm chi phí truyền thông, giúp khách hàng dễ dàng tương tác với thương hiệu hơn, thì việc quản trị danh tiếng thương hiệu trên mạng xã hội đang là vấn đề cấp thiết thu hút sự chú ý của nhiều nhà quản trị chiến lược truyền thông hiện đại. Bài viết này sẽ cung cấp những vấn đề lý luận cơ bản như khái niệm thương hiệu, tài sản thương hiệu cũng như hoạt động quản trị thương hiệu doanh nghiệp trực tuyến.
Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
(LLCT&TT) Báo chí là loại hình phương tiện truyền thông đại chúng vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Vai trò, tầm quan trọng của báo chí không chỉ là phản ánh đời sống xã hội qua việc thông tin nhanh nhất, chân thực nhất những vấn đề mang tính thời sự trong nước và quốc tế, là việc định hướng thông tin và dư luận xã hội mà còn có vai trò giám sát và phản biện xã hội. Trong bối cảnh đất nước ta đang đổi mới và hội nhập quốc tế mạnh mẽ để phát triển thì vai trò của báo chí trong việc thông tin, định hướng thông tin và giám sát, phản biện xã hội càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bài viết góp phần làm sáng tỏ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn của báo chí trong việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội như là một phương tiện, phương thức phát huy dân chủ XHCN và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong bối cảnh mới.
Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
(LLCT&TT) Khoa học công nghệ phát triển đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, thay đổi thói quen, điều kiện tiếp nhận thông tin của công chúng và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của báo chí. Sự thay đổi của báo chí trong môi trường số đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đào tạo nhà báo tại các cơ sở đào tạo báo chí chuyên nghiệp. Yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở đào tạo báo chí là không chỉ tạo nguồn nhân lực báo chí thích ứng với yêu cầu mới mà còn đặt nền tảng để nguồn nhân lực thích ứng trong thời gian dài hơn do bối cảnh công nghệ thay đổi và phát triển rất nhanh.
Bình luận