Phát huy vai trò của công tác nội chính trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên
Những kết quả nổi bật
Khu vực Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, rộng 54.508,3 km2, chiếm 16,51% diện tích cả nước(1); là vùng địa sinh thái giàu tài nguyên với hệ thống cao nguyên liền kề; có đường biên giới dài 580km giáp nam Lào và đông bắc Cam-pu-chia. Đây là vùng đa dân tộc, đa tôn giáo, giàu bản sắc văn hóa, nơi cư trú lâu đời của 12 dân tộc thiểu số tại chỗ(2) và hiện có hầu hết các tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam sinh sống. Tính đến hết năm 2020, dân số toàn vùng là 5,9 triệu người với 2,2 triệu người dân tộc thiểu số, cư trú tại 6 thành phố, 3 thị xã, 53 huyện, 78 phường, 51 thị trấn, 590 xã(3). Các tỉnh Tây Nguyên hiện có 246.981 đảng viên, trong đó có 46.555 đảng viên là người dân tộc thiểu số(4).
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm gần đây, tình hình an ninh chính trị Tây Nguyên cơ bản giữ vững ổn định. Song, với đặc điểm về địa - chính trị và những khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là sự đa dạng về dân tộc, tôn giáo nên các thế lực phản động, thù địch thường lợi dụng, kích động tạo ra những điểm nóng, gây bất ổn chính trị - xã hội, ảnh hưởng đến công cuộc đổi mới, phát triển Tây Nguyên. Các tổ chức phản động lưu vong, đối tượng cơ hội chính trị thường xuyên móc nối, hoạt động chống phá với nhiều âm mưu, thủ đoạn mới, lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc, những bất cập trong quản lý xã hội và phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên để kích động, lôi kéo chống phá, xuyên tạc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, các loại tội phạm hoạt động ngày càng phức tạp.
Do vị trí chiến lược đặc biệt đó, Đảng và Nhà nước ta xác định, việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo giữ vững ổn định, xây dựng và phát triển toàn diện Tây Nguyên tiến tới trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước là một nhiệm vụ quan trọng. Thực hiện chủ trương trên, trong những năm qua, cơ quan nội chính các tỉnh Tây Nguyên đã phát huy vai trò quan trọng như lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, sự khuyên nhủ, càng phải có kỷ cương, phép nước, phải có pháp luật nghiêm minh để bảo vệ cái tốt, cái đúng; răn đe, trừng trị những cái xấu, cái sai, có hại cho dân cho nước, tức là phải có sự quản lý bằng cơ chế, pháp luật, phải có phép nước. Mà muốn thế thì phải có các cơ quan nội chính”(5).
Các cơ quan nội chính các tỉnh Tây Nguyên, như kiểm sát, tòa án, tư pháp, thanh tra, kiểm toán, công an, quân đội, ủy ban kiểm tra, ban nội chính và một số cơ quan, tổ chức hoạt động liên quan đến lĩnh vực nội chính hoặc có một số hoạt động thuộc lĩnh vực nội chính (tổ chức luật gia, luật sư; cơ quan hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư, quản lý thị trường...) đã phối hợp hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ hệ thống chính trị, góp phần xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; phát hiện các nguy cơ đe dọa và đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia; tích cực phòng, chống các loại tội phạm.
Các cơ quan nội chính tại địa bàn đã chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) và cải cách tư pháp (CCTP); xử lý kịp thời các vấn đề nổi cộm, phức tạp về an ninh, trật tự; phát hiện, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Công tác nội chính tại các tỉnh Tây Nguyên đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nổi bật là:
Thứ nhất, góp phần tham mưu chiến lược, đề xuất với Đảng, Nhà nước, trực tiếp tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các chủ trương, chính sách lớn về lĩnh vực nội chính, PTTN, TC và CCTP.
Cơ quan nội chính trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động, kịp thời tham mưu cấp ủy ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, PCTN, TC và CCTP, nhất là các chủ trương, giải pháp thực hiện Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; các chỉ đạo của Trung ương; văn kiện đại hội đảng bộ các tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025; chương trình hành động của cấp ủy về quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm; kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; thanh tra, kiểm toán, PCTN, TC và CCTP(6); đồng thời, nghiên cứu, thẩm định, tham gia ý kiến nhiều dự thảo chỉ thị, báo cáo, kế hoạch, chương trình, đề án của cấp ủy bảo đảm chất lượng, sát với tình hình thực tế địa phương.
Thứ hai, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển kinh tế - xã hội.
Các cơ quan nội chính thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, phối hợp tham mưu, đề xuất cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, chức vụ; tiếp công dân, giải quyết các vụ việc khiếu kiện, tố cáo,... Điển hình là các cơ quan nội chính trên địa bàn đã tham mưu cấp ủy chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, kịp thời đấu tranh đối với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; kiên quyết không để phục hồi tổ chức phản động Fulro, “Tin Lành Đề-ga”, hoạt động lôi kéo, dụ dỗ người dân tộc thiểu số trốn ra nước ngoài; triệt phá tà đạo “Hà Mòn”; ngăn chặn hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, tuyên truyền các loại tà đạo, đạo lạ trái pháp luật, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc; xử lý dứt điểm một số vụ án, vụ việc phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm(7); không để bị động, bất ngờ, hình thành các “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm hình sự nghiêm trọng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản, các tụ điểm tệ nạn xã hội phức tạp(8); bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ.
Thứ ba, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, bộ máy nhà nước, nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý của chính quyền địa phương và quyền làm chủ của nhân dân.
Các cơ quan nội chính trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã tham mưu cấp ủy địa phương tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát về công tác nội chính, PCTN, TC và CCTP; thực hiện rà soát các kết luận thanh tra kinh tế - xã hội; chỉ đạo khắc phục khuyết điểm, tổ chức kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân sai phạm. Tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, PCTN, TC và CCTP(9); cử nhiều lượt cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát của các cơ quan, đơn vị liên quan. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được chỉ đạo quyết liệt, toàn diện(10); công tác thanh tra, kiểm toán được tăng cường có trọng tâm, trọng điểm(11); công tác tư pháp được nâng cao chất lượng, giảm tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm; bảo vệ lợi ích của Đảng, Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, quyền con người, quyền công dân, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân.
Thứ tư, góp phần tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời phối hợp trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh; góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm PCTN, TC của Đảng và Nhà nước.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng trên địa bàn được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong PCTN, TC là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả PCTN, TC. Các cơ quan nội chính đã chủ động nắm tình hình, phát hiện và tham mưu xử lý có hiệu quả nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tham mưu, đề xuất cấp ủy chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc nhằm răn đe, phòng ngừa chung, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương(12). Nhờ đó, tình trạng tham nhũng, tiêu cực có chiều hướng thuyên giảm, được kiềm chế, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân.
Thứ năm, tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời phối hợp trong hoạt động cải cách tư pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại địa bàn.
Ban nội chính các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực ban chỉ đạo CCTP cấp tỉnh, chủ động theo dõi, đôn đốc các cơ quan tư pháp, đơn vị, địa phương triển khai những nhiệm vụ trọng tâm theo chương trình công tác của ban chỉ đạo; tham mưu, đề xuất cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Trung ương về công tác CCTP; tham mưu kiện toàn ban chỉ đạo CCTP cấp tỉnh; sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, đổi mới hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Thứ sáu, tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ các cơ quan nội chính ở địa phương được củng cố, kiện toàn; quan hệ phối hợp ngày càng tốt hơn, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Cơ quan nội chính trên địa bàn tham gia tích cực, kịp thời, có chất lượng trong công tác cán bộ theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ. Tổ chức bộ máy các cơ quan nội chính ngày càng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cán bộ, chiến sĩ, công chức, người lao động các cơ quan nội chính tích cực rèn luyện, trau dồi đạo đức liêm chính, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao năng lực công tác, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền địa phương, sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương, Tây Nguyên đã và đang giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tạo sự chuyển biến tích cực; kinh tế các tỉnh Tây Nguyên đạt mức tăng trưởng khá; cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. An ninh nông thôn, dân tộc, tôn giáo, biên giới được bảo đảm; âm mưu phục hồi, phát triển của các tổ chức phản động đã bị các lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa; một số vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp được xử lý kịp thời, góp phần giữ vững ổn định xã hội và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Công tác phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng của các nước Lào, Cam-pu-chia trong phòng, chống xâm nhập, vượt biên, bảo đảm an ninh biên giới được chú trọng. Hệ thống chính trị cơ sở tích cực bám dân, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, giữ gìn an ninh, trật tự; kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng của các tổ chức đảng, nhất là ở những địa bàn khó khăn, phức tạp, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các ban, ngành, lực lượng vũ trang tăng cường công tác dân vận, xây dựng chính quyền, đoàn thể cơ sở, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Trong thành tích chung đó, có vai trò đóng góp quan trọng của các cơ quan nội chính.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nội chính tại địa bàn Tây Nguyên vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm: Hệ thống chính trị cơ sở nhiều nơi hoạt động chưa hiệu quả, xa dân, không nắm chắc, kịp thời tình hình; nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân chưa được giải quyết triệt để ngay từ cơ sở; một bộ phận cán bộ, lãnh đạo có nơi, có lúc thiếu quyết liệt, còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và chưa chủ động kiên quyết xử lý khi phát hiện vi phạm, khuyết điểm. Hoạt động tư pháp còn có trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan nội chính có lúc chưa chặt chẽ, kịp thời...
Giải pháp trong công tác nội chính đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các tỉnh Tây Nguyên thời gian tới
Một là, tiếp tục tham mưu cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp về nội chính, PCTN, TC và CCTP; thực hiện chương trình hành động của các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bám sát tình hình, đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương; triển khai thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương về công tác nội chính, PCTN, TC và CCTP.
Hai là, nắm sát tình hình quốc tế, khu vực, vùng biên giới; tình hình phát triển kinh tế - xã hội; các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động để kịp thời tham mưu cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đề ra nhiệm vụ công tác nội chính, PCTN, TC và CCTP, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.
Ba là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng chủ động nắm tình hình, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Kịp thời phát hiện, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của các tổ chức phản động, nhất là tổ chức Fulro, “Tin Lành Đề-ga”,... Tăng cường quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, tuyên truyền các loại tà đạo, đạo lạ vi phạm pháp luật. Tập trung trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”; cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản; các tụ điểm tệ nạn xã hội phức tạp; đánh bạc, trốn thuế, gian lận thương mại, hàng giả. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ.
Bốn là, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan nội chính, tham mưu cấp ủy địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nội chính trong công tác PCTN, TC, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; khẩn trương tham mưu thành lập và giúp ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC sớm đi vào hoạt động hiệu quả.
Năm là, đẩy mạnh cải cách tư pháp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp; phối hợp công tác tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; sớm triển khai thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo chủ trương của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII. Nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật; kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhất là trên các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Tham mưu cấp ủy thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Sáu là, đẩy mạnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kịp thời phản bác thông tin sai trái, các luận điệu phản động, thù địch, lợi dụng dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc hẹp hòi để chống phá Đảng và Nhà nước. Nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc liên quan đến xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, lĩnh vực nội chính, PCTN, TC và CCTP.
Bảy là, tham gia tích cực, có chất lượng công tác thẩm định cán bộ theo quy định. Tham mưu cấp ủy địa phương kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị làm công tác nội chính gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, phục vụ tốt nhân dân và sự phát triển các tỉnh Tây Nguyên; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác nội chính thực sự “Trung thành - Liêm chính - Bản lĩnh - Sáng tạo”./.
___________________________________
(1) Niên giám thống kê năm 2020, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2021, tr.94.
(2) Dân tộc Ba-na, Brâu, Chu-ru, Cơ-ho, Ê-đê, Gia-rai, Gié-Triêng, Mạ, M’nông, Rơ Măm, Xơ-đăng, Xtiêng.
(3) Niên giám thống kê năm 2020, Sđd, tr. 44, 94.
(4) Năm 2020, số lượng đảng viên của tỉnh Đắk Lắk là 82.234, Gia Lai: 61.567, Lâm Đồng: 47.174, Kon Tum: 29.199, Đắk Nông: 26.807.
(5) Nguyễn Phú Trọng (2020), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 120 - 121.
(6) Năm 2021, Ban Nội chính các tỉnh Tây Nguyên đã tham mưu ban hành 199 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
(7) Năm 2021, các tỉnh Tây Nguyên đã xử lý 83 vụ án, vụ việc xâm phạm an ninh quốc gia.
(8) Năm 2021, các tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Nông đã xử lý 1.279 vụ án về trật tự, an toàn xã hội.
(9) Năm 2021, các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức 38 cuộc giám sát, kiểm tra, đôn đốc về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
(10) Năm 2021, Tỉnh ủy Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum đã chỉ đạo kỷ luật đảng, xử lý hình sự 3 trường hợp, kỷ luật 5 trường hợp.
(11) Năm 2021, các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức 1.425 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính và chuyên ngành.
(12) Năm 2021, các tỉnh Tây Nguyên đã khởi tố 36 vụ án tham nhũng.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Cộng sản điện tử ngày 15.08.2022
Bài liên quan
- Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân
- Quan điểm của Đảng về xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong Văn kiện Đại hội XIII
- Đổi mới công tác tuyên truyền chính trị
- Phát huy tư tưởng chính trị “độc lập, tự chủ, tự cường” của dân tộc trong hội nhập quốc tế hiện nay
- Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII bàn và quyết định nhiều vấn đề lớn, quan trọng của Đảng, của đất nước*
Xem nhiều
-
1
Mạch Nguồn số 27: Những bước chân tìm về nơi đất Tổ - Đền Hùng
-
2
Mạch nguồn 29: Official Music Video "Nhà em treo ảnh Bác Hồ"
-
3
Hội thảo khoa học “Sinh viên Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học với văn hóa sử dụng mạng xã hội”
-
4
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Báo chí và Tuyên truyền và báo Nhà báo và Công luận
-
5
Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi toàn diện ngành báo chí - truyền thông
-
6
Mạch Nguồn số 28: Lời Bác thức dậy non sông
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- TẠP CHÍ NGƯỜI LÀM BÁO
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- THƯ VIỆN SỐ HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Học viện tiếp đoàn Đại sứ quán nước Cộng hòa Azerbaijan đến thăm và hợp tác
Nhằm mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế, chiều ngày 18/5/2023, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiếp và làm việc với đại sứ đặc mệnh toàn quyền Azerbaijan tại Việt Nam, ông Shovgi Kamal Oglu Mehdizade.
Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân
Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân
(LLCT&TT) Gắn bó mật thiết với nhân dân là cội nguồn sức mạnh nội lực của Đảng, là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng Cộng sản, là nhân tố đảm bảo sự thành công của toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; phát huy tính tiền phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân của cán bộ, đảng viên. Tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố và không ngừng nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng”. Không ngừng củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân là một nguyên tắc bất di bất dịch của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt, nghiêm túc thực hiện để nhân nguồn sức mạnh nội lực vô tận của Đảng, để Đảng hoàn thành trọng trách vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Quan điểm của Đảng về xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong Văn kiện Đại hội XIII
Quan điểm của Đảng về xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong Văn kiện Đại hội XIII
(LLCT&TT) Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta đã được xác lập, thể chế hóa ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiệu quả của nó trong thực tiễn vẫn còn không ít hạn chế, dẫn đến những hiện tượng tha hóa quyền lực, tham nhũng vẫn diễn ra. Do đó, Đại hội XIII của Đảng xác định cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Bài viết làm rõ nội dung quan điểm của Đảng về xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Đổi mới công tác tuyên truyền chính trị
Đổi mới công tác tuyên truyền chính trị
Ở nước ta, tuyên truyền chính trị tập trung chủ yếu vào các nội dung tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền kỷ niệm các sự kiện lịch sử trọng đại, sự kiện chính trị trong nước và quốc tế; chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đấu tranh với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Phát huy tư tưởng chính trị “độc lập, tự chủ, tự cường” của dân tộc trong hội nhập quốc tế hiện nay
Phát huy tư tưởng chính trị “độc lập, tự chủ, tự cường” của dân tộc trong hội nhập quốc tế hiện nay
(LLCT&TT) Độc lập, tự chủ, tự cường là tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt trong toàn bộ quá trình lịch sử chính trị Việt Nam trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Cho đến hôm nay, những tư tưởng chính trị đó không những vẫn giữ nguyên giá trị, mà còn được nâng lên tầm cao mới bởi sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để góp phần nâng cao nhận thức về phát huy giá trị tư tưởng “độc lập, tự chủ, tự cường” của dân tộc trong hội nhập quốc tế hiện nay đúng theo tinh thần Đảng ta đã xác định: hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế với giữ vững độc lập, tự chủ đất nước là một trong những mối quan hệ quan trọng đặc biệt cần giải quyết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài viết tập trung làm sáng tỏ vấn đề trên.
Bình luận