(LLCT&TT) Các nước đang phát triển khi tiến hành công nghiệp hóa bằng cách phát triển các hệ thống sản xuất theo mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống đã gây ra nhiều tác hại tiêu cực tới môi trường và phát triển bền vững. Việc nghiên cứu vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong nông nghiệp ở Việt Nam sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu nông nghiệp bền vững.
1. Khái quát về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
1.1. Kinh tế tuần hoàn
Khái niệm của KTTH đã sớm được đưa ra từ những năm 60 và 70 của thế kỷ trước bởi một số nhà kinh tế môi trường và kinh tế sinh thái (Stahel & Reday -Mulvey, 1976). Trải qua nhiều năm, khái niệm này đã có nhiều bước phát triển và hoàn thiện, có thể hiểu: KTTH là một hệ thống có tính tái tạo và khôi phục thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của nó(1).
Đáng chú ý, Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều cho rằng KTTH “là cách tốt nhất để phá vỡ sự ràng buộc lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường”(2).
Theo đó, KTTH có 3 nội hàm cơ bản, gồm:
- Bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên thông qua việc kiểm soát, nhằm sử dụng hợp lý các tài nguyên và tái tạo các hệ thống tự nhiên; đặc biệt, đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo;
- Tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong các chu trình kỹ thuật và sinh học;
- Nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách tối thiểu hóa các ngoại ứng tiêu cực, thông qua thiết kế chất thải, thiết kế mô hình ngay từ đầu của quá trình sản xuất.
1.2. Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Trong các tài liệu nghiên cứu và các phương tiện truyền thông đại chúng chưa có khái niệm chính thức, tuy nhiên trên thực tế, khái niệm nông nghiệp tuần hoàn đã dần phổ biến và được nhiều nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý sử dụng. Trong thực tế, nhiều địa phương đã tận dụng những thứ tưởng như bỏ đi như thân cây ngô, đậu, lạc, bã sắn, bã mía, vỏ trấu… để làm thành phân bón, thức ăn chăn nuôi - đó chính là kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Tại những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, người ta gần như không phải bỏ đi thứ gì, ngược lại còn bắt rác thải “đẻ” ra tiền.
Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất. Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Mô hình KTTH tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây chính là điểm khác biệt lớn với nền kinh tế truyền thống mà người ta chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nhằm tối đa hóa sản lượng, vứt bỏ sau tiêu thụ, tạo ra một lượng phế thải khổng lồ gây ô nhiễm môi trường. Mô hình KTTH đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực nông nghiệp.
Trong quá trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, các phụ phẩm được thải ra và thông qua các quá trình biến đổi vật lý, hóa học và sinh học tạo ra các chế phẩm phục vụ nông nghiệp, nhằm tối ưu hóa giá trị kinh tế đem lại cho người sản xuất. Ngoài ra, các chế phẩm này cũng có thể là sản phẩm cung cấp cho những ngành, lĩnh vực khác như chitosan từ đầu tôm, các loại dầu cá cho ngành dược phẩm...
Đối với phát triển nông nghiệp, cần lưu ý KTTH không chỉ bao gồm 3R hay xử lý chất thải, ngược lại, KTTH coi chất thải là tài nguyên bị đặt nhầm chỗ, hoặc bị đánh giá chưa đúng giá trị. Vì thế, KTTH hướng tới việc không phát thải ra môi trường, tận dụng toàn bộ các vật chất để đạt được lợi ích kinh tế cao nhất. Các mô hình KTTH trong nông nghiệp hướng tới việc kết nối giữa các hoạt động canh tác và sản xuất một cách có tính toán trước, sao cho sự kết hợp được ăn khớp nhất, tạo thành các vòng tròn tuần hoàn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường hướng đến phát thải bằng không.
2. Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Việt Nam
Trong nông nghiệp, khoảng 5 năm gần đây, Việt Nam luôn là nước nhập siêu về phân bón và thuốc trừ sâu, với mức chi hàng tỷ USD. Đi kèm với đó là các vấn đề môi trường. Ngân hàng Thế giới World Bank ước tính chỉ riêng ô nhiễm không khí đã khiến Việt Nam mất đi 5,18% GDP của năm 2013. Ô nhiễm nước dự báo sẽ gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP(3). Đó là còn chưa kể đến ô nhiễm đất và suy thoái đất đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp, vốn là nghề truyền thống bao năm qua của phần lớn người dân Việt Nam, cùng với biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế của Việt Nam. KTTH được xem là cách tiếp cận phù hợp cho phát triển nông nghiệp theo xu hướng phát thải bằng không đạt hiệu quả kinh tế và môi trường trong nông nghiệp.
Nhận thức được xu thế này, Đảng và Nhà nước cũng đã có các chủ trương và chính sách để thực hiện KTTH nói chung và KTTH trong ngành nông nghiệp nói riêng. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt mục tiêu: đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Xây dựng KTTH được Đại hội XIII xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững bằng việc tích cực thực hiện các hành động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên quy mô lớn trong 10 năm tới.
Mặc dù thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn” đến Đại hội thứ XIII của Đảng mới được chính thức sử dụng, nhưng trong đường lối, chỉ đạo của Đảng và chính sách và pháp luật của Nhà nước đã có những nội dung liên quan đến phát triển KTTH như: Chỉ thị 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị đã nêu rõ phải “ban hành các chính sách về thuế, tín dụng nhằm hỗ trợ áp dụng các công nghệ sạch” và “áp dụng công nghệ sạch, ít phế thải, tiêu hao ít nguyên liệu và năng lượng”; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị“khuyến khích tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế” và“từng bước áp dụng các biện pháp buộc các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải thu hồi và xử lý sản phẩm đã qua sử dụng”, Nghị Quyết 24/NQ-TW ngày 03/06/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; các Chỉ thị 29/CT-TW năm 2009; các Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011 - 2020, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Chiến lược bảo vệ môi trường đến 2020, tầm nhìn 2030, Chiến lược tăng trưởng xanh; Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu; Quyết định 16/2015/QĐ-TTg về thu hồi, xử lý sản phẩm thải và đặc biệt là Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn năm 2018.
Trong nông nghiệp, thực tế đã có một số biểu hiện của KTTH như: mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) và biến thể vườn - ao - chuồng - biogas (VACB), vườn - ao - chuồng - rừng (VACR) - mô hình kết hợp giữa VAC với hoạt động lâm nghiệp tại các tỉnh miền núi và vườn - ao - hồ (VAH) - mô hình trang trại trên cát tại các tỉnh miền trung đã không chỉ giúp giảm phát thải mà còn đem lại thu nhập tốt cho người dân. Gần đây tiếp tục xuất hiện một số mô hình, đó là mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm,…), ống hút làm từ cỏ, tre, nứa và gạo thay thế cho ống hút nhựa.
Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp 2013 - 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai tại 10 tỉnh bao gồm Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng. Dự án đã tiến hành thí điểm công nghệ mới tách ép chất thải chăn nuôi.
Mô hình “Công viên tuần hoàn” ở Cần Thơ mô hình kinh doanh mới tương thích với các nguyên tắc KTTH, bộc lộ những đặc điểm cơ bản của nền KTTH. Mô hình bao gồm 5 hợp phần: phân xưởng ủ phân, phân xưởng nhựa, vườn rau, nhà nấm. Mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp ở xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Tuy nhiên, thực trạng phát triển của các mô hình cũng đang có một số hạn chế. Các công khí sinh học quy mô lớn còn nhiều hạn chế do khí ga sinh ra không được sử dụng, một số hầm khí sinh học vẫn không đáp ứng được QCVN 62 về nước thải chăn nuôi, dẫn đến nhiều chủ trang trại không có động lực vận hành, bảo dưỡng các công trình lớn đúng cách. Công nghệ xử lý môi trường chăn nuôi thường có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn các ngành sản xuất, nên việc nhân rộng mô hình VACB sẽ gặp khó khăn. Ngay cả Dự án hỗ trợ Nông nghiệp các - bon thấp 2013 - 2019 kể trên, được coi là thành công nhưng vẫn chưa được tiếp tục nhân rộng.
Đặc biệt, hiện nay sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn chú trọng vào số lượng, tìm cách tăng sản lượng, tăng năng suất và giảm giá thành nhưng chưa quan tâm đúng mức đến các tiêu chí phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Lượng dư thừa đầu vào của quá trình sản xuất như dư thừa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn cũng như các rủi ro với môi trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, để có thể đẩy mạnh KTTH trong nông nghiệp, việc giảm dư thừa đầu vào và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật là tối quan trọng.
3. Giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
- Thay đổi nhận thức của người dân và xã hội
Cần thiết kế nội dung KTTH trong nông nghiệp, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người nông dân, các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp và các tầng lớp về phát triển các mô hình KTTH sản xuất trong nông nghiệp, hiệu quả của các mô hình này và những lợi ích mà phát triển mô hình KTTH mang lại, từ đó sẽ loại bỏ dần các mô hình sản xuất nông nghiệp cũ - mô hình kinh tế tuyến tính.
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Các yếu tố liên quan đến KTTH đã được đề cập trong nhiều chính sách và văn bản pháp luật. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chính sách riêng về KTTH trong ngành nông nghiệp. Vì thế, các chính sách hỗ trợ và khuyến khích các mô hình KTTH còn phân tán và chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp
Nhà nước cần phải tạo môi trường để KTTH phát triển, với hệ thống luật pháp rõ ràng, lộ trình phù hợp, có các hình thức khuyến khích (ưu đãi về cơ chế và thủ tục hành chính, về tài chính, về tiếp cận các nguồn lực) và chế tài rõ ràng, minh bạch. Từ đó, các mô hình KTTH tốt được khuyến khích và tạo hiệu ứng thực hiện KTTH trong mọi hoạt động kinh tế và xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn.
- Phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cần dựa trên các mô hình đã có phù hợp đặc trưng của vùng miền và từng lĩnh vực của nông nghiệp
Do đặc tính tự nhiên, văn hóa xã hội của mỗi vùng, miền và địa phương khác nhau, ở đó đã có những mô hình gần với KTTH, do vậy phát triển các mô hình KTTH phải dựa trên quá trình hình thành và phát triển ở đó, ví dụ các mô hình VAC phù hợp đồng bằng, các mô hình VRAC phù hợp các tỉnh trung du và miền núi…
Đối với ngành lĩnh vực, dựa trên cơ sở đặc trưng ngành lĩnh vực đã có biểu hiện của KTTH để hoàn thiện, phát triển và nhân rộng, ví dụ trong chăn nuôi thu hồi phân, khí thải của các trang trại lợn bò, hay quy mô hộ gia đình. Trong thủy hải sản mô hình cá - lúa, tôm - cá - hải sản rừng ngập mặn…, sản xuất theo Vietgap.
- Hạn chế việc sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất
Dư thừa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh và thuốc tăng trưởng đang là một vấn đề của sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Điều này không chỉ ảnh hướng tới an toàn thực phẩm và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường mà còn hạn chế khả năng tuần hoàn vật liệu trong ngành nông nghiệp. Vì thế, phân bón hữu cơ và các biện pháp sử dụng “thiên địch” trong nuôi trồng và chăn nuôi cần được khuyến khích, hỗ trợ để phát triển, thay thế cho việc sử dụng hóa chất.
- Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp kết hợp với công nghệ cao
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên, việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp ngành nông nghiệp bớt phụ thuộc vào các điều kiện thay đổi của thiên nhiên, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Đặc biệt, công nghệ cao sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm tài nguyên nước và tài nguyên đất.
Trong phát triển nông thôn mới giai đoạn tới cần bổ sung tiêu chí phát triển mô hình KTTH của địa phương. Hiện nay chúng ta đã có bộ tiêu chí về phát triển nông thôn mới, trong giai đoạn tới để thực hiện chủ trương của Đảng phát triển nhanh, bền vững, việc xây dựng và phát triển mô hình KTTH trong nông nghiệp cần bổ sung vào các tiêu chí nông thôn mới.
Tóm lại, với những thách thức để phát triển KTTH trong nông nghiệp ở nước ta hiện nay: lý luận về KTTH chưa đầy đủ; cơ chế chính sách để thúc đẩy KTTH chưa được hình thành một cách căn cơ; nhận thức về KTTH trong nhân dân chưa cao và chưa đầy đủ; hệ thống cơ sở đào tạo và hỗ trợ chuyên môn chưa đáp ứng; sự liên kết giữa nông nghiệp với một số ngành dịch vụ khác chưa căn cơ để tạo động lực phát triển bền vững … Việt Nam cần quan tâm hơn nữa trong thực hiện phát triển nông nghiệp tuần hoàn trong nông nghiệp. Chính phủ cần ưu tiên định hướng chính sách phát triển, xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện và thu hút sự tham gia của toàn xã hội trong chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản; đầu tư cho nghiên cứu và hệ thống quản lý, sản xuất và các công nghệ tương thích để phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn, từ đó lan tỏa sang các ngành kinh tế khác./.
_______________________________________
(1) Ellen MacArthur Foundation. (2012), Towards the circular economy: Economic and business rationale for an acceleratedtransition.Retrievedfrom http://circularfoundation.org/sites/ default/files/tce_report1_2012.pdf.
(3) World Bank. (2019). Vietnam: Toward a Safe, Clean, and Resilient Water System. Washington, DC: W. Bank.
Bình luận