Phê phán luận điệu xuyên tạc “nhân quyền ở Việt Nam là hết sức tồi tệ”
1. Luận điệu “nhân quyền ở Việt Nam là hết sức tồi tệ” thực chất là một cách nhìn hết sức tồi tệ về nhân quyền Việt Nam
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong bảo vệ, bảo đảm thực hiện nhân quyền, nhưng lại nổi lên những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ về tình hình nhân quyền Việt Nam từ những tổ chức, cá nhân thù địch với chế độ xã hội tại Việt Nam, thậm chí họ cố tình quy chụp tình hình “nhân quyền ở Việt Nam là hết sức tồi tệ”. Chẳng hạn trong bản “Phúc trình Toàn cầu về tình hình nhân quyền năm 2021” của Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) đã xuyên tạc rằng: “Trong năm 2020, Việt Nam tiếp tục vi phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản một cách có hệ thống”(1). Trả lời báo chí quốc tế, ông John Sifton, Giám đốc vận động châu Á của HRW cho rằng, Việt Nam về cơ bản đã hình sự hóa việc sử dụng internet hay các nền tảng mạng xã hội. Việc gia tăng trấn áp những người “cổ vũ cho tự do ngôn luận” được thực hiện trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII “để bảo đảm Đại hội diễn ra suôn sẻ và không bị các tiếng nói bất đồng chống đối”(2).
Luận điệu về “nhân quyền ở Việt Nam hết sức tồi tệ” thực chất là một cách nhìn hết sức tồi tệ về nhân quyền ở Việt Nam, bởi lẽ:
Thứ nhất, thông tin cóp nhặt, manh mún, xuyên tạc về bức tranh nhân quyền ở Việt Nam.
Thực tế cho thấy, các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về nhân quyền, như các bản phúc trình toàn cầu về nhân quyền của HRW và các báo cáo của Mỹ về tự do tôn giáo, nhân quyền, buôn người, mắc hạn chế lớn là dựa trên những thông tin được thu thập theo kiểu cóp nhặt, cắt xén rời rạc, mang động cơ chính trị thực dụng, nên phiến diện và không phản ánh đúng thực tiễn nhân quyền tại Việt Nam. Thực tế qua những phiên tòa xét xử công khai, nghiêm minh, các đối tượng đều thừa nhận có hành vi vi phạm pháp luật. Việc các cơ quan chức năng tiến hành khởi tố, điều tra, xét xử công khai là việc làm cần thiết của một Nhà nước pháp quyền có chủ quyền nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật đến mức nguy hiểm của họ gây ra đối với xã hội. Hơn nữa, tại tòa, những người này đều công khai chấp nhận các kết luận của tòa về những tội danh của mình.
Thứ hai, cách nhìn mang động cơ thù địch về chính trị, chính trị hóa mọi vấn đề xã hội.
Lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các tổ chức khủng bố (Việt Tân, Triều Đại Việt, Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời) và một số đối tượng chống đối trong nước đã đưa ra nhiều thông tin xuyên tạc về tình hình chính trị, xã hội ở nước ta, để tác động xấu đến tư tưởng nhằm gây bất ổn từ bên trong(3). Ở Cuba cũng vậy, ngay sau cuộc biểu tình nổ ra vào ngày 11.7.2021, nhiều trang mạng tại phương Tây, nhất là Mỹ, đã tung các bài bình luận, đánh giá biểu tình chủ yếu xuất phát từ chế độ chính trị; từ đó xuyên tạc bản chất của chế độ XHCN và kích động, kêu gọi người dân Cuba lật đổ chế độ. Trong khi đó, từ giữa năm 2020 đến nay, biểu tình, kể cả bạo động, đàn áp người biểu tình, đã diễn ra ở nhiều nước trên thế giới (Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Italia, Ôxtrâylia, Thái Lan...) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nếu cũng với cách nhìn mang động cơ thù địch về chính trị, liệu các đối tượng xấu có cho nguyên nhân biểu tình, bạo động trong đại dịch Covid-19 là xuất phát từ bản chất chính trị và người dân muốn lật đổ chế độ xã hội tại các nước này hay không?
Thứ ba, việc lắp ghép khiên cưỡng yếu tố đạo đức vào thuật ngữ pháp lý, phản ánh cách tư duy chiết trung, ngụy biện, thiếu đạo đức khi không có cơ sở pháp lý cần thiết.
Thuật ngữ “tù nhân lương tâm” mà các thế lực thù địch thường rao giảng là sự lắp ghép khiên cưỡng yếu tố đạo đức vào khái niệm pháp lý. Tù nhân là cụm từ dành cho những người có hành vi vi phạm pháp luật, bị tòa án tuyên là có tội và phải chịu hình phạt tù theo quyết định có hiệu lực của tòa án. Việc một người bị phạt tù là hậu quả tất yếu khi người đó có hành vi phạm tội đã được quy định trong bộ luật hình sự, bị điều tra, truy tố, xét xử công khai, nghiêm minh tại tòa án. Cho nên trong nền tư pháp Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”. Việc cài đặt khiên cưỡng yếu tố đạo đức vào một thuật ngữ pháp lý phản ánh một cách tư duy chiết trung, ngụy biện, thiếu đạo đức khi không có cơ sở pháp lý cần thiết để tố cáo Việt Nam về dân chủ, nhân quyền.
Cách gọi “tù nhân lương tâm” chỉ là một chiêu trò của các tổ chức, cá nhân thù địch với chế độ xã hội ở Việt Nam, nhằm cổ vũ, hậu thuẫn cho các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam để dễ bề can thiệp vào việc bảo vệ, kích động những đối tượng này. Dựa vào chiêu bài “tù nhân lương tâm”, các đối tượng chống đối trong nước tìm cách tạo cớ cho những thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, gây sức ép với chính quyền và xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tiến tới gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự để thực hiện âm mưu thúc đẩy “cách mạng màu” nhằm chuyển hóa chế độ xã hội tại Việt Nam.
Tại Việt Nam cũng như ở bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào khác, những đối tượng vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hoàn toàn không có việc bắt giữ, điều tra, truy tố, xét xử đối với những đối tượng vi phạm pháp luật lại bị coi là đàn áp những người “bất đồng chính kiến” hay giam giữ “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị”, biến những kẻ vi phạm pháp luật thành nạn nhân, dễ bề đánh lừa dư luận trong và ngoài nước, lu loa với luận điệu nhân quyền ở Việt Nam là hết sức tồi tệ.
Thứ tư, diễn giải tư biện, trừu tượng về nhân quyền phổ quát.
Nhân quyền phổ quát là quyền tự nhiên của mỗi người dựa trên nhân phẩm của con người. Các luận điệu phê phán Việt Nam thường cho Việt Nam (và các nước đang phát triển khác) xem xét nhân quyền theo một nội hàm quá rộng, nên chung chung, trừu tượng, mà coi nhẹ việc tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền tự nhiên của những cá nhân cụ thể. Đúng là phải tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền tự nhiên của cá nhân, nhưng không thể chỉ thấy quyền của bản thân một hay vài cá nhân cụ thể mà hy sinh quyền tự nhiên, trước hết của các cá nhân, nhóm xã hội trực tiếp liên quan đến những cá nhân đó.
Bởi lẽ, nhân phẩm con người không chung chung, trừu tượng mà được thể hiện, tôn trọng, bảo vệ, thực hiện một cách tự nhiên trong thực tế ứng xử, quan hệ và hoạt động cùng với những cá nhân khác, trước hết là với những người sống quanh mình. Đó chính là biểu hiện tự nhiên của nhân quyền phổ quát. Vì thế không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều tiếp cận và thực hành nhân quyền phổ quát không chung chung, trừu tượng, mà trong mối quan hệ tự nhiên giữa quyền cá nhân với quyền của nhóm xã hội hay quyền của cộng đồng. Chỉ khi quyền tự nhiên của cá nhân hài hòa với quyền tự nhiên của cộng đồng, trước hết là quyền tự nhiên của nhóm xã hội liên quan trực tiếp đến cá nhân đó, thì thuộc tính phổ quát của nhân quyền tự nhiên mới thành hiện thực.
Các luận điệu phê phán theo lối tư biện nhân danh tính phổ quát của nhân quyền tự nhiên của cá nhân cùng lối suy diễn một chiều thái quá và mang động cơ thù địch về chính trị, đã dựa trên một số thông tin chưa được kiểm chứng cùng sự kỳ thị đối với Việt Nam để cường điệu hóa quyền của một vài cá nhân, mà bỏ qua quyền của các cá nhân, nhóm xã hội trực tiếp liên quan đến sự vi phạm nhân quyền của cá nhân đó. Cách nhìn nhận hết sức tồi tệ này thể hiện rõ trong các bản phúc trình nhân quyền toàn cầu của HRW; khi tổ chức này lâu nay liên tục báo động về “một xu hướng nhân quyền tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng tại Việt Nam”(4). Nếu theo luận điệu này thì cho đến nay, HRW hầu như chẳng còn thu thập được chất liệu bảo đảm quyền con người nào ở nước ta để “sản xuất” phúc trình về nhân quyền. Đó chính là một logic hết sức tồi tệ của các luận điệu phê phán nhân quyền tại Việt Nam.
Thứ năm, nhân danh nhân quyền phổ quát để che lấp ý thức hệ chính trị phương Tây.
Ý thức hệ chính trị này vốn đẫm màu sắc chủ nghĩa đế quốc văn hóa, xem văn hóa phương Tây là trung tâm, coi nhân quyền phương Tây chi phối nhân quyền phổ quát toàn thế giới và cao hơn chủ quyền quốc gia. Nó lại bị chi phối bởi nguồn kinh phí hoạt động của những cá nhân, tổ chức dân sự nước ngoài theo cơ chế thị trường và không thiện chí với Việt Nam. Nên điều dễ hiểu là nó thường sai sự thật, thiên vị, mang màu sắc chính trị thực dụng, vụ lợi, thậm chí nhiều khi có tính chống đối công khai, trắng trợn và quyết liệt. Từ đó nó dễ gây ra phản ứng tiêu cực trong dư luận Việt Nam và cả thế giới. Thí dụ các bản phúc trình về nhân quyền của HRW thường bị phản ứng, bị chỉ trích tức thì do chịu quá nhiều tác động bởi thế lực cực hữu trong chính quyền Mỹ, như về Vênêxuêla hoặc các hoạt động bài Hồi giáo(5). Để huy động được nhiều vốn cho hoạt động, HRW còn lợi dụng tâm lý chống Ítxraen để “sản xuất” phúc trình về nhân quyền theo cơ chế có lợi cho việc gây quỹ; tại nước Ả rập Xê út giàu có bằng cách tập trung chỉ trích Ítxraen nhưng lại “nhẹ nhàng” với các chế độ độc tài trong khu vực(6).
Thứ sáu, vi phạm nghiêm trọng công ước và nguyên tắc quốc tế về cấm can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.
Cụ thể là đã vi phạm nghiêm trọng Điều 2, Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 và Nghị quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng như trong nhiều điều ước quốc tế về nhân quyền. Theo Nghị quyết 2625: không quốc gia nào hay nhóm quốc gia nào có quyền can thiệp, trực tiếp hay gián tiếp, vì bất kỳ lý do gì vào công việc đối nội và đối ngoại của quốc gia khác. Mâu thuẫn nội tại của các luận điệu đó là mặc dù nhân danh nhân quyền phổ quát nhưng lại không tuân theo nguyên tắc điều chỉnh của luật nhân quyền quốc tế đối với chủ quyền quốc gia và trách nhiệm quốc gia, chẳng hạn theo Điều 1 của hai công ước quốc tế năm 1966 về các quyền dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như theo “Tuyên bố về các nguyên tắc của luật quốc tế, điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc” (năm 1970).
Xuất phát từ những nguyên tắc đó, Nhà nước Việt Nam, trong nhiều văn bản pháp luật đã quy định rõ các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên của những cơ quan đó phải: tôn trọng pháp luật và phong tục, tập quán của Việt Nam; không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ và nền văn hóa do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống... nên cách tiếp cận nhân quyền phổ quát có thể khác nhau. Theo ông Lý Quang Diệu (Thủ tướng Singapore), không ở đâu trên thế giới, các quyền này lại được phép thực hiện mà không có những giới hạn, vì nếu áp dụng một cách mù quáng những ý tưởng này có thể đi theo hướng hủy hoại xã hội có tổ chức(7).
2. Thực tế khách quan về tình hình nhân quyền tại Việt Nam
Một là, thành quả nhân quyền.
Công tác bảo đảm quyền con người trong hơn 35 năm đổi mới ở nước ta đã thu được nhiều thành tựu nổi bật, như: Đã phổ cập giáo dục tiểu học và tất cả các tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn giáo dục trung học cơ sở từ năm 2011. Trong năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi chỉ còn 2%; trong đó khu vực thành thị là 2,93%, khu vực nông thôn là 1,55%. Việt Nam được quốc tế thừa nhận đã thực hiện tốt các “mục tiêu thiên niên kỷ” của Liên hợp quốc (giai đoạn 2001-2015). Bất bình đẳng theo thước đo hệ số bất bình đẳng thu nhập (GINI) về tiêu dùng tăng, nhưng ở mức tương đối thấp trong khu vực ASEAN. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 6,8%(8). Chỉ số phát triển con người (HDI) trong năm 2019 đạt 0,704 và xếp thứ 117/ 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, tức là thuộc nhóm nước trung bình cao(9).
Trái với những luận điệu cáo buộc ngụy biện, trơ trẽn về nhân quyền, thực tế Việt Nam đã và đang chứng thực sinh động sự tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy nhân quyền trong điều kiện tác động của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế(10). Trong năm 2020 - 2021, khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới và ở Việt Nam, hàng loạt chính sách an ninh con người, an sinh xã hội được Chính phủ ban hành nhằm bảo đảm an ninh lương thực và ổn định cuộc sống tối thiểu cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Gói an sinh xã hội có quy mô 62.000 tỷ đồng (năm 2020), gói cứu trợ 26.000 tỷ đồng (năm 2021) là giải pháp cấp bách, kịp thời, không chỉ giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với quyền sống, quyền được chăm sóc y tế và mưu sinh của người dân, mà còn một lần nữa khẳng định mạnh mẽ quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam “đặt lợi ích của người dân lên trên” và “không để lại ai ở phía sau” trong đại dịch Covid-19.
Đồng thời, Việt Nam cũng chủ động, tích cực đóng góp vào việc tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên thế giới và được cộng đồng thế giới ghi nhận. Thí dụ thông qua mức độ tín nhiệm với tỷ lệ phiếu đồng thuận rất cao trong những lần Việt Nam gia nhập Hội đồng nhân quyền và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tại khu vực, uy tín của Việt Nam được thể hiện qua vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Từ những nỗ lực chung trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong phạm vi quốc gia và khu vực, các nước thành viên ASEAN chính thức đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho ASEAN làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là những đòn đả kích mạnh mẽ nhằm vào các đối tượng vu cáo Việt Nam về vi phạm nhân quyền.
Hai là, nỗ lực giải quyết hạn chế và thách thức.
Ông Peterson, nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho rằng: “không thể đánh giá tình hình nhân quyền của một quốc gia trên chuẩn 100% hài lòng. Mỹ cũng như không một quốc gia nào khác có thể đáp ứng nhu cầu đó. Thang điểm 100% hài lòng về mặt nhân quyền là điều không thể đạt được tại một quốc gia”(11). Các báo cáo chính thức của Việt Nam tại các cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc cũng không lảng tránh tránh, mà thừa nhận ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế, thách thức cần giải quyết. Trong đó, hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa theo kịp thực tiễn, dẫn đến khó khăn, thậm chí hiểu sai đã tác động đến việc bảo đảm tính hợp hiến, tính khả thi và minh bạch trong quá trình bảo đảm quyền con người.
Ba là, cộng đồng quốc tế công nhận.
Thực tế nhân quyền ở Việt Nam đã được nhiều nhà lãnh đạo, chính khách quốc tế, các nhà quan sát, du khách đến Việt Nam cảm nhận, đánh giá. Chẳng hạn nhà báo chuyên về chính trị Đông Nam Á David Hutt phát biểu trên đài BBC News rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động trách nhiệm và đặt người dân lên làm mối quan tâm hàng đầu. Còn trang liberationnews.org (Mỹ) thì thừa nhận: Một chính phủ xã hội chủ nghĩa đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế... Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh: Việt Nam ứng phó thành công đại dịch Covid-19 là một câu chuyện truyền cảm hứng, trong đó tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn kết xã hội là chìa khóa thành công.
Trang Times of India thì cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã chủ động bảo vệ người dân trước dịch bệnh thông qua việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về dịch bệnh và quyền được tiếp cận điều trị Covid-19 cho tất cả mọi người, nhờ thế đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội, huy động được sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến chống dịch(12). Coi trọng sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân ngay từ những ngày đầu chống dịch cũng chính là bảo đảm một trong những quyền con người cao nhất, cơ bản nhất là quyền được sống. Bên cạnh mục tiêu khẩn cấp bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, Chính phủ Việt Nam đặc biệt ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người và quyền của người dân được tiếp cận các dịch vụ cơ bản, nhất là khi đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, khiến thu nhập của nhiều người bị giảm sâu, mất việc làm, mất sinh kế....
Còn rất nhiều bình luận tương tự của giới chính khách, chuyên gia, truyền thông quốc tế đánh giá cao thành công của Việt Nam trong việc biến nguy thành cơ để thực hiện có kết quả mục tiêu kép: phòng, chống đại dịch Covid-19 đồng thời phát triển kinh tế - xã hội nhằm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chính thực tiễn là những minh chứng thuyết phục nhất, thể hiện những gì mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đang tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền đã được người dân đặt trọn niềm tin và được dư luận tiến bộ trên thế giới ghi nhận.
3. Thực chất của các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về nhân quyền ở Việt Nam
Các đối tượng xuyên tạc, phủ nhận thành quả về nhân quyền ở Việt Nam hiện nay về cơ bản là những lực lượng cực hữu ở một số nước phương Tây, chủ yếu tại Mỹ, lực lượng cực hữu người Việt ở nước ngoài và những cá nhân người Việt trong nước bị các thế lực cực hữu nước ngoài mua chuộc, lợi dụng để chống phá nền tảng tư tưởng và chế độ chính trị - xã hội tại Việt Nam. Bên cạnh đó, là những người nghiên cứu lý luận, hoạt động chính trị đảng phái tại một số nước phương Tây và cả những người cơ hội chủ nghĩa, suy thoái về tư tưởng, chính trị tại Việt Nam.
Các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về nhân quyền ở Việt Nam hiện nay thường tập trung vào hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận các giá trị lý luận, thực tiễn về dân chủ, nhân quyền, như lợi dụng các hiệp định, dự án hợp tác với nước ngoài, nhằm phá hoại và làm chệch hướng XHCN của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam; kích động vấn đề dân tộc thiểu số và xuyên tạc Việt Nam có “hai chính sách tôn giáo”: Chính sách bảo đảm trên hình thức và “chính sách” không bảo vệ, không bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số trong thực tế thông qua “cơ chế xin - cho” và tạo lập các “tôn giáo quốc doanh”. Trong các báo báo về tình hình nhân quyền trên thế giới, phần viết về Việt Nam, họ thường phê phán, xuyên tạc Chính phủ Việt Nam ngăn cản tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do hội họp; hay xuyên tạc cái gọi là “việc áp dụng một cách bất công Bộ luật hình sự”. Họ cho rằng, Việt Nam có chính sách hai mặt trong việc giam giữ tù nhân chính trị: công khai thì khép vào tội “vi phạm luật pháp” nhưng thực tế là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị”; hay các luận điệu xuyên tạc về sử dụng cách tra tấn, bức cung, nhục hình đối với những người bị tạm giữ, tạm giam; bắt giữ và xét xử tùy tiện; duy trì án tử hình; cáo buộc tình trạng đàn áp, ngăn chặn, cản trở hoạt động của luật sư(13)...
Bên cạnh đó, các hoạt động xâm nhập, kích động, nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” như đòi Nhà nước Việt Nam phải đáp ứng ngay tiêu chuẩn về các quyền dân sự, chính trị (tự do lập hội, tự do xuất bản báo chí tư nhân, hoạt động tôn giáo không cần sự quản lý của Nhà nước...) tương tự các quốc gia phát triển phương Tây. Họ gắn dân chủ, nhân quyền với các vấn đề hợp tác phát triển, dân chủ, tôn giáo, tiếp cận thông tin và các hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp... Đặc biệt, họ đòi dân sự hóa hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nhằm thúc đẩy phát triển xã hội dân sự. Họ móc nối và tìm cách mua chuộc bằng tiền, hiện vật có giá trị để làm thay đổi tư tưởng, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một số cán bộ, đảng viên, nhất là ở cấp chiến lược và cơ quan trọng yếu nhằm thay đổi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo hướng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, làm chệch hướng XHCN trong bảo đảm dân chủ, nhân quyền và quá trình đổi mới đất nước nói chung.
Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch thể hiện khá rõ nhằm kích động các cá nhân, tổ chức trong nước tổ chức bạo động, bạo loạn thông qua cái gọi là “biểu tình ôn hòa” hay nhờ các tổ chức, chính phủ nước ngoài khiếu kiện Việt Nam. Thí dụ, trong UPR chu kỳ I (năm 2009), II (năm 2014) và III (năm 2019), một số tổ chức phi chính phủ người Việt và quốc tế có quy chế quan sát viên tại ECOSOC (Ủy ban bảo vệ quyền con người cho người Việt Nam - VCHR, Tổ chức Đảng cấp tiến xuyên quốc gia - TRP...) lợi dụng diễn đàn của Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người; hay tăng cường trao giải cho các đối tượng chống đối để tạo dựng “ngọn cờ” chống phá Nhà nước Việt Nam. Thông qua những “ngọn cờ” này, kích động, lôi kéo, tập hợp và phát triển lực lượng chính trị đối lập theo kiểu “đa nguyên, đa đảng” ở nước ta.
Về phương thức, cách thức chống phá hiện nay, các thế lực phản động, thù địch triệt để sử dụng truyền thông đại chúng, đặc biệt là mạng internet, xuất bản báo chí ở nước ngoài, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước; tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chuyên chống phá Việt Nam (như VOA tiếng Việt, RFA, RFI, BBC Việt ngữ, HRW...) để xuyên tạc, kích động về tư tưởng, chính trị. Họ lợi dụng các sai sót trong công tác quản lý nhà nước để xuyên tạc, kích động khiếu kiện, biểu tình trái phép. Họ tổ chức các hội thảo để xem xét lại các vấn đề liên quan đến lịch sử, tuy âm thầm nhưng tác hại lâu dài, rất thâm độc. Các thế lực thù địch dùng chiêu bài “mớm lời”, “rắc thính”, kích động để không chỉ gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Trước thực tế đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội cần nâng cao bản lĩnh, trí tuệ để nhận diện và vạch trần bản chất của các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về nhân quyền ở Việt Nam hiện nay(14). Vì thực chất, đấu tranh trên mật trận tư tưởng lý luận về dân chủ, nhân quyền còn phản ánh cuộc đấu tranh về tư tưởng chính trị - pháp lý giữa hai loại hình giá trị tư tưởng XHCN và tư sản. Đây là đặc điểm có tính bản chất của cuộc đấu tranh không có giới tuyến địch - ta rõ ràng, mà nằm ngay trong nhận thức của mỗi người và mỗi tổ chức. Vì thế, nhân dân, trước tiên là mỗi cán bộ, đảng viên, đều là chủ thể đấu tranh với các thế lực thù địch trên lĩnh vực này. Trong phương thức đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền cần coi trọng cách thức, phương pháp, biện pháp tư tưởng chính trị, như truyền thông, vận động nhằm nâng cao nhận thức, tích cực phòng - chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và coi trọng cách thức kết hợp trong đối thoại có đấu tranh, trong đấu tranh có đối thoại./.
_________________________________________________
(1) https://www.hrw.org/vi/world-report/2021/country-chapters/377412.
(2) https://www.voatiengviet.com/a/ph%C3%BAc-tr%C3%.
(3) Hồng Phú - Nguyễn Huân: Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng biểu tình tại Cuba để kích động chống phá, http://cand.com.vn/, ngày 19.7.2021.
(4) https://vi.wikipedia.org/wiki.
(5) Lam Sơn: Human Rights Watch: tổ chức đội lốt nhân quyền, https://nhandan.com.vn/, ngày 22.10.2012.
(6) https://vi.wikipedia.org/wiki.
(7) Xem: Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới, Nxb. Thế giới, tr.162.
(8) Xem: Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2019 so với năm 2018, https://nhandan.com.vn/, ngày 11.7.2020.
(9) Đoàn Dân: Chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng vượt bậc, https://nhandan.vn/, ngày 25.12.2020.
(10) Nguyễn Thanh Tuấn: Tác động của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đến vấn đề dân chủ, nhân quyền ở nước ta hiện nay, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 16.4.2014.
(11) https://vi.wikipedia.org/wiki.
(12) Huyền Chi: Việt Nam - quốc gia truyền cảm hứng về phát triển con người, http://cand.com.vn/, ngày 1.1.2021.
(13) Tường Duy Kiên: Đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Cộng sản số 979 (12.2021).
(14) Nguyễn Thanh Tuấn, Nhận diện và đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Cộng sản điện tử, số 409, ngày 15.1.2019.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 10.5.2022
Bài liên quan
- Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
- Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
- Nhận diện và xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan điểm chỉ đạo được nhấn mạnh trong Nghị quyết (NQ) là: “…chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định…” (1). NQ này đã được các cơ quan liên quan, trong đó có các cơ quan báo chí quán triệt, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để “chuyển hóa những thách thức thành cơ hội”, nhất là với vùng đồng bằng sông Cửu Long, để phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng thì vai trò, trách nhiệm của báo chí cần được nhận thức đầy đủ, chủ động hơn.
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố chủ quan và khách quan mang lại. Lan toả các giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vấn đề của hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay là làm sao thu hút được sự quan tâm của đại bộ phận nhân dân, để nhân dân tin tưởng và làm theo Đảng thông qua những nội dung gần gũi, sinh động, hấp dẫn và hiện đại. Hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt truyền thông xã hội và hiện tượng truyền thông hoá.
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả là một biến thể nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với những yêu cầu về phẩm chất đích thực và đạo đức cách mạng. Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả là loại bỏ những thói hư tật xấu đang ngấm ngầm làm tha hóa cán bộ, đảng viên. Chống uy tín giả cũng là chống chủ nghĩa cá nhân, củng cố uy tín đích thực của người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả nảy sinh, xâm nhập, lây lan trong đời sống chính trị, xã hội do nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố chủ quan của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên là nguyên nhân trực tiếp, phổ biến.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nghiêm trọng hơn, nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại. Suy rộng ra, uy tín giả hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta nếu không được nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn.
Bình luận