Phụ nữ trong xóa đói giảm nghèo và phát triển miền núi
1. Nghèo đói ở miền núi và một số thách thức
Số liệu điều tra mức sống hộ gia đình hằng năm cho thấy khu vực miền núi là nơi có tỷ lệ nghèo cao trong cả nước hiện nay và miền núi phía Bắc là vùng nghèo nhất, tiếp theo là Tây Nguyên và Bắc Trung bộ. Đáng chú ý là trong 4 năm qua, một số vùng có tỷ lệ giảm nghèo còn chậm, đặc biệt là Tây Nguyên. Theo bản đồ phân bố người nghèo của nước ta thì ba vùng miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên chiếm hơn hai phần ba tổng số người nghèo lương thực ở Việt Nam.
Các nghiên cứu về đánh giá đói nghèo có sự tham gia của người dân được thực hiện vào giữa năm 2003 ở những vùng miền núi cho thấy sử dụng không bền vững các nguồn tài nguyên là một trong nhiều yếu tố dẫn đến đói nghèo. Sự suy giảm môi trường và nguồn lực tự nhiên, đặc biệt là nạn phá rừng và suy kiệt nguồn nước, ví dụ ở Đắc Lắc đã khiến cho đời sống của người nghèo càng khó khăn hơn. Không những thế, phá rừng với tốc độ nhanh, sử dụng quá mức nước nguồn cho cà phê, sử dụng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu còn ảnh hưởng lâu dài đến môi trường của vùng và tác động không nhỏ đến tình trạng nghèo đói của người dân sau này.
Tại Lào Cai và Hà Giang, người dân và cán bộ địa phương cho biết các vấn đề liên quan đến sử dụng tài nguyên ở đây bao gồm lở đất và đất bạc màu, tình trạng khai thác rừng bừa bãi và cháy rừng, ô nhiễm của các dòng suối do sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng đường, sản xuất giấy và sử dụng các hoá chất trong công nghiệp. Theo những nghiên cứu này, đáng chú ý là trồng rừng không phải là nhân tố quan trọng trong xoá đói giảm nghèo vì đã không góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập của người nghèo ở vùng cao. Lý do chính là tỷ lệ sống của cây trồng rất thấp, thiếu các vườn ươm địa phương, việc giao đất rừng ở nhiều nơi chưa hoàn chỉnh và nhu cầu trồng cây lương thực còn cao. Thực tế cho thấy mặc dù công tác giảm nghèo đã thu được kết quả tốt song những vấn đề về mối liên quan giữa giảm nghèo và sử dụng bền vững tài nguyên ở miền núi vẫn đang đặt ra rất cấp bách. Đây cũng là một thách thức rất lớn đối với các nhà hoạch định chính sách ở trung ương và các nhà quản lý ở từng địa phương.
Xoá đói giảm nghèo và quản lý bền vững tài nguyên đòi hỏi sự tham gia và nỗ lực chung của phụ nữ, nam giới và các cấp chính quyền. Điều này là đặc biệt quan trọng ở miền núi, nơi các cộng đồng các dân tộc cư trú đan xen, nơi đồng bào dân tộc thiểu số có quan niệm và thói quen riêng trong việc ứng xử với tài nguyên thiên nhiên. Đối với phụ nữ, tham gia vào các cấp chính quyền, đoàn thể là cơ chế quan trọng để phản ánh ý chí và nguyện vọng của giới mình trong các hoạt động xoá đói giảm nghèo và sử dụng tài nguyên ở địa phương. Tuy nhiên, nói chung ở miền núi, tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo ở cơ sở rất thấp, hoạt động của Hội liên hiệp phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù đạt được những thành tích đáng kể trong việc triển khai các dự án và chương trình xoá đói giảm nghèo song việc nâng cao năng lực và đảm bảo cho người dân, đặc biệt là phụ nữ tham gia vào việc quyết định ở cơ sở còn chưa đạt yêu cầu đề ra. Tạo điều kiện để phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia bàn bạc và ra quyết định về những vấn đề có liên quan đến quản lý bền vững tài nguyên và xoá đói giảm nghèo còn là những thách thức lớn ở miền núi, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
2. Mối quan hệ giữa giới và nghèo đói
Có thể có nhiều cách hiểu khác nhau về mối liên hệ giữa giới và nghèo đói, tuy nhiên có ba xu hướngchính về nhận thức và hành động. Xu hướng thứ nhất chấp nhận sự khác biệt giữa nam và nữ về tình trạng nghèo đói và về cơ hội thoát nghèo, coi đây là điều kiện "tự nhiên", không cần lý giải và có thể không cần thay đổi. Quan niệm chủ đạo ở đây cho rằng sự khác biệt nam nữ vốn được quy định bởi các yếu tố sinh học, do đó nếu phụ nữ có yếu hơn, kém hơn hoặc nghèo hơn nam giới thì cũng là điều dễ hiểu. Xu hướng thứ hai không nhìn nhận sự khác biệt giữa nam và nữ như một vấn đề mà cho rằng đã nghèo thì ai cũng như nhau. Nam hay nữ cũng cần sự hỗ trợ và các giải pháp để thoát nghèo giống nhau. Những người theo xu hướng này đơn giản cho rằng khái niệm nghèo đói, tình trạng nghèo và các biện pháp giảm nghèo không liên quan đến giới tính. Xu hướng thứ ba cho rằng giới tính, tức là yếu tố sinh học không quyết định năng lực hay mức độ nghèo đói của nam nữ. Ngược lại chính những yếu tố xã hội có tác động đến vị trí, vai trò, sự tiến bộ hoặc nghèo đói của phụ nữ và nam giới. Quan niệm chi phối ở đây cho rằng vị trí xã hội thấp là một trong các yếu tố làm tăng rủi ro, tăng nguy cơ rơi vào nghèo đói và hạn chế khả năng thoát nghèo của phụ nữ cũng như nam giới.
Trên thực tế, mối liên hệ giữa giới và nghèo đói ở nước ta có thể xem xét trên ba khía cạnh chính là sản xuất, tái sinh sản, và mối tương quan giữa hai giới hiện nay.
Thứ nhất, lao động nữ chiếm số đông ở nhiều ngành kinh tế quốc dân, ví dụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ... Đây là những ngành có tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá tăng nhanh trong những năm vừa qua và cũng là những ngành thu hút nhiều lao động, có đóng góp quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt ở nông thôn.
Bên cạnh đó, phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng tự sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp (nữ 56,8%, nam 49,2%), trong khi nam giới đi làm thuê nhiều hơn (nữ 4,8%, nam 7,4%). Phụ nữ do đó cũng gặp nhiều khó khăn hơn để thoát nghèo do tính chất rủi ro của sản xuất nông nghiệp. Điều này thể hiện đặc biệt rõ ở vùng miền núi, những nơi điều kiện tự nhiên không thuận lợi đối với cây lương thực.
Từ thực tế trên, nếu việc đào tạo, trang bị kỹ thuật, cho vay vốn được thực hiện với nhận thức và biện pháp thích hợp về giới, tức là tạo cơ hội bình đẳng cho lao động nữ sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng kim ngạch xuất khẩu, đa dạng hoá ngành nghề, tạo việc làm ngày càng nhiều và giảm nghèo đói một cách hiệu quả. Điều này đặc biệt có ý nghĩa ở miền núi, nơi sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong nguồn thu của hộ gia đình cũng như trong cơ cấu thu nhập quốc dân của vùng.
Thứ hai, phụ nữ có vai trò trực tiếp trong việc phát triển con người. Điều này có liên quan đến vai trò người mẹ. Các nghiên cứu đã kết luận rằng: học vấn của người phụ nữ có tác động tích cực đến việc giảm tỷ lệ sinh, các bà mẹ học hết tiểu học có tỷ lệ sinh thấp hơn 31% so với các bà mẹ không đi học. Học vấn của bà mẹ còn có tác động tích cực trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi. Ngoài ra, mẹ có học vấn cao cũng làm tăng số năm đi học của con, quan hệ này chặt chẽ hơn so với học vấn của bố. Điều này rõ ràng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở miền núi nơi việc học tập của em gái và phụ nữ nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, xét từ góc chăm sóc và nuôi dưỡng thì người phụ nữ có học vấn và sức khoẻ sẽ có điều kiện chăm lo cho các thành viên trong gia đình tốt hơn và khoa học hơn.
Nếu xã hội đầu tư tích cực vào việc nâng cao học vấn và sức khoẻ của phụ nữ tức là đã đầu tư vào sự phát triển của con người một yếu tố quyết định sự phát triển bền vững ở mỗi địa phương. Đối với miền núi, nơi trình độ học vấn của phụ nữ và tỷ lệ đi học của em gái còn thấp so với các vùng khác đây chính là khâu then chốt để giảm nghèo một cách bền vững thông qua việc giảm tỷ lệ sinh và chăm sóc toàn diện cho các thành viên của hộ gia đình.
Thứ ba, có sự khác biệt về vị trí và tương quan quyền lực của phụ nữ và nam giới. Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và giảm nghèo của chính phủ chỉ rõ 90% người nghèo sống ở nông thôn, trong số những người nghèo thì nhóm dễ bị tổn thương nhất là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, nữ chủ hộ độc thân, phụ nữ cao tuổi.
Tác động của những yếu tố xã hội ngay trong một vùng đối với phụ nữ và nam giới là không như nhau. Nguy cơ rơi vào nghèo đói và khả năng thoát nghèo của mỗi giới là khác nhau do bị chi phối bởi công việc cụ thể mà họ làm, bởi vị trí, tiếng nói của mỗi giới trong gia đình và cộng đồng, cũng như bởi khả năng tiếp cận và quản lý của phụ nữ và nam giới đối với các nguồn lực vật chất và tinh thần. Ngoài ra còn có những yếu tố tác động mạnh và trực tiếp hơn đến phụ nữ và em gái như lấy chồng sớm, đẻ nhiều...
Nghèo đói dẫn đến ít học - lấy chồng sớm - đẻ nhiều - sức khoẻ kém - thiếu sức lao động và tiếp tục rơi vào nghèo đói. Tuy nhiên, để phá vỡ vòng luẩn quẩn này, nếu chỉ tập trung vào phụ nữ và em gái quên đi vai trò của nam giới thì khó có thể giảm nghèo một cách thành công. Thực tế, ở nhiều vùng, đặc biệt là ở miền núi, người chồng, người cha có tiếng nói và vị trí thiết yếu trong việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình, trong các quyết định đầu tư cho con gái hay con trai, trong việc chăm lo sức khoẻ của vợ, con hay các thành viên khác... Tại những vùng này, nhìn chung nam giới giữ vai trò quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực hạn hẹp của hộ gia đình cũng như ở cộng đồng.
Tóm lại, nếu tương quan giới thay đổi theo hướng tích cực trên cơ sở thu hút nam giới và tạo điều kiện để họ thay đổi hành vi, chủ động bàn bạc và việc đưa ra các quyết định công bằng ở gia đình và tại cộng đồng nhằm đem lại lợi ích của cả phụ nữ và nam giới trong các lĩnh vực như phân công lao động, phân bổ nhân lực, thụ hưởng lợi ích... thì các hoạt động giảm nghèo sẽ ngày càng bền vững hơn.
3. Căn cứ để xây dựng biện pháp giảm nghèo
Nghèo đói và bất bình đẳng giới đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa là kết quả tổng hợp của các yếu tố xã hội đan xen phức tạp. Các giải pháp do đó cần mang tính toàn diện. Để đáp ứng yêu cầu này, phần dưới đây sử dụng một khung phân tích bao gồm 4 lĩnh vực cơ bản là mở rộng cơ hội, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ, giảm rủi ro và tạo quyền. Cụ thể là:
Cơ hội: Mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường lao động, cụ thể hơn, trong điều kiện của miền núi là tạo cơ hội cho phụ nữ và nam giới nghèo tiếp cận các nguồn lực sản xuất nhằm tạo việc làm, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Điều kiện: Tăng khả năng tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khoẻ nhằm đảm bảo các điều kiện tối thiểu cho cuộc sống và nâng cao năng lực của phụ nữ và nam giới.
Rủi ro: Giảm tác động của thiên tai, bạo lực để đảm bảo tính bền vững của việc giảm nghèo.
Quyền: Tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới nghèo tham gia vào việc nắm bắt thông tin, thảo luận và ra quyết định về công tác xoá đói giảm nghèo và những gì liên quan đến cuộc sống của bản thân họ.
Mở rộng cơ hội
Đối với miền núi, việc làm trên thị trường lao động của người nghèo mặc dù đã được mở rộng so với trước song nhìn chung còn bấp bênh, mang lại thu nhập thấp và nhiều rủi ro. Nghiên cứu đánh giá nghèo đói có sự tham gia của người dân cho biết hầu hết lao động thủ công phụ thuộc vào mùa vụ, có thể bị cai thầu quỵt tiền, phải lao động quá sức, bị tai nạn lao động... Tiền công làm thuê trung bình khoảng 15.000đồng/người, phụ nữ luôn nhận mức tiền công thấp hơn nam giới. Các biện pháp tạo việc làm ổn định, được đảm bảo về điều kiện lao động và được các cơ quan pháp luật bảo hộ là điều cần được thực hiện đối với cả phụ nữ và nam giới ở vùng cao.
Trong sản xuất nông nghiệp, việc tiếp cận dịch vụ khuyến nông và tín dụng là điều kiện quan trọng để mở rộng sản xuất. Phụ nữ và nam giới nghèo nhìn chung có ít điều kiện tiếp cận dịch vụ này. Tình trạng nữ làm, nam học là phổ biến ở nhiều vùng trong cả nước.
Mặc dù phụ nữ tham gia đông đảo vào sản xuất nông nghiệp, cả trồng trọt và chăn nuôi song tỉ lệ tham gia các lớp tập huấn trồng trọt chỉ chiếm 25%, tham gia lớp chăn nuôi chiếm 10% tổng số học viên.
Đối với miền núi, điều kiện tham gia các lớp khuyến nông còn thấp hơn nhiều do thiếu cán bộ khuyến nông ở thôn bản, năng lực cán bộ hạn chế, điều kiện và kinh phí thiếu thốn, tuy nhiên quan trọng nội dung và phương pháp khuyến nông chưa thực sự đáp ứng nhu cầu và điều kiện của người nghèo. So với nam giới, phụ nữ có ít điều kiện tham gia tập huấn, dự họp và nắm bắt thông tin nói chung và khuyến nông nói riêng hơn do tập quán (chủ yếu chồng đi họp) và gánh nặng công việc. Người nghèo, phụ nữ và các nhóm dân tộc thiểu số vùng cao ưu thích các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật đi cùng với vật tư hỗ trợ như giống và tín dụng. Tuy nhiên, các chương trình khuyến nông còn thiếu sự nhạy cảm về giới, ví dụ tờ rơi, tài liệu về khuyến nông thường nhiều chữ, diễn đạt khó hiểu, không thích hợp với phụ nữ và người ít học, những đối tượng cần các tài liệu đơn giản "hình đẹp, chữ to" hoặc thông qua hình thức truyền miệng, phù hợp với văn hoá vùng cao.
Các nghiên cứu gần đây cho biết mặc dù tỉ lệ tiếp cận vốn vay của người nghèo nhìn chung tăng lên so với trước song vẫn còn một bộ phận phụ nữ và nam giới nghèo vẫn gặp khó khăn về thủ tục. Người dân cho biết "cán bộ ngân hàng giải thích chẳng rõ ràng gì, hướng dẫn tôi chẳng hiểu được, nên không được vay vốn", hay "cán bộ ngân hàng chưa thoải mái, hình như họ không tin người nghèo". Trong đó, những người nghèo ít khả năng tiếp cận đến vốn vay phải kể đến nhóm nghèo vì thiếu sức khoẻ, thiếu sức lao động, người cô đơn. Bên cạnh đó, với những trở ngại như ít thời gian, ít hiểu biết về thủ tục hành chính và thiếu kinh nghiệm giao tiếp với cơ quan Nhà nước, phụ nữ nghèo thường gặp nhiều khó khăn hơn trong tiếp cận vốn vay chính thức.
Sử dụng và quản lý đất đai hiệu quả là điều kiện cần thiết để người nghèo có cuộc sống ổn định và vươn lên thoát nghèo. Để quản lý đất đai, việc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tiền đề quan trọng. Thực tế cho thấy, cho đến nay phụ nữ đứng tên chiếm tỷ lệ thấp trong số các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Đặc biệt, tỷ lệ giấy chứng nhận ghi tên cả vợ và chồng còn quá thấp. Điều này là phổ biến đối với tất cả các loại đất, bao gồm đất canh tác hàng năm, đất trồng cây lưu liên và đất rừng.
Đáng chú ý là nhóm phụ nữ nghèo càng ít điều kiện kiểm soát đất đai. Tỷ lệ phụ nữ đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nhóm hộ nghèo nhất là 5-7% so với tổng số giấy chứng nhận đã cấp đối với các loại đất. Đối với miền núi, đất rừng có ý nghĩa quan trọng, tuy nhiên hiện chỉ có 5% người vợ đứng tên và 2% vợ chồng cùng đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng, rõ ràng đây là điều cần được các nhà quản lý tài nguyên và các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm.
Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ
Tiếp cận giáo dục là điều kiện quan trọng để nâng cao năng lực của người nghèo, đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ và qua đó góp phần giảm nghèo bền vững.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy mặc dù tỷ lệ trẻ đến trường tăng nhanh trong những năm gần đây, song tại vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ em gái đến trường vẫn thấp hơn em trai. ở huyện Mường Khương (Lào Cai), học sinh nữ chiếm 45% bậc mầm non, 46% bậc tiểu học và đây không phải là trường hợp ngoại lệ. Tại điểm nghiên cứu đã phát hiện thấy hầu hết trẻ dưới 14 tuổi chưa bao giờ đi học hoặc bỏ học ở cấp tiểu học là nữ. Lý do em gái đi học ít hoặc bỏ học sớm là do nhà nghèo, do phải kiếm tiền cho gia đình, do tảo hôn và do chính vai trò giới mà cha mẹ kỳ vọng ở các em, "con gái 7-8 tuổi biết đi chăn trâu, biết trông em. Con trai 7-8 tuổi thì chỉ biết đi chăn trâu chứ không chăm em cẩn thận...".
Đối với cấp PTCS và THPT thì gánh nặng đóng góp (học phí, các loại quỹ) là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bỏ học của học sinh con em gia đình nghèo, đặc biệt là em gái. Mặc cảm vì nhà nghèo, bị nhắc nhở vì không đóng tiền học, hoặc đóng muộn thường làm các em chán, ngại, xấu hổ mà bỏ học.
Mặc dù số liệu ở nhiều tỉnh cho biết về cơ bản đã xoá mù chữ cho người dân song chỉ tiêu này mới tính cho những người dưới 25 tuổi hoặc dưới 35 tuổi. Một bộ phận đáng kể người lớn 35 tuổi trở lên, đặc biệt là phụ nữ mù chữ còn khá cao, có vùng lên tới trên 50%. Phụ nữ dân tộc thiểu số là nhóm có tỷ lệ mù chữ còn khá cao, có vùng lên tới trên 50%. Phụ nữ dân tộc thiểu số là nhóm có tỷ lệ mù chữ cao hơn so với tỷ lệ trung bình của địa phương. Một số phụ nữ sau lớp xoá mù chỉ biết đọc nhưng không biết viết hoặc chỉ viết được tên mình để ký khi cần thiết, hoặc nhiều người có thể đánh vần được nhưng không hiểu nghĩa. Tình trạng tái mù là phổ biến do người dân vùng cao ít sử dụng tiếng phổ thông trong cuộc sống hàng ngày, sách báo hiếm, họ không có gì để đọc hoặc đọc mà không hiểu.
Tăng cường sự tham gia của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng cao, vùng dân tộc thiểu số vào việc thảo luận và ra quyết định về vấn đề kinh tế, xã hội và xoá đói giảm nghèo là yêu cầu cấp bách hiện nay. Các biện pháp cụ thể cần quan tâm như cung cấp thông tin về các hoạt động xoá đói giảm nghèo một cách kịp thời và phù hợp về ngôn ngữ và hình thức đối với phụ nữ, hỗ trợ hoạt động của các đoàn thể, đặc biệt là hoạt động của các Hội LHPN ở những vùng khó khăn, đào tạo các cán bộ là nữ trẻ trở thành cán bộ kế cận ở địa phương.
Vấn đề đặt ra ở đây cho thấy nghèo đói và bất bình đẳng giới là những yếu tố chính kìm hãm sự phát triển miền núi hiện nay. Hai vấn đề này có mối liên hệ qua lại làm cho những khó khăn ở miền núi thêm trầm trọng và không dễ khắc phục trong thời gian ngắn. Vì lẽ đó, bên cạnh những cải thiện về nhiều mặt thì công tác xoá đói giảm nghèo ở miền núi, đặc biệt đối với vùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh này, thực hiện các biện pháp xoá đói giảm nghèo có kết hợp nâng cao bình đẳng giới là hướng đi hợp lý nhất để giảm nghèo hiệu quả và bền vững. Các giải pháp này nhằm đảm bảo tính đồng bộ và hệ thống trên cơ sở mở rộng cơ hội, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ, giảm rủi ro và tạo quyền cho phụ nữ.
Để làm được điều này các cấp, các ngành cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng phụ nữ nghèo nói chung, trong đó, phụ nữ và em gái dân tộc thiểu số, phụ nữ vùng khó khăn và phụ nữ của chủ hộ vì họ là những đối tượng dễ bị tổn thương hơn cả. Các ngành nghề đặc biệt là nông nghiệp và phát triển nông thôn, giáo dục, y tế và các địa phương, trước hết là cấp uỷ Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở cần được tạo điều kiện nâng cao nhận thức và chuyển biến hành động nhằm đảm bảo cho phụ nữ nghèo được tham gia vào hưởng lợi ngang với nam giới trong công cuộc xoá đói giảm nghèo và từ kết quả của tiến trình phát triển nói chung ở mỗi địa phương./.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 5 (tháng 9+10)/2005
Bài liên quan
- Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
- Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Xây dựng mô hình tự quản trong phương pháp quản lý lưu học sinh nước ngoài tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và lý luận chính trị có uy tín trên cả nước. Bởi vậy, việc liên kết đào tạo về các lĩnh vực này không chỉ được thực hiện ở các đơn vị đào tạo trong nước mà còn được thực hiện cả ở sự liên kết đào tạo quốc tế. Hàng năm, Học viện đón tiếp một lượng lớn sinh viên quốc tế theo học ở các bậc cử nhân, cao học và nghiên cứu sinh. Do vậy, công tác quản lý sinh viên quốc tế là công tác quan trọng và có tính đặc thù. Công tác này để đạt hiệu quả tốt không chỉ thuộc về phương pháp và trách nhiệm của các đơn vị trong học viện mà còn phụ thuộc vào chính năng lực tự quản của các em. Tuy nhiên, để sự tự quản được thực hiện có chất lượng cần thực hiện trên nguyên tắc: Học viện định hướng – phòng Quản lý Ký túc xá xây dựng phương pháp và giám sát – lưu học sinh tự quản. Với nguyên tắc trên, phòng Quản lý ký túc xá đã thu được những thành công nhất định. Bài viết này trình bày những kinh nghiệm đã thu được trong qua trình xây dựng mô hình tự quản trong tập thể lưu học sinh nước ngoài tại học viện.
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo công tác này, qua đó đạt được một số kết quả khá quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở phân tích thực trạng lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác này trong thời gian tới.
Bình luận