Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay
1. Quan điểm của V.I.Lênin về phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài
Quan điểm của V.I.Lênin về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài (SDNT) thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau:
Một là, quan niệm của V.I.Lênin về nhân tài. Theo V.I.Lênin, nhân tài là người trung thành với CNXH, với Đảng và nhân dân, trong những khi cách mạng gặp khó khăn, người có tài sẵn sàng hy sinh cả tính mạng cho cách mạng… Đây là những đặc trưng cơ bản nhất đạo đức của giai cấp công nhân - đạo đức cộng sản. Đặc biệt, nhân tài là người có tri thức rộng, sâu vào bậc nhất về một hay vài lĩnh vực chuyên môn. Đó là người có uy tín rất cao, làm được những việc rất khó, hiệu quả cao cho cách mạng mà rất nhiều người khác không làm được.
Những điều nêu trên được thể hiện sâu sắc trong một số tác phẩm của V.I.Lênin, tập trung nhất là ở tác phẩm “Sáng kiến vĩ đại” và những nhận xét, đánh giá của Người về đồng chí I-a.M. Xvéc-đlốp (I-a-cốp Mi-khai-lô-vích), một người có tài tột bậc trong công tác tổ chức của Đảng Cộng sản (b) Nga. V.I.Lênin viết: “Chúng ta cứ đi con đường của chúng ta, và chú ý tìm cho ra và thử thách một cách hết sức nhẫn nại, hết sức thận trọng những người thực sự có tài tổ chức, những người có bộ óc sáng suốt và có bản lĩnh tháo vát trong thực tiễn, những người vừa trung thành với chủ nghĩa xã hội lại vừa có năng lực lặng lẽ (bất chấp sự hỗn loạn và ồn ào) tổ chức công tác chung vững chắc và nhịp nhàng của một khối người to lớn trong phạm vi tổ chức xô-viết”(2).
V.I.Lênin chỉ rõ, đồng chí I-a.M. Xvéc-đlốp “một lãnh tụ có tri thức rộng nhất và sâu nhất về thực tiễn”(3); “một người, trong những điều kiện khó khăn nhất của cách mạng “đã hoàn toàn và không do dự hiến thân mình cho cách mạng”(4). V.I.Lênin nhấn mạnh: “chỉ có đồng chí…là người duy nhất đã rèn luyện được cho mình một năng khiếu thực tiễn đặc sắc, một tài năng lỗi lạc về tổ chức và một uy tín không thể chối cãi được, nhờ đó I-a-cốp Mi-khai-lô-vích, chỉ có một mình mà đã lãnh đạo được những công tác hết sức quan trọng của Ban chấp hành trung ương các Xô-viết toàn Nga, những công việc đáng lẽ phải có một nhóm người làm. Chỉ có đồng chí là người duy nhất có uy tín đến mức độ là trong một số rất lớn những vấn đề quan trọng về tổ chức thực tiễn, chỉ cần một lời nói của đồng chí là công việc được giải quyết một cách dứt khoát, không cần đến một cuộc họp, cũng như một cuộc biểu quyết có tính chất hình thức nào cả”(5). Đồng chí là một “người không thể thay thế được”(6).
Hai là, vai trò của nhân tài đối với thắng lợi của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. V.I.Lênin viết: “chỉ có tài năng đặc biệt về tổ chức của đồng chí đó mới đem lại cho chúng ta cái mà từ trước đến nay chúng ta đã tự hào, và tự hào một cách chính đáng. Đồng chí đã đem lại cho chúng ta đầy đủ khả năng làm việc một cách nhất trí, hợp lý và thực sự có tổ chức, một lề lối làm việc xứng đáng với quần chúng vô sản có tổ chức và đáp ứng được những yêu cầu của cách mạng vô sản. Không có lối làm việc có tổ chức, nhất trí đó, thì chúng ta không thể đạt được một thắng lợi nào, cũng không thể vượt được một trong vô số khó khăn nào, một trong những thử thách gay go nào mà chúng ta đã từng nếm trải và hiện nay chúng ta còn phải chịu đựng”(7).
Ba là, tiêu chí để xem xét, đánh giá nhân tài. Theo V.I.Lênin, tiêu chí để xem xét, đánh giá nhân tài, gồm:
Về phẩm chất, trước hết, nhân tài là người trung thành tuyệt đối với CNXH, với Đảng Cộng sản và nhân dân; tích cực đem tài năng của mình phục vụ sự nghiệp cách mạng. Không sợ gian khổ hy sinh kể cả hy sinh tính mạng vì thắng lợi của cách mạng. Đó là người có đạo đức cộng sản, lối sống trong sạch, lành mạnh, gắn bó với nhân dân, cùng nhân dân vượt qua khó khăn, gian khổ đưa cách mạng đến thắng lợi. V.I.Lênin viết: “Nếu những điều kiện của chế độ Nga hoàng đã bắt I-a.M.Xvéc-đlốp, cũng như tất cả những nhà cách mạng thời đó, phải chủ yếu hoạt động bí mật, bất hợp pháp, thì ngay trong điều kiện đó, đồng chí Xvéc-đlốp cũng vẫn luôn luôn vai kề vai và tay nắm tay cùng đi với những công nhân tiên phong”(8).
Về trình độ trí tuệ, nhân tài là người có trình độ rộng, sâu về một hoặc vài lĩnh vực thuộc tài năng của họ, vượt xa nhiều người và cao nhất ở địa phương; khá nhiều người có tài thuộc loại cao nhất trong cả nước. Đồng chí I-a.M.Xvéc-đlốp là một trong những người như thế.
Nhân tài phải sử dụng tài năng của mình để phục vụ sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vì sự phát triển, vững mạnh của đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.
Trong những tiêu chí nêu trên, phẩm chất chính trị, nhất là lòng trung thành với cách mạng của người có tài là quan trọng hàng đầu, là cơ sở nảy sinh, rèn luyện, phát triển tài năng. V.I.Lênin viết: “chính lòng trung thành vô hạn đối với cách mạng mà chúng ta nhận thấy ở những người đã trải qua nhiều nhà tù và nhiều nơi đày ải xa xôi nhất ở Xi-bi-ri, đã tạo ra biết bao lãnh tụ như thế, những đóa hoa của giai cấp vô sản chúng ta”(9).
Bốn là, trong nhân dân có nhiều người có tài và luôn xuất hiện trong CNXH, song Đảng, Nhà nước chưa biết phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng. V.I.Lênin khẳng định, trong CNXH có nhiều người có tài, sáng tạo ra cái mới, có điều kiện thuận lợi để xuất hiện và luôn xuất hiện. Song, theo V.I.Lênin: “Trong “nhân dân”, nghĩa là trong công nhân và những nông dân không bóc lột lao động của người khác, có rất nhiều nhà tổ chức có tài. Chính tư bản đã vùi dập, đã bóp chết, vứt bỏ hàng nghìn những nhà tổ chức như thế. Chúng ta vẫn chưa biết phát hiện, khuyến khích, nâng đỡ, đề bạt họ”(10).
Năm là, sự cần thiết phải phát hiện, bồi dưỡng, SDNT phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH và những những công việc cần tập trung thực hiện. V.I.Lênin nhấn mạnh: “nếu bây giờ chúng ta hiểu rõ sự cần thiết phải thu hút rộng rãi các tài năng tổ chức mới tham gia vào sự nghiệp quản lý nhà nước, nếu chúng ta... có thể đề bạt một cách có hệ thống những nhà hoạt động đã được thử thách qua thực tiễn trong lĩnh vực ấy, thì chúng ta có thể trong một thời gian ngắn... cả một lớp mới những cán bộ... sẽ có một địa vị lãnh đạo xứng đáng”(11).
Để đạt được điều này, V.I.Lênin khẳng định: “Tìm ra được những tài năng mới khiêm tốn, ít biểu lộ ra, đó là một việc không hề dễ dàng... Nhưng chính công việc không dễ dàng đó là công việc phải tiến hành, nhất thiết phải tiến hành”(12); “Phải giúp đỡ họ phát huy khả năng”(13); “hết sức giúp đỡ và phải giúp đỡ họ vươn lên và bắt tay vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội”(14). Đây là trách nhiệm trước hết và cao nhất của Đảng Cộng sản (b) Nga và Nhà nước Xôviết.
Đồng thời, V.I.Lênin khẳng định vai trò rất quan trọng của quần chúng nhân dân trong công việc này. V.I.Lênin viết: “Có quần chúng giúp đỡ, thì chính họ và chỉ có họ mới có thể cứu được nước Nga và cứu được sự nghiệp xã hội chủ nghĩa”(15).
Sáu là, phát hiện, bồi dưỡng, SDNT quan hệ mật thiết với việc phát hiện, “vun trồng”, bảo vệ và tạo thuận lợi cho cái mới, sáng tạo phát triển. Sản phẩm của nhân tài là cái mới, sáng tạo. Trong xây dựng CNXH, cái mới có điều kiện thuận lợi để xuất hiện và xuất hiện ngày càng nhiều, rất cần được phát hiện, “vun trồng”, bảo vệ và tạo thuận lợi cho nó phát triển. Bảo vệ cái mới và người sáng tạo ra nó, tức là bảo vệ nhân tài. V.I.Lênin, một thiên tài suốt đời say mê sáng tạo ra những cái mới; lớn nhất, vĩ đại nhất là sáng tạo ra Đảng kiểu mới của gia cấp công nhân và xã hội mới trong lịch sử phát triển của nhân loại - xã hội XHCN.
Khi nước Nga bước vào xây dựng CNXH sau thắng lợi cuộc nội chiến, cùng với việc phát hiện, bồi dưỡng, SDNT, điều nêu trên luôn được V.I.Lênin coi trọng. V.I.Lênin nhấn mạnh: “…trong phong tục tập quán, những tàn dư của quá khứ trong thời gian nào đó sau cách mạng, tất nhiên vẫn còn thắng những mầm non của cái mới. Trong lúc cái mới vừa nảy sinh ra, thì cái cũ, trong một thời gian nào đó, vẫn còn cứ mạnh hơn cái mới; trong giới tự nhiên cũng như trong đời sống xã hội, đều luôn luôn có hiện tượng như thế”(16). Bởi vậy, “Chúng ta nên nghiên cứu cẩn thận những mầm non của cái mới, hết sức chú ý đến chúng, giúp bằng đủ mọi cách cho chúng trưởng thành lên và “chăm sóc” những mầm còn non yếu đó”(17). Đây là trách nhiệm, nhiệm vụ của toàn Đảng, hệ thống chuyên chính vô sản và toàn dân, nhất là Nhà nước chuyên chính vô sản.
Trong điều kiện vô cùng khó khăn, phức tạp, “với sự giúp đỡ của chính quyền nhà nước vô sản, những mầm mống của chủ nghĩa cộng sản sẽ không tàn lụi đi mà sẽ lớn lên để trở thành chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn”(18). Cần bảo vệ cái mới đạt hiệu quả cả khi nó phát triển, vững mạnh. Bởi vì, khi đó trên thực tế, cái cũ vẫn còn tồn tại dai dẳng và chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, luôn tìm mọi cách để tồn tại và tiêu diệt cái mới. Khi đó, cái cũ thường tìm mọi cách núp dưới bóng của cái mới, bám vào cái mới, “sống ký sinh trên thân thể của cái mới”, gặm nhấm và phá hoại dần từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn cái mới.
V.I.Lênin đã luận giải sâu sắc điều này, khi bàn về các thế lực thù địch công khai phủ nhận chủ nghĩa Mác khi mới ra đời; đến khi chủ nghĩa Mác phát triển mạnh mẽ, bọn chúng núp dưới bóng chủ nghĩa Mác, tự xưng là những người mácxít để phủ nhận chủ nghĩa Mác.
2. Quan điểm Hồ Chí Minh về phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài
Một là, quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân tài. Theo Người, nhân tài là người vừa có đức, vừa có tài, trong đó đức là gốc. Đức là đạo đức cách mạng, thể hiện rõ bản lĩnh chính trị; thái độ đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, trước hết ở thái độ và việc tích cực tham gia thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tài là trình độ trí tuệ cao, nổi trội của họ so với nhiều người khác, có thể làm được những việc rất khó, đạt kết quả cao, nhiều người khác không làm được.
Hai là, vai trò của nhân tài đối với sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Khi Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vừa kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”(19). “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế. Chứng thực là trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài”(20).
Người đã rất thành công trong việc thuyết phục nhiều trí thức tài năng là người Việt ở nước ngoài trở về nước phục vụ kháng chiến, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Khẳng định vai trò của nhân tài trong xây dựng đất nước, ngay sau khi giành được chính quyền, ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Kiến thiết cần có nhân tài”(21). Tiếp theo, ngày 20/11/1946, Người đã ký ban hành Thông lệnh tìm người tài đức phục vụ cách mạng, trong đó chỉ rõ “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”(22). Người nhắc nhở cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên “Phải trọng nhân tài”(23).
Ba là, tiêu chí để xem xét, đánh giá người có tài: theo Người, tiêu chí này, gồm: đức và tài; việc sử dụng tài năng vào những việc khó “ích nước, lợi dân” nhiều người khác không làm được.
Đức: “Đức” của người có tài là đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; trung thành tuyệt đối với với Đảng, nhân dân và chế độ; đoàn kết nhân ái; đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên hết và trước hết…
Tài: “Tài” là tài năng ở trình độ cao về một hoặc nhiều lĩnh vực so với nhiều người khác. Đức và tài quan hệ mật thiết với nhau, trong đó đức là gốc. Có tài mà không có đức thì hoạt động của người có tài không có ý nghĩa, thậm chí còn gây hại không nhỏ cho cách mạng. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(24).
Sử dụng người tài vào những việc “ích nước, lợi dân”: người có tài có thể đảm nhiệm những công việc lớn, rất khó, nhiều người khác không làm được.
Bốn là, trong nhân dân có nhiều người có tài, có đức, song cấp ủy, chính quyền các cấp chưa phát hiện được nhiều người, chưa thu hút và trọng dụng họ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế nêu trên, nhất là đối với người có tài ngoài Đảng và Người đã nghiêm khắc tự phê bình và nhận khuyết điểm về mình để sửa chữa. Người viết: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”(25).
Người nhấn mạnh: trong dân chúng có “rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước”(26).
Năm là, sự cần thiết phải thu hút, TDNT, những công việc cần tập trung thực hiện và giải pháp. Hồ Chí Minh khẳng định điều này và chỉ ra những công việc cần làm ngay lập tức: “Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”(27).
Cần thực hiện những giải pháp chủ yếu: coi trọng bồi dưỡng nhân tài, bao gồm bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng và tài năng, đặc biệt coi trọng việc tự rèn luyện, tự học tập của họ. Bởi vì, “Năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có”(28). “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài”(29); “phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc”(30); “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”(31).
Người chỉ ra hạn chế thường gặp: “Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người thì hai người đều thành công”(32). Người nhấn mạnh: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được”(33).
Những cán bộ có thẩm quyền sử dụng nhân tài phải tránh bệnh kiêu ngạo, bè cánh, dìm người có tài. Bởi vì, “Đã kiêu thì ắt ghét những người tài giỏi hơn mình. Ưa những kẻ nịnh hót mình. Thân cận là những kẻ vô tài bất lực, nhưng khéo nịnh hót a dua. Xa cách hoặc dìm hãm những người có tài có đức hay bàn ngay nói thẳng”(34). Người yêu cầu “Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình”(35) cao hơn nữa, Người chỉ rõ: “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”(36).
Sáu là, thu hút, TDNT gắn liền với việc phát hiện, chăm sóc, bảo vệ và tạo thuận lợi cho cái mới phát triển ngay từ khi còn non trẻ. Cùng với việc thu hút, trọng dụng nhân tài, Hồ Chí Minh luôn coi trọng phát hiện, bồi dưỡng và tạo thuận lợi cho những nhân tố mới, sáng tạo phát triển. Điển hình là Người chỉ đạo xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người tốt, việc tốt ở đâu cũng có, ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Trong đó, nhiều người tốt, việc tốt đã chứa đựng mầm mống của cái mới, sự sáng tạo, cần được chăm sóc, tạo điều kiện thuận lợi kịp thời để phát triển.
Người viết: “Ðối với anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua được Ðảng và Nhà nước khen thưởng thì phải qua nhiều cấp, nhiều ngành cân nhắc, xét duyệt. Còn với người tốt làm những việc tốt thì việc khen thưởng có thể đơn giản hơn. Nếu Trung ương cho phép Bác làm, thì Bác nghe báo cáo, đọc báo và chỉ cần điều tra lại một chút cho đúng sự thật là Bác có thể thưởng huy hiệu”(37).
Càng có nhiều người làm việc tốt, thì những cáí xấu, cái lạc hậu ngày càng giảm. Ðây là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Ðảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Gần 5.000 huy hiệu của Bác tặng thưởng cho gương người tốt làm việc tốt, góp phần quan trọng làm nảy sinh, phát triển những cái mới.
3. Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay
Một là, cụ thể hóa khái niệm “nhân tài”. Chiến lược quốc gia về thu hút, TDNT xác định nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: “Nghiên cứu, ban hành quy định cụ thể hóa khái niệm nhân tài và tiêu chí xác định nhân tài theo ngành, lĩnh vực”. Từ quan niệm của V.I.Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân tài có thể nêu khái niệm: Nhân tài là người có những phẩm chất, trí tuệ, năng lực vượt trội so với nhiều người khác, họ có thể làm những việc rất khó, ích nước lợi dân, đạt hiệu quả cao mà những người khác không thể làm được khi được trọng dụng; có cống hiến xuất sắc cho ngành, địa phương, đơn vị, đất nước, dân tộc, nhân loại; được nhân dân tiến bộ thừa nhận và suy tôn.
Từ quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về tiêu chí xem xét, đánh giá nhân tài, các bộ, ban, ngành, các địa phương cần tiến hành cụ thể hóa khái niệm nhân tài và tiêu chí đánh giá nhân tài của mình làm căn cứ thực hiện việc thu hút, TDNT của mình, đáp yêu cầu và việc thực hiện mục tiêu của Chiến lược. Cần ưu tiên các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, các khâu đột phá chiến lược, đặc biệt là khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; giáo dục và đào tạo, y tế; văn hóa; khoa học xã hội; công nghệ thông tin và chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng. Thực hiện tốt Chiến lược này sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả các chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… Quán triệt sâu sắc và thực hiện quan điểm của Đảng về thu hút, TDNT “theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài”(38).
Hai là, vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về bảo vệ nhân tài, cái mới trong thực hiện Chiến lược, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị “về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Thu hút, TDNT, nhất là thực hiện tốt việc trọng dụng nhân tài sẽ có tác dụng lớn đối với việc thu hút nhân tài. Đặc biệt, coi trọng bảo vệ nhân tài và người có ý tưởng mới, sáng tạo cái mới bằng cơ chế, chính sách và tổ chức. Trong điều kiện hiện nay, rất cần thực hiện tốt những điều này.
Ba là, nâng cao chất lượng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành kết hợp chặt chẽ với thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, TDNT; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý với thực hiện Chiến lược này. Việc thu hút, TDNT và công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu không giải quyết tốt mối quan hệ này sẽ nảy sinh mâu thuẫn phức tạp, nhất là khi giao cho nhân tài đảm nhận cương vị lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành phù hợp tài năng của họ và việc đưa cán bộ trong diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý vào các vị trí cán bộ chủ chốt. Để giải quyết tốt mối quan hệ này, cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ kết hợp với thực hiện tốt Chiến lược thu hút, TDNT.
Bốn là, vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là bí thư cấp ủy và người đứng đầu cơ quan chính quyền trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, TDNT. Thu hút, TDNT là một bộ phận rất quan trọng của công tác cán bộ. Đây là nhiệm, là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Vì vậy, cần phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là bí thư cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp trong thực hiện Chiến lược. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trước hết và cao nhất về những khuyết điểm trong thực hiện Chiến lược. Cần học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh trong việc chỉ ra và nhận trách nhiệm đối với những khuyết điểm, hạn chế của cấp ủy, chính quyền các cấp về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài để có giải pháp khắc phục.
Năm là, vận dụng tư tưởng V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về khuyến khích, giúp đỡ nhân tài làm việc hiệu quả trong xây dựng môi trường làm việc thuận lợi để nhân tài công hiến tài năng cho địa phương, cơ quan, đơn vị, đất nước. Người có tài chỉ có thể phát huy tài năng và cống hiến cho địa phương, cơ quan, đơn vị, đất nước khi được sự khuyến khích, giúp đỡ, đặc biệt là quan tâm xây dựng môi trường làm việc thuận lợi. Chiến lược quốc gia về thu hút, TDNT xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện thắng lợi Chiến lược là xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp; môi trường sống văn minh, hiện đại để nhân tài làm việc đạt hiệu quả. Thu hút, TDNT không chỉ có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, mà quan trọng hơn là cần có môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp, dân chủ, tôn trọng con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực trong việc thu hút nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước đem tài năng phục vụ cuộc kháng chiến và kiến quốc, không đòi hỏi về chế độ đãi ngộ. Cần vận dụng hợp lý bài học này trong xây dựng môi trường làm việc, tạo thuận lợi để nhân tài phát huy tài năng cống hiến cho đất nước.
Sáu là, vận dụng những chỉ dẫn của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát huy vai trò nhân dân trong phát hiện, bồi dưỡng, SDNT, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia thực hiện Chiến lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc vận động, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho nhân dân thực hiện việc thu hút, TDNT. Cần coi trọng vận dụng những chỉ dẫn của Người trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, TDNT. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội là nơi tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, TDNT. Coi trọng xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội; xã hội vững mạnh, đủ năng lực thực hiện tốt những việc chủ yếu do Chiến lược chỉ ra: tập hợp, vận động nhân tài ở trong nước và ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và phản ánh các đề xuất, kiến nghị của đội ngũ trí thức, nhất là những nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài đối với Đảng và Nhà nước; tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với sự phát triển của đất nước./.
____________________________________________________
(1), (38) ĐCSVN (2018), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H., tr. 64.
(2), (10), (11) V.I.Lênin (2006), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H., t.36, tr.236-237, 236, 177-178.
(3), (4), (5), (6), (7), (8), (9) V.I.Lênin (2006), Toàn tập, Sđd, t.38, tr.94, 93, 95-96, 97, 95, 93, 94.
(12), (14), (16), (17), (18) V.I.Lênin (2006), Toàn tập, Sđd, t.39, tr.257, 257, 23, 23, 30.
(19), (20), (23), (24), (26), (28), (29), (32), (34), (35), (36) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., t.5, tr.275, 184, 313, 292, 315-316, 320, 313, 314, 632, 123, 320.
(21), (22), (25), (27), (31), (33) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Sđd, t.4, tr.114, 504, 504, 504, 43, 43.
(37) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Sđd, t.15, tr.662.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 16/10/2023
Bài liên quan
- Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
- Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
- Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
- Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
- Một số vấn đề về nhận diện bản chất của chủ nghĩa tư bản trong thời đại mới, góp phần củng cố vững chắc định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 3 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 4 Quản lý nhà nước trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục (qua trường hợp Trường quốc tế Mỹ)
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
VỀ VIỆC GỬI VÀ ĐĂNG BÀI TRÊN TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ VÀ TRUYỀN THÔNG ĐIỆN TỬ
Ban Biên tập (BBT) Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông xin gửi lời chào trân trọng và lời cảm ơn chân thành đến các chuyên gia, nhà khoa học, CTV đã nhiệt tình đóng góp về nhiều phương diện để Tạp chí không ngừng phát triển. Hiện nay, Tạp chí xuất bản 05 sản phầm: Tạp chí in tiếng Việt thường kỳ (12 số/năm), Tạp chí in tiếng Việt – Chuyên đề (2 kỳ/năm), Tạp chí in tiếng Anh (2 kỳ/năm), Tạp chí điện tử tiếng Việt, Tạp chí điện tử tiếng Anh. Tất cả các sản phẩm đều đã được Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia cấp mã số chuẩn quốc tế ISSN và được Hội đồng GSNN đưa vào danh mục tạp chí khoa học được tính điểm cho công trình, bài báo đăng trên tạp chí thuộc chuyên ngành Báo chí - Truyền thông, ngành Ngôn ngữ và Liên ngành Triết học – Xã hội học – Chính trị học. Do nhu cầu công bố bài báo nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học, học viên Cao học, NCS hiện nay là rất lớn nên ngoài các nhiệm vụ chính trị của Tạp chí được Ban Giám đốc (BGĐ) giao hàng năm, Thường trực Ban Biên tập đã báo cáo BGĐ Học viện cho phép áp dụng thực hiện cơ chế tác giả ký hợp đồng tự nguyện đóng góp kinh phí thẩm định, biên tập, xuất bản bài báo trên Tạp chí điện tử như đối với Tạp chí in số Chuyên đề. (Xin liên hệ trực tiếp đến bộ phận Tạp chí điện tử của Tòa soạn để biết thêm chi tiết).
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp to lớn đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Đối với công tác xây dựng Đảng, Đồng chí giữ vai trò là ngọn cờ lý luận, là người truyền cảm hứng, là nhà lãnh đạo xuất sắc trong thực hành công tác xây dựng Đảng, là người cộng sản mẫu mực, là tấm gương sáng ngời cho cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện.
Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Trong quá trình thực thi quyền lực chính trị, tính chính đáng cầm quyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tính chính đáng được xây dựng dựa trên cơ sở niềm tin của người dân đối với chủ thể cầm quyền, là sự thừa nhận rằng, chủ thể đó xứng đáng được cầm quyền. Nếu chủ thể cầm quyền có tính chính đáng cao, khi đưa ra các quyết định, các mệnh lệnh, mức độ chấp hành của người dân cũng cao. Điều này quy định tính hiệu quả của việc thực thi quyền lực.
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một chủ trương mới, được đưa ra trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm 2021. Tuy nhiên, nội dung, phương thức, bản chất của quản trị quốc gia là vấn đề còn khá mới mẻ và có nhiều ý kiến khác nhau. Mặt khác, vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quản trị quốc gia như thế nào? Bài viết góp phần thảo luận và phân tích, làm rõ những nội dung liên quan đến những vấn đề đó.
Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng ta kế thừa, vận dụng xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Trong bối cảnh mới hiện nay, nhiệm vụ tiếp tục quán triệt giá trị chân lý trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Bình luận