Tác động của tình hình quốc tế và khu vực đến công tác tuyên giáo hiện nay
1. Dự báo tình hình thế giới và khu vực thời gian tới
Tình hình thế giới và khu vực được Đại hội XIII của Đảng dự báo: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại khó khăn; cạnh tranh giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế”(1). Dưới góc độ của công tác tuyên giáo, có thể đưa ra một số dự báo diễn biến của tình hình quốc tế và khu vực trong thời gian tới:
Một là, cuộc đấu tranh tư tưởng tiếp tục diễn ra quyết liệt trong bối cảnh những khó khăn, thách thức của chủ nghĩa xã hội hiện thực và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế.
Vào đầu thập kỷ 90, mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ, tác động đến phong trào cộng sản, công nhân quốc tế gặp phải rất nhiều khó khăn thách thức, thế nhưng các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc đã có sự đổi mới, cải cách, thích ứng, vươn lên. Chủ nghĩa tư bản đã kịp thời điều chỉnh, thích nghi nên vẫn còn khả năng phát triển, đang dựa vào ưu thế về kinh tế, khoa học - công nghệ và sức mạnh quân sự để tìm mọi cách phổ biến giá trị của mình, tuyên truyền quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phi giai cấp, phi ý thức hệ, phi chính trị; làm lẫn lộn giữa đúng - sai, phải - trái nhằm chống lại và đi đến xoá bỏ chủ nghĩa xã hội. Sự thăng trầm trong quá trình phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là từ sau năm 1991 đến nay đã ảnh hưởng tới niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về mô hình, ý thức hệ, nền tảng tư tưởng của chế độ mà chúng ta đang xây dựng.
Hai là, hiện tượng nước lớn cường quyền có xu hướng diễn biến phức tạp, vừa điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau.
Tình hình chính trị - an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina đang diễn ra hiện nay. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh đến cục diện thế giới và khu vực.
Nước Mỹ luôn coi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và hiện nay mở rộng hơn là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực địa - chiến lược, địa - chính trị trọng yếu, quan hệ trực tiếp đến an ninh quốc gia và vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Mục tiêu xuyên suốt của Mỹ ở khu vực này là nắm vững vị trí, vai trò chủ đạo, làm nền tảng để bảo vệ lợi ích sống còn của quốc gia ở khu vực và thực hiện chiến lược toàn cầu của mình. Tổng thống Mỹ J.Biden trong Thông điệp liên bang ngày 4/2/2021 đề ra đường lối đối ngoại mới cho nước Mỹ giai đoạn 2021 - 2025 dựa trên phương châm: “Nước Mỹ đã sẵn sàng trở lại, sẵn sàng dẫn dắt trật tự thế giới” và “sẵn sàng tìm lại linh hồn cho nước Mỹ”.
Chính sách của Mỹ gặp phải sự cạnh tranh của Trung Quốc và Nga, nhất là về kinh tế và quân sự. Trung Quốc đặt ra mục tiêu vượt Mỹ để đến năm 2028 trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng đầu thế giới về sức mạnh hải quân. Còn Nga sẽ tiếp tục phát triển các lực lượng răn đe hạt nhân để kiềm chế sức mạnh quân sự của Mỹ và ngăn không cho Mỹ can dự vào nội tình của Nga. Việc Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh cho phép hải cảnh bắn tàu nước ngoài cũng đặt ra cho Mỹ những thách thức lớn trong việc cam kết bảo vệ tự do an toàn hàng hải ở Tây Thái Bình Dương và Biển Đông(2).
Nhật Bản đang có điều chỉnh chính sách để khẳng định vị trí chính trị, quân sự ở khu vực và trên trường quốc tế.
Về kinh tế, Nhật Bản tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ở khu vực, thông qua quan hệ hợp tác kinh tế, nhất là các thị trường lớn như Trung Quốc, ASEAN.
Về an ninh, Nhật Bản coi liên minh quân sự với Mỹ là nền tảng cho an ninh quốc gia và để tăng cường ảnh hưởng ở khu vực. Nhật Bản đã nâng cấp Cục Phòng vệ thành Bộ Quốc phòng; công khai chủ trương sửa đổi Hiến pháp để quân đội Nhật Bản có thể tham gia các hoạt động quân sự ở bên ngoài lãnh thổ quốc gia; tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ, nhất là trong xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường mà họ cho là để đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng, nhất là từ Triều Tiên.
Về đối ngoại, Nhật Bản ủng hộ chủ trương cải tổ Liên hợp quốc, tích cực vận động Mỹ và các nước khác ở khu vực ủng hộ Nhật Bản làm uỷ viên thường trực mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nhật Bản ủng hộ yêu cầu của Mỹ đòi EU tiếp tục lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc, đưa Đài Loan vào phạm vi tác chiến của quân đội Nhật Bản mặc dù đã bị Trung Quốc phản đối quyết liệt, coi đây là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Trung Quốc, làm phương hại đến quan hệ hai nước. Hơn nữa, chính sách quân sự mới của Nhật Bản khiến cho dư luận nhiều nước lo ngại Nhật Bản sẽ quay trở lại chủ nghĩa quân phiệt. Theo các nhà phân tích, với chính sách như vậy, Nhật Bản đang tự gây khó khăn cho mình trong việc thực hiện tham vọng khu vực và quốc tế.
Nước Nga cho rằng, Châu Á Thái Bình Dương là khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga, nhất là hiện nay Nga đang rất cần có “đối trọng” để đối phó với mưu đồ và các hành động của Mỹ và NATO tranh giành ảnh hưởng, bao vây, khống chế bằng quân sự đối với Nga. Sau khi nổ ra cuộc xung đột với Ucraian, bị Mỹ và các đồng minh phương Tây cô lập, trừng phạt, Nga đang rất chú trọng tăng cường quan hệ hợp tác với các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước có quan hệ truyền thống như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước khu vực Trung Á. Nga chú trọng phát huy thế mạnh, nâng tầm quan hệ, chất lượng hợp tác trong các tổ chức khu vực mà Nga tham gia, như SNG, SCO, đáp ứng nguyện vọng của các nước thành viên cũng như yêu cầu của tình hình mới nhằm bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia và phát huy vai trò, vị trí quan trọng của mình ở khu vực.
Trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu sớm kết thúc và các cuộc thương lượng hòa bình vẫn chưa đến kết quả rõ ràng, nguy cơ leo thang thành xung đột hạt nhân và dẫn đến một cuộc chiến lan rộng giữa Nga với phương Tây đang gia tăng. Nga chủ trương tăng cường khả năng phòng thủ khu vực, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, nhất là khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Nga luôn coi việc các nước thành viên NATO viện trợ vũ khí cho Ucraina về bản chất là đang tham chiến với Nga và khiến cuộc xung đột kéo dài hơn, đồng thời khẳng định rằng vũ khí của phương Tây là mục tiêu tấn công chính đáng của Nga ở Ukraine.
Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng trở thành quốc gia hàng đầu thế giới và mong muốn độc chiếm Biển Đông, giải quyết vấn đề Đài Loan, hiện thực hoá “Giấc mộng Trung Hoa”. Mục tiêu chiến lược lâu dài của Trung Quốc là từng bước nâng cao vị thế, ảnh hưởng ở khu vực và quốc tế, vươn lên thành cường quốc thế giới, cạnh tranh vai trò thống trị của Mỹ. Trong đó, Trung Quốc coi Đông Nam Á là một mắt xích quan trọng cho chiến lược tiến ra thế giới và xuống Châu Đại Dương, nhằm đẩy lùi vai trò của Mỹ sang phía bên kia bờ Thái Bình Dương.
Trung Quốc hy vọng những định hướng xây dựng “chủ nghĩa xã hội đặc trưng Trung Quốc” trong thời đại mới sẽ trở thành quốc gia hàng đầu về “sức mạnh quốc gia và tầm ảnh hưởng quốc tế”. Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định đã thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu “100 năm lần thứ nhất”, hoàn thành được xây dựng toàn diện xã hội khá giả và đang tiến tới mục tiêu phấn đấu “100 năm lần thứ hai” về xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, thúc đẩy “sự phục hưng vĩ đại” của dân tộc Trung Hoa.
Ba là, tình hình Biển Đông và Đài Loan sẽ nóng lên kéo theo diễn biến phức tạp, khó lường trong quan hệ giữa các nước, nhất là quan hệ Trung - Mỹ, Trung - Đông Nam Á.
Nhiều học giả Trung Quốc cho rằng Biển Đông là “trục hai đại dương, là hòn đá tảng về sức mạnh biển, là đồng tiền sinh mệnh trên biển của Trung Quốc”. Từ cuối năm 1992 đến nay, Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một trong 31 tỉnh, thành của đất nước Trung Quốc thống nhất(3), luôn có chủ trương thôn tính Đài Loan về một mối. Trong hai năm qua, Trung Quốc đã bồi đắp các đảo nhân tạo, cải tạo 1.300 hécta đất trên các đảo ở Trường Sa (bằng tất cả các nước xung quanh thực hiện trong 40 năm qua, diện tích rộng gấp 17 lần, không tính diện tích Trung Quốc đã cải tạo quần đảo Hoàng Sa).
Biển Đông còn có vị trí quan trọng trong chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc, là con đường ngắn nhất để Trung Quốc tiếp cận với thế giới Ả Rập và châu Phi - nơi cung cấp nguồn dầu mỏ lớn nhất cho đất nước. Từ năm 2014, Biển Đông còn là nơi xuất phát điểm để Trung Quốc thực hiện đại chiến lược “Một vành đai, một con đường”, với các sáng kiến thành lập khu vực mậu dịch tự do Châu Á - Thái Bình Dương, xây dựng Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á. Ý đồ chiến lược an ninh quân sự, kinh tế của Trung Quốc ở Biển Đông, ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương ngày càng biểu lộ rất rõ ràng.
Bốn là, nhiều hình thức mang danh chủ nghĩa dân túy trỗi dậy, nhất là chủ nghĩa dân túy cực đoan.
Khái niệm dân túy thường được dùng để nói về những thủ đoạn chính trị mang tính mị dân, đánh vào tâm lý của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và quần chúng nhân dân. Sự thắng thế của làn sóng dân túy có thể dẫn đến những kết quả khó đoán, bất ngờ và tác động bất ổn đến nền chính trị các nước, các khu vực và thế giới, có thể mang tới những ảnh hưởng tiêu cực làm hạn chế, thậm chí đảo ngược một số đường lối tích cực mà các quốc gia đang theo đuổi như: sự ổn định xã hội, bình đẳng giới, bình đẳng kinh tế, tự do thương mại, sự bao dung giữa các dân tộc, tôn giáo, xu hướng hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa…
Nguyên nhân chủ nghĩa dân túy trỗi dậy chủ yếu là: (1) Sự trì trệ về kinh tế, sự già hóa dân số và mức thu nhập không tăng đã làm cho đời sống người dân, nhất là của những người yếu thế không được cải thiện làm gia tăng sự bất mãn của người dân. (2) Toàn cầu hóa đã đưa đến nghịch lý: công nghệ sản xuất phần lớn được đưa từ các quốc gia phát triển sang các quốc gia chậm hay đang phát triển và hàng hóa được chuyển theo chiều ngược lại.
Do đó, lợi ích chủ yếu mang lại cho các công ty lớn hoặc đa quốc gia, trong khi đó những người lao động thiếu việc làm hoặc tay nghề thấp mất việc nhưng không có khả năng để tìm việc mới, gây bất bình trong người lao động. (3) Cách mạng khoa học công nghệ 4.0, nhất là công nghệ thông tin đã thay đổi mọi mặt của đời sống. (4) Chính sách xã hội phải đối mặt với nhiều thách thức, chi phí cho chính sách an sinh xã hội. (5) Sự quan liêu xa rời và thiếu gần gũi của giới quan chức cầm quyền với nhân dân đã tạo ra một khoảng cách lớn giữa lợi ích và tiếng nói của một số tầng lớp dân cư với giới chức cầm quyền. (6) Di dân và di tản toàn cầu là những khó khăn trong giải quyết, tiếp cận cơ hội, việc làm và phát triển. Đó là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở các nước Âu, Mỹ hiện nay.
Năm là, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển nanh chóng, xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, tác động đa chiều đến công tác tuyên giáo.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin sẽ tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, làm thay đổi cách sống, cách giao tiếp, cách liên kết và làm việc của con người, làm cho ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo bị xóa nhòa. Cách thức thu nhận, trao đổi thông tin, tình cảm, tư tưởng được thực hiện qua nhiều “kênh”, cả truyền thống và phi truyền thống, cả chính thống và phi chính thống (qua Internet, các website, các blog, phát thanh, truyền hình, điện thoại di động).
Toàn cầu hóa hiện nay có hai mặt, vừa tích cực, vừa tiêu cực. Mặt tích cực thể hiện chủ yếu là tạo ra cơ hội cho tất cả các nước tiến nhanh hơn trên con đường phát triển của mình nếu biết tận dụng thời cơ trong giao lưu, hợp tác quốc tế, đi tắt, đón đầu, phát huy được sức mạnh tổng hợp của dân tộc và của thời đại. Mặt tiêu cực thể hiện chủ yếu ở chỗ, hiện nay toàn cầu hóa đang bị các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, các tập đoàn tư bản tài chính cũng như các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia thao túng. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng, hiện nay toàn cầu hóa mang tính chất tư bản chủ nghĩa. Đúng như Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc”(4).
Cùng với đó là quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, đặt ra những vấn đề cần tiếp tục quan tâm giải quyết, đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích quốc gia, dân tộc với lợi ích quốc tế, tạo sự bình đẳng trong các mối quan hệ. Hội nhập quốc tế sâu rộng với thế giới sẽ tác động hai mặt đến công tác tư tưởng, cả tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực là cung cấp thông tin, những thành tựu mới, tinh hoa của nhân loại trên các lĩnh vực, mở ra một thế giới đa chiều, cung cấp cho người dân thông tin phong phú, kịp thời, thu hẹp không gian, thời gian, tăng giao lưu hợp tác, sự liên kết mọi hoạt động, làm thay đổi sự hiểu biết, nhận thức, tình cảm, lối sống của người dân. Tuy nhiên, mặt trái là sự quá tải thông tin, tính phức tạp các loại thông tin nếu không được định hướng kịp thời dễ dẫn tới sự dao động, hoài nghi, dễ bị lôi kéo, kích động, nhất là đối với tầng lớp thanh niên, giới trẻ.
2. Những tác động đối với công tác tuyên giáo
Một là, tác động đến sự chuyển giao thế hệ chủ thể công tác tuyên giáo.
Nhìn một cách tổng quát, hiện nay đang chuyển giao từ thế hệ cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hoà bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau. Ở góc độ tư tưởng, có thể thấy vẫn có cán bộ, đảng viên, quần chúng nhất là lớp người cao tuổi, đã từng lăn lộn, cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp đổi mới tỏ ra lo lắng, băn khoăn cho thế hệ cán bộ trẻ kế cận, kế tiếp. Vấn đề đặt ra cho công tác tuyên giáo là phải tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân đặt niềm tin vào đội ngũ cán lãnh đạo thế hệ mới. Từ đó, đặt ra những yêu cầu mới về đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ như thế nào để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hai là, tác động đến sự biến đổi, phân luồng về đối tượng của công tác tuyên giáo.
Có thể nhận diện hai nhóm đối tượng chủ yếu của công tác tuyên giáo trong tình hình mới, đó là: (1) nhóm đối tượng quan trọng và thường xuyên mà chủ thể công tác tư tưởng phải hướng tới để “xây”, tức là tuyên truyền, giáo dục hệ tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… để định hướng giá trị, tạo dựng niềm tin, dẫn dắt, động viên, cổ vũ cho họ trong nhận thức và hành động. Đó chính là đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân là những người có khả năng nhận thức và sự nhạy bén trong phân tích, đánh giá các sự kiện, hiện tượng trong đời sống chính trị - xã hội… đều thuận lợi và nhanh nhạy hơn; (2) nhóm đối tượng mà công tác tuyên giáo phải hướng vào “chống”, tức là đấu tranh phê phán, phản bác những tư tưởng, quan điểm thù địch với ý đồ phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Ba là, tác động đến nội dung công tác tuyên giáo, trong đó cần chú ý đến những vấn đề như:
- Vấn đề lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, dự báo của cấp ủy, ban tuyên giáo cần đảm bảo nhanh nhạy, kịp thời, thiết thực và hiệu quả; nhanh nhạy, kịp thời, quyết đoán giải quyết những tình huống tư tưởng nảy sinh trong thực tiễn; kịp thời và khéo léo để giành thế chủ động trong dẫn dắt định hướng dư luận xã hội; không để cho thông tin trên mạng xã hội dẫn dắt, dẫn đến hiện tượng cán bộ, đảng viên và nhân dân mất phương hướng rơi vào tình trạng hoang mang, dao động. Tránh để khoảng trống cho các lực lượng thù địch chiếm lĩnh trận địa nhằm cung cấp những thông tin sai trái, lệch lạc.
- Vấn đề tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của công tác tuyên giáo và kiểm tra, giám sát các hoạt động tuyên giáo. Phải coi hoạt động kiểm tra việc chấp hành và giám sát việc thực hiện là khâu mấu chốt; đồng thời, xác định hoạt động kiểm tra, giám sát “là chức năng lãnh đạo chủ yếu của Đảng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Có kiểm tra mới phát huy được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ được năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”(5). Trên thực tế, việc kiểm tra, giám sát vẫn là khâu yếu, thậm chí bị coi nhẹ ở nhiều cấp ủy đảng và ban tuyên giáo các cấp.
- Vấn đề sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả, hiệu quả công tác tuyên giáo. Kết quả hoạt động sơ kết, tổng kết là “thước đo” để đánh giá khách quan hiệu quả của công tác tư tưởng so với mục đích đặt ra. Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ những thành công hay thất bại của một hoạt động tư tưởng sẽ là liều thuốc quý trong công tác tư tưởng của Đảng hiện nay.
Bốn là, tác động đến phương thức tiến hành công tác tuyên giáo.
Công tác tuyên giáo hiện nay và tương lai đòi hỏi phải kết hợp, phối hợp chặt chẽ giữa các hình thức, phương pháp, phương tiện với nhau trên cơ sở sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trên nền tảng Internet và mạng xã hội. Theo đó, các phương pháp truyền đạt nội dung cũng phong phú hơn như thuyết trình kết hợp sử dụng video minh họa, thảo luận, đối thoại trực tiếp dựa trên nền tảng công nghệ thuận lợi và hiệu quả hơn. Như vậy, với đặc trưng này, công tác tư tưởng có điều kiện sử dụng nhiều phương thức tác động hiệu quả đến đối tượng nhằm đạt được mục đích của chủ thể công tác tư tưởng.
Năm là, tác động đến việc đánh giá hiệu quả công tác tuyên giáo.
Hiệu quả công tác tuyên giáo là kết quả so sánh giữa kết quả với mục đích và chi phí hoặc sử dụng các nguồn lực trong sự tác động của điều kiện xã hội khách quan nhất định cho một hoạt động tư tưởng nào đó sau khi kết thúc. Hiệu quả của công tác tuyên giáo thường mang tính định tính nhiều hơn là định lượng. Khách thể hay đối tượng tác động chủ yếu đến ý thức, thái độ, hành vi và các mối quan hệ xã hội của con người.
Do đó, việc đo đếm kết quả đạt được so với mục đích đặt ra sau khi tiến hành một hoạt động tư tưởng chủ yếu hiển thị ở sự thay đổi, chuyển biến về nhận thức, thái độ và hành vi của mỗi người được thể hiện gián tiếp thông qua hoạt động thực tiễn. Đây cũng là vấn đề để mỗi cấp ủy, ban tuyên giáo các cấp cần lưu ý khi đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng, nhằm đảm bảo tính khách quan, công bằng. Tránh hiện tượng cho rằng, vì không thấy kết quả hiện hữu của một hoạt động tư tưởng nào đó nên dễ quy chụp không hiệu quả. Cần nhận thức rằng, mỗi thành tựu phát triển kinh tế, chính trị, xã hội… đều ẩn chứa trong đó thành quả của công tác tư tưởng.
Sáu là, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo theo hướng “đa lĩnh vực”, một người có thể thực hiện được nhiều mặt công tác.
Quán triệt, tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành; có kế hoạch dài hạn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên giáo mạnh về năng lực, đủ về số lượng, sáng về phẩm chất, đạo đức. Tính toán cân đối nhu cầu cán bộ của ngành để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đúng chuyên ngành, đúng yêu cầu vị trí việc làm và phải sử dụng họ sau khi được đào tạo, thậm chí phải đặt hàng đào tạo cán bộ cho những lĩnh vực chuyên môn cụ thể của ngành tuyên giáo. Có chính sách ưu tiên thích đáng trong tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ làm công tác tuyên giáo.
Nâng cao chất lượng đào tạo, đa dạng hóa các loại hình và đối tượng đào tạo cán bộ tuyên giáo. Ban tuyên giáo các cấp cần phối hợp chặt chẽ với ban tổ chức, các trường chính trị mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên giáo cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp, đồng thời tạo nguồn quy hoạch đội ngũ cán bộ tuyên giáo chuyên trách. Cùng với công tác đào tạo chính quy, ngành tuyên giáo ở Trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường và có kế hoạch định kỳ bồi dưỡng tập huấn đội ngũ cán bộ tuyên giáo về lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt rèn luyện cán bộ qua hoạt động thực tiễn, đồng thời bảo đảm nâng cao trình độ chính trị theo yêu cầu nghề nghiệp, trình độ sử dụng ngoại ngữ và tin học cho cán bộ đang công tác, đặc biệt đối với đội ngũ kế cận, đội ngũ trẻ.
Trong chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo, phải thể hiện rõ tính chuyên sâu về kiến thức của ngành, hướng cho người học không chỉ nắm vững lý luận mà còn có kỹ năng thực hành tốt, có năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn, vấn đề nóng, đột xuất, mới phát sinh. Xây dựng mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo theo hướng nâng cao trình độ và kiến thức tổng hợp gắn chặt với các yêu cầu nghề nghiệp, kết hợp giữa học lý luận và thực hành nghiệp vụ, tăng nội dung thực hành, giảm lý thuyết. Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền xây dựng kế hoạch chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chỉ đạo nêu trên, bảo đảm sau 5 năm có được mô hình ổn định về đào tạo cán bộ tuyên giáo các cấp.
Tăng cường bồi dưỡng thực tiễn cho cán bộ tuyên giáo, tạo điều kiện cho họ đi thực tế, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận cơ sở, sâu sát với cuộc sống nhân dân. Qua đó, nắm bắt tâm trạng, tư tưởng nhân dân, phát hiện kịp thời và tham mưu cho các cấp uỷ Đảng giải quyết tốt những vấn đề tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong toàn xã hội. Khi tuyển dụng cán bộ phải đúng chuyên môn cho vị trí việc làm cần tuyển; chú ý lựa chọn những người có nhiệt tình, niềm tin mãnh liệt, một lòng một dạ vì sự nghiệp cách mạng của Đảng; có năng lực viết, nói, làm được, ngoại hình cân đối, không dị tật. Những cán bộ chưa đúng vị trí chuyên môn, nhất thiết phải đào tạo, bồi dưỡng kỹ càng về nghiệp vụ. Bồi dưỡng từ những cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt của ngành tuyên giáo để làm lãnh đạo lĩnh vực tuyên giáo.
Thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, hầu hết chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ tuyên giáo, phần nhiều gom từ cán bộ ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Nhiều cán bộ làm công tác tuyên giáo sau khi đã được đào tạo, bồi dưỡng chu đáo, công tác một thời gian lại điều chuyển công tác khác. Trong khi đó, hiện cả nước mới có Học viện Báo chí và Tuyên truyền là nơi duy nhất đào tạo một cách bài bản cán bộ làm công tác tư tưởng nhưng sinh viên tốt nghiệp ra trường lại khó tìm được việc làm trong ban tuyên giáo các cấp. Do vậy, cần gắn đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành; có cơ chế cho người học đúng ngành tuyên giáo sau khi tốt nghiệp được công tác ở ban tuyên giáo./.
________________________________________________
(1), (4) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, T.1, tr.105, 106.
(2) Lộc Thị Thủy (2021), Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden, Tạp chí Cộng sản online, ngày 26.6.2021.
(3) Hạ Tự Cường (2000), Khái quát Trung Quốc, Nxb. Đại học Hàng không Bắc Kinh, tr.13 (bản Trung văn).
(5) Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.5, tr.520.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 01/2023
Bài liên quan
- Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
- Xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay
- Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
- Sự tham gia của người dân trong hoạch định chính sách công
- Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 khơi nguồn sáng tạo cho nền văn hoá, văn nghệ nhân dân trong thời đại mới
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 56: Dấu ấn về mùa thu lịch sử
- 2 Thông điệp về “khát vọng hoà bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
- 3 10 thành tựu nổi bật của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong 10 năm (2014 – 2024)
- 4 Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đánh giá và giải pháp, kiến nghị
- 5 Quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua báo điện tử VietnamPlus
- 6 Giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa - góc nhìn từ thực tiễn thành phố Hà Nội hiện nay
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Xây dựng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trở thành hình mẫu về công tác xây dựng Đảng
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị cần xây dựng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thật sự trở thành hình mẫu về công tác xây dựng Đảng; hình mẫu về giữ gìn kỷ cương học đường, kỷ luật học tập, địa chỉ đỏ ươm trồng những phẩm chất tốt đẹp của người Cộng sản.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là tiếp tục phát huy mạnh mẽ lòng tự hào, tinh thần dân tộc, tình yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, những thanh niên, sinh viên - lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay
Xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay
Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến – đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của đất nước Việt Nam, là môi trường thuận lợi góp phần hình thành lối sống xã hội chủ nghĩa (XHCN) của một bộ phận không nhỏ sinh viên học tập trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), việc xây dựng lối sống XHCN cho sinh viên Thủ đô cũng gặp không ít khó khăn thách thức. Bài viết đánh giá tầm quan trọng và trình bày nội dung của việc xây dựng lối sống XHCN cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay.
Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, công cuộc đổi mới đất nước nhất định giành thắng lợi to lớn, Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no, đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tướng, GS, TS Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tiêu đề: “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”:
Sự tham gia của người dân trong hoạch định chính sách công
Sự tham gia của người dân trong hoạch định chính sách công
Sự tham gia của người dân trong quá trình hoạch định chính sách công là rất quan trọng và đem lại nhiều lợi ích. Khi người dân được tham gia đóng góp ý kiến, các chính sách công sẽ phù hợp hơn với nhu cầu và thực tế của cộng đồng. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả triển khai chính sách, tăng cường sự đồng thuận và ủng hộ của người dân. Sự tham gia của người dân mang lại sự minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn cho chính phủ. Các quyết định chính sách được đưa ra dựa trên những thông tin và ý kiến đóng góp từ nhiều phía, giúp chính phủ ra quyết định sáng suốt hơn. Đồng thời, người dân cũng có cơ hội hiểu rõ hơn về các chính sách và có thể giám sát việc thực thi chính sách. Tuy nhiên, việc tham gia cũng cần được thực hiện một cách có hệ thống và hiệu quả. Chính phủ cần xây dựng các cơ chế tham gia phù hợp, đảm bảo sự đại diện đầy đủ của các nhóm dân cư khác nhau, và có biện pháp tiếp thu, xem xét các ý kiến đóng góp một cách công bằng và khách quan; học hỏi kinh nghiệm từ một số nước đã đi trước.
Bình luận