Tạo “sức đề kháng” và “tự miễn dịch” trước thông tin xấu độc
1. Mặt tích cực là sự phong phú, đa dạng, nhiều màu, nhiều vẻ của các thông tin được cập nhật liên tục với lượng dữ liệu khổng lồ, giúp ích cho công chúng khai thác, tìm kiếm thông tin. Mặt tiêu cực của nó là các thông tin xấu độc, trong đó rất đáng quan ngại là các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng và chế độ. Với tính đặc thù tự bản thân mạng Internet khó có thể kiểm soát, ngăn chặn các thông tin xấu độc.
Cuộc đấu tranh địch - ta trên không gian mạng của trận địa tư tưởng tuy thầm lặng nhưng ngày càng khốc liệt hơn. Đối phó, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái trên mạng xã hội là lâu dài. Chúng ta cũng cần khách quan, nhìn nhận nó theo hướng tăng cường đối phó, đấu tranh, ngăn chặn để giảm thiểu tác hại, chứ không thể tiêu diệt nó một cách triệt để. Nhận thức như vậy, để thấy, chúng ta trong môi trường thông tin số, “sống chung với lũ”, thích ứng với nó và có giải pháp căn cơ, bền vững, lâu dài là tư duy đúng đắn nhất. Tư duy đó cần phải được mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân với tư cách công dân mạng của chúng ta hiểu đúng, chỉ có hiểu đúng mới giúp chúng ta có chiến lược, có giải pháp khả thi, hữu hiệu để đẩy lùi quan điểm sai trái, thông tin xấu độc.
Chính vì vậy, “vác xin” quan trọng là cần cung cấp thông tin chính thống để nâng cao nhận thức, tri thức giúp cộng đồng mạng đủ sức nhận thức, phân biệt đúng - sai, tích cực - tiêu cực, xấu - tốt, từ đó, đủ sức đề kháng, dần dần hình thành cơ chế “tự miễn dịch” trước thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch. Đây vẫn là chìa khóa căn cơ lâu dài để tăng sức đề kháng cho công dân mạng, nhất là thanh thiếu niên; là giải pháp bền vững nhất để đẩy lùi, giảm thiểu các tác hại từ những quan điểm sai trái, thông tin xấu độc trên mạng xã hội hiên nay.
2. Câu hỏi đặt ra là giải pháp nào để nâng cao “sức đề kháng”, “tự miễn dịch” để đẩy lùi, giảm thiểu tác hại từ các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc? Trong khuôn khổ bài viết này, có thể tiếp cận vấn đề dưới góc độ tuyên truyền ở một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, giúp cộng đồng mạng nhận diện rõ bản chất của các quan điểm sai trái, thù địch.
Nhiệm vụ của báo chí chính thống là tạo dòng thông tin chủ đạo, chi phối để cộng đồng mạng nhận diện rõ bản chất các quan điểm sai trái; làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân - với tư cách công dân mạng có thể nhận thức, nhận diện thông tin xấu độc, hiểu rõ thế nào là quan điểm sai trái, thế nào là quan điểm thù địch.
Khi đã nhận thức đúng - sai của thông tin xấu độc, sai trái, thù địch thì mỗi công dân mạng sẽ có nhãn quan chính trị, tự giác phòng chống và chủ động đấu tranh, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch.
Các cơ quan báo chí phải chủ động phân tích, làm rõ nội hàm, bản chất quan điểm sai trái, quan điểm thù địch ở từng cấp độ thông tin khác nhau. Có những hệ thống thông tin ở mức độ tổng quan, phân tích bài bản âm mưu, thủ đoạn khái quát từ hệ thống các quan điểm sai trái, thù địch. Có những thông tin phân tích trực diện, cụ thể, kịp thời đối với từng loại thông tin sai trái, thù địch.
Báo chí chính thống cần trang bị tri thức cho cộng đồng mạng nhận diện rõ mục tiêu của các thế lực phản động là nhằm làm tan rã niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ta, kích động nội bộ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hòng chuyển hóa chế độ. Làm rõ phương thức, thủ đoạn mới nhất hiện nay của chúng. Đó là triệt để lợi dụng những “khuyết tật”, yếu kém, tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ đại án lớn hiện nay để xuyên tạc, nói xấu Đảng, chế độ ta. Thủ đoạn của chúng là viện cớ những yếu kém, tiêu cực đó để “bình luận”, tham chiếu, coi đó là nguyên nhân, hệ lụy của việc níu kéo, vận dụng chủ nghĩa Mác- Lênin lỗi thời, lạc hậu vào con đường phát triển của Việt Nam. Cũng từ đó, các tổ chức phản động ở nước ngoài tung hứng, ra yêu sách đòi Đảng ta từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đòi đa nguyên, đa đảng.
Cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng mạng về thủ đoạn tận dụng các tiện ích, công nghệ mới của Internet để phát tán các thông tin sai trái, thù địch, lôi kéo sự tò mò của công dân mạng, nhất là lớp trẻ tham gia đối thoại trực tiếp, bình luận, dẫn dắt thông tin theo ý đồ xấu của chúng. Trong thực tế, thời gian qua không ít thông tin trên mạng thông qua các tiện ích, công nghệ mới, hiện đại trên các mạng xã hội đã gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội, nhất là một bộ phận trí thức và thanh niên, sinh viên - đối tượng thường xuyên tiếp cận với phương tiện này. Cũng từ đó, một trong những hệ quả nguy hiểm của thủ đoạn này là gây mất phương hướng, sa sút niềm tin đối với vai trò lãnh đạo của Đảng...
Thứ hai, phát huy vai trò dẫn dắt, chi phối thông tin chính thống của hệ thống báo chí và mạng xã hội của Việt Nam để cộng đồng mạng nâng cao nhận thức, đủ sức “đề kháng” trước các quan điểm sai trái, thù địch
Theo đó, báo chí cần tăng cường tuyên truyền, cổ vũ các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết 35 NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã chỉ ra. Đó là tiếp tục làm cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao “sức đề kháng”, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.
Báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi công dân mạng tin tưởng về những tiến bộ, thành tựu toàn diện của đất nước. Tăng cường tuyên truyền những thành tựu của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức cho mỗi công dân mạng về sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh; việc xử lý các tội phạm trong các vụ đại án tham nhũng thể hiện rõ chủ trương chống tham nhũng không có vùng cấm, bất kỳ người đó là ai.
Hệ thống mạng xã hội của Việt Nam tuy mới ra đời nhưng đã có sự ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng mạng. Vì vậy, cần có định hướng rõ ràng để các mạng xã hội có thế mạnh vào cuộc, tham gia một cách chủ động trong gợi mở, định hướng, dẫn dắt và chi phối thông tin tích cực trên mạng xã hội. Ngoài mạng xã hội VCNet, Mocha, các cơ quan chức năng cần có cơ chế, quy định rõ các chủ thể của các mạng xã hội như Zing.me, Lotus, Nhaccuatui có trách nhiệm trong thông tin mặt tích cực của đời sống xã hội. Đây là cách tốt nhất để thực hiện phương châm “xây” và “chống”, trong đó lấy “xây” là chính, nhằm nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy thông tin tích cực để đẩy lùi thông tin tiêu cực, xấu độc, sai trái, thù địch.
Trong thời đại “thế giới phẳng”, “cuộc sống số”, với tính đặc thù của phương thức đấu tranh tư tưởng nói chung và đấu tranh tư tưởng trên mạng Internet nói riêng, vũ khí tối ưu nhất vẫn là tạo “sức đề kháng” cho mỗi cư dân mạng có thể chống đỡ tác động từ thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Vũ khí tối ưu đó chính là cung cấp kịp thời, đầy đủ những thông tin chính thống trên mạng. Khi nhu cầu thông tin được đáp ứng, thì nhu cầu tìm đọc các thông tin không chính thống - thông tin sai trái sẽ hạn chế đi rất nhiều, ngoại trừ những cá nhân do tò mò hay các lý do khác.
Thứ ba, các cơ quan chức năng cần ban hành hệ thống văn bản có tính pháp quy, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan báo chí tham gia đấu tranh, phòng chống quan điểm sai trái, thù địch.
Hiện nay, hiệu quả cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch còn không ít hạn chế, yếu kém. Chủ yếu mới là lực lượng chuyên trách tham gia đấu tranh. Tình trạng “nói chưa đi đôi với làm”, thờ ơ trước tác động của các quan điểm sai trái, thù địch phát tán trên mạng còn diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh này là “thuốc” đặc hiệu, là cơ sở quan trọng để lấy lại niềm tin của cộng đồng mạng. Từ niềm tin đó sẽ tạo “sức đề kháng” cho mỗi công dân mạng trước tác động của các quan điểm sai trái, thù địch.
Để làm tốt công tác tuyên truyền trên mặt trận đấu tranh này, bản thân các cơ quan báo chí cũng cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Đảm bảo để đội ngũ những người làm báo có năng lực chuyên môn, tinh thông nghề nghiệp, vừa có đạo đức trong sáng, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, luôn có ý chí chiến đấu bảo vệ lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Xây dựng hệ thống tổ chức đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng Internet từ Trung ương đến cấp tỉnh, thành phố, bao gồm đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, am hiểu về thực tiễn. Đặc biệt cần xây dựng tổ chức chuyên trách với lực lượng nòng cốt là các chuyên gia, các nhà lý luận về tư tưởng chính trị chuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái về tư tưởng chính trị trên mạng Internet, bao gồm những chuyên gia giỏi về lý luận, những cây bút sắc bén, am hiểu và ứng dụng tốt công nghệ thông tin.
Tổ chức lực lượng trong các cơ quan chính quyền, cơ quan quân đội, công an các cấp và trong các tổ chức chính trị, xã hội... thực hiện thường xuyên nhiệm vụ đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng Internet. Tổ chức các lực lượng kịp thời ngăn chặn không để các quan điểm sai trái phát tán trên mạng Internet có điều kiện tác động vào các tầng lớp nhân dân. Tổ chức đấu tranh trực diện đối với những người cơ hội, lệch lạc về chính trị ngay từ cơ sở.
Thường xuyên đổi mới phương thức, phương tiện đấu tranh hiện đại, nhất là các tiện ích mới nhằm thu hút công chúng mạng tham gia chia sẻ, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Xây dựng hệ thống phương tiện, kỹ thuật đủ sức mạnh, đủ khả năng tham gia vào hoạt động giao lưu thông tin quốc tế trong xu thế “thế giới phẳng”; vừa phải đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin chính thống của nhân dân nói chung, của cư dân mạng nói riêng, vừa phải đủ sức bảo vệ lợi ích kinh tế, định hướng chính trị, những giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời đủ sức chiến đấu, phê phán phản bác các thông tin sai trái, độc hại trên mạng Internet, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Mặt khác, để đẩy lùi, giảm thiểu tối đa tác động từ các thông tin sai trái, thù địch, chúng ta cũng rất cần đổi mới, mở rộng các hình thức, phương tiện đấu tranh. Các cơ quan báo chí có lượng người đọc lớn, có tác động, chi phối thông tin trên mạng cần mạnh dạn tạo các diễn đàn mở để trao đổi trực tuyến các ý kiến, quan điểm khác biệt. Từ đó, triển khai tranh luận, giải thích với những người có ý kiến, quan điểm khác biệt, hoặc phản bác những quan điểm thù địch, chống đối chế độ. Đây cũng là diễn đàn để một mặt chúng ta tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhưng mặt khác, nhân dân có thể tham gia trao đổi - tranh luận hoặc phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Tăng cường lãnh đạo, quản lý nhà nước đối với hệ thống báo điện tử. Sớm khắc phục tình trạng sai tôn chỉ mục đích, đưa quá nhiều mảng tối của đời sống chính trị, tạo “mảnh đất” để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị dễ dàng lợi dụng, khai thác thông tin, nói xấu chế độ. Các báo điện tử, trang tin điện tử chú trọng đổi mới, xây dựng giao diện app mobile cho điện thoại di động, tạo điều kiện cho số đông cư dân mạng, nhất là giới trẻ thường xuyên truy cập Internet qua mạng di động có thể sử dụng dễ dàng trong việc khai thác, tìm kiếm thông tin chính thống.
Thứ tư, cần sớm có chủ trương, giao các cấp ủy Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội ban hành quy tắc tham gia mạng xã hội. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm và cơ chế khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên… khi tham gia mạng xã hội. Quy định rõ nhiệm vụ của đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, thù địch. Ban hành nghị định với các chế tài cụ thể đối với các hành vi đồng phạm, chủ động phát tán, a dua nói xấu Đảng, bôi nhọ lãnh đạo, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Mặt khác, toàn bộ hệ thống chính trị cần vào cuộc để thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nêu cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, toàn thể cán bộ, đảng viên, công dân tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng Internet. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân chủ động tiến công, tự giác đấu tranh, phản bác đối với các thông tin xấu độc, sai trái, thù địch phát tán trên mạng.
Tăng cường tuyên truyền, cổ vũ, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể; giữa Trung ương và địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa trong cuộc đấu tranh chống các hoạt động “diễn biến hòa bình”, chống quan điểm sai trái.
Chú trọng việc tổ chức để các đoàn thể quần chúng như Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp... tham gia đấu tranh trên mạng Internet đối với những quan điểm và hành động sai trái của các phần tử cơ hội chính trị và các thế lực thù địch. Phối hợp có hiệu quả giữa các lực lượng, binh chủng trong lĩnh vực bảo vệ an ninh tư tưởng chính trị, đặc biệt là về tư tưởng chính trị trên mạng Internet.
Thứ năm, để khuyến khích tinh thần yêu nước, dũng cảm tham gia đấu tranh trên không gian mạng, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, tạo cơ chế, khuyến khích việc thành lập các tổ chức dưới dạng tự nguyện xung kích. Nếu các tổ chức tình nguyện tham gia đấu tranh trên mạng xã hội xuất hiện càng nhiều, chúng ta càng có lực lượng lớn đủ sức đẩy lùi các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc. Chính vì vậy, các đoàn thể chính trị - xã hội cũng cần nghiên cứu, có cơ chế khen thưởng để cổ vũ, động viên, tập hợp nhiều học sinh, sinh viên, thanh niên tích cực tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng xã hội./.
_______________
Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo điện tử ngày 15.01.2021
TS Trần Doãn Tiến
Nguồn: http://tuyengiao.vn/
Bài liên quan
- Quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên đại học hiện nay
- “Nói hay đừng” - Dấu ấn chặng đường làm báo của nhà báo Trần Đức Chính
- Quản lý thông điệp về môi trường trên tạp chí điện tử ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và giải pháp
- Cảnh giác với mặt trái của các nền tảng video ngắn trên mạng xã hội
- Thông tin về năng suất lao động trên báo chí và việc tiếp nhận, sử dụng nguồn thông tin đó tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí
Chuyển đổi số báo chí là sự thay đổi toàn diện, cả về phương thức hoạt động, mô hình tổ chức, kỹ năng sáng tạo và truyền tải thông tin báo chí, đòi hỏi sự thay đổi về nhận thức, thái độ từ các nhà lãnh đạo đến mỗi nhà báo trong các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số cũng là điều kiện phát triển báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ... Quá trình đó cũng tác động sâu sắc và toàn diện đến hoạt động đào tạo báo chí để tạo dựng nguồn nhân lực thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số.
Quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên đại học hiện nay
Quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên đại học hiện nay
Truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đang tác động ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi người, nhất là thế hệ trẻ, trong đó có sinh viên các trường đại học trên cả bình diện tích cực và tiêu cực. Thực tế cho thấy, việc tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, cấp thiết nhằm tạo tâm lý lành mạnh trong cộng đồng sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của các trường đại học hiện nay. Vì vậy, bài viết làm rõ mối quan hệ giữa truyền thông đại chúng và dư luận xã hội; từ đó phân tích nội dung quản lý về tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến cộng đồng sinh viên, đưa ra một số yêu cầu giúp quản lý, tạo dựng bầu không khí tâm lý lành mạnh trong cộng đồng sinh viên, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của các trường đại học trong bối cảnh hiện nay.
“Nói hay đừng” - Dấu ấn chặng đường làm báo của nhà báo Trần Đức Chính
“Nói hay đừng” - Dấu ấn chặng đường làm báo của nhà báo Trần Đức Chính
Cuốn sách “Nói hay đừng” tập hợp hơn 100 bài viết ở các thể loại bình luận, tiểu phẩm báo chí, phóng sự, tản mạn… của nhà báo Trần Đức Chính, được lựa chọn từ hơn 6.000 bài báo trong suốt cả sự nghiệp của ông. Điều đặc biệt là, cuốn sách được những đồng nghiệp thế hệ sau, những “học trò” thân thiết và yêu quý của ông tập hợp và chọn lọc, biên soạn.
Quản lý thông điệp về môi trường trên tạp chí điện tử ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và giải pháp
Quản lý thông điệp về môi trường trên tạp chí điện tử ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và giải pháp
Môi trường là cái nôi nuôi dưỡng sự sống, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối vớt sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của toàn nhân loại. Cùng với báo in, báo mạng điện tử, phát thanh, truyền hình, tạp chí điện tử đang ngày càng góp tiếng nói, nâng cao nhận thức về môi trường cho từng người dân và toàn xã hội. Các tạp chí điện đã có nhiều sáng tạo trong việc thể hiện thông điệp môi trường như sử dụng các công cụ tác nghiệp báo chí hiện đại, tạo nên các sản phẩm hấp dẫn, có giá trị định hướng dư luận, phát huy hiệu quả tuyên truyền về bảo vệ môi trường.
Cảnh giác với mặt trái của các nền tảng video ngắn trên mạng xã hội
Cảnh giác với mặt trái của các nền tảng video ngắn trên mạng xã hội
Mặc dù một số nền tảng video ngắn đã cải tiến thuật toán nhằm ngăn ngừa các nội dung độc hại tiếp cận người dùng nhưng các nỗ lực này dường như mới chỉ nhằm xoa dịu dư luận và đối phó với các cơ quan chức năng. Thực tế cho thấy, một số lượng không nhỏ các video xấu vẫn tràn ngập trên các nền tảng TikTok, YouTube Short, Facebook Reel, Bigo Bar, Instagram, Likee… tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi người sử dụng mạng xã hội.
Bình luận