Thách thức trong kiến tạo hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay
Giá trị văn hóa phản ánh và kết tinh đời sống văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân. Qua lịch sử, mỗi dân tộc đều tạo cho mình một hệ giá trị văn hóa. “Đó là hệ thống những đánh giá mang tính chủ quan của con người về tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những cái gì là cần, là tốt, là hay, là đẹp, nói cách khác đó chính là những cái được con người cho là chân, thiện, mỹ, giúp khẳng định và nâng cao bản chất người”(1).Hệ giá trị văn hóa có vai trò định hướng, chi phối, điều tiết mục tiêu và phương thức hành động của con người. Hệ giá trị này không nhất thành bất biến mà có thay đổi theo thời gian, thời đại, vừa bị loại trừ những yếu tố cũ, lạc hậu; vừa được bồi đắp những giá trị mới.
Trải qua trường kỳ lịch sử, hệ giá trị văn hóa dân tộc và chuẩn mực con người Việt Nam đã được định hình, tôi luyện, trở thành “sợi chỉ đỏ”, “kim chỉ nam” soi đường, dẫn lối để dân tộc đi đến những thắng lợi. Bàn về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam truyền thống, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định những phẩm chất đã trở thành giá trị của người Việt Nam như: “Yêu nước, Cần cù, Anh hùng, Sáng tạo, Lạc quan, Thương người, Vì nghĩa”(2). “Chẳng thấy nơi nào trên thế giới một dân tộc cần cù như vậy. Khả năng chịu đựng của họ rất cao, ít kêu ca về nỗi đau đớn của mình”. “Có đầu óc thực tế có khi đến lạ lùng, quyết định chiều hướng tâm hồn của họ”. “Người Việt có chất nghệ sỹ nhiều hơn khoa học. Họ nhạy cảm hơn là có lý tính”(3). Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) nhấn mạnh: “Những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống...”(4).
Ngày nay, những giá trị văn hóa truyền thống không ngừng được bồi đắp, phát huy. Việc định hình, hoàn thiện hệ giá trị văn hóa dân tộc trong thời đại mới được xem là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công cuộc xây dựng CNXH, nhằm tạo ra đời sống tinh thần lành mạnh, nhân văn, tiến bộ, vì hạnh phúc và sự phát triển toàn diện con người. “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”(5).
Bên cạnh những kết quả đạt được trong kiến tạo hệ giá trị văn hóa của dân tộc, trong bối cảnh hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua.
1. Thách thức từ xu thế toàn cầu hóa văn hóa và sự nhiễu loạn thông tin trên internet
Toàn cầu hóa văn hóa là xu thế phát triển chung của nhân loại trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, internet, mở ra cơ hội thuận lợi trong giao lưu, hợp tác, trao đổi tri thức, kinh nghiệm giữa các nền văn hóa. Tuy nhiên, mặt trái của quá trình toàn cầu hóa văn hóa cũng đặt ra những thách thức trong việc gìn giữ, kiến tạo bản sắc và hệ giá trị văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam. Xu thế nhất thể hóa, toàn cầu hóa văn hóa với quan điểm lấy châu Âu làm trung tâm, trong đó văn hóa đại chúng Mỹ thịnh hành và có sức lan tỏa mạnh mẽ đang tác động tới việc gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc. Mặt trái của quá trình hội nhập, giao lưu kinh tế, văn hóa là nhiều xuất bản phẩm ngoại lai tấn công, xâm chiếm thị trường văn hóa phẩm trong nước. Có thời gian, việc nhập khẩu và quảng bá điện ảnh Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc trên các kênh truyền hình quốc gia có tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi và lối sống của giới trẻ, gây nguy cơ bão hòa văn hóa, xóa nhòa và “làm mờ” bản sắc văn hóa dân tộc.
Chiến lược quảng bá “sức mạnh mềm văn hóa” của các nước thông qua ảnh hưởng của các sản phẩm văn hóa, chủ yếu là văn hóa tiêu dùng, ẩm thực, thời trang, mỹ phẩm... nhằm khuyến khích, “lôi kéo” thế hệ trẻ tin dùng, theo đuổi và đam mê nền văn hóa đó. Chiến lược này kết hợp với tâm lý sính ngoại, ưa hư danh của một bộ phận giới trẻ Việt Nam gây ra những “va chạm, xung đột” trong nhận thức, hành vi khi khó phân định, nhận diện mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại; bản sắc văn hóa dân tộc và hội nhập quốc tế.
Cách mạng công nghiệp 4.0 mà hạt nhân là internet kết nối vạn vật xóa nhòa khoảng cách các quốc gia để chia sẻ, hợp tác, cùng phát triển. Nhưng cũng chính không gian mở của internet khiến nhiều quốc gia phải ban hành các đạo luật về an toàn, an ninh mạng; nguy cơ của các cuộc khủng bố, chiến tranh mạng. Lợi dụng ưu thế của mạng internet, nhiều thế lực thù địch không ngừng tuyên truyền, gieo rắc tư tưởng phản động, chống phá công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta; khoét sâu vào vấn đề ly khai, xung đột sắc tộc, tôn giáo; xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ các danh nhân, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gây hoang mang dao động trong quần chúng. “Hiện có khoảng 400 tổ chức phản động lưu vong, 380 báo, tạp chí và 60 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt, hơn 80 nhà xuất bản và hàng nghìn trang web thường đăng tải tin bài, xuất bản những ấn phẩm có nội dung phản động, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước”(6). Hiện có hàng nghìn trang web, blog, mạng xã hội của các cá nhân, tổ chức phản động đang hoạt động và đăng tải các tin, bài viết, bình luận, phỏng vấn... tuyên truyền tư tưởng phản động nhằm chống phá Nhà nước, như: “Dân làm báo”, “Quan làm báo”, “Dân luận”, “Việt Tân”...”. Người dùng mạng xã hội ở Việt Nam rất lớn, “tính đến tháng 1 năm 2017, Việt Nam có 50.05 triệu người dùng internet, chiếm 53% dân số, tăng 6% so với năm 2016. Số người dùng mạng xã hội là 46 triệu người, chiếm 48% dân số. Trung bình 1 ngày, người Việt Nam bỏ ra 6 giờ 53 phút để duyệt Web nếu dùng PC và Tablet, 2 giờ 33 phút nếu dùng điện thoại di động và dành 2 giờ 39 phút cho mạng xã hội”(7). Điều nàygây trở ngại cho công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng khi trên không gian mạng, bên cạnh những thông tin chính thống, tích cực là thông tin, luồng tư tưởng phản động, hàng ngày hàng giờ tấn công, chi phối và thâm nhập vào tư tưởng, suy nghĩ, lối sống của nhiều người. Sự nhiễu loạn thông tin trên các phương tiện truyền thông khiến người tiếp nhận hoang mang, dao động, khó tìm thấy đường hướng, tương lai và con đường lựa chọn cho riêng mình. Hành vi bắt chước trên không gian ảo gây hậu họa khôn lường, làm xấu hình ảnh con người, văn hóa dân tộc. Vì thế, việc định hướng, hình thành chuẩn mực giá trị con người Việt Nam là vô cùng cần thiết để mỗi người ý thức rõ về bổn phận, trách nhiệm của bản thân trước cộng đồng, xã hội.
2. Thách thức từ bối cảnh chuyển đổi mô hình kinh tế
Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Với văn hóa, quá trình mở cửa, hội nhập đem lại nhiều cơ hội để tạo dựng những giá trị tích cực, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi hệ hình, tư duy, từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thời kỳ “quá độ” với sự giao tranh, giằng co giữa cái cũ với cái mới, nhiều hiện tượng phức tạp nảy sinh. Bối cảnh đó khiến nhiều giá trị tốt đẹp bị lãng quên hay đẩy xuống vị trí thứ cấp, đồng thời, tạo thói quen xấu, gây ra sự khủng hoảng niềm tin, đứt gãy hệ giá trị văn hóa.
Nhiều vụ tham nhũng, đánh bạc liên quan đến nhiều cán bộ, đảng viên giữ những cương vị, trọng trách cao trong các cơ quan, ban ngành của Đảng, Nhà nước bị phát hiện và xét xử. Năm 2017, 300 tổ chức Đảng, với hơn 18.600 đảng viên, trong đó có hơn 700 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái đã bị thi hành kỷ luật. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật 3 tổ chức Đảng và 11 cán bộ; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra và thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với 18 cán bộ; trong đó nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và một số cấp ủy, tổ chức Đảng. Thực trạng đó gióng lên hồi chuông về sự suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, gây mất niềm tin nghiêm trọng của nhân dân vào cán bộ và các cơ quan công quyền. “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”(8).
Văn hóa Việt Nam đề cao sự nêu gương và hình mẫu nhân cách của người đứng đầu. Cán bộ, đảng viên do nhân dân trao quyền lãnh đạo lại có hành vi đi ngược lại lợi ích của nhân dân, tập thể khiến mong ước, khát vọng và niềm tin của người dân “lung lay”, xao động. Bên cạnh đó, những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, đi ngược lại xu hướng văn minh, tiến bộ của nhân loại như: bạo lực học đường, hiện tượng mê tín dị đoan, nạn tranh cướp lộc trong lễ hội, văn hóa phong bì..., phản ánh những lỗ hổng trong việc tạo dựng nền tảng văn hóa và sự phai nhạt, khủng hoảng hệ giá trị và chuẩn mực ứng xử của con người trong bối cảnh mới nhiều cám dỗ, thử thách.
3. Thách thức từ chủ thể sáng tạo văn hóa
Con người là chủ thể sáng tạo văn hóa, đồng thời cũng là đối tượng thụ hưởng và chịu sự chi phối của nền văn hóa do mình sáng tạo ra. Qua ngôn ngữ, cử chỉ, thói quen sinh hoạt vật chất, tinh thần của cộng đồng có thể nhận diện được tín hiệu, đặc trưng văn hóa của dân tộc đó. Vì thế, văn hóa và con người có mối quan hệ bền chặt, tác động và chi phối lẫn nhau, biểu thị mối quan hệ giữa cái chung với cái riêng, cá nhân với cộng đồng.
Đặc tính văn hóa dân tộc đã được các nhà nghiên cứu văn hóa, như: Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Trần Trọng Kim, Phan Kế Bính... nhận diện qua tâm lý, tính cách, phẩm chất con người trong mối tương tác với môi trường tự nhiên, điều kiện địa lý, hoàn cảnh lịch sử. Vì thế, để kiến tạo hệ giá trị văn hóa dân tộc cần quan tâm, chú ý vai trò sáng tạo của chủ thể nhân dân; giáo dục, đào tạo những con người mới với những phẩm chất, tính cách như: “có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. “Có ý thức tôn trọng pháp luật, hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc... Có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ. Có lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn”(9).
Để đạt được mục tiêu đề ra, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là yêu cầu cấp bách. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình, nhà trường, xã hội... Việc xây dựng, phát triển con người có nhân cách, có ích cho xã hội là một quá trình lâu dài, gian nan với chiến lược và kế sách lâu dài. Tuy nhiên, bối cảnh xã hội hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức cho “sự nghiệp trồng người”.
Với hơn 70% dân số sinh sống ở nông thôn, những thói quen của cư dân tiểu nông làng xã làm ăn manh mún, thói tùy tiện...vẫn còn, đặc biệt, ám ảnh, đeo bám cả những đô thị, thành phố văn minh hiện đại. Việc chính quyền nhiều đô thị thất bại trong những đợt ra quân lấy lại vỉa hè cho người đi bộ; cảnh đun nấu bếp than, chăn nuôi gia cầm, trồng rau xanh trên tầng thượng các khu chung cư cao cấp; phương thức canh tác sản xuất thời vụ, chạy theo phong trào khiến nhiều nông dân lao đao vì được mùa mất giá... là những rào cản lớn về mặt nhận thức, tư duy, cản trở quá trình xây dựng, hình thành con người mới tiến bộ. Đô thị hóa, công nghiệp hóa trên nền xã hội nông nghiệp cổ truyền, “trọng tình, trọng tuổi, trọng kinh nghiệm” vẫn còn in dấu ấn sâu đậm trong tâm trí người dân là một thách thức khi thói quen, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại, việc học tập, làm quen với những giá trị mới trở nên khó khăn.
Xã hội hiện đại đòi hỏi con người phải hành xử theo những chuẩn mực văn minh với tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền tự do, dân chủ, nhưng ở nhiều đô thị, thành phố, những hành vi đi ngược lại quy tắc, chuẩn mực chung của xã hội, như: chen lấn, xô đẩy trong lễ hội; lộn xộn, vô nguyên tắc khi tham gia giao thông; lạnh lùng, vô cảm trước những cảnh huống bất công, không bảo vệ đồng loại khi bị tấn công; không có tinh thần đấu tranh cho lẽ phải, sự công bằng... còn tồn tại. Trong hệ thống giáo dục quốc dân, tâm lý chạy theo thành tích, không lấy người học làm trung tâm, nạn học thêm dạy thêm tràn lan; tiếng nói của người học chưa được coi trọng đúng mức, tình trạng áp đặt một chiều; lạm thu, lạm quyền xuất hiện... khiến cho niềm tin của người dân vào giáo dục giảm sút. Một bộ phận thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên do thiếu lý tưởng sống, nhận thức phiến diện, lệch lạc nên có hành vi lệch chuẩn, sống nhanh, sống gấp. Nhiều thanh niên sa vào tệ nạn xã hội, như: nghiện ma túy, cờ bạc...
Để giáo dục, hình thành nên những con người mới có bản lĩnh, có tri thức, nhân cách và phẩm chất tốt đẹp đòi hỏi quá trình trao truyền văn hóa, tri thức, kinh nghiệm và lối sống của các thế hệ đi trước phải có nền tảng văn hóa. Điều này giúp thế hệ trẻ được sống trong môi trường lành mạnh, tạo “bộ lọc” giúp họ tránh xa cái xấu, cái ác và chủ động, tự tin đón nhận những giá trị văn hóa mới của thế giới, làm chủ tương lai.
Để xây dựng hoàn thiện hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay cần sự thống nhất trong nhận thức, tư tưởng, hành động và biện pháp tiến hành đồng bộ, hợp lý, hiệu quả; tôn trọng tinh thần tự do, sáng tạo của con người; bảo đảm quyền công dân; hướng con người đến những giá trị cao đẹp của chân, thiện, mỹ. Phát huy và làm lan tỏa những giá trị, phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam truyền thống, đồng thời không ngừng học tập những giá trị tiến bộ, văn minh của nhân loại. Việc tạo dựng hệ giá trị chuẩn mực, nhất là về văn hóa, nhân cách, lối sống sẽ tạo điều kiện căn bản để phát triển kinh tế - xã hội, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hệ giá trị là yếu tố cơ bản để nhận diện bản sắc văn hóa của một dân tộc; là mục tiêu, lý tưởng, khát vọng mà con người vươn tới. Vì thế, việc hoàn thiện hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong điều kiện hiện nay là việc làm cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và mỗi cá nhân để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh cùng với các nguồn lực, sức mạnh khác sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại.
_______________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4.2017
(1) Ngô Đức Thịnh: Nghiên cứu hệ giá trị văn hóa truyền thống, vanhoahoc.vn.
(2), (3) Mấy vấn đề về hệ giá trị Việt Nam, vanhoahoc.vn
(4) Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, dangcongsan.vn.
(5) Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, baochinhphu.vn.
(6) Tỉnh táo, chủ động đấu tranh với thông tin xuyên tạc, bịa đặt, qdnd.vn.
(7) Digital in 2017: A study of Internet, Social Media, and Mobile use throughout the region of Southeast Asia, We Are Social.
(8) Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, dangcongsan.vn.
(9) Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, dangcongsan.vn.
TS Nguyễn Huy Phòng
Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: http://lyluanchinhtri.vn
Bài liên quan
- Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
- Xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay
- Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
- Sự tham gia của người dân trong hoạch định chính sách công
- Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 khơi nguồn sáng tạo cho nền văn hoá, văn nghệ nhân dân trong thời đại mới
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 56: Dấu ấn về mùa thu lịch sử
- 2 Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đánh giá và giải pháp, kiến nghị
- 3 Giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa - góc nhìn từ thực tiễn thành phố Hà Nội hiện nay
- 4 Toàn văn phát biểu của đồng chí Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất
- 5 Tổ chức hoạt động truyền thông tại một số công ty du lịch vừa và nhỏ tại Việt Nam: Những hạn chế, thách thức và giải pháp
- 6 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kỷ niệm 75 năm truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Phát động ủng hộ đồng bào các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi)
Sáng 11/9/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là tiếp tục phát huy mạnh mẽ lòng tự hào, tinh thần dân tộc, tình yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, những thanh niên, sinh viên - lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay
Xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay
Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến – đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của đất nước Việt Nam, là môi trường thuận lợi góp phần hình thành lối sống xã hội chủ nghĩa (XHCN) của một bộ phận không nhỏ sinh viên học tập trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), việc xây dựng lối sống XHCN cho sinh viên Thủ đô cũng gặp không ít khó khăn thách thức. Bài viết đánh giá tầm quan trọng và trình bày nội dung của việc xây dựng lối sống XHCN cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay.
Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, công cuộc đổi mới đất nước nhất định giành thắng lợi to lớn, Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no, đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tướng, GS, TS Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tiêu đề: “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”:
Sự tham gia của người dân trong hoạch định chính sách công
Sự tham gia của người dân trong hoạch định chính sách công
Sự tham gia của người dân trong quá trình hoạch định chính sách công là rất quan trọng và đem lại nhiều lợi ích. Khi người dân được tham gia đóng góp ý kiến, các chính sách công sẽ phù hợp hơn với nhu cầu và thực tế của cộng đồng. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả triển khai chính sách, tăng cường sự đồng thuận và ủng hộ của người dân. Sự tham gia của người dân mang lại sự minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn cho chính phủ. Các quyết định chính sách được đưa ra dựa trên những thông tin và ý kiến đóng góp từ nhiều phía, giúp chính phủ ra quyết định sáng suốt hơn. Đồng thời, người dân cũng có cơ hội hiểu rõ hơn về các chính sách và có thể giám sát việc thực thi chính sách. Tuy nhiên, việc tham gia cũng cần được thực hiện một cách có hệ thống và hiệu quả. Chính phủ cần xây dựng các cơ chế tham gia phù hợp, đảm bảo sự đại diện đầy đủ của các nhóm dân cư khác nhau, và có biện pháp tiếp thu, xem xét các ý kiến đóng góp một cách công bằng và khách quan; học hỏi kinh nghiệm từ một số nước đã đi trước.
Bình luận