Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
Trong gần một thế kỷ qua, sự nêu gương, tiên phong, hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên đóng vai trò rất quan trọng, tạo dựng nên “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hồ Chí Minh từng nói với cán bộ, đảng viên: “Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”(1). Thực hiện tư tưởng đó của Hồ Chí Minh, Đại hội XIII đã xác định rõ: “Nêu gương phải thực sự trở thành một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng”(2). Trong giai đoạn hiện nay, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên chính là một giải pháp trọng yếu nhằm nâng cao sức chiến đấu và vị thế cầm quyền của Đảng trong tiến trình lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên
“Nêu gương” được hiểu là “làm mẫu”, tạo ra hành vi mẫu mực để người khác học tập và làm theo. Trong văn hóa phương Đông, nêu gương được coi là phương pháp giáo dục tốt nhất. Lãnh tụ của giai cấp vô sản - V.I.Lênin cũng cho rằng, những người cộng sản không có một đặc quyền nào, trừ một quyền luôn luôn ở phía trước. Thấm nhuần những quan điểm mang tính chân lý đó, Hồ Chí Minh khẳng định: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(3).
So với các phương pháp giáo dục, phương pháp lãnh đạo khác, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên có ưu thế vượt trội ở tính sinh động, thực tế với những người thật, việc thật - những tấm gương có giá trị lan tỏa và thuyết phục mạnh mẽ đối với quần chúng. Vì lẽ đó, Hồ Chí Minh đã coi “nêu gương” là phẩm chất không thể thiếu của người cán bộ, đảng viên. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong Hồ Chí Minh Toàn tập (xuất bản năm 2011), cụm từ “làm gương” được nhắc đến 196 lần, cụm từ “nêu gương” 43 lần và cụm từ “gương mẫu” 415 lần. Hồ Chí Minh đã lý giải về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên như sau: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(4).
Người khẳng định: Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính; mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý. Người còn đặt câu hỏi: “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”(5). Người nhắn nhủ cán bộ, đảng viên: “Muốn giáo dục nhân dân, làm cho mọi người đều tốt cả thì cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hằng ngày. Người xưa còn biết tu thân, mỗi buổi tối kiểm điểm mình và dùng hai cái lọ đỗ đen, đỗ trắng để ghi việc tốt, việc xấu. Đảng viên, cán bộ ta từ nhân dân anh hùng mà ra, phải sống cho xứng với nhân dân và Đảng anh hùng”(6).
Để cán bộ, đảng viên có phương hướng hành động, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ nội dung của công tác nêu gương. Người viết: “Làm gương mẫu thế nào? Nói chung, thì người đảng viên ở bất kỳ đâu, bất kỳ làm việc gì, bất kỳ địa vị nào và hoàn cảnh nào, cũng phải luôn luôn:
- Đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết.
- Phải ra sức tham gia công việc kháng chiến.
- Phải gần gũi dân chúng, thương yêu, giúp đỡ dân chúng, tổ chức và lãnh đạo dân chúng.
- Phải giữ vững đạo đức cách mệnh, là chí công vô tư”(7).
Người cán bộ, đảng viên cần gương mẫu không chỉ trong việc giữ vững kỷ luật của Đảng mà còn phải tuân thủ pháp luật của chính quyền, quy định của cơ quan, đoàn thể. Ngoài “đạo đức công vụ”, họ còn phải giữ gìn “đạo đức công dân”, phải là một thành viên tốt của gia đình, dòng họ. Họ còn phải vận động mọi thành viên trong gia đình có lối sống giản dị, chan hòa với những người xung quanh. Để nói lên sự đòi hỏi nghiêm khắc về trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh đưa ra ví dụ cụ thể: “Hai anh A là người trong Đảng và B là người ngoài Đảng, hai người cũng làm một cơ quan ấy, cũng có thành tích như nhau thì anh A được khen thưởng thấp hơn anh B. Trái lại hai anh A, B cũng có khuyết điểm, cũng một khuyết điểm ấy thì anh A phải bị phê bình hay xử trí nặng hơn anh B”(8).
Đúng như Hồ Chí Minh đã nói, cái “thiên” ở đây chính là bổn phận nêu gương, tiên phong của người cán bộ, đảng viên.
Thực hành nêu gương mọi nơi, mọi lúc là điều không dễ dàng, nó đòi hỏi sự hy sinh rất lớn, tính tự giác rất cao nên Hồ Chí Minh đã nói rõ với cán bộ, đảng viên: Không ai bắt buộc ai vào Đảng làm chiến sỹ xung phong mà đó là do sự tự nguyện của mỗi người. Nếu ai không chịu nổi khó nhọc và kỷ luật của Đảng thì đừng vào Đảng hoặc khoan hãy vào, thậm chí vào rồi vẫn có thể xin ra. Còn đã là đảng viên thì việc “khổ trước, sướng sau”, trách nhiệm nêu gương về mọi mặt là lẽ đương nhiên.
Dù rằng, đối tượng thực hành nêu gương là tất cả cán bộ, đảng viên, nhưng Hồ Chí Minh nói rõ, cán bộ lãnh đạo, người phụ trách chính là những người phải đi đầu trong đội ngũ những người tiên phong. Hồ Chí Minh thường gọi các cán bộ lãnh đạo năng nổ là những người “cốt cán”. Người cho rằng, “Nếu cốt cán được phát triển và củng cố, thì Đảng sẽ phát triển và củng cố. Nếu không có cốt cán, thì Đảng sẽ khô héo”(9). Người cũng nói rõ, cán bộ chức vụ càng to, trọng trách càng cao thì trách nhiệm nêu gương càng lớn. Trong buổi gặp gỡ cán bộ cấp cao, Hồ Chí Minh đã nói: “Các đồng chí đều là cán bộ cao cấp, đều giữ những trách nhiệm quan trọng. Công việc thành hay là bại một phần lớn là do nơi tư tưởng đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”(10).
Hồ Chí Minh cũng nói rõ, cán bộ cao cấp thường là những người đã có nhiều công trạng, có nhiều đóng góp cho Đảng, cho cách mạng. Nhưng cũng vì thế mà họ càng phải là tấm gương về đức khiêm tốn, không được mắc bệnh công thần bởi công trạng ấy là công trạng của nhiều người chứ không phải công trạng của một người. Người lãnh đạo có quyền sử dụng cán bộ thì họ phải là tấm gương về sự công bằng, chính trực trong việc dùng người; tuyệt đối không được “đưa người tư vào làm việc công” và cũng phải sáng suốt, có “con mắt xanh” nhìn người, trọng người tài thì “mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt”(11).
Bàn về trách nhiệm nêu gương của người đảng viên, Hồ Chí Minh đi đến kết luận: “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng… Mà muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình, thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu. Thế là làm cho dân tin Đảng, phục Đảng, yêu Đảng và làm theo chính sách của Đảng và của Chính phủ. Đảng viên nào không được dân tin, dân phục, dân yêu thì chưa xứng đáng là một người đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam”(12).
Người cũng nhấn mạnh: Người cán bộ nêu gương không phải “bằng lời” mà phải “bằng việc” bởi hành động nói lên tất cả. Quần chúng với sự tinh tường của mình, luôn phân biệt rõ cái thật và cái giả, tấm gương và cái “ra vẻ nêu gương”. Nếu cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo không thực sự làm gương mà chỉ hô hào “suông” thì càng “đao to, búa lớn”, càng phản cảm.
Hồ Chí Minh không chỉ đưa ra những chỉ dẫn sâu sắc về sự nêu gương mà bản thân Người là tấm gương sáng ngời về mọi mặt. Uy tín tuyệt đối của Người trước cán bộ, nhân dân và nhân loại cũng bắt nguồn từ sự mẫu mực trong cả việc lớn đến việc nhỏ với tinh thần “dĩ công vi thượng”, trọn vẹn hy sinh.
2. Thực trạng, nội dung và giải pháp phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay
Trong thời kỳ Đổi mới, kế thừa quan điểm của Hồ Chí Minh, việc chỉ đạo và thực hành nêu gương của cán bộ, đảng viên trong Đảng đã đạt được một số thành tựu nhất định. Về phương diện nhận thức, Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nhấn mạnh: Nêu gương là một phương thức lãnh đạo chủ yếu của Đảng. Từ đó, trong hơn 10 năm qua, Đảng đã ban hành 3 quy định về vấn đề nêu gương ở mọi tầm mức theo nguyên tắc người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn thì càng phải nêu gương về mọi mặt (Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/06/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương…).
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: “Thực hiện đồng bộ với các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”(13). Đó là những căn cứ chính trị, pháp lý rất quan trọng về thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay. Trên thực tiễn, việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên bước đầu đã có một số chuyển biến tích cực. Nhìn về tổng thể, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và một số cán bộ lãnh đạo đứng đầu các cấp, các ngành đã nỗ lực nêu gương trong việc đổi mới tư duy, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để “chèo lái” con thuyền cách mạng Việt Nam trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều biến động, thách thức phức tạp, khó lường. Những thành tựu mang tính lịch sử của sự nghiệp Đổi mới không thể tách rời với vai trò nêu gương của đa số cán bộ, đảng viên của Đảng trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, thực tế cũng thể hiện không ít những mặt hạn chế, khuyết điểm trong công tác trọng yếu này. Nhận thức về trách nhiệm nêu gương của một số cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thật đầy đủ, sâu sắc và toàn diện; việc nêu gương chưa trở thành việc làm thường xuyên, thiết thực mà còn mang tính hình thức. Không ít cán bộ lãnh đạo, kể cả lãnh đạo cấp cao đã không thực hiện trách nhiệm nêu gương mà còn “bêu gương xấu” khi rơi vào sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm” và mắc các tội tham nhũng, lãng phí…
Một bộ phận cán bộ khác, với suy nghĩ “mình không tham nhũng là tốt rồi”, đã không phát huy vai trò tiên phong trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, sống theo kiểu “trung bình chủ nghĩa”, “mũ ni che tai”, “dĩ hòa vi quý”, cốt tránh đụng độ, “giữ phiếu” và “giữ ghế”. Việc tổng kết, biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến ở một số cơ quan, đơn vị nhiều khi chưa thật sự căn cứ vào kết quả công việc mà do người phụ trách ưa ai thì đề cử khen người đó hoặc “mặc định” danh hiệu khen thưởng sẽ thuộc về lãnh đạo đơn vị hoặc “quay vòng” việc khen thưởng theo kiểu “cào bằng”.
Việc khen không đúng người, đúng việc dẫn đến tình trạng không ít cán bộ, đảng viên vừa được khen thưởng, cất nhắc lại bị án kỷ luật rất nặng nề. Nhìn chung, việc thực hiện chưa tốt trách nhiệm nêu gương của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã trở thành một “lực cản” đối với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến vai trò lãnh đạo của Đảng và niềm tin của quần chúng nhân dân.
Nêu gương là “thuộc tính” của người cán bộ, đảng viên nhưng nội dung nêu gương phải gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng thời kỳ cách mạng. Lúc này, việc xác định trúng và đúng nội dung nêu gương sẽ gợi mở cho tổ chức và cá nhân phương hướng phấn đấu. Trong điều kiện hiện nay, tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên phải thể hiện ở một số nội dung chính sau đây:
Thứ nhất, nêu gương ở việc trung thành với lý tưởng, mục tiêu của Đảng. Từ đó, người cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tự giác chấp hành Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không được vi phạm những điều đảng viên không được làm hay vi phạm pháp luật của Nhà nước; kiên quyết phòng chống căn bệnh “tham nhũng chính sách”, tức xây dựng, ban hành, thực thi những “chính sách” có lợi cho nhóm lợi ích, cơ quan, gia đình và bản thân.
Thứ hai, nêu gương, tiên phong về bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức, lối sống. Trong bối cảnh phong trào cộng sản quốc tế còn gặp nhiều khó khăn, mỗi cán bộ, đảng viên phải tỏ rõ lập trường tuyệt đối trung thành với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu đổi mới, kiên quyết đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Người cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu, giữ vững đạo đức cách mạng, bởi đó là “gốc” của người cách mạng, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng và tạo ra uy tín của Đảng trước nhân dân. Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, cán bộ, đảng viên luôn phải đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên lợi ích cá nhân, giữ gìn phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không bị lợi ích vật chất cám dỗ, kiên quyết chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” và không để người thân lợi dụng vị thế công tác của mình để trục lợi.
Thứ ba, nêu gương, tiên phong về không ngừng học tập để nâng cao trình độ, năng lực công tác. Năng lực công tác của cán bộ, đảng viên bao gồm cả năng lực xây dựng đường lối, quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chủ trương, kế hoạch công tác của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đó còn là năng lực vận động, tổ chức, hướng dẫn quần chúng nhân dân. Các năng lực đó chỉ có thể định hình trên cơ sở không ngừng học tập lý luận, tổng kết thực tiễn công tác, tham khảo kinh nghiệm của người khác để làm giàu cho tri thức của mình. Trong thời đại tri thức, “tuổi đời” của bằng cấp rất ngắn nên nếu tự phụ với kiến thức đã có, tất yếu sẽ bị tụt hậu. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu không ngừng học tập để làm gương cho dân, để đủ tri thức lãnh đạo dân và góp phần tạo nên đặc tính “văn minh”của Đảng.
Thứ tư, nêu gương, tiên phong về phong cách công tác, quan hệ mật thiết với nhân dân. Không phải lời nói mà kết quả công việc với sự định tính và định lượng cụ thể, mới là thước đo sự tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện hiện nay, cán bộ, đảng viên phải có phong cách làm việc thật sự khoa học, dân chủ, thiết thực, sáng tạo và hiệu quả. Từ xưa đến nay, niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân luôn là cội nguồn sức mạnh của Đảng nên cán bộ, đảng viên phải tiên phong trong việc gần dân, trọng dân, thương dân, khiêm tốn học hỏi dân, tăng cường đối thoại với dân và giải quyết kịp thời những kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân theo phương châm “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh(14).
Thứ năm, nêu gương trong công tác tự phê bình và phê bình. Từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (2011), Đảng đã xác định tự phê bình và phê bình là “khâu đột phá” để xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhưng sau 10 năm sau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn đánh giá: “Nguyên tắc tự phê bình và phê bình không nghiêm”(15). Lúc này, cán bộ lãnh đạo phải có dũng khí trong thực hiện công tác tự phê bình và phê bình, tránh việc chỉ thấy cái sai của người khác mà không thấy cái sai của mình, tránh tâm lý chủ quan, ngộ nhận khi thường xuyên được cấp dưới “tâng bốc”, xu nịnh. Với cán bộ thường thì cần tránh thái độ bạc nhược, thấy sai không dám phê phán, thấy đúng không dám bảo vệ. Mặt khác, cũng phải kiên quyết tránh việc lợi dụng phê bình để “hạ bệ” lẫn nhau hoặc “tâng bốc” cấp trên. Việc phê bình phải xuất phát từ động cơ trong sáng, tình thương yêu đồng chí và sự tinh tế, chân thành theo tinh thần “phê bình việc làm chứ không phải phê bình người”(16) tức không mạt sát cá nhân và “phê bình không chỉ cần đúng mà còn cần khéo” để người bị phê bình không bị tổn thương, nhụt chí, xa lánh cấp trên.
Thứ sáu, nêu gương ở tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm, dám đối đầu với khó khăn, thách thức và dám từ chức. Ngày nay, khoa học - công nghệ phát triển như “vũ bão”, thực tiễn biến đổi rất nhanh và không ngừng đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết. Mỗi cán bộ, đảng viên phải phòng tránh căn bệnh bảo thủ, trì trệ để không ngừng đổi mới tư duy và phương pháp làm việc. Trong Quy định số 08 - Qđi/TW do Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương có một nội dung mới, rất đáng chú ý: Cán bộ, đảng viên cần nêu gương trong việc “chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”.
Từ chức khi không hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, khi phải chịu trách nhiệm chính trị về những sai phạm trong lĩnh vực mình phụ trách, là một trong những biểu hiện sinh động, cụ thể về liêm sỉ, lòng tự trọng và dũng khí của người cán bộ, đảng viên. Đó cũng là con đường rút lui trong danh dự cho những ai không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc hai Phó Thủ tướng là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam xin rút khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương bất thường (30/12/2022) đã hiện thực hóa chủ trương đó và góp phần xây dựng văn hóa từ chức của Đảng để việc “có lên, có xuống, có vào, có ra” trở thành việc bình thường trong công tác cán bộ với mục đích sàng lọc được những cán bộ tốt. Tuy nhiên, việc xem xét có cho cán bộ từ chức hay không là do cấp có thẩm quyền quyết định để không ai có thể mượn cớ từ chức hòng trốn tránh trách nhiệm với các hậu quả nghiêm trọng đã để lại.
Thứ bảy, gương mẫu trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch. Trước sự tấn công của lực lượng thù địch vào nền tảng tư tưởng của Đảng và bôi nhọ, thổi phồng khuyết điểm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ cấp cao nhằm phế bỏ quyền lãnh đạo của Đảng và thay đổi chế độ, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trước trong tình hình mới.
Muốn vậy, họ phải tăng cường học tập, tuyên truyền và đấu tranh với các luồng thông tin độc hại để xây dựng, làm lan tỏa niềm tin khoa học vào lý tưởng cộng sản, vào Đảng và sự nghiệp Đổi mới; “bóc trần” âm mưu, thủ đoạn, sự sai trái trong các luận điệu vu cáo của lực lượng thù địch, phản động. Họ cũng phải đúng mực trong việc phát ngôn, nhất là trên mạng xã hội, tránh lối nói “mập mờ” để kẻ xấu xuyên tạc. Quan trọng hơn cả, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự phòng tránh việc “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của chính mình, tổ chức mình, vì mỗi hành vi, việc làm sai trái của họ đều tạo “cơn cớ” để các thế lực thù địch gia tăng sự chống phá Đảng và chế độ.
Đúng như Hồ Chí Minh đã nói, “làm người” đã khó thì làm người cán bộ, đảng viên gương mẫu còn khó hơn rất nhiều. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu: “Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng”(17). Để đưa phương thức “nêu gương” thành “khâu đột phá” trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tiến trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thì ngoài việc xác định nội dung nêu gương, cần phải thực hiện đồng bộ, hệ thống thống các giải pháp say đây:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên về trách nhiệm nêu gương của mình trước Đảng, trước nhân dân.
Phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên hiểu rằng, việc “nêu gương” hiện nay không phải là khẩu hiệu, là khuyến nghị hay cuộc vận động mà là yêu cầu bắt buộc theo nguyên tắc: Cán bộ, đảng viên nào không gương mẫu trong mọi mặt, trước hết là trong việc hoàn thành nhiệm vụ của mình, người đó không xứng đáng là cán bộ, đảng viên của Đảng. Tuy nhiên, để “nêu gương” trở thành hành vi tự giác chứ không phải là sự “làm màu”, “đánh bóng” tên tuổi thì phải thức tỉnh trong mỗi cán bộ, đảng viên tinh thần “tự soi”, tự sửa theo lời căn dặn của Hồ Chí Minh: “Pháp luật không trị hết được. Tự mình phải gây ra cái pháp luật để trị mình”(18).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhấn mạnh: Danh dự mới là điều cao quý nhất. Khi danh dự, lòng tự trọng, liêm sỉ được đề cao thì tự nó sẽ tạo ra “đập chắn” trước những cám dỗ vật chất, danh vọng để cán bộ giữ được phẩm giá của mình, quyết tâm thực hiện 19 điều đảng viên không được làm theo Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương. Để thực hành nêu gương, tất yếu trong mỗi con người, tổ chức đều diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa việc “làm cho có” và việc “làm cho tốt”, giữa việc đi theo “lỗi cũ, đường mòn” hay đi theo con đường mới gian nan nhưng hiệu quả hơn… Điều quan trọng là, nhận thức phải đủ sâu, đủ mạnh để chuyển hóa thành hành động đúng đắn và nhất quán.
Hai là, tiến hành luật hóa và cụ thể hóa các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Nếu chỉ kêu gọi, giáo dục, thuyết phục cán bộ, đảng viên thực hành nêu gương mà thiếu những chế tài đi kèm thì hiệu quả sẽ không cao vì ý thức tự giác và hệ giá trị theo đuổi của mỗi cán bộ, đảng viên là khác nhau. Lúc này, cần “luật hóa” những quy định về nêu gương để những ai không thực hành tốt công tác nêu gương thì không chỉ vi phạm “Đảng cương” mà còn vi phạm “phép nước” và như thế họ đã tự loại bỏ mình khỏi tổ chức Đảng.
Mặt khác, cần tập hợp và tạo ra sự nhất quán, thống nhất trong các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên bởi hiện đang tồn tại nhiều quy định với sự trùng lặp, khó nhớ, khó thực hiện. Hiện nay, cơ cấu xã hội của cán bộ, đảng viên rất đa dạng: có cán bộ, đảng viên đang công tác và cán bộ, đảng viên đã nghỉ hưu; có đảng viên giữ chức vụ quản lý và đảng viên không giữ chức vụ; họ lại hoạt động ở những địa bàn và các lĩnh vực rất khác nhau. Vì thế, cần cụ thể hóa hơn nữa, sát thực tiễn hơn nữa những nội dung nêu gương để cán bộ, đảng viên dễ thực hiện và sự giám sát của tổ chức đảng, của nhân dân với hành động gương mẫu của cán bộ, đảng viên diễn ra thuận lợi hơn, hiệu quả hơn.
Ba là, phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong việc thực hiện trách nhiệm nêu gương theo nguyên tắc “trên trước, dưới sau”.
Nêu gương là một công cụ và thuộc tính của lãnh đạo. Cán bộ lãnh đạo càng ở chức vụ cao thì sự tác động, ảnh hưởng trong Đảng, trong dân càng lớn. Do đó, cán bộ chủ chốt các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp cao (Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Trung ương) phải là những người tiên phong trong số những người tiên phong. Cấp dưới luôn “nhìn” vào sự gương mẫu của cấp trên để hành động; sự lan truyền này diễn ra trong toàn hệ thống chính trị và lan tỏa trong toàn xã hội. Ngược lại, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”; “thượng” càng “bất chính” thì “hạ” càng “loạn” to. Người lãnh đạo là người hoạt động chính trị nên họ phải “chính” rồi mới “trị” chứ không phải “trị” bằng quyền lực vô minh, bất chính. Nếu họ không đủ những phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ, “kỳ đức không xứng y phục” thì dù “danh” có cao bao nhiêu cũng chỉ là “hư danh” và nguy cơ “mất danh” có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Xuất phát từ vị thế, ảnh hưởng của người đứng đầu, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh nguyên tắc “chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”(19) và yêu cầu: “Người đứng đầu các cấp phải thực sự mẫu mực, nói đi đôi với làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, nhân dân lên trên hết, trước hết”(20). Đây chính là giải pháp “đột phá” của công tác xây dựng Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay.
Bốn là, nâng cao vai trò của chi bộ, cấp ủy cơ sở trong việc tổ chức, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên.
Là tổ chức trực tiếp quản lý đảng viên, chi bộ là nơi biết rõ nhất, từng đảng viên của mình thực hành nêu gương ra sao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ít sai phạm lớn được phát hiện thông qua sinh hoạt Đảng thường kỳ tại các chi bộ, đảng bộ cơ sở. Đây chính là một dấu hiệu sa sút về sức chiến đấu của tổ chức đảng. Để phát huy trách nhiệm nêu gương, cần lấy chi bộ làm “đầu mối” để cán bộ đăng ký, cam kết nêu gương sao cho phù hợp với cương vị công tác, nhiệm vụ được giao. Việc tổng kết, đánh giá cuối năm phải căn cứ vào kết quả cam kết mang tính “lượng hóa cao”. Trong đánh giá việc thực hiện trách nhiệm nêu gương tại chi bộ, cần khắc phục hiện tượng “dễ người, dễ ta” để rồi “hòa cả làng” và tất cả “cùng thắng”.
Năm là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra của Đảng, Chính phủ, sự giám sát của nhân dân và báo chí về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Kiểm tra, giám sát là một phương thức lãnh đạo của Đảng; nếu không làm tốt công tác kiểm tra thì việc triển khai trên thực tế dễ rơi vào tình trạng “đánh trống, bỏ dùi”, “đầu voi, đuôi chuột”, “trên nóng, dưới lạnh”, thậm chí không triển khai thực hiện. Đại hội XIII đã xác định: “Coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định nêu gương”(21).
Cần lưu ý, đây không phải là kiểm tra, giám sát nói chung mà là kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực nêu gương. Sự nêu gương của người đảng viên phải được thể hiện ở 3 phương diện chính là trong suy nghĩ, hành động và sự thụ hưởng theo phương châm, sự hưởng thụ phải thấp hơn mức độ cống hiến và “khi cống hiến thì phải nhìn lên và khi hưởng thụ phải nhìn xuống”.
Có thể nói, nêu gương là con đường ngắn nhất để thu phục nhân tâm, truyền dẫn cảm hứng cho quần chúng nhân dân nên lãnh đạo bằng sự nêu gương là cách lãnh đạo hiệu quả nhất. Vì thế, cần đưa “nêu gương” trở thành tinh thần tự nguyện, tự giác, là phẩm chất căn cốt của mỗi cán bộ, đảng viên và thành văn hóa lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự thực hành nêu gương tất yếu đòi hỏi lòng dũng cảm, đức hy sinh, quyết tâm cao độ nhưng nó không chỉ góp phần nâng tầm văn hóa lãnh đạo, cầm quyền của Đảng mà còn giúp mỗi cán bộ, đảng viên tìm thấy ý nghĩa, giá trị đích thực của cuộc đời bởi lịch sử đã chứng minh: “Những phường bất nghĩa tiêu vong/ Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”(22)./.
____________________________________________________
(1) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, H., T.14, tr.223.
(2), (20) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đai biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H., T.II, tr.238, 226.
(3) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Sđd, T.1, tr.284.
(4) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Sđd, T.6, tr.16.
(5), (8), (9), (18) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Sđd, T.8, tr.98, 52, 467-468, 7.
(6) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Sđd, T.15, tr.671.
(7), (10), (12) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Sđd, T.7, tr.54, 415, 55.
(11), (16) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Sđd, T.5, tr.319, 272.
(13), (17), (19), (21) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd. T.I, tr.74-75, 184, 27, 184.
(14) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Sđd, T.4, tr.51.
(15) Nguyễn Phú Trọng (2022), Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, in trong sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. CTQG, H., tr.377.
(22) Trương Hán Siêu, Bạch Đằng giang phú.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 01/2023
Bài liên quan
- Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng - điều kiện để xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về “đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng”, tăng cường xây dựng văn hoá Đảng
- Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao dân trí
- Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- 3 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 4 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Phản ứng của Trung Quốc đối với chính sách hành động hướng đông của Ấn Độ
Năm 2024 đánh dấu chặng đường 10 năm Ấn Độ điều chỉnh từ chính sách Hướng Đông sang Chính sách Hành động hướng Đông (AEP) kể từ lần đầu tiên Thủ tướng N. Modi đề cập trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á năm 2014 ở Myanmar. Đối với Trung Quốc, trong quá trình Ấn Độ triển khai AEP, mặc dù chính phủ nước này không đưa ra các tuyên bố chính thức nhưng từ thực tế quan hệ Ấn - Trung, có thể thấy Trung Quốc có các động thái kiềm chế sự điều chỉnh, mở rộng về phạm vi địa lý, lĩnh vực hợp tác và đối tác của Ấn Độ. Theo đó, Trung Quốc đã triển khai chính sách vừa hợp tác, vừa phòng ngừa rủi ro với Ấn Độ để phân tán sự triển khai và hiệu quả của AEP. Thông qua việc phân tích đánh giá phản ứng của Trung Quốc đối với AEP của Ấn Độ, kết quả nghiên cứu cho thấy, phản ứng của Trung Quốc đối với AEP là một phần trong chuỗi chiến lược toàn cầu nhằm kiềm toả sự gia tăng quyền lực và ảnh hưởng của Ấn Độ không những ở Đông Nam Á, Đông Á mà còn toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các động thái này của Trung Quốc đối với AEP của Ấn Độ cũng phần nào ảnh hưởng đến Việt Nam nói riêng và quan hệ Việt - Ấn nói chung.
Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là công trình lý luận kết tinh trí tuệ của Đảng và nhân dân Việt Nam; là sự quán triệt, thể hiện và khẳng định nội dung, giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cuốn sách cũng đồng thời hàm chứa những chỉ dẫn sâu sắc, quý báu đối với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng - điều kiện để xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng - điều kiện để xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Là người sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo Người, xây dựng, chỉnh đốn Đảng không tách rời cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Đây là cuộc đấu tranh không kém phần cam go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về “đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng”, tăng cường xây dựng văn hoá Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh về “đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng”, tăng cường xây dựng văn hoá Đảng
Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức, xây dựng và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cách mạng giành độc lập, thống nhất nước nhà xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhấn mạnh đến sự lớn mạnh của Đảng, trong bài phát biểu kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát và khẳng định “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”(1). Điều này có ý nghĩa khẳng định, rằng những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam giành được trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong đó, với những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước 35 năm qua, cũng chính là thành tựu to lớn có được từ việc luôn củng cố và xây dựng một Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện trên cơ sở của việc không ngừng “đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng (2) nền tảng của xây dựng văn hoá Đảng, tạo nên sức mạnh nội sinh cho năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt chặng đường hơn 90 năm kể từ khi thành lập đến nay.
Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
Xuất phát từ vai trò, vị thế, sứ mệnh lãnh đạo giai cấp và dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiên phong là “thuộc tính” hàng đầu của người đảng viên chân chính. Yêu cầu phát triển của cách mạng nước ta hiện nay đòi hỏi sự nêu gương, tiên phong của mỗi đảng viên phải trở thành ý thức tự giác cao độ. Trên cơ sở phân tích quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương và thực trạng vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay, tác giả đề xuất nội dung và giải pháp thực hiện nhằm đưa phương thức nêu gương trở thành văn hóa của Đảng, để Đảng mãi mãi đồng hành và xứng đáng là lực lượng tiên phong lãnh đạo toàn dân tộc.
Bình luận