Trần Huy Liệu: Nhà báo - người lữ hành không biết mệt mỏi
Tung hoành trong làng báo Nam Kỳ
Trần Huy Liệu sinh ngày 05/11/1901 trong một gia đình có truyền thống Nho học và yêu nước tại làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Cha ông là Trần Huy Trình, tục gọi là cụ Đồ Trình, một người đã từng lăn lộn nơi cửa Khổng sân Trình nhưng không đỗ đạt, đành hành nghề dạy học trong vùng. Ông có người anh cả là Trần Huy Chước, thường được gọi là Tú Chước, học giỏi nhưng mãi 30 tuổi mới đỗ tú tài, xong chẳng may ngã bệnh chết sớm. Trần Huy Liệu là con út trong nhà, được cha mẹ bù trì, chăm lo cho theo con đường cựu học với hy vọng đổi đời, lên 6 tuổi đã phải theo cha đi xa nhà học chữ Nho. Ông thông minh, học ít biết nhiều, 14 - 15 tuổi đã thông làu kinh sử, trở thành niềm hy vọng của gia đình. Nhưng sự đời éo le chẳng chiều lòng người, đúng lúc công đèn sách của ông có cơ được đền đáp thì nền khoa cử Nho học đã khép lại. Năm 1915, khóa thi Hương cuối cùng tổ chức ở trường thi Nam Định. Ông đành nối nghiệp cha làm nghề gõ đầu trẻ.
Sau khi cụ Đồ Trình mất không lâu, cụ bà cũng ra đi, hoàn cảnh gia đình Trần Huy Liệu càng khó khăn. Cả vùng quê Vụ Bản, tỉnh Nam Định, cũng lâm vào hoàn cảnh đói kém, mấy năm liền bị vỡ đê, lũ lụt, mất mùa, quân Pháp càn quét đốt làng, trong đó có cả ngôi nhà của gia đình ông. Đang trong lúc khó khăn, túng quẫn, nghe theo lời khuyên của thầy dạy cũ là Bùi Trình Khiêm, Trần Huy Liệu để vợ con ở lại quê, dứt áo lên đường vào Nam làm báo kiếm sống. Trong suy nghĩ của ông lúc đó, Sài Gòn là nơi đất mới, lại là xứ thuộc Pháp nên cuộc sống chắc cũng dễ thở hơn là xứ Bắc Kỳ. Vả lại, ông cũng đã từng ít nhiều làm quen nghề làm báo với việc viết bài đăng trên Nam Phong, Thực Nghiệp dân báo ở Hà Nội. Bởi thế, ông đặt nhiều hy vọng vào con đường Nam tiến.
Tháng 9/1923, Trần Huy Liệu cùng gia đình thầy học Bùi Trình Khiêm đi tàu thủy từ Đồ Sơn vào Sài Gòn. Tháng 6/2924, qua giới thiệu của một người quen là Quốc Biểu, ông được nhận vào làm Chủ bút cho tờ Nông Cổ mín đàn cùng với Lâm Hiệp Châu làm chủ nhiệm. Báo Nông Cổ mín đàn bắt đầu xuất bản số 1 từ ngày 01/8/1901, là một trong những tờ báo vào loại sống lâu nhất ở Sài Gòn hồi đó. Chủ nhiệm đầu tiên của báo là một người Pháp tên là Canavago. Tòa soạn báo ban đầu ở số nhà 82, phố Pellerin (nay là phố Pasteur), về sau chuyển đến số nhà 76 cùng phố(2). Chủ nhân của báo thời kỳ đó là Lê Thành Tường, người hầu như không can thiệp, để mặc cho Trần Huy Liệu và Lâm Hiệp Châu tập hợp bài vở, tin tức, biên tập nội dung tờ báo.
Dưới sự quản lý của Trần Huy Liệu và Lâm Hiệp Châu, Nông Cổ mín đàn từ tờ báo chủ trương ngồi uống nước chè bàn chuyện làm ruộng và đi buôn trở thành báo “nói chuyện chủ yếu về chính trị”. Trần Huy Liệu viết bài, đưa tin về mọi vấn đề, sự kiện chính trị trong nước, ngoài nước, bất kể những chuyện đó có làm cho chính quyền thực dân khó chịu hay không. Ông cũng không nương tay trong các bài báo tố cáo bọn địa chủ, ác bá, con nhà giàu, cậy quyền thế mà bóc lột người dân, chèn ép người nghèo, hãm hại những người hiền lành, thấp cổ bé họng. Trong hồi ký, ông nhớ lại: “Bài đầu tiên của tôi đã nảy lửa khi nói đến tiếng bom của liệt sỹ Phạm Hồng Thái vừa nổ ở Quảng Châu”.
Ngay lập tức, bài báo bị Ty Kiểm duyệt xóa bỏ. Rồi từ đó, cứ có bài ký tên Đẩu Nam đều bị Ty Kiểm duyệt cắt bỏ. Trong các số báo sau, ông chuyển sang ký tên Côi Vị, nhưng rồi không khó gì để Ty Kiểm duyệt không nhận ra cái “giọng chính trị” của ông để cắt bỏ. Lúc đầu, kiểm duyệt cắt bài này thì ông thay bài khác bù vào để in báo. Về sau, tòa soạn bỏ trắng những bài bị kiểm duyệt, coi như một hình thức phản kháng, tố cáo với bạn đọc việc báo bị nhà cầm quyền o ép, bịt mồm, chặn họng. Việc bỏ trắng những bài báo bị kiểm duyệt lại tạo thành phản ứng tích cực đối với người đọc. “Tờ báo càng bỏ trắng nhiều thì bạn đọc càng thương, càng thích, số người mua báo càng tăng”(3).
Sau nhiều lần cảnh báo, đe dọa của chính quyền thực dân, ông chủ Lê Thành Tường buộc phải chấm dứt hợp tác với Trần Huy Liệu và Lâm Hiệp Châu. Tuy nhiên, ngay cả khi hai nhà báo ấy đã rời khỏi tòa soạn thì số phận tờ báo cũng không thể cứu vãn được. Nguyên do là trước đó, báo đã đăng bài tố cáo Trần Trinh Huy, một tay công tử Bạc Liêu, về tội giết người và bị anh ta khởi kiện. Kết quả là, ngày 04/11/1924, báo Nông Cổ mín đàn bị đình bản, kết thúc lịch sử tồn tại hơn 23 năm.
Rời khỏi báo Nông Cổ mín đàn, Trần Huy Liệu xoay ra làm báo “trá hình sách” để lách luật. Theo luật lệ của chính quyền thực dân Pháp thời đó, sách xuất bản không phải xin phép, không phải chịu kiểm duyệt trước khi in, nhưng phải nộp 6 bản cho 3 cơ quan là Sở Mật thám, Ty Kiểm duyệt và Tòa án trước 24 giờ mới được phát hành. Trần Huy Liệu chủ trì ra “sách” Ngòi bút sắt, mỗi tuần một quyển. Là sách nhưng trang bìa có ghi tên chủ nhiệm, chủ bút, giá bán hằng tháng, hằng năm, bên trong có phân ra các mục nội dung. Cuối năm 1924, Ngòi bút sắt I đã xuất bản số đầu tiên với một vạn bản. “Sách” Ngòi bút sắt I được “đông đảo độc giả hưởng ứng, bán đắt như tôm tươi” do “nói năng mạnh mẽ”. Nhưng cũng do sự “nói năng mạnh mẽ” của Ngòi bút sắt I mà Trần Huy Liệu bị Chánh mật thám Arnoux sờ gáy, gọi lên Sở Mật thám ở phố Catinat để đe dọa. Đồng thời, Sở Mật thám cũng ra mặt cấm các nhà in không được in Ngòi bút sắt. Kết cục là tờ Ngòi bút sắt bị bóp chết không phải do lệnh đình bản, mà do không có nhà in nào dám in nó.
Sau thời gian làm Chủ bút báo Nông Cổ mín đàn rồi báo Ngòi bút sắt, Trần Huy Liệu đã trở thành một người làm báo có tiếng tăm ở Sài Gòn. Khi các báo này bị chính quyền cai trị ngăn cấm, ông Chủ bút Trần Huy Liệu càng được người đọc thương yêu, các chủ báo có tinh thần dân tộc nể trọng. Có lẽ vì thế mà cuối năm 1924, sau khi rời tòa soạn Nông Cổ mín đàn, Trần Huy Liệu liền được Nguyễn Kim Đính chủ báo Đông Pháp thời báo mời về làm Chủ bút. Đông Pháp thời báo xuất bản số đầu ngày 02/5/1923, một tuần 3 số vào các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu, mỗi số 1.300 bản. Tòa soạn báo ở số nhà 71, phố Mac Mahon, nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Vào thời điểm cuối năm 1924, Đông Pháp thời báo đang lâm vào hoàn cảnh khốn khó cùng cực. Tòa soạn chồng chất nợ nần đến nỗi chủ báo nhiều khi phải đi trốn người đòi nợ. Lại thêm báo bị kiện phải bồi thường đến 10 vạn đồng vì tội phỉ báng cá nhân.
Dưới sự chèo chống và những “thủ thuật nhà nghề” của Trần Huy Liệu và những người cộng sự, tờ báo dần dần đã hồi sinh trở lại. Nhân có vụ xô xát giữa một người mua hàng với chủ tiệm chuyên bán vải Bombay ở phố Catinat, báo chí Sài Gòn đưa tin kích động tạo thành một phong trào tẩy chay hàng vải Bombay và tẩy chay luôn hàng ngoại hóa. Theo cao kiến của Trần Huy Liệu, Đông Pháp thời báo một mặt cũng hòa giọng khen ngợi tinh thần yêu nước, tự trọng dân tộc của của phong trào tẩy chay hàng ngoại hóa, đồng thời cũng phê phán, coi đó không phải là giải pháp căn bản nếu không chấn hưng hàng nội để có hàng hóa thay thế cho hàng ngoại.
Vậy là Đông Pháp thời báo trở thành tờ báo đề xuất một sáng kiến yêu nước, mở ra một phong trào cổ động cho phát triển sản xuất và khuyến khích dùng hàng nội hóa, được người đọc nhiệt liệt hoan nghênh, ủng hộ. Về lâu dài, Đông Pháp thời báo mở mục “Phê bình văn chương các báo”, chuyên lôi những chuyện văn chương, chữ nghĩa của các báo bạn ra để phê bình, từ đó tạo ra những cuộc bút chiến ồn ào. Đối với những sự kiện chính trị trong nước như: Cụ Phan Chu Trinh từ Pháp trở về, Cụ Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải đưa về Hà Nội, Toàn quyền Varenne sang Đông Dương, dân chúng biểu tình đòi ân xá Cụ Phan Bội Châu,… Đông Pháp thời báo tìm cách đưa tin thật nổi so với các báo khác. Báo còn mở riêng một mục “Gương ái quốc”, đăng các bài ca ngợi tinh thần yêu nước, phê phán những tư tưởng cải lương, khuất phục trước kẻ thù dân tộc.
Nhờ những “thủ thuật nghề nghiệp”, những vụ “xì-căng-đan có chủ ý” ấy, bạn đọc tìm đến báo, mua báo nhiều hơn, Đông Pháp thời báo cũng lớn mạnh lên. Từ chỗ chỉ in 1.300 bản mỗi số, báo in đến 11.000 bản mỗi số. Từ chỗ nợ nần chồng chất, ông chủ báo Nguyễn Kim Đính đã “có nhà in lớn, có đồn điền cao su, có chân trong Hội đồng Thuộc địa (Conseil Colonial), đảng viên Đảng Lập hiến”. Sự thành công của chủ báo lại là nguồn cơn cho sự ra đi của ông Chủ bút của báo. Ngày 15/8/1926, Trần Huy Liệu đăng bài cáo biệt bạn đọc trên tờ Đông Pháp thời báo, dứt áo ra đi khi chủ báo quyết định đổi nó thành cơ quan của Đảng Lập hiến. Mặc dù là người dành nhiều tâm huyết cho tờ báo, có công đầu cứu vãn tờ báo trong lúc khốn khó, mang lại danh tiếng và tiền bạc cho nó, và cũng chưa biết sẽ đi đâu, làm gì, nhưng Trần Huy Liệu vẫn kiên quyết ra đi. Lý do rất rõ ràng, “không thể ngồi ghế chủ bút lâu hơn một ngày nữa để nhìn tờ báo đổi thành cơ quan tuyên truyền của bọn dối dân lừa nước”(4). Sau khi Chủ bút Trần Huy Liệu ra đi, Đông Pháp thời báo cũng dần tàn lụi và chỉ trụ lại trong làng báo Sài Gòn được hơn hai năm nữa.
Đầu năm 1927, Trần Quang Nghiêm, Hội trưởng Hội Nam Kỳ khuyến học xin được giấy phép xuất bản báo Pháp Việt nhứt gia(5). Vốn là chỗ quen biết từ trước và cũng có lòng mến phục tài năng của Trần Huy Liệu nên Trần Quang Nghiêm mời ông về làm Chủ bút cho tờ báo. Như cá gặp nước, rồng gặp mây, Trần Huy Liệu cùng các cộng sự bắt tay vận dụng các “thủ thuật nghề nghiệp”, xây dựng tờ báo, thu hút người đọc. Đúng lúc tờ báo bắt đầu có được chỗ đứng trong lòng người đọc, số bản phát hành tăng lên, việc kinh doanh có dấu hiệu ăn nên làm ra thì chủ báo quyết định đòi lại báo làm Cơ quan ngôn luận cho đạo Cao Đài.
Tiếc công gây dựng và không muốn tờ báo rơi vào tay người khác, Trần Huy Liệu và cộng sự thân tín Lê Thành Lư quyết định làm một số báo tất tay, viết cho hả dạ, chửi cho đã nỗi lòng bấy lâu kìm nén, không phải kiêng dè mật thám, kiểm duyệt. Ông nhớ lại: “Đêm ấy tôi đã thức suốt đêm để viết bài cho đầy trang báo với một phấn khởi vô cùng, vì từ khi làm nghề viết báo, lần này là lần đầu tiên tôi được viết hoàn toàn tự do trước mũi bọn kiểm duyệt...”(6). Kết quả là sau khi số báo ấy phát hành, báo Pháp Việt nhứt gia bị đóng cửa, tòa soạn bị mật thám lục soát, ông chủ bút Trần Huy Liệu bị tống giam 6 tháng vào Khám Lớn, Sài Gòn.
Ra tù khoảng cuối năm 1927, Trần Huy Liệu lập ra Cường học thư xã, chuyên xuất bản sách về những tấm gương yêu nước, thương nòi. Một loạt tác phẩm của ông đã chào đời ở nhà nhà xuất bản này như: “Anh hùng khứ quốc - Ông Nạp Nhĩ Tốn (Nellson)” năm 1927; “Một bầu tâm sự” năm 1927; “Gương hy sinh” năm 1928; “Khai quốc vĩ nhân” (viết chung với Đào Khắc Hưng) năm 1927; “Ngục trung ký sự” năm 1929; “Câu chuyện chung” năm 1929. Sách Một bầu tâm sự của Trần Huy Liệu mở đầu: “Nói đến tình cảnh quốc dân ta ngày nay thì khách hữu tâm ai cũng đến chép miệng mà than rằng: Buồn lắm! Thảm lắm! Khổ lắm! Tức lắm! Sỉ nhục lắm! Đau đớn lắm! Cái nước non này ngày trước như thế, mà ngày nay như thế, rồi sau này nữa ra sao?”(7). Tiếng lòng xót xa, buồn đau cho tình cảnh đất nước, giống nòi ấy không chỉ ở Một bầu tâm sự, mà là hồn cốt tinh thần của tất cả sách của Trần Huy Liệu mà Cường học thư xã xuất bản.
Sau khi Cuộc khởi nghĩa Yên Bái và Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bùng nổ, chính quyền thực dân Pháp ra tay đàn áp bỏ tù hàng loạt những người tham gia các tổ chức cách mạng, thậm chí chỉ có dấu hiệu chống đối chế độ cai trị của người Pháp, hòng duy trì trật tự xã hội, đề phòng những cuộc phản kháng về sau. Với “thành tích” chính trị đặc biệt nguy hiểm - đảng viên Quốc dân Đảng, người sáng lập và cầm đầu Đảng Thanh niên, nhà báo, nhà xuất bản nổi tiếng tuyên truyền chống chính quyền, Trần Huy Liệu trở thành đối tượng đầu tiên bị chính quyền thực dân “quan tâm”. Tháng 8/1930, ông bị bắt, bị kết án 5 năm tù khổ sai, bị đưa ra Côn Đảo và giam giữ ở trại giam Hòn Cau.
Trong những năm tháng bị giam cầm ở Côn Đảo, Trần Huy Liệu có dịp sống, học tập và chia sẻ nhận thức chính trị với các tù nhân cộng sản. Từ sự cảm phục tinh thần đấu tranh bất khuất của những người cộng sản, với những tri thức chính trị thu nhận được từ các lớp học chính trị đặc biệt, các tài liệu bí mật truyền tay nhau trong các phòng giam, Trần Huy Liệu đã tuyên bố từ bỏ Quốc dân Đảng, đứng hẳn về lập trường cách mạng của Đảng Cộng sản. Ông trực tiếp tham gia cùng các tù nhân cộng sản ra các tờ báo bí mật Hòn Cau tuần báo (1931-1934), Tiếng sóng bể còn có tên là Qua tiếng sóng hận (1932-1933), để bí mật truyền tay giữa các phòng giam, động viên tinh thần đấu tranh, niềm tin vào thắng lợi của cách mạng và truyền bá, giáo dục chính trị các bạn tù cùng chí hướng.
Những ngày làm báo sôi nổi ở Bắc Kỳ
Cuối năm 1934, Trần Huy Liệu hết hạn tù ở Côn Đảo, bị chính quyền thực dân Pháp đưa về quản thúc tại quê nhà, làng Vân Cát. Ruộng vườn, nhà cửa ở quê đã bán hết nên ông phải ở nhờ nhà một người cháu. Phần vì muốn tìm cách liên hệ với tổ chức đảng, phần vì ở quê cũng chẳng biết làm gì kiếm sống trong điều kiện bị o ép, theo dõi sát sao, vì thế cuối tháng 3/1935, Trần Huy Liệu nhận lời mời của Nguyễn Đình Kính - một người vừa mới được thả tự do từ nhà tù Sơn La, lên Hà Nội làm báo Đời mới.
Báo Đời mới ra hằng tuần, có trụ sở tòa soạn ở số nhà 17, Hàng Khoai, ra số thứ nhất ngày 24/3/1935. Báo do Lê Văn Hòe làm giám đốc, Nguyễn Mạnh Chất làm quản lý. Cùng làm việc ở tòa soạn báo còn có Thành Thế Vỹ và Nguyễn Đức Kính. Nhân sự tham gia làm báo Đời mới toàn là các chính trị phạm mới ra tù hoặc các nhân vật có dính líu đến hoạt động chính trị. Trước lúc đến làm việc ở báo Đời mới, Trần Huy Liệu phải đến sở mật thám Hà Nội trình báo, viên mật thám Fleurot đã cảnh báo rằng, “ông lại tìm vào cái ổ cộng sản rồi!”.
Khi Trần Huy Liệu đến làm việc thì Đời mới đã xuất bản được 1 số. Tòa soạn hoạt động theo kiểu “tự do” không thể hơn, nghĩa là ai viết gì đăng nấy, không có việc biên tập hay phê duyệt. Trần Huy Liệu tham gia ngay từ số 2 của báo với thiên Côn Lôn ký sự viết về những ngày tháng bị giam cầm và chế độ lao tù khắc nghiệt ở hòn đảo “địa ngục trần gian” này. “Còn nhớ hồi tôi mới tới Côn Lôn, cùng một chuyến tàu chở tôi có chở theo nhiều cá khô, người ta mở hầm tàu để dỡ cá khô đem xuống, chúng tôi thấy những sọt cá khô mục nát và đen sì hòa với mùi vôi bột đưa hơi nồng lên tận mũi. Rồi chúng tôi lại nghĩ nó sẽ là món đồ ăn duy nhất của mình trong khoảng mấy năm trường thì thấy ghê sợ quá!”(8) - đó là mô tả trong Côn Lôn ký sự về thứ cá gọi là “khô mục” - món ăn chủ yếu của những người tù ở Côn Đảo. Với giọng điệu như thế, chắc rằng Côn Lôn ký sự cũng góp một phần vào việc làm cho chính quyền thực dân hăng mũi, không chịu nổi. Đời mới chỉ ra được 7 số thì bị rút giấy phép. Sau khi báo Đời mới đóng cửa, Trần Huy Liệu cùng Nguyễn Đức Kinh, Nguyễn Mạnh Chất xoay sang làm tờ Tiếng vang làng báo mới có giấy phép xuất bản. Tờ báo này cũng chỉ phát hành được 1 số đã bị đóng cửa, Trong khi chờ thời cơ trở lại làm báo, ông viết tiểu thuyết lịch sử Khởi nghĩa Thái Nguyên rồi bán bản quyền cho Bảo Ngọc văn đoàn lấy tiền trang trải cuộc sống.
Được người bạn là Nguyễn Thượng Nghi giới thiệu với Nguyễn Thượng Văn đang làm Chủ nhiệm tờ Kiến văn, cuối tháng 12/1935, Trần Huy Liệu đến làm cho tờ báo này. Theo quy định của giấy phép, Kiến văn không có bài vở, tin tức mới mà chỉ được đăng lại bài trên các báo, tạp chí khác. Trong Hồi ký của mình, Trần Huy Liệu giải thích về cách làm báo ở tờ Kiến văn rằng, “tôi không có cách nào làm khác hơn là dịch đăng những bài báo tiến bộ bằng Trung văn hay Pháp văn, rồi mỗi bài phủ cho nó một cái “mũ”(9). Cho dù chỉ đăng tải lại bài ở các báo, tạp chí khác, xong Kiến văn cũng không làm cho chính quyền vừa lòng. Kết quả là ngày 1/5/1936, nó bị rút giấy phép, buộc phải đóng cửa sau khi xuất bản được 12 số báo. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của Kiến văn chính là ở cách mà Trần Huy Liệu chọn bài để trích dịch và đăng lại gồm “những bài báo tiến bộ” của các báo, tạp chí Pháp văn và Trung văn, làm cho nhìn vào tờ báo, “ai cũng thấy nó chống đối với chế độ hiện thời”(10).
Kết thúc tờ Kiến văn, Trần Huy Liệu chuyển sang làm tờ Hồn trẻ. Tranh thủ điều kiện Chính phủ Léon Blum của Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp, nới lỏng sự kiểm soát tại các thuộc địa, Nguyễn Thế Rục và những người cộng sản hoạt động ở Hà Nội đã vận động Nguyễn Mạnh Đang chủ nhiệm báo Hồn trẻ cho sử dụng báo dưới tên mới Hồn trẻ tập mới để tuyên truyền cho đường lối của Đảng, ủng hộ Mặt trận Bình dân, hưởng ứng cuộc vận động Đông Dương Đại hội, giác ngộ quần chúng, tập hợp lực lượng cách mạng. Báo Hồn trẻ tập mới vẫn do Nguyễn Mạnh Đang làm chủ nhiệm, nhưng nội dung hoàn toàn do những người cộng sản tổ chức thực hiện. Trụ sở tòa soạn báo đặt tại số 11, phố Hàng Cót, Hà Nội. Hồn trẻ tập mới số 1 ra ngày 6/6/1936, số cuối số 12, ra ngày 27/8/1936(12). Cùng tham gia viết cho Hồn trẻ tập mới có Nguyễn Thế Rục, Hải Triều, Hải Thanh, Lâm Mậu Quang, Hồ Xanh, Dương Lĩnh... Trần Huy Liệu lấy bút danh là Hải Khách và Hải Thu, viết bài giới thiệu đường lối, chủ trương của Mặt trận Bình dân Pháp, phân tích lên án chế độ thuộc địa thực dân ở Việt Nam và nêu lên những yêu cầu đòi dân chủ, thả tù chính trị, cải thiện dân sinh.
Hồn trẻ bị đóng cửa cuối tháng 8/1936, sang đầu tháng 9/1936, Trần Huy Liệu đã tham gia làm tờ Le Travail. Tuần báo Le Travail xuất bản bằng tiếng Pháp theo sáng kiến của một số giáo sư trường Thăng Long. Báo do Nguyễn Văn Tiến làm Chủ nhiệm, Trịnh Văn Phú làm Quản lý. Trụ sở tòa soạn báo tại số nhà 28, phố Nguyễn Trãi, sau đổi đến số 21, phố Đường Thành, Hà Nội. Số 1 của báo ra ngày 16/9/1936; số cuối - số 30 ra ngày 16/4/1937. Cùng với Trần Huy Liệu, nhóm những người ban đầu làm báo Le Travail còn có: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thế Rục, Trịnh Văn Phú, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Thai Mai, Trần Đình Long… Vài tháng sau, một số đảng viên cộng sản được ra tù như: Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh), Khuất Duy Tiến, Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt), Tống Phúc Chiểu, Đặng Châu Tuệ, cũng góp mặt trong ban biên tập của Le Travail. Đặng Xuân Khu được Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương cử làm bí thư chi bộ cộng sản, trực tiếp chỉ đạo nội dung thông tin tuyên truyền của tờ báo.
Ngoài việc viết báo, Trần Huy Liệu còn cùng các đồng nghiệp biến tòa soạn Le Travail thành một trung tâm của phong trào vận động dân chủ, đấu tranh đòi cải thiện dân quyền, dân sinh. Trong thời gian đón Lao công Đại sứ Jusstin Godart, Toàn quyền Brévié, tòa soạn Le Travail trở thành địa chỉ tin cậy cho nhân dân các giới đến gửi yêu sách, nhờ cậy hướng dẫn thể hiện nguyện vọng. Tòa báo phân công người thay nhau tiếp dân, phiên dịch các yêu sách ra tiếng Pháp, hướng dẫn nhân dân cách thức đấu tranh, phân công nhau xuống phố tham gia tổ chức những cuộc biểu tình. Đặc biệt, nhóm Travail còn giới thiệu Trịnh Văn Phú ra tranh cử vào Viện Dân biểu Bắc Kỳ và vận động để ứng viên thắng cử.
Lợi dụng việc Tuần phủ Phúc Yên kiện, đòi Le Travail bồi thường danh dự về vụ đăng bài tố cáo ông ta đánh người, chính quyền thực dân lệnh cho tòa án xử phạt thật nặng để triệt đường sống của báo. Trước án phạt 6.000 franc Pháp mà tòa xử, Le Travail buộc phải đóng cửa mà không cần đến quyết định rút giấy phép. Sau khi Le Travail đóng cửa, Trần Huy Liệu cùng Nguyễn Đức Kính, Trần Đình Long về làm Hà thành thời báo, rồi tiếp đến báo Thời thế. Đây đều là những tờ báo do những người có cảm tình với cách mạng đứng ra xin giấy phép của chính quyền rồi “bán cái” cho những người cộng sản để nhận một khoản tiền khoán hằng tháng.
Vừa làm báo, Trần Huy Liệu cũng tham gia cuộc vận động tổ chức Hội nghị báo giới Bắc Kỳ. Trong các cuộc họp của báo giới Hà Nội, ông là diễn giả lên tiếng ủng hộ Mặt trận Bình dân, tố cáo “bọn nhà báo tay sai phản động thuộc địa”, phản đối chính sách kìm kẹp báo chí, bóp nghẹt dư luận của chế độ đương thời. Tại Đại hội Báo giới Bắc Kỳ lần thứ I họp ngày 24/4/1937, nhà báo Võ Nguyên Giáp được bầu làm Chủ tịch, nhà báo Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Mặc dù Hội nghị báo giới toàn Đông Dương không được tổ chức nhưng phong trào vận động cũng để lại tiếng vang trong đời sống, góp phần đánh thức tinh thần tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của những người làm báo đối với đất nước và nhân dân.
Không bao lâu sau khi báo Le Travail bị đóng cửa, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định xuất bản báo Tin tức làm cơ quan tuyên truyền công khai của Đảng dưới danh nghĩa Cơ quan của Mặt trận Dân chủ. Báo do Xứ ủy viên Đặng Xuân Khu phụ trách và trực tiếp làm Giám đốc chính trị, Trần Huy Liệu được cử làm chủ bút, nhưng các chức danh này không công khai trên mặt báo. Trụ sở báo đặt tại số nhà 105, phố Henry D’Orléan, Hà Nội, nay là phố Phùng Hưng. Tin tức số 1 ra ngày 02/4/1938 và số cuối - số 43 ra từ ngày 15 đến 19/10/1938. Tham gia Ban biên tập Tin tức có: Trần Đình Long, Đào Duy Kỳ, Trần Đình Tri, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Văn Năng, Trần Đức Sắc, Nguyễn Thượng Khanh, Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam), Nguyễn Văn Phúc, Lê Văn Thọ... Theo giấy phép, Tin tức là nhật báo, nhưng do khó khăn về tài chính nên lúc đầu chỉ ra 1 số/tuần, về sau tăng lên 2 số/tuần. Báo Tin tức còn chủ trương ra phụ trương Tin tức lý luận để tuyên truyền, giải thích về lý luận cách mạng và chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng do thiếu vốn cũng như khó khăn về tổ chức bài vở nên chỉ xuất bản được 1 số rồi thôi.
Cùng với trách nhiệm tổ chức nội dung tin bài cho báo Tin tức, Trần Huy Liệu còn là đại diện danh nghĩa của báo trước pháp luật, người phát ngôn chính thức của báo trước các sự kiện hay trả lời phỏng vấn của các nhà báo. Trong bất cứ sự kiện hay cuộc trả lời phỏng vấn nào, ông đều tìm cách để tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản. Thậm chí, trong diễn văn đọc ở đám tang của nhà cách mạng Phan Thanh ngày 01/5/1939, Trần Huy Liệu còn “nói rõ là thay mặt những người cộng sản”, mặc dù lúc đó Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn bị coi là hoạt động bất hợp pháp.
Sau số 43, báo Tin tức đình bản do chính quyền thực dân rút giấy phép, Xứ ủy Bắc Kỳ đã mua lại tờ Đời nay làm cơ quan tuyên truyền. Người đứng tên xin phép ra báo Đời nay là một ông thầy lang chuyên buôn thuốc lậu muốn ra báo để quảng cáo thuốc. Vì thế trong hợp đồng giữa hai bên, ngoài việc trả khoản tiền thuê hằng tháng, báo còn phải đăng một số quảng cáo thuốc không mất tiền cho chủ cũ. Chỉ 41 ngày sau khi báo Tin tức ngừng hoạt động, ngày 01/12/1938, báo Đời nay tập mới Cơ quan của Xứ ủy Bắc Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra số đầu, tiếp tục cuộc đấu tranh của Đảng trên mặt trận báo chí công khai. Xứ ủy viên Đặng Xuân Khu được phân công tiếp tục chỉ đạo tờ báo. Trần Huy Liệu được Xứ ủy cử làm Chủ bút của báo. Quản lý báo do Bùi Đăng Chi đảm nhận. Trụ sở tòa soạn báo đặt tại số 5 phố Sông Tô Lịch. Báo Đời nay tiếp tục sứ mệnh của Tin tức, tổ chức bài vở, tin tức về phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, vạch mặt chống những ảnh hưởng tiêu cực của những người trôtkit, chống lại các thủ đoạn lừa bịp, phá hoại chia rẽ sự đoàn kết giữa công nhân lương - giáo ở nhà máy dệt Nam Định...
Sau ngày 3/9/1939, khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, bọn thực dân phản động thuộc địa Đông Dương quay trở lại chế độ cai trị hà khắc, bắt bớ những người cộng sản, lập lại Ty kiểm duyệt, đàn áp báo chí cách mạng. Theo chỉ thị của Đảng, các đảng viên cộng sản làm báo Đời nay rút vào hoạt động bí mật, chỉ để lại Trần Huy Liệu, Trần Đình Long và Nguyễn Văn Phúc tiếp tục duy trì hoạt động của tờ báo và tiêu hủy các chứng cớ nguy hiểm, có thể liên lụy đến các đảng viên và tổ chức đảng. Báo Đời nay ra số cuối ngày 22 và 29/9/1939. Cũng đúng đêm 29/9/1939, mật thám Pháp bắt Trần Huy Liệu, Trần Đình Long và Nguyễn Văn Phúc. Đây cũng là thời điểm kết thúc giai đoạn hoạt động đấu tranh bằng báo chí công khai rất sôi nổi của Trần Huy Liệu và các đồng chí của ông.
Lần thứ hai vào tù và làm báo trong tù
Cuối tháng 9/2039, Trần Huy Liệu bị mật thám Pháp bắt và giam vào nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Đến đầu tháng 1/1940, tòa án thực dân mới đem ra sử và khép ông vào tội làm rối loạn trị an, âm mưu lật đổ chính phủ, sau đó ngay lập tức phát vãng lên nhà tù Sơn La. Đoàn tù bị đưa lên xe bí mật rời Hà Nội trong đêm. Đến Suối Rút, chính quyền thực dân Pháp không cho xe chở nữa mà bắt tù nhân đi bộ. Bọn lính áp tải xích tay tù nhân từng đôi một, rồi lại xích 4 đôi vào một sợi dây chung. Trần Huy Liệu bị xích tay chung với Xuân Thủy. Đi bộ cỡ ba chục cây số một ngày trên đường đèo dốc, với xích sắt rủng rẻng quanh mình, khổ cực là vậy mà Trần Huy Liệu vẫn làm thơ Sơn La hành khúc, vẫn rung động tâm hồn trước vẻ đẹp của một thiếu nữ người Thái bất chợt gặp bên khung cửa ven đường “Ai đưa mình đến Châu Yên/ Hoa rừng một đóa càng nhìn càng tươi/ Ngắm ta cát bụi đầy người/ Mắt xanh ai thấy giữa nơi phong trần”. Ngày 21/1/1940, Trần Huy Liệu cùng đoàn tù đến Sơn La sau hơn 10 ngày cơ cực, khổ sở, lê lết trên đường.
Chính quyền thực dân Pháp chọn Sơn La, địa điểm vừa khắc nghiệt về thời tiết, vừa xa Hà Nội - trung tâm chính trị, làm nơi giam giữ tù chính trị phạm, với ý đồ thâm độc. Chúng muốn bằng các công việc lao dịch khổ sai nặng nhọc trong điều kiện lam sơn, chướng khí để giết dần, giết mòn tù nhân về thể xác, tinh thần, làm nhụt ý chí đấu tranh của họ, mà không bị dư luận xã hội soi mói. Năm 1933, trong một báo cáo mật gửi Thống sứ Bắc Kỳ, Công sứ Sơn La thời kỳ đó là Saint Poulov đã đoán chắc với cấp trên rằng, các tù nhân ở Hỏa Lò, Hà Nội hung hăng khó trị đến đâu thì lên đến Sơn La chỉ ít tháng, vi trùng sốt rét sẽ làm cho suy nhược đi, trở nên “hiền lành” và định đoạt cả tính mạng. Và sự thật thì đoàn chính trị phạm bị đầy lên Sơn La năm 1933, chỉ trong vòng 6 tháng đã có gần 40 người bị chết. Để đối phó với tù chính trị mạnh tay hơn, chính quyền thực dân Pháp còn cử viên mật thám Cousseau khét tiếng lên làm Công sứ Sơn La. Cousseau là một tay mật thám nhà nghề, đã từng làm việc tại Phòng Chính trị của tô giới Pháp ở Thượng Hải, làm Giám đốc Sở Thông tin Báo chí Hà Nội, đã từng nhẵn mặt không ít những nhân vật cách mạng hoạt động trên mặt trận báo chí công khai.
Cùng bị giam giữ ở nhà tù Sơn La thời gian này còn có những nhà cách mạng nổi tiếng như: Tô Hiệu, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Xuân Thủy, Nguyễn Cơ Thạch. Do biết tiếng Trần Huy Liệu từ khi ông làm đại diện cho báo Đời nay, Cousseau chỉ định ông cùng đồng chí Phi Vân làm đại diện cho tù chính trị. Ông cũng được các đồng chí trong chi bộ nhà tù tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ và trở thành một trong những hạt nhân của cuộc đấu tranh của các tù nhân chống chế độ lao động khổ sai hà khắc, cải thiện đời sống cho các bạn tù, bảo toàn lực lượng và giữ vững ý chí chiến đấu của những chiến sĩ cách mạng. Trong số những cuộc đấu tranh đó, cam go, khốc liệt nhất là cuộc tuyệt thực để phản đối việc bọn cai tù bắt phạt nhốt hầm những tù nhân do không chuyên chở đủ số xe nước từ dưới bản lên khu công sở và nhà tù theo yêu cầu của chúng. Tuy nhiên, không những không thả các tù nhân bị nhốt dưới hầm, Công sứ Sơn La Cousseau còn lệnh cho bọn cai tù đẩy tất cả tù nhân tham gia tuyệt thực xuống căn hầm sâu 21 bậc thang gạch, nơi chỉ đủ chỗ giam khoảng một chục người. Kết quả là, từ 13/5 đến 24/5/1941, 156 tù chính trị đứng ngồi chen chúc nhau trong căn hầm chật chội, không được ăn, không được uống và không có chỗ đi vệ sinh. Những người tù phải uống cả nước giải của nhau để duy trì sự sống. Trong những ngày khổ sở, tăm tối dưới hầm sâu, Trần Huy Liệu là một hạt nhân kiên cường, động viên các bạn tù giữ vững ý chí chiến đấu, không lùi bước trước kẻ thù.
Trong những ngày bị giam giữ ở nhà tù Sơn La, Trần Huy Liệu còn tham gia tổ chức ra báo Suối reo để tuyên truyền, giáo dục và góp phần giải trí cho tù nhân. Theo hồi ký của Trần Huy Liệu, báo Suối reo ra đời từ mùa đông năm 1941. Suối reo ra theo tuần, mỗi số chỉ có 1 đến 2 bản. Những người làm báo chỉ có thể hoạt động vào ban đêm, nhiều khi phải đưa giấy, bút, mực vào trong khu hố xí để viết, tránh sự kiểm tra của bọn cai ngục. Báo Suối reo “phát hành” trong các phòng giam bằng cách truyền tay nhau để đọc theo từng nhòm. Báo không chỉ đăng tải những bài nghiên cứu, nghị luận, tuyên truyền, mà dành phần lớn dung lượng cho sinh hoạt trong tù, có cả các thể loại thơ, châm biếm, hài hước. Trần Huy Liệu là người đóng góp những bài văn hài hước, châm biếm với bút danh “Cù Văn Cười” hay “Cù Không Cười”. Trong hồi ký của mình, ông nhớ lại: “Cái tên “Cù Văn Cười” hay “Cù Không Cười” của tôi dưới nhưng bài văn hài hước đã làm nổ ra nhiều trận cười của bạn đọc. Sau mỗi tối đọc báo, dư luận bàn tán còn tỏa ra giữa những người trùm chăn chưa ngủ và ngày mai còn theo những đoàn “cỏ vê ra rừng(13).
Tháng 8/1942, Trần Huy Liệu bị đưa từ nhà tù Sơn La về Trại tập trung (Camp de Concentration) Bá Vân nằm bên bờ sông Công, thuộc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Đây là nơi chính quyền thực dân dùng để tiếp tục giam giữ các chính trị phạm đã mãn hạn tù và những người tình nghi cách mạng. Trại Bá Vân nằm bên bờ Sông Công vì thế Trần Huy Liệu và những tù nhân đặt tên cho tờ báo của mình là Dòng sông Công.
Cuối năm 1944, khi nghe ngóng thấy tình hình phong trào cách mạng nóng lên ở khu vực Thái Nguyên, chính quyền thực dân bèn chuyển các tù nhân ở Trại Bá Vân, trong đó có Trần Huy Liệu, về giam giữ ở nhà lao Nghĩa Lộ. Vừa chân ướt chân ráo đến Nghĩa Lộ, Trần Huy Liệu cùng các bạn tù, một mặt lo chuẩn bị cái tết Nguyên Đán, một mặt bắt tay ngay vào làm tờ báo Đường Nghĩa. Nhưng tờ Đường Nghĩa mới ra được số thứ nhất thì ngày 9/3/1945, đế quốc Nhật Bản bất ngờ tiến hành cuộc đảo chính, giành quyền kiểm soát trên toàn cõi Đông Dương. Chính quyền thực dân Pháp hạ vũ khí đầu hàng, một số quan chức và binh lính bị cầm tù, một số đầu hàng hoặc bỏ chạy qua biên giới Việt - Trung. Trần Huy Liệu cùng Vương Thừa Vũ và những tù nhân cộng sản ngay lập tức lên kế hoạch khởi nghĩa. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa của các tù nhân cách mạng ở nhà giam Nghĩa Lộ thất bại, trở thành cuộc vượt ngục dưới làn đạn của những tên thực dân Pháp ngoan cố. Trải qua chặng đường vô cùng gian nan, nguy hiểm, một số tù nhân đã vượt ngục thắng lợi, trở về với cơ sở cách mạng. Trần Huy Liệu là một trong số đó. Từ Nghĩa Lộ, ông đã lặn lội về được một cơ sở cách mạng ở Bạch Hạc, Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, rồi từ đó về đến Hà Nội. Nhớ lại cuộc khởi nghĩa Nghĩa Lộ, Trần Huy Liệu viết: “Số một tờ báo vừa xuất bản thì Nhật hất cẳng Pháp để nắm trọn quyền làm chủ Đông Dương. Chúng tôi cũng vội vàng lên Đường Nghĩa. Nhưng trên Đường nghĩa lần này chẳng phải chỉ mực đen giấy trắng mà là đầy máu đỏ”(14). Đúng vậy, chặng mới của con “đường nghĩa” mà ông dấn bước, đã bắt đầu bằng “máu đỏ” của những đồng chí của ông ngã xuống trong cuộc vượt ngục Nghĩa Lộ.
Từ yếu nhân của Cách mạng Tháng Tám đến nhà bác học - nhà báo
Sau cuộc vượt ngục Nghĩa Lộ về đến Hà Nội, Trần Huy Liệu bắt liên lạc với tổ chức Đảng và được Trung ương Đảng phân công làm việc ở báo Cứu quốc - Cơ quan của Tổng Bộ Việt Minh. Chủ nhiệm báo Cứu quốc lúc này là Xuân Thủy, một người bạn tù đã cùng ông làm báo Suối reo trong những năm tháng bị giam giữ ở nhà tù Sơn La. Khi đó, cơ quan báo Cứu quốc đóng ở làng Vạn Phúc thuộc thị xã Hà Đông. Một thời gian sau, do tình hình khó khăn phức tạp, de dọa đến sự an toàn, cơ quan báo chuyển lên thôn Thu Quế, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, nguy hiểm, bọn mật thám và tay sai của phát xít Nhật luôn rình rập, lùng sục gắt gao, nhưng Trần Huy Liệu cùng những người làm báo Cứu quốc vẫn bám trụ gần Hà Nội, duy trì việc xuất bản cơ quan phát ngôn của Mặt trận Việt Minh. Ở làng Vạn Phúc, toàn bộ công việc họp hành, viết bài, in ấn của tờ báo và sinh hoạt của những người làm báo chỉ diễn ra trong một căn buồng nhỏ. Việc mua giấy, mực in, vận chuyển, phát hành báo đều được thực hiện trong điều kiện tuyệt đối bí mật, dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân. Ở làng Thu Quế, Trần Huy Liệu và các đồng chí được bố trí sống và làm việc trong một căn nhà bếp chật hẹp, lụp sụp bên cạnh ao rau muống. Chỉ khi đêm về khuya, họ mới có thể ra cầu ao để tắm rửa.
Đầu tháng 7/1945, Trần Huy Liệu nhận được thông báo của cấp trên cử đi chiến khu dự Đại hội Quốc dân. Ngày 13/8, một ngày sau khi lên đến Tân Trào, ông được đồng chí Võ Nguyên Giáp giao cho thảo bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa. Ngày 17/5, Đại hội Quốc dân bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng (sau khi giành được chính quyền đổi thành Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Ngay sau Đại hội Quốc dân, ông cùng một số đồng chí về Hà Nội, rồi được Trung ương Đảng và Chính phủ lâm thời cử làm Trưởng phái đoàn của Chính phủ lâm thời cùng Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận vào Huế nhận lễ thoái vị của Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Ngày 30/8/1945, ông là người đã thay mặt Chính phủ lâm thời nhận ấn kiếm từ tay Bảo Đại và chính thức tuyên bố xóa bỏ chính thể quân chủ ở Việt Nam từ đây. Trở về Hà Nội, ông nhận thêm trách nhiệm Cục trưởng Cục Chính trị Quân sự ủy viên, kiêm Chủ bút báo Sao vàng - Cơ quan của Quân sự ủy viên hội. Vậy là sau 22 năm lăn lộn với trường đời, từ một nhà báo, một đảng viên Quốc dân Đảng, một tù nhân cộng sản, Trần Huy Liệu đã trở thành một yếu nhân của Cách mạng Tháng Tám và chính quyền nhân dân non trẻ. Và cũng từ thời điểm này, hầu như Trần Huy Liệu đã tự nhận ra, dự báo và chuẩn bị cho một chặng đường mới như một ngã rẽ cho cuộc đời mình.
Với các trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền trong Chính phủ, rồi Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Ủy viên thường trực Quốc hội, Trần Huy Liệu dấn bước qua cuộc kháng chiến chống Pháp với đầy những dằn vặt, suy tư, kể cả những u uẩn riêng chung giằng xé. Trong khi tự kiểm điểm, ông tự nhận mình “đã chủ trương tả khuynh”, “bị tình cảm cá nhân chi phối”, nhưng lại thấy như bị Trung ương bỏ rơi, đồng chí xa lánh, đã có lúc thấy không muốn sống, “tư tưởng tự sát lởn vởn trong đầu”(13). Và sự ra đời của Ban nghiên cứu Sử - Địa - Văn trực thuộc Trung ương Đảng, ngày 2/12/1953, là chủ trương thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Đảng, song cũng là một điều kiện không thể thuận lợi và hợp lý hơn để giải thoát cho cả tổ chức và bản thân Trần Huy Liệu, giúp ông thoát ra khỏi cái sự “không hợp” với quan trường, trở lại với cái trí của nhà Nho “trước thư lập ngôn”, cái việc mà chính ông đã lựa chọn và tự nhận là “hợp hơn cả” với mình. Cùng góp mặt trong Ban Nghiên cứu Sử - Địa - Văn mà Trần Huy Liệu là Trưởng ban còn có Minh Tranh, Tôn Quang Phiệt, Hoài Thanh, Trần Đức Thảo, Vũ Ngọc Phan. Đến tháng 6/1954, Tập san Sử ký - Ðịa lý - Văn học, gọi tắt là Tập san Sử - Ðịa - Văn cũng đã được xuất bản. Ðến số 3 ra tháng 10/1954, Tập san đổi tên thành Tập san Nghiên cứu Văn - Sử - Ðịa, Cơ quan ngôn luận của Ban Nghiên cứu Văn học - Lịch sử - Ðịa lý.
Sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, Trần Huy Liệu tiếp tục là người đứng đầu Ban nghiên cứu Văn học - Lịch sử - Địa lý. Năm 1960, khi Viện Sử học Việt Nam được thành lập, ông trở thành Viện trưởng kiêm Tổng biên tập tạp chí khoa học của Viện - Tạp chí Nghiên cứu lịch sử. Theo sáng kiến của ông, tháng 2/1966, Hội Khoa học lịch sử được thành lập, ông là Chủ tịch đầu tiên của Hội. Ông được Nhà nước phong học hàm Giáo sư, được Viện hàn lâm khoa học Cộng hòa dân chủ Đức bầu làm viện sĩ. Trần Huy Liệu đã có 17 cuốn sách do Nhà xuất bản Văn - Sử - Địa xuất bản. Lịch sử tám mươi năm chống Pháp - một trong những cuốn sách đó đã được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, năm 1996. Ông để lại một khối lượng đồ sộ những công trình nghiên cứu về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về lịch sử Việt Nam, về các nhân vật, các sự kiện nổi tiếng trong lịch sử của dân tộc, về các vấn đề văn hóa, báo chí, văn học - nghệ thuật và các công trình dịch thuật. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử và tiền thân của nó là Tập san Nghiên cứu Văn - Sử - Địa, ông đã công bố 174 bài báo, trong đó có 54 bài trên Tập san nghiên cứu Văn - Sử - Địa và 120 bài trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử(14).
Là một nhà sử học có uy tín, ảnh hưởng lớn trong nước và quốc tế, song Trần Huy Liệu vẫn là một nhà báo với vẹn nguyên sự đam mê cống hiến, một tinh thần trung thực, một thái độ trách nhiệm với nhân dân và một niềm tin sắt son không thể lay chuyển vào những điều tốt đẹp của dân tộc, vào tương lai tươi sáng của đất nước, của chế độ. Nếu thấy việc gì cần, có lợi cho đất nước, cho nhân dân, ông sẵn sàng viết, công bố, không nề hà những phiền phức có thể cho bản thân. Trước những sai lầm của cuộc Cải cách ruộng đất, ông viết bài “Xét lại “hồ sơ” giai cấp phong kiến địa chủ”, đăng trên Tạp chí Văn - Sử - Địa số 25 năm 1957. Trên cơ sở phân tích những bằng chứng lịch sử, ông cho rằng: “Như vậy, những quan điểm từ trước đến nay cho rằng toàn bộ giai cấp phong kiến địa chủ đã đầu hàng địch, đã cấu kết với địch, phủ nhận quan điểm của xã hội Việt Nam, phủ nhận sự thật lịch sử, tôi thấy rằng cần phải xét lại”(15). Vẫn biết rằng viết ra những điều này rất có thể sẽ có những phiền toái cho mình, nhất là trong khi nhóm “Nhân văn giai phẩm” đang bị đánh tơi bời, song ông vẫn viết, vẫn cho công bố. Bởi ông rất tin vào việc “nghiên cứu để mong dựng lại một sự thật lịch sử, đồng thời mong cống hiến một phần nào cho công tác sửa sai lúc này”(16) là việc làm đúng, việc làm cần thiết cho Đảng, cho dân.
Ngày 27/7/1969, khi đang nói chuyện với cán bộ, công nhân viên của Viện Sử học Việt Nam nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sỹ, Trần Huy Liệu bị đột quỵ. Ông được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã không qua khỏi và trút hơi thở cuối cùng vào đêm hôm sau. Trần Huy Liệu ra đi ở tuổi 68 trong khi nhiều dự định nghiên cứu khoa học đang còn dang dở, khát khao cống hiến cho đất nước, cho dân tộc vẫn đang cháy bỏng. Và có lẽ, ông cũng mang theo không ít điều “chộn rộn” về cuộc đời, nói như con trai ông, nhà văn Trần Chiến. Song những gì mà ông để lại cho đời thật lớn lao, khiến cho ông trở thành một nhân vật lịch sử đặc biệt, một người lữ hành không biết mệt mỏi trên con đường đấu tranh vì lý tưởng mà ông theo đuổi - sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, phồn thịnh cho đất nước. Đó không chỉ là một gia tài khổng lồ về khoa học, mà còn là một nhân cách sống đầy khí phách, trung thực, thẳng thắn, minh bạch, đàng hoàng với đời, với khoa học và với nghề làm báo./.
____________________________________________________
(1), (3), (4), (6), (7), (8), (9), (10), (12), (13), (15) Phạm Như Thơm (sưu tầm, tuyển chọn và chỉnh lý) (2020), Hồi ký Trần Huy Liệu, Nxb. Khoa học - Xã hội và MaiHaBooks, HN, tr.408-409,51-52.53,57,414,476,197-198,198,309,310,516-578.
(2) Theo Nguyễn Thành (2001), Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Nxb. Văn hóa - Thông tin.
(5) Sách Hồi ký Trần Huy Liệu và Cõi người đều có chi tiết: cuối tháng 4 năm 1926, Lê Thành Lư chạy đến báo cho Trần Huy Liệu việc Trần Quang Nghiêm đòi lại báo Pháp - Việt nhất gia để làm cơ quan ngôn luận cho đạo Cao Đài. Nghĩa là tờ báo này tồn tại trong thời gian nửa đầu năm 1926. Song, theo Từ điển Thư tịch báo chí Việt Nam của Nguyễn Thành và một số tài liệu khác thì báo Pháp - Việt nhứt gia (nhứt gia, không phải nhất gia) xuất bản số 1 ngày 08/02/1927, số cuối - số 28, ngày 27/5/1927. Về trật tự thời gian và căn cứ vào cách thống kê dựa trên các số báo lưu trữ, ta có thể tin rằng, tư liệu của Từ điển Thư tịch báo chí Việt Nam là đáng tin cậy và hợp lý hơn.
(11) Trong Hồi ký, Trần Huy Liệu viết: “Hồn trẻ ra được 15 số, ảnh hưởng đương lan rộng thì bị thu giấp phép”.
(14), (16), (17) Trần Chiến (2016), Cõi người - Chân dung Trần Huy Liệu, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.224,376,308.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 6/ 2023
Bài liên quan
- Một số giải pháp tăng cường quản lý thông điệp về nguồn nhân lực chất lượng cao trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
- Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
- Quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng hiện nay
- Vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa
- Phân tích nội dung tít tin, bài về truyền thông khởi nghiệp sáng tạo trên báo VietNamNet năm 2021
Xem nhiều
-
1
Đại hội Chi bộ khoa Tuyên truyền nhiệm kỳ 2025-2027
-
2
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội nghị Tuyên dương điển hình tiên tiến lần thứ VI (2025-2030)
-
3
Quản lý thông tin về khoa học quân sự trên báo chí quân đội ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và một số giải pháp tăng cường
-
4
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
-
5
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên hiện nay
-
6
Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh trong tình hình mới
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Chi bộ Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo tổ chức thành công Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027
Sáng 05/03/2025, tại phòng họp số 1101, tầng 11, Nhà A1, Chi bộ Chi bộ Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo tổ chức thành công Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027. Đại hội diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm, dân chủ và thẳng thắn, mang tính xây dựng.
Một số giải pháp tăng cường quản lý thông điệp về nguồn nhân lực chất lượng cao trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Một số giải pháp tăng cường quản lý thông điệp về nguồn nhân lực chất lượng cao trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Trong thời đại số, báo mạng điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin về nguồn nhân lực chất lượng cao – yếu tố then chốt quyết định sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Những bài viết trên các nền tảng báo chí trực tuyến không chỉ phản ánh thực trạng cung - cầu lao động mà còn góp phần định hướng, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và người lao động về tầm quan trọng của nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, việc quản lý thông tin trên báo mạng điện tử hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều thách thức về tính hấp dẫn, tính định hướng và khả năng lan tỏa của thông điệp. Vì vậy, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thông điệp về nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết, cần được cơ quan báo chí quan tâm.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
Các chương trình thiện nguyện trên sóng truyền hình không chỉ là cầu nối giữa những tấm lòng nhân ái và những hoàn cảnh khó khăn mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của các cơ quan báo chí, truyền thông. Là kênh thời sự - chính luận chủ lực của Đài Truyền hình Việt Nam, VTV1 đã và đang thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong các hoạt động hỗ trợ người yếu thế. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất, các chương trình này cần được đầu tư hơn về nội dung, phương thức triển khai cũng như cách thức kết nối với khán giả. Bài viết này sẽ phân tích thực trạng tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của VTV1, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả lan tỏa, góp phần phát huy tốt hơn nữa vai trò của truyền hình trong công tác thiện nguyện.
Quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng hiện nay
Quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng hiện nay
Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, việc quản lý và truyền tải thông điệp về quy hoạch đô thị hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, tạo sự đồng thuận xã hội và thúc đẩy sự phát triển đô thị bền vững. Báo Xây dựng - cơ quan ngôn luận của Bộ Xây dựng, có trách nhiệm và sứ mệnh tiên phong trong việc thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận về các vấn đề quy hoạch đô thị. Bài viết tập trung nghiên cứu, đánh giá thực trạng quản lý thông điệp về “quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng hiện nay”, từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này, góp phần vào sự nghiệp phát triển đô thị Việt Nam.
Vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa
Vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và quá trình tiếp biến văn hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, “báo chí đã thực sự là cầu nối rất quan trọng để văn hóa được phản ánh nhiều hơn vào các chính sách, pháp luật và thực tế sinh động của xã hội”(1). Báo chí cũng là kênh đi đầu trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Bình luận