Truyền thông về biến đổi khí hậu, những khó khăn, thách thức và một số giải pháp
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những vấn đề toàn cầu từ nhiều năm nay, là một cụm từ được nhắc tới thường xuyên trên thông tin đại chúng. Sau nhiều năm, những kết quả đạt được trong giảm thiểu BĐKH rất hạn chế. Hiệp định Paris (2015) đặt ra kỳ vọng kiềm chế nhiệt độ trung bình trái đất tăng không quá 2o C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ 21, nhưng những hành động để giảm phát thải khí nhà kính lại chưa mang lại hiệu quả rõ ràng. Vào cuối năm 2020, Tổng thư ký Liên hiệp quốc António Guterres vận động các lãnh đạo thế giới hãy tuyên bố BĐKH là tình trạng khẩn cấp(1).
Những khó khăn thách thức trong truyền thông về biến đổi khí hậu
Đầu tiên là những trở ngại khách quan. BĐKH là điều không dễ nhận biết. Chúng ta có thể quan sát và cảm nhận những biểu hiện thời tiết bất thường, nhưng hầu hết chúng ta không nhận thức được biến động khí hậu trên một khu vực rộng lớn. Khoa học khí hậu khá phức tạp đối với kiến thức phổ thông. Khí hậu là giá trị trung bình của thời tiết trong một khoảng thời gian dài khoảng 30 năm. Hệ thống nhận biết của con người không được trang bị để tính toán dễ dàng những giá trị trung bình này và nhận ra sự thay đổi của chúng. Muốn biết biến đổi khí hậu có xảy ra hay không, cần phải nhờ đến các số liệu thống kê và tính toán của các nhà khoa học. Ngay cả khi những số liệu đo đạc về tình trạng BĐKH đã rõ ràng, thì thiệt hại như thế nào cũng vẫn khó ước tính. Như vậy, BĐKH trở thành một câu chuyện mơ hồ, rời rạc, thông tin phần lớn là giải thích cho một hiện tượng, không có những câu chuyện mới và tình tiết mới. Những diễn tiến của vấn đề lại âm thầm, chậm chạp, dễ bị chìm xuống trong dòng thông tin sôi động của cuộc sống thường ngày.
Thứ hai, là những trở ngại kinh tế. Tất cả các hoạt động phát triển kinh tế đều gây nên phát thải khí nhà kính, nguyên nhân chính của BĐKH. Các thông điệp cắt giảm bớt phát thải, đều rất có khả năng xung đột với các kế hoạch phát triển kinh tế.
Có khá nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và BĐKH. Trong số đó có lý thuyết đường cong KUZNETS(2). Lý thuyết này chỉ ra qui luật, là sự suy thoái của môi trường thường diễn ra trong giai đoạn đầu của sự phát triển, do ưu tiên của các quốc gia tập trung vào việc tăng năng suất, tăng thu nhập, tăng việc làm. Cho đến lúc thu nhập đã ổn định, đời sống nâng cao, người ta mới lại bắt đầu có những mối quan tâm đến chất lượng cuộc sống, chất lượng nước, thức ăn và không khí… Lúc đó những giải pháp và những công nghệ giúp việc sản xuất trở nên sạch hơn mới được ưu tiên.
Với một đất nước đang ở giai đoạn đầu của phát triển như Việt Nam, người dân còn quan tâm đến việc làm, thu nhập, các lợi ích kinh tế nhiều hơn chuyện tương lai khí hậu của thế hệ mai sau. Mục tiêu và kế hoạch phát triển các vùng kinh tế, các khu công nghiệp, các nhà máy, các khu du lịch, đường xá, phương tiện hiện đại… luôn mâu thuẫn với các thông điệp giảm phát thải, bảo tồn thiên nhiên, tiết kiệm tiêu dùng. Mặt khác, chi phí cho công nghệ sạch vẫn còn khá đắt đỏ, và đó chính là trở ngại cho việc lựa chọn đầu tư của các mô hình kinh tế. Thuyết phục mọi người hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt không phải là một chuyện dễ dàng.
Thứ ba, là những trở ngại tâm lý. GS, TS Torsten Grothmann, Đại học Oldenburg (Đức) đã phân tích những trở ngại tâm lý này trong khóa đào tạo Truyền thông về BĐKH tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Những phản ứng tâm lý của người tiếp nhận thông tin thường là như sau:
Tâm lý trì hoãn: “Điều đó còn quá xa mới xảy ra”.
Tâm lý hoài nghi: “Các nhà khoa học có khả năng đang nhầm lẫn”. Đây là sự hoài nghi vẫn thường xảy ra trong mọi lĩnh vực và mọi ngành khoa học. Điển hình như Tổng thống Mỹ Donal Trump, luôn đưa ra những phủ nhận đối với BĐKH.
Tâm lý buộc tội: “Các nước phát triển mới phải chịu trách nhiệm”. Nhiều quan điểm cho rằng các nước phát triển là thủ phạm phát thải cao, vì vậy chỉ có họ phải giải quyết vấn đề này.
Tâm lý từ chối: “Không quá nghiêm trọng đâu, lúc nào chả có BĐKH”. Quan điểm này cho rằng quá trình BĐKH hoàn toàn là qui luật của tự nhiên, các sinh vật sẽ thích nghi dần.
Tâm lý trốn tránh: “Tôi không thể làm được những thay đổi lớn”.
Tâm lý bi quan: “Đã quá muộn để hành động rồi”.
Tâm lý thanh minh: “Tôi đã cố gắng, nhưng người khác không làm”.
Tâm lý cầu toàn: “Lúc nào cả hệ thống các quốc gia cùng hành động mới giải quyết được”.
Truyền thông về BĐKH phải đứng trước thách thức nói về một vấn đề còn trong tương lai. Tất cả những trở ngại trên làm cho truyền thông về BĐKH cần phải có rất nhiều nỗ lực mới đưa được vấn đề này trở thành một vấn đề được các quốc gia và công chúng quan tâm, tiến tới có sự thay đổi cả về nhận thức, hành động, cho đến những thay đổi về chính sách, luật pháp.
Một số giải pháp hiệu quả trong truyền thông về biến đổi khí hậu
Một số chiến lược truyền thông hiệu quả về BĐKH được mô tả dưới đây là tổng hợp của nhiều nguồn: tìm hiểu kinh nghiệm nước ngoài, phân tích trường hợp và các sản phẩm cụ thể, và một phần là đúc rút từ việc giảng dạy môn học Báo chí về Môi trường và Biến đổi khí hậu.
1. Sử dụng câu chuyện trong truyền thông
Đây là chiến thuật thường gặp nhất và luôn luôn hiệu quả trong hầu hết các chủ đề. Não người ghi nhớ các câu chuyện tốt hơn là các thông tin rời rạc, vì vậy sử dụng câu chuyện để truyền tải chủ đề là cách để người đọc ghi nhớ nhanh nhất. Chiến thuật sử dụng câu chuyện trong truyền thông thực sự hiệu quả so với những bài phân tích dài đầy thuật ngữ. Công việc sáng tạo một tác phẩm báo chí không thể dừng ở việc đọc các báo cáo, phân tích các thông tin thu thập được, mà còn phải quan sát nó trong cuộc sống, tìm ra những nhân vật, những diễn biến, những tình tiết sinh động nhất. Một câu chuyện mà nhà báo kể một cách sinh động sẽ là cách khái quát vấn đề tuyệt vời và dễ hiểu nhất, đến với công chúng phổ thông một cách nhanh chóng nhất.
2. Mô tả các trải nghiệm
Đó đơn giản là các nhà báo thâm nhập thực tế và mô tả trải nghiệm của chính mình, một cách trung thực, riêng điều đó đã có một sức thu hút lớn với công chúng.
Bài ghi chép “Lòng hồ đen ngòm bởi lòng tham của thế giới công nghệ” của nhà báo Tim Maughan đã gây ấn tượng mạnh mẽ và trở thành một trong những bài báo nóng nhất trên các trang web của BBC trong năm 2015(3). Trong bài viết này, nhà báo đã mô tả Tổ hợp khai thác đất hiếm và sản xuất thép Baogang, rộng như một thành phố, nằm sâu trong khu tự trị nội Mông Cổ. Quan trọng nhất, cuối bài viết, nhà báo kể về sự xấu hổ của mình khi rút ra chiếc điện thoại hiện đại để chụp những bức hình minh họa cho bài báo. Đó chính là chiếc điện thoại được làm nên từ việc khai thác thiên nhiên, việc liên tục tạo ra những nhu cầu mới cho người sử dụng, thúc đẩy họ thay đổi thiết bị mới.
Trong một bài báo mô tả trải nghiệm khác, nữ nhà báo của hãng tin Làn Sóng Đức (DW), Tamsin Walker, đã viết về thử nghiệm 4 tuần không xả ra thùng rác bất cứ thứ gì bằng nhựa(4), từ lọ đựng các loại hóa mỹ phẩm đến cái nút nhựa nhỏ xíu trên tuýp kem đánh răng. Nữ nhà báo cũng không ngần ngại mô tả cả những lúc cả gia đình mình đã không vượt qua nổi, và phải thỏa hiệp với một số thứ nhỏ có dùng nhựa, như hộp đựng thuốc. Cô cũng đã lo ngại các con của mình sẽ rất khó chịu với thử thách này, nhưng vui mừng phát hiện ra giới trẻ dễ thích nghi hơn, và vui vẻ với ý nghĩ đang làm một việc tốt.
Việc nhà báo mô tả trải nghiệm của mình vừa là một cách làm đơn giản, vừa thuyết phục người đọc ở chỗ không lên lớp họ, không hướng dẫn hay kêu gọi đạo đức, mà đưa ra hướng hành động.
3. Đơn giản hóa các thuật ngữ khoa học
Khoa học khí hậu là ngành khoa học với lượng kiến thức đồ sộ, trong đó BĐKH còn rất mới mẻ đối với nhiều người. Nếu các thuật ngữ khoa học không được đơn giản hóa và được giải thích dễ hiểu, thì rất nhiều người sẽ không cố gắng để hiểu các thông tin này.
Để làm tốt việc đơn giản hóa các thông tin đó, người làm truyền thông phải hiểu bản chất vấn đề, phải tham khảo các tài liệu giải thích khái niệm, để tìm ra được cách diễn đạt dễ hiểu mà vẫn bảo đảm tính chính xác của thông tin.
Đây là đoạn trích trong thông cáo báo chí của dự án Dịch vụ Thông tin Khí hậu Nông nghiệp cho Phụ nữ và Nông dân người Dân tộc thiểu số ở Đông Nam Á, của CCWG (mạng lưới các tổ chức phi chính phủ làm về BĐKH tại Việt Nam): “… Đối với các hộ sản xuất nhỏ là phụ nữ và dân tộc thiểu số, tính chống chịu trong sinh kế của họ thường bị hạn chế nghiêm trọng do thiếu các nguồn lực, do thiếu sự tiếp cận với các kênh thông tin, do các rào cản ngôn ngữ, văn hóa, xã hội, và do sự tham gia hạn chế trong quá trình ra quyết định ở các cấp”(5). Nếu nhà báo chỉ đơn giản chép lại thành tin bài thì những thuật ngữ, cụm từ và khái niệm như: tính chống chịu trong sinh kế, nguồn lực, sự tiếp cận, sự tham gia… sẽ trở nên mơ hồ với nhiều người, nhất là người vùng dân tộc thiểu số. Ở đây câu chuyện dễ hiểu là những phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số này là những người đầu tiên chịu tổn thất vì BĐKH, họ làm nông nghiệp nhưng không hiểu được các bản tin thời tiết. Để đơn giản hóa các thuật ngữ khoa học, nhà báo cần tham khảo kỹ các tài liệu giải thích khái niệm, và hiểu nội dung cốt lõi của các thuật ngữ.
4. Sử dụng tinh thần báo chí tích cực, hướng tới giải pháp
Trong những năm gần đây, cụm từ Báo chí xây dựng (Constructive journalism) hay là Báo chí giải pháp (Solutions journalism) được nhắc tới ngày càng nhiều hơn trên các nghiên cứu về báo chí truyền thông. Các cơ quan báo chí, các nhà báo được trả lương toàn thời gian, cần phải nghiên cứu các vấn đề xã hội và tìm ra các hướng giải pháp, các biểu hiện lạc quan và tích cực, chứ không chỉ là đưa tin những tiêu cực thuần túy. Chính việc cân nhắc tới chức năng nhiệm vụ và trách nhiệm xã hội khi đưa tin sẽ khiến báo chí có một vị thế khác so với các thông tin tự do trên mạng xã hội.
Sẽ không làm BĐKH ngừng diễn ra, nếu chỉ cảnh báo đơn thuần. Những hiểm họa được nhắc đi nhắc lại mà không có đề xuất giải pháp nào sẽ chỉ khiến nhiều người thất vọng và buông xuôi. Chỉ có giải pháp và các hành động cụ thể mới có thể làm thay đổi thế giới.
5. Địa phương hóa, cá nhân hóa các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu
BĐKH là vấn đề có tính toàn cầu, tuy nhiên sẽ không thể thu hút công chúng nếu không xác định được các câu chuyện về chủ đề này ở địa phương cụ thể và các nhân vật cụ thể.
Một ví dụ cụ thể về cuộc vận động chuyển dịch năng lượng từ sử dụng các loại năng lượng hóa thạch sang các nguồn phi hóa thạch như gió, mặt trời, sinh khối đang diễn ra mạnh mẽ ở Đức. Báo chí Đức viết những câu chuyện cụ thể về những ngôi làng và những khu đô thị đã hoàn toàn chuyển sang dùng năng lượng phi hóa thạch. Tương tự như vậy, ở vùng Tây Nam Bộ của Việt Nam, câu chuyện điện mặt trời đã được chuyển tải qua chuyện một hộ dân đã đầu tư 4 triệu đồng để lắp hai tấm pin năng lượng mặt trời, và lần đầu tiên kể từ khi sinh ra, người phụ nữ chủ hộ được xem tivi trong nhà của mình(6). Những câu chuyện cụ thể, những nhân vật cụ thể như vậy sẽ tạo ra sự cuốn hút đối với người đọc vì cho họ cảm giác gần gũi, không còn cảm thấy vấn đề vĩ mô và xa lạ. Mặt khác, địa phương hóa các nội dung truyền thông sẽ làm cho sản phẩm truyền thông bám sát tình hình địa phương, nhu cầu của người dân, các bối cảnh môi trường và chính sách cụ thể, và sẽ thúc đẩy được các giải pháp thích hợp đối với từng vùng khác nhau.
6. Lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào các đề tài báo chí khác
Lồng ghép nội dung BĐKH vào các đề tài báo chí khác là một chiến thuật nhằm làm giảm bớt sự bão hòa của công chúng với một chủ đề lặp đi lặp lại và ít có những tình tiết mới.
Một cuộc khảo sát của đại học Yale về Truyền thông biến đổi khí hậu đã cho thấy có đến 2/3 người Mỹ không muốn nói về sự nóng lên toàn cầu với bạn bè của mình(7). Có thể vì họ thấy thông tin bị bão hòa. Ở Việt Nam, tuy chưa có điều tra cụ thể, nhưng cũng có thể thấy tâm lý nhiều người ngại nói về những điều vĩ mô. Vì thế lồng ghép vào các chủ đề khác là lựa chọn linh hoạt cho việc truyền thông BĐKH.
7. Thay đổi một số hình tượng cũ
Trong văn học, nghệ thuật, cũng như trong báo chí truyền thông, đôi khi có sự định hình những hình tượng nhất định. Nhưng khi bối cảnh thay đổi, hình tượng đó cũng phải thay đổi. Trước kia, hình tượng con người, chiến thắng thiên nhiên, ngăn sông dời núi, khai thác rừng sâu, biển rộng… là hình ảnh mang đầy tính tích cực. Nhưng giờ đây, tất cả những hình tượng đó không còn hợp với bối cảnh thiên nhiên bị khai thác quá mức.
Chiến dịch truyền thông mang tên “Nature is speaking” của tổ chức Conservation International (tổ chức Bảo tồn Quốc tế) là một loạt video gắn thông điệp: Nature does not need people, People need nature (Thiên nhiên không cần con người, con người cần thiên nhiên)(8). Loạt video là cách tiếp cận hoàn toàn mới mẻ. Tất cả đều Hình tượng Mẹ thiên nhiên đã thay đổi, không còn là hình tượng bao dung, cung cấp tài nguyên vô hạn cho con người, mà là một thực thể có thể nổi giận. Chiến dịch truyền thông này đã tác động mạnh mẽ cảm xúc người xem và xây dựng một thái độ khác về thiên nhiên, thái độ khiêm nhường, biết ơn, tôn trọng, ứng xử với thiên nhiên tốt hơn, biết điểm dừng của việc khai thác để không làm thiên nhiên cạn kiệt.
8. Nhấn mạnh vào những lợi ích bền vững cho con người khi nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu
Chiến thuật truyền thông nhấn mạnh vào những lợi ích thu được sẽ rất hiệu quả, để tránh việc kêu gọi đạo đức xuông, kêu gọi sự hy sinh trong việc giảm thiểu BĐKH. Truyền thông về sự giảm nhẹ, thay thế, thì câu chuyện sẽ nhẹ nhàng và lạc quan hơn. Ví dụ, như chế độ ăn uống tiết giảm thịt sẽ làm cơ thể khỏe mạnh sảng khoái, những cuộc du lịch sử dụng các phương án ít phát thải như đạp xe, đi bộ sẽ thú vị và đầy thử thách, phong cách sống tối giản sẽ làm con người ngày càng ít phụ thuộc vào đồ đạc… Có rất nhiều khía cạnh lạc quan để thuyết phục con người thay đổi hành vi và nhận ra giá trị của các thói quen mới, lối sống mới. Có thể tìm thấy những khía cạnh lạc quan ở bất cứ vấn đề nào, nó làm giảm bớt cảm giác khó khăn khổ ải và phải nỗ lực hy sinh cho những lý tưởng chung, điều mà không phải lúc nào con người cũng sẵn sàng đón nhận.
Sáng tạo tác phẩm báo chí về BĐKH là phải vượt qua một số thách thức trong việc truyền thông, một số khó khăn trở ngại của đề tài này. Một số chiến thuật truyền thông đã được đề xuất để nâng cao hiệu quả truyền thông. BĐKH sẽ là mảng đề tài lớn của báo chí trong rất nhiều năm nữa. Báo chí truyền thông hiệu quả về đề tài này, chính là góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng, phục hồi môi trường, giảm thiểu BĐKH./.
___________________________________________________
(1) Báo Thanh niên (2020), Thế giới trước nguy cơ không đạt mục tiêu chống biến đổi khí hậu, https://thanhnien.vn/the-gioi/the-gioi-truoc-nguy-co-khong-dat-muc-tieu-chong-bien-doi-khi-hau-1316524.html, truy cập 1.10.2021
(2) PGS,TS. Nguyễn Đinh Tuấn, ThS. Phạm Nguyễn Bảo Hạnh, Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và chất lượng môi trường, http://sis.vnu.edu.vn/moi-quan-he-giua-phat-trien-kinh-te-va-chat-luong-moi-truong/, truy cập 1.10.2021
(3) Tim Maughan (2015), The dystopian lake filled by the world’s tech lust, https://www.bbc.com/future/article/ 20150402-the-worst-place-on-earth, truy cập 1.10.2021
(4) Tamsin Walker, The trials and tribulations of plastic-free living, https://www.dw.com/en/the-trials-and-tribulations-of-plastic-free-living/a-19107076, truy cập 1.10.2021
(5) CCWG (2012), Dịch vụ Thông tin Khí hậu Nông nghiệp (ACIS)cho Phụ nữ và Nông dân người Dân tộc Thiểu số ở Đông Nam Á, https://www.care.org.vn/wp-content/uploads/2018/04/ 290515_Project-Brief-ACIS-VN-FINAL.pdf, truy cập 1.10.2021
(6) Mai Trần (2017), Năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng của tương lai, https://baodansinh.vn/nang-luong-tai-tao-nguon-nang-luong-cua-tuong-lai-66911.htm, truy cập 1.10.2021
(7) Andrew J. Hoffman, (2015), Social sciences are best hope for ending debates over climate change, The Conversation, https://theconversation.com/social-sciences-are-best-hope-for-ending-debates-over-climate-change-39671, truy cập 1.10.2021
(8) Conservation International (trang web), https://www. conservation.org/nature-is-speaking, truy cập 1.10.2021
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 11/2021
Bài liên quan
- Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
- Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
- Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
- Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
- Một số giải pháp cải thiện hoạt động khai thác, xuất bản sách tinh gọn tại Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Trong bối cảnh du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc phát triển du lịch bền vững tại Khánh Hòa đòi hỏi sự tham gia chủ động của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương (CĐĐP). Quản trị truyền thông không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh Khánh Hòa là một điểm đến bền vững, mà còn trở thành công cụ quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa. Bài báo khoa học này tập trung hệ thống hóa và đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời đề xuất các giải pháp quản trị truyền thông hiệu quả nhằm phát triển DLCĐ một cách đồng bộ, giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đúng định hướng chiến lược, trong đó DLCĐ đóng vai trò cốt lõi. Kết quả nghiên cứu được thu thập thông qua các phương pháp như: phỏng vấn sâu; phương pháp khảo sát; phân tích, tổng hợp và so sánh dữ liệu; xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS.22.0.
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra sự thay đổi sâu rộng trong ngành truyền hình với sự xuất hiện của truyền hình đa nền tảng. Khác với truyền hình truyền thống, truyền hình đa nền tảng đã và đang định hình lại cách thức tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung thông qua các đặc trưng nổi bật như tính thời sự, khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng, tính đa dạng và tương tác cao, quản lý và lưu trữ hiệu quả. Vận hành một mô hình sản xuất truyền hình đa nền tảng cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến các nguyên tắc về thông tin chính xác, kết hợp sản xuất nội dung với công nghệ mới, phát triển đa dạng các nền tảng...
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Bài viết nghiên cứu về tác động của truyền thông xã hội đối với hoạt động báo chí hiện nay, tập trung vào sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, phân phối tin tức và cấu trúc nội dung báo chí. Truyền thông xã hội đã trở thành một nguồn tin phong phú, đa chiều và nhanh chóng, làm thay đổi đáng kể cách thức thu thập và truyền tải thông tin. Tuy nhiên, tính xác thực của nguồn tin mạng xã hội vẫn là một thách thức, đòi hỏi báo chí phải chú trọng vào việc kiểm chứng và phản hồi thông tin một cách chính xác. Trên tinh thần đó, bài viết đề xuất báo chí cần phát triển nội dung chất lượng cao, tăng cường kỹ năng công nghệ số của phóng viên và xây dựng các nền tảng số riêng để giảm sự phụ thuộc vào truyền thông xã hội, đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy trong kỷ nguyên số.
Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan điểm chỉ đạo được nhấn mạnh trong Nghị quyết (NQ) là: “…chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định…” (1). NQ này đã được các cơ quan liên quan, trong đó có các cơ quan báo chí quán triệt, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để “chuyển hóa những thách thức thành cơ hội”, nhất là với vùng đồng bằng sông Cửu Long, để phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng thì vai trò, trách nhiệm của báo chí cần được nhận thức đầy đủ, chủ động hơn.
Bình luận