Ưu điểm của chương trình phát thanh trực tiếp
Phát thanh là loại hình báo chí sử dụng kỹ thuật sóng điện từ và hệ thống truyền thanh truyền đi ngôn ngữ âm thanh, trực tiếp tác động vào thính giác của đối tượng tiếp nhận. Là sản phẩm của nền kỹ thuật điện tử, phát thanh đã từng là loại hình báo chí độc tôn trong thời gian dài. So với các loại hình khác, phát thanh có ưu thế nổi bật về tốc độ, cự li và không gian truyền tin nên các sự kiện mới nảy sinh, nhờ phát thanh có thể phổ biến tới tất cả mọi người hầu như ngay lập tức. Không những thế, với phương thức truyền thanh, mỗi cá nhân trong xã hội hay bất kỳ thành viên nào, ở đâu trong cộng đồng địa lý dân cư đều có thể dễ dàng tiếp nhận thông tin dưới hình thái âm thanh. Phát thanh vì thế đã trở thành người bạn đồng hành hữu ích và thân thuộc với đời sống con người trong suốt hơn một thế kỷ qua.
Bước sang thế kỷ XXI, cuộc cạnh tranh đang diễn ra gay gắt giữa các loại hình báo chí nói chung và trong hệ thống phát thanh nói riêng đã và đang đặt ra cho phát thanh hiện đại những yêu cầu mới hết sức ngặt nghèo để tiếp tục tồn tại và phát triển. Một trong những giải pháp cho phát thanh hiện đại là cần tăng cường hơn nữa các chương trình phát thanh được sản xuất theo phương thức trực tiếp.
Phát thanh trực tiếp có thể được hiểu là chương trình được thực hiện, sản xuất và phát sóng vào đúng thời điểm diễn ra sự kiện, đồng thời cũng là thời điểm công chúng tiếp nhận diễn biến của sự kiện đó. Thời điểm sự kiện kết thúc cũng chính là thời điểm hoàn tất chương trình. Vì lẽ đó nên so với chương trình phát thanh truyền thống, phát thanh trực tiếp có một số ưu điểm nổi bật:
Thứ nhất, luôn đảm bảo tính thời sự nhanh nhất. Đây có thể được xem là đặc trưng riêng có của phát thanh trực tiếp, đồng thời là yếu tố để cạnh tranh với các loại hình báo chí khác trong cuộc chạy đua về thời điểm đưa tin. Khi một sự kiện xảy ra, người đọc tiếp nhận thông tin trên báo in sớm nhất cũng phải mất nửa ngày, nhờ những tờ tin tức, phát hành theo buổi. Đối với truyền hình, sự kiện được truyền đi nhanh hơn, thậm chí có thể vào đúng thời điểm sự kiện đang tiếp diễn. Tuy nhiên, với một ê-kíp thực hiện và hệ thống phương tiện kỹ thuật cồng kềnh, phức tạp thì không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng thực hiện được các chương trình trực tiếp. Đối với phát thanh, mọi việc được tiến hành đơn giản hơn nhiều.
Thực tế cho thấy, ngay từ khi mới ra đời, trong điều kiện phương tiện kỹ thuật còn vô cùng nghèo nàn, chưa có máy ghi âm thì các chương trình của đài phát thanh đều được làm trực tiếp kết hợp với phương thức đọc thẳng. Với phương thức đó, các vấn đề, sự kiện thời sự luôn được truyền đi trên sóng một cách nhanh nhất, đảm bảo tính thời sự. Những người làm phát thanh ở nước ta còn nhớ mãi những chương trình phát thanh đầu tiên được thực hiện ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong điều kiện hết sức thiếu thốn về cơ sở vật chất của một đài quốc gia mới thành lập, những người làm phát thanh khi đó đã thực hiện được nhiều chương trình trực tiếp. Ngay như chương trình đầu tiên được thực hiện tại Đài Tiếng nói Việt Nam vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 7.9.1945 (giờ phút lịch sử, đánh dấu sự ra đời của ngành phát thanh ở Việt Nam) thì toàn bộ nội dung đều được làm trực tiếp, kể cả nhạc hiệu, lời xướng, bản tin thời sự và chương trình ca nhạc.
Tuy nhiên, chương trình phát thanh trực tiếp ngoài trời đầu tiên được thực hiện ở nước ta phải kể đến là chương trình lưu động đặc biệt, điển hình, tường thuật buổi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dự Hội nghị Fontainebleau (21.10.1946) về suốt dọc đường từ Hải Phòng đến Hà Nội (theo đường tàu hoả) gần ba giờ đồng hồ. Bằng hình thức trò chuyện trực tiếp với Bác, hai phóng viên Hoàng Tuấn và Nguyễn Văn Nhất đã chuyển đến đồng bào tiếng nói của Bác ấm áp và khoẻ khoắn, làm cho người nghe vô cùng xúc động và mừng rỡ…
Rõ ràng, so với phương thức tổ chức dàn dựng tại phòng thu và đọc thẳng, phát thanh trực tiếp có khả năng truyền thông tin đến người nghe nhanh nhất, vào chính thời điểm mà sự kiện đang diễn ra. Tiến trình của sự kiện được phản ánh trung thực, nhất quán theo trật tự thời gian tuyến tính, không thể đảo ngược dù chỉ là những chi tiết. Hơn thế, khi tiếng động của hiện trường vang lên song hành với sự kiện còn làm cho người nghe cảm nhận được một bầu không khí sinh động, chân thực, đầy tính thuyết phục.
Thứ hai, là cơ hội để người nghe tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện chương trình. Khi xuất hiện những sự kiện đặc sắc, thu hút sự quan tâm của xã hội như: tình hình lũ lụt ở miền Trung, hạn hán ở miền Bắc, việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe gắn máy, biện pháp phòng chống bệnh dịch SARS, tìm giải pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm… thì đài phát thanh tổ chức thực hiện chương trình phát thanh trực tiếp. Mục đích nhằm giúp cho người nghe không những hiểu vấn đề đang quan tâm một cách tường tận do những người trong cuộc hoặc các chuyên gia nói mà còn có cơ hội yêu cầu giải đáp các thắc mắc một cách tức thời. Bằng hình thức đối thoại trực tiếp giữa những người làm chương trình với các chuyên gia và với thính giả, chương trình không những giải quyết được những vấn đề mang tính thời sự cấp bách mà còn tạo ra một bức tranh âm thanh phong phú, sinh động bởi sự kết hợp của nhiều loại tiếng nói khác nhau. Điều này sẽ mang lại kết quả tốt hơn so với chương trình phát thanh chỉ có giọng đọc của phát thanh viên trên cơ sở văn bản có sẵn mà người nghe đã quá quen thuộc. Bằng hình thức đối thoại, những người trực tiếp tham gia vào chương trình cùng với tài năng của nhà báo phát thanh có khả năng tạo ra bầu không khí cởi mở, sôi nổi, nhiệt tình, cuốn hút người nghe. Trong phát thanh trực tiếp, công chúng có thể tham gia vào chương trình bằng nhiều hình thức khác nhau, từ việc thông tin đến việc tham gia bình luận, chất vấn, trao đổi ý kiến, đố vui, bình chọn tác phẩm, yêu cầu được nghe một bản nhạc ưa thích… Trong trường hợp này, nếu người thực hiện không chọn phương thức phát thanh trực tiếp chắc chắn hiệu quả sẽ thấp bởi tính chất dàn dựng, khuôn mẫu, khép kín của chương trình.
Thứ ba, là cơ hội để nhà báo phát thanh bộc lộ tài năng. Nhà báo phát thanh là thuật ngữ dùng để chỉ nhiều chức danh khác nhau như: phóng viên, phát thanh viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, đạo diễn… Đó là những người thường xuất hiện trong các ê-kíp của chương trình phát thanh trực tiếp.
Khi sản xuất chương trình bằng phương thức truyền thống tại phòng thu, vai trò của phát thanh viên được khẳng định và coi trọng hơn cả. Với chất giọng chuẩn, có nghề, phát thanh viên của đài phát thanh được người nghe biết đến và nhanh chóng chiếm được tình cảm của họ mỗi khi xuất hiện trên sóng. Vai trò của phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên… dường như bị khuất lấp ở phía sau.
Khi làm phát thanh trực tiếp, các thành viên trong ê-kíp luôn luôn phải đối mặt với các tình huống bất ngờ, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Một thao tác kỹ thuật nhầm lẫn dù chỉ là rất nhỏ của kỹ thuật viên, một sự thiếu ăn ý giữa phóng viên và người dẫn chương trình, một ý đồ của đạo diễn không được thực hiện… cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng của chương trình. Tài năng của nhà báo phát thanh được công nhận bằng chính thái độ của người nghe và sự tham gia nhiệt tình của họ vào chương trình từ đầu đến khi kết thúc. Vì vậy, trong các chương trình phát thanh trực tiếp, cần tránh tình trạng không tạo ra được mối liên hệ giữa những người làm chương trình với người nghe. Người dẫn chương trình cần hướng sự chú ý của người nghe vào những vấn đề chính mà chương trình đang phản ánh, khiến cho người nghe theo dõi chương trình suốt từ đầu đến cuối mà không thấy nhàm chán. Khi đó, người nghe sẽ hứng thú gọi điện thoại tới để tham gia, chứ không đến nỗi người thực hiện chương trình liên tiếp giới thiệu số điện thoại mà chuông vẫn không chịu reo.
Thứ tư, tạo điều kiện để thiết lập các ê-kíp trong thực hiện. Để thực hiện được một chương trình phát thanh trực tiếp bắt buộc phải có nhiều người cùng tham gia, khi đó ê-kíp sẽ hình thành. Kíp làm chương trình phát thanh trực tiếp thông thường gồm có: đạo diễn, người dẫn chương trình, kỹ thuật viên, phát thanh viên và phóng viên. Vai trò của từng cá nhân trong ê-kíp được khẳng định bằng chính sự nỗ lực của các thành viên. Những nỗ lực ấy được đánh giá bởi sự gắn kết chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Trong ê-kíp, đạo diễn là người đóng vai trò quan trọng nhất. Đạo diễn là người tổ chức, bố trí, sắp xếp, nắm đầu mối tất cả công việc. Đồng thời, là người giám sát toàn bộ tiến trình thực hiện theo mục tiêu đã định trước. Hơn thế, đạo diễn là người nắm bắt ý đồ tuyên truyền do ban biên tập đề ra để chỉ đạo ê-kíp triển khai, thực hiện. Từ ý đồ tuyên truyền, đạo diễn vạch ra kế hoạch, phân công công việc, xây dựng chương trình chi tiết. Bao gồm cả trật tự kết cấu lẫn việc chọn và đưa nhạc hoặc bài hát vào vị trí nào của chương trình… Dẫn chương trình là người chịu trách nhiệm xâu chuỗi, kết nối từng phần của đồng hồ chương trình, góp phần tạo nên sự hấp dẫn trong chương trình bằng những lời dẫn duyên dáng, mềm mại… Phóng viên là người cung cấp tin, bài, phóng sự, tham gia phỏng vấn khách mời tại phòng thu hoặc phát thanh dã ngoại (OB) ngoài hiện trường… Kỹ thuật viên là người đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát thanh trực tiếp. Kỹ thuật viên phải nắm vững cơ chế hoạt động của thiết bị. Bố trí máy móc tại những vị trí một cách hợp lý, khoa học để quá trình thao tác thuận lợi, tránh những động tác phức tạp thừa. Hơn thế, kỹ thuật viên cần là người có kinh nghiệm, làm chủ được mọi tình huống trong quá trình thực hiện.… Để ê-kíp hoạt động có hiệu quả, mọi thành viên phải am hiểu công việc và nhiệm vụ của mình. Đặc biệt họ phải là những người có khả năng hoạt động với cường độ lao động và trách nhiệm cao nhất.
Thứ năm, áp dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại vào quá trình sản xuất. Khác với việc thực hiện chương trình phát thanh theo phương thức tại Studio, chương trình phát thanh trực tiếp đòi hỏi phải có một hệ thống phương tiện kỹ thuật đủ mạnh, đảm bảo hoạt động thông suốt. Điều này đặc biệt cần thiết trong trường hợp thực hiện các chương trình phát thanh dã ngoại. Với phương thức sản xuất tại phòng thu, do yếu tố nhanh nhạy tức thời không được đặt ra hàng đầu nên mọi sai sót trong quá trình thực hiện và những sự cố về kỹ thuật hoàn toàn có thể khắc phục được mà hầu như không ảnh hưởng đến chất lượng của chương trình. Còn với phát thanh trực tiếp, sự gián đoạn, mất sóng, chất lượng âm thanh xấu sẽ là lý do để người nghe tắt radio. Vì thế, để các chương trình phát thanh trực tiếp thực hiện được trôi chảy, không thể xem nhẹ yếu tố kỹ thuật.
Ngày nay, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ có thể tạo ra những studio di động với đầy đủ tính năng hiện đại, rất tiện lợi cho quá trình thực hiện các chương trình phát thanh trực tiếp. Vấn đề quan trọng là phải nắm bắt cơ chế hoạt động và sử dụng như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất. Vì vậy, nếu chỉ có phương tiện kỹ thuật hiện đại thì chưa đủ mà phải có đội ngũ kỹ thuật viên lành nghề, giàu kinh nghiệm, luôn luôn làm chủ phương tiện kỹ thuật mới có thể đáp ứng được yêu cầu...
Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin. Các phương tiện hiện đại cho phép mọi tin tức, hình ảnh về các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, thể thao nổi bật đến mọi nơi, mọi lúc và mọi người trên toàn cầu. Công nghệ thông tin hiện đại tạo cho công chúng cơ hội lựa chọn các nguồn thông tin theo nhu cầu một cách thực dụng. Đứng trước thực tế đó, đòi hỏi phát thanh phải tìm ra những giải pháp mới để duy trì và giành lại vị thế của mình. Một trong những giải pháp đó chính là tăng cường hơn nữa các chương trình phát thanh trực tiếp, phát huy các thế mạnh của mình. Trong giai đoạn hiện nay, đây không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là giải pháp quan trọng để tạo ra khả năng cạnh tranh với các loại hình báo chí khác.
___________________________
Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 1 (tháng 1+2)/2005
Nguyễn Văn Trường
Bài liên quan
- Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
- Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
- Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
- Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
- Một số giải pháp cải thiện hoạt động khai thác, xuất bản sách tinh gọn tại Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Hội thảo khoa học: “Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay”
Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển như vũ bão và đóng vai trò then chốt cho sự phát triển, công tác tư tưởng, lý luận cũng đang đứng trước cơ hội để nâng tầm và hoạt động mạnh mẽ, hiệu lực, hiệu quả nếu biết tận dụng tốt những lợi thế cuộc cách mạng chuyển đổi số 4.0 mang lại.
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Trong bối cảnh du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc phát triển du lịch bền vững tại Khánh Hòa đòi hỏi sự tham gia chủ động của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương (CĐĐP). Quản trị truyền thông không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh Khánh Hòa là một điểm đến bền vững, mà còn trở thành công cụ quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa. Bài báo khoa học này tập trung hệ thống hóa và đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời đề xuất các giải pháp quản trị truyền thông hiệu quả nhằm phát triển DLCĐ một cách đồng bộ, giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đúng định hướng chiến lược, trong đó DLCĐ đóng vai trò cốt lõi. Kết quả nghiên cứu được thu thập thông qua các phương pháp như: phỏng vấn sâu; phương pháp khảo sát; phân tích, tổng hợp và so sánh dữ liệu; xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS.22.0.
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra sự thay đổi sâu rộng trong ngành truyền hình với sự xuất hiện của truyền hình đa nền tảng. Khác với truyền hình truyền thống, truyền hình đa nền tảng đã và đang định hình lại cách thức tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung thông qua các đặc trưng nổi bật như tính thời sự, khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng, tính đa dạng và tương tác cao, quản lý và lưu trữ hiệu quả. Vận hành một mô hình sản xuất truyền hình đa nền tảng cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến các nguyên tắc về thông tin chính xác, kết hợp sản xuất nội dung với công nghệ mới, phát triển đa dạng các nền tảng...
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Bài viết nghiên cứu về tác động của truyền thông xã hội đối với hoạt động báo chí hiện nay, tập trung vào sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, phân phối tin tức và cấu trúc nội dung báo chí. Truyền thông xã hội đã trở thành một nguồn tin phong phú, đa chiều và nhanh chóng, làm thay đổi đáng kể cách thức thu thập và truyền tải thông tin. Tuy nhiên, tính xác thực của nguồn tin mạng xã hội vẫn là một thách thức, đòi hỏi báo chí phải chú trọng vào việc kiểm chứng và phản hồi thông tin một cách chính xác. Trên tinh thần đó, bài viết đề xuất báo chí cần phát triển nội dung chất lượng cao, tăng cường kỹ năng công nghệ số của phóng viên và xây dựng các nền tảng số riêng để giảm sự phụ thuộc vào truyền thông xã hội, đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy trong kỷ nguyên số.
Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan điểm chỉ đạo được nhấn mạnh trong Nghị quyết (NQ) là: “…chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định…” (1). NQ này đã được các cơ quan liên quan, trong đó có các cơ quan báo chí quán triệt, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để “chuyển hóa những thách thức thành cơ hội”, nhất là với vùng đồng bằng sông Cửu Long, để phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng thì vai trò, trách nhiệm của báo chí cần được nhận thức đầy đủ, chủ động hơn.
Bình luận