Vai trò của dư luận xã hội đối với phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay
1. Dư luận xã hội và tham nhũng
Dư luận xã hội hay còn gọi là công luận (public opinion) được hiểu là “tập hợp các ý kiến cá nhân ở bất kỳ nơi đâu mà có thể tìm thấy được”. Tuy có nhiều quan điểm tranh luận khác nhau, tuy nhiên về cơ bản dư luận xã hội bao gồm cả “những nhận xét đánh giá” và “những phát ngôn thể hiện tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị, khuyên răn của số đông trong công chúng” về các vấn đề liên quan đến chính trị và chính phủ. Thành phần tạo nên dư luận xã hội bao gồm ba nhóm chính sau: (i)- Giới tinh hoa, các chuyên gia tham gia ý kiến vào quá trình quản trị của khu vực công với tư cách từ bên ngoài công khai qua các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình, mạng xã hội; (ii)- Thống kê xã hội thông qua các điều tra, khảo sát và (iii)- Nhận thức của người dân được biểu hiện qua truyền miệng hoặc các phương tiện truyền thông cá nhân(1).
Tham nhũng được hiểu chung nhất là “các hành vi lạm dụng quyền lực được giao để thu lợi cho cá nhân” (Tổ chức Minh bạch quốc tế). Các hành vi là tội tham nhũng được các quốc gia quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Ở Việt Nam, các hành vi tham nhũng được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 bao gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi nhành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi, cản trở, can thiệp trái pháp luật và việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi(2).
2. Vai trò của dư luận xã hội đối với đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Với vai trò tạo áp lực và là thước đo đánh giá kết quả của phòng, chống tham nhũng, dư luận xã hội đóng góp ở hai khía cạnh:
Một là, dư luận xã hội tạo áp lực cho các nỗ lực đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở các quốc gia.
Áp lực của công luận đã được James Russell ở thế kỷ XIX so sánh với “áp suất không khí”, nó “vô hình nhưng cho mỗi cm2 của cơ thể là áp lực một vài cân trọng lượng”. Dư luận xã hội tuy vô hình nhưng có áp lực vô cùng to lớn đối với mọi lĩnh vực trong xã hội, bao gồm hoạt động của khu vực công. Trong thực tiễn, đặc biệt kể từ khi quản lý công mới áp lực từ dư luận xã hội là căn nguyên của nhiều cải cách, thay đổi tiến bộ hơn trong khu vực công để hướng đến sự hài lòng của người dân, xã hội.
Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, các kết quả nghiên cứu lẫn thực tiễn đã chứng minh rằng, môi trường của tham nhũng được tạo thành bởi các yếu tố theo hai xu hướng: hoặc là ủng hộ cho tham nhũng được diễn ra thuận lợi hoặc là hạn chế sự lan truyền của trình trạng này. Trong điều kiện dư luận xã hội thờ ơ, không đề cập đến tình trạng tham nhũng là “miếng đất màu mỡ” cho các hành vi tham nhũng sinh sôi và phát triển. Ý thức về ý kiến chủ đạo bị ảnh hưởng bởi “vòng xoáy im lặng”, bản chất của “vòng xoáy im lặng” là giả định mọi người sợ bị cô lập và vì vậy họ điều chỉnh ý kiến theo những gì được cho là ý kiến của số đông(3). Mặc dù chống tham nhũng là đúng đắn và phù hợp với đạo đức xã hội những nếu không được công khai chia sẻ bởi các thành viên khác trong xã hội, các ý kiến đó vẫn sẽ im lặng và không tạo thành dư luận xã hội. Khi không có dư luận xã hội phản ánh và đấu tranh, tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra bình thường thậm chí tạo thành văn hóa, xã hội cho rằng tham nhũng là nghiễm nhiên khi thực thi công vụ.
Ngược lại, khi dư luận xã hội quan tâm và có quan điểm, ý kiến về tham nhũng sẽ tạo thành hiệu ứng, được ủng hộ bởi cả cộng đồng. Khi tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm lên án sẽ tạo áp lực để những nỗ lực phòng, chống tham nhũng được thực hiện và đạt hiệu quả ở các khía cạnh cụ thể sau:
(i)- Ủng hộ và thúc giục khu vực công triển khai hoạt động phòng, chống tham nhũng, ví dụ nhu cầu cấp bách về thể chế hóa các quy định phòng ngừa tham nhũng, yêu cầu thành lập cơ quan chống tham nhũng, thực hiện công khai, minh bạch thông tin trong chi tiêu công…
(ii)- Áp lực của dư luận xã hội đặc biệt có vai trò tác động giúp giảm và triệt tiêu tình trạng tham nhũng vặt. Tham nhũng vặt được thúc đẩy khi nhận thức của người dân cho rằng việc trả tiền cho một cán bộ, công chức, viên chức về dịch vụ được cung cấp là hoàn toàn bình thường và mọi người đều hối lộ để đạt được điều đó. Tuy nhiên, khi các ý kiến phản bác và lên án tình trạng này càng phổ biến để tạo thành dư luận xã hội, thì tạo thành áp lực lên các hành vi tham nhũng vặt góp phần giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ trình trạng tham nhũng vặt.
(iii)- Gây áp lực trực tiếp đến cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực công khi thi hành công vụ giúp ngăn ngừa các hành vi tham nhũng. Trong bối cảnh các hành vi tham nhũng bị lên án mạnh mẽ với thái độ gay gắt là những áp lực cho cán bộ, công chức và viên chức phải lựa chọn hành động để tránh bị chỉ trích từ cộng đồng xã hội. Áp lực về tinh thần, uy tín, danh dự và các mối quan hệ trước công luận trở thành động lực để ngăn ngừa họ có những hành vi gian lận tiêu cực vụ lợi cho bản thân trong thi hành công vụ.
Hai là, các cuộc điều tra dựa trên dư luận xã hội trở thành thước đo để đánh giá kết quả phòng, chống tham nhũng là xu hướng của các nước hiện nay.
Xuất phát từ nguyên tắc cơ bản trong quản lý đó là “không thể quản lý được nếu không đánh giá đúng” (Peter Drucker- Tinh hoa quản trị), chỉ khi đánh giá được tình trạng tham nhũng bằng các thước đo đúng đắn và tin cậy thì cơ quan có thẩm quyền mới có thể quản lý được các hoạt động phòng, chống tham nhũng và kiểm soát tham nhũng. Vì người dân, doanh nghiệp có thể là những “người trong cuộc” của vụ việc tham nhũng (ví dụ trực tiếp hối lộ bằng tiền hoặc tặng quà quan chức) hoặc thông qua quan sát, kinh nghiệm và mô tả cảm nhận của họ về những nguyên nhân trực tiếp tạo môi trường thuận lợi cho tham nhũng nên các cuộc điều tra dựa trên dư luận xã hội là một thước đo có giá trị tin cậy để đánh giá tình trạng tham nhũng và kết quả phòng, chống tham nhũng trong thực tiễn(4).
Hiện nay, một số chỉ số đánh giá tình trạng tham nhũng được sử dụng rộng rãi trên thế giới là: Chỉ số kiểm soát tham nhũng CC được đề xuất và thực hiện bởi Ngân hàng thế giới World bank và Chỉ số cảm nhận CPI của Tổ chức Minh bạch Quốc tế; khảo sát môi trường kinh doanh và hoạt động doanh nghiệp; điểm chung giữa các chỉ số này là dựa trên cơ sở ý kiến của người dân, doanh nghiệp. Một số tiêu chí phổ biến được đánh giá bởi dư luận xã hội về phòng, chống tham nhũng bao gồm: (i) - Mức độ công khai, minh bạch thông tin trong các lĩnh vực của khu vực công. (ii) - Tình trạng tham nhũng khi cung ứng các dịch vụ công của khu vực công. (iii) - Cảm nhận về tình trạng tham nhũng của chính quyền địa phương. (iv) - Tình trạng tham nhũng vặt.
Với vai trò trực tiếp tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, dư luận xã hội đóng góp ở các khía cạnh sau đây:
Một là, dư luận xã hội đóng góp trực tiếp vào việc phản biện, góp ý để xây dựng thể chế quy định về phòng, chống tham nhũng. Cũng như việc quản lý các lĩnh vực khác, quy trình soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cho hoạt động phòng, chống tham nhũng bao gồm một bước quan trọng, đó là lấy ý kiến tư vấn và phản biện từ các chuyên gia và xã hội. Trước hết, dư luận xã hội bao gồm ý kiến và tư vấn từ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, qua phương tiện truyền thông được nắm bắt bởi các nhà hoạch định luật và chính sách, nhiều trong số ý kiến đó đóng góp tích cực và được thể hiện trong thể chế về phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, tuy còn nhiều bất đồng trong mức độ đóng góp của các kết quả các cuộc điều tra tham gia vào quá trình hoạch định luật và chính sách công so với ý kiến của chuyên gia, tuy nhiên phần lớn các học giả đồng nhất quan điểm, dư luận xã hội có thể hướng dẫn các quyết định của luật và chính sách công, đặc biệt là các phán xét xã hội, các cuộc bỏ phiếu có chủ ý, các cuộc trưng cầu ý kiến. Điều này cũng đúng đối với quá trình thể chế hóa quy định về phòng, chống tham nhũng ở các quốc gia trên thế giới. Quyền được tham vấn ở giai đoạn soạn thảo luật và chính sách, phát biểu ý kiến, phản biện và đệ trình các đề xuất bao gồm trong cả lĩnh vực phòng, chống tham nhũng được Liên Hiệp Quốc và các quốc gia coi trọng. Năm 2022, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra kêu gọi công chúng đưa ra các sáng kiến trong cuộc chiến chống tham nhũng(5).
Hai là, các thông tin trong dư luận xã hội là cơ sở giúp phát hiện, điều tra đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Một trong những thách thức trong đấu tranh chống tham nhũng của các quốc gia là việc thiếu thông tin về các vụ việc tham nhũng. Các nguồn thông tin cung cấp cho các điều tra về tham nhũng bao gồm từ hoạt động kiểm tra nội bộ, từ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, từ các vụ án và từ dư luận xã hội. Có thể là những người trực tiếp tham gia vào các vụ án hối lộ tham nhũng hoặc là người có điều kiện chứng kiến trở thành nguồn thông tin tin cậy cho các cuộc điều tra về tham nhũng. Người dân có thể trực tiếp tố cáo lên cơ quan có thẩm quyền, hoặc cung cấp thông tin thông qua các phương tiện truyền thông, hoặc ở nhiều quốc gia còn thiết kế ứng dụng điện thoại thông minh cho phép công dân dễ dàng báo cáo các vụ việc tham nhũng.
Năm 2012, Ngân hàng thế giới đã giới thiệu phần mềm ứng dụng qua điện thoại thông minh cho phép người dân bí mật cung cấp thông tin về gian lận và tham nhũng. Ở Ấn Độ tạo nền tảng trực tuyến có tên “Tôi đã trả một khoản hối lộ” để người dân đăng câu chuyện vạch trần tham nhũng ẩn danh(6). Ở Singapore, nhà nước thiết lập đường dây nóng để thu nhận tin tức về tội phạm nói chung bao gồm cả tham nhũng và yêu cầu các cơ quan chức năng phải xem xét tất cả đơn thư tố giác của người dân về tham nhũng dù có ký tên hay không. Tất cả những cách thức trên cho phép dư luận xã hội tham gia vào cung cấp thông tin để phát hiện, điều tra đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Ba là, dư luận xã hội tuyên truyền, động viên, nâng cao ý thức và đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực công về các hành vi phòng, chống tham nhũng. Xây dựng đạo đức và văn hóa công vụ trong sạch, liêm chính là một trong những biện pháp cơ bản để phòng, chống tham nhũng của các quốc gia. Thông qua dư luận xã hội với các tư tưởng liêm chính của lãnh tụ, các hành vi và đạo đức trong sạch khi thi hành công vụ được tuyên dương, động viên và truyền bá để nhân rộng. Dư luận xã hội về bản chất là hình thức biểu hiện của ý thức xã hội và định hình văn hóa và đạo đức của xã hội, do đó những chuẩn mực đạo đức và hành vi ứng xử được dư luận xã hội đề cao và biểu dương có tác dụng từ gốc rễ trong tạo chuẩn mực hành vi khi thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và ngược lại. Đây được xem là vai trò vô cùng quan trọng của dư luận xã hội trong phòng ngừa và giải quyết tận gốc tình trạng tham nhũng.
3. Vai trò của dư luận xã hội đối với đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thực tiễn ở Việt Nam hiện nay
Vai trò của dư luận xã hội trong những năm qua đã được cụ thể hóa với nhiều kết quả đạt được cụ thể.
Dư luận xã hội là lực lượng tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam đã được Hồ Chí Minh nêu rõ từ những ngày đầu xây dựng chính quyền, phải “biến hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”. Nhận thức này tiếp tục được ghi nhận tại các văn kiện định hướng của Đảng. Hội nghị Trung ương 3 khóa VII đã nêu rõ “Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, coi trọng biện pháp điều ra dư luận xã hội”. Tại Kết luận 100/KL-TW Ban Bí thư nêu rõ “Đối với các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế xã hội quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng, trước khi xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và sau một thời gian tổ chức thực hiện phải tiến hành điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”.
Đối với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII kết luận cần “nâng cao vai trò, phát huy tính tích cực chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng.” Các quan điểm trên đây nhấn mạnh vai trò dư luận xã hội là lực lượng tham gia vào xây dựng thể chế về phòng, chống tham nhũng và cung cấp thông tin cho đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, niềm tin của nhân dân, của dư luận xã hội cũng được xác nhận là động lực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, điều này được thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 của Đảng “Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…, ngăn chặn tiến tới xóa bỏ tận gốc tệ nạn tham nhũng, lãng phí… củng cố lòng tin của Nhân dân”.
Vai trò của dư luận xã hội cũng được thể chế trong văn bản quy phạm pháp luật. Tại Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định cụ thể ở Điều 4 về cung cấp thông tin tham nhũng của tổ chức ngoài nhà nước, Điều 5 về “phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng”, Chương 5 trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng trong cung cấp thông tin về tham nhũng, tuyên truyền, động viên các hành vi đấu tranh phòng, chống tham nhũng(7).
Trong thực tiễn, dư luận xã hội cũng thể hiện vai trò tích cực ở các khía cạnh khác nhau: (i)- Dư luận quần chúng là nguồn thông tin phổ biến thứ hai về tham nhũng (theo Báo cáo của WB từ kết quả điều tra xã hội học năm 2012). (ii)- Các cuộc điểu tra xã hội học bao gồm các chỉ số về tham nhũng được thể hiện trong các điều tra khảo sát độc lập hàng năm như PAPI- Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam và PCI- Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có giá trị tham khảo tin cậy.
Mặc dù vậy trên thực tế ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế trong thực hiện vai trò của dư luận xã hội.
Một là, thiếu quy định của văn bản quy phạm pháp luật về đóng góp của dư luận xã hội ở các khía cạnh (i) - Về thông tin tố cáo tham nhũng. Theo Quy định của pháp luật hiện hành, tố cáo nặc danh hoặc chưa có chứng cứ rõ ràng thì không thụ lý giải quyết. Điều này dẫn đến việc người dân ngại cung cấp thông tin về tham nhũng mà họ chỉ mới nắm được một phần thông tin và sợ bị trù dập, trả thù nếu tố cáo trong nội bộ mà bị lộ danh tính. (ii) - Về bảo vệ nhân chứng tố cáo. Theo quy định của pháp luật hiện nay, chưa xác định cụ thể cơ quan nào có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo, chưa có quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, thụ lý và giải quyết yêu cầu bảo vệ của người tố cáo, các biện pháp bảo vệ chưa được cụ thể hóa. (iii) - Cơ chế khen thưởng khi tố cáo tham nhũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng. Theo kết quả khảo sát của World bank 2012, có 20% người dân và doanh nghiệp và 30% cán bộ công chức đồng ý với việc họ không tố cáo tham nhũng vì làm như thế cũng không được khen thưởng(8).
Hai là, một bộ phận không nhỏ công chúng không quan tâm đến phòng, chống tham nhũng, thờ ơ với tình trạng tham nhũng hoặc im lặng khi biết thông tin về tham nhũng. Có đến 58,7% ý kiến được hỏi khi “nắm rõ thông tin tham nhũng sẽ im lặng, không nói cho ai biết” (năm 2012)(9). Sự mặc nhiên và im lặng của dư luận trước tham nhũng sẽ là môi trường cho các hành vi tham nhũng sinh sôi và phát triển. Bởi vì cán bộ, công chức và viên chức không bị áp lực xã hội hay sự phán xét nào tác động đến hành vi của họ.
Ba là, còn nhiều quan điểm chưa đúng đắn về phòng, chống tham nhũng trong dư luận xã hội tạo thuận lợi cho tham nhũng và tham nhũng vặt. Một số phong tục tập quán lạc hậu như tâm lý “miếng trầu là đầu câu chuyện” hay “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn quan niệm cần phải đưa hối lộ để chính quyền xử lý công việc nhanh chóng hoặc người dân khi cần các dịch vụ công mang tâm lý “xin - cho”, quyền lợi chính đáng mà người dân có được từ chính quyền cũng cần phải cảm ơn bằng quà cáp, Theo khảo sát của World bank, có 57% cán bộ công chức, 83% doanh nghiệp và 76% người dân đồng ý và hoàn toàn đồng ý với nhận định “Cán bộ nhận tiền, quà biếu liên quan đến thói quen”(10). Còn theo kết quả điều tra của PCI, năm 2019, tỉ lệ doanh nghiệp động ý với nhận định “chi trả hoa hồng là cần thiết để có cơ hội thắng thầu” là 41,2%. Điều tra PAPI 2020 chỉ ra có đến hơn 32% số người dân được hỏi cho biết phải “bôi trơn”, “lót tay” để làm giấy chứng nhận quyền sử đụng đất. Những dư luận xã hội theo chiều hướng này được tích tụ lâu dần và thừa nhận bời số đông sẽ rất nguy hiểm vì tạo ra văn hóa tiếp tay cho các hành vi tham nhũng vặt và nhũng nhiễu nhân dân.
Bốn là, nhiều tổ chức lơi dụng dư luận xã hội để đưa ra những thông tin không đúng về chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Một số thế lực qua mạng xã hội suy diễn một số thông tin sai lệch như “tham nhũng cả hệ thống”, “đụng đến đâu sai đến đó”, càng chống, tham nhũng càng nhiều” hay chống tham nhũng là “cuộc thanh trừng nội bộ”. Những thông tin sai lệch này nảy sinh việc mất niềm tin vào các nỗ lực phòng, chống tham nhũng của nước ta, nghiêm trọng hơn, là vì mất niềm tin mà dư luận xã hội thờ ơ, mặc kệ, không xem nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng cũng là trách nhiệm của xã hội.
4. Các giải pháp nhằm phát huy vai trò của dư luận xã hội đối với phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay
Một là, hoàn thiện hệ thống thể chế về phòng, chống tham nhũng trong đó chú ý bổ sung các nội dung liên quan đến vai trò của dư luận xã hội bao gồm việc xử lý các thông tin ẩn danh sao cho hiệu quả, hợp lý, bảo vệ nhân chứng tố cáo thông tin tiêu cực và khen thưởng đối với các ý kiến tố cáo đúng đắn.
Hai là, để dư luận xã hội thực sự là một lực lượng tham gia phòng, chống tham nhũng, cần các giải pháp động viên để các ý kiến thiểu số tích cực trong phòng, chống tham nhũng được bảo vệ, mở rộng tạo thành dư luận xã hội. Không thờ ơ, mặc kệ, im lặng trước các hành vi tham nhũng mà cần lên án gay gắt để tạo áp lực xã hội đủ lớn răn đe các ý định tham nhũng từ đầu, tố cáo để cơ quan có thẩm quyền nắm được để có những bản án thích đáng cho tội phạm tham nhũng. Bên cạnh đó, dư luận xã hội truyền bá và đề cao các tấm gương đạo đức trong sáng, khuyến khích các tư tưởng liêm chính trong thi hành công vụ. Sự vun đắp bằng truyền miệng và các giai thoại liêm chính trong dư luận xã hội có ý nghĩa giáo dục đạo đức cho cán bộ, công chức và viên chức trong hiện tại và trong tương lai.
Ba là, hình thành và phát triển những nét văn hóa tích cực trong dư luận xã hội liên quan đến phòng, chống tham nhũng bao gồm xóa bỏ tâm lý “xin - cho” trong mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân, doanh nghiệp, không hối lộ từ phía doanh nghiệp và người dân cho chính quyền.
Bốn là, cần làm tốt công tác định hướng để dư luận xã hội nhìn nhận đúng, theo hướng tích cực về cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay, tránh để dư luận tin theo những thông tin sai lệch gây mất niềm tin với Đảng và nhà nước.
Tóm lại, trách nhiệm phòng, chống tham nhũng không chỉ là việc của riêng chính quyền mà xã hội cũng đóng vai trò quan trọng quyết định. Dư luận xã hội tích cực có ý nghĩa lâu dài và vững chắc trong việc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung./.
__________________________________________________
(1) Andy Schmitz (2012), American government and politics in the Information Age, Published by Saylor Academy, chương 7.
(2), (7) Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.
(3), (5), (6) Elaine Byrne (2010), Building public support for anti-corruption efforts, published by World bank.
(4) Ilona Wysmulek (2019), Using public opinion surveys to evaluate corruption in Europe, International Journal Methodology.
(8), (9), (10) World bank (2013), Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức, NXB Chính trị quốc gia sự thật; tr. 23, 35, 49.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. UNODC (2012), Citizen participation in anti-corruption efforts, https://grace.unodc.org/grace/uploads/documents/academics/Anti-Corruption_Module_10_Citizen_Participation_in_Anti-Corruption.pdf (truy cập lần cuối ngày 2/5/2023).
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 6.2023
Bài liên quan
- Tư tưởng hồi hướng công đức trong giáo lý của đạo Phật – tính hợp lý và giá trị đạo đức
- Tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ninh trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay
- Giải pháp tăng cường năng lực quảng bá văn hóa của chương trình chuyên đề văn hóa trên truyền hình
- Hoạt động Ngoại giao văn hóa tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh mới: Những dấu ấn, thành tựu nổi bật và giải pháp nâng cao hiệu quả
- Đảng bộ Lữ đoàn Tên lửa 490 nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Xem nhiều
-
1
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên hiện nay
-
2
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh trong tham gia xây dựng Đảng
-
3
Xây dựng chính quyền điện tử tại Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ hướng tới chính quyền số năm 2030: cơ hội và thách thức
-
4
Tương lai cho thế hệ vươn mình
-
5
THÔNG BÁO VỀ VIỆC XUẤT BẢN TẠP CHÍ CHUYÊN ĐỀ TỪ NĂM 2025
-
6
Chi bộ Văn phòng Đảng – Hội đồng trường – Đoàn thể tổ chức thành công Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Xây dựng chính quyền điện tử tại Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ hướng tới chính quyền số năm 2030: cơ hội và thách thức
Bài viết nghiên cứu về quá trình triển khai xây dựng chính quyền điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, tập trung vào nghiên cứu thực trạng những ưu điểm, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện chỉ ra những cơ hội và thách thức trong tương lai. Bên cạnh đó, bài viết tham khảo kinh nghiệm thực tiễn mô hình chính quyền điện tử ở một số quốc gia tiên tiến về chính quyền điện tử, chính quyền số, tham khảo kinh nghiệm, thành tựu xây dựng chính quyền điện tử ở một số địa phương dẫn đầu trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử trong nước. Từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm tận dụng các cơ hội và chuẩn bị tốt cho những thách thức trong công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, hướng tới chính quyền số năm 2030.
Tư tưởng hồi hướng công đức trong giáo lý của đạo Phật – tính hợp lý và giá trị đạo đức
Tư tưởng hồi hướng công đức trong giáo lý của đạo Phật – tính hợp lý và giá trị đạo đức
Phật giáo là một tôn giáo lớn trên thế giới có khởi nguồn từ đất nước Ấn Độ và du nhập vào Việt Nam đến nay đã gần 20 thế kỷ. Với những giáo lý mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, Phật giáo dễ dàng hòa nhập với đời sống văn hóa, tinh thần người Việt Nam. Một trong những giáo lý có ảnh hưởng và ý nghĩa sâu sắc với các tín đồ đạo Phật và mỗi người dân Việt Nam là tư tưởng hồi hướng công đức. Bài viết này sẽ góp phần làm rõ thuật ngữ “hồi hướng”, “hồi hướng công đức”, nội dung, tính hợp lý và giá trị đạo đức của giáo lý này đối với đời sống tinh thần của người Việt.
Tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ninh trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay
Tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ninh trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay
Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một trong những yêu cầu cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương trong giai đoạn hiện nay. Kết quả của sự sắp xếp được coi là thước đo, cơ sở đánh giá hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, các bộ, ban, ngành, địa phương... Bài viết phác hoạ thực trạng Tỉnh ủy Quảng Ninh lãnh đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, chỉ rõ những hạn chế, bất cập; từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này thời gian tới.
Giải pháp tăng cường năng lực quảng bá văn hóa của chương trình chuyên đề văn hóa trên truyền hình
Giải pháp tăng cường năng lực quảng bá văn hóa của chương trình chuyên đề văn hóa trên truyền hình
Văn hoá truyền thống là hồn cốt của quốc gia, dân tộc, là nền tảng tinh thần to lớn tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tiếp biến văn hóa mạnh mẽ, các chương trình chuyên đề về văn hóa trên truyền hình đóng vai trò quan trọng, cung cấp những phân tích và bình luận sâu sắc, góp phần xây dựng nhận thức về bản sắc dân tộc và quảng bá văn hóa quốc gia ra thế giới.
Hoạt động Ngoại giao văn hóa tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh mới: Những dấu ấn, thành tựu nổi bật và giải pháp nâng cao hiệu quả
Hoạt động Ngoại giao văn hóa tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh mới: Những dấu ấn, thành tựu nổi bật và giải pháp nâng cao hiệu quả
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngoại giao văn hóa ngày càng khẳng định vai trò là cầu nối hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, địa phương, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh Quảng Ninh, với tiềm năng phong phú về văn hóa và kinh tế, không nằm ngoài xu thế này, đã từng bước khẳng định vai trò của ngoại giao văn hóa như một công cụ quan trọng để nâng cao hình ảnh, thúc đẩy hợp tác quốc tế và hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững. Giai đoạn từ năm 2014 đến 2024 đánh dấu một thập kỷ quan trọng trong quá trình phát triển ngoại giao văn hóa của Tỉnh, với việc triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế, đồng thời phát huy sức mạnh mềm văn hóa.
Bình luận