Vai trò của Hội cựu sinh viên trong các trường đại học hiện nay
Cựu sinh viên là những sinh viên đã tốt nghiệp tại các trường đại học hay bậc giáo dục tương tự. Khi xác định đối tượng là cựu sinh viên của các trường đại học, cũng có ý kiến đặt ra rằng hiện nay hầu hết các trường đại học đều đào tạo nhiều bậc trình độ khác nhau như bậc đào tạo đại học để lấy bằng cử nhân và bậc đào tạo sau đại học để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đó, những đối tượng được đào tạo ở bậc trình độ cử nhân thì gọi là sinh viên, còn đối tượng người học ở trình độ sau đại học thì gọi là học viên. Theo đó mà khái niệm cựu sinh viên dùng để chỉ những người đã tốt nghiệp trình độ đại học ở các cơ sở đào tạo đại học.
Tuy nhiên, ở đây, dưới góc độ nghiên cứu về tổ chức của những người đã từng tham gia học tập và tốt nghiệp ở các trường đại học nhưng nay không còn theo học nữa, nên bài viết sẽ tiếp cận khái niệm cựu sinh viên ở phạm vi rộng nhất và cựu sinh viên ở đây sẽ bao gồm tất cả những người đã tốt nghiệp tại trường đại học, bao gồm cả ở bậc trình độ đại học và trên đại học, cả hệ chính quy và không chính quy.
Như vậy, Hội cựu sinh viên là một tổ chức xã hội tập hợp tất cả các cựu sinh viên của một trường đại học, hoạt động với mục tiêu chung chủ yếu là xây dựng tình đoàn kết giữa các thế hệ sinh viên đã theo học tại trường; gắn kết cựu sinh viên với các hoạt động của trường; góp phần phát huy những truyền thống tốt đẹp của sinh viên và nhà trường. Hội cựu sinh viên của một trường đại học do hiệu trưởng trường đại học đó quyết định thành lập. Tổ chức và hoạt động của Hội cựu sinh viên được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất các hoạt động trên cơ sở Điều lệ Hội và Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
1. Vai trò và lợi ích của Hội cựu sinh viên
Tổ chức và hoạt động của Hội cựu sinh viên tạo ra một môi trường mà các cựu sinh viên có thể duy trì mối quan hệ lâu dài với trường đại học và tiếp tục đóng góp cho trường, cho xã hội. Vai trò hàng đầu mà các Hội cựu sinh viên đề ra khi thành lập là nhằm giữ mối liên hệ giữa cựu sinh viên và trường đại học của mình.
Vai trò đó được cụ thể hóa thành các chức năng, nhiệm vụ của Hội, tập trung chủ yếu vào các nội dung như tập hợp, vận động đông đảo các thế hệ cựu sinh viên của trường nhằm phát huy tình đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong học tập, công tác và cuộc sống; tổ chức giao lưu, họp mặt truyền thống nhằm thắt chặt tình đoàn kết giữa sinh viên các khóa, các ngành đã và đang theo học tại nhà trường; kết nối chặt chẽ mối quan hệ và sự hỗ trợ, hợp tác giữa nhà trường với các cựu sinh viên trong đào tạo, nghiên cứu, kinh doanh dịch vụ và phát triển nguồn nhân lực; tổ chức các hoạt động phối hợp đào tạo, nghiên cứu, kinh doanh dịch vụ giữa nhà trường và các tổ chức, cá nhân, địa phương và các doanh nghiệp; thu hút các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân đóng góp vào sự phát triển của Hội và của nhà trường; phối hợp thực hiện các hoạt động nhằm cải tiến chương trình đào tạo, tư vấn ngành nghề đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập, thực tế và hỗ trợ giải quyết việc làm cho sinh viên; phối hợp thực hiện các chương trình hành động của nhà trường, chia sẻ thông tin, kết nối sức mạnh, hỗ trợ cùng phát triển; nuôi dưỡng niềm tự hào về nhà trường, góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh, thương hiệu của nhà trường…
Có thể thấy, với những vai trò, nhiệm vụ cơ bản đó thì các giá trị được tạo ra từ Hội cựu sinh viên sẽ không chỉ phục vụ cho những cựu sinh viên mà còn đem lại lợi ích to lớn cho chính các trường đại học và đóng góp cho cả cộng đồng xã hội.
Thứ nhất, Hội cựu sinh viên tạo ra nhiều giá trị và lợi ích cho các hội viên.
Trước hết, Hội cựu sinh viên đem lại điều kiện để phát huy chính nguồn lực cựu sinh viên. Cựu sinh viên đều là những người đã tốt nghiệp những chương trình học tập nào đó của nhà trường, họ đã có năng lực, trình độ nhất định và theo những mức độ, họ đã tham gia làm việc ở những lĩnh vực, ngành nghề, vị trí khác nhau trong xã hội. Số lượng cựu sinh viên của các trường đại học mỗi năm lại không ngừng được bổ sung và ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng, to lớn của mỗi trường đại học và của cả xã hội. Tuy nhiên, nguồn lực này sẽ không phát huy hết vai trò của mình khi các cựu sinh viên hoạt động riêng rẽ, không có lãnh đạo, quản lý và phương hướng phát triển. Chính vì vậy, Hội cựu sinh viên đem lại cơ hội để cựu sinh viên phát huy tốt hơn khả năng, sức mạnh và làm gia tăng giá trị của các hội viên.
Những hoạt động cơ bản, nổi bật mà Hội cựu sinh viên thường xuyên phải thực hiện là tổ chức các hoạt động giao lưu, họp mặt truyền thống giữa các cựu sinh viên với nhà trường, tôn vinh những cựu sinh viên ưu tú, gây nguồn quỹ Hội, hay đơn giản là các cuộc gặp mặt giữa các cựu sinh viên, cùng nhau tham gia các hoạt động du lịch giải trí, trải nghiệm, từ thiện... để tạo ra sự gắn kết giữa các cựu sinh viên. Những hoạt động này vừa tạo cơ hội để họ có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau, vừa thay đổi không khí, đem lại năng lượng sống tích cực, gia tăng sức mạnh tinh thần giữa những tháng ngày bận rộn và mệt mỏi với guồng quay công việc và cuộc sống.
Hoạt động chính thức của Hội cựu sinh viên cũng làm gia tăng cả về chất và lượng những tương tác giữa cựu sinh viên với nhà trường. Do vậy, các thông tin về nhà trường đến với cựu sinh viên cũng kịp thời và chính xác hơn. Qua Hội, những người từng là sinh viên của trường nhận được những thông tin về chiến lược phát triển chung của nhà trường và của các khoa, các dự án, các khóa đào tạo lại, các công trình nghiên cứu khoa học mà các cựu sinh viên có thể tham gia để bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn.
Lợi ích to lớn nữa mà Hội cựu sinh viên đem đến cho các hội viên của mình đó là cơ hội việc làm và nguồn nhân lực có chất lượng. Do có điều kiện cùng nhau xây dựng và tham gia các diễn đàn của Hội mà các cựu sinh viên, ngoài các tri thức, kinh nghiệm họ được chia sẻ và học hỏi lẫn nhau, họ cũng có thể tìm được cho mình những đối tác kinh doanh, hợp tác, chọn lựa được nguồn nhân lực chất lượng từ chính đội ngũ sinh viên đang theo học trong nhà trường. Hoặc cũng có khi qua những thông tin, cơ hội việc làm được chia sẻ từ các diễn đàn mà đem đến cơ hội việc làm cho chính các các hội viên.
Thứ hai, những lợi ích cho các trường đại học.
Sự phát triển của một cơ sở giáo dục bậc cao ngoài các yếu tố như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học thì còn ghi nhận sự đóng góp của lực lượng cựu sinh viên. Có một mạng lưới cựu sinh viên tích cực sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các sinh viên hiện đang học tại trường cũng như sự phát triển và thương hiệu của trường. Để xây dựng và phát triển tổ chức Hội cựu sinh viên thì việc đầu tiên là phải thống kê và cập nhật được thông tin về các cựu sinh viên. Hoạt động này mỗi trường sẽ có những chỉ đạo thực hiện khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các nhà trường đều phải huy động tổng hợp các nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực từ các khoa đào tạo, các phòng ban liên quan, đội ngũ giảng viên, cố vấn học tập, giáo viên chủ nhiệm để kiếm tìm các đầu mối kết nối đến các tập thể cựu sinh viên. Từ đó thống kê, cập nhật một cách hệ thống thông tin về các cựu sinh viên nhà trường.
Chính vì vậy, qua hoạt động này nhà trường cũng xây dựng được cơ sở dữ liệu giúp các trường kiểm soát tốt nguồn lực cựu sinh viên, chủ động tổ chức các hoạt động liên kết, hợp tác giữa trường và cựu sinh viên nhằm duy trì mối quan hệ lâu dài giữa trường học với sinh viên, cựu sinh viên, từ đó tạo ra các lợi ích cho nhà trường như: hoạt động gây quỹ cho phát triển trường, hoạt động liên kết nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học, hoạt động giúp đỡ sinh viên trong học tập và hướng nghiệp, hỗ trợ hoạt động thực tế, thực tập, kiến tập cho sinh viên nhà trường...
Hội cựu sinh viên có thể đem lại lợi ích to lớn trong việc hỗ trợ liên kết tuyển dụng qua cung cấp thông tin, cơ hội việc làm cho sinh viên đang theo học tại nhà trường. Các cựu sinh viên đều là những người đã tốt nghiệp một ngành học nào đó của nhà trường, đại đa số họ đang tham gia các lĩnh vực công tác trực tiếp hoặc có liên quan đến các chuyên môn mà nhà trường đang đào tạo. Với những vị trí công tác và những mối quan hệ xã hội, nghề nghiệp mà các cựu sinh viên đã, đang tham gia sẽ đem đến những nguồn thông tin về việc làm, những cơ hội việc làm thiết thực cho các sinh viên đang theo học.
Bên cạnh đó, nhờ việc thống kê và cập nhật thông tin về các cựu sinh viên mà nhà trường cũng có thể chủ động, tích cực kết nối với các cựu sinh viên, khai thác các nhu cầu lao động, việc làm từ mạng lưới cựu sinh viên rộng lớn đó để giới thiệu và kết nối cho các sinh viên sắp hoàn thành các chương trình học tập trong nhà trường. Đây là hoạt động rất thiết thực, đem lại lợi ích to lớn cho nhà trường, cho sinh viên và cả các các cựu sinh viên. Thành công của trường Đại học Lạc Hồng là một minh chứng sống động. Tháng 9 năm 2019, Ban Lãnh đạo nhà trường này cho biết, kết quả khảo sát tỷ lệ sinh viên của trường sau khi ra trường cho thấy, có 96% có việc làm sau 6 tháng. So với kết quả khảo sát trước đó 5 năm (tỷ lệ khoảng 78%). Họ cũng khẳng định việc liên kết tốt và phát huy vai trò của cựu sinh viên đã góp phần không nhỏ vào thành công đó(1).
Hội cựu sinh viên đề xuất cải tiến, xây dựng chương trình đào tạo, phát triển nhà trường. Lợi ích này đem lại bắt đầu từ việc giải quyết nhu cầu trước mắt và thực tế của chính các cựu sinh viên, đó là nhu cầu bồi dưỡng và đào tạo lại. Do đó, thông qua các điễn đàn và chia sẻ của cựu sinh viên, nhà trường có thể đề xuất xây dựng các chương trình đào tạo bồi dưỡng phù hợp mà các cựu sinh viên có thể tham gia một cách thuận tiện nhất, bao gồm cả các chương trình học tập suốt đời cho cựu sinh viên. Thậm chí cựu sinh viên cũng chính là những người kết nối với nhà trường để xây dựng, thiết kế các chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng của các cơ quan, doanh nghiệp, mở ra nhiều hướng phát triển mới, năng động và sáng tạo cho nhà trường.
Như vậy, lực lượng cựu sinh viên vừa đem lại một nguồn lớn cho các chương trình bồi dưỡng, đào tạo, vừa là đội ngũ có vai trò quan trọng trong việc quảng bá và phát triển thương hiệu của nhà trường. Mặt khác, từ những kinh nghiệm thực tiễn trong công việc, những vị trí việc làm cụ thể của mạng lưới cựu sinh viên rộng khắp, Hội cựu sinh viên còn có thể tham vấn, góp ý cho nhà trường, cho các khoa đào tạo về những cải tiến, cập nhật nội dung mới trong chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn nghề nghiệp trong bối cảnh xã hội mới. Yêu cầu đổi mới giáo dục đại học hiện nay đã và đang đặt vấn đề đổi mới, cải tiến nội dung, chương trình học tập theo hướng phát triển năng lực cho người học là một tất yếu khách quan bởi nó sẽ quyết định phần lớn đến việc các sinh viên ra trường có việc làm và có làm được việc hay không. Chính vì vậy, những đóng góp dựa trên kinh nghiệm thực tiễn và đòi hỏi của xã hội sẽ đem lại giá trị không nhỏ cho sự tồn tại và phát triển của nhà trường.
Thứ ba, những ích lợi Hội cựu sinh viên đem lại cho cộng đồng.
Trong quá trình thực hiện vai trò, nhiệm vụ của mình, Hội cựu sinh viên không chỉ đem lại lợi ích cho các hội viên, cho mái trường đã đào tạo, bồi dưỡng mình mà qua đó cũng đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng xã hội. Có thể thấy, những hoạt động của Hội tổ chức bao gồm cả hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ vì cộng đồng; tạo quỹ hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên cựu sinh viên, hỗ trợ học bổng cho các sinh viên nghèo khó khăn, khuyến học; liên kết tuyển dụng, tạo cơ hội việc làm… hay cả ở việc cựu sinh viên tham gia xây dựng, cải tiến các chương trình đào tạo theo hướng thiết thực, phù hợp với nhu cầu phát triển xã hội. Tất cả những hoạt động đó đều mang lại lợi ích lớn cho sự phát triển chung của cộng đồng, góp phần giảm các chi phí, ổn định và phát triển xã hội.
Như vậy, Hội cựu sinh viên chính là phần nối dài ảnh hưởng và hoạt động của đơn vị đào tạo đến xã hội. Đồng thời, Hội cựu sinh viên cũng là một nguồn lực lớn hỗ trợ phát triển giáo dục, phát triển xã hội.
2. Liên hệ vai trò của Hội cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Bắt đầu từ cuối năm 2020 đầu năm 2021, Ban Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đứng đầu là cố Quyền Giám đốc Học viện, PGS,TS Lưu Văn An đã đặc biệt quan tâm, lãnh đạo xúc tiến các hoạt động vận động để thành lập Hội cựu sinh viên của Học viện. Mặc dù trước đó, tại các khoa, viện chuyên ngành cũng đã xây dựng các ban liên lạc cựu sinh viên. Tuy nhiên, số lượng các cựu sinh viên tham gia trong mối quan hệ này không nhiều, hoạt động nhỏ lẻ nên chưa phát huy được vai trò của đội ngũ cựu sinh viên mà Học viện có. Xác định rõ ràng, quyết liệt và đầy tâm huyết, PGS,TS Lưu Văn An nhấn mạnh trong cuộc họp triển khai kế hoạch thành lập Hội cựu sinh viên Học viện: “Thành lập Hội cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền là việc cấp thiết và quan trọng, đặc biệt là trong công tác kiểm định đánh giá chất lượng đào tạo của Nhà trường và tiến tới kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện”(2). “Hội cựu sinh viên Học viện khi thành lập sẽ hoạt động dưới sự lãnh đạo, quản lý của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và sự điều hành của Ban Chấp hành Hội”(3). Đồng thời chỉ đạo Phòng Công tác chính trị, các khoa, viện, phòng, ban liên quan khẩn trương thực hiện kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Hội cựu sinh viên Nhà trường trong thời gian sớm nhất.
Đến ngày 3.4.2021, Hội nghị lần thứ nhất Ban Vận động thành lập Hội cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền được tổ chức. Hội nghị đã bầu 28 cựu sinh viên tham gia Ban Chấp hành và 09 cựu sinh viên tham gia Ban Thường vụ lâm thời Hội cựu sinh viên Học viện. Phát biểu tại Hội nghị, PGS, TS Lưu Văn An khẳng định: “Việc thành lập Hội cựu sinh viên là một hoạt động rất thiết thực và đã trở thành truyền thống của nhiều trường đại học trên thế giới và Việt Nam. Với bề dày truyền thống của Học viện, việc thành lập Hội cựu sinh viên để tập hợp, kết nối sức mạnh của tất cả những người đã từng học tập và công tác tại Học viện là việc rất cần thiết để đưa Học viện ngày càng phát triển, để mỗi người khi nhắc đến mái trường này chúng ta càng thêm tin yêu, tự hào vì có sự đóng góp của mình cho sự thành công đó”(4). PGS, TS Lưu Văn An mong muốn: “Những đồng chí trong Ban Chấp hành Hội cựu sinh viên sẽ là những hạt nhân lan tỏa hoạt động của Hội và cùng nhau kết nối, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, đời sống. Đồng thời, giúp đỡ Học viện trong việc tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp; hỗ trợ các em kiến tập, thực tập… để nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện”(5).
Đây là tư tưởng, tinh thần chung đã được thể hiện trong Điều lệ Hội cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đồng thời, cũng chính là tâm nguyện của một người lãnh đạo, của một nhà giáo đầy tâm huyết trao gửi tới tất cả các cựu sinh viên của Học viện về việc phát huy vai trò, trách nhiệm của mình với Hội cựu sinh viên và với Học viện. Trong những ngày đầu thành lập, Hội cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tiến hành thu thập thông tin cựu sinh viên, xây dựng cơ sở dữ liệu của Hội. Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, tạo đường link liên kết để kết nối các cựu sinh viên theo các miền đất nước; phát huy các chi Hội cựu sinh viên của các khoa, viện, bằng các hoạt động tuyên truyền, vận động để tập hợp thành viên, thu thập thông tin cựu sinh viên.
Tuy nhiên, với 60 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cựu sinh viên của Học viện rất lớn, đã và đang tham gia công tác trên nhiều lĩnh vực khắp mọi miền đất nước nên việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chung này không hề đơn giản và sẽ phải tốn kém nhiều thời gian, tâm sức. Thực tiễn đã cho thấy, các tổ chức xã hội phi lợi nhuận được xây dựng và tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bao giờ khi mới ra đời hoạt động đều rất khó khăn. Chính vì vậy, cần phải làm cho các thành viên, những đối tượng đang được vận động thấy được ích lợi của việc tham gia mà tự nguyện, tự giác tham gia.
Để Hội cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện được vai trò của mình trong giai đoạn đầu cũng như tiếp tục xây dựng, phát triển thì cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Tiếp tục thông qua các ban liên lạc, các chi Hội cựu sinh viên ở các khoa, viện để tập hợp thông tin các cựu sinh viên. Gửi lời mời và link mời tham gia cả bằng phương thức trực tiếp và gián tiếp.
- Nhanh chóng tạo một trang web chính thức cho Hội. Đây là kênh thông tin miễn phí và có tác dụng quảng bá các hình ảnh, hoạt động của Hội. Để thu hút các cựu sinh viên, cần đẩy mạnh công tác truyền thông trên web. Từ các thông tin về tầm nhìn, chiến lược và tôn chỉ hoạt động của Hội xem như những cam kết với các hội viên, đến các hình ảnh tôn vinh các cựu sinh viên điển hình, chia sẻ những thông tin về công việc của các hội viên, về nhà trường và về các hoạt động của Hội… đây là cách quảng bá khách quan và hiệu quả để các cựu sinh viên thấy được cơ hội mà mình có thể có được khi tham gia Hội. Có trang web chính thức của Hội cựu sinh viên cũng sẽ làm cho hình ảnh và hoạt động của Hội thêm phần chuyên nghiệp, quảng bá rộng hơn thương hiệu của Nhà trường.
- Cần có trụ sở cụ thể của Hội. Hội cựu sinh viên đã nhận được sự quan tâm của Ban Giám đốc Học viện và trong Điều lệ Hội cựu sinh viên Học viện cũng quy định rõ trụ sở của Hội được đặt tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Do đó, cần phải cụ thể hóa trụ sở của Hội, trước mắt có thể chỉ là một văn phòng nhỏ nhưng phải có biển hiệu rõ ràng. Điều này một mặt làm cho các hội viên, cộng đồng thấy được tính chuyên nghiệp của Hội, các hội viên và đặc biệt các thành viên trong Ban chấp hành Hội sẽ ý thức rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình. Hơn thế, trụ sở chính là nơi có thể tổ chức các buổi họp mặt, gặp gỡ, giao lưu nhỏ của các thành viên trong Ban chấp hành và hội viên nên tính tổ chức sẽ cao hơn.
Tóm lại, Hội cựu sinh viên của các trường đại học có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Xây dựng tổ chức và phát triển các hoạt động của Hội cựu sinh viên hiệu quả sẽ đem lại nhiều lợi ích to lớn cho các hội viên, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, hầu hết các trường đại học ở Việt Nam mới chỉ chú ý và thành lập Hội cựu sinh viên trong một vài năm gần đây, các tổ chức Hội phần vì còn non trẻ, phần chưa được quan tâm đúng mức với vai trò quan trọng của nó nên hoạt động còn yếu ớt, hình thức, chưa phát huy được sức mạnh của Hội. Trước mắt, để thu hút, tập hợp được đông đảo lực lượng cựu sinh viên cần một đội ngũ Ban chấp hành nhiệt tâm, tích cực; sự chỉ đạo mạnh mẽ và quan tâm, tạo điều kiện của ban giám hiệu trường đại học và một chiến lược truyền thông hiệu quả cho Hội./.
_______________________________________________
(1) Diễm Nhi Media (2019), Khẳng định thương hiệu từ việc liên kết sức mạnh cựu sinh viên, https://lhu.edu.vn/21/34488/Khang-dinh-thuong-hieu-tu-viec-lien-ket-suc-manh-cuu-sinh-vien, truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2021.
(2),(3) Minh Hòa (2021), Họp triển khai kế hoạch thành lập Hội cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, https://ajc.hcma.vn/tintuc/pages/tin-tuc-su-kien.aspx?itemID=13165&CateID=670, truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2021.
(4), (5) Minh Hà (2021), Hội nghị lần thứ nhất Ban Vận động thành lập Hội cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, https://ajc.hcma.vn/tintuc/pages/tin-tuc-su-kien.aspx?itemID=13298&CateID=670, truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2021.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông
Bài liên quan
- Tư tưởng hồi hướng công đức trong giáo lý của đạo Phật – tính hợp lý và giá trị đạo đức
- Tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ninh trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay
- Giải pháp tăng cường năng lực quảng bá văn hóa của chương trình chuyên đề văn hóa trên truyền hình
- Hoạt động Ngoại giao văn hóa tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh mới: Những dấu ấn, thành tựu nổi bật và giải pháp nâng cao hiệu quả
- Đảng bộ Lữ đoàn Tên lửa 490 nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Xem nhiều
-
1
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên hiện nay
-
2
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh trong tham gia xây dựng Đảng
-
3
Xây dựng chính quyền điện tử tại Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ hướng tới chính quyền số năm 2030: cơ hội và thách thức
-
4
Tương lai cho thế hệ vươn mình
-
5
THÔNG BÁO VỀ VIỆC XUẤT BẢN TẠP CHÍ CHUYÊN ĐỀ TỪ NĂM 2025
-
6
Chi bộ Văn phòng Đảng – Hội đồng trường – Đoàn thể tổ chức thành công Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Tăng cường quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang hiện nay
Để công tác giáo dục và đào tạo đạt hiệu quả cao không thể vắng bóng hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ngày càng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo thông qua sát sao lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh. Bài viết phác hoạ thực trạng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang hiện nay, chỉ rõ hạn chế, bất cập; từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này thời gian tới.
Tư tưởng hồi hướng công đức trong giáo lý của đạo Phật – tính hợp lý và giá trị đạo đức
Tư tưởng hồi hướng công đức trong giáo lý của đạo Phật – tính hợp lý và giá trị đạo đức
Phật giáo là một tôn giáo lớn trên thế giới có khởi nguồn từ đất nước Ấn Độ và du nhập vào Việt Nam đến nay đã gần 20 thế kỷ. Với những giáo lý mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, Phật giáo dễ dàng hòa nhập với đời sống văn hóa, tinh thần người Việt Nam. Một trong những giáo lý có ảnh hưởng và ý nghĩa sâu sắc với các tín đồ đạo Phật và mỗi người dân Việt Nam là tư tưởng hồi hướng công đức. Bài viết này sẽ góp phần làm rõ thuật ngữ “hồi hướng”, “hồi hướng công đức”, nội dung, tính hợp lý và giá trị đạo đức của giáo lý này đối với đời sống tinh thần của người Việt.
Tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ninh trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay
Tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ninh trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay
Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một trong những yêu cầu cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương trong giai đoạn hiện nay. Kết quả của sự sắp xếp được coi là thước đo, cơ sở đánh giá hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, các bộ, ban, ngành, địa phương... Bài viết phác hoạ thực trạng Tỉnh ủy Quảng Ninh lãnh đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, chỉ rõ những hạn chế, bất cập; từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này thời gian tới.
Giải pháp tăng cường năng lực quảng bá văn hóa của chương trình chuyên đề văn hóa trên truyền hình
Giải pháp tăng cường năng lực quảng bá văn hóa của chương trình chuyên đề văn hóa trên truyền hình
Văn hoá truyền thống là hồn cốt của quốc gia, dân tộc, là nền tảng tinh thần to lớn tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tiếp biến văn hóa mạnh mẽ, các chương trình chuyên đề về văn hóa trên truyền hình đóng vai trò quan trọng, cung cấp những phân tích và bình luận sâu sắc, góp phần xây dựng nhận thức về bản sắc dân tộc và quảng bá văn hóa quốc gia ra thế giới.
Hoạt động Ngoại giao văn hóa tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh mới: Những dấu ấn, thành tựu nổi bật và giải pháp nâng cao hiệu quả
Hoạt động Ngoại giao văn hóa tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh mới: Những dấu ấn, thành tựu nổi bật và giải pháp nâng cao hiệu quả
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngoại giao văn hóa ngày càng khẳng định vai trò là cầu nối hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, địa phương, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh Quảng Ninh, với tiềm năng phong phú về văn hóa và kinh tế, không nằm ngoài xu thế này, đã từng bước khẳng định vai trò của ngoại giao văn hóa như một công cụ quan trọng để nâng cao hình ảnh, thúc đẩy hợp tác quốc tế và hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững. Giai đoạn từ năm 2014 đến 2024 đánh dấu một thập kỷ quan trọng trong quá trình phát triển ngoại giao văn hóa của Tỉnh, với việc triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế, đồng thời phát huy sức mạnh mềm văn hóa.
Bình luận