Vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII vào việc giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam
Là lực lượng dẫn đường của dân tộc, Văn kiện Đại hội Đảng XIII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển của đất nước. Việc đề ra đường lối đã quan trọng nhưng quan trọng hơn nữa là tuyên truyền và thực hiện thành công đường lối. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn dân. Trong lĩnh vực đào tạo, việc vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII vào công tác giảng dạy sẽ giúp giảng viên hoàn thành mục tiêu cung cấp tri thức mới và bồi dưỡng cho sinh viên lòng tin với Đảng, với chế độ cũng như thái độ sống tích cực. Xuất phát từ nhiệm vụ giảng dạy trên thực tế, tác giả bài viết đi sâu phân tích một vấn đề cụ thể: Vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII vào việc giảng dạy chuyên đề Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam với phần trọng tâm là tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Để làm tốt công việc này, trước hết, người giảng viên phải xác định rõ 3 vấn đề cơ bản: mục đích vận dụng, nội dung vận dụng và phương pháp vận dụng.
Về mục đích vận dụng
Đối với bất cứ môn học nào, việc vận dụng văn kiện Đảng vào giảng dạy cũng nhằm đến mục đích đầu tiên là kịp thời cập nhật những quan điểm mới của Đảng về chuyên ngành có liên quan để qua đó chứng minh sự phát triển không ngừng trong tư duy, nhận thức của Đảng về những vấn đề trọng yếu của đất nước. Đối với môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam, việc phân tích những quan điểm mới của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn hướng tới mục đích khẳng định thái độ trung thực, cầu thị của Đảng khi đánh giá tiến trình lãnh đạo đất nước nói chung và tiến trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng cũng như quyết tâm xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh của Đại hội lần thứ XIII. Giảng viên phải luôn ý thức về 3 mục tiêu trên để việc cung cấp thông tin cũng như phân tích vấn đề sao cho sát đúng với chủ đích.
Về nội dung vận dụng
So với các kỳ Đại hội trước, dung lượng các Văn kiện Đại hội XIII lớn hơn. Cụ thể, Văn kiện Đại hội XII có 447 trang nhưng Văn kiện Đại hội XIII gồm 2 tập có tổng số trang là 646 trang. Khi thời lượng giảng dạy chuyên đề Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam giảm đi (trước đây nó là môn học độc lập gồm 2 tín chỉ, bây giờ ghép với môn Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước thành môn học chung gồm 3 tín chỉ) mà dung lượng văn kiện lại tăng lên thì điều quan trọng là người giảng viên phải lựa chọn cho được những nội dung căn cốt nhất để bổ sung vào bài giảng. Cụ thể, bài giảng phải cập nhật thêm các nội dung mới sau đây để không bị rơi vào tình trạng lạc hậu về kiến thức.
Thứ nhất, cần bổ sung những đánh giá mới của Đảng về tình hình đất nước sau 35 năm đổi mới và định hướng phát triển của dân tộc trong tương lai.
Văn kiện Đại hội XIII có tầm bao quát rất lớn khi không chỉ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ Đại hội XII hay 10 năm thực hiện Cương lĩnh sửa đổi (2011-2021) mà còn bao quát toàn bộ tiến trình đổi mới của đất nước trong 35 năm qua. Lần đầu tiên, Báo cáo chính trị tự tin khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(1). Một điều đáng chú ý là những tác động tiêu cực của đại dịch Covit -19 và sự tăng trưởng kinh tế 2,91% - mức tăng trưởng tốt so với thế giới của Việt Nam, cũng đã được bổ sung vào Văn kiện Đại hội XIII. Trên cơ sở những kết quả đạt được và ý chí vươn lên mãnh liệt, Đại hội đã khẳng định “không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”(2).
Với khát vọng và quyết tâm mạnh mẽ, Đại hội XIII đã đặt ra kế hoạch phát triển ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để đạt được mục tiêu là xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn”(3); Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Như vậy, phần đánh giá kết quả và xác định mục tiêu phát triển đất nước của Văn kiện Đại hội XIII đều mang tính khái quát rất cao, tầm nhìn rất rộng. Việc đưa những nội dung mới này vào bài giảng sẽ góp phần củng cố trong sinh viên niềm tin vào Đảng, vào tương lai dân tộc và khơi dậy trong họ ý chí góp phần xây dựng đất nước.
Thứ hai, cần bổ sung những đánh giá mới về thực trạng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII.
Xét về văn kiện thì Đại hội XIII có một Văn kiện rất mới là Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng (nằm trong tập 2). Khẳng định đây là Văn kiện mới bởi Đại hội XII thì chỉ có Báo cáo về tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI mà thôi.Việc có một Văn kiện độc lập để tổng kết công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mặc dù nội dung này đã được phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, thẳng thắn trong Báo cáo chính trị chứng tỏ Đảng thực sự coi xây dựng, chỉnh đốn Đảng là “nhiệm vụ trọng tâm của mọi trọng tâm”. Rất hữu ích với giảng viên và sinh viên là Báo cáo này đã chú giải rất chi tiết và hệ thống các Nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ XII đã ban hành và cập nhật các con số cụ thể về kết quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng về mọi mặt trên thực tế. Vì vậy, nghiên cứu Văn kiện này, giảng viên có nhiều số liệu mới và chuẩn xác để cập nhật vào bài giảng.
Xét về nội dung, nhìn một cách tổng thể, Đại hội XIII khẳng định “công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt”(4). Khi bàn về công tác cán bộ - vấn đề “then chốt” của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nếu Đại hội XII đưa ra đánh giá “tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp,… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”(5) thì Đại hội XIII cho rằng “việc chống chạy chức, chạy quyền được coi trọng, đã có tác động cảnh báo, răn đe và ngăn chặn”(6). Đây là một nhận định rất mới gắn với những chuyển biến tích cực trên thực tế nên cần được kịp thời bổ sung vào bài giảng. So với nhận định của Đại hội XII là “Đảng ta chưa thực sự trong sạch, vững mạnh”(7) thì đánh giá về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đại hội XIII có nhiều nhận định tích cực hơn.
Thứ ba, cần phân tích, làm rõ sự vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đại hội XIII.
Hồ Chí Minh không chỉ là người sáng lập, rèn luyện Đảng mà tư tưởng của Người chính là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động của Đảng. Tuy nhiên, nhận thức luôn là một quá trình. Trước di sản đồ sộ của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng, mỗi kỳ Đại hội Đảng lại là một “nấc thang” trên tiến trình nhận thức. Với Văn kiện Đại hội XIII, Đảng đã vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trên một số nét lớn sau đây.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác xây dựng Đảng bao gồm nhiều nội dung nhưng Người đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng Đảng về đạo đức. Từ quan điểm của Hồ Chí Minh, rằng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, Văn kiện Đại hội XIII bổ sung một loạt yêu cầu mới xung quanh vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức. Đại hội XIII nhấn mạnh chủ trương cần nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức, các chuẩn mực đạo đức cho phù hợp với các điều kiện mới, làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày. Chủ trương này hoàn toàn đúng đắn bởi đạo đức là phạm trù lịch sử, vừa có tính vĩnh hằng, vừa không ngừng biến đổi cùng với sự phát triển của xã hội. Thế giới ngày nay là thế giới hội nhập, nền kinh tế ở nước ta hiện nay là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên chuẩn mực của cán bộ, đảng viên cần được bổ sung những nội dung mới.
Văn kiện Đại hội XIII còn nhấn mạnh phải bồi dưỡng ý thức thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên. Điều này hết sức cần thiết vì trong công việc, người đảng viên, cán bộ đứng trước không ít cám dỗ và không phải lúc nào tổ chức cũng ở bên để nhắc nhở, kiểm soát nên ý thức tự tu dưỡng và liêm sỉ của mỗi con người sẽ giúp họ tránh được những việc làm phi pháp. Điều cần đặc biệt chú ý: trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng trong sạch phải gắn với hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Quan điểm mới này thể hiện rõ sự trưởng thành trong tư duy lý luận của Đảng và tiến trình đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam. Về mặt nguyên tắc, hệ thống chính trị nước ta được thiết lập từ năm 1945 nhưng khái niệm “hệ thống chính trị” xuất hiện lần đầu trong Văn kiện Hội nghị TW6 khóa VI (tháng 3.1989) và được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992.
Trước đó, Hồ Chí Minh chỉ nói về Đảng, Nhà nước và Mặt trận dân tộc thống nhất như các thiết chế chính trị chủ yếu ở nước ta. Đến Đại hội XIII, việc gắn kết giữa chủ thể “Đảng” và chủ thể “hệ thống chính trị” đã phản ánh đúng mối quan hệ biện chứng giữa Đảng và các thành tố khác trong hệ thống chính trị: Đảng là một thành tố của hệ thống chính trị nhưng là thành tố lãnh đạo; do đó, không thể có tình huống Đảng mạnh mà Nhà nước yếu hay Đảng yếu mà Nhà nước mạnh. Mặt khác, hệ thống chính trị bao gồm Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc nên nếu hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh thì cả 3 thành tố, trước hết là Đảng, phải trong sạch, vững mạnh. Vì thế, xây dựng Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị là một tư duy khoa học, là bước phát triển mới so với tư tưởng Hồ Chí Minh.
Báo cáo chính trị của Đại hội XIII còn bổ sung nội dung mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là xây dựng Đảng về cán bộ khi nhấn mạnh nhiệm vụ “đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(8). Lâu nay, công tác cán bộ là một nội dung trong xây dựng Đảng về tổ chức. Kế thừa quan điểm cán bộ là cái gốc của mọi công việc của Hồ Chí Minh, trong bối cảnh “đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của ta đông mà không mạnh”, xây dựng Đảng về cán bộ trở nên vô cùng cấp thiết. Vì thế, nội dung này đã được Đại hội XIII nhấn mạnh như nội dung trọng yếu thứ 5 trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Quan điểm mới này cần phải cập nhật để phân tích tiến trình vận dụng của Đảng.
Dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII là đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống suy thoái với tinh thần “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Kết quả là, nếu Đại hội XII đưa ra nhận định, “công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu, yêu cầu. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp”(9), Văn kiện Đại hội XIII đưa ra kết luận tích cực hơn: “Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, và có chiều hướng giảm”(10). Dù vậy, Báo cáo chính trị Đại hội XIII vẫn tuyên bố “kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham những, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ triệt để hơn, hiệu quả hơn”(11). Thông điệp chính thức của Đảng hoàn toàn nhất quán với quan điểm của Hồ Chí Minh, rằng tham nhũng là “giặc nội xâm”. Cuộc chiến chống “giặc” tất yếu phải là cuộc đấu tranh “sinh tử”, không thể khoan nhượng và phải dùng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Báo cáo chính trị còn nêu ra một số chủ trương mới như “từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, mở rộng và nâng cao hiệu qủa hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng”(12).
Sinh thời, Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng. Người từng nhấn mạnh: lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Kế thừa quan điểm đó,Văn kiện Đại hội XIII chủ trương xây dựng cơ chế, biện pháp chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, không để vi phạm tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng.
Củng cố mối quan hệ giữa Đảng và dân cũng là một biện pháp trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng. Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “So với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức thì Đảng không làm được gì hết… Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”(13). Kế thừa tinh thần đó, Văn kiện Đại hội XIII chủ trương xây dựng cơ chế phát huy vai trò của dân trong tham gia, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong tình hình mới. Báo cáo chính trị của Đại hội XIII chính thức bổ sung thêm nội dung “dân giám sát, dân thụ hưởng”(14) vào phương châm thực hành dân chủ đã được xác định từ Đại hội Đảng VI là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”(15).
Đây là quan điểm hết sức đúng đắn bởi dân làm thì dân phải được hưởng. Quan điểm “dân hưởng thụ” hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Hồ Chí Minh: nhân dân không chỉ là động lực mà còn là mục tiêu của cách mạng và “ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta tuyệt nhiên không có một mục đích nào khác”. Do đó, “dân thụ hưởng” chính là đích đến cuối cùng của mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Khi lợi ích là “huyệt đạo” nhạy cảm của nền kinh tế thì phương châm “dân thụ hưởng” sẽ góp phần “khai thông” nguồn lực vô tận trong nhân dân và làm cho quyền lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.
Khi bàn về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Báo cáo chính trị đã bổ sung thêm một quan điểm mới. Đó là chủ trương sẽ “chỉ ban hành nghị quyết khi thực sự cần thiết”(16). Bàn về vấn đề này, Hồ Chí Minh từng nói: “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào. Thậm chí không ai nhớ được những khẩu hiệu đó”(17). Chủ trương tiết chế việc ban hành nghị quyết sẽ góp phần thực hiện nguyên tắc “nói đi đôi với làm” mà Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh. Đó còn là quyết tâm “đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của Đảng”(18). Đảng tồn tại cùng bước tiến của nhân loại nên những thành tựu của khoa học - công nghệ tất yếu phải được vận dụng vào hoạt động lãnh đạo của Đảng. Để nâng tầm tư duy lý luận, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Văn kiện Đại hội XIII đặt ra yêu cầu “củng cố các cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị của Đảng và Nhà nước”(19). Đây chính là trách nhiệm to lớn và vinh dự đặc biệt của những người hoạt động trong lĩnh vực lý luận để tham mưu cho Đảng trong việc xây dựng hệ thống lý luận tiên tiến, phù hợp với bước tiến của dân tộc và thời đại.
Về phương pháp vận dụng
Trong chương trình đào tạo cử nhân của khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam” được giảng dạy (cả lý thuyết và thực hành) trong thời lượng 30 tiết với 3 nội dung chính là cơ sở hình thành, nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng ta hiện nay. Vì thế, Văn kiện Đại hội XIII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chủ yếu được đưa vào nội dung thứ 3, tức là phần vận dụng.
Tuy nhiên, để không bị trùng lặp về kiến thức và để sinh viên dễ dàng lĩnh hội những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội XIII, giảng viên phải bám sát vào văn kiện của các kỳ Đại hội, so sánh các quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với các nội dung trong Văn kiện Đại hội XIII và của các kỳ đại hội trước đó. Bằng phương pháp lịch sử - lôgic và phương pháp so sánh, giảng viên sẽ giúp sinh viên nắm được sự trưởng thành trong tư duy lý luận của Đảng và vai trò lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối mà Đảng đang thực hiện.
Chặng đường trên 90 năm từ khi dân tộc Việt Nam có Đảng và 35 năm đổi mới không phải là dài so với lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc nhưng đây là chặng đường oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam. Một trong những cội nguồn thắng lợi nằm ở giá trị soi đường của tư tưởng Hồ Chí Minh và phẩm chất trung thành, sáng tạo của Đảng đối với nền tảng tư tưởng của mình. Sự nghiệp đổi mới của Đảng trong gần 35 năm qua, suy cho cùng chính là quá trình khai thác và vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về mọi phương diện, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhận thức sâu sắc các nội dung về chủ đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong các Văn kiện Đại hội XIII để có đủ tri thức, quyết tâm thực hiện nghị quyết của Đảng và nâng cấp bài giảng nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu giảng dạy, là yêu cầu bắt buộc đối với đội ngũ giảng viên các môn lý luận chính trị ở nước ta hiện nay. /.
________________________________________
(1), (2), (3), (4), (6), (8), (10), (11), (12), (14), (16) ,(18) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, T.1, tr.1, 35,46,73,75,180,76,193,196,192,199.
(19) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, T.2, tr.235.
(5), (7), (9) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, tr.194,197,196.
(13), (17) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, T.5, tr.278, 463.
(14) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, T.9, tr.244.
(15) Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, tr.112.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 05.2021
Bài liên quan
- Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
- Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Chiều 25/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin. Đây là phiên họp cuối cùng trong kế hoạch làm việc chung của Hội đồng để thống nhất thông qua Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Báo chí và thông tin, bước cuối cùng trước khi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiệm thu theo quy định.
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bình luận