Vị trí, vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ giai đoạn từ năm 2004 đến nay
Trong thế kỷ XXI, Ấn Độ có nhiều bước chuyển mình ngoạn mục, đang dần chuyển mình từ cường quốc khu vực thành cường quốc toàn cầu, là một cực quan trọng trong trật tự thế giới có xu hướng đa cực như hiện nay. Nhận thức về vị thế cường quốc toàn cầu của Ấn Độ được thể hiện mạnh mẽ trong trong chính sách đối ngoại giai đoạn cầm quyền của Thủ tướng Manmohan Singh (2004 - 2014) và nhất là giai đoạn của Narendra Modi (2014 - nay). Trong tổng thể chính sách đối ngoại hướng Đông và sau này là Hành động hướng Đông của Ấn Độ, Việt Nam là một điểm nhấn.
Vậy tại sao Việt Nam lại có vị trí, vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ kể từ năm 2004 đến nay? Bài viết này góp phần trả lời câu hỏi đó với hai nội dung chính: (i) Khái lược chính sách đối ngoại của Ấn Độ từ năm 2004 - nay và (ii) Vị trí, vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ.
1. Khái lược chính sách đối ngoại của Ấn Độ từ năm 2004 đến nay
Sau Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là từ khi bước sang thế kỷ XXI, Ấn Độ thực hiện đổi mới về tư duy đối ngoại, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, từ bỏ tư duy không liên kết, chống phương Tây. Để đạt mục tiêu là cường quốc châu Á - Thái Bình Dương và hướng tới vai trò cường quốc toàn cầu, chính sách đối ngoại của Ấn Độ luôn kết hợp các mục tiêu phát triển, an ninh và nâng cao vị thế, ảnh hưởng; trong đó mục tiêu phát triển kinh tế được đặt lên hàng đầu, vì kinh tế phát triển sẽ tạo nguồn lực để phát triển các lĩnh vực khác, nâng cao đời sống nhân dân và mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài.
Ba khu vực ảnh hưởng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là: (i) toàn cầu: thúc đẩy trật tự kinh tế thế giới công bằng và đa cực, trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, can dự nhiều vào các vấn đề quốc tế(1); (ii) Nam Á: xây dựng quan hệ hòa bình, tin cậy với các nước láng giềng; duy trì vai trò đầu tàu và tiếp tục mở rộng ảnh hưởng tại khu vực; đảm bảo vành đai an ninh cho Ấn Độ, hạn chế ảnh hưởng của các nước lớn; (iii) châu Á - Thái Bình Dương: thực hiện chính sách cân bằng nước lớn, nhưng xích lại gần Mỹ hơn, tăng cường hợp tác với các nước châu Á - Thái Bình Dương, phát huy ảnh hưởng tại khu vực.
Nội dung chủ yếu trong Chính sách hướng Đông dưới thời Thủ tướng Manmohan Singh bao gồm hai nhóm mục tiêu:
Nhóm các mục tiêu chính trị - chiến lược:
Chính sách hướng Đông của Ấn Độ được triển khai với mục đích xây dựng, mở rộng và cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Nam Á và Ấn Độ Dương - địa bàn mà Ấn Độ coi là phạm vi ảnh hưởng truyền thống của mình.
Trong bài phát biểu năm 2005 tại Malaysia, Thủ tướng Manmohan Singh đã nói: “Đó không đơn thuần là một chính sách kinh tế đối ngoại, mà còn là một bước chuyển hướng chiến lược trong cách nhìn nhận của Ấn Độ về thế giới và vị trí của Ấn Độ trong nền kinh tế toàn cầu đang phát triển. Trên tất cả là nỗ lực hướng tới các nước láng giềng có chung nền văn minh với chúng tôi ở Đông Nam Á và Đông Á. Tôi luôn coi vận mệnh của Ấn Độ gắn với các nước này và nhất là Đông Nam Á. Tôi nhắc lại cam kết của Ấn Độ trong việc cùng ASEAN và các nước Đông Á biến thế kỷ XXI thực sự là thế kỷ của châu Á”(2).
Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại Nam Á và Ấn Độ Dương buộc Ấn Độ một mặt nâng cao tiềm lực kinh tế và quốc phòng, mặt khác trực tiếp cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở các khu vực có lợi ích chiến lược đối với quốc gia này, trong đó có khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong một bài phát biểu tại New Delhi vào tháng 9.2010, Thủ tướng Manmohan Singh đã cảnh báo “Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Nam Á, gây bất lợi cho Ấn Độ và “Trung Quốc muốn có chỗ đứng ở Nam Á, chúng ta phải thích ứng với thực tế này và chúng ta cần phải cảnh giác”(3).
Những nỗ lực của Ấn Độ trong việc tham gia vào các cơ chế hợp tác quan trọng ở khu vực như ASEM, ARF, ASEAN+1, EAS, ADMM+ đã minh chứng cho nhóm các mục tiêu chính trị - chiến lược này của chính sách hướng Đông.
Nhóm các mục tiêu kinh tế - xã hội:
Chính sách hướng Đông của Ấn Độ còn được kỳ vọng đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội không kém phần quan trọng sau:
(i) Duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế Ấn Độ thông qua các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với các quốc gia Đông Á. “Ấn Độ tin rằng Đông Á nắm giữ chiếc chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế ổn định của Ấn Độ, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế quốc tế ngày càng trở nên quan trọng đối với tăng trưởng của Ấn Độ trong bối cảnh các khu vực khác đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại cũng như gia tăng chính sách bảo hộ”(4).
(ii) Hội nhập với khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung là một mục tiêu quan trọng của chính sách hướng Đông. Mục tiêu này nhấn mạnh tới việc xây dựng các hiệp định thương mại tự do (FTA), các hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện/hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CECA/CEPA) giữa Ấn Độ với khu vực. Ấn Độ xác định rằng, xây dựng các FTA, CECA/CEPA với ASEAN và các nước ở Đông Nam Á nói riêng, với châu Á - Thái Bình Dương nói chung là con đường để nước này hiện thực hóa việc xây dựng Cộng đồng kinh tế châu Á - một hình thức liên kết kinh tế nhằm đối trọng với EU và khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), nhưng quan trọng hơn là để Ấn Độ không bị đứng ngoài các khối kinh tế chủ đạo của thế giới và khẳng định vị thế cường quốc của mình, trước hết là tại khu vực châu Á.
(iii) Thúc đẩy sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội ở các bang vùng Đông Bắc của Ấn Độ, những bang kém phát triển về kinh tế - xã hội và bất ổn về an ninh. Tại cuộc họp lần thứ 52 vào tháng 2.2006, Ủy ban Đông Bắc (NEC) nhấn mạnh đến việc tăng cường biên mậu, coi đây là nhiệm vụ, là một phần của chính sách hướng Đông, nên khu vực phải được hỗ trợ để có được lợi ích đầy đủ từ thương mại với các nước Đông Nam Á.
Như vậy, có thể thấy rằng, mục tiêu chung nhất của chính sách hướng Đông là góp phần đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự không chỉ ở khu vực châu Á, mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Với tư cách là “một phần sống còn”(5) trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, như lời của Bộ trưởng Quốc phòng Pranab Mukherjee: “Chính sách hướng Đông còn hơn cả một mệnh lệnh kinh tế. Đó là sự chuyển hướng quan trọng trong nhìn nhận của Ấn Độ về thế giới và vị trí của nước này trong bối cảnh toàn cầu thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh”(6).
Những điều chỉnh trong Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ từ năm 2014 đến nay:
Năm 2014, sau khi thắng cử, trở thành Thủ tướng Ấn Độ, ông Narenda Modi đã điều chỉnh chính sách đối ngoại từ hướng Đông sang Hành động hướng Đông; thể hiện sự quyết tâm hành động của Chính phủ mới - chủ động, tích cực và hợp tác hiệu quả hơn trong quan hệ với châu Á - khu vực phát triển kinh tế năng động nhất thế giới với nhiều nền kinh tế lớn, đang phát triển có tốc độ tăng trưởng cao. “Hướng Đông không còn phù hợp, giờ đây chúng tôi cần Hành động hướng Đông” - Bà Sushma Swaraj, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã tuyên bố như vậy trong chuyến thăm Singapore vào tháng 8.2014(7).
Chính sách “Hành động hướng Đông” của Thủ tướng Narenda Modi là sự tiếp nối đường hướng đối ngoại đa liên kết (multi-alignment) của Thủ tướng tiền nhiệm Manmohan Singh. Sự đa liên kết nhấn mạnh vào sự tham gia gắn bó với các tổ chức đa phương khu vực, sử dụng quan hệ đối tác chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế và an ninh quốc gia của Ấn Độ, cũng như phát huy ảnh hưởng và quảng bá các giá trị của Ấn Độ ra thế giới.
Mục tiêu điều chỉnh chính sách đối ngoại của Ấn Độ:
Thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đặc biệt là đẩy mạnh sự hiện diện của Ấn Độ ở các thị trường mới;
Tăng cường an ninh của Ấn Độ ở khu vực láng giềng, phấn đấu trở thành một “nước lãnh đạo” trong khu vực;
Nâng cao tầm ảnh hưởng của Ấn Độ trên thế giới, nỗ lực để trở thành một “nước lãnh đạo” và “một lực lượng bảo vệ trật tự an ninh toàn cầu”.
Như vậy, khác với các thủ tướng tiền nhiệm, Thủ tướng Narendra Modi xác định lại thứ tự ưu tiên cho các mục tiêu đối ngoại, lấy mục tiêu kinh tế là hàng đầu, cụ thể hóa các mục tiêu, xác định rõ khu vực trọng điểm và thể hiện tham vọng trở thành nước lớn - “nước lãnh đạo”.
Bên cạnh đó, những chính sách đối ngoại phù hợp mà các chính phủ tiền nhiệm đã triển khai, nhưng chưa hoàn thiện đều được “nâng tầm” sao cho hiệu quả hơn:
(i) Chính sách hướng Đông được điều chỉnh thành Hành động hướng Đông với tốc độ quyết liệt hơn giúp Ấn Độ tiến thêm một bước dài trong quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Năm 2016, Việt Nam và Ấn Độ đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
(ii) Chính sách Ấn Độ Dương cũng được Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi chú trọng hơn, tập trung đến phương diện hợp tác đa phương thay vì khống chế và kìm hãm như trước.
(iii) Chính sách Nghĩ về hướng Tây cũng cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức của Ấn Độ: nếu trước đây chỉ quan tâm tới lợi ích về kinh tế, thì nay Ấn Độ còn đồng thời quan tâm đến lợi ích an ninh.
(iv) Chính sách quyền lực mềm tuy vẫn dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống, nhưng giờ bổ sung thêm một nội dung được quan tâm chú trọng đó là cộng đồng Ấn kiều trên thế giới.
Điểm quan trọng trong sự điều chỉnh chính sách của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi là sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy “đa liên kết” và trong nhận thức về sức mạnh quốc gia để hướng tới xây dựng Ấn Độ trở thành một cường quốc toàn cầu, một cực quan trọng trong xu hướng đa cực của hệ thống thế giới hiện nay.
2. Vai trò, vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ
Những nội dung chủ yếu trong chính sách hướng Đông và Hành động hướng Đông của Ấn Độ cho thấy, Việt Nam ngày càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong chính sách đối ngoại của quốc gia này, nhất là trong bối cảnh khu vực Nam Á, Đông Nam Á có nhiều biến động phức tạp, khó lường như hiện nay.
Chính sách hướng Đông/ Hành động hướng Đông có phạm vi không gian rộng lớn chạy dài từ New Zealand lên Đông Nam Á cho đến tận vùng Đông Bắc Á. Trong chính sách này, Đông Nam Á trở thành khu vực được Ấn Độ quan tâm đặc biệt, mà Việt Nam với mối quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời được coi là tâm điểm của khu vực. Ấn Độ coi Việt Nam là cửa ngõ để mở rộng quan hệ với các nước ASEAN và sau đó vươn ra khu vực. Điều này được các nhà lãnh đạo Ấn Độ nhiều lần khẳng định.
Năm 2007, khi trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại New Delhi trước thềm chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tuớng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nói: Chúng tôi coi sự hợp tác với Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập với toàn khu vực. Ấn Độ và Việt Nam có chung các mục tiêu và thường có quan điểm tương đồng trong nhiều vấn đề quốc tế. Chúng tôi hy vọng, Việt Nam ủng hộ Ấn Độ tăng cường quan hệ hợp tác và liên kết với khu vực ASEAN(8). Tháng 9.2016 trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng khẳng định Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ và trong phát triển quan hệ của Ấn Độ với ASEAN(9).
Dưới đây là một số lý giải cho câu hỏi vì sao Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ kể từ năm 2004 - nay:
Một là, xét về lợi ích an ninh, Việt Nam có vị thế địa - chiến lược và địa - chính trị quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Việt Nam là nước láng giềng với Trung Quốc, là nơi tiếp giáp cả phần đất liền và biển giữa Đông Nam Á và Đông Bắc Á, lại có bờ biển dài, hướng ra biển Đông. Địa thế Việt Nam được xem như “ban công nhìn ra Thái Bình Dương” - nơi con đường giao thông huyết mạch trên biển của thế giới đi qua với tầm nhìn rộng, bao quát.
Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á, mà còn là vùng biển quan trọng của các nước châu Á - Thái Bình Dương. Vùng biển này có giá trị địa - chiến lược cả về chính trị, kinh tế và quân sự, có tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc phòng, an ninh của các quốc gia có liên quan; là “bàn đạp” chiến lược để mở rộng ảnh hưởng ở Ðông Nam Á, khống chế Tây Thái Bình Dương, Đông Bắc Ấn Độ Dương. Đây là tuyến đường giao thương trên biển quan trọng, đảm bảo cho việc vận chuyển hàng hóa và có tác động trực tiếp đến các nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các cường quốc. Chính vì vậy mà Biển Đông đã trở thành một trong những “điểm nóng” về lợi ích của nhiều nước lớn.
Là quốc gia có vị trí địa lý quan trọng trong khu vực, Việt Nam là cầu nối trên đất liền giữa phần lớn nhất của lục địa Á, Âu với khu vực Đông Nam Á, đa sắc tộc, giàu tài nguyên; Hoàng Sa, Trường Sa nằm trên tuyến hành lang đường biển thuận tiện với khoảng 50% khối lượng hàng hóa luân chuyển của thế giới đi qua vùng biển này. Cùng với tài nguyên phong phú, dân số khá lớn;… những điều kiện này đã khiến Việt Nam có vị trí địa - chính trị quan trọng bậc nhất trong khu vực và trên thế giới.
Mặc dù là quốc gia Nam Á và không thuộc khu vực Biển Đông, nhưng Ấn Độ có lợi ích cả về kinh tế và an ninh - chính trị ở vùng biển này. Bên cạnh lợi ích giao thương biển, lợi ích của Ấn Độ còn được thể hiện qua hoạt động khai thác tài nguyên dầu khí, đặc biệt là với Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
Bên cạnh đó, Việt Nam có vai trò quan trọng trong chính sách quốc phòng của Ấn Độ. Ấn Độ đánh giá cao khả năng và ý chí chiến đấu của quân đội Việt Nam. Ấn Độ muốn thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Việt Nam để cùng giải quyết những vấn đề chung.
Với vị trí địa - chính trị quan trọng và tiềm năng phát triển, Việt Nam được nhiều học giả Ấn Độ nhận định là cường quốc tiềm năng tại Đông Nam Á. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony khẳng định, Việt Nam chiếm vị trí chiến lược trong chính sách của Ấn Độ.
Năm 2014, Thủ tướng Narendra Modi điều chỉnh chính sách hướng Đông sang Hành động Hướng Đông là do Ấn Độ đã có một thực lực lớn hơn để có thể bảo vệ lợi ích quốc gia ở hướng Đông trước các mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng.
Hai là, xét về lợi ích ảnh hưởng trong các cơ chế khu vực: Ấn Độ nhìn nhận Việt Nam là cầu nối quan trọng cho Ấn Độ để tăng cường hợp tác trong các cơ chế đa phương tại châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Đông Nam Á với ASEAN ngày càng chiếm vị trí trung tâm trong các liên kết khu vực cũng như giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Trước chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2007, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh khẳng định: “Ấn Độ coi hợp tác với Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình Ấn Độ hội nhập toàn khu vực”.
Với ASEAN, Việt Nam là thành viên quan trọng trong tổ chức khu vực Đông Nam Á, trong khi ASEAN là tác nhân định hình then chốt, là trụ cột trọng tâm của Hành động Hướng Đông. Do đó, trong tầm nhìn của Ấn Độ, Việt Nam với mối quan hệ truyền thống hữu nghị sẽ là cầu nối giúp Ấn Độ thúc đẩy và mở rộng hợp tác liên kết với ASEAN. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhận định: “Việt Nam là một thành viên không thể thiếu của ASEAN và là một trụ cột rất quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông của chúng tôi. Việt Nam là nước điều phối quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ trong giai đoạn 2015-2018 và cả hai nước đều cam kết tăng cường mối quan hệ đối tác trong các khuôn khổ Hợp tác Ấn Độ - ASEAN và Mekong - sông Hằng”(10).
Sự tham gia chiến lược của Ấn Độ vào các cơ chế khu vực là bước đệm quan trọng cho vai trò quốc tế của Ấn Độ trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Ba là, xét về lợi ích kinh tế: với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, con người thông minh, năng động, cần cù, môi trường kinh tế ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và liên tục, Việt Nam là đối tác tiềm năng, là thị trường xuất khẩu, đầu tư, thương mại,... triển vọng, hấp dẫn các doanh nghiệp Ấn Độ đến đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, các mỏ dầu ở ngoài khơi Việt Nam có một sức hấp dẫn to lớn đối với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Ấn Độ và Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, đặc biệt là kinh tế của Ấn Độ trong bối cảnh bất ổn kéo dài ở khu vực Trung Đông. Vì vậy, Việt Nam trở thành yếu tố quan trọng trong chính sách hướng Đông/ Hành động hướng Đông của Ấn Độ.
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có nền tảng vững chắc từ truyền thống hữu nghị, sự tin cậy chính trị và sự hội tụ chiến lược trong bàn cờ thế giới. Tiềm năng hợp tác song phương rất lớn trong bối cảnh cả hai nước đang là hai nền kinh tế phát triển năng động, thuộc hàng nhanh nhất thế giới...(11).
Năm 2007, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ được nâng cấp lên đối tác chiến lược và năm 2016 tiếp tục được nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện cùng với những thành tựu trong hợp tác trên một số lĩnh vực chính như chính trị - ngoại giao, kinh tế, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ và văn hóa - giáo dục. Đó là những minh chứng hùng hồn cho vai trò của không chỉ Việt Nam mà cả Ấn Độ trong chính sách đối ngoại của hai nước.
Trong thế kỷ XXI, với thế và lực mới, Ấn Độ và Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế của mình trong khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, Ấn Độ không chỉ là cường quốc khu vực Nam Á, mà còn có tham vọng trở thành cường quốc toàn cầu. Trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng, trên cả phương diện kinh tế, an ninh và ảnh hưởng. Với vị trí địa - chính trị, địa - chiến lược quan trọng hiện nay, Việt Nam là đối tác ưu tiên hàng đầu ở Đông Nam Á của Ấn Độ./.
______________________________
(1) Đặng Đình Quý, Nguyễn Vũ Tùng (2011), Tiếp cận vấn đề đưa các mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam đi vào chiều sâu, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 1 (84), tháng 3.2011, tr.5-28 - 36.
(2) Embassy of India in USA (2005) Keynote Address by Prime Minister Dr. Manmohan Singh at Special Leader’s Dialogue of ASEAN Business Advisory.
(3) Reuters (2010), Manmohan Singh says China wants foothold in South Asia, http://in.reuters.com/article/idINIndia-51323020100907
(4) ASEAN, Joint Press Release The First ASEAN-India Joint Cooperation Committee Meeting New Delhi, 14-16 November 1996, D17, http://asean.org/?static_post=joint-press-release-the-first-asean-india-joint-cooperation-committee-meeting-new-delhi-14-16-november-1996.
(5) Ministry of External Affairs (2006), Present Dimensions of the Indian Foreign Policy’ - Address by Foreign Secretary Mr. Shyam Saran at Shanghai Institute of International Studies, Shanghai, http://www.mea.gov.in/Speeches-Statements.htm?dtl/ 2078/Present+Dimensions+of+the+Indian+Foreign+Policy++Address+by+Foreign+Secretary+Mr+Shyam+Saran+at+Shanghai+Institute+of+International+Studies+Shangha.
(6) Ministry of External Affairs (2006), “Indian Foreign Policy: A Road Map for the Decade Ahead” - Speech by External Affairs Minister Shri Pranab Mukherjee at the 46th National Defence College Course, http://www.mea.gov.in/Speeches-Statements.htm?dtl/2395/
(7) Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Hành động phía Đông của Ấn Độ, http://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/hanh-dong-phia-dong-cua-an-do-277698.html
(8)http://www.mofahcm.gov.vn/mofa/nr040807104143/nr040807105001/ns070704162122
(9) Danielle Rajendram, India’s new Asia - Pacific: Modi acts East, Analysis, Lowy Institute for international policy 2014, tr 8-9
(10) http://dangcongsan.vn/thoi-su/thu-tuong-an-do-narendra-modi-tra-loi-phong-van-phong-vien-ttxvn-truoc-them-chuyen-tham-viet-nam-405759.html
(11) Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ngày càng phát triển sâu rộng và thực chất, http://dangcongsan.vn/chao-xuan-ky-hoi-2019/xuan-que-huong/quan-he-viet-nam-an-do-ngay-cang-phat-trien-sau-rong-va-thuc-chat-512209.html
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông tháng 2.2021
Bài liên quan
- Xây dựng mô hình tự quản trong phương pháp quản lý lưu học sinh nước ngoài tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 9 trường đại học, học viện đào tạo báo chí, truyền thông của Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đại học Truyền thông Trung Quốc và tham gia các tọa đàm về đào tạo
- Chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam cho một tương lai hoà bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng và bền vững
- Quyết tâm gìn giữ, vun đắp quan hệ Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, liên tục phát triển
- Vai trò của phát ngôn đối ngoại đối với công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Xây dựng mô hình tự quản trong phương pháp quản lý lưu học sinh nước ngoài tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Xây dựng mô hình tự quản trong phương pháp quản lý lưu học sinh nước ngoài tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và lý luận chính trị có uy tín trên cả nước. Bởi vậy, việc liên kết đào tạo về các lĩnh vực này không chỉ được thực hiện ở các đơn vị đào tạo trong nước mà còn được thực hiện cả ở sự liên kết đào tạo quốc tế. Hàng năm, Học viện đón tiếp một lượng lớn sinh viên quốc tế theo học ở các bậc cử nhân, cao học và nghiên cứu sinh. Do vậy, công tác quản lý sinh viên quốc tế là công tác quan trọng và có tính đặc thù. Công tác này để đạt hiệu quả tốt không chỉ thuộc về phương pháp và trách nhiệm của các đơn vị trong học viện mà còn phụ thuộc vào chính năng lực tự quản của các em. Tuy nhiên, để sự tự quản được thực hiện có chất lượng cần thực hiện trên nguyên tắc: Học viện định hướng – phòng Quản lý Ký túc xá xây dựng phương pháp và giám sát – lưu học sinh tự quản. Với nguyên tắc trên, phòng Quản lý ký túc xá đã thu được những thành công nhất định. Bài viết này trình bày những kinh nghiệm đã thu được trong qua trình xây dựng mô hình tự quản trong tập thể lưu học sinh nước ngoài tại học viện.
9 trường đại học, học viện đào tạo báo chí, truyền thông của Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đại học Truyền thông Trung Quốc và tham gia các tọa đàm về đào tạo
9 trường đại học, học viện đào tạo báo chí, truyền thông của Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đại học Truyền thông Trung Quốc và tham gia các tọa đàm về đào tạo
Từ ngày 24 đến 27/9/2024, 9 trường đại học, học viện đào tạo báo chí, truyền thông của Việt Nam đã đến thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đại học Truyền thông Trung Quốc và tham gia các tọa đàm về nghiên cứu học thuật, đào tạo, bồi dưỡng báo chí, truyền thông.
Chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam cho một tương lai hoà bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng và bền vững
Chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam cho một tương lai hoà bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng và bền vững
Ngày 24/9 theo giờ địa phương, tại Trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Hoa Kỳ, đã diễn ra lễ khai mạc Phiên Thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khoá 79. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Phiên Thảo luận.
Quyết tâm gìn giữ, vun đắp quan hệ Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, liên tục phát triển
Quyết tâm gìn giữ, vun đắp quan hệ Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, liên tục phát triển
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoong-lun Xỉ-xu-lít khẳng định quan hệ Việt Nam - Lào là tài sản chung vô giá của hai dân tộc, là tất yếu khách quan và là nguồn sức mạnh to lớn nhất của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, cần tiếp tục phát huy, giữ gìn và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.
Bình luận