Xây dựng trường chính trị chuẩn, tạo bước đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở
1. Yêu cầu chuẩn hóa các mặt công tác của trường chính trị cấp tỉnh
Cùng với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trường chính trị cấp tỉnh) tạo thành hệ thống trường Đảng từ Trung ương đến các địa phương. Trường chính trị cấp tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Những năm qua, nhất là từ khi Ban Bí thư ban hành Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13.11.2018 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị cấp tỉnh, công tác trường chính trị đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều thành tựu. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên và hoạt động của các trường chính trị vẫn còn không ít những bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải tập trung giải quyết. Cụ thể là:
Thứ nhất, về đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đội ngũ cán bộ, giảng viên đã được cơ cấu lại theo Quy định số 09-QĐi/TW của Ban Bí thư, bảo đảm khoa học hơn, phù hợp với xu hướng phát triển của công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tạo thuận lợi về lâu dài cho các trường thực hiện Đề án xây dựng và phát triển nhà trường đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Hiện nay, tổng số cán bộ, giảng viên các trường chính trị cấp tỉnh là 3.075 người. Trong đó, về chuyên môn, có 133 tiến sỹ (chiếm 4,2%), 1.777 thạc sỹ (chiếm 57,8%), 888 cử nhân (chiếm 28,8%). Về lý luận chính trị, có 1.582 cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị (chiếm 51%); 788 trung cấp lý luận chính trị (chiếm 25,6%).
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý. Có 32/63 hiệu trưởng trường chính trị được bầu tham gia cấp ủy cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2025 (chiếm 50,7%). Trong đó có 4 trường: Bến Tre, Điện Biên, Sóc Trăng, Tây Ninh, có hiệu trưởng đồng thời là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Tuy nhiên, việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh đã và đang bộc lộ nhiều điểm bất cập. Số lượng các thành viên ban giám hiệu có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ chưa đáp ứng yêu cầu. Đến cuối năm 2020, trong tổng số 193 đồng chí trong ban giám hiệu, có 46 tiến sỹ, 134 thạc sỹ, vẫn còn 13 cử nhân. Nhiều đồng chí trong ban giám hiệu các trường chưa kinh qua các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Sự năng động, chủ động, sáng tạo; khả năng thích ứng trước sự thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn còn chậm, chưa theo kịp xu thế phát triển; kỹ năng lãnh đạo, quản lý còn hạn chế...
Số lượng giảng viên cơ hữu của các trường hiện là 1.992 người (chiếm 64,78% tổng số cán bộ, viên chức). Tuy nhiên, trong đó, chỉ có 13/63 trường (chiếm 20,6%) đạt tỷ lệ giảng viên cơ hữu từ 75% trở lên trong tổng số cán bộ, viên chức. Số lượng giảng viên chính, giảng viên cao cấp là 763 người (chiếm 38,3%). Còn 144/1.992 giảng viên (chiếm 7,2%) chưa được đào tạo lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 1.022 giảng viên (chiếm 51,3%) chưa được bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm, giảng viên thỉnh giảng còn nhiều khó khăn, một số nơi thực hiện chưa hiệu quả.
Đội ngũ làm công tác tham mưu, giúp việc tại các trường chính trị là 1.103 người. Trong đó có 224 chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, 661 chuyên viên. Về chuyên môn, có 355 thạc sỹ, 618 cử nhân. Về lý luận chính trị, có 659 cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị, 293 trung cấp lý luận chính trị. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, một bộ phận chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, biểu hiện ở công tác xây dựng thể chế, quy định, xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch công tác của nhiều trường chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong khi đó, nhiều trường chưa quan tâm đúng mức đến việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này.
Những hạn chế nêu trên đòi hỏi phải đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức của trường chính trị, mà việc chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị là biện pháp căn bản, có tính chất nền tảng.
Thứ hai, về công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, các trường đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị các địa phương.
Tuy nhiên, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các trường chính trị vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Cụ thể là quy mô, loại hình lớp bồi dưỡng của nhiều trường chính trị chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ. Một số chương trình bồi dưỡng thuộc chức năng, nhiệm vụ của trường chính trị, nhưng trên thực tế, nhiều trường chưa được giao thực hiện. Một số trường quy mô bồi dưỡng nhỏ, loại hình bồi dưỡng chưa đa dạng. Triển khai biên soạn chương trình, tài liệu phục vụ bồi dưỡng theo phân cấp còn chậm và chưa thực sự sát đối tượng. Công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng đã có nhiều đổi mới, song còn thiếu đồng bộ. Tỷ lệ lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính hệ tập trung còn thấp so với hệ không tập trung. Thậm chí, một số trường có những năm không mở lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính hệ tập trung.
Nhiều trường chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; chưa đảm nhiệm được các đề tài khoa học cấp tỉnh; chưa chú trọng hoạt động tư vấn, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Công tác phối hợp với ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy và các cơ quan liên quan hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên trung tâm chính trị cấp huyện còn hạn chế.
Thứ ba, về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu không chỉ phục vụ nhiệm vụ trước mắt, mà còn phải đáp ứng yêu cầu lâu dài, phù hợp với đặc thù học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, phải được hiện đại hóa, từ nhà làm việc đến hệ thống giảng đường, thư viện, ký túc xá, nhà đa năng, nhà ăn, khuôn viên, hệ thống chiếu sáng, khu vệ sinh...
Hiện nay, bên cạnh một số trường có cơ sở vật chất - kỹ thuật tương đối đồng bộ, như: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ... cơ sở vật chất của nhiều trường còn chắp vá, thiếu đồng bộ, xuống cấp, lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và việc học tập, rèn luyện.
Trước những hạn chế, bất cập nêu trên đòi hỏi phải chuẩn hóa hệ thống trường chính trị cấp tỉnh, tạo cơ sở cho việc kiểm soát, đánh giá và bảo đảm cho hoạt động của các trường đạt chất lượng, hiệu quả, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Một trong những giải pháp đột phá là xây dựng trường chính trị chuẩn.
Xây dựng trường chính trị chuẩn, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất để các trường thực hiện thống nhất nội dung công tác, trên cơ sở đó nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của hệ thống trường Đảng cả nước. Việc chuẩn hóa các mặt công tác của trường chính trị nhằm tạo cơ sở cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các tỉnh ủy, thành ủy đối với trường chính trị; giúp các trường hoàn thiện công tác lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị.
Chuẩn hóa các mặt công tác, tạo cơ sở để đánh giá, xếp loại các trường chính trị, đồng thời tạo cơ sở để các trường chính trị tăng cường việc hợp tác và chia sẻ nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học cả trong nước và quốc tế. Trên cơ sở kết quả chuẩn hóa, các trường chính trị cấp tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng hệ thống chính trị địa phương vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13.11.2018 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị cấp tỉnh là văn bản đầu tiên chuẩn hóa chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị cấp tỉnh theo yêu cầu của tình hình mới. Ngày 19.5.2021, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn, quy định cụ thể yêu cầu chuẩn hóa toàn diện các mặt công tác của trường chính trị, là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện công tác trường chính trị theo hướng đồng bộ, hệ thống, khoa học, chuẩn mực.
2. Xây dựng trường chính trị chuẩn là giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn
Theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư, bộ tiêu chí trường chính trị chuẩn là căn cứ đánh giá trường chính trị trong từng lĩnh vực hoặc nội dung hoạt động. Có 6 nhóm tiêu chí: Về thể chế, quy định; về đội ngũ cán bộ, viên chức; về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; về hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; về xây dựng văn hóa Trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương; về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tài chính. Mỗi tiêu chí có các chỉ tiêu cụ thể, lượng hóa được. Trường chính trị chuẩn được quy định có 2 mức: chuẩn mức 1 và chuẩn mức 2.
Để đạt chuẩn mức 1, trường chính trị phải đạt các chỉ tiêu của 6 nhóm tiêu chí trên. Để đạt chuẩn mức 2, trường chính trị phải đạt 6 nhóm tiêu chí ở chuẩn mức 1 nhưng với các chỉ tiêu cao hơn. Thời gian đánh giá các tiêu chí để công nhận trường chính trị chuẩn là quá trình 05 năm cho đến thời điểm đề nghị xét công nhận trường chính trị chuẩn.
Xây dựng trường chính trị chuẩn sẽ khắc phục được những khó khăn, tạo bước đột phá để hệ thống trường chính trị trên cả nước nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng, hiệu quả tốt nhất, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Vì vậy cần sự quyết tâm vào cuộc của các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy và nhất là các trường chính trị.
a. Phát huy vai trò của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong công tác quản lý, hướng dẫn chuyên môn, chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và công nhận trường chính trị chuẩn
Thực hiện nhiệm vụ Ban Bí thư giao tại Quy định số 11-QĐ/TW, Học viện cần triển khai một số nội dung sau:
Một là, tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19.5.2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn; hướng dẫn công tác thẩm định và quy trình công nhận trường chính trị chuẩn. Tiếp tục hoàn thiện và hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý đào tạo, quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng của trường chính trị nhằm tạo thể chế đồng bộ, toàn diện nhất cho các trường triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
Hai là, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn việc triển khai, áp dụng chuẩn hóa trong toàn hệ thống trường chính trị. Hướng dẫn các trường chính trị tổ chức rà soát, thống kê hiện trạng của trường về các lĩnh vực công tác cần chuẩn hóa; trên cơ sở đó tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy xây dựng đề án trường chính trị chuẩn, trong đó xác định lộ trình xây dựng trường chính trị đạt chuẩn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Ba là, tăng cường làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương về công tác trường chính trị nói chung, công tác xây dựng trường chính trị chuẩn nói riêng để thống nhất các giải pháp triển khai thực hiện tốt chủ trương của Đảng về chuẩn hóa công tác trường chính trị. Tổ chức công tác kiểm tra, đôn đốc các trường thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW, đặc biệt là duy trì kết quả chuẩn hóa sau khi đã được công nhận trường chính trị đạt chuẩn, qua đó bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác từ kết quả chuẩn hóa trường chính trị.
Bốn là, triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan hỗ trợ các trường chính trị như: Đề án 587 về nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019 - 2030; Đề án 979 của Thủ tướng Chính phủ về “Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2026”; Xây dựng và thực hiện Đề án đào tạo giảng viên lý luận chính trị, nhằm cung cấp nguồn giảng viên lý luận chính trị cho các trường chính trị; nghiên cứu, tham mưu Ban Bí thư ban hành quy định về tiêu chuẩn giảng viên lý luận chính trị. Tạo điều kiện để các trường chính trị được tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn trong các đề tài nghiên cứu; tham gia viết tham luận hội thảo khoa học do Học viện trực thuộc chủ trì. Tuyển chọn, mời một số giảng viên trường chính trị có đủ điều kiện tham gia giảng dạy cao cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng lý luận chính trị; tham gia các nhóm chuyên gia của các Học viện trực thuộc tư vấn về nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
Năm là, xây dựng cơ chế tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích, điển hình tiên tiến trong việc xây dựng thành công trường chính trị đạt chuẩn. Định kỳ tổ chức sơ kết công tác xây dựng trường chính trị chuẩn và báo cáo kết quả với Ban Bí thư; đề xuất sửa đổi, bổ sung tiêu chí, quy trình công nhận trường chính trị chuẩn khi cần thiết.
Sáu là, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương (Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo) tham mưu triển khai Quy định về trường chính trị chuẩn và hướng dẫn quy trình, tham gia thẩm định, công nhận trường chính trị chuẩn; thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn chế độ, chính sách cho các trường để xây dựng trường chính trị chuẩn như: tiêu chuẩn, đối tượng học trung cấp lý luận chính trị; chế độ làm việc của cán bộ, giảng viên trường chính trị; việc đào tạo, bồi dưỡng giảng viên; về triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; về phong chức danh khoa học, danh hiệu nhà giáo...
b. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp của các ban, sở, ngành địa phương trong công tác trường chính trị nói chung và xây dựng trường chính trị chuẩn nói riêng
Trước hết, các tỉnh ủy, thành ủy cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trường chính trị và các ban, sở, ngành có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án trường chính trị chuẩn.
Thứ hai, trong xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, căn cứ Quy định số 11-QĐ/TW để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm. Xây dựng đề án luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên về các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể để nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý, tri thức thực tiễn. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức cho các trường chính trị, bảo đảm cơ cấu 75% giảng viên, cán bộ nghiên cứu trong tổng số cán bộ, nhân viên của trường; chỉ đạo các trường cơ cấu lại đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Có cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ, giảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, trong đó chú trọng cử giảng viên đi nghiên cứu sinh và học cao cấp lý luận chính trị. Quan tâm ban hành quyết định giảng viên thỉnh giảng của trường chính trị gồm các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, sở, ngành; quy định rõ trách nhiệm của giảng viên thỉnh giảng.
Thứ ba, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thống nhất giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cho trường chính trị theo Quy định số 09-QĐi/TW; nhất là các nhiệm vụ bồi dưỡng như: Bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp ủy cấp huyện (Đối tượng 4); Bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính; Bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng; Bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở; Bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã... Thống nhất thực hiện trường chính trị là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức duy nhất ở cấp tỉnh. Chỉ đạo các ban, sở, ngành, địa phương cử cán bộ tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng tại trường chính trị, không để xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tại địa phương. Chỉ đạo và tạo điều kiện để trường chính trị tăng cường mở các lớp trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung. Bảo đảm chế độ chính sách đối với cán bộ, giảng viên, học viên.
Thứ tư, có cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của trường chính trị; chỉ đạo sở khoa học và công nghệ giao nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh; có cơ chế để đội ngũ cán bộ, giảng viên trường chính trị tham gia các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đi nghiên cứu trong và ngoài nước.
Thứ năm, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí hoạt động, hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, giảng dạy, học tập, nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu trường chính trị chuẩn.
Thứ sáu, có cơ chế, chính sách tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích, đóng góp vào việc xây dựng trường chính trị đạt chuẩn.
Các ban, sở, ngành, địa phương cần chủ động, tích cực phối hợp với trường chính trị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; phối hợp thực hiện đúng quy định trong việc cử cán bộ đi học; tạo điều kiện để cán bộ tham gia thỉnh giảng tại trường chính trị; chủ động đặt hàng trường chính trị nghiên cứu, tổng kết thực tiễn phục vụ xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương...
c. Các trường chính trị tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn
Các trường chính trị cần tổ chức rà soát, thống kê hiện trạng của trường về các lĩnh vực công tác cần chuẩn hóa theo Quy định số 11-QĐ/TW. Chủ trì, tham mưu xây dựng đề án trường chính trị chuẩn trình tỉnh ủy, thành ủy phê duyệt, trong đó xác định lộ trình cụ thể xây dựng trường chính trị đạt chuẩn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tiếp tục đổi mới toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng, chủ động đề xuất các loại hình đào tạo, bồi dưỡng gắn với các điều kiện đặc thù của địa phương và của trường để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn cán bộ. Thực hiện nghiêm chương trình, giáo trình, quy chế quản lý đào tạo, quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng, chủ động xây dựng thể chế, quy định cụ thể về quản lý đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy, học tập, cập nhật thông tin trong giáo án và các tài liệu giảng dạy, học tập.
Chú trọng công tác xây dựng văn hóa Trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương, tránh để xảy ra những hành vi tiêu cực, vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật trong nhà trường.
Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, lựa chọn vấn đề nghiên cứu vừa mang tính thời sự, vừa mang tính chiến lược, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn địa phương. Bên cạnh những đề tài phục vụ giảng dạy, học tập, chú trọng nghiên cứu những đề tài phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị. Chắt lọc những kết quả nghiên cứu để chủ động tư vấn cho cấp ủy, chính quyền địa phương những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Chú trọng việc xã hội hóa các công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên nhà trường.
Thực hiện tốt công tác tài chính, dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, bảo đảm chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, viên chức. Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn./.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 25/11/2022
Bài liên quan
- Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
- Tính nhân văn của Đề cương về văn hóa Việt Nam - động lực xây dựng, phát triển văn hóa đất nước bền vững trong thời đại Hồ Chí Minh
- Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (kỳ 2)
- Về phương pháp luận chuyên ngành Lịch sử Đảng
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 56: Dấu ấn về mùa thu lịch sử
- 2 Thông điệp về “khát vọng hoà bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
- 3 10 thành tựu nổi bật của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong 10 năm (2014 – 2024)
- 4 Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đánh giá và giải pháp, kiến nghị
- 5 Quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua báo điện tử VietnamPlus
- 6 Giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa - góc nhìn từ thực tiễn thành phố Hà Nội hiện nay
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Tổ chức hoạt động truyền thông tại một số công ty du lịch vừa và nhỏ tại Việt Nam: Những hạn chế, thách thức và giải pháp
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, hoạt động truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc quảng bá và xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực du lịch, truyền thông càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết để có thể cạnh tranh và thu hút khách hàng trên thị trường quốc tế.
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp sâu sắc đối với sự phát triển lý luận của Đảng về quyền con người. Những quan điểm của Tổng Bí thư sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng và định hướng quan trọng cho các hoạt động về quyền con người trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Tính nhân văn của Đề cương về văn hóa Việt Nam - động lực xây dựng, phát triển văn hóa đất nước bền vững trong thời đại Hồ Chí Minh
Tính nhân văn của Đề cương về văn hóa Việt Nam - động lực xây dựng, phát triển văn hóa đất nước bền vững trong thời đại Hồ Chí Minh
Tính nhân văn trong Đề cương về văn hoá Việt Nam 1943 được khởi nguồn từ mạch nguồn văn hóa dân tộc, từ căn nguyên ra đời, đến nội dung và hướng nhận thức, hành động của quần chúng nhân dân đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Từ đó, Đề cương là kết tinh tính nhân văn của Đảng trong thực hiện sứ mệnh lấy văn hóa “soi đường cho quốc dân đi” để tập hợp sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, trong từng bước đường lãnh đạo bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước, con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với tính nhân văn lan tỏa, Đề cương đã, đang và sẽ vẫn là cơ sở, động lực quan trọng về cả lý luận và thực tiễn góp phần tích cực xây dựng, phát triển văn hóa đất nước vững bền, cũng chính là góp phần không ngừng thúc đấy sự phát triển trường tồn của đất nước, con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (kỳ 2)
Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (kỳ 2)
Như trong Kỳ 1 (đăng trên Tạp chí LLCT&TT số tháng 2/2023), tác giả đã dẫn nhập: Thế giới đang bước những bước đi đầu tiên trong việc tiến tới một trật tự toàn cầu mới, điều sẽ định hình lại toàn bộ luật chơi toàn cầu đã được thiết lập trong hơn bảy thập kỷ qua. Điều này cũng đặt ra những thách thức mới cho nền an ninh quốc gia, trong cách tiếp cận về an ninh và những hình thái mới của chiến tranh… Kỳ 1 đã giới thiệu về “Chiến tranh lai và đòi hỏi về một cách tiếp cận phức hợp cho an ninh quốc gia”. Kỳ 2, tác giả tiếp tục bàn về “Cách tiếp cận phức hợp về an ninh quốc gia và đề xuất khái niệm an ninh phi truyền thống mới”, với các phần nội dung chính: Bối cảnh mới về an ninh quốc gia do tác động của tiến trình chuyển đổi số đặt ra; Cách tiếp cận phức hợp về an ninh quốc gia và đề xuất một khái niệm an ninh phi truyền thống mới.
Bình luận