Ảnh hưởng của nghề nghiệp đối với cuộc sống gia đình người nữ phóng viên
Trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội thể hiện trong các lĩnh vực, ngành nghề. Có những công việc trước đây thường được xem là độc quyền của nam giới như kỹ sư, cảnh sát, luật sư… thì ngày nay đã có nhiều phụ nữ tham gia và đạt được thành công đáng kể. Song, để có được niềm vinh quang trong nghề nghiệp, nhiều phụ nữ đã gặp không ít khó khăn trong cuộc sống gia đình. Một trong những công việc như vậy là nghề phóng viên báo chí. Trên cơ sở các nguồn tài liệu đã có, bài viết đi sâu tìm hiểu những khó khăn, phức tạp trong nghề phóng viên, một nghề được xem là khá vất vả đối với phụ nữ, từ đó phân tích ảnh hưởng hai mặt của nghề nghiệp đến cuộc sống gia đình người nữ phóng viên, với hy vọng gia đình và xã hội sẽ có sự quan tâm ủng hộ họ nhiều hơn trong công tác cũng như trong việc nhà.
Trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng nhanh chóng của đội ngũ những người làm báo, số lượng phóng viên nữ tăng lên đáng kể. Theo số liệu của Cục Báo chí Bộ Văn hoá - Thông tin, tính đến năm 2001, cả nước có 2.803 nữ phóng viên trên tổng số 10.294 phóng viên được cấp thẻ nhà báo thời hạn 2001 - 2005, chiếm tỷ lệ 27,23%. Đặc biệt, ở những cơ quan báo chí dành cho nhóm công chúng phụ nữ, trẻ em thì tỷ lệ này lên đến 50 - 60%.
Số liệu trên cho thấy trình độ tri thức của đội ngũ phóng viên được cấp thẻ trong giai đoạn 2001 - 2005 là khá cao. Cụ thể, trong tổng số nhà báo được cấp thẻ thì số có trình độ trên đại học là 350 người, chiếm tỷ lệ 3,49%; số có trình độ đại học chiếm 84,3%, trong đó số tốt nghiệp đại học báo chí có 2.522 người (là 25,21%), số tốt nghiệp đại học khác là 5.935 người (chiếm 59,1%); số có trình độ ngoại ngữ là 4.875 người, có tỷ lệ 47,35%.
Ngoài ra, hiện nay tại hai cơ sở đào tạo phóng viên của nước ta là Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) và khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) hằng năm đào tạo khá nhiều sinh viên báo chí. Chỉ tính riêng Khoa Báo chí của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, năm 2002 có 1.000 sinh viên. Trung bình mỗi năm có khoảng 200 sinh viên chính quy và gần 200 sinh viên tại chức của khoa ra trường, bổ sung vào đội ngũ phóng viên của cả nước. Các phóng viên trẻ không chỉ được nhà trường đào tạo chính quy, bài bản về nghiệp vụ báo chí mà họ còn được trang bị thêm kiến thức tin học và ngoại ngữ nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và xã hội đang phát triển. Còn với những phóng viên nữ có thâm niên, họ không chỉ có trình độ về nghiệp vụ mà họ còn là những người có vốn sống, kinh nghiệm thực tế phong phú. Nhận xét về trình độ của đội ngũ phóng viên nữ thuộc cơ quan Trung ương Đoàn, một trong những nơi có nhiều báo, tạp chí tập trung đông lực lượng phóng viên nữ, một tác giả cho biết: “100% nữ nhà báo ở cơ quan TW Đoàn có trình độ đại học (80% số chị em được học đúng nghề, 20% số chị em học các nghề khác). Các nữ phóng viên đều rất yêu nghề và nhiều chị đã có kinh nghiệm, có sự thành đạt trong làng báo”.
Bài viết này tập trung phân tích ảnh hưởng của nghề nghiệp đối với cuộc sống gia đình của những phóng viên nữ làm việc ở các cơ quan báo chí và chú trọng hơn đến các nữ phóng viên chuyên viết mảng điều tra chống tiêu cực. Bởi vì, theo nhận xét của những người trong nghề thì đây là những người thường xuyên phải chịu nhiều áp lực và nguy hiểm. Đồng thời, tính chất nghề nghiệp cũng có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống gia đình của họ.
Niềm vinh quang của nghề nghiệp
Mỗi nghề nghiệp đều có nguồn vui và niềm hạnh phúc riêng. Người làm báo cảm thấy vui sướng và hạnh phúc khi tác phẩm của họ được đăng trên trang báo hay được phát trên sóng phát thanh, truyền hình. Họ càng cảm thấy hạnh phúc hơn khi tác phẩm của họ được công chúng đón nhận và khen ngợi. Đó chính là niềm cổ vũ, động viên các nhà báo vượt qua khó khăn, trở ngại trên con đường sự nghiệp.
Theo báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam, từ năm 1995, toàn quốc đã có 8 Tổng biên tập và 80 Phó tổng biên tập và Thư ký toà soạn là phụ nữ, trong đó có một số chị em là người dân tộc thiểu số. Trong thực tế có nhiều nữ phóng viên sắc sảo, có tên tuổi trong các bài phóng sự, điều tra, các chuyên mục nổi tiếng, được bạn đọc yêu thích. Có nhiều chị đoạt được giải thưởng báo chí toàn quốc như chị Mai Lan (báo Sài Gòn Giải Phóng), chị Tuyết Nhung (đài Truyền hình Hà Nội), chị Hương Huyền cùng nhóm nhà báo nữ (Báo Phụ nữ Thủ đô) v.v… Riêng trong giải báo chí toàn quốc năm 2002, có 15 tác giả và nhóm tác giả là nữ đoạt giải ở cả 3 loại hình, là báo in, phát thanh và truyền hình. Trong đó, có những tác giả đoạt giải cao như chị Nguyễn Thị Minh Đức (Liên chi hội Nhà báo, Đài Tiếng nói Việt Nam) đoạt giải A với tác phẩm “Đấu tranh, tránh đâu - nỗi khổ của người chống tiêu cực”; chị Mai Kim Thoa (báo Hà Nội mới) đoạt giải B với tác phẩm “Chùm bài về kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2002”; nhóm tác giả Tạ Bích Loan, Ngọc Minh, Ngọc Trâm, Thu Hằng (Đài Truyền hình Việt Nam) đoạt giải B với tác phẩm “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này”…
Nỗi khó khăn của nghề nghiệp
Công việc của một phóng viên nói chung thường bận rộn nhưng với phóng viên nữ thì sự bận rộn và nỗi vất vả còn tăng lên gấp nhiều lần. Vì để có những tin tức thời sự mới, có giá trị; một bài báo, một phóng sự hay đi vào lòng người xem, người đọc, các phóng viên phải đầu tư nhiều công sức, họ phải xông xáo, thâm nhập thực tế, làm việc không kể ngày đêm để sáng tạo tác phẩm. Bên cạnh đó, đặc thù giới tính cũng gây cho họ những khó khăn, phiền phức trong những dịp công tác xa, dài ngày hoặc những trường hợp giao tiếp có tính nhạy cảm.
Nói đến khó khăn của nữ phóng viên, một tác giả viết: “Nhà báo nữ đã vào cuộc như thế nào với những đặc điểm giới của mình. Trước hết là những khó khăn cần phải vượt qua: Sức khoẻ bị hạn chế hơn nam giới (nhất là những dịp đi công tác lại đúng vào ngày riêng của giới mình). Nghề nghiệp lại là một nghề đặc biệt, thời gian lao động không cụ thể được, hay phải đi công tác dài ngày nên khó có sự thông cảm của gia đình… Khi đi công tác xa nhà, nữ nhà báo dễ gặp những tình huống, hoàn cảnh khó khăn, bất ngờ, thiếu sự an toàn”.
Với các nữ phóng viên viết bài về mảng phóng sự điều tra chống tiêu cực thì áp lực công việc đối với họ còn lớn hơn rất nhiều. Bởi công việc của họ không chỉ là gian nan, vất vả mà còn luôn phải đối mặt với hiểm nguy. Đối tượng mà họ tiếp xúc thuộc nhiều tầng lớp, đủ mọi loại người trong xã hội và lĩnh vực họ đề cập là đấu tranh chống tiêu cực - một công việc thường động chạm đến các cơ quan, tổ chức, con người cụ thể, không tránh khỏi sự va chạm, đôi khi có cả sự thù hằn khi quyền lợi của một nhóm người, hoặc một số cá nhân bị tước bỏ.
Một nữ phóng viên chuyên viết phóng sự điều tra chống tiêu cực đã tâm sự về công việc của mình: “Có lẽ do bản năng sẵn có của phái nữ nên công việc của chúng tôi đôi khi có những điểm khác so với các bạn đồng nghiệp nam. Ngoài công việc nghiên cứu tài liệu, tìm ra chứng cứ để bênh vực những người bị trù dập, bị thiệt thòi do cách tính toán “sai trái, ăn chặn” của một số cá nhân được giao trách nhiệm giải phóng mặt bằng, chúng tôi còn phải tìm cách an ủi, động viên những người đang gặp cảnh không may để họ có niềm tin vào công lý và cuộc sống”. Chính với cái tâm của người phụ nữ cộng với tâm huyết nghề nghiệp mà người nữ phóng viên trên đã đấu tranh ròng rã trong hai năm để đem lại công bằng cho một nữ kỹ sư được giao nhiệm vụ giám sát công trình chợ Đồng Xuân - Bắc Qua; chị đã bị trù dập, mất việc làm khi phát hiện, tố giác những sai trái trong quá trình xây dựng chợ.
Nhận xét về con người, về công việc của nữ phóng viên trên, một tác giả viết: “Nhà báo M.Đ đã từng nói với tôi rằng, có nhiều lúc, trước những áp lực, khó khăn của công viêc, chị đã tự nhủ với mình rằng sẽ không bao giờ viết điều tra nữa. Nhưng rồi chẳng thể cầm lòng bởi nước mắt của những con người đang chịu nhiều oan ức. Và chị lại tiếp tục công việc của mình dù biết con đường phía trước sẽ không ít gian truân.
Như vậy, để hoàn thành tốt công việc của một nhà báo, người nữ phóng viên đã phải cố gắng rất nhiều. Họ phải vượt qua những áp lực của công việc, đối mặt với nguy hiểm và cũng như bao phụ nữ khác, họ còn có gia đình, nhiều người còn là người vợ, người mẹ. Để làm tròn trách nhiệm với gia đình, người nữ phóng viên thường rất bận rộn, họ phải lo từ bữa ăn cho gia đình, đến chăm sóc con, lo cho con học tập… Họ có ít điều kiện để nghỉ ngơi, giải trí và nâng cao trình độ. Do vậy, để đạt được thành công trong nghề nghiệp, người nữ phóng viên phải đầu tư công sức hơn các nam đồng nghiệp rất nhiều.
Đặc điểm tính cách của nữ phóng viên
Thực tế cho thấy, phần lớn các nữ phóng viên rất yêu nghề. Mặc dù công việc làm báo phải vất vả sớm tối, song không vì thế mà họ rút lui, lùi bước. Với tâm huyết nghề nghiệp, các nữ phóng viên không nề hà tham gia các chuyến công tác dài ngày đến các vùng sâu, vùng xa, những nơi nguy hiểm; họ sẵn sàng chịu đựng cảnh sinh hoạt thiếu thốn, say tàu xe, thậm chí có thể gặp nhiều bất trắc để tìm tòi, phát hiện ra đề tài cho bài viết mới. Với nhiều nữ phóng viên, được đi và được viết là nguồn vui, là lẽ sống của họ.
Có nhiều nữ phóng viên đã gắn bó gần cả cuộc đời với nghề làm báo, các chị say sưa, tâm huyết với chủ đề, đối tượng mà các chị yêu quý. Cụ thể như trường hợp chị T.H, 52 tuổi đời, có 26 năm trong nghề gắn bó với những trang viết dành cho nhi đồng, chị tâm sự: “Tôi rất yêu cái nghề viết báo cho trẻ em này, bởi vì qua công việc, dù rất nhiều khó khăn nhưng tôi thấy cuộc đời thật ý nghĩa và luôn luôn trẻ trung, vì luôn được tiếp cận với tuổi thơ”.
Lòng say mê nghề nghiệp đã giúp các nữ phóng viên vượt qua khó khăn, trở ngại, các chị đã tìm được nguồn vui, ý nghĩa cuộc sống trong công việc, trên những trang viết của mình. Điều đó, chính là sự bù đắp lớn nhất cho những nữ phóng viên tâm huyết với nghề.
Tính chất nghề nghiệp và yêu cầu của nghề báo luôn đòi hỏi đội ngũ phóng viên, trong đó có các nữ phóng viên phải có bản lĩnh vững vàng trong công tác và cuộc sống. Chính đòi hỏi này đã tạo nên cá tính mạnh mẽ của nhiều nữ phóng viên. Để hoàn thành công việc, nhiều chị đã không ngần ngại xông vào nơi nguy hiểm, bình tĩnh xử trí trước những hoàn cảnh, tình huống gay cấn, để lấy tin và thu thập tư liệu cho bài viết. Không những vậy, khi gặp đối tượng lầm lạc, các chị còn cảm hoá, giáo dục, giúp họ trở về với cuộc đời lương thiện: “Lần đó,… tôi thực hiện bài phóng sự về nạn nghiện hút ở Hà Nội cùng một đồng nghiệp nam ở báo bạn. Bọn tôi phải lân la ở khu vực xóm Liều (Thanh Nhàn cũ) một thời gian rất dài để thăm dò, nắm tình hình… Tìm cách đột nhập vào không được, bọn tôi đành phải vào vai hai con nghiện…Liên hệ được với một người quen là dân nghiện dẫn vô. Cảnh tượng ổ nghiện lúc đó làm tôi choáng. Những lời chòng ghẹo, những tiếng rên la, ánh mắt đờ đẫn…xô nhau lẫn lộn. Sau vài lời của người giới thiệu, một tên đưa cho tôi gói thuốc trắng rồi chỉ vào cái chiếu, ý là nằm đó mà chích. Anh bạn nháy tôi ngồi xuống, rồi bọn tôi vờ lấy thuốc ra, quan sát hội bên cạnh làm thế nào thì cũng làm theo… Đi vài lần, quen mặt, hỏi chuyện, quen “thân” luôn với mấy chàng nghiện. Sau đó, một anh nghiện nhà ở dốc Bác Cổ còn mời về nhà chơi, tâm sự rất nhiều chuyện. Sau vài lần, tôi cho anh ấy biết mình là phóng viên đi thâm nhập thực tế viết bài. Không những anh ấy không nổi giận mà còn nhiệt tình “biểu diễn” các động tác hút, chích thuốc, miêu tả tận tình để tôi có thể hiểu rõ nhất cách thức “sành điệu” của dân nghiện. Bài viết của tôi đăng trên báo Viet-nam Courier và Hà Nội Mới, gây được ấn tượng vì quá chân thực. Nhưng vui sướng nhất là sau này tôi đã khuyên được anh chàng ấy cai nghiện. Bây giờ anh ấy đang làm nghề sửa chữa xe máy và đá bóng rất cừ”.
Đánh giá nguyên nhân dẫn đến thành công của các phóng viên nữ, một nhà văn, nhà báo đã viết: “So với trước đây, vị trí xã hội của nhà báo nữ được nâng cao lên rất nhiều. Nguyên nhân là do một phần nhận thức xã hội đã đúng đắn hơn về năng lực của các nhà báo nữ. Mặt khác, nhà báo nữ đã thực sự có trách nhiệm trong công việc, có bản lĩnh trong hoạt động nghề nghiệp. Đó là cơ sở để các nhà báo nữ tự khẳng định mình.
Tác động tích cực của nghề nghiệp đến cuộc sống gia đình người nữ phóng viên
Như phần trên đã đề cập, ngoài những đức tính chung của phụ nữ, người nữ phóng viên thường có những tính cách khá đặc trưng như say mê nghề nghiệp, cá tính mạnh mẽ quyết đoán. Chính những đặc điểm này đã tác động tích cực đến cuộc sống gia đình cuả họ.
Phụ nữ làm nghề phóng viên được cọ xát với thực tế, tiếp xúc với nhiều đối tượng trong xã hội, vì thế họ thường là người có bản lĩnh vững vàng và rất năng động trong cuộc sống. Điều này không chỉ giúp họ vượt qua khó khăn trong công tác mà còn giúp họ thu xếp, chèo lái công việc gia đình những lúc khó khăn như nhiều gia đình gặp phải.
Chính những khó khăn của nghề nghiệp lại tác động giúp những người thân của nữ phóng viên hiểu và cảm thông với công việc của họ hơn. Trường hợp nữ phóng viên viết bài bênh vực chị kỹ sư tham gia giám sát công trình chợ Đồng Xuân - Bắc Qua là một ví dụ, khi thấy chị kỹ sư đã được trả lại công bằng và trở lại vị trí công tác nhưng vợ vẫn tích cực viết bài đấu tranh để chị kỹ sư được truy hoàn số lương trong thời gian bị nghỉ việc thì người chồng của nữ phóng viên rất băn khoăn, thắc mắc. Nhưng sau đó, thực tế đã giúp anh hiểu được ý nghĩa của việc nhận hai năm lương đó không phải là tiền, mà đó là bằng chứng chứng minh chị kỹ sư không mắc lỗi.
Một số khó khăn trong cuộc sống gia đình của nữ phóng viên
Hiện chưa có thống kê hay tài liệu phản ánh cụ thể về thực trạng cuộc sống gia đình người nữ phóng viên. Nhưng qua một số nguồn tài liệu đã có, có thể hình dung khái quát về vấn đề này. ý kiến của một số tác giả và đặc biệt ý kiến của một số nhà báo nữ - là những người trong cuộc, phần lớn đều cho rằng công việc làm báo ít nhiều có ảnh hưởng đến cậôc sống gia đình của các nữ phóng viên.
Khó xây dựng gia đình
Có một số ý kiến cho rằng chính vì gánh nặng công việc của nghề báo mà nhiều nữ phóng viên đã không đạt được hạnh phúc riêng tư như ý muốn. Trong bài báo “Nữ phóng viên - có khó lấy chồng?”, tác giả đã nhận xét: “Quả thật, hiện nay trong làng báo có nhiều nữ phóng viên tuổi đã ngoài băm mà vẫn độc thân. Điều này do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan và đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nghề nghiệp”. Tìm hiểu thực tế, điều này có thể lý giải như sau: Khi mới bước vào nghề báo, các nữ phóng viên còn trẻ trung, họ thường say sưa lao vào công việc. Những chuyến đi, những bài viết, những đề tài mới của cuộc sống…luôn cuốn hút họ. và thời gian cứ thế trôi đi, năm này qua năm khác, những cuộc gặp gỡ, những người bạn trai có thể đến, nhưng rồi lại qua đi, tâm trí của nhiều chị chỉ luôn dành cho công việc. Đến khi các chị đã tự khẳng định mình, có chỗ đứng, vị trí trong nghề nghiệp, thì mới chợt nhớ đến việc lập gia đình. Lúc này tuổi đã khá cao, nhan sắc thời con gái cũng đã mai một đi ít nhiều, vì thế các chị khó tìm được người ưng ý. Ngoài ra, do ảnh hưởng tính chất nghề nghiệp, người nữ phóng viên thường có cá tính mạnh mẽ, thông minh, sắc sảo. Với tính cách đó, họ được đàn ông tôn trọng, vì nể, nhưng nhiều người lại ngại lấy làm vợ, vì họ sợ thua kém phụ nữ.
Mặt khác, trong xã hội hiện vẫn có nhiều nam giới còn ảnh hưởng quan niệm cũ, chỉ muốn chọn vợ đảm đang, giỏi việc nhà, toàn tâm phục vụ chồng con chứ không thích chọn người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, sắc sảo và hay đi công tác. Chính vì vậy mà: “Không ít nhà báo nữ muộn chồng, khó lấy chồng và có cuộc hôn nhân đổ vỡ chỉ chung quy lại là do…vợ đi làm báo. H là phóng viên nổi tiếng với những phóng sự có vấn đề ở một tờ báo nổi tiếng trong Sài Gòn tâm sự: “Đàn ông họ không muốn có vợ là nhà báo. Có lẽ, mình đành phải chờ đợi thôi, trách gì họ được, đàn ông cũng có cái lý của họ chứ. Nhiều người khi chia tay với mình đều buồn bã rằng: “Em rất tốt, rất hấp dẫn. Anh yêu em nhưng anh sợ một cuộc sống gia đình có nhiều bất trắc. Nghề báo của em có quá nhiều bất trắc cho hạnh phúc của chúng ta” .
Bên cạnh đó, còn có những quan niệm kỳ thị các nữ phóng viên, đặc biệt là quan niệm của người có tuổi và nam giới. Nhiều người cho rằng nghề làm báo không phải là nghề của phụ nữ, vì phải đi nhiều, vất vả, sẽ khó xây dựng gia đình và nếu có gia đình rồi thì cũng không hạnh phúc. Một nữ phóng viên kể lại: “… một người bác họ xa của tôi, khi biết tôi theo nghề báo đã lắc đầu tỏ vẻ thương cảm mà rằng: “Sao lại làm cái nghề ấy hả cháu? Con gái làm nghề báo vất vả đủ đường, rồi sau này còn khó chăm lo cho gia đình nữa chứ, bác khuyên cháu không nên theo cái nghiệp này!”. Tôi chỉ mỉm cười không đáp bởi đã quá quen với những ánh mắt, những cái chép miệng và những lời phàn nàn của các bác, các cô đại loại như “Con gái không kiếm cái nghề nào nhàn nhàn mà đi làm cái nghề mà đàn ông làm còn mệt ấy!”, hay “Cứ vất vả chạy ngược chạy xuôi suốt ngày đi rồi khó lấy chồng cho xem, mà có gia đình rồi cũng chẳng hạnh phúc đâu mà”.
Ngoài ra, còn có những người chỉ vì lòng ghen tị hoặc hiềm khích cá nhân mà đưa ra những lời đàm tiếu dựng chuyện, tạo dư luận không hay về các nữ phóng viên, gây cho họ nỗi bận tâm, không những ảnh hưởng đến công việc mà còn cản trở đời tư của họ.
Thiếu thời gian chăm sóc gia đình
Là phóng viên, nhất là phóng viên trong giai đoạn hiện nay là rất bận rộn. Để có được bài viết hay, chương trình hấp dẫn, người phóng viên thường phải đi nhiều để lấy tin và tư liệu. Đặc biệt với các nữ phóng viên, khi bận tâm với công việc, họ thường cảm thấy mắc lỗi với gia đình, vì thời gian và sức lực của họ có hạn. Đoạn trích phỏng vấn một nữ phóng viên - biên tập viên của Đài Truyền hình Việt Nam cho thấy rõ điều này:
PV: Chị rất bận bịu, vậy đâu là thời gian chị dành cho gia đình?
TL: Có lẽ đó chính là nhược điểm lớn nhất của tôi. Tôi hầu như không có thời gian dành cho gia đình. Gần đây tôi có đọc một bài phỏng vấn chị Phạm Chi Lan và rất nhớ một câu chị nói “Người phụ nữ nào cũng phải dành thời gian cho gia đình. Công việc mà không phải ai cũng thích làm”, tôi cũng thế. Thỉnh thoảng tôi cũng có dành thời gian để thổi cơm, giặt giũ. Nhưng nói chung tôi cũng bê trễ một chút.
PV: Vậy anh ấy có thông cảm cho chị hay không?
TL: Tôi cho rằng chẳng có người chồng nào thông cảm hết được. Chỉ có điều đã trót lấy rồi thì đành chấp nhận thôi.
Nhấn mạnh về đặc thù thiếu thời gian dành cho gia đình của nghề báo và đặc biệt là của nữ phóng viên, một tác giả viết: “… Đã làm báo không ai nghĩ đến việc chỉ làm trong giờ hành chính mà bất kể đi sớm về khuya, kể cả thứ bảy, chủ nhật, theo yêu cầu công tác. Nếu không đi công tác thì ngoài giờ ở cơ quan, không mấy ai là không làm việc tại nhà vào buổi tối. Chính vì thế mà đối với phụ nữ, nghề báo chứa đựng cả những điều bất ổn thường trực. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là cả một sự cố gắng gấp đôi phóng viên nam. Bởi ngoài sự vất vả của công việc, phóng viên nữ thường có sức yếu hơn nam giới, rồi còn thiên chức làm vợ, làm mẹ luôn đặt nữ nhà báo trước những khó khăn không nhỏ. Điều này hoàn toàn không ngoa ngôn. Một phóng viên nam đi công tác xa là chuyện bình thường, nhưng với phóng viên nữ là cả một vấn đề. Điều quan trọng nhất là con cái: Sáng đi sớm thì làm thế nào để gửi con? Rồi gửi con cho ai chăm sóc? Những người đã có con sẽ hiểu được tâm trạng của những nữ phóng viên - người mẹ trong mỗi lần đi xa… .
Đoạn viết trên cho thấy thời gian đối với các nữ phóng viên thật là quan trọng. Bởi, nghề làm báo thường không có ranh giới giữa làm việc ngoài giờ và làm việc trong giờ, mà cũng chẳng có sự phân định rõ ràng giữa ngày nghỉ cuối tuần và ngày đi làm. Do vậy, các nữ phóng viên thường thiếu thời gian dành cho việc nhà như không lo được chu toàn từng bữa cơm gia đình, thiếu thời gian chăm sóc, dạy dỗ con,… Điều này rất có thể là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều gia đình của nữ phóng viên bất ổn.
Thiếu sự thông cảm của người thân trong gia đình và xã hội
Trên thực tế, nhiều nữ phóng viên gặp khó khăn trong việc “cân bằng” giữa một bên là công tác, một bên là gia đình. Đối với họ công việc nào cũng quan trọng, nên để làm tốt cả hai công việc thì người nữ phóng viên rất vất vả. Để có được thành công trong nghề nghịêp, các nữ phóng viên đã phải nỗ lực rất nhiều. Đoạn trao đổi của phóng viên với một người chồng - là phóng viên, có vợ cùng nghề cho thấy sự vất vả của nữ phóng viên đã có gia đình, đặc biệt là những nữ phóng viên thiếu sự quan tâm giúp đỡ của chồng:
PV: Gia đình có con nhỏ thường rất bận rộn và dễ có xích mích, nhất là với hai người cùng làm báo, cùng bận rộn?
Người chồng: Tôi cũng thấy mọi người nói là nhà có con nhỏ thì bận lắm nhưng nhà tôi thì không thế. Có lẽ là do vợ tôi đảm đang. Tôi thường bận rộn nên hình như cái gì cô ấy cũng lo tất, tôi chẳng phải làm gì cả. Có lẽ do cái số tôi nó sướng thế đấy.
PV: Anh có thường đỡ đần chị nhà công việc gia đình không?
Người chồng: Tôi hình như là người nhờ vợ, cái gì cũng do vợ giúp. Với lại hằng ngày, tôi đi làm về khá mệt nên cũng không muốn làm gì nữa. Thi thoảng lắm tôi mới nấu được bữa cơm. Nhìn chung, tôi là một gã lười.
Trường hợp trên, tuy người chồng không giúp được vợ công việc nhà nhưng anh còn đánh giá đúng công lao của vợ là “đảm đang” và tự nhận là “người nhờ vợ”. Có nhiều trường hợp, người nữ phóng viên không được chồng cảm thông với công việc, thấy vợ luôn phải đi công tác, lại hay đi cùng các đồng nghiệp nam, người chồng đã tìm mọi cách gây khó dễ, cản trở công việc của vợ. Có khi, người chồng còn có hành động ghen tuông vô lý làm ảnh hưởng đến công việc, quan hệ của nữ phóng viên với đồng nghiệp. Trường hợp của nữ phóng viên T là một ví dụ cụ thể: “Còn với T, một phóng viên truyền hình tỉnh, nghề báo làm cho cuộc hôn nhân của họ nhiều lúc đứng bên bờ vực thẳm. Số là trong những cuộc chè chén, ông chồng của T luôn là đối tượng công kích của bạn bè đồng nghiệp vì tội có vợ là nhà báo. Ông chồng của T cấm chỉ vợ tuyệt đối không được đi công tác qua đêm, T chỉ còn nước loanh quanh trong thị xã, bài vở thiếu, hầu như tháng nào cũng bị cơ quan kiểm điểm. Còn tai quái hơn, chồng T cấm không được ngồi sau xe máy bất cứ phóng viên nam nào… Ban biên tập biết ý, chỉ phân công những đồng nghiệp nhỏ tuổi hơn đi làm cùng T, ấy vậy mà “tai nạn” vẫn xảy ra. hôm đó là một ngày nhớ đời đối với phóng viên P mới chân ướt chân ráo vào nghề. Cả P và T cùng đi thực hiện một phóng sự truyền hình ở xa, lúc về nhà đã 10 giờ đêm, trời lại mưa, hai chị em ướt như chuột lột. Mặc dù đã được vợ gọi điện thông báo tỉ mỉ việc đi làm và về muộn, thế nhưng khi chị vừa lò dò tới cửa nhà, ông chồng không nói không rằng lao ra tát cậu P (nhỏ hơn vợ mình đến 10 tuổi) hai tát như trời giáng thay cho việc cám ơn cậu em đồng nghiệp của vợ đã nhiệt tình chở vợ mình về đến tận nhà trong thời tiết mưa gió như vậy. Chuyện loang ra cả cơ quan, cả tỉnh đều biết, sau này chị T buộc phải xin giám đốc cho về làm thư ký biên tập kẻo không cứ đà ấy, cuộc hôn nhân của họ cầm chắc tan vỡ.”
Lại có những gia đình nhà chồng không thông cảm với công việc của các nữ phóng viên, thường nói ra, nói vào, khích bác người chồng về công việc của người vợ. Một nữ phóng viên của Đài phát thanh thành phố Hồ Chí Minh tâm sự: “Là phóng viên phụ trách mảng văn hoá, nhiều hôm chị phải thức khuya xem kịch, phim ở rạp. Nhiều lần như thế, mẹ chồng lại nói gần nói xa: “Đi làm việc sao không đi ban ngày, cứ nhè ban đêm mà đi. Thả vợ đi kiểu đó có ngày…” .
Trường hợp tương tự như trên không chỉ xảy ra một lần mà xảy ra thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày của các nữ phóng viên. Chính vì thế, nữ nhà báo Kim Cúc, Phó tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo nữ đã thay mặt báo giới nữ cả nước gửi những người chồng có vợ là nhà báo những lời như sau: “Các anh hãy ủng hộ phụ nữ. Với nữ nhà báo, hãy nhân sự ủng hộ đó lên gấp hai lần”.
Nghề báo với những tính chất đặc thù đã có những tác động nhất định tới cuộc sống gia đình người nữ phóng viên, đặc biệt là đối với những nữ phóng viên chuyên viết về phóng sự, điều tra chống tiêu cực, hay phải đi công tác dài ngày ở những nơi xa xôi hoặc nguy hiểm, không có thời gian chăm sóc gia đình, thì sự tác động ấy là rất đáng kể. Ngược lại, những khó khăn trong cuộc sống gia đình cũng là một thách thức lớn đối với các nữ phóng viên say mê nghiệp báo. Vì thế, vấn đề đặt ra ở đây là cần phải có sự giải quyết hài hoà giữa công việc xã hội và công việc gia đình, giữa vai trò một nữ phóng viên với một người phụ nữ trong gia đình. Sao cho một người phóng viên thành đạt trong nghề nghiệp, đồng thời cũng có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Để làm được điều này, ngoài những nỗ lực của người nữ phóng viên thì họ còn cần đến sự thông cảm, quan tâm và trợ giúp của gia đình và xã hội.
Thiết nghĩ, các cơ quan báo chí, các câu lạc bộ nhà báo nữ cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng và các gia đình về nghề phóng viên, tạo ra những dư luận lành mạnh đối với nữ phóng viên, để xã hội và gia đình thông cảm, ủng hộ, giúp đỡ động viên và tạo điều kiện cho họ trong công tác cũng như chia sẻ việc nhà./.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 4 (tháng 7+8)/2005
Bài liên quan
- Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
- Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
- Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
- Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- Một số vấn đề đặt ra với chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Một số phương tiện truyền thông mới trên nền tảng web 3.0 hiện nay
Sự phát triển của công nghệ số đã và đang tạo ra nhiều sự đổi mới trong lĩnh vực truyền thông. Các phương tiện truyền thông mới được công chúng đón nhận theo các mức độ khác nhau. Trong đó phải kể đến các mạng xã hội với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khai phá dữ liệu lớn và vạn vật kết nối mạng lại nhiều điều mới mẻ. Do tính chất cộng đồng của mạng xã hội, người sử dụng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thông qua dữ liệu, sự tương tác, quyền sở hữu thông tin và hành vi trong cộng đồng mạng. Bài viết tiến hành nghiên cứu những tính năng, đặc thù của Web 3.0 để từ đó nhận diện đặc trưng của một số phương tiện truyền thông mạng xã hội mới, đã và đang tạo ra trào lưu và xu hướng hiện nay.
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Những biến đổi trong đời sống xã hội cùng với những thành tựu của Cách mạng 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đã tạo ra môi trường thông tin rộng lớn, dễ tiếp cận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tin giả, thông tin sai lệch. Điều này tác động sâu sắc đến công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay. Việc đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là một đòi hỏi tất yếu để góp phần vào xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, duy trì sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Khi phát biểu trước công chúng, người nói không chỉ dùng ngôn từ tác động đến người nghe mà còn dùng giọng nói, trọng âm, tốc độ… để góp phần chuyển tải thông điệp. Những yếu tố ấy chính là cận ngôn ngữ. Bài viết này nhận diện các yếu tố cận ngôn ngữ và vai trò của chúng trong phát biểu trước công chúng.
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Giám sát và phản biện xã hội là chức năng cơ bản của báo chí. Để thể hiện được vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí, người làm báo cần có khả năng phản biện tốt. Trong môi trường thông tin mở, vai trò giám sát và phản biện xã hội càng trở nên quan trọng, đòi hỏi người làm báo nâng cao năng lực hoạt động, trong đó có năng lực phản biện xã hội. Cơ sở và điều kiện của năng lực này là khả năng tư duy phản biện của đội ngũ người làm báo. Bài viết bàn về nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong quá trình đào tạo sinh viên chuyên ngành báo chí ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Những ngày qua, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế lo lắng, cầu mong mọi điều bình an đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Thật buồn, khi tôi đang viết bài này thì phép màu nhiệm đã không đến... Vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim người con ưu tú của nước Việt đã ngừng đập…
Bình luận