Áp dụng hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với tội Tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam
Trên thế giới, các thế lực thù địch đã và đang ra sức lợi dụng, sử dụng các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị làm lực lượng xung kích, tiên phong để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Ở Việt Nam, hoạt động chống phá của thế lực thù địch diễn ra trên mọi lĩnh vực, với nội dung, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nguy hiểm.
Hình phạt thích đáng đối với người thực hiện hành vi chống phá Đảng, Nhà nước thời gian gần đây thông qua một số vụ án điển hình:
Vụ thứ nhất: Ngày 28/10/2021, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Ninh Bình mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Quốc Khánh về tội “Tuyên truyền thông tin nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Trần Quốc Khánh, sinh năm 1960, quê quán ở xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; đăng ký thường trú tại P.307, nhà Z8, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Trình độ học vấn 10/10. Trong thời gian từ 19/9/2019 đến 04/01/2021, Trần Quốc Khánh đã sử dụng tài khoản Facebook “Trần Quốc Khánh” và trang Fanpage “Tiếng Nói Công Dân” của mình, mục đích của đối tượng là phát trực tiếp 22 video có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc, bịa đặt, quy chụp chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập, chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Hành vi của bị cáo Trần Quốc Khánh đã bị Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Ninh Bình truy tố về tội “Tuyên truyền thông tin nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117, BLHS. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Trần Quốc Khánh đã phải cúi đầu nhận tội và xin được giảm nhẹ hình phạt. Căn cứ vào các quy định của BLHS, TAND tỉnh Ninh Bình tuyên phạt bị cáo Trần Quốc Khánh 06 năm 06 tháng tù; ngoài ra, bị cáo phải chịu quản chế 02 năm tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù(1).
Vụ thứ hai: Cấn Thị Thêu và con trai là Trịnh Bá Tư - hai đối tượng mang tư tưởng tiêu cực, bất mãn chính trị. Kết quả điều tra cho thấy, trong thời gian từ ngày 09-14/01/2020, Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân thực hiện mục đích phát trực tiếp 08 video có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam... Khám xét nơi ở của 02 đối tượng này, lực lượng chức năng thu giữ được một số đồ vật, tài liệu có nội dung liên quan đến hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước như: “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bạo lực”, “Đặt bàn tay lên Việt Nam”, “Chính trị bình dân”... Với các hành vi tuyên truyền, chống phá lại Nhà nước đó, tháng 5/2021, TAND tỉnh Hòa Bình đã xét xử và tuyên phạt Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư mỗi bị cáo 08 năm tù giam cùng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 117, BLHS, 03 năm quản chế tại địa phương sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Đồng thời, đối tượng Trịnh Bá Phương (con trai của Cấn Thị Thêu) cũng bị Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam để điều tra về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 117, BLHS. Với các hành vi soạn thảo, đăng tải, phát tán nhiều video clip, bài viết có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân nhằm mục đích chống Nhà nước, ngày 15/12/2021 tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử TAND thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Trịnh Bá Phương mức án 10 năm tù(2).
Vụ thứ 3: Ngày 16/12/2021, Đỗ Nam Trung (sinh năm 1981, trú tại Đội 1, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) bị TAND tỉnh Nam Định tuyên phạt mức án 10 năm tù giam và áp dụng hình phạt bổ sung 04 năm quản chế sau khi mãn hạn tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 117, BLHS. Đỗ Nam Trung đã có 02 tiền án. Cụ thể, năm 2015, bị TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt 14 tháng tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331, BLHS. Tuy nhiên, Trung không lấy đây làm bài học kinh nghiệm, ngựa quen đường cũ, từ năm 2016, Đỗ Nam Trung đã có hành vi đăng tải 6 video có với mục đích xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, phỉ báng chính quyền nhân dân, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân, chống lại Đảng, Nhà nước. Hành vi của Đỗ Nam Trung đã đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc, chạy theo những lời kêu gọi, cổ xúy của các tổ chức phản động, thế lực thù địch nhằm tạo ra sự bất ổn về chính trị tại Việt Nam, gây chia rẽ mối đoàn kết dân tộc, làm giảm lòng tin của Nhân dân với chính quyền.
Vụ thứ tư: Ngày 17/12/2021, Vũ Tiến Chi (sinh năm 1966; nơi cư trú 107/5 Nguyễn Công Trứ, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) bị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm và tuyên phạt 10 năm tù giam và 03 năm quản chế về tội “Làm, tàng trữ, phát tán và tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117, BLHS. Từ đầu năm 2018, Vũ Tiến Chi sử dụng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ 338 bài viết, 181 video phát trực tiếp với nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; nói xấu chế độ XHCN phủ nhận thành tựu cách mạng; đả kích các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội... nhằm tác động, gây mâu thuẫn, mất lòng tin của Nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Không chỉ vậy, Chi bắt tay với Nguyễn Thị Cẩm Thuý (sinh năm 1976, trú tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà) ảo vọng về một “giấc mơ” thành lập “Quốc hội tự xưng”, mục đích là nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN ở Việt Nam. Cũng về tội danh trên, ngày 30/3/2021, Nguyễn Thị Cẩm Thuý đã bị TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt 09 năm tù giam.
Vụ thứ năm: Ngày 21/01/2022, Nguyễn Bảo Tiên (sinh năm 1986; nơi cư trú phường 4, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) bị TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt 05 năm 06 tháng tù giam về tội “Tàng trữ, phát tán, tuyên truyền tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 117, BLHS và 01 năm tù về tội “Chiếm đoạt, tàng trữ trái phép vật liệu nổ” quy định tại Điều 305 BLHS. Tổng hình phạt cho hai tội là 06 năm 06 tháng tù giam. Bản án thyể hiện: từ tháng 8/2019 đến tháng 10/2019, Nguyễn Bảo Tiên đã 05 lần, nhận 06 kiện hàng là các cuốn sách: “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bạo lực” và “Chính đề Việt Nam” của “Nhà xuất bản tự do” với mục đích xuyên tạc, tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đối tượng này đã 04 lần gửi 46 bưu phẩm, trong đó đã gửi thành công 24 bưu phẩm đến các địa chỉ khác nhau. Khám xét chỗ ở của Nguyễn Bảo Tiên, phát hiện 22 bưu phẩm với 38 cuốn sách được cất giấu. Ngày 20/4/2021, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Yên phát hiện Nguyễn Bảo Tiên cất giấu 01 quả lựu đạn còn kíp nổ(3).
Vụ thứ sáu: Ngày 5/5/2022, TAND tỉnh Tiền Giang đã đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Hoàng Huấn (34 tuổi, ngụ phường 1, thành phố Mỹ Tho) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Khoản 1 Điều 117 BLHS. Theo cáo trạng, từ tháng 9/2020 đến tháng 4/2021, Huấn thường xuyên truy cập vào các trang mạng chứa nội dung xấu, phản động và nhiều báo, đài nước ngoài với mục đích thù địch, chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đối tượng đã đăng 186 bài viết, dòng trạng thái trên trang Facebook cá nhân “Huan Tran”, trong đó có 60 bài viết, dòng trạng thái xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, 21 bài viết, dòng trạng thái bịa đặt, gây hoang mang trong dân chúng, 33 bài viết, dòng trạng thái còn lại là đả kích, bôi nhọ chế độ, phủ nhận thành quả cách mạng Việt Nam và xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Huấn 08 năm tù về hành vi trên và 03 năm quản chế bắt buộc(4).
Vụ thứ bảy: Ngày 26/12/2022, TAND tỉnh An Giang tuyên phạt bị cáo Nguyễn Như Phương (31 tuổi, trú xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) 05 năm tù về tội “Làm, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117, BLHS. Theo cáo trạng, ngày 04/10/2021, sau khi kiểm tra và rà soát trên mạng xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang phát hiện ba tài khoản Facebook mang tên “Nguyễn Phương (Phương Hàng Nhật)”, “Hoàng Dũng”, và “Phạm Minh Vũ” đã đăng tải nhiều thông tin, tài liệu, hình ảnh và file âm thanh thu hút sự quan tâm, thích và bình luận của nhiều người, với mục đích xuyên tạc chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước; kích động chống phá Đảng và Nhà nước; xúc phạm danh dự và nhân phẩm của các cá nhân và tổ chức; kích động gây mâu thuẫn và chia rẽ đoàn kết nội bộ, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, cũng như công tác phòng chống dịch của cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng(5).
Thông qua các vụ án điển hình trên, ta thấy các đối tượng thực hiện hành vi tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến tư tưởng chính trị, an ninh, trật tự xã hội sẽ phải chịu hình phạt thích đáng theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Quy định về hình phạt đối với người thực hiện hành vi chống phá Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong Bộ luật Hình sự như sau:
Tội phản bội Tổ quốc: Hành vi phản bội Tổ quốc được hiểu là sự cấu kết với nước ngoài để gây tổn hại đến độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, lực lượng bảo vệ Tổ quốc và tiềm lực quốc phòng, an ninh sẽ bị áp dụng khung hình phạt được quy định tại Khoản 1, Điều 108, Bộ luật Hình sự 2015 (gọi và viết tắt là BLHS) với mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Trong trườn hơp, phạm tội có tình tiết giảm nhẹ, thì mức hình phạt được quy định từ 07 năm đến 15 năm tù giam(6). Người nào chuẩn bị phạm tội đối với tội danh này cũng sẽ đối diện với mức hình phạt theo quy định từ 01 năm đến 05 năm tù giam(7).
Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân: Theo quy định tài Điều 109, BLHS, bất kỳ cá nhân nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Xuất phát từ việc cá thể hóa hình phạt đối với nhữn người hoạt động, tham gia tổ chức và hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; BLHS chỉ rõ: (i) Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; (ii) Các đồng phạm khác sẽ bị án tù từ 05 năm đến 12 năm; (iii) Những người chuẩn bị thực hiện hành vi này sẽ phải chịu án tù từ 01 năm đến 05 năm(8).
Tội gián điệp: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây: (i) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; (ii) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại; (iii) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa XHCN Việt Nam sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình(9). Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm; hoặc mới chỉ chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm(10). Trong trường hợp, cá nhân đã nhận nhiệm vụ làm gián điệp, tuy nhiên, không thực hiện nhiệm vụ được tổ chức gián điệp giao cho, đồng thời đã tự thú, thái độ thành khẩn trong việc khai báo với các chủ thể có thẩm quyền, thì có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự liên quan đến hành vi này(11).
Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ: Những ai xâm nhập vào lãnh thổ của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện hành vi làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc gây hại cho an ninh lãnh thổ, sẽ phải chịu mức phạt theo quy định tại Điều 111, BLHS như sau: Phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng; Phạt tù từ 05 năm đến 15 năm đối với đồng phạm; Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với những người chuẩn bị phạm tội này.
Tội bạo loạn: Các hành vi sử dụng vũ trang hoặc bạo lực có tổ chức nhằm mục đích chống đối chính quyền nhân dân sẽ bị xử lý một cách nghiêm khắc theo quy định tại Điều 112, BLHS. Theo đó, phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với những người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng; Phạt tù từ 05 năm đến 15 năm đối với người đồng phạm khác và người chuẩn bị phạm tội sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm(12).
Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân: Các hình vi và mức hình phạt quy định ở tội danh này đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 21 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, và được quy định như sau: Người phạm tội nhằm chống chính quyền nhân dân và làm tổn thương tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Trường hợp phạm tội sau đây, sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: (i) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố hoặc cung cấp tài chính cho những tổ chức này; (ii) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố; (iii) Xâm phạm tự do thể chất, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác. Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm đối với người phạm tội đe dọa tính mạng hoặc có hành vi uy hiếp tinh thần; Đối với người thực hiện hành vi khủng bố nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của Nhà nước Việt Nam sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều luật này; Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người chuẩn bị phạm tội này(13).
Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Các hành vi phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nhà nước Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội đều bị coi là tội phạm nghiêm trọng được quy định tại Điều 114, BLHS. Theo đó, bất kỳ cá nhân nào phạm tội này sẽ bị xử phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; Trường hợp ít nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm và người chuẩn bị phạm tội sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội: Điều 115, BLHS quy định các hành vi phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế - xã hội được thực hiện bởi cá nhân nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân sẽ bị xử phạt như sau: phạt tù từ 07 năm đến 15 năm nếu hành vi nghiêm trọng, phạt tù từ 03 năm đến 07 năm nếu hành vi ít nghiêm trọng; đối với người chuẩn bị phạm tội sẽ bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Tội phá hoại chính sách đoàn kết: Những hành vi sau đây nhằm chống lại chính quyền nhân dân theo Điều 116, BLHS sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: (i) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa người dân với chính quyền các cấp, với lực lượng vũ trang nhân dân, và với các tổ chức chính trị - xã hội; (ii) Gây thù hằn, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; (iii) Chia rẽ tôn giáo; (iv) Phá hoại chính sách đoàn kết quốc tế. Những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm; nếu chuẩn bị phạm tội này thì sẽ bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Điều 117, BLHS quy định áp dụng hình phạt tù từ 05 năm đến 12 năm đối với người thực hiện một trong những hành vi sau nhằm chống lại nhà nước Việt Nam: (i) Làm, tàng trữ, phân phối hoặc lan truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; (ii) Làm, tàng trữ, phân phối hoặc lan truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận; (iii) Làm, tàng trữ, phân phối hoặc lan truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý. Trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng sẽ áp dụng phạt từ 10 năm đến 20 năm tù và phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người chuẩn bị phạm tội này.
Tội phá rối an ninh: Theo quy định tại Điều 118, BLHS, người nào kích động, lôi kéo và tụ tập đông người nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân, gây rối trật tự an ninh, chống đối người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của các cơ quan, tổ chức sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm. Những người đồng phạm khác sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm và phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người chuẩn bị phạm tội này.
Tội chống phá cơ sở giam giữ: Mục đích của hành vi chống phá cơ sở giam giữ được quy định tại Điều 119, BLHS làm nhằm chống chính quyền nhân dân. Những hành vi phá cơ sở giam giữ, tổ chức trốn khỏi cơ sở giam giữ, đánh tháo người bị giam giữ hoặc người bị áp giải nhằm chống chính quyền sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng và phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người có hành vi chuẩn bị phạm tội này.
Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân: Người nào thực hiện hành vi tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn ra nước ngoài, trốn ở lại nước ngoài với mục đích chốn chính quyền nhân dân sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm; trong trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; đối với người chuẩn bị phạm tội này sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm(14).
Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân: Mọi người có quyền ra nước ngoài và trở về nước mình sinh sống. Tuy nhiên, hành vi trốn đi nước ngoài và trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm. Đối với trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm; trong trường hợp chuẩn bị phạm tội này sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm(15).
Trên đây là hình phạt chính quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam áp dụng đối với các hành vi tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Ngoài các hình phạt được quy định cụ thể đối với các tội danh nêu trên, BLHS còn quy định hình phạt bổ sung (là hình phạt có thể được tuyên kèm với hình phạt chính nêu trên) áp dụng đối với các hành vi tuyên truyền, chống phá Đảng và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, như: Tước một số quyền công dân; Phạt quản chế; Cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm; Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trên đây chỉ là một trong số các vụ án điển hình được xét xử trong 02 năm vừa qua. Thông qua việc tuyên hình phạt của Hội đồng xét xử với các đối tượng cụ thể được nêu trên, là hình phạt thích đáng và là lời cảnh tỉnh cho những ai đã, đang hoặc sẽ thực hiện hành vi tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị, làm rối loạn tư tưởng xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, vị thế và sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đến mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.
__________________________________________________________
https://baoninhbinh.org.vn/hinh-phat-thich-dang-cho-hanh-vi-tuyen-truyen-thong-tin/d20211028154112675.htm
(2) Quang Đạo (2022), “Cảnh giác với chiêu trò nguy hiểm”, https://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/canh-giac-voi-chieu-tro-nguy-hiem-605006.html
(3) Trang thông tin điện tử công an tỉnh Đắk Lắk (2022), “Liên tiếp các đối tượng chống đối chính trị bị xử lý theo quy định của pháp luật”, https://congan.daklak.gov.vn/-/lien-tiep-cac-oi-tuong-chong-oi-chinh-tri-bi-xu-ly-theo-quy-inh-cua-phap-luat
(4) Hoài Thương - Mỹ Bình (2022), “Lãnh 8 năm tù vì tuyên truyền chống phá Nhà nước”, https://tuoitre.vn/lanh-8-nam-tu-vi-tuyen-truyen-chong-pha-nha-nuoc-20220505115938112.htm
(5) Tiến Tầm – Bửu Đấu (2022), “Lãnh án 5 năm tù vì dùng Facebook tuyên truyền chống phá Nhà nước”, https://tuoitre.vn/lanh-an-5-nam-tu-vi-dung-facebook-tuyen-truyen-chong-pha-nha-nuoc-20221226184651985.htm
(6) Khoản 2, Điều 108, Bộ luật Hình sự 2015.
(7) Khoản 3, Điều 108, Bộ luật Hình sự 2015.
(8) Điều 109, Bộ luật Hình sự 2015.
(9) Khoản 1, Điều 110, Bộ luật Hình sự 2015.
(10) Khoản 2 và 3, Điều 110, Bộ luật Hình sự 2015.
(11) Xem Khoản 4, Điều 110, Bộ luật Hình sự 2015.
(12) Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 20 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
(13) Điều 113, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
(14) Điều 120, Bộ luật Hình sự 2015.
(15) Điều 121, Bộ luật Hình sự 2015.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
- Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
- Nhận diện và xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố chủ quan và khách quan mang lại. Lan toả các giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vấn đề của hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay là làm sao thu hút được sự quan tâm của đại bộ phận nhân dân, để nhân dân tin tưởng và làm theo Đảng thông qua những nội dung gần gũi, sinh động, hấp dẫn và hiện đại. Hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt truyền thông xã hội và hiện tượng truyền thông hoá.
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả là một biến thể nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với những yêu cầu về phẩm chất đích thực và đạo đức cách mạng. Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả là loại bỏ những thói hư tật xấu đang ngấm ngầm làm tha hóa cán bộ, đảng viên. Chống uy tín giả cũng là chống chủ nghĩa cá nhân, củng cố uy tín đích thực của người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả nảy sinh, xâm nhập, lây lan trong đời sống chính trị, xã hội do nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố chủ quan của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên là nguyên nhân trực tiếp, phổ biến.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nghiêm trọng hơn, nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại. Suy rộng ra, uy tín giả hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta nếu không được nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn.
Bình luận