Bài học từ Luật Hồi tỵ trong công tác cán bộ của Đảng hiện nay
Chế độ Hồi tỵ đã từng xuất hiện từ lâu đời ở Trung Quốc. Theo nghĩa tiếng Hán thì “Hồi tỵ” nguyên nghĩa là “né đi” “tránh đi” hoặc “lánh đi”, đó là một quan niệm để chỉ chế độ làm việc của quan lại Nhà nước phong kiến. Theo đó, những người có quan hệ gia đình như cha con, anh em, thầy trò, bạn bè, dòng họ, đồng hương v.v.. thì không được cùng làm quan hay làm việc một chỗ hoặc quan lại không được làm việc tại bản quán, quê bố, mẹ, quê vợ. Nếu ai gặp một trong những trường hợp trên đây thì phải tâu báo lên để chuyển đổi, điều chuyển đi địa phương khác.
Ở nước ta, từ thời nhà nước phong kiến triều Lý (1009 - 1225) đã đề ra những quy định khắt khe để ngăn ngừa và trừng trị hành vi tham ô, tham nhũng, ăn trộm công quỹ của giới quan lại. Triều Lý cũng là nhà nước quân chủ đầu tiên ở nước ta ban hành bộ luật thành văn với tên gọi Hình Thư (năm 1042, dưới thời vua Lý Thái Tông). Bộ Luật này hiện không lưu giữ được, tuy nhiên, qua những chiếu chỉ còn lưu lại cho thấy, cùng với các tội “thập ác- 10 tội nguy hiểm nhất”, thì tội tham nhũng được luật pháp đặc biệt quan tâm và có những chế tài nghiêm khắc như: “Những người thu quá số thuế quy định sẽ bị ghép vào tội ăn trộm. Người dân tố cáo việc đó được miễn dịch 3 năm. Người ở kinh thành mà cáo giác nạn nhũng nhiễu, tham ô thì được nhận thưởng bằng hiện vật thu được”.
Người đầu tiên áp dụng chế độ Hồi tỵ trong xây dựng bộ máy nhà nước có lẽ là Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) là vị vua đầu tiên của nước ta “luật hóa” Hồi tỵ thành Luật Hồi tỵ. Luật Hồi tỵ quy định không cho phép quan chức mua ruộng đất tại nơi mình cai quản, không cho phép quan lại được tham gia vào một số khâu quan trọng của các kỳ thi tuyển người cho triều đình. Các quy định như vậy nhằm loại bỏ hiện tượng những người thân thuộc gần gũi với nhau kéo bè kết phái bao che, hỗ trợ lẫn nhau, là môi trường lý tưởng của các tệ nạn xã hội như tham ô, tham nhũng. Năm Bính Ngọ niên hiệu Hồng Đức (1486), Vua ra chỉ dụ cấm quan lại được lấy vợ là đàn bà, con gái tại nơi làm quan, nhằm “ngăn chặn từ xa” tình trạng các bà vợ “chỉ huy” các ông quan chồng thao túng quyền hành ở địa phương đó.
Khái quát về nội dung cơ bản của chính sách Hồi tỵ giai đoạn này là: (1) “Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc”. (2) Không được bổ nhiệm một viên quan về cai trị huyện hoặc tỉnh mà ông ta xuất thân từ đó. (3) Không được bổ nhiệm một viên quan tới nơi ông ta có người họ hàng tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo. (4) Trong thời gian trị nhậm tại một tỉnh hoặc một huyện, một viên quan không được cưới vợ, lấy thiếp là người của địa hạt đó. (5) Một viên quan không được phép tại vị quá lâu ở cùng một địa phương hoặc cùng một viện, bộ chức năng.
Đến thời vua Minh Mạng (1820 - 1841) Luật Hồi tỵ được ban hành năm 1831, và được sửa đổi bổ sung vào năm 1836. Một số nội dung tập trung vào các vấn đề như: Quan lại ở các bộ, trong Kinh và ở các tỉnh, huyện hễ có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi chỗ khác. Đối với Viện Thái y là viện chuyên giữ việc thuốc men, chữa bệnh cần phải cha truyền con nối thì không phải áp dụng Luật Hồi tỵ. Những quan lại, ai quê ở phủ, huyện nào thì cũng không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy. Quan lại ở các nha thuộc phủ, huyện ai là người cùng làng thì phải chuyển đi nha môn khác làm việc. Quan lại không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ. Người có quan hệ thông gia với nhau, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ. Khi thanh tra, thụ lý án, nếu trong đó có tình tiết liên quan đến người thân thì phải bẩm báo để triều đình cử người khác thay thế. Quan lại không được coi thi, chấm thi ở nơi nào có những người ruột thịt, thân quen ứng thi. Nếu có thì phải tâu trình thay người khác. Nghiêm cấm các quan đầu tỉnh không được đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với đàn bà, con gái nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng... trong địa hạt cai quản của mình.
Sau này, vua Thiệu Trị (1807 - 1847) còn quy định bổ sung thêm như: Cấm quan đầu tỉnh lấy vợ trong trị hạt; cấm các quan tậu ruộng vườn, nhà cửa trong trị hạt; cấm tư giao với đàn bà, con gái trong trị hạt; cấm các quan lại đã về hưu quay lại cửa công để cầu cạnh.
Có thể nói, Luật Hồi tỵ là một trong những tinh hoa về chế độ bổ dụng quan lại của ông cha ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, có thể vận dụng phát huy được hiệu quả tích cực trong quá trình cải cách tổ chức bộ máy nhà nước và có thể phát huy hiệu quả hơn nếu được kế thừa, nghiên cứu, xem xét và vận dụng linh hoạt đề ra những quy định phù hợp với tình hình thực tế đất nước.
Cách đây hơn 70 năm, trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ viết ngày 01 tháng 3 năm 1947 ngay từ những ngày đầu kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn phê bình, kiểm thảo “những đồng chí còn giữ thói một người làm quan cả họ được nhờ, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc, Đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”; “Công việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhấn mạnh: “Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của nhiệm vụ then chốt”.
Trong những năm qua, Đảng đã kế thừa được những tư tưởng, chính sách của cha ông ta về Hồi tỵ, khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ về cán bộ mà chúng ta có thể thấy một số quy tắc Hồi tỵ đã được quy định trong công tác tuyển dụng, sắp xếp, bố trí bổ nhiệm, luân chuyển, điều chuyển cán bộ. Nhưng những quy định này vẫn còn thiếu tính hệ thống và chưa thực sự trở thành một tư tưởng, một chính sách lớn mang tính toàn diện trong thực tiễn. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các quy định hiện hành cũng còn chưa thực sự mạnh dạn và quyết liệt, hiệu quả đạt được chưa như mong muốn.
Nhìn tổng thể, có thể thấy những thành tựu và kinh nghiệm nổi bật về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng là: Chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ từng bước được bổ sung, hoàn thiện và ngày càng cụ thể, chặt chẽ, sát thực tiễn hơn; quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ được bổ sung, phát triển ngày càng cụ thể, toàn diện, đồng bộ hơn; đội ngũ cán bộ các cấp đã trưởng thành, phát triển về nhiều mặt - nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước; công tác cán bộ có nhiều đổi mới, ngày càng dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, còn tồn tại những hạn chế, bất cập với những nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan như: Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên còn chưa đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ cũng như về mối quan hệ giữa xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa gắn đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành của hệ thống chính trị với đổi mới quản lý kinh tế; còn tình trạng thiếu trách nhiệm, chưa gương mẫu, mất dân chủ, nể nang, né tránh, ngại va chạm, dùng tập thể để hợp lý hóa ý đồ cá nhân; một số khâu trong công tác cán bộ chậm được đổi mới, chưa phù hợp, chưa phát huy tốt tiềm năng của cán bộ; công tác quản lý cán bộ có nơi, có lúc bị buông lỏng; phân công, phân cấp, phân quyền chưa gắn với ràng buộc trách nhiệm, với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; chưa phát huy hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; còn coi nhẹ công tác sơ kết, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận về công tác cán bộ và xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ của Đảng.
Để phát huy thành tựu, khắc phục hạn chế về công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần nhận thức đầy đủ, vận dụng linh hoạt Luật Hồi tỵ trong công tác cán bộ và thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất: Vận dụng linh hoạt Luật Hồi tỵ và quán triệt quan điểm của Đảng, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ của Đảng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
Cần phải thấy được những ưu điểm và hạn chế của Luật Hồi tỵ mà các thế hệ cha ông chúng ta đã sử dụng để vận dụng vào việc bố trí lãnh đạo không phải là người địa phương. Vấn đề này đã được Đảng vận dụng nhiều trong thực tiễn thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng như: Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25.01.2002, của Bộ Chính trị khóa IX, về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý, áp dụng trong khuôn khổ chính sách luân chuyển cán bộ, rồi tiếp tục được khẳng định trong một số văn bản khác như: Kết luận số 24- KL/TW, ngày 15.12.2017 của Bộ Chính trị về nguyên tắc điều động, phân công, bố trí công tác đối với cán bộ diện Trung ương quản lý, tiếp đó là Nghị̣ quyết số 26-NQ/TW (Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 khóa XII), ngày 19.5.2018 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó chỉ rõ “Hai trọng tâm” và “Năm đột phá”. “Đột phá thứ ba” là thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương ở những nơi đủ điều kiện. Nghị quyết này đặt mục tiêu, lộ trình từ năm 2020 đẩy mạnh bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và đến năm 2025 cơ bản hoàn thành ở cấp tỉnh, hoàn thành ở cấp huyện, đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, trước hết là chức danh chủ tịch ủy ban nhân dân.
Tiếp đó Trung ương đã ban hành các văn bản như: Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 04.8.2017 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (nay là Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 02.01.2020); Quy định số 105- QĐ/TW, ngày 19.12.2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25.02.2019 của Bộ Chính trị về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; gần đây là Quy định 205-QĐi/TW ngày 23.9.2019 của Bộ Chính trị quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền và thực hiện tốt Chỉ thị số 35- CT/TW, ngày 30.5.2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là chỉ đạo quan trọng về công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy tại Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30.5.2019. Theo đó, cơ cấu cấp ủy được quy định là: (1) Căn cứ Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương theo lộ trình, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Cấp ủy cấp tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch để đến năm 2025 cơ bản hoàn thành ở cấp huyện; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác. (2) Cơ bản bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đối với những địa bàn, lĩnh vực quan trọng; Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; Thực hiện chủ trương không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy; Đồng thời, thống nhất quy định một số chức danh cụ thể có cơ cấu ban thường vụ, số cơ cấu còn lại do cấp ủy quyết định theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và khả năng đáp ứng của cán bộ. (3) Cấp ủy các cấp đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên mỗi nhiệm kỳ và thực hiện cơ cấu ba độ tuổi trong cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và phấn đấu ba độ tuổi trong ban thường trực cấp ủy.
Qua số liệu tổng hợp kết quả bầu nhân sự đại hội các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 cho thấy, đảng bộ cấp trên cơ sở có tổng số Bí thư cấp uỷ bầu được là 1.141 đồng chí, trong đó có 456 bí thư không phải người địa phương (chiếm 40%). Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã có 31 Bí thư tỉnh, thành ủy nhiệm kỳ mới không phải là người địa phương (55,3%), trong đó 4 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng và TP Cần Thơ đều có Bí thư là cán bộ được luân chuyển từ Trung ương. Trong số 9 nữ bí thư tỉnh ủy, có 4 nhân sự không phải người địa phương, gồm Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Hà Nam, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh. Việc thực hiện bố trí bí thư cấp ủy tỉnh, cấp ủy huyện không phải là người địa phương sẽ tạo nhiều thuận lợi cho cán bộ trưởng thành và bảo đảm đồng bộ với hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực.
Thứ hai: Tăng cường việc lồng ghép các quy tắc Hồi tỵ trong các văn bản luật để nâng cao hiệu quả của hoạt động phòng, chống tham nhũng, chống lại nguy cơ cục bộ địa phương, cục bộ ngành, Bộ.
Thực tế, gia đình trị, chủ nghĩa thân hữu, sự thiên vị là một vấn đề không phải của riêng một quốc gia nào, mà là một vấn đề phổ biến và đã được quan tâm, nghiên cứu rộng rãi trên thế giới. Khảo cứu pháp luật nước ta cho thấy, những quy tắc mang tính Hồi tỵ đã được đặt ra từ lâu, chẳng hạn như Điều 52, Điều 53 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng khi Thẩm phán đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự; Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân cùng trong một Hội đồng xét xử là người thân thích với nhau; trong trường hợp này, chỉ có một người được tiến hành tố tụng. Luật Phòng, chống tham nhũng có quy định đối tượng và phạm vi áp dụng những quy định của Luật Hồi tỵ. Khoản 3, Điều 37, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012) quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó” v.v..
Các quy định thay đổi người tiến hành tố tụng vì lý do có mối quan hệ thân thiết (mà luật đã quy định) với người tham gia tố tụng hoặc kể cả với người tiến hành tố tụng (như việc Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân không được quen biết hoặc “căn cứ cho rằng” người tiến hành tố tụng đó “không vô tư khách quan”; các quy tắc cấm người có chức vụ, quyền hạn không được bố trí người nhà vào những vị trí quan trọng, không được thành lập, tham gia điều hành doanh nghiệp hoặc góp vốn cho doanh nghiệp khi có người thân thích nắm vai trò chủ chốt trong doanh nghiệp hay trong lĩnh vực mình đang quản lý. Những quy định đó cho thấy, pháp luật đã có sự “lồng ghép” vấn đề Hồi tỵ. Trong tương lai, việc lồng ghép này cần tiếp tục được vận dụng để nâng cao hiệu quả của hoạt động phòng, chống tham nhũng, chống lại nguy cơ cục bộ địa phương, cục bộ ở các bộ, ban, ngành.
Thứ ba: Cần tiếp tục nghiên cứu áp dụng các quy tắc Hồi tỵ ở phạm vi rộng hơn trong các nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy các cấp.
Hiện nay, chúng ta đang áp dụng các loại hình công cụ pháp lý trong phòng, chống tham nhũng, nhưng hiện tượng “gia đình trị” vẫn còn xảy ra ở các cơ quan nhà nước cấp địa phương đến cấp tỉnh, thành phố. Đây là một yếu tố khiến niềm tin của người dân vào chính quyền suy giảm. Nghi vấn của người dân không phải là không có căn cứ, và những biện pháp ngăn chặn cho các tình huống như vậy cần phải được hiện thực. Xuất phát từ thực tế này cho thấy, việc tiếp tục nghiên cứu áp dụng các quy tắc Hồi tỵ ở phạm vi rộng hơn hiện nay là cần thiết.
Để làm tốt công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển gắn với bố trí cán bộ, các cấp ủy cần rà soát đội ngũ cán bộ, nắm chắc lý lịch cán bộ, đánh giá, lựa chọn những người có năng lực, phẩm chất tốt, đưa vào kế hoạch điều động, luân chuyển, tăng cường, biệt phái gắn với bố trí cán bộ không phải là người địa phương. Đồng thời, cần hiểu rõ nhu cầu cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị để bố trí cho phù hợp với từng chức danh, lĩnh vực và nhiệm vụ chính trị cụ thể.
Việc chọn đúng thời điểm thích hợp để bố trí cán bộ không phải là người địa phương có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là thời điểm mà điều kiện cho việc bố trí đã được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo. Thời gian bố trí cần căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể, thường từ 3 đến 5 năm, đủ để cán bộ phát huy năng lực, sở trường, khả năng thích ứng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh được bố trí.
Thứ tư: Tăng cường những biện pháp ngăn chặn mối quan hệ giữa nhiều cá nhân có quan hệ thân thiết gia đình, dòng họ, đồng hương trong nhiều cơ quan ở một địa phương.
Trong nhiều văn bản quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước thể hiện các quy định mang tính Hồi tỵ đã góp phần đáng kể vào việc ngăn chặn tham nhũng xảy ra trong nội bộ một tổ chức, cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, một vấn đề khác là mối quan hệ giữa nhiều cá nhân có quan hệ thân thiết trong nhiều cơ quan ở một số địa phương dường như lại chưa được tính toán một cách toàn diện, nên sự hiện diện của những người có quan hệ thân thiết với nhau trong các vị trí lãnh đạo ở nhiều cơ quan của bộ máy chính quyền sẽ dẫn đến nguy cơ tham nhũng, hoặc ở mức độ thấp nhất là nguy cơ bộ máy hoạt động kém hiệu quả. Bởi lẽ, một tính chất nền tảng của bộ máy hành chính là cấp dưới phụ thuộc vào người lãnh đạo cơ quan cấp trên. Do đó, cần ngăn chặn mối quan hệ giữa nhiều cá nhân có quan hệ thân thiết gia đình, dòng họ, đồng hương trong cơ quan ở một địa phương, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay sẽ rất khó kiểm soát các mối quan hệ tạo ra các lợi ích nhóm. Một trong các biện pháp đó là kiểm soát quyền lực kết hợp với công tác cán bộ và quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ của Đảng. Kiểm soát quyền lực để ngăn chặn sự lộng quyền, lạm quyền và có sự yểm trợ tích cực của cơ quan có thẩm quyền bố trí cán bộ để chọn người có thực đức, thực tài đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu các cấp ủy. Bên cạnh đó là gắn liền quyền hạn với trách nhiệm, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Trong công tác phòng chống tham nhũng thì công khai và minh bạch là “giải pháp của mọi giải pháp”, chẳng hạn như áp dụng hình thức thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức chặt chẽ, công khai minh bạch thì chắc chắn giảm tiêu cực, giảm chạy chức, chạy quyền.
Trong công tác xây dựng Đảng nói chung, trong công tác cán bộ nói riêng, nhân dân có vai trò đặc biệt quan trọng, nên cần thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát công tác cán bộ. Nếu có cơ chế để nhân dân giám sát quyền lực một cách thực chất, giám sát cán bộ từ thấp đến cao thì chắc chắn tham nhũng, tiêu cực sẽ được phát hiện và xử lý sớm, tránh được những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng như đã xảy ra.
Thứ năm: Coi trọng việc sơ kết, tổng kết, khen thưởng và kỷ luật để tiếp tục thực hiện tốt chủ trương bố trí cán bộ không là người địa phương.
Rất cần có sự đánh giá tổng hợp để nâng cao chất lượng bố trí cán bộ không là người địa phương về: Chất lượng công tác tư tưởng, chất lượng nhận thức của khách thể và chủ thể trong thực hiện chủ trương này. Các tiêu chuẩn cán bộ, tiêu chí đánh giá, điều kiện (môi trường) trong bố trí cán bộ. Chất lượng nguồn cán bộ cho việc bố trí. Kế hoạch, quy trình, phương pháp của các chủ thể bố trí cán bộ. Từ đó, nhân rộng mô hình khi có điều kiện hoặc có phương hướng, giải pháp khắc phục.
Vấn đề quan trọng hiện nay là Trung ương nên có chủ trương chỉ đạo thực hiện trong toàn Đảng chương trình sơ kết, tổng kết hằng năm, nhiệm kỳ về công tác xây dựng Đảng về cán bộ, đặc biệt là chủ trương vận dụng Luật Hồi tỵ trong việc bố trí, điều động, luân chuyển những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu các cấp ủy không là người địa phương. Phân định rõ chức trách, nhiệm vụ của từng vị trí, chức vụ của từng cán bộ một cách hợp lí, tránh tình trạng chỗ thừa chỗ thiếu cán bộ giỏi. Tất cả cán bộ đều được chung chuyển vào các vị trí nhất định, yêu cầu họ phải thực sự tập trung tinh thần, sức mạnh, tài trí của bản thân để phát triển những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu của địa phương nơi mình công tác.
Tóm lại, Hồi tỵ là một biện pháp cần được nghiên cứu thêm với tư cách là một công cụ bổ sung hữu hiệu nhằm hạn chế nguy cơ tham nhũng xảy ra trong bộ máy nhà nước Việt Nam hiện đại. Định hướng mở rộng áp dụng và phát huy vai trò của các quy tắc Hồi tỵ là nhìn nhận nguy cơ ở các mối quan hệ không chỉ giới hạn trong nội bộ cơ quan mà ở nhiều cơ quan hành chính tại cùng một địa phương; đồng thời, tiếp tục củng cố các quy định của pháp luật về kiểm tra, giám sát chặt chẽ, công khai minh bạch các khâu trong công tác cán bộ để xây dựng được đội ngũ cán bộ của Đảng “vừa hồng, vừa chuyên”, thật sự toàn tâm, toàn ý phụng sự cách mạng vì Đảng, vì dân trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay./.
_______________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Sĩ Giác (1962): Đại Nam điển lệ toát yếu, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Nguyễn Minh Tường (1996): Cải cách hành chính dưới triều Minh Mệnh (1820 - 1840), Nxb KHXH, Hà Nội, tr. 204 - 205.
3. Trương Hữu Quỳnh (chủ biên 2002): Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập 1, Nxb Giáo dục, tr.443.
4.Trần Trọng Thức: Giấc mơ hồi tỵ, Báo điện tử Vietnamnet tại http://tuanvietnam. vietnamnet.vn/2009-10-23-giac-mo-hoi-ty.
5. Luật Hồi tỵ và một vài suy ngẫm về công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay, sotuphap.hochiminhcity, Số 19.2011.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông tháng 4.2021
Bài liên quan
- Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
- Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố chủ quan và khách quan mang lại. Lan toả các giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vấn đề của hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay là làm sao thu hút được sự quan tâm của đại bộ phận nhân dân, để nhân dân tin tưởng và làm theo Đảng thông qua những nội dung gần gũi, sinh động, hấp dẫn và hiện đại. Hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt truyền thông xã hội và hiện tượng truyền thông hoá.
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bình luận