Bảo vệ tính chính danh, tính chính pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam
Bài 1: Đảng Cộng sản Việt Nam - lựa chọn tất yếu của lịch sử và của nhân dân
Nhiều đảng phái chính trị ra đời nhưng đều bất lực trước đòi hỏi của dân tộc
Lịch sử Việt Nam hơn 91 năm qua, nhìn bao quát, có thể nói là lịch sử của sự lựa chọn, khẳng định và thực thi mục tiêu phát triển gắn với sự lựa chọn đảng chính trị lãnh đạo đất nước, dẫn dắt dân tộc, vì mục tiêu đó. Ngay từ những thập niên đầu tiên tới những năm 50 của thế kỷ 20 đã và luôn là lịch sử thăng trầm của sự đào thải, sàng lọc, kiểm nghiệm và lựa chọn đó.
Năm 1930, qua hơn nửa thế kỷ, kể từ năm 1858, lúc bấy giờ, đất nước rên xiết trong vòng nô lệ của chủ nghĩa thực dân Pháp và chế độ phong kiến. Nhu cầu tất yếu dân tộc phải độc lập, nhân dân phải được tự do và dân chủ, hoàn toàn bế tắc, chưa thấy tương lai. Độc lập tự do hay là chết? Hàng loạt cuộc khởi nghĩa do giai cấp nông dân, các sĩ phu yêu nước Việt Nam ngõ hầu trả lời câu hỏi lịch sử đó, nhưng đều lần lượt thất bại. Các đảng chính trị đại diện cho các giai cấp, tầng lớp xã hội ở nước ta, lúc bấy giờ, nhảy ra tranh đoạt vũ đài chính trị dân tộc, cũng đông đúc chưa từng thấy. Ai cũng biết, từ đảng của giai cấp nông dân (Nghĩa hưng, năm 1907); đảng của giai cấp tư sản, địa chủ (Lập hiến, năm 1923)... tới đảng của tầng lớp thanh niên, sinh viên, trí thức tiểu tư sản (Việt Nam nghĩa đoàn, Đảng Thanh niên, Đảng An Nam độc lập (năm 1927), Việt Nam Quốc dân đảng (năm 1927)... rồi đảng của bọn tay sai của đế quốc Pháp và phát xít Nhật, (Đại Việt quốc gia xã hội đảng, Đại Việt quốc dân đảng (những năm 1940 tới khi Việt Nam giành được độc lập bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945); chen chúc các đảng phản động (Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách)... thật huyên náo, tới mức hỗn loạn chính trường. Trong số ấy, chỉ một số đảng mong chấn hưng đất nước nhưng “lực bất tòng tâm”, số còn lại những mưu toan tính biến đất nước thành nơi thử nghiệm những mưu đồ chính trị của giai cấp, tầng lớp họ.
Nhưng rốt cuộc, tất cả những đảng đó đã lùi vào dĩ vãng của lịch sử và bị lịch sử dân tộc chôn vùi rất lặng lẽ trái với sự huyên náo đến mức hỗn loạn lúc các đảng này xuất hiện và khua chiêng gõ mõ trên chính trường Việt Nam lúc bấy giờ. Các đảng này hoặc tự phải diệt vong hoặc bị giải tán. Theo đó, các giai cấp, tầng lớp đại diện cho các đảng đó cũng cáo chung vai trò lãnh đạo dân tộc. Thách thức của lịch sử về vị trí, vai trò của đảng chính trị đối với vận mệnh cứu đất nước khỏi vòng nô lệ, nhân dân khỏi xiềng xích vong quốc nô vẫn đang bỏ ngỏ. Điều đó ai nấy đều rõ.
Đảng Cộng sản Việt Nam mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam
Trong thời gian ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời giữa “một rừng” đảng phái chính trị ở Việt Nam. Không ồn ào như các đảng trên ra đời từ sớm, mà trái lại, Đảng lặng lẽ hiện diện, thậm chí phải tạm lánh ở nước ngoài, vì Đảng “là con nòi” của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, được hun đúc bởi truyền thống yêu nước thương nòi Việt Nam, dưới ngọn cờ của Chủ nghĩa Mác - Lênin, nguyện chiến đấu và hy sinh vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH). Đảng Cộng sản bị kẻ thù vây bủa, đàn áp đẫm máu, bị các đảng khác đương thời chèn ép, tranh đoạt sự ảnh hưởng. Trong 15 năm đầu, bao lần Đảng bị thực dân Pháp vây ráp, khủng bố trắng, hàng nghìn đảng viên của Đảng bị tù đầy, chém giết, hàng vạn đồng bào bảo vệ Đảng bị bắt bớ, lưu đầy, chỉ riêng 31 Ủy viên Trung ương của Đảng đã bị thực dân Pháp “tặng” cho 221 năm tù khổ sai. Nhiều Tổng Bí thư của Đảng bị thực dân Pháp tử hình... Lịch sử của Đảng 15 năm đầu được viết bằng máu đào và xương trắng đảng viên, chiến sĩ, đồng bào cuộc đấu tranh song trùng: Giữa Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược và chế độ phong kiến bán nước của chúng và giữa các đảng chính trị Việt Nam trong việc giành vị thế cầm quyền đất nước... Tất cả được thử thách qua sự sàng lọc, lựa chọn và đào thải của lịch sử, của nhân dân. Đó là khí phách Việt Nam. Điều đó ai cũng đều thấy.
Một đảng cộng sản như thế xứng đáng là một đảng gánh vác sứ mệnh lịch sử, đứng mũi chịu sào trước nhân dân, dẫn dắt dân tộc. Vì sự thật Đảng vốn là “đứa con nòi” phải thuộc về dân tộc, phải là của nhân dân và đảm đương sứ mệnh “phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”, dẫn dắt đất nước thực thi trọng trách nhân dân giao phó: Độc lập dân tộc và CNXH. Đảng Cộng sản Việt Nam là người kết tinh, chung đúc những tố chất của một đảng vô sản kiểu mới và thực tế đủ bản lĩnh chính trị và năng lực trí tuệ lãnh nhiệm trọng trách ấy của đất nước đặt ra và được nhân dân tin theo và hy sinh vì nó. Và Đảng trở thành một đảng dẫn dắt dân tộc và sau nay trở thành một đảng cầm quyền. Không một lực lượng chính trị nào Việt Nam lúc bấy giờ và bây giờ đủ tầm nhìn chính trị, bản lĩnh chính trị có thể làm nổi, không một ai có đủ chính danh cho tới tận hôm nay để có thể, dù cả gan, dù bất chấp đạo lý và pháp lý, làm vấy bẩn nó.
Sinh ra trong lòng dân tộc và đồng hành cùng dân tộc bẻ gãy gông xiềng nô lệ quàng lên cổ đất nước, giành lại độc lập cho Tổ quốc, lập nên chính quyền của nhân dân, và Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Điều đó làm nên địa vị lịch sử một cách tự nhiên và địa vị pháp lý của Đảng một cách tất yếu. Vấn đề quan trọng hơn hết và quyết định tất thảy là, địa vị cầm quyền đó của Đảng đã được bảo đảm bởi năng lực cầm quyền và uy tín cầm quyền trên thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam suốt hơn 91 năm qua; và, vị thế nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hơn 76 năm qua, dưới ngọn cờ của Đảng, trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và trọng thị.
Vì không có trọng trách gì nặng nề và vẻ vang hơn, dù trong hoàn cảnh nào, Đảng luôn là đội tiền phong chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam - giai cấp đại biểu cho yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất tiên tiến. Đảng không có lợi ích nào cao hơn rằng, Đảng là đại biểu trung thành cho lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Vì Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị. Mục tiêu phấn đấu của Đảng không có gì khác ngoài “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong vị thế vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành “Đảng ta”, “Đảng của chúng ta”, “Đảng của dân tộc chúng ta”... Đó là đạo lý Việt Nam.
Và đi trên con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN) tới cái đích cao quý ấy được Đảng Cộng sản Việt Nam vạch ra ngay lúc mới ra đời. Qua hơn 76 năm cầm quyền, Đảng cùng toàn dân tộc xây dựng nên một nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã và đang giữ một vị thế mới trên trường quốc tế mà bất cứ ai cũng thấy. Qua 35 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ta càng trưởng thành toàn diện. Trước thềm Đại hội XII của Đảng (tháng 1.2016), dư luận quốc tế nhận định: “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là chính đảng duy nhất cầm quyền là một mô hình thành công đặc biệt và mô hình này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là đối với các nước đang phát triển vì rất nhiều mô hình đã được thử nghiệm, nhưng chưa thấy mô hình nào thành công”.
Trọng trách cầm quyền của Đảng, vinh dự được cầm quyền của Đảng trước nhân dân là do lịch sử dân tộc giao phó và được nhân dân Việt Nam thừa nhận, ủy thác và tin theo, chứ tuyệt đối không phải “từ trên trời rơi xuống” hay sự sắp xếp chủ quan của bất cứ ai, sự ngộ nhận của bất cứ giai cấp, tầng lớp nào.
Nhân đây, cần được nói thêm về một số ý kiến lưỡng lự hoặc công kích về chuyện một đảng hay đa đảng và vấn đề dân chủ ở Việt Nam. Rằng, từ những năm 40 tới những năm 90 của thế kỷ 20, cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam, ở nước ta, còn có hai đảng là Đảng Dân chủ Việt Nam (ra đời ngày 30.6.1944 và tự giải tán vào ngày 20.10.1988) và Đảng Xã hội Việt Nam (ra đời ngày 22.7.1946 và tự giải tán tròn 42 năm sau đó, ngày 22.7.1988) đều thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng dân tộc Việt Nam tranh đấu vì một nước Việt Nam độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng CNXH. Nghĩa là, Việt Nam đã từng và có một thời kỳ lịch sử không ngắn, ngót nửa thế kỷ, sau khi dân tộc giành lại nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân được hưởng nền tự do, cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam, đã từng có nhiều đảng chính trị khác hoạt động và tự giải tán, chứ đâu phải câu chuyện hão về “đảng toàn trị”, “độc đảng” hoặc đâu cần ai khuyến nghị “muốn có dân chủ, phải đa đảng”.
Tới đây, lại nhớ và nhắc lại lời người xưa, rằng nếu như đem dục vọng, tạp niệm của mình lắng xuống, có đạo lý nào mà chúng ta không thể thông suốt? Rằng, nếu đem chí hướng của mình mạnh mẽ khơi dậy, có việc gì mà ta không thể làm? Mấy vị ngày nay ấy, danh chính gì mà luận chính danh hay chính pháp về Đảng, khi các vị chỉ biết ôm trong lòng sự kiêu ngạo vô lối mà quan sát sự tình, mang tinh thần uể oải sa sút, thậm chí đem con mắt hạt đậu mà định luận sự việc, chẳng qua cũng chỉ là hồ đồ sống hết cuộc đời mình. Chỉ thế mà thôi!
Có thể nói gọn lại, lịch sử dân tộc Việt Nam sinh ra Đảng Cộng sản Việt Nam, đến lượt mình, Đảng đáp lại yêu cầu của lịch sử dân tộc, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về quy mô, tốc độ, chiều sâu của công cuộc phát triển đất nước và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại. Đó là biện chứng phát triển tự nhiên và tất yếu của dân tộc Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là nhu cầu phát triển tất yếu của đất nước hiện nay, trên con đường độc lập dân tộc và CNXH, dưới ngọn cờ của Đảng. Đó là tính tất yếu cầm quyền của Đảng, tính chính danh, chính pháp, bảo đảm tư cách pháp lý và đạo lý để Đảng cầm quyền./.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo điện tử ngày 03.6.2021
Bài liên quan
- Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
- Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
- Nhận diện và xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 3 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 4 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 5 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí
Chuyển đổi số báo chí là sự thay đổi toàn diện, cả về phương thức hoạt động, mô hình tổ chức, kỹ năng sáng tạo và truyền tải thông tin báo chí, đòi hỏi sự thay đổi về nhận thức, thái độ từ các nhà lãnh đạo đến mỗi nhà báo trong các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số cũng là điều kiện phát triển báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ... Quá trình đó cũng tác động sâu sắc và toàn diện đến hoạt động đào tạo báo chí để tạo dựng nguồn nhân lực thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số.
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố chủ quan và khách quan mang lại. Lan toả các giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vấn đề của hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay là làm sao thu hút được sự quan tâm của đại bộ phận nhân dân, để nhân dân tin tưởng và làm theo Đảng thông qua những nội dung gần gũi, sinh động, hấp dẫn và hiện đại. Hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt truyền thông xã hội và hiện tượng truyền thông hoá.
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả là một biến thể nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với những yêu cầu về phẩm chất đích thực và đạo đức cách mạng. Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả là loại bỏ những thói hư tật xấu đang ngấm ngầm làm tha hóa cán bộ, đảng viên. Chống uy tín giả cũng là chống chủ nghĩa cá nhân, củng cố uy tín đích thực của người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả nảy sinh, xâm nhập, lây lan trong đời sống chính trị, xã hội do nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố chủ quan của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên là nguyên nhân trực tiếp, phổ biến.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nghiêm trọng hơn, nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại. Suy rộng ra, uy tín giả hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta nếu không được nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn.
Bình luận