Chính sách phân quyền của chủ nghĩa tân tự do trong quản lý giáo dục đại học – Kinh nghiệm triển khai tại một số nước và gợi ý đối với Việt Nam
1. Mở đầu
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nền giáo dục của các nước trên thế giới chịu nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài cả về hệ tư tưởng lẫn chính sách quản lý, trong đó có chính sách phân quyền trong quản lý giáo dục. Với nền tảng lý luận là chủ nghĩa tân tự do, chính sách phân quyền lâu nay đã trở thành điều kiện tiên quyết để được hỗ trợ từ một số tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, tổ chức đã hỗ trợ hơn 40 quốc gia trong việc xây dựng và triển khai chính sách phân quyền(1). Mặc dù vậy, kết quả nghiên cứu tác động của chủ trương phân quyền chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt trong công tác tăng cường chất lượng, công bằng và trách nhiệm giải trình trong giáo dục (2).
Giống như các nước châu Á khác, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phân quyền trong quản lý giáo dục. Chính sách phân quyền ở nước ta trước đây chỉ thể hiện chủ yếu ở công tác phân cấp quản lý, và gần đây mới là ủy quyền cho khu vực tư nhân và phi chính phủ thông qua chính sách “xã hội hóa”(3). Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào cung cấp đầy đủ thông tin về hiệu quả của chính sách này đối với giáo dục đại học ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, bài báo này sẽ làm rõ một số vấn đề về chính sách phân quyền của chủ nghĩa tân tự do trong quản lý giáo dục đại học và bài học kinh nghiệm từ một số nước qua thực tế triển khai, để qua đó, tìm ra được một số gợi ý tham khảo đối với việc hoạch định chính sách giáo dục tại nước ta.
2. Chính sách phân quyền trong quản lý giáo dục
2.1. Ảnh hưởng của chủ nghĩa tân tự do trong quản lý giáo dục
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, những thay đổi và thực trạng của giáo dục đại học của nước ta hiện nay diễn ra trong bối cảnh đan xen hai xu thế đối lập: một bên là gìn giữ, tăng cường quản lý tập trung nhà nước và bên kia là chấp nhận ảnh hưởng của các giá trị, tư tưởng cũng như quyết sách mang định hướng thị trường(4). Nói cách khác, đây là tác động giằng co của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tân tự do đối với chính sách giáo dục đại học.
Chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) là một trường phái kinh tế và chính trị tập trung vào việc giảm sự can thiệp của chính phủ trong kinh tế và thúc đẩy tự do kinh doanh và thị trường. Được phát triển từ những năm 1980 trong lý thuyết quan hệ quốc tế, chủ nghĩa này nhấn mạnh vai trò của các thể chế và luật pháp quốc tế trong quyết định chính sách của các quốc gia. Khác biệt với chủ nghĩa tự do cổ điển, tân tự do tập trung vào lý do các quốc gia cam kết với thể chế quốc tế, thậm chí, cả khi điều này có nghĩa là từ bỏ một phần quyền lực. Theo quan điểm này, không tham gia hoặc gia nhập muộn vào các tổ chức quốc tế sẽ gây tổn thất lớn cho các quốc gia.
Quá trình toàn cầu hóa và chính sách tân tự do đã định hình lại giáo dục đại học bằng cách thúc đẩy chuẩn hóa và tư nhân hóa, lồng ghép mô hình kinh doanh vào giáo dục. Điều này thay đổi mục tiêu giáo dục từ việc phát triển công dân toàn diện sang phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, dẫn đến một xu hướng mới: doanh nghiệp hóa giáo dục. Trong mô hình này, các vị trí quản lý cao tại các trường đại học thường được giao cho những nhân vật có mối liên hệ mạnh mẽ với doanh nghiệp chứ không phải dựa vào thành tích học thuật. Ngoài ra, nguồn tài trợ từ doanh nghiệp cũng bắt đầu ảnh hưởng đến nghiên cứu khoa học, khiến cho mục tiêu của nghiên cứu dần chuyển từ tìm kiếm sự thật sang tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng đến tính minh bạch và độc lập của công bố nghiên cứu(5).
Trong bối cảnh đó, cam kết của Việt Nam khi hội nhập nền kinh tế toàn cầu với các tổ chức như ASEAN, WTO, APEC… đã khiến cho toàn bộ nền kinh tế cũng như mọi khía cạnh của đời sống xã hội, văn hóa, giáo dục ít nhiều bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tân tự do. Trong những nỗ lực tự do hóa nền kinh tế để đáp ứng được đòi hỏi của các tổ chức tài chính quốc tế, nước ta đã phải tạo điều kiện cho quá trình tư nhân hóa, thị trường hóa, quốc tế hóa nhiều hoạt động then chốt, trong đó có giáo dục đại học, và trở nên bao dung hơn đối với những giá trị và tầm ảnh hưởng của những quan điểm, tư tưởng, triết lý của phương Tây. Tuy nhiên, với định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và nhà nước vẫn lãnh đạo dân tộc ta đi theo con đường đã chọn, gìn giữ và phát huy vai trò của Đảng và hạn chế tối đa sự lấn lướt của chủ nghĩa tân tự do ào đến theo làn sóng toàn cầu hóa suốt những năm qua.
Đường lối phát triển giáo dục của nước ta, như đã nêu ở trên, được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo năm 2013 với các nội dung chủ yếu: “Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục và đào tạo”, “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.”, “Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng”, “Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; phát huy vai trò của hội đồng trường. Thực hiện giám sát của các chủ thể trong nhà trường và xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý các cấp; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch”(6).
Có thể thấy, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương chuyển giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học, thể hiện nỗ lực hội nhập quốc tế về quản lý, phát triển giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, không phải trường đại học nào ở địa phương nào cũng đã sẵn sàng tiếp nhận quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để hội nhập quốc tế. Các trường cần có thêm thời gian và nhiều nỗ lực đổi mới hơn nữa mới có thể đáp ứng được đường lối phát triển đã nêu trong Nghị quyết số 29.
2.2. Phân quyền trong quản lý giáo dục
Thuật ngữ "phân quyền" được dùng rộng rãi trong nhiều văn bản và được áp dụng trong đa dạng các tổ chức, bao gồm cả trong lĩnh vực công và tư. Dưới góc độ lý thuyết tổ chức, phân quyền đề cập đến việc ủy quyền quyết định, ở các cấp độ khác nhau, tới những cấp dưới trong cơ cấu tổ chức hệ thống. Tâm điểm của việc phân quyền trong một tổ chức chính là quyền lực quyết định. Theo thời gian, khi tổ chức phát triển lớn mạnh và khả năng của các bộ phận trong tổ chức được nâng cao, việc phân phối quyền quản lý hoặc ủy quyền quyết định trong các lĩnh vực cụ thể cho các cấp thấp hơn trở nên thiết yếu và là xu hướng không thể tránh khỏi(7).
Việc phân quyền trong hệ thống giáo dục đã trở thành điều kiện tiên quyết cho các khoản viện trợ tài chính do các cơ quan tài trợ quốc tế cung cấp, và là công thức để tăng cường thể chế công của nhiều nước hàng đầu châu Á cũng như các nước đang phát triển, để tránh nguy cơ “bị gạt ra ngoài lề trong giới chính sách quốc tế”(8). Đây là một yếu tố quan trọng của gói cải cách, bao gồm quyền tự do lựa chọn, tư nhân hóa, phân quyền và đôi khi là tập trung hóa việc thiết lập mục tiêu, chương trình giảng dạy và đánh giá dựa trên kết quả, đang được giới thiệu hoặc củng cố trên khắp thế giới(9). Phân quyền giáo dục được định nghĩa là: quá trình ủy quyền và trách nhiệm liên quan đến việc phân phối và sử dụng các nguồn lực (ví dụ: tài chính, nhân lực và chương trình giảng dạy) của chính quyền Trung ương cho các trường(10).
2.3. Hai luồng quan điểm về phân quyền trong quản lý giáo dục
Phân quyền đem đến nhiều lợi ích liên quan đến việc tái phân bổ quyền lực, nâng cao hiệu quả hành chính và cải thiện sự nhạy cảm của chính phủ đối với văn hóa và nhu cầu địa phương(11).
Thứ nhất, phân quyền giúp các cơ sở giáo dục đại học có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và linh hoạt hơn, phản ứng kịp thời với nhu cầu và thách thức địa phương, cũng như với thay đổi nhanh chóng trong môi trường giáo dục và công nghệ.
Thứ hai, khi quyền lực được phân chia, các trường và khoa trong trường có thêm không gian để thử nghiệm và áp dụng các phương pháp giảng dạy, nghiên cứu mới mà không cần chờ đợi sự chấp thuận từ cơ quan quản lý cấp trên. Điều này thúc đẩy sự sáng tạo và có thể dẫn đến các phát triển đột phá trong giáo dục và nghiên cứu.
Thứ ba, phân quyền giúp các cơ sở giáo dục tự chủ trong việc phân bổ tài chính và nhân lực, giúp họ có thể tối ưu hóa nguồn lực theo nhu cầu và ưu tiên cụ thể của mình, qua đó giúp tăng hiệu suất và hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Thứ tư, phân quyền thường đi kèm với việc tăng cường trách nhiệm và yêu cầu minh bạch trong quản lý. Các cơ sở giáo dục đại học cần chứng minh sự sử dụng hiệu quả nguồn lực và chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan quản lý.
Thứ năm, phân quyền cho phép sự tham gia mạnh mẽ hơn của cộng đồng địa phương và các bên liên quan trong quá trình quyết định tại các trường đại học. Điều này không chỉ giúp đảm bảo rằng các quyết định phản ánh nhu cầu và mong muốn của cộng đồng, mà còn tăng cường mối quan hệ giữa trường đại học và xã hội.
Cuối cùng, với sự tự chủ cao hơn, các cơ sở giáo dục có thể tập trung vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học thuật, điều chỉnh chương trình học để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu thị trường lao động, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, chính sách phân quyền cũng có thể gây ra những khó khăn, bất cập nhất định:
Một là, khi mỗi trường hoặc các khoa trực thuộc có quyền tự chủ cao, việc duy trì một tiêu chuẩn giáo dục đồng đều trên toàn quốc hoặc khu vực có thể trở nên khó khăn. Sự chênh lệch về chất lượng giữa các cơ sở giáo dục có thể gia tăng, ảnh hưởng đến công bằng giáo dục.
Hai là, phân quyền đồng nghĩa với việc các trường đại học phải tự chịu trách nhiệm về quản lý tài chính, điều này có thể là thách thức đối với những cơ sở không đủ năng lực quản lý tài chính mạnh mẽ. Rủi ro tài chính cũng tăng lên khi các trường đầu tư vào các dự án mà không có sự giám sát cần thiết.
Ba là, cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục có thể lành mạnh nhưng cũng có thể dẫn đến việc tập trung quá mức vào việc thu hút sinh viên bằng mọi giá, gây mất cân bằng về nguồn lực và chất lượng giáo dục giữa các trường.
Bốn là, việc phân quyền có thể làm tăng khoảng cách giữa các trường giàu có và các trường kém giàu có về mặt nguồn lực. Các trường đại học ở vùng lãnh thổ kém phát triển có thể gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các trường ở các khu vực giàu có hơn.
Năm là, việc phân tán quyền lực có thể làm phức tạp hóa quá trình quản lý và giám sát. Điều này đòi hỏi một hệ thống quản lý hiệu quả và linh hoạt để theo dõi, đánh giá, và đảm bảo chất lượng giáo dục mà không làm giảm đi sự tự chủ của các cơ sở. Hơn nữa, phân quyền có thể khiến việc đạt được sự đồng bộ trong chương trình giảng dạy và các tiêu chuẩn học thuật trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là trong bối cảnh giáo dục toàn cầu hóa.
Bên cạnh đó, sự phân quyền có thể gây ra rủi ro tạo ra sự bất bình đẳng giữa sinh viên từ các nền tảng kinh tế - xã hội khác nhau, do sự khác biệt trong chất lượng giáo dục và cơ hội học tập giữa các trường.
3. Kinh nghiệm của các nước trong thực tế triển khai
Tại Phần Lan, một trong số những nền giáo dục hàng đầu thế giới, Đạo luật Đại học Phần Lan năm 2009 đã trao thêm quyền tự chủ hành chính và tài chính cho các trường đại học ở Phần Lan. Các thỏa thuận về hiệu suất giữa các trường đại học và Bộ Giáo dục và Văn hóa xác định các mục tiêu hoạt động và chất lượng cho toàn bộ lĩnh vực giáo dục đại học, cho mỗi trường đại học và các trường đại học ứng dụng (Ammattikorkeakoulut, UAS). Thuật ngữ "trường đại học ứng dụng" thường để chỉ các cơ sở giáo dục đại học có một phần lớn chương trình học được thiết kế và triển khai với mục tiêu cụ thể là áp dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tế. Các trường đại học ứng dụng chủ yếu chú trọng vào việc cung cấp các chương trình học liên quan mật thiết đến thị trường lao động và nhu cầu của xã hội(12).
Kể từ năm 2015, các cơ sở UAS hoạt động như các thực thể pháp lý độc lập, cùng với các trường đại học, đã hoạt động như các thực thể pháp lý độc lập kể từ năm 2010, theo Đạo luật 2009. Việc phân bổ nguồn tài trợ cơ bản cho các tổ chức giáo dục đại học chủ yếu phụ thuộc vào mô hình tài trợ dựa trên hiệu suất. Mô hình này cũng bao gồm một thành phần tài trợ chiến lược. Nhìn chung, chính sách phân quyền trong giáo dục đại học ở Phần Lan đã mang lại nhiều thành tựu đáng kể bằng cách nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường tự chủ cho các trường đại học. Tuy nhiên, quá trình phân quyền cũng đặt ra thách thức trong việc đảm bảo sự tham gia đầy đủ và công bằng của tất cả các bên liên quan trong quyết định và tài trợ, cũng như duy trì sự cân bằng giữa tự chủ cơ sở và sự điều chỉnh từ chính phủ(13).
Kể từ năm 1990, các quốc gia Đông Á với quy mô, mức thu nhập và hệ thống chính trị khác nhau đã lựa chọn phân quyền, trong số nhiều động cơ khác, là một phản ứng cải cách liên chính phủ trước yêu cầu ngày càng tăng nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình và mở rộng dịch vụ của mình hiệu quả hơn cho người dân địa phương. Điều này có thể thấy trong các hệ thống tài chính đang được thể chế hóa, nhân sự được chuyển giao từ các bộ, ngành trung ương sang chính quyền địa phương, các chức năng cung cấp dịch vụ được đảm nhận bởi các cơ quan địa phương, các mô hình cung cấp dịch vụ mới được khởi xướng,…
Theo White and Smoke (2005), xu hướng phân quyền ở Đông Á có thể được phân thành ba loại: hành động nhanh, chậm mà chắc và thận trọng(14). Philippines và Indonesia là những nước khởi đầu nhanh chóng, trong đó, các cải cách cơ cấu, thể chế và tài chính quan trọng được bắt đầu nhanh chóng bằng việc áp dụng khuôn khổ cơ bản cho phân quyền, bầu cử dân chủ địa phương và chia sẻ nguồn lực địa phương, cũng như công tác lập pháp và chính sách tiếp theo.
Trung Quốc và Việt Nam là những nước mà mục tiêu chính của phân quyền gắn liền với cải cách tài chính, hành chính trong bối cảnh ít thay đổi về chính trị, và duy trì đáng kể quyền kiểm soát trung ương đối với chính quyền địa phương. Trong khi đó, ở những nước như Campuchia và Thái Lan, các khía cạnh quan trọng của phân quyền được hình thành ở cấp độ chính sách và lập pháp chính thức, mặc dù tiến độ còn chậm, với khuôn khổ phân cấp ở Thái Lan chỉ được thực thi và bầu cử một phần hội đồng xã ở Campuchia, nơi có chức năng và nguồn lực hạn chế (15).
Chủ trương phân quyền có thành công hay không phụ thuộc vào phản ứng của các bên liên quan trước những trở ngại và nhu cầu phát sinh; tầm nhìn chiến lược chung giữa các lãnh đạo ở các cấp bộ, ngành; nỗ lực phân phối nguồn lực một cách đồng đều từ chính quyền trung ương và khả năng tự tạo nguồn lực riêng; cơ chế nguồn lực để hỗ trợ cải cách từ chính quyền địa phương; cơ chế đào tạo, hỗ trợ và ổn định việc làm để thực hiện cải cách; quy trình kiểm tra mức độ sẵn sàng của từng khu vực(16). Các yếu tố khác ảnh hưởng đến sự thành công của cải cách phân quyền được Hanson mô tả là bốn trung tâm quyền lực bao gồm “các đảng chính trị, các tổ chức chính quyền quốc gia và khu vực, công đoàn giáo viên và nhân dân địa phương”.
Nghiên cứu về phân quyền giáo dục ở các nước châu Mỹ Latinh chỉ ra rằng, để thành công, nhà nước cần đảm bảo những yếu tố sau(17):
1- Cam kết chính trị đầy đủ từ các nhà lãnh đạo, quản lý quốc gia, khu vực, tỉnh, thành phố và địa phương;
2- Mô hình chi tiết chỉ rõ từng chức năng, quyền hạn, trách nhiệm dành riêng cho trung ương, cho các cấp quản lý thấp hơn, cho khối tư nhân, đồng thời xác định rõ ràng mức độ trách nhiệm giải trình của các bên liên quan;
3- Chiến lược triển khai và thời gian thực hiện;
4- Hướng dẫn và trình tự, thủ tục vận hành rõ ràng;
5- Đào tạo liên tục về trình độ kỹ năng cho các đơn vị được phân quyền;
6- Các chỉ số hoạt động liên quan phải được các nhà hoạch định chính sách và quan chức chính phủ cấp cao giám sát liên tục thông qua hệ thống thông tin quản lý;
7- Có đủ nguồn lực tài chính, nhân lực và vật lực để duy trì quá trình này.
4. Một số gợi ý áp dụng chính sách phân quyền trong giáo dục đại học tại Việt Nam
Chính sách phân quyền trong giáo dục đại học đem lại nhiều lợi ích và giải pháp tiềm năng trong việc giải quyết các vấn đề về chất lượng, sự bình đẳng và trách nhiệm giải trình ở Việt Nam. Phân quyền cho phép các trường đại học tự chủ trong việc phát triển và thực thi các chương trình giáo dục phù hợp với nhu cầu của cộng đồng và thị trường lao động. Các trường học có thể tùy chỉnh chương trình học và phương pháp giảng dạy để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao hơn.
Chính sách này còn tạo điều kiện cho sự đa dạng và sáng tạo trong giáo dục đại học để từ đó, các trường có thể phát triển các chương trình đào tạo mới và các dự án nghiên cứu theo hướng đáp ứng nhu cầu đặc biệt của cộng đồng và xã hội; giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa các trường đại học ở các khu vực giàu và nghèo bằng cách trao quyền tự chủ và tài chính cho các trường ở các khu vực có điều kiện kinh tế yếu, qua đó, tạo ra cơ hội giáo dục bình đẳng hơn cho tất cả sinh viên.
Bên cạnh đó, phân quyền có thể tăng cường trách nhiệm và minh bạch trong quản lý giáo dục đại học bởi lẽ các trường đại học phải chịu trách nhiệm đối với việc quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng giáo dục, đồng thời phải giải trình trước cộng đồng và cơ quan quản lý về các quyết định và hoạt động của mình.
Tuy nhiên, để thành công, việc phân quyền cần phải được thực hiện cẩn trọng, bài bản và quyết liệt. Cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý giáo dục cũng như sự tham gia tích cực từ các bên liên quan khác nhau trong cộng đồng giáo dục. Đồng thời, cần thiết lập các cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả để đảm bảo rằng các trường đại học hoạt động một cách minh bạch và hiệu quả.
Cần nghiên cứu sâu rộng hơn về các mô hình phân quyền đã được áp dụng thành công trong giáo dục đại học của các quốc gia khác để cung cấp thông tin hữu ích về các chiến lược, chính sách và các biện pháp thực thi trong áp dụng cơ chế phân quyền giáo dục tại Việt Nam. Cần tổ chức các cuộc hội thảo, buổi thảo luận hoặc cuộc trao đổi với các bên liên quan như các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, sinh viên và các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đại học để có thể giúp hiểu rõ hơn về quan điểm và mong muốn của các bên liên quan đối với việc phân quyền.
Căn cứ trên trên các nghiên cứu và phân tích đã thực hiện, cần lập được các kế hoạch chi tiết về việc triển khai phân quyền, bao gồm các bước cụ thể, mục tiêu, biện pháp và cơ chế giám sát. Bằng cách tham khảo các gợi ý này, các nhà hoạch định chính sách giáo dục ở Việt Nam có thể xây dựng một cơ sở thông tin vững chắc và chiến lược cụ thể để nắm bắt và xử lý các vấn đề liên quan đến việc phân quyền trong giáo dục đại học, qua đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và hòa nhập tốt hơn nữa với xu thế toàn cầu./.
_____________________________________________________
(1), (8), (11) Christopher Bjork (2006), Educational decentralization, Dordrecht: Springer.
(2) Joel Samoff (1990), “Decentralization: the politics of interventionism”, Development and Change, 21: tr. 513-530.
(3) Adam Fforde & Associates Pty Ltd (2003), Decentralisation in Vietnam - Working effectively at provincial and local government level - a comparative analysis of Long An and Quang Ngai provinces, Canberra: AusAID.
(4) Đoàn Huệ Dung (2004), “Centralism - the dilemma of educational reforms in Vietnam”, D. McCargo (Ed.), Rethinking Vietnam. London: RoutledgeCurzon.
(5) Henry Giroux (2009), “Beyond the corporate takeover of higher education - Rethinking educational theory, pedagogy, and policy”, M. Simon, M. Olssen & M.A. Peters (Ed.), Re-reading education policies - a handbook studying the policy agenda of the 21st century (pp. 458477), Rotterdam: Sense Publishers.
(6) Ban chấp hành Trung ương (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
(7) Hoàng Mai (2010), Luận án tiến sĩ “Phân cấp quản lý nhân sự hành chính nhà nước ở Việt Nam”.
(9) Holger Daun (2007), School decentralization in the context of globalizing governance - international comparison of grassroots responses, Dordrecht: Springer.
(10) Joseph Zajda & David T. Gamage (2009), Decentralisation, School-based management and quality, Dordrecht: Springer.
(12) Trường Đại học Trưng Vương (2004), Trường Đại học ứng dụng là gì?, https://tv-uni.edu.vn/tin-tuc/truong-dai-hoc-ung-dung-la-gi/#:~:text=1.,k%E1%BB%B9%20n%C4%83ng%20v%C3%A0o%20th%E1%BB%B1c%20t%E1%BA%BF, truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2024.
(13) Jaime Saavedra, Hanna Alasuutari và Marcela Gutierrez Bernal (2018), Finland’s Education System: The Journey to Success, https://blogs.worldbank.org/en/education/finland-s-education-system-journey-success, truy cập ngày 01 tháng 3 năm 2024.
(14), (15) Roland White và Paul Smoke (2005), “East Asia decentralizes”, World Bank, East Asia decentralizes (pp.1-24). Washington: World Bank.
(16) Mark E. Hanson (2006), “Strategies of educational decentralization - Key questions and core issues”, C. Bjork (Ed.), Educational decentralization (pp. 9-25), Dordrecht: Springer.
(17) Mark Bray (1999), “Control of education - Issues and tensions in centralization and decentralization”, R.F. Amove & C.A. Torres (Ed.), Comparative education - the dialectic of the global and the local. (pp.207-232), Oxford: Roman & Littlefield Publishers, Inc.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
- Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
- Bồi dưỡng phong cách công tác của chính ủy, chính trị viên ở Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nghiên cứu dựa trên các điều tra khảo sát hàng năm của khoa Xã hội học và Phát triển đối với sinh viên đang học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm đánh giá về nhiều vấn đề xã hội trong có đánh giá về giảng viên và cơ sở vật chất thông qua 48 biến số. Kết quả nghiên cứu năm 2024 với 734 sinh viên cho thấy, phần lớn sinh viên đánh giá ở mức cao hơn so với một số đánh giá của sinh viên tại các trường đại học khác. Có 7 nhóm yếu tố được đánh giá ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về giảng viên và cơ sở vật chất gồm: Chất lượng giảng viên; Chuyên môn của giảng viên; Phương pháp dạy của giảng viên; Năng lực tổ chức môi trường học tập; Phẩm chất sư phạm của giảng viên; Cố vấn học tập; Cơ sở vật chất. Đối với biến phụ thuộc đo lường về sự hài lòng của sinh viên dựa trên thang đo niềm tin (được đánh giá với thang đo từ 0-9 điểm) thông qua 9 biến số về quản lý, giảng viên, cơ chế đào tạo, phương pháp giảng dạy, thư viện và cơ sở vật chất của giảng đường.
Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Việc sử dụng ChatGPT để cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh mang lại nhiều lợi ích. Công cụ này giúp tăng cường tương tác, cá nhân hóa học tập và cung cấp tài liệu phong phú cho cả giáo viên và sinh viên. Sinh viên có thể tiếp cận ngữ pháp, từ vựng và kỹ năng viết một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, để tối ưu hóa lợi ích, giáo viên cần hướng dẫn sinh viên sử dụng ChatGPT một cách có ý thức, khuyến khích tư duy độc lập và tự đánh giá.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Chiều 25/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin. Đây là phiên họp cuối cùng trong kế hoạch làm việc chung của Hội đồng để thống nhất thông qua Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Báo chí và thông tin, bước cuối cùng trước khi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiệm thu theo quy định.
Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở được đánh giá cao trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành báo chí, truyền thông trong nhiều năm qua. Nhưng trước những thay đổi mạnh mẽ của cách mạng 4.0 và công cuộc chuyển đổi số, những yêu cầu mới đã được đặt ra đối với lĩnh vực này, đòi hỏi nhân lực cũng phải có những phẩm chất và kỹ năng tương ứng. Từ việc khảo sát nhu cầu của người học, một số vấn đề đã được đặt ra và có thể trở thành cơ sở quan trọng để điều chỉnh hướng phát triển trong đào tạo ngành báo chí, truyền thông tại Học viện trong thời gian tới.
Bình luận