Đảng viên là người có đạo - Từ quan điểm V.I.Lênin đến thực tiễn hiện nay
1. Quan điểm của V.I.Lênin về tôn giáo và đảng viên là người có đạo
Cũng như C.Mác và Ph.Ănghen, V.I.Lênin nghiên cứu tôn giáo, không nhằm xây dựng một hệ thống lý luận “thuần túy” về tôn giáo mà do những đòi hỏi đặt ra từ thực tiễn của phong trào cách mạng. Bối cảnh nước Nga đầu thế kỷ XX là chế độ thống trị hết sức thối nát; giai cấp tư sản cấu kết chặt chẽ với giai cấp địa chủ phong kiến bóc lột nhân dân thậm tệ và sử dụng đạo Chính Thống để kìm kẹp, nô dịch tinh thần. Run sợ trước phong trào cách mạng đang ngày một dâng cao, các thế lực phản động tìm cách lôi kéo, kích động các hoạt động tôn giáo nhằm đánh lạc hướng quần chúng, khiến họ xao nhãng với cuộc đấu tranh giành quyền tự do, dân chủ.
Bên cạnh âm mưu thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của các thế lực phản động, sự hoang mang, dao động của một bộ phận đảng viên Dân chủ - Xã hội sau thất bại của cuộc cách mạng 1905 đã làm xuất hiện trào lưu “tìm thần”, “tạo thần”, muốn kết hợp giữa CNXH với niềm tin tôn giáo, coi CNXH là một loại tôn giáo. Các trào lưu “tìm thần”, “tạo thần” gây tác hại lớn cho phong trào cách mạng, làm cho quần chúng mất phương hướng. V.I.Lênin chỉ rõ các trào lưu này là một dạng biện hộ cho thế lực phản động, là “độc tố ngọt ngào nhất và được che đậy khéo léo nhất trong những viên kẹo bọc bằng đủ loại giấy màu sặc sỡ”, khiến quần chúng nhân dân bị mê muội và cam chịu ách áp bức, bóc lột. V.I.Lênin đã viết nhiều bài về tôn giáo như: Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo; Về thái độ của đảng công nhân đối với tôn giáo; Thái độ của giai cấp và của các đảng phái đối với tôn giáo,... Trong đó, V.I.Lênin đã luận giải, làm sâu sắc thêm nhiều khía cạnh liên quan đến vấn đề tôn giáo nói chung và vấn đề đảng viên là người có đạo nói riêng.
V.I.Lênin đã khẳng định: “Như Mác và Ănghen đã tuyên bố nhiều lần, cơ sở triết học của chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa duy vật biện chứng, một chủ nghĩa đã hoàn toàn hấp thụ những truyền thống lịch sử của chủ nghĩa duy vật của thế kỷ XVIII ở Pháp và của Phơbách ở Đức (nửa đầu thế kỷ XIX), tức là chủ nghĩa duy vật tuyệt đối vô thần, kiên quyết thù địch với mọi tôn giáo”(1).
Kế thừa các quan điểm của C.Mác và Ph.Ănghen về bản chất, nguồn gốc tôn giáo, V.I.Lênin đã phân tích, làm rõ hơn nguồn gốc kinh tế - xã hội và nguồn gốc nhận thức của tôn giáo. Theo V.I.Lênin: “Nguồn gốc sâu xa nhất của các thành kiến tôn giáo là cùng khổ và dốt nát”(2); cụ thể hơn, “sự áp bức đối với quần chúng lao động về mặt xã hội, tình trạng có vẻ hoàn toàn bất lực của họ trước những thế lực mù quáng của chủ nghĩa tư bản đang hàng ngày hàng giờ gây ra cho những người lao động bình thường những nỗi khổ cực kỳ ghê gớm, những sự đau thương thật là khủng khiếp, nhiều gấp nghìn lần so với những biến cố phi thường như chiến tranh, động đất,... đó là nguồn gốc sâu xa nhất hiện nay của tôn giáo”(3).
Phản bác lại quan niệm của những người theo thuyết “tạo thần” rằng “thần” là phức hợp ý niệm làm thức tỉnh và tổ chức những tình cảm xã hội, V.I.Lênin chỉ rõ, “Thần (về mặt lịch sử và sinh hoạt) thì trước hết là một phức hợp những ý niệm được sản sinh ra bởi tình trạng con người chịu đè nén một cách ngoan ngoãn, bởi giới tự nhiên bên ngoài và ách áp bức giai cấp, tức là một phức hợp những ý niệm ghi nhận sự đè nén đó và xoa dịu cuộc đấu tranh giai cấp”(4). Và tôn giáo là một trong những hình thức áp bức về tinh thần, luôn luôn và bất cứ ở đâu cũng đè nặng lên quần chúng nhân dân khốn khổ vì phải lao động suốt đời cho người khác hưởng, vì phải chịu cảnh bần cùng và cô độc. Còn đối với công nhân suốt đời vẫn lao động và sống trong cảnh thiếu thốn, tôn giáo dạy họ phải sống theo tinh thần cam chịu và nhẫn nhục trong cuộc sống dưới trần gian, bằng cách làm cho họ hi vọng sẽ được đền đáp khi lên thiên đường. Còn đối với những kẻ sống bằng lao động của người khác, tôn giáo dạy họ hãy làm điều thiện ở thế gian, biện hộ một cách rất rẻ tiền cho toàn bộ cuộc đời bóc lột của chúng, và bán rẻ cho chúng những tấm thẻ để lên thiên đường của những người hạnh phúc(5).
V.I.Lênin đã vạch rõ tác hại của tôn giáo khi bị các thế lực phản động lợi dụng làm công cụ áp bức tinh thần quần chúng và củng cố địa vị thống trị của chúng. Người khẳng định: Phơ bách đã trả lời hết sức đúng những kẻ bênh vực tôn giáo, cho đó là nguồn “an ủi” con người, rằng an ủi con người nô lệ thì có lợi cho chủ nô; còn người bạn chân chính của nô lệ là người dạy cho họ biết phẫn nộ, biết vùng dậy, biết đánh đổ áp bức chứ tuyệt đối không “an ủi” họ.
Phê phán tôn giáo với tư cách công cụ nô dịch tinh thần của giai cấp thống trị, song V.I.Lênin kiên trì với quan điểm không tuyên chiến với tôn giáo, thay vào đó, V.I.Lênin đề ra những nguyên tắc, phương pháp đúng đắn để giải quyết vấn đề tôn giáo, vừa hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo, vừa bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân.
“Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” là hòn đá tảng thể hiện toàn bộ quan điểm của chủ nghĩa Mác trong vấn đề tôn giáo(6). Song V.I.Lênin cũng nhiều lần phê phán quan điểm ghi vào cương lĩnh của đảng công nhân việc công khai thừa nhận chủ nghĩa vô thần theo cái nghĩa là tuyên chiến với tôn giáo, coi đó là nhiệm vụ chính trị của đảng công nhân, thì đó chỉ là một luận điệu vô chính phủ chủ nghĩa về thái độ của đảng công nhân đối với tôn giáo. V.I.Lênin cho rằng: phải biết cách đấu tranh chống tôn giáo, nhưng muốn thế thì phải lấy quan điểm duy vật mà giải thích nguồn gốc tín ngưỡng và nguồn gốc tôn giáo của quần chúng. Không nên chỉ bó hẹp cuộc đấu tranh chống tôn giáo trong một cuộc tuyên truyền trừu tượng về mặt tư tưởng: không nên quy cuộc đấu tranh chống tôn giáo thành một cuộc tuyên truyền như thế; phải gắn liền cuộc đấu tranh ấy với thực tiễn cụ thể của phong trào giai cấp công nhân nhằm tiêu diệt nguồn gốc xã hội của tôn giáo(7).
Để tôn giáo không còn là công cụ thống trị giai cấp, giai cấp vô sản phải “làm cho tôn giáo thực sự trở thành một việc tư nhân đối với nhà nước”(8). Có nghĩa là nhà nước không được bao cấp cho tôn giáo, không được sử dụng tôn giáo như bộ máy nối dài để thống trị. Nhà nước không được dính đến tôn giáo, các đoàn thể tôn giáo không được dính đến chính quyền nhà nước. “Không được trợ cấp một đồng xu nào của nhân dân cho kẻ thù khát máu đó của nhân dân, vì bọn này làm mờ ý thức của nhân dân - lời hô hào chiến đấu đó rõ ràng, dũng cảm và thẳng thắn, do một đại biểu xã hội chủ nghĩa tung ra, đã thốt lên như một lời thách thức Đu ma Trăm đen. Nó đã vang vọng trong hàng triệu người vô sản sắp đem truyền lan tiếng hô hào đó vào trong quần chúng, và biết biến nó thành hành động cách mạng khi thời cơ đến”(9).
Bởi vậy, Đảng Xã hội - Dân chủ cần tiến hành cuộc đấu tranh khắc phục mặt tiêu cực của tôn giáo thông qua tuyên truyền, giáo dục quần chúng. “Đấu tranh chống các thành kiến tôn giáo phải cực kỳ thận trọng; trong cuộc đấu tranh này, ai làm tổn hại đến tình cảm tôn giáo, người đó sẽ gây thiệt hại lớn. Cần phải đấu tranh bằng tuyên truyền, bằng giáo dục. Nếu hành động thô bạo, chúng ta sẽ làm cho quần chúng tức giận; hành động như vậy sẽ càng gây thêm sự chia rẽ trong quần chúng về vấn đề tôn giáo, mà sức mạnh của chúng ta là ở sự đoàn kết(10). Người Mác xít phải là người duy vật, nghĩa là kẻ thù của tôn giáo, nhưng phải là một người duy vật biện chứng, nghĩa là đặt vấn đề đấu tranh chống tôn giáo không phải một cách trừu tượng, không phải là căn cứ vào một cuộc tuyên truyền trừu tượng, thuần túy lý luận, lúc nào cũng giống lúc nào, mà là phải đặt vấn đề đó một cách cụ thể, căn cứ vào cuộc đấu tranh giai cấp thực tế đang diễn ra và có tác dụng giáo dục quần chúng nhiều hơn hết và có hiệu quả hơn hết. Người mác xít phải biết chú ý đến toàn bộ tình hình cụ thể; lúc nào cũng phải biết vạch rõ ràng ranh giới giữa chủ nghĩa vô chính phủ và chủ nghĩa cơ hội (ranh giới này tuy là tương đối, biến động, biến đổi luôn luôn nhưng có thật); không rơi vào “chủ nghĩa cách mạng” trừu tượng trên đầu lưỡi nhưng kỳ thật là rỗng tuếch của bọn vô chính phủ, cũng không rơi vào chủ nghĩa Philixtanh và chủ nghĩa cơ hội của người tiểu tư sản hay người trí thức thuộc phái tự do là những người sợ đấu tranh với tôn giáo, quên mất sứ mệnh mà họ phải đảm nhiệm trong lĩnh vực ấy...(11).
Trong vấn đề tự do tín ngưỡng tôn giáo, V.I.Lênin không những kiên định với quan điểm của C.Mác, Ph.Ănghen mà còn hiện thực hóa quan điểm đó trong thực tế. Sau Cách mạng Tháng Mười, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và không tín ngưỡng tôn giáo đã được ghi rõ trong Hiến pháp của nước Nga mới. Phát biểu trong Hội nghị các đại biểu ngoài đảng ngày 26-12-1921, V.I.Lênin nhấn mạnh: theo Hiến pháp của chúng ta, theo đạo luật cơ bản của nước Cộng hòa chúng ta thì quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo đã được tuyệt đối bảo đảm cho mọi người. “Bất kỳ ai cũng được hoàn toàn tự do theo tôn giáo mình thích, hoặc không thừa nhận một tôn giáo nào, nghĩa là được làm người vô thần, như bất cứ người xã hội chủ nghĩa nào cũng thường là người vô thần. Mọi sự phân biệt quyền lợi giữa những công dân có tín ngưỡng tôn giáo khác nhau đều hoàn toàn không thể dung thứ được(12).
Nhằm đáp ứng những đòi hỏi đặt ra từ thực tiễn xây dựng Đảng cầm quyền, V.I.Lênin đã nêu những luận điểm có tính đột phá trong vấn đề kết nạp đảng viên là chức sắc, nhà tu hành tôn giáo. Trên quan điểm lịch sử - cụ thể, V.I.Lênin cũng khẳng định rằng: kết nạp linh mục vào Đảng một cách vô điều kiện là không đúng. “Không nên nhất luật, và bất cứ trong trường hợp nào, cũng tuyên bố rằng các linh mục không thể trở thành đảng viên Đảng Dân chủ - xã hội, nhưng lại càng không nên nhất luật tuyên bố ngược lại. Nếu có một linh mục nào lại cùng đi với chúng ta để cùng hoạt động chính trị, tận tâm làm tròn nhiệm vụ của mình trong Đảng và không chống lại cương lĩnh của Đảng, thì chúng ta có thể kết nạp người ấy vào hàng ngũ Đảng dân chủ - xã hội, bởi vì trong những điều kiện ấy, mâu thuẫn giữa tinh thần cương lĩnh đảng ta và các nguyên tắc của cương lĩnh ấy với những tín ngưỡng tôn giáo của linh mục có thể vẫn chỉ là mâu thuẫn riêng của người đó, là việc riêng của bản thân người đó(13).
Như vậy, theo quan điểm của V.I.Lênin thì không nên cứng nhắc khi tuyên bố một linh mục có thể hay không thể vào Đảng. Trong trường hợp có linh mục nào đó cùng đi với đảng viên Đảng Xã hội - Dân chủ để cùng hoạt động chính trị, tận tâm làm tròn nhiệm vụ chính trị của mình trong Đảng và không chống lại cương lĩnh của Đảng, thì có thể kết nạp linh mục đó vào hàng ngũ của Đảng Dân chủ - Xã hội nhưng trường hợp đó phải rất đặc biệt, rất ngoại lệ, rất hiếm có.
Và nếu giả sử có một linh mục nào đã vào Đảng Dân chủ - Xã hội rồi, mà lại tiến hành việc tuyên truyền tích cực cho những quan niệm tôn giáo ở trong nội bộ đảng ấy, coi đó là công tác chủ yếu và gần như là công tác duy nhất của mình, thì đảng nhất thiết phải khai trừ linh mục ấy ra khỏi hàng ngũ của Đảng(14). V.I.Lênin nhấn mạnh rằng: chúng ta không những phải sẵn sàng kết nạp, mà còn cố gắng để thu hút vào Đảng dân chủ - Xã hội tất cả những công nhân nào còn tin ở Thượng đế; chúng ta nhất định phản đối bất cứ một sự xúc phạm nhỏ nào đến những tín ngưỡng tôn giáo của họ, nhưng chúng ta thu hút họ để giáo dục họ theo tinh thần cương lĩnh của chúng ta, chứ không phải để họ tích cực chống lại cương lĩnh ấy.
Không chỉ xem xét hoàn cảnh lịch sử cụ thể của những linh mục, của công nhân là người có đạo khi kết nạp họ vào đảng Dân chủ - Xã hội mà trong quá trình hoạt động của họ trong đảng cũng phải là người đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản. Tuyên truyền cho thế giới quan duy vật, đồng thời kịp thời cho ra khỏi đảng những thành phần vào đảng để phát triển đạo, tuyên truyền cho thế giới quan duy tâm và không thể “tay nắm tay” cùng đi với những người không cùng mục tiêu chính trị được.
Theo V.I.Lênin, không phải nhất luật đều lên án như nhau những đảng viên Dân chủ - Xã hội tuyên bố “chủ nghĩa xã hội là tôn giáo của tôi”. Nếu người cổ động hay người diễn thuyết trước quần chúng công nhân nói như thế để cho dễ hiểu hơn, để mở đầu câu chuyện của mình, để làm nổi bật quan điểm của mình một cách thực tế hơn, bằng những lời lẽ quen thuộc nhất đối với quần chúng trình độ thấp, thì đó là một việc. Nhưng nếu một nhà văn nào bắt đầu tuyên truyền cho “chủ nghĩa tạo thần”, hoặc cho chủ nghĩa xã hội tạo thần (theo tinh thần chẳng hạn như của Lu-na-tsác-xki và phe nhóm ở nước ta) thì đó lại là việc khác. Trong trường hợp thứ nhất, việc lên án có thể là một sự bới lông tìm vết, hoặc thậm chí còn là một sự xâm phạm không đúng chỗ đến quyền tự do cổ động, quyền tự do dùng những phương pháp “sư phạm” để tác động quần chúng. Trong trường hợp thứ hai, việc đảng lên án lại càng là một sự cần thiết và bắt buộc. Luận điểm “chủ nghĩa xã hội là một tôn giáo”, đối với những người này là một hình thức quá độ từ tôn giáo sang chủ nghĩa xã hội, còn đối với những người kia, là một hình thức quá độ từ chủ nghĩa xã hội sang tôn giáo(15).
Như vậy, V.I.Lênin đã luận giải, làm sâu sắc thêm, cụ thể hóa nhiều vấn đề liên quan đến tôn giáo và giải quyết vấn đề đảng viên là người có đạo trong chế độ mới, qua đó phát triển lý luận mác xít về tôn giáo lên một tầm mức mới. Với quan điểm đó, V.I.Lênin đã giải quyết thành công vấn đề tôn giáo trong quá trình cách mạng, tập hợp, đoàn kết được đông đảo quần chúng có tôn giáo xung quanh đảng; hạn chế những tác động tiêu cực của các thành kiến tôn giáo; vô hiệu hóa sự lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch, góp phần vào thắng lợi của cách mạng.
2. Vấn đề đảng viên là người có đạo ở nước ta hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo nói chung và đảng viên là người có đạo nói riêng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đem lại những thành quả to lớn trong giải quyết vấn đề tôn giáo. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đề ra chính sách với những nội dung như: tôn trọng tự do tín ngưỡng, đoàn kết lương - giáo, đoàn kết toàn dân; bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào có đạo, giúp đồng bào “phần xác được ấm no, phần hồn được thong dong”; phát huy tinh thần yêu nước, khích lệ, biểu dương những tấm gương sống “tốt đời, đẹp đạo” kết nạp vào Đảng tín đồ, chức sắc tôn giáo; kiên quyết chống lợi dụng tôn giáo vào mục đích xấu. Chính sách đúng đắn đó đã có tác dụng to lớn trong đoàn kết dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho sự thắng lợi của cách mạng. Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX đã có sự tổng kết cô đọng: “Trong cách mạng dân tộc dân chủ, chính sách “tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đoàn kết toàn dân kháng chiến thắng lợi, giành độc lập thống nhất hoàn toàn cho đất nước”(16).
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đã ban hành Quy định 123-QĐ/TW, hướng dẫn số 40-HD/BTCTW về đảng viên là người có đạo. Nhận thức của các cấp ủy, đảng viên về kết nạp đảng viên đối với người có đạo có chuyển biến nhất định; công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú là người có đạo để tạo nguồn phát triển đảng có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu những giá trị tiến bộ trong các lý luận đương đại về tôn giáo, những giá trị phổ quát của nhân loại đạt được trong pháp luật quốc tế về quyền con người, bổ sung, phát triển quan điểm của V.I.Lênin về đảng viên là người có đạo.
Thứ nhất, cần phát triển đảng viên là người có đạo, góp phần thay đổi cơ cấu đội ngũ đảng viên, tăng cường vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên tại những địa bàn có đông đồng bào có đạo; tăng sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, củng cố niềm tin của đồng bào có đạo đối với Đảng.
Thứ hai, đảng viên phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng. Đảng viên là người có đạo cần được phân công làm công tác vận động quần chúng có đạo cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ chính trị, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, cùng làm tốt công tác xã hội từ thiện, thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú; tuyên truyền, giáo dục góp phần giác ngộ tín đồ cảnh giác với những âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Thứ ba, các tín đồ, chức sắc, chức việc tôn giáo sau khi được kết nạp vào Đảng cần thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như vận động đồng bào có đạo và không có đạo thực hiện tốt các phong trào ở địa bàn, xây dựng khối đại đoàn kết ở cơ sở.
Thứ tư, phát triển quan điểm của V.I.Lênin coi tôn giáo là việc tư nhân, sinh hoạt tôn giáo là việc cá nhân. Nhưng không được dùng, sử dụng những phương tiện truyền thông, những không gian công cộng, những nguồn lực của nhà nước để gián tiếp tuyên truyền cho tôn giáo.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 2-2020
(1), (3), (4), (5), (6), (7), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15) V.I.Lênin: Toàn tập, t.17, Nxb Tiến bộ Mátxcơva 1979, tr.517, 519, 517, 510-511, 511, 523-524, 560, 518-519, 528-529, 519, 520, 532, 171.
(2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.37, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.221.
(8) V.I.Lênin: Toàn tập, t.12, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.170-171.
(16) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.45.
TS Đào Đình Thưởng
Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bài liên quan
- Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý phát triển xã hội và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay
- Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền
- Chỉ dẫn của V.I.Lênin về Nhà nước trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng và sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay
- Đôi nét về triết học ngoài mác-xít hiện đại
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 56: Dấu ấn về mùa thu lịch sử
- 2 Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đánh giá và giải pháp, kiến nghị
- 3 Giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa - góc nhìn từ thực tiễn thành phố Hà Nội hiện nay
- 4 Toàn văn phát biểu của đồng chí Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất
- 5 Tổ chức hoạt động truyền thông tại một số công ty du lịch vừa và nhỏ tại Việt Nam: Những hạn chế, thách thức và giải pháp
- 6 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kỷ niệm 75 năm truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Môi trường pháp lý cho đội ngũ truyền thông chính sách ở Việt Nam hiện nay
Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác này ngày càng được chú trọng, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách. Qua truyền thông, người dân không chỉ nhận thức đúng về chính sách, đồng thuận với Nhà nước trong thực hiện chính sách, mà còn tham gia phản biện, góp ý bổ sung, hoàn thiện chính sách… Có được kết quả như vậy là nhờ một phần quan trọng của đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa năng lực của đội ngũ này, cần có môi trường pháp lý phù hợp hơn để các nhà truyền thông chính sách nỗ lực, trách nhiệm và sáng tạo hơn.
Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý phát triển xã hội và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay
Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý phát triển xã hội và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay
Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, mặc dù không để lại những tác phẩm chuyên nghiên cứu về quản lý phát triển xã hội, nhưng qua các tác phẩm về kinh tế - chính trị, chính trị - xã hội của các ông, có thể rút ra những luận điểm cơ bản về quản lý phát triển xã hội. Các luận điểm này giúp các nhà quản lý xã hội thấy được bức tranh toàn cảnh xã hội một cách duy vật, cụ thể, với tính cách là kết quả hoạt động thực tiễn xã hội của con người.
Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền
Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền
Sau khi hai tác phẩm kinh điển “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu và “Bàn về khế ước xã hội” của Rousseau chuyển bị về mặt lý luận cho Cách mạng dân chủ tư sản Pháp ra đời người ta thường nói đến thuộc tính pháp quyền gắn liền với nền dân chủ tư sản, người ta nói đến nhà nước pháp quyền tư sản, hệ thống dân chủ tư sản. Đến chủ nghĩa xã hội thì thuộc tính pháp quyền này lại ít được nhắc đến. Liệu chủ nghĩa xã hội có mang thuộc tính pháp quyền hay không và thuộc tính pháp quyền này khác với thuộc tính pháp quyên dân chủ tư sản như thế nào?
Chỉ dẫn của V.I.Lênin về Nhà nước trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng và sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Chỉ dẫn của V.I.Lênin về Nhà nước trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng và sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng, lần đầu tiên vấn đề nhà nước được V.I.Lênin trình bày một cách có hệ thống. Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm là đã làm sáng tỏ tính quy luật trong sự sinh thành, vận động và phát triển, đưa ra những dự báo khoa học về xu hướng và điều kiện về sự tự tiêu vong của nhà nước trong tiến trình tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị khoa học, cách mạng và tính thời sự. Trong tình hình hiện nay, nắm vững thực chất và vận dụng tư tưởng của tác phẩm là cơ sở vững chắc để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay
Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vừa là nhiệm vụ thường xuyên, vừa là công việc lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp bởi “đấu tranh chính trị là hình thức đấu tranh cao nhất của giai cấp vô sản”(1). Bài viết nghiên cứu tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, phân tích ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc và vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng ở nước ta hiện nay.
Bình luận