Đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trong văn học - nghệ thuật
Lấy thời điểm mùa xuân năm 1947, khi G.Kenan từ sứ quán Mỹ tại Liên Xô gửi về Oasinhtơn bức điện dài hơn 8.000 từ để đề xuất chiến lược “ngăn chặn” với ý kiến: “Không thể chỉ phòng thủ mà phải chọn thời cơ thích hợp nhất xuất hiện để tăng thêm áp lực đối với Liên Xô, thông qua những biện pháp để thúc đẩy một xu thế nào đó, xu thế cuối cùng tất nhiên sẽ dẫn đến sự tan rã hoặc dần dần suy yếu của chính quyền Xô viết” làm thời điểm ra đời thì đến nay, “diễn biến hoà bình” đã có lịch sử hơn nửa thế kỷ. Và nếu còn sống, G.Kenan, và cả A.Dalet sau này, hẳn cũng không thể ngờ rằng cái chiến lược do họ khởi xướng này đã phát triển, đã chứng tỏ được tính hiệu quả của nó như thế nào; bởi sau hơn 50 năm, chiến lược ấy vẫn được coi là một công cụ hữu hiệu trong khi “tấn công” vào những chế độ xã hội, vào những quốc gia không chịu nằm trong sự chi phối của các “giá trị Mỹ”.
Trên phạm vi thế giới, hơn mười năm trước, không một tiếng súng, nhân loại đã chứng kiến sự “chuyển hoá hoà bình” ở nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh nhất vì sự thối ruỗng từ bên trong đã không thể cung cấp cho nó một sức đề kháng đủ để chống lại những “virút lạ” được cố tình tiêm chích vào cơ thể xã hội. Sự suy sụp về kinh tế, sự nhiễu loạn về tư tưởng và các giá trị xã hội, cuối cùng đã làm được điều mà hàng trăm tỷ USD đã không làm được. Hôm nay, “diễn biến hoà bình” vẫn tiếp tục chĩa “họng súng vô hình” của nó vào các quốc gia đang tiếp tục lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa và kiên quyết giữ vững độc lập dân tộc. Đồng thời, “diễn biến hoà bình” cũng có sự điều chỉnh để thích nghi, khi đi từ chiến lược “kiềm chế” đến chiến lược “mở rộng” và hai thứ vũ khí kinh tế, văn hoá được ngụy trang dưới chiêu bài “tự do hoá về kinh tế”, “dân chủ hoá về chính trị” đang là nguy cơ trực tiếp, không chỉ đe dọa mà thực sự chứa đựng những khả năng làm biến chất, làm thay đổi một chế độ xã hội. Bên cạnh đó, cái chết của “chiến tranh lạnh” và cơn lốc quay cuồng của những tham vọng chính trị – kinh tế đã đẩy nhân loại vào tình thế phải đối mặt với những vấn đề toàn cầu mới. Xung đột tôn giáo, xung đột sắc tộc cùng với sự mất thăng bằng trong tư duy văn hoá... đã gây nên những cảnh “nồi da nấu thịt”, “huynh đệ tương tàn” ở không ít quốc gia. Rồi nhạc Pop và nhạc Rock, quần bò Levis và CocaCola, Video và Hollywood... tất cả đã tạo nên một làn sóng tràn ngập thế giới trong xu thế siêu quốc gia, bất chấp những biên giới địa lý, bất chấp những bản sắc văn hoá dân tộc.
Trong lịch sử loài người, mọi cuộc chiến tranh xâm lược dù ở phương Đông hay phương Tây cũng đều có chung một tình trạng: sức mạnh quân sự chỉ là đột phá khẩu còn sức mạnh văn hoá mới là yếu tố bảo đảm cho quá trình xâm lược hoàn tất. Vì xâm chiếm lãnh thổ chỉ thật sự có ý nghĩa khi làm cho dân tộc bị xâm lược phải từ bỏ văn hoá riêng của mình và đi theo văn hoá do người khác áp đặt. Để làm điều này, vô số các thủ đoạn đã được thực thi. Và nhìn chung, các biện pháp cưỡng bức bạo lực tỏ ra kém hiệu quả, nên xâm lăng quân sự thường đồng thời là xâm lăng văn hoá. Do vậy không ít dân tộc đã bị đẩy vào một quá trình suy thoái văn hoá, buộc phải đi từ chỗ mai một đến chỗ đánh mất các giá trị văn hoá nội sinh, cuối cùng là bị thủ tiêu tư cách chủ thể văn hoá chính ngay trên tổ quốc mình. Và chỉ dân tộc nào có nội lực văn hoá mạnh mẽ, có ý thức tự chủ, có bản lĩnh và lòng tự tôn... mới tạo dựng được khả năng vượt qua sự “bức tử văn hoá” từ bên ngoài.
Chúng ta đã biết, văn hoá không chỉ là nền tảng để phát triển dân tộc, văn hoá đồng thời là công cụ, nếu không nói là công cụ quan trọng nhất, để bảo vệ dân tộc. Một dân tộc có thể mất tổ quốc, song nếu dân tộc ấy giữ gìn được văn hoá thì vẫn còn khả năng để giành độc lập, còn nếu một dân tộc bị nước ngoài lũng đoạn về văn hoá thì dân tộc đó sẽ mất tất cả. Nên không ngẫu nhiên “diễn biến hoà bình” lại coi văn hoá là trọng điểm tấn công nhằm làm băng hoại, đẩy tới sự vận hành ra ngoài quỹ đạo định hướng chính trị của một xã hội. Từ đó, nếu không tạo ra tình trạng “tự phân huỷ”, “tự tan vỡ” của một chế độ thì cũng tạo ra “chứng cớ” khơi nguồn cho một cuộc can thiệp quân sự. Với “diễn biến hoà bình”, về đại thể, ít nhất có thể nhận thấy cuộc “tấn công” văn hoá diễn ra trên hai bình diện: Một là, thủ đoạn gây nên tình trạng “tự diễn biến văn hoá” theo các giá trị văn hoá phương Tây, từ đó nảy sinh và làm trầm trọng xu hướng “tự diễn biến về chính trị”. Hai là, thủ đoạn sử dụng văn minh vật chất và truyền bá thông tin đơn hướng, một chiều với mục đích gây hoang mang, lẫn lộn thật – giả, không phân biệt được đúng – sai, làm mất phương hướng trong hành động xã hội, trong tâm lý cộng đồng, làm con người xa rời lý tưởng. Như một nhà nghiên cứu Trung Hoa từng nhận xét các thủ đoạn trên là “mũi dao thọc sâu vào vương quốc tinh thần” và “thâm nhập văn hoá thực chất là thâm nhập về tâm lý mang mục đích chiến lược”. Với lợi thế hơn hẳn về sản phẩm hàng hoá và hệ thống thông tin nghe nhìn, bằng văn hoá, “diễn biến hoà bình” thẩm thấu vào các giá trị xã hội, vào lối sống dân tộc làm con người sao nhãng nghĩa vụ, khơi dậy những bản năng còn tiềm ẩn, quyến rũ họ chạy theo lạc thú, chạy theo những lợi ích vật chất mà quay lưng với truyền thống, khô cạn tình người, lấy văn minh phương Tây làm mục đích và quên đi tấm “căn cước văn hoá dân tộc”. Từ những giao động mơ hồ đến ý thức chống đối, đó là lộ trình, là kịch bản của một cuộc tấn công văn hoá trong thời hiện đại. Trong thực tế, “diễn biến hoà bình” về cơ bản là chiến lược “mưa dầm thấm lâu” song nếu có thời cơ nó cũng không bỏ lỡ, Do đó, chúng ta sẽ phải trả giá đắt nếu không đánh giá đúng và không có phương án chống lại.
Suốt mấy chục năm, sau thất bại của cuộc chiến tranh xâm lược đối với nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa bằng lực lượng quân sự, các thế lực thù địch vẫn hoặc âm thầm hoặc rùm beng, tiếp tục triển khai “diễn biến hoà bình” trong bối cảnh chúng ta bước đầu làm quen với kinh tế thị trường và mở cửa giao lưu kinh tế, giao lưu văn hoá đang hướng chúng ta tới những triển vọng thực tế, song cũng đưa tới những tác động mà văn hoá dân tộc hàng ngàn năm nay chưa tiếp xúc. Những vấn đề tôn giáo và dân tộc, những giá trị thẩm mỹ và đạo đức... đang đứng trước những thử thách sinh tử có nguồn gốc từ một cuộc xâm nhập văn hoá kiểu mới. Đánh vào lòng người – chiến thuật “tâm công” sở trường của phương Đông, được “diễn biến hoà bình” lợi dụng triệt để, thông qua những phương tiện mới. Mùi vị hấp dẫn của “văn hoá đại chúng” theo kiểu phương Tây làm cho con người dễ đánh mất mình, xa rời cộng đồng, tha hoá và phản bội, bột phát những hành vi phá vỡ những nền tảng tinh thần của xã hội. Tuy nhiên, “tấn công” văn hoá không dễ nhận thấy trong sinh hoạt đời thường, nên đôi khi, nếu chỉ căn cứ vào diện mạo bên ngoài, người trong cuộc sẽ rất dễ bỏ qua. Ví như việc người ta phê phán, bác bỏ khái niệm “chế độ toàn trị” chẳng hạn. Thoạt nghe, đây là một khái niệm khá “lạ tai”, nhưng nếu khảo sát kỹ lưỡng sẽ nhận thấy “chế độ toàn trị” mang trong nó những nội hàm của chính khái niệm “chuyên chính vô sản”. Đặc biệt, trong bối cảnh những liên hệ toàn cầu đã trở thành một trong những nguyên tắc sinh tồn của các dân tộc và khi ý thức về tính nhân loại phổ biến đã có bước phát triển, những biện pháp kỹ thuật của “diễn biến hoà bình” trước đây thường được triển khai khá lặng lẽ thì nay đã trở nên công khai, lộ liễu với các hình thức tinh vi, để gây ra tình trạng nghiện ngập thái quá, một sự mê hoặc bằng những liều “ma tuý tinh thần”,... qua đó tạo ra hình ảnh méo mó của một dân tộc trước cộng đồng nhân loại. Nhìn vào thực trạng văn hoá, trong số trường hợp, chúng ta thấy văn minh vật chất và “phương tiện nghe - nhìn đen” đã đóng góp vai trò rất lớn trong việc làm đảo lộn nếp sống, phá rối hệ thống chuẩn mực đạo đức, đảo lộn lối tư duy và phong cách ứng xử giữa người với người. Lại nữa là sự lên ngôi của đồng tiền cùng sức ép của đô thị hoá đang đè nặng lên các giá trị gia đình truyền thống. Với khu vực thành thị, hiện tại nhiều gia đình đã không đóng nổi vai trò nuôi dưỡng và là bệ phóng tinh thần của thế hệ trẻ. Với khu vực nông thôn, sức cám dỗ của thành thị thu hút thành phần lao động chủ yếu của nó, đồng thời ở đó đã xuất hiện những hiện tượng vốn xa lạ với truyền thống làng xã. Làm giàu và làm giàu bằng mọi giá trở thành mục đích sống của nhiều cá nhân. “Hội chứng vô cảm” không còn là một báo động giả, nó đang sừng sững giữa chúng ta – những con người từ xa xưa đã quen lá lành đùm lá rách, chị ngã em nâng. Ly hôn và nghiện ngập, mại dâm và AIDS, người già cô đơn và trẻ em cơ nhỡ, mê tín dị đoan và các trò ma thuật, tình trạng bạo lực và sự hoành hành của “cái ác”... hoàn toàn có thể trở thành những nguy cơ phá vỡ trật tự ổn định của xã hội.
Xét đến cùng, những đòn “ngoại kích” của “diễn biến hoà bình” chỉ có thể thành công khi nó có sự phối hợp của yếu tố “nội công”. Cho nên có thể nói thách thức lớn nhất của “diễn biến hoà bình” trong văn hoá là “chiến lược giành dân”, trước hết là thông qua phương tiện nghe – nhìn. Trong thời đại hệ thống thống thông tin đã phủ sóng trên phạm vi thế giới, có khả năng len lỏi vào tận giường ngủ của từng gia đình thì nó cũng bị người ta sử dụng nhằm lung lạc tư tưởng và ý chí dân tộc. M.V.Llosa coi đây là “một trận chiến văn hoá”. Đối với Việt Nam, thiết nghĩ con số 49 đài phát thanh bằng tiếng Việt hoặc có chương trình tiếng Việt, 82 nhà xuất bản và khoảng 400 tờ báo và tạp chí ở hải ngoại hiển nhiên không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của 2 triệu người Việt ở nước ngoài. Con số đó buộc chúng ta phải tính đến, nhất là khi hệ thống thông tin đại chúng ngày nay còn được bổ sung một công cụ truyền tải hấp dẫn, mang tính toàn cầu là mạng Internet. Hơn ba mươi năm trước, chúng ta từng chiến thắng những trận bom Mỹ từ trên trời trút xuống, và làm nên chiến công lịch sử “Điện Biên phủ trên không”, nhưng hôm nay từ trên trời không phải là những trái bom chứa TNT mà là những “quả bom thông tin” từ vệ tinh viễn thông người ta đang trút các chương trình truyền hình và làn sóng phát thanh với đủ loại giọng điệu tuyên truyền trắng, xám, đen. “Cuộc tấn công từ trên trời” bằng văn hoá thật sự đã tạo ra tình huống buộc chúng ta phải chống lại trong cả thời gian và không gian mà cuộc tự vệ văn hoá lúc này đa diện hơn, đa dạng hơn và cũng phức tạp hơn trước kia nhiều.
Trong chiến lược “diễn biến hoà bình”, có một khu vực lớp tuổi và một loại hình hoạt động xã hội luôn được người ta chú trọng, đó là thế hệ trẻ và hoạt động văn học – nghệ thuật. Đối với Việt Nam, người ta hy vọng sẽ đánh gục ý chí và làm lạc hướng tinh thần của các thế hệ sinh ra sau ngày đất nước thống nhất. Cũng vì đây là bộ phận xã hội thường dễ xốc nổi, dễ chạy theo cám dỗ vật chất và lối sống hưởng thụ, sa đoạ. Còn với văn học – nghệ thuật, phải nói rằng đây là lĩnh vực hết sức nhạy cảm vì nó liên quan trực tiếp với đời sống tinh thần hàng ngày của con người. Những “giá trị”, những “ý nghĩa” mà “diễn biến hoà bình” hy vọng sẽ truyền bá trong các tác phẩm văn học – nghệ thuật, trong các luận điểm về xã hội – con người, thường được che đậy một cách tinh vi và khéo léo dưới vỏ bọc của những sự kiện oan trái, bất công... được phóng đại lên nhiều lần, và vốn thường được nhiều người cảm thụ một cách trực tiếp và cảm tính, thiếu sự chỉ đạo của lý trí.
Quan sát, suy ngẫm, lý giải về một hiện tượng, một số diễn biến, thiết nghĩ đã đến lúc phải đặt câu hỏi rằng dường như trong đời sống tinh thần của xã hội chúng ta đang có một số chuyển động, dù tự phát hay tự giác, thì vẫn rất đáng lo ngại? Nếu trong sinh hoạt xã hội, có một số người tỏ ra vô cảm trước cái “ác”, cái “xấu”, thì trên hệ thống thông tin đại chúng, chúng ta thấy còn thiếu vắng những ý kiến phân tích, phê phán hay cảnh báo của các học giả, các nhà nghiên cứu... về những hiện tượng và xu hướng tiêu cực trong hoạt động tinh thần, về một số luận điểm văn học – nghệ thuật cóp nhặt từ nước ngoài truyền bá về trong nước. Cũng đã có một số bài vở đấu tranh với “diễn biến hoà bình” được đăng trên báo chí, nhưng thường chung chung, có tính “thời vụ”, nặng về lý luận, tính thuyết phục chưa cao. Tình trạng này chỉ có thể giải thích trên hai phương diện: Hoặc là phải chăng chúng ta chưa có, chưa xây dựng được đội ngũ chuyên gia có trình độ học thuật, có sự trải nghiệm, cũng như có năng lực sắc sảo và nhạy bén để phát hiện, nhận diện và chỉ rõ bản chất của các hiện tượng có liên quan với “diễn biến hoà bình”? Hoặc là phải chăng đã xuất hiện hiện tượng “mũ ni che tai”, thờ ơ, lảng tránh khi đề cập tới “diễn biến hoà bình” trong những người lao động trí óc của xã hội? Những câu hỏi trên đây là có cơ sở. Bởi mỗi khi có một tác phẩm văn học - nghệ thuật hay một luận điểm về văn học - nghệ thuật “bị” dư luận chính thống phê phán thì lại có một nhóm tác giả chuyên đứng ra bênh vực và nếu không đăng tải được ý kiến ở trong nước thì họ chuyển ra các diễn đàn ở nước ngoài. Bởi sau khi một trang web của người Việt ở hải ngoại đã thu hút được một số lượng công chúng nhất định thì chúng ta mới đặt vấn đề sử dụng “bức tường lửa”. Bởi người ta công kích, phủ nhận một cách vô lối thành quả nghiên cứu của một nhà khoa học trong nước thì đa số những người từng tự hào là học trò của ông lại im hơi lặng tiếng, không đứng ra bảo vệ uy tín của thầy. Bởi khi ở hải ngoại, một nhà nghiên cứu văn học cho rằng thơ Việt Nam thời kỳ 1945 - 1955 chỉ là “vệt kéo dài của thơ mới” và thơ chỉ có bước phát triển với nhóm Sáng tạo của Thanh Tâm Tuyền ở miền Nam thì ngay sau đó, một tác giả khác đã nhanh chóng truyền bá luận điểm này trên báo chí trong nước và duy nhất chỉ có Trần Mạnh Hảo lên tiếng phản đối, tuy Trần Mạnh Hảo chưa biết đây là ý kiến “thuổng” từ hải ngoại. Gần đây ở Ôxtrâylia, có người coi tình trạng của lý luận - phê bình văn học ở Việt Nam là kết quả làm việc của “những nhà phê bình” thì lập tức trên một tờ báo trong nước có tác giả khi bàn về phê bình văn học đã đề cập tới những “anh mù cầm gậy”... Đó là chưa nói, trong khi có nhà nghiên cứu trong nước được người ta tài trợ để nghiên cứu văn học Việt Nam ở hải ngoại, có người về nghiên cứu để viết cuốn sách có các tiêu đề như: “Bệnh cuồng tín... Văn hóa Xin, văn hóa Lạy, văn hoá Bác... Văn hoá Thủ, văn hoá Phá, văn hoá Chửi”
Tức là hiện tại đã nảy sinh những vấn đề phức tạp và không kém tế nhị trong khi mở cửa để hội nhập. Tức là đã xuất hiện những tình huống xã hội - tinh thần cần phải được phân tích thấu đáo để tìm ra các giải pháp khả thi, chứ không dừng lại ở những kế hoạch,chủ trương thường được quán triệt ở các cấp lãnh đạo mà chưa đến được với công chúng rộng rãi, và chưa trở thành một nhận thức thường trực, chưa đưa tới sự ra đời của ý thức tự giác. Để tìm ra giải pháp khả thi, chúng tôi cho rằng, ngoài việc khảo sát, phân tích, xác định những nguyên nhân khách quan chủ quan để giúp vào sự điều chỉnh, đấu tranh tư tưởng, đấu tranh lý luận phải đạt tới một “tầm vóc” tri thức nhất định, vì bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ trong cuộc đấu tranh chống lại các luận điệu “phản tuyên truyền” cần mang tính trí tuệ, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn, có tính thuyết phục, và không cứng nhắc, khuôn sáo, cũ mòn. Chúng ta không thể chiến thắng trong cuộc đấu tranh trên mạng Internet nếu thiếu khả năng sử dụng Internet, hoặc quan niệm rằng Internet chỉ chứa những sản phẩm độc hại, trong khi chính nó - Internet hiện đang trở thành một “món ăn tinh thần” quan trọng của lớp trẻ và cùng với báo “hình”, báo “viết”, báo “nói”, báo “mạng” đã là bộ phận cấu thành, tỏ ra rất có hiệu năng của hệ thống thông tin đại chúng. Cần tiến hành một cách có tổ chức và đồng bộ giữa các thành viên trong hệ thống báo chí để thống nhất hành động, tránh tình trạng đơn độc như đã từng xảy ra với một vài tờ báo và tạp chí trong khi đấu tranh các luận điểm đối lập với lợi ích dân tộc. Có thể chúng ta không đình chỉ phát hành những cuốn sách vi phạm Luật xuất bản sau khi chúng đã được in ấn, mà phải giải quyết triệt để từ công đoạn biên tập, cấp giấy phép xuất bản, với yêu cầu về ý thức trách nhiệm và nguyên tắc thưởng phạt nghiêm minh? Vì thực tế cho thấy, việc đình chỉ phát hành một cuốn sách nào đó thường gây nên những tiếng xì xào không đáng có, kích thích công chúng tò mò tìm đọc, đồng thời còn “tạo cớ” để người ta lợi dụng, vu khống. Cần điều chỉnh mối quan hệ giữa yêu cầu mang tính thương mại của báo chí với sự lành mạnh của thông tin và vai trò nhận thức, giáo dục đối với công chúng. Vì một ngày báo chí còn tập trung khai thác những “vụ, việc” giật gân để câu khách, một ngày báo chí chỉ quan tâm tới số lượng phát hành mà xem nhẹ chất lượng thông tin thì ngày đó báo chí còn là “con dao hai lưỡi”, mà một “lưỡi” có khả năng mổ xẻ và phê phán các hiện tượng tiêu cực, một “lưỡi” lại đẩy đến khả năng cắt đứt mối liên hệ tinh thần của công chúng với các giá trị Chân - thiện - mỹ...
Cách đây một thế kỷ, sau khi người Pháp hoàn tất cuộc xâm lược Việt Nam, văn hoá Việt Nam đã trải qua một lần “đứt gẫy” rất quan trọng, song từ đó người Việt được mở rộng tầm nhìn, được tiếp xúc rộng rãi với văn hoá - văn minh nhân loại, và quan trọng hơn, là đã tự ý thức được sự cần thiết phải phát triển chủ nghĩa yêu nước sao cho có thể phù hợp và đáp ứng được những yêu cầu mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau gần 100 năm, lịch sử hình như được lặp lại nhưng ở một trình độ cao và văn hoá Việt Nam lại bước vào một thời kỳ “đứt gẫy” cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI lại đồng nghĩa với việc phải đối mặt với nhiều thách thức hơn và diễn ra trong điều kiện tình hình thế giới phức tạp hơn. Chúng ta đã vượt qua nhiều thử thách đầy máu và nước mắt trong thế kỷ XX, chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua những thử thách trong thế kỷ này, song điều đó không thể khẳng định một cách duy ý chí, mà phải được khẳng định trên cơ sở một phương pháp luận khoa học, từ một chiến lược sáng suốt và tỉnh táo, phù hợp với quy luật phát triển tất yếu, khách quan của sự vận động phát triển. Trong điều kiện như vậy, để chiến thắng trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hoà bình” nói chung và “diễn biến hoà bình” trong văn học - nghệ thuật nói riêng, cần hoạch định một chiến lược nhất quán, cụ thể, hình thành trên nền tảng những nghiên cứu nghiêm túc, và được vận dụng chủ động, linh hoạt kiên quyết nhưng mềm dẻo vào thực tiễn cuộc sống; qua đó vừa tăng cường sức “đề kháng” của xã hội, vừa củng cố niềm tin của công chúng rộng rãi. Và cuối cùng, dẫu thế nào thì câu trả lời thuyết phục nhất của chúng ta đối với mọi luận điệu xuyên tạc, vu khống, bôi đen... là phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.
____________________________
Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 1 (tháng 1+2)/2005
Nguyễn Hòa
Bài liên quan
- Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
- Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
- Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
- Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
- Vai trò của biên tập và yêu cầu luật hóa quy trình biên tập xuất bản hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Bài viết nghiên cứu về tác động của truyền thông xã hội đối với hoạt động báo chí hiện nay, tập trung vào sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, phân phối tin tức và cấu trúc nội dung báo chí. Truyền thông xã hội đã trở thành một nguồn tin phong phú, đa chiều và nhanh chóng, làm thay đổi đáng kể cách thức thu thập và truyền tải thông tin. Tuy nhiên, tính xác thực của nguồn tin mạng xã hội vẫn là một thách thức, đòi hỏi báo chí phải chú trọng vào việc kiểm chứng và phản hồi thông tin một cách chính xác. Trên tinh thần đó, bài viết đề xuất báo chí cần phát triển nội dung chất lượng cao, tăng cường kỹ năng công nghệ số của phóng viên và xây dựng các nền tảng số riêng để giảm sự phụ thuộc vào truyền thông xã hội, đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy trong kỷ nguyên số.
Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
Báo chí là kênh giữ vai trò chủ đạo trong việc định hướng dư luận xã hội, bác bỏ và ngăn chặn các dòng thông tin sai lệch, đặc biệt là tin giả từ mạng xã hội. Mỗi nhà báo là một chiến sĩ, vừa có nhiệm vụ truyền tải, dẫn dắt dòng thông tin thời sự đúng đắn, chính xác, bổ ích cho công chúng, vừa đấu tranh chống lại những tác động tiêu cực của tin giả, lành mạnh hóa môi trường thông tin.
Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
(LLCT&TT) Mạng xã hội phát triển đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Khi cộng đồng mạng xã hội lớn mạnh cũng trở thành một “thế giới thu nhỏ”, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển thương hiệu của mình. Bên cạnh những ưu việt mà mạng xã hội mang lại cho thương hiệu như: gia tăng nhận thức về thương hiệu, tiết kiệm chi phí truyền thông, giúp khách hàng dễ dàng tương tác với thương hiệu hơn, thì việc quản trị danh tiếng thương hiệu trên mạng xã hội đang là vấn đề cấp thiết thu hút sự chú ý của nhiều nhà quản trị chiến lược truyền thông hiện đại. Bài viết này sẽ cung cấp những vấn đề lý luận cơ bản như khái niệm thương hiệu, tài sản thương hiệu cũng như hoạt động quản trị thương hiệu doanh nghiệp trực tuyến.
Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
(LLCT&TT) Báo chí là loại hình phương tiện truyền thông đại chúng vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Vai trò, tầm quan trọng của báo chí không chỉ là phản ánh đời sống xã hội qua việc thông tin nhanh nhất, chân thực nhất những vấn đề mang tính thời sự trong nước và quốc tế, là việc định hướng thông tin và dư luận xã hội mà còn có vai trò giám sát và phản biện xã hội. Trong bối cảnh đất nước ta đang đổi mới và hội nhập quốc tế mạnh mẽ để phát triển thì vai trò của báo chí trong việc thông tin, định hướng thông tin và giám sát, phản biện xã hội càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bài viết góp phần làm sáng tỏ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn của báo chí trong việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội như là một phương tiện, phương thức phát huy dân chủ XHCN và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong bối cảnh mới.
Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
(LLCT&TT) Khoa học công nghệ phát triển đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, thay đổi thói quen, điều kiện tiếp nhận thông tin của công chúng và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của báo chí. Sự thay đổi của báo chí trong môi trường số đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đào tạo nhà báo tại các cơ sở đào tạo báo chí chuyên nghiệp. Yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở đào tạo báo chí là không chỉ tạo nguồn nhân lực báo chí thích ứng với yêu cầu mới mà còn đặt nền tảng để nguồn nhân lực thích ứng trong thời gian dài hơn do bối cảnh công nghệ thay đổi và phát triển rất nhanh.
Bình luận