(LLCT&TT) Với sự kết hợp của bốn công nghệ: điện toán đám mây, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số đang đem đến những cơ hội phát triển vượt bậc cho xã hội hậu công nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng dẫn đến những thách thức đối với việc quản lý điều hành và đảm bảo an ninh quốc gia. Những tác động của chuyển đổi số đến việc đảm bảo an ninh tư tưởng của Đảng; đề xuất những giải pháp đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh chuyển đổi số nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đưa đất nước phát triển ổn định và bền vững là những nội dung được đề cập trong bài viết.
Chuyển đổi số là một khái niệm còn mơ hồ với nhiều định nghĩa và cách hiểu. Một số nghiên cứu cho rằng, chuyển đổi số là sự hợp lưu của các công nghệ: điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) khi ứng dụng trong các khía cạnh của các doanh nghiệp/tổ chức. Quan niệm khác cho rằng đó là sức mạnh của việc sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình và cách thức hoạt động doanh nghiệp nhằm tạo ra giá trị kinh tế. Nhìn chung, chuyển đổi số có thể được hiểu là việc ứng dụng công nghệ số và các phân tích dữ liệu nâng cao để thay đổi toàn bộ cách thức hoạt động của doanh nghiệp/tổ chức nhằm tối ưu hiệu quả và tạo ra giá trị mới. Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ đơn giản là sự nâng cấp các thế hệ công nghệ mới, hay số hóa, mà chuyển đổi số là một quá trình sử dụng các công nghệ đột phá như điện toán đám mây, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, để phân tích, biến đổi các dữ liệu đã được số hóa để tối ưu hóa hoạt động và hiệu suất công việc.
Trong giai đoạn hiện nay, loài người chúng ta đang chứng kiến những tác động mạnh mẽ của chuyển đổi số lên tất cả các lĩnh vực của các doanh nghiệp/tổ chức với sự ra đời của các công ty như Amazon, Google, Ebay, Netfix. Spotity… các ngành dịch vụ vận chuyển như Uber, Grap, các loại hình giao dịch kỹ thuật số như OpenTapl. Chuyển đổi số cũng gõ cửa hàng loạt các lĩnh vực khác như ứng dụng dữ liệu lớn vào dịch vụ tài chính, quản lý đầu tư, bán lẻ và thanh toán trong tài chính ngân hàng, sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm cải thiện chi phí, năng suất, hiệu quả trong cơ khí, điện lực hay chăm sóc y tế…
Có thể nói rằng, không có một doanh nghiệp hay cơ quan chính phủ nào nằm ngoài xu thế của chuyển đổi số. Đơn cử như việc lưu trữ dữ liệu của một cơ quan chính phủ, để đảm bảo việc thu thập, quản lý thông tin theo thời gian, sự phát triển của công nghệ lưu trữ thông tin cho phép người ta sử dụng những con chip có thể xử lý được dãy số nhị phân 64-bit với tốc độ 15.7 ngàn tỷ phép tính một giây, cùng với sự xuất hiện của dịch vụ điện toán đám mây co giãn do các công ty AWS, Azure, IBM… cung cấp đã thay thế cho việc sử dụng giấy tờ, sổ sách hay thẻ đục lỗ ra đời vào năm 1970, chúng ta sẽ không bị giới hạn khi lưu trữ thông tin và gặp khó khăn khi tra cứu dữ liệu. Những thay đổi mang tính chất cách mạng đang diễn ra ở nhiều cơ quan chính phủ của các nước trên thế giới. Bộ Quốc phòng Mỹ đã đầu tư hàng chục triệu đô la vào cơ quan đổi mới sáng tạo Quốc phòng để tăng cường sự kết nối với thung lũng Silicon và lĩnh vực công nghệ.
Chính phủ các quốc gia châu Âu cũng tăng cường sử dụng dữ liệu lớn vào lĩnh vực quản lý công, các nỗ lực này diễn ra trên hầu hết các hoạt động như quản lý trả lương hưu, thu thuế, ghi dữ liệu giao thông, ban hành các văn bản chính thức… Nhận thức rõ ưu thế cũng như những tác động mãnh liệt của chuyển đổi số, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương nhanh chóng đón nhận và bắt kịp để tạo ra cơ hội, lợi thế cạnh tranh cũng như sự lớn mạnh của đất nước trong tương lai. Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Báo cáo Chính trị về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 đã xác định rõ mục tiêu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 3.6.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 nêu rõ chủ trương xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia không chỉ dừng lại ở mức độ nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, kinh tế số chiếm 30% GDP, gia tăng tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực, mà quan trọng hơn là đưa Việt Nam trở thành một trong 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng. Để đạt được mục tiêu đó, cần xác định việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ then chốt trong kiến tạo nền móng chuyển đổi số.
Những thập kỷ gần đây, tác động của chuyển đổi số đối với xã hội ngày càng mạnh mẽ, không thể tưởng tượng cuộc sống hàng ngày sẽ diễn ra như thế nào nếu như chúng ta không sử dụng các tiện ích của công nghệ số. Phần lớn mọi người đều làm việc với máy tính và kiểm tra thiết bị di dộng của họ nhiều lần mỗi ngày, các hoạt động mua sắm, giao lưu, tìm kiếm cơ hội việc làm, hợp tác phát triển diễn ra trên không gian mạng ngày càng tăng, các cuộc trò chuyện trên các ứng dụng như Messenger, Snapchat, Zalo… trở nên phổ biến, các thông tin trên các mạng xã hội như Tweet, Facebook, Tictok, Doyin… là một phần không thể thiếu trong đời sống của mỗi cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận, cần phải thấy rằng thông tin trên mạng xã hội như hình ảnh, bài đăng, clip, cuộc trò chuyện… đều có thể tác động đến sự thật, lòng tin, hành vi và cuộc sống của mỗi cá nhân.
Sự kết nối chặt chẽ giữa con người và các phương tiện kỹ thuật số trong xã hội hiện đại đã làm giảm mức độ tương tác với những người xung quanh và hạn chế sự liên hệ với cuộc sống thực. Mọi tìm kiếm đều có sẵn trên Internet, mỗi cú nhấp chuột là một lượng thông tin lớn được truyền tải đến người dùng, trong đó không thiếu những thông tin xấu, độc hại, xuyên tạc. Nhu cầu truy cập, tìm kiếm mỗi ngày càng lớn, sự kết nối với cuộc sống thực, với mọi người xung quanh ngày càng giảm, dẫn đến khả năng nhận biết và sàng lọc thông tin sẽ bị hạn chế, điều này tạo cơ hội cho các tổ chức, thế lực thù địch lợi dụng tấn công vào an ninh tư tưởng, làm suy yếu niềm tin của nhân dân theo nhiều cách khác nhau và dễ dàng hơn.
Nhận diện và đấu tranh với những thủ đoạn của thế lực phản động lợi dụng các phương tiện kỹ thuật số để tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng là một yêu cầu then chốt của nhiệm vụ xây dựng đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số. Sự phát triển của công nghệ hiện đại đã mở ra kỷ nguyên thông tin với nhiều tiện ích không thể phủ nhận của các phương tiện kỹ thuật số như tính mở, tương tác đa chiều, tích hợp đa phương tiện, không hạn chế về không gian, nguồn tin phong phú, đa dạng, dễ truy cập… đã khiến các quốc gia trên thế giới phải nhìn nhận và cẩn trọng hơn về quyền lực chính trị và an ninh quốc gia.
Các quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc đều có các chính sách nhằm xác định những nguy cơ tiềm ẩn và đối phó với các cuộc tấn công, tuyên truyền thông tin sai lệch, thao túng phương tiện truyền thông xã hội nhằm gây ảnh hưởng đến các chính sách và lợi ích an ninh quốc gia của họ. Các cuộc tấn công vào Facebook, Target, Matercard, Adobe, Equachus, JP Morgan Chase, Bộ Ngoại giao Mỹ hay cuộc tấn công vào Văn phòng Quản lý nhân sự Mỹ đánh cắp 21,5 triệu tài liệu trong đó gồm kết quả thẩm vấn nhân thân và hồ sơ tuyệt mật của 4 triệu người ở Mỹ gần đây(1) là một minh chứng rằng bất cứ nước nào cũng phải đối phó với những nguy cơ tiềm tàng về an ninh mạng, an ninh quốc gia.
Là một trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng Internet và mạng xã hội nhanh của thế giới, tính đến tháng 1 năm 2020, nước ta có 68,17 triệu người (chiếm 70% dân số) sử dụng Internet (đứng thứ 12 trên thế giới và thứ 6 châu Á), 65 triệu người (chiếm 67% dân số) sử dụng mạng xã hội, chủ yếu là Facebook (đứng thứ 7 trong số 10 quốc gia sử dụng Facebook nhiều nhất), trong đó đa phần là thanh niên, trí thức trẻ(2), các nguy cơ tấn công vào an ninh tư tưởng, an ninh mạng của nước ta trở nên thường trực hơn.
Tận dụng các ưu thế của không gian mạng, các phương tiện truyền thông cũng như các đặc điểm về người dùng ở nước ta, các thế lực thù địch đã sử dụng hàng loạt các trang tin điện tử, các website, thư điện tử, các ứng dụng Zalo, Messenger, các đài phát thanh tiếng Việt… để tung lên những ấn phẩm, tin tức xấu độc, các hình ảnh giật gân từ các trang tin nước ngoài ngụy tạo thành hình ảnh trong nước chèn vào các nội dung xuyên tạc nhằm mục đích làm suy giảm niềm tin, gây chia rẽ nội bộ, làm mất ổn định chính trị và an ninh tư tưởng ở đất nước ta. Những thủ đoạn của chúng ngày càng diễn ra tinh vi và phức tạp nhằm phủ nhận học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng còn ra sức phủ nhận chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, công kích đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, để thực hiện thành công mưu đồ gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các thế lực thù địch đã tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ cán bộ và đảng viên. Một mặt chúng lợi dụng kết quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm do không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh để xuyên tạc, tuyên truyền, vu cáo là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”, “trả thù cá nhân”, mặt khác chúng bịa đặt, đưa ra những tin tức sai trái về đời tư, tình trạng sức khỏe, nhân phẩm, trình độ, năng lực của cán bộ, đảng viên để gây ra hoang mang, nghi ngại trong nhân dân. Bên cạnh đó, các nguy cơ tấn công đe dọa an ninh mạng cũng là một vấn đề cấp thiết trong bối cảnh chuyển đổi số và đại dịch Covid-19 hiện nay.
Một số nghiên cứu quốc tế đã đề cập đến mối nguy của vũ khí không gian mạng sử dụng công nghệ AI và các phương pháp tiên tiến khiến đối thủ không thể nhận biết, hoặc chỉ thu về tin rác và thông tin sai lệch(3), các cuộc tấn công đánh cắp dữ liệu và khai thác quyền truy cập thông qua các công nghệ mới. Kể từ năm 2020, do dịch bệnh bùng phát, các cơ quan và tổ chức ở nước ta đã phải chuyển đổi sang hình thức làm việc từ xa qua Internet và các phần mềm làm việc trực tuyến. Điều này đã dẫn đến việc những kẻ xấu lợi dụng để khai thác lỗ hổng an ninh, cài virus để đánh cắp thông tin và dữ liệu. Theo số liệu của hệ thống giám sát an ninh mạng của Bkav, cuối tháng 12 năm 2020, nước ta đã ghi nhận các cuộc tấn công có chủ đích xâm nhập vào các cơ quan, tổ chức quan trọng nhằm đánh cắp dữ liệu(4). Các hoạt động này nhằm mục đích tìm kiếm những thông tin về chính trị, kinh tế, quân sự để lồng ghép các nội dung xuyên tạc nhằm gây ảnh hưởng, tấn công đến các chính sách và đe dọa an ninh tư tưởng, an ninh quốc gia của đất nước ta.
Thực tế cho thấy, trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, các phương tiện truyền thông đang gặp phải không ít khó khăn do các thế lực thù địch đã sớm tìm cách chiếm lĩnh không gian mạng và xác định đây là địa hạt quan trọng có sự chuẩn bị về tài chính và công nghệ, trong khi do một số nơi lực lượng và cơ sở vật chất của chúng ta còn non yếu, nhiều cán bộ, đảng viên thiếu ý thức trách nhiệm trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, các thông tin lệch lạc. Chính vì vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái thù địch là một nhiệm vụ quan trọng, cần có những giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ an ninh tư tưởng, an ninh quốc gia. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có ý thức tự rèn luyện bản lĩnh chính trị, giữ vững niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; luôn nêu cao tinh thần nêu gương trong cuộc chiến chống lại quan điểm sai trái, thù địch, chủ động phản bác lại những thông tin xấu, độc và đóng vai trò tiên phong, lan tỏa những thông tin tích cực, tuyên truyền định hướng dư luận xã hội.
Thứ hai, xây dựng nhận thức về chuyển đổi số và phát huy vai trò của người dân trong quá trình chuyển đổi số. Cần xác định chuyển đổi là một xu thế tất yếu vừa tạo ra cơ hội lẫn thách thức cho đất nước, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ vững an ninh tư tưởng của đất nước là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, trong đó người dân đóng vai trò trung tâm. Máy tính và thiết bị di động thông minh chính là phương tiện gắn liền với mỗi người dân trong quá trình chuyển đổi số. Chính vì vậy để kịp thời ngăn chặn các nguy cơ xâm phạm đến nền tảng tư tưởng của Đảng cũng như quyền riêng tư của mỗi người dân, cần phải ban hành và hoàn thiện hệ thống pháp luật, các chính sách, quy định cụ thể về việc chia sẻ dữ liệu, xác thực điện tử, bảo đảm dữ liệu và quyền riêng tư của mỗi cá nhân về chế độ báo cáo giữa các cơ quan hành chính nhà nước.
Bên cạnh đó, để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân về an ninh tư tưởng trong quá trình tham gia vào chuyển đổi số, cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử, tạo lập niềm tin, hình thành văn hóa số trên các cơ sở giá trị đạo đức truyền thống và giá trị đạo đức căn bản của nhân loại, nhằm nâng cao trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật và ý thức đấu tranh của mỗi người dân với những thủ đoạn xâm phạm an ninh tư tưởng.
Thứ ba, xây dựng và từng bước triển khai hệ thống quản lý không gian mạng xã hội, kịp thời phát hiện, xác định các thông tin sai lệch, xuyên tạc, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ. Tận dụng tối đa những lợi thế về công nghệ thông tin và mạng lưới báo chí chính thống, chủ động đưa tin phản ánh kịp thời nhằm ngăn ngừa các thông tin xấu độc và định hướng dư luận xã hội. Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình dư luận xã hội của qua trang Fanpage, các Group, Blog…, xây dựng các trang Facebook, Tweet, Zalo với những tin tức đề cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, những tấm gương người tốt, việc tốt,… lan tỏa các nhân tố tốt đẹp nhằm góp phần loại bỏ những thông tin xấu, độc hại. Cùng với hệ thống quản lý không gian mạng, cần thiết phải có hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số, xử lý các sự cố mất an toàn, an ninh mạng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, bước đầu cần xác định các doanh nghiệp và tổ chức phải có hệ thống cơ sở hạ tầng và nền tảng số có khả năng đảm bảo thông tin tin cậy, an toàn, lành mạnh, có khả năng tự sàng lọc, phát hiện tấn công và bảo vệ an ninh ở mức cơ bản.
Xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là một xu thế tất yếu trong bối cảnh thông tin tăng tốc và sự phát triển vượt bậc của các phương tiện công nghệ ngày nay. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, cần phải chú trọng đến đảm bảo an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh tư tưởng của Đảng, nhận thức rõ những thủ đoạn của các thế lực phản động trong bối cảnh chuyển đổi số để có những giải pháp cần thiết, hữu ích nhằm tận dụng các lợi thế và vượt qua các thách thức đưa đất nước phát triển ổn định và bền vững./.
___________________________________________
(1), (3) Thomas M. Siebel (2021), Digital Transformation, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.
(2) Ban Tuyên giáo Trung ương, Thông tin tham khảo dành cho báo cáo viên, tháng 1.2020.
(4) Báo Nhân dân, Toàn cảnh an ninh mạng Việt Nam năm 2020, tổn thất hơn 1 tỷ USD do virus máy tính, tháng 1.2021.
Bình luận