Đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ làm công tác tư tưởng, văn hóa cho Đảng và Nhà nước*
Phát biểu của PGS,TS Tô Huy Rứa - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong lễ khai giảng năm học 2005-2006 tại Học viện Báo chí và tuyên truyền ngày 9.9.2005
Thưa các đồng chí đại biểu, các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện !
Thưa các thầy giáo, cô giáo và các em học viên, sinh viên !
Hôm nay, chúng tôi rất phấn khởi được cùng các thày giáo, cô giáo, cán bộ, công chức và học viên, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền hoà trong không khí sôi động, trẻ trung của ngày khai trường năm học 2005- 2006. Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tôi nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những thành tích mà các đồng chí đã đạt được trong năm học trước và chúc Học viện đạt nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa trong năm học mới.
Đối với hệ thống Học viện, năm học 2005-2006 có ý nghĩa rất đặc biệt, vì đây là năm học đầu tiên toàn Học viện thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị về Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, cũng là năm học đầu tiên trường chúng ta được mang tên Học viện Báo chí và Tuyên truyền với chức năng, nhiệm vụ nhiều hơn, quan trọng hơn và cũng nặng nề hơn. Chúng ta hy vọng và tin tưởng rằng năm học 2005-2006 sẽ là cột mốc đưa Học viện Báo chí và Tuyên truyền lên giai đoạn phát triển mới, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của nhà trường đã từng được các thế hệ cán bộ, thày giáo và học viên xây dựng trong hàng chục năm qua.
Qua nghe phát biểu của đồng chí Giám đốc Học viện đề cập về ba chương trình trọng điểm đến năm 2010, chúng tôi rất vui mừng và đánh giá cao những bước đổi mới, phát triển mà Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt được trong thời gian qua, nhất là trong năm học vừa qua. Trước hết, đó là cố gắng trong việc mở rộng quy mô đào tạo hệ chính quy tập trung thông qua việc đa dạng hoá các chuyên ngành đào tạo. Chỉ trong 3 năm, đã mở thêm 5 chuyên ngành đào tạo mới là Báo mạng điện tử, Thông tin đối ngoại, Quản lý xã hội, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Biên dịch tiếng Anh, đáp ứng nhu cầu của xã hội, đưa tổng số chuyên ngành đào tạo của Học viện từ con số 13 năm 2002 lên 18 năm 2005. Công tác quản lý đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, đã triển khai đổi mới chương trình và nội dung giảng dạy theo hướng vừa cơ bản vừa hiện đại và gắn với thực tiễn; đã mạnh dạn áp dụng phương pháp giảng dạy mới theo hướng giảm thời gian lên lớp, tăng thời gian tự học, thời gian thực hành, thời gian tự nghiên cứu nhằm phát huy cao tính tự giác, độc lập, chủ động cho người học. Đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ giảng dạy của Học viện, đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng trên cơ sở đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa cán bộ giảng dạy và cán bộ phục vụ, chăm lo phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ ngoại ngữ, tin học, coi trọng công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ. Công tác xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, phục vụ hành chính - hậu cần có nhiều cố gắng, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học trong điều kiện qui mô đào tạo tăng lên nhanh chóng.
Do có bề dày truyền thống và nhờ những đổi mới, tiến bộ, chất lượng đào tạo và uy tín xã hội của Học viện Báo chí và Tuyên truyền được giữ vững và tăng cường. Học viện chúng ta ngày càng khẳng định vị trí là chiếc nôi lớn nhất, quan trọng nhất và có uy tín nhất đào tạo đội ngũ chiến sĩ xung kích trên mặt trận báo chí- tuyên truyền của Đảng và đất nước.
Các em học viên, sinh viên thân mến !
Được vào học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một vinh dự lớn. Từ trước tới nay, dù mang những tên gọi khác nhau, Học viện luôn luôn là một mái trường lớn của Đảng và, từ nhiều năm nay, là bộ phận cấu thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Bởi vậy, học viên, sinh viên Báo chí và Tuyên truyền là học viên, sinh viên của Học viện mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Học viện có chức năng, nhiệm vụ đặc trưng, đào tạo phóng viên, biên tập viên, giảng viên lý luận chính trị, cán bộ tuyên truyền - nói gọn lại: là những người làm công tác tư tưởng của đất nước. Các chuyên ngành đào tạo của Học viện sẽ có sản phẩm là những công chức trực tiếp phục vụ trong các lĩnh vực nhạy cảm, có sức lan toả nhanh, tác động tới đối tượng xã hội rộng lớn, do đó vốn đã quan trọng lại càng quan trọng hơn trong xã hội hiện đại. Đây chính là niềm tự hào riêng của các em mà học viên, sinh viên các cơ sở đào tạo khác không có. Rất mong niềm tự hào ấy sẽ mãi mãi là nguồn cảm hứng, là động lực thôi thúc các em hàng ngày, hàng giờ miệt mài với giảng đường, trang sách; hăng hái công việc của tập thể, của nhà trường và toàn xã hội; không ngừng phấn đấu để trở thành những bông hoa đẹp trong rừng hoa học tốt, rèn luyện tốt của Học viện Báo chí và Tuyên truyền thân yêu!
Càng tự hào bao nhiêu, các em học viên, sinh viên càng phải xác định rõ trách nhiệm rèn luyện, học tập, tu dưỡng thường xuyên và nghiêm túc. Sinh viên đại học nào cũng phải học tốt, rèn luyện tốt; sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền càng phải rèn luyện, học tập cao hơn bởi trách nhiệm xã hội của các ngành đào tạo của chúng ta đặt ra yêu cầu như vậy. Để tư duy, ngòi bút, trang sách, bài giảng của các nhà báo, cán bộ tư tưởng và nhà giáo dục chính trị tương lai phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, điều thiết yếu ngay từ khởi đầu những năm tu nghiệp tại Học viện nhất định phải là rèn luyện đạo đức, rèn luyện phẩm chất chính trị, xây dựng tác phong, lối sống lành mạnh, từng bước hình thành nhân sinh quan và phong cách người cán bộ làm công tác chính trị, tư tưởng, báo chí của Đảng. Trên cơ sở lấy đức làm gốc như vậy, các em phải phấn đấu tiếp thu tri thức lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các tri thức nghề nghiệp hiện đại.
Phấn đấu thi đỗ, trúng tuyển vào đại học là một cố gắng lớn của các em, nhưng đây không phải là điểm dừng, mà trái lại, là điểm xuất phát cho quá trình học tập, rèn luyện cao hơn, vất vả hơn, thậm chí nhọc nhằn hơn. Chỉ những người có quyết tâm cao, hoài bão lớn và phương pháp học tập, tu dưỡng đúng đắn, mới từng bước chiếm lĩnh được đỉnh cao trí tuệ, mới thật sự xứng đáng là thế hệ kế tục và phát triển truyền thống Học viện Báo chí và Tuyên truyền của chúng ta.
Thưa các đồng chí và các em học viên, sinh viên!
Trong buổi lễ long trọng hôm nay, để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học và đáp ứng hiệu quả hơn yêu cầu, nhiệm vụ mới, tôi muốn phát biểu thêm một số vấn đề với các đồng chí cán bộ, giảng viên và học viên, sinh viên.
Trước hết, chúng ta cần nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa và nội dung Nghị quyết 52 và Quyết định 149 của Bộ Chính trị. Trong suốt lịch sử 56 năm xây dựng và phát triển, đây là lần đầu tiên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị ra nghị quyết sâu rộng, toàn diện, thể hiện rõ sự quan tâm của Trung ương và cũng phản ánh vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của hệ thống Học viện, của công tác trường Đảng. Các đồng chí đã được nghe đại diện lãnh đạo Học viện phổ biến các văn bản quan trọng này. Tôi đề nghị lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền có nhiều biện pháp chỉ đạo để mỗi cán bộ, học viên và sinh viên hiểu rõ nội dung Nghị quyết; nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống, góp phần nâng chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và các mặt công tác khác. Tôi tin tưởng rằng, thông qua quá trình nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết, cán bộ, công chức và học viên, sinh viên chúng ta nhận thức rõ hơn và tự hào hơn vì Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong những đơn vị thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trung tâm quốc gia đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp; trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và một số lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn khác; trung tâm công tác tư tưởng lớn của Đảng, đã từng được nhận các danh hiệu cao quý nhất: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Về phần mình, Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các Học viện khu vực phát huy hiệu quả nhất tính năng động, chủ động của một cơ sở đào tạo - nghiên cứu khoa học độc lập.
Chất lượng và uy tín của một cơ sở đào tạo phụ thuộc rất lớn vào khả năng điều chỉnh, bổ sung chương trình, nội dung đào tạo cho phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội. Trong năm học, các đồng chí cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình đổi mới dạy và học trên tất cả các mặt chủ yếu, bao gồm cả nội dung, chương trình, phương pháp và công tác quản lý. Cần tăng cường thực hiện Quyết định 80 và Quyết định 435, tạo bước chuyển biến tích cực trong đánh giá kết quả học tập; bổ sung, hoàn thiện và biên soạn mới giáo trình, tài liệu, đề cương bài giảng cho tất cả các môn học, chú trọng sử dụng công nghệ hiện đại và khuyến khích cập nhật kiến thức mới nhờ thành thạo ngoại ngữ và tin học, quyết tâm nâng cao chất lượng dạy và học của Học viện.
Chú trọng hơn nữa đến nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ tuyên giáo, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ giảng dạy ... nhằm cập nhật thông tin và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ trong lĩnh vực tư tưởng văn hoá của Đảng. Cải tiến thi tuyển sinh đại học theo hướng áp dụng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại trong khuôn khổ chủ trương đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thiết kế một kỳ thi tuyển sinh thật sự khoa học qua đó cung cấp kết quả đánh giá chính xác, công khai và lựa chọn được những người khá giỏi để đào tạo.
Tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, hướng mọi hoạt động khoa học vào mục tiêu hàng đầu là nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời gắn hoạt động nghiên cứu với những vấn đề lý luận và thực tiễn xã hội bức xúc; thúc đẩy mối liên kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu với các cơ quan, ban, ngành thuộc lĩnh vực tư tưởng - văn hoá. Tiếp tục mở rộng các quan hệ trao đổi giảng viên và sinh viên, các liên kết đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu với đại học nước ngoài; tận dụng mọi khả năng để thu hút chuyên gia giỏi từ nước ngoài hỗ trợ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.
Để triển khai các nhiệm vụ trên đây, điều quan trọng và then chốt nhất vẫn là phát triển đội ngũ giảng viên có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, phong cách giảng dạy tiên tiến, hiện đại. Cần bổ sung đội ngũ cán bộ từ nhiều nguồn, trong đó có việc lựa chọn sinh viên khá giỏi do nhà trường đào tạo; hoặc từ nguồn cán bộ của các địa phương, ban, ngành, đoàn thể. Cần tích cực triển khai các hoạt động bồi dưỡng giảng viên và từng bước thực hiện sự gắn kết mang tính bắt buộc giữa giảng dạy và nghiên cứu; có cơ chế thu hút những người có học hàm học vị và có năng lực giảng dạy, nghiên cứu về công tác tại Học viện; sử dụng cơ chế hợp đồng dài hạn để tăng số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, bảo đảm tỷ lệ sinh viên/ giảng viên hợp lý đối với từng ngành đào tạo.
Một trong những nét truyền thống tốt đẹp, tạo nên sắc thái của Trường Tuyên huấn Trung ương trước kia, nay là Học viện Báo chí vầ Tuyên truyền, đó là sự đồng thuận, nhất trí, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau khắc phục mọi khó khăn; chú trọng giữ gìn kỷ cương, nền nếp, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng truyền thống quý báu đó sẽ được phát huy cao độ trong năm học 2005-2006, đem lại cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền thành tích và tầm cao mới. Với tinh thần như vậy, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tôi thân ái chúc các đồng chí đại biểu, các thày giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, học viên, sinh viên dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và đạt nhiều tiến bộ./.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 5 (tháng 9+10)/2005
Bài liên quan
- Hội thảo khoa học: “Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay”
- Thư cảm ơn của PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tổng biên tập Tạp chí Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông
- Thư gửi lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông của PGS, TS. Tô Huy Rứa
- Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2024- 2027
- Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Hội thảo khoa học: “Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay”
Hội thảo khoa học: “Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay”
Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển như vũ bão và đóng vai trò then chốt cho sự phát triển, công tác tư tưởng, lý luận cũng đang đứng trước cơ hội để nâng tầm và hoạt động mạnh mẽ, hiệu lực, hiệu quả nếu biết tận dụng tốt những lợi thế cuộc cách mạng chuyển đổi số 4.0 mang lại.
Thư cảm ơn của PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tổng biên tập Tạp chí Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông
Thư cảm ơn của PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tổng biên tập Tạp chí Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông
Sáng 24/10/ 2024, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển (1994 - 2024)” và đón nhận Bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tạp chí Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông xin được gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thủ trưởng các đơn vị, các nhà khoa học, các nhà giáo, nhà nghiên cứu, các đồng chí cộng tác viên và bạn đọc lời cảm ơn trân trọng. Tạp chí rất mong tiếp tục nhận được tình cảm và sự quan tâm của các đồng chí !
Thư gửi lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông của PGS, TS. Tô Huy Rứa
Thư gửi lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông của PGS, TS. Tô Huy Rứa
Nhân dịp Kỷ niệm và Hội thảo khoa học 30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, PGS, TS. Tô Huy Rứa, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông đã gửi thư chúc mừng lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông. Ban Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông trân trọng giới thiệu toàn văn Thư Chúc mừng của đồng chí PGS, TS. Tô Huy Rứa.
Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2024- 2027
Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2024- 2027
Ngày 19/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2024 – 2027.
Bình luận