Đội ngũ nhà giáo học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới
Đội ngũ nhà giáo là một bộ phận đặc biệt của đội ngũ trí thức, là “kiến trúc sư trí tuệ”, đào tạo ra các thế hệ tương lai cho đất nước, là động lực của sự phát triển. Trên phương diện lãnh đạo, quản lý, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1), “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(2) thì người thầy chính là những người nuôi dưỡng, bồi đắp cho “cái gốc cán bộ” được đâm chồi, nảy lộc.
Tháng 10/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống Mali Môđibô Câyta đã đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - một trong những nôi đào tạo ra lớp lớp cán bộ, giáo viên ngành giáo dục Việt Nam. Nói chuyện thân mật với thầy cô giáo và sinh viên của Trường, Người khẳng định nghề giáo là nghề rất cao quý, rất vẻ vang: “Còn gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh… Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”(3).
Đây chính là sự ghi nhận, động viên, đánh giá cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đối với đội ngũ nhà giáo, đồng thời đặt ra yêu cầu, trọng trách lớn lao đối với đội ngũ này.
1. Về vai trò, vị trí của nhà giáo
Thứ nhất, là người dẫn đường mẫu mực.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà giáo phải là người dìu dắt, hướng dẫn các thế hệ học trò vững tin vào con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn - con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, thoát khỏi cảnh “một dân tộc dốt” - “một dân tộc yếu”. Người thầy có vai trò tiên quyết trong việc giúp người học tin tưởng và phấn đấu vì mục tiêu chung của dân tộc.
Chính vì thế, “Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước”(4), “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta”(5). Nói về vai trò dẫn đường của người thầy, Hồ Chí Minh khẳng định: “không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa”(6). “Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hóa. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo”(7). Theo Hồ Chí Minh, người thầy là gốc, là cội nguồn của tri thức, của đạo đức và cũng là người gieo trồng những “hạt giống đỏ” cho cách mạng, cho tương lai tươi sáng của dân tộc.
Thứ hai, là tấm gương sáng về trí tuệ và đạo đức.
Trong đào tạo và huấn luyện cán bộ nói chung, Hồ Chí Minh kiên định phương châm: người thực, việc thực là tấm gương thực tiễn sinh động, có giá trị nhất. Người khẳng định: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(8); trong đó tấm gương nhà giáo có tác dụng giáo dục rất lớn đối với các thế hệ người học. Theo Người, “trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức”. Người nhấn mạnh sự cần thiết cũng như mối quan hệ giữa tài và đức ở người thầy: “chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào?”(9). “Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn. Nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt”(10).
Do vậy, tấm gương sáng của người thầy có sức lan tỏa rất lớn đến các thế hệ học trò; ngược lại, một hành vi thiếu chuẩn mực của người thầy có thể làm mất niềm tin của cả một thế hệ. Người chỉ rõ: “thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu, cho nên phải chú ý giáo dục chính trị tư tưởng trước, chính thầy giáo, cô giáo cũng phải tiến bộ về tư tưởng”(11).
Người thường xuyên nhắc nhở mỗi thầy giáo, cô giáo phải thường xuyên rèn luyện đạo đức nhà giáo và vận dụng, thể hiện trong công việc hằng ngày: "Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân"(12).
Để rèn luyện tấm gương mẫu mực về đạo đức, Người yêu cầu các nhà giáo phải thanh liêm, trung thực, biết đặt lợi ích của đất nước, của nhà trường lên trên lợi ích cá nhân: "Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải có chí khí cao thượng, phải "tiên ưu hậu lạc" nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng"(13).
Trong tu dưỡng, rèn luyện và nêu gương đạo đức, Hồ Chí Minh yêu cầu coi trọng tinh thần đoàn kết. Người dặn dò: "Trước hết là phải đoàn kết. Đoàn kết thật sự, giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa cán bộ và công nhân. Toàn thể nhà trường phải đoàn kết thành một khối, đoàn kết phải thật sự trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng”(14).
Để làm tròn sứ mệnh vẻ vang, người thầy phải nhận thức được trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của mình là: "chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà"(15). Người thầy phải là hiện thân của tri thức, học vấn và đạo đức, bao gồm đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp và đạo đức của một người có tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng và mục tiêu cách mạng trong sáng. Do đó, phải tăng cường trau dồi đạo đức cách mạng, không ngừng rèn luyện chuyên môn, để luôn là tấm gương sáng để học sinh noi theo, phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm, phải hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh, phải thật sự yêu nghề, yêu trường, không ngừng học hỏi để tiến bộ mãi.
Thứ ba, là người bạn lớn, người đồng hành tin cậy của học trò trên con đường tìm kiếm tri thức và lẽ sống.
Trong quan điểm của Hồ Chí Minh về công tác bồi dưỡng thế hệ kế cận, người thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, không chỉ là người đức cao vọng trọng mà còn là người biết gần gũi thương yêu; không chỉ là người truyền đạt mà còn là người biết lắng nghe và thấu hiểu; không chỉ là người chỉ đường mà còn là người đồng hành; không chỉ là thầy mà còn là bạn của các thế hệ người học. Có như vậy, thầy cô giáo mới có sự đồng cảm, tìm được tiếng nói chung với người học, từ đó xác định được phương pháp giáo dục hiệu quả nhất cho từng đối tượng.
Theo Hồ Chí Minh, người thầy cũng phải tự rèn luyện, tự học tập để nâng cao trình độ, tu dưỡng bản thân, sửa đổi lối làm việc để hoàn thiện mình trước, rồi mới dạy dỗ, hướng dẫn người khác được. Người nhấn mạnh: “Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Ví như bảo học trò phải dậy sớm mà giáo viên thì trưa mới dạy. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu”(16). Có thể nói, công tác giảng dạy cũng chính là một hành trình gian nan để người thầy rèn luyện phẩm chất chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Đồng thời, thầy cũng cần học từ trò: kiến thức, thái độ; từ học trò mà học được cách làm phong phú phương pháp, nội dung giảng dạy, củng cố tâm lý và nâng cao nghiệp vụ giảng dạy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn “giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội”(17).
Nhà giáo phải có đức thương yêu học trò và yêu nghề thực sự. Yêu nghề, yêu trò là phẩm chất, là yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với mỗi nhà giáo. Bởi đây là động lực thôi thúc trách nhiệm và nhiệt huyết để mỗi nhà giáo phấn đấu hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của mình. Đó là cái tâm trong sáng và cao thượng của nhà giáo. Mỗi thầy cô giáo phải yêu nghề, yêu trò sâu sắc thì mới có thể trở thành nhà giáo mẫu mực, được xã hội kính trọng. Người căn dặn: "Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?"(18).
Yêu trò - là tất cả vì sự tiến bộ của trò, "Phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình, không nên phân biệt bỉ thử các cháu vùng này hay các cháu vùng khác. Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta, cũng là do Đảng và Chính phủ giao cho các cô, các chú phụ trách nuôi dạy(19).
Yêu nghề, yêu trò còn thể hiện ở việc quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần trong trường học. Người căn dặn "Các cô, các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn(20).
“Sự nghiệp trồng người” là sự nghiệp cao cả, lâu dài, nó không phải là một con đường bằng phẳng mà có nhiều chông gai, cám dỗ. Chỉ khi có lòng trắc ẩn sâu sắc, có đức dày - trí sáng - lòng trong thì nhà giáo mới vượt qua được những thử thách của nghề, không bị sa ngã, không vì lợi ích vật chất tầm thường mà đánh mất đi mối quan hệ thầy trò trong sáng, thiêng liêng và trách nhiệm cao cả của một “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Người thầy phải thực sự là tấm gương sáng về rèn luyện đạo đức, nhân cách, phải khách quan, công bằng. Có như thế, người thầy mới thật sự là người bạn lớn, người đồng hành, “người lái đò” tin cậy cho các thế hệ học trò cập được những bến bờ tri thức mới.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn nhất quán khẳng định, giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển và giáo dục phải được ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác. Để đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; đã tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.
3. Những yêu cầu về phẩm chất đối với người giáo viên Việt Nam trong điều kiện hiện nay
Thứ nhất, có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí tự lực tự cường, lòng yêu nước, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Mục đích cơ bản của hoạt động giáo dục là nhằm đào tạo các thế hệ chủ nhân của đất nước có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Vì vậy, nhà giáo phải có lập trường chính trị vững vàng, yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu trường lớp, yêu học trò. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải luôn đặt lợi ích của đất nước và sự phát triển của người học lên hàng đầu, luôn lấy người học và “sự nghiệp trồng người” làm trung tâm. Trong quá trình dạy chữ, dạy người, cần quán triệt và thực hiện đúng đường lối phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã lựa chọn. Không để những tư tưởng sai trái dẫn dắt người học chạy theo những giá trị không phù hợp với truyền thống văn hóa, giáo dục của đất nước… Nhà giáo cần định hướng cho người học về đạo đức, trách nhiệm và ý nghĩa của việc học tập không chỉ vì sự phát triển của bản thân mà còn vì sự phát triển của xã hội, từ đó, “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh dân tộc…; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”(21).
Thứ hai, phải có tầm nhìn xa, nắm bắt các xu hướng nghiên cứu hiện đại, đổi mới sáng tạo trong giảng dạy.
Trong mỗi nhà trường, mục tiêu nâng cao chất lượng luôn thúc đẩy đội ngũ nhà giáo say mê nghiên cứu, đổi mới phương pháp dạy và học, cải tiến những yếu tố có ảnh hưởng đến việc dạy và học. Những kết quả nghiên cứu được ứng dụng, thử nghiệm vào thực tiễn giảng dạy sẽ ngày càng trở nên phổ biến trong các môi trường khuyến khích nâng cao chất lượng. Nhà giáo nghiên cứu, cải tạo thực tiễn giáo dục của nhà trường bằng những tác động sư phạm, do vậy cũng là nhà nghiên cứu thực hành, ứng dụng.
Nhà giáo cần tăng cường trau dồi, rèn luyện năng lực chuyên môn, nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học, năng lực dự báo. Đồng thời, tăng cường phương pháp giảng dạy linh hoạt, đa dạng, lấy người học làm trung tâm, khuyến khích người học phát huy tính năng động, độc lập trong tư duy và năng lực đổi mới sáng tạo để quá trình học tập, nghiên cứu cho ra những sản phẩm thiết thực, có tính ứng dụng cao, phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của xã hội. Qua đó, đưa việc giáo dục - đào tạo gắn liền trực tiếp với hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ ba, cần tăng cường trình độ ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin.
Hiện nay, có hàng trăm công cụ hỗ trợ quá trình giảng dạy và nghiên cứu. Nhờ ứng dụng các công nghệ AI, Big Data và IoT, nhà trường, nhà giáo dễ dàng thu thập dữ liệu, phân tích và đánh giá chính xác về người học(22). Điều này mở ra những cơ hội mới đối với đội ngũ nhà giáo nhưng cũng đặt ra những yêu cầu rất mới, khó khăn hơn đối với họ. Nếu đội ngũ nhà giáo hạn chế về ngoại ngữ và công nghệ sẽ hạn chế việc khai thác, ứng dụng những thành tựu mới của khoa học công nghệ vào giảng dạy. Vì vậy, để có thể cập nhật những kiến thức hiện đại mang tính toàn cầu, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy, đội ngũ nhà giáo phải giỏi về ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
4. Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo
Đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão. Điều này đang đặt ra cho ngành giáo dục và đào tạo những nhiệm vụ chính trị nặng nề, đòi hỏi phải có những nỗ lực vượt bậc để đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo các cấp, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, thực hiện đúng di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(23).
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, xây dựng và phát triển ngành giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo… Chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo”(24). Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ then chốt của ngành giáo dục là tiếp tục chăm lo xây dựng và phát triển toàn diện đội ngũ nhà giáo: “Cùng với đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt”(25).
Để đội ngũ nhà giáo đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh khoa học - công nghệ bùng nổ và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo tham gia các hình thức đào tạo tiên tiến và tăng cường giao lưu, học tập, nghiên cứu trong môi trường quốc tế.
Điều này giúp nhà giáo nâng cao trình độ, tiếp cận các mô hình dạy học mới, qua đó giúp họ bổ sung kiến thức, đa dạng hóa các hình thức giảng dạy. Hỗ trợ đội ngũ giảng viên đổi mới, sáng tạo, gắn lý luận với thực tiễn, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học để đội ngũ nhà giáo có thể ứng dụng các phương pháp hiện đại vào giảng dạy và có cơ hội góp phần tạo ra các sản phẩm thiết thực phục vụ công tác. Tạo điều kiện để nhà giáo các cấp được học tập, làm việc, trải nghiệm trong môi trường quốc tể, nâng cao năng lực thích ứng với yêu cầu phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo hiện đại. Việc đưa nhà giáo, nhất là giảng viên đại học của nước ta đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài trên các lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, khoa học công nghệ sẽ giúp họ mở rộng tầm nhìn, bắt kịp trình độ quốc tế, góp phần phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ của nước nhà. Đồng thời, đội ngũ nhà giáo viên cần nâng cao ý thức tự giác học tập, nghiên cứu khoa học để có khả năng giao lưu, hợp tác về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo với cộng đồng quốc tế.
Hai là, khuyến khích đổi mới phương pháp giảng dạy.
Trên cơ sở những yêu cầu chung trong chương trình tổng thể của từng môn học, cần khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo nâng cao năng lực sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, phù hợp với chuyên môn, rèn luyện năng lực truyền đạt, năng lực giải quyết vấn đề, sử dụng thành thạo các thiết bị, phương tiện hiện đại trong giảng dạy (năng lực khai thác thông tin dữ liệu trên Internet, sử dụng thành thạo các phương tiện công nghệ mới phục vụ quá trình dạy học, năng lực vận dụng lý thuyết vào hoạt động thực tiễn…).
Đồng thời, các cơ sở giáo dục - đào tạo cần tăng cường trang bị các cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy như các loại máy móc, công cụ thực hành, thực nghiệm hiện đại để đội ngũ giáo viên có thêm các phương tiện phục vụ việc truyền đạt tri thức, kích thích óc sáng tạo của người học.
Ba là, không ngừng trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức nhà giáo.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, nhà giáo phải có cả “đức” lẫn “tài”, cũng giống như phải đi vững trên “hai chân”: chuyên môn và đạo đức; mất đi một trong hai chân đó thì thành lệch lạc, què quặt. Chính vì vậy, cùng với chuyên môn giỏi, mỗi nhà giáo cần có ý thức tu dưỡng đạo đức, giữ gìn danh dự, nhân ái, bao dung đối với học trò, hòa nhã, đúng mực. Đặc biệt, trong bối cảnh tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, nhà giáo phải có bản lĩnh vững vàng, tâm huyết với nghề, hết lòng hết sức cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Muốn vậy, phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp.
_____________________________________________
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.5, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.309, 280.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.14, tr.402-403.
(4), (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.10, tr.291, 345, 291.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.15, tr.508.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.1, tr.284.
(9), (10), (11), (16), (20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.12, tr.269, 269, 269, 270, 403.
(12), (13), (14), (18), (23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.11, tr.329, 332, 331, 331, 528.
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.9, tr.388.
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.4, tr.489.
(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.7, tr.562.
(21), (24), (25) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 217-218, 232, 138.
(22) Phạm Thị Thu Hương: Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đại học ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, https://tcnn.vn/news/detail/47241/Nang-cao-chat-luong-doi-ngu-giang-vien-dai-hoc-o-Viet-Nam-dap-ung-yeu-cau-cua-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4.0.html.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 29/8/2022
Bài liên quan
- Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
- Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Thư cảm ơn của PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tổng biên tập Tạp chí Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông
Sáng 24/10/ 2024, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển (1994 - 2024)” và đón nhận Bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tạp chí Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông xin được gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thủ trưởng các đơn vị, các nhà khoa học, các nhà giáo, nhà nghiên cứu, các đồng chí cộng tác viên và bạn đọc lời cảm ơn trân trọng. Tạp chí rất mong tiếp tục nhận được tình cảm và sự quan tâm của các đồng chí !
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bình luận