Giữ gìn sự tôn nghiêm tại các điểm di tích văn hóa lịch sử
Sau những ngày làm việc căng thẳng mệt mỏi nhiều người có xu hướng tìm đến với một không gian mới để được thư giãn, thưởng ngoạn cảnh đẹp, góp phần làm phong phú thêm đời sống tâm hồn, cũng như tăng thêm tri thức và sự hiểu biết, qua đó thêm yêu và tự hào về quê hương đất nước mình; đồng thời việc tham quan các di tích lịch sử cũng là có dịp cộng đồng bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công lao với đất nước.
Tuy nhiên đã và đang xuất hiện những hình ảnh phản cảm, xấu xí, xâm phạm di tích, cố tình vi phạm quy định tại điểm tham quan gây bức xúc dư luận. Nhiều hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục, thậm chí vi phạm pháp luật buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc, nhắc nhở và chấn chỉnh kịp thời.
Như đầu tháng 12 vừa qua, sự việc đáng buồn xảy ra tại khu vực Đại nội Huế (Thừa Thiên Huế) và đền Quan lớn Tuần Tranh ở huyện Ninh Giang (Hải Dương) đã tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những hình ảnh phản văn hóa, đòi hỏi cần có những giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Ngày 9/12, một nhóm người với các trang phục nhiều mầu sắc khác nhau đã có hành động khấn vái, làm lễ ở Đàn Nam Giao, Thế Tổ Miếu (khu vực Đại nội, thành phố Huế).
Theo truyền thống Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sử Lệ của Nội các triều Nguyễn quy định: Cấm hoàn toàn người ngoài mặc các sắc phục vàng đỏ tía để đi vào các Miếu trong hoàng cung. Đây cũng là quy định chung của Quần thể di tích Cố đô Huế nhằm bảo tồn không gian văn hóa đặc sắc này và đã được gìn giữ trong suốt bao năm qua.
Tương tự, Đàn Nam Giao vốn là nơi các Vua nhà Nguyễn tổ chức tế lễ trời đất vào mùa xuân hằng năm. Đây được coi là nghi lễ quan trọng bậc nhất dưới chế độ quân chủ vì chỉ có nhà vua mới được phép làm điều này, nhằm khẳng định tính chính thống của triều đại và uy quyền của hoàng đế.
Từ năm 1891, cứ ba năm một lần, vua mới đến làm lễ ở Đàn Nam Giao. Nói như vậy để thấy Đàn Nam Giao là không gian rất mực trang nghiêm và linh thiêng.
Vì thế để gìn giữ không gian văn hóa Đàn Nam Giao, việc một nhóm du khách sau khi đóng phí tham quan tùy tiện vào làm lễ bất chấp các quy định của điểm di tích là khó có thể chấp nhận, đi ngược lại với phong tục truyền thống và cách ứng xử tại nơi tôn nghiêm.
Sự việc là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho các nhân viên phụ trách trông nom, quản lý khu vực vì không nhắc nhở kịp thời đối với các du khách, để xảy ra điều đáng tiếc.
Cũng trong tuần đầu tháng 12, tại Hải Dương, 100 bao vàng mã với khối lượng 15 kg/bao, tức tổng trọng lượng 1,5 tấn đã được một tín chủ chở đến Di tích đền Quan lớn Tuần Tranh tại xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang để đốt lễ tạ.
Ban Quản lý di tích chỉ cho phép tín chủ đốt 30 bao, số còn lại phải chở đi các đình, chùa, đền trên địa bàn và các khu vực lân cận để đốt. Chưa cần xét ở góc độ lãng phí tiền bạc, việc đốt một số lượng lớn vàng mã như vậy, dù được rải đều tại nhiều nơi thì cũng vẫn sẽ gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn. Một hành động có thể nói là phô trương quá mức gây phản cảm với cộng đồng.
Vàng mã hay các vật phẩm cúng bái khác, theo truyền thống, vốn chỉ nên mang tính tượng trưng. Người Việt có câu lễ bạc tâm thành, với tinh thần đồ lễ có thể giản dị đơn sơ thì cũng là chuyện rất bình thường, cốt quan trọng ở tấm lòng thành kính, trung thực.
Việc một số người có điều kiện kinh tế đã đẩy cao sự cầu kỳ, công phu về các vật phẩm cúng bái, bao gồm cả đồ vàng mã đã làm cho câu chuyện tâm linh có phần bị nhuốm màu mê tín dị đoan, lãng phí, khó có thể chấp nhận trong đời sống văn minh, hiện đại.
Nhìn rộng ra, mỗi di tích văn hóa tâm linh, hay danh lam thắng cảnh đều cần được giữ gìn sự tôn nghiêm cũng như vẻ đẹp của cảnh quan tổng thể. Có người còn so sánh mỗi khi bước vào không gian đó giống như bước vào một chốn yên tĩnh, thanh cao, khác biệt hẳn với những xô bồ chật chội, ồn ào náo nhiệt của phố phường, giúp tâm hồn chúng ta như được gột rửa, trong sáng, thánh thiện hơn.
Bởi vậy bên cạnh những yêu cầu về cách hành xử văn hóa đối với mỗi du khách thì công tác quản lý các dịch vụ đi kèm ở những khu di tích, danh lam thắng cảnh cũng cần được chú trọng.
Thực tế tại nhiều đền, chùa mỗi dịp lễ, Tết dễ dàng bắt gặp cảnh các hàng quán lộn xộn, xô bồ bày tràn lan, loa đài mở to hết cỡ, thậm chí xuất hiện cả cờ bạc, cá độ,… khiến cho chốn tôn nghiêm trở nên lộn xộn, nhếch nhác.
Ngay tại Hà Nội, nhiều năm trước, báo chí đã có hàng loạt bài phản ánh về cảnh hàng quán “bao vây” trước cổng chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ) hoặc ở di tích Bia Bà (địa bàn quận Hà Đông). Sân tam quan tại chùa Mía (thị xã Sơn Tây) thường xuyên có hàng nông sản, bánh kẹo bày bán.
Sân chùa Bà Đá (quận Hoàn Kiếm) bị tận dụng làm điểm trông giữ xe hoặc khu vực mặt tiền của đình Kim Ngân, đình Thanh Hà, hội quán Phúc Kiến (quận Hoàn Kiếm) thường xuyên bị các phương tiện giao thông án ngữ. Rất nhiều đình, đền, chùa khác trên địa bàn Hà Nội đang bị các hộ dân bủa vây, lấn chiếm để làm nơi sinh sống, kinh doanh.
Đây còn là tình trạng khá phổ biến ở nhiều tỉnh thành. Để rồi mỗi khi có lực lượng chức năng vào cuộc, cử đoàn đi kiểm tra giám sát tại từng cơ sở thì các hoạt động kinh doanh buôn bán có vẻ được thu hẹp lại gọn gàng. Nhưng đến khi lực lượng rời đi thì tình trạng lộn xộn lại trở về như trước đó.
Nhiều cán bộ quản lý các khu di tích không ít lần đã tỏ ra bất lực bởi ý thức của người dân chưa cao, “nhờn” quy định. Tất nhiên không phải ở trường hợp nào cũng khó giải quyết.
Tiêu biểu có thể kể đến vụ việc diễn ra năm 2017, khi khu di tích chùa Thầy ở khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách (huyện Quốc Oai, Hà Nội) được đưa vào quy hoạch vẫn còn 47 hộ dân đang sinh sống ở chung quanh hồ Long Trì dưới chân núi Thầy.
Các cơ quan chức năng, chính quyền của huyện Quốc Oai đã lập kế hoạch chuyển được 47 hộ dân sang khu định cư mới, trả lại kiến trúc cảnh quan tổng thể thống nhất cho khu di tích chùa Thầy.
Việc tái định cư cho 47 hộ dân đã được triển khai một cách thuận lợi, người dân rất đồng lòng trong việc hợp tác với các cơ quan chức năng mà không xảy ra bất đồng hay khiếu kiện.
Từ đây cho thấy, mọi ứng xử, hành động tại các khu di tích văn hóa, tâm linh hay danh lam thắng cảnh đều phải dựa trên những quy định đã có, thể hiện sự tôn trọng pháp luật của mọi cá nhân, từ cán bộ quản lý cho đến những người dân bình thường. Việc nâng cao ý thức cho người dân là việc làm cần thiết và phải được tiến hành bền bỉ, thường xuyên.
Ngay từ trong môi trường học đường, thiết nghĩ đã cần giáo dục cho các em học sinh những tri thức và ứng xử cần thiết khi bước vào những điểm di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh.
Điều này có thể thực hiện, triển khai qua các môn học như Lịch sử, Giáo dục Công dân, hay hướng dẫn về kỹ năng sống. Gần đây, nhiều trường học ở thành phố Hà Nội đã đưa thêm môn Giáo dục địa phương vào chương trình trung học cơ sở, giới thiệu cho học sinh khá kỹ lưỡng về các di tích văn hóa lịch sử có trên địa bàn. Đây là môn học mới mẻ, thiết thực với thế hệ trẻ.
Chuẩn bị bước sang năm 2024, dịp đầu năm mới cũng là thời điểm mọi người nô nức tìm đến các khu di tích văn hóa lịch sử, tâm linh, danh lam thắng cảnh để du xuân, cầu bình an, tài lộc cho gia đình.
Do đó việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho nhân dân cần được nâng cao, bắt đầu ngay từ những thông báo có thể dán công khai ở cổng mỗi khu di tích. Một xã hội muốn có được sự văn minh, phát triển thì từng con người cần có những ứng xử văn hóa.
Khi sự tôn nghiêm, trang trọng được giữ gìn một cách nghiêm cẩn ở mỗi khu di tích, điểm đến văn hóa thì chắc chắn những biểu hiện vô pháp, quá khích hay mê tín sẽ bị đẩy lùi./.
Nguồn: Bài đăng trên báo Nhân Dân điện tử ngày 29/12/2023
Bài liên quan
- Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
- Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên đại học hiện nay
Truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đang tác động ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi người, nhất là thế hệ trẻ, trong đó có sinh viên các trường đại học trên cả bình diện tích cực và tiêu cực. Thực tế cho thấy, việc tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, cấp thiết nhằm tạo tâm lý lành mạnh trong cộng đồng sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của các trường đại học hiện nay. Vì vậy, bài viết làm rõ mối quan hệ giữa truyền thông đại chúng và dư luận xã hội; từ đó phân tích nội dung quản lý về tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến cộng đồng sinh viên, đưa ra một số yêu cầu giúp quản lý, tạo dựng bầu không khí tâm lý lành mạnh trong cộng đồng sinh viên, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của các trường đại học trong bối cảnh hiện nay.
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bình luận