Hồ Chí Minh bàn về công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật
Để xây dựng hệ thống pháp luật của một xã hội dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò của luật pháp do Nhà nước ta ban hành. Người nói, luật pháp là một vũ khí của giai cấp thống trị, dùng để trừng trị giai cấp chống lại mình, luật pháp cũ là ý chí của thực dân Pháp, không phải là ý chí chung của toàn thể nhân dân ta. "Luật pháp cũ đặt ra để giữ gìn trật tự xã hội thật, nhưng trật tự xã hội ấy chỉ có lợi cho thực dân phong kiến, không phải có lợi cho toàn thể nhân dân đâu. Luật pháp đặt ra trước hết là để trừng trị, áp bức. Phong kiến đặt ra luật pháp là để trị nông dân. Tư bản đặt ra luật pháp là để trị công nhân và nhân dân lao động. Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động"(1). Trên cơ sở so sánh với luật pháp của chế độ cũ để đề cao vai trò của pháp luật và hoạt động xây dựng pháp luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh tới hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động thực hiện pháp luật trong chính tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước và từ phía nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đã có đường lối, chính sách và pháp luật rồi thì thành công hay thất bại của chính sách, của pháp luật còn do nơi tổ chức thực hiện. Do đó, theo Người, để đường lối của Đảng đi vào cuộc sống nhân dân, để pháp luật của Nhà nước được triển khai thực hiện tốt trên thực tế thì Đảng và Nhà nước phải luôn chú trọng tới công tác kiểm tra, kiểm soát gắn liền với công tác phê bình và tự phê bình của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Chính sách đúng là nguồn gốc thắng lợi. Nhưng khi đã có chính sách đúng thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do cách tổ chức công việc, lựa chọn cán bộ và kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích"(2). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực của người lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “lãnh đạo đúng có nghĩa là: phải quyết định mọi vấn đề một cách đúng, phải tổ chức sự thi hành cho đúng và tổ chức sự kiểm soát”(3). Hơn thế nữa, để nhấn mạnh vai trò của công tác kiểm tra, giám sát đối với việc trau dồi đạo đức cách mạng của người lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: "Để thực hiện được chữ liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục pháp luật từ trên xuống, từ dưới lên"(4), vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ liêm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sớm nhận ra những khuyết điểm nảy sinh trong công tác lãnh đạo, theo Người, công tác kiểm tra phải được đặt lên hàng đầu mới hạn chế được nhược điểm đó. Người giải thích: “Muốn chống bệnh quan liêu, bàn giấy, muốn biết các Nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo bao nhiêu, khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm soát khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”(5). Như vậy, kiểm soát có một vai trò, một vị trí quan trọng trong việc đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống, từ đó đánh giá được chính sách, pháp luật và năng lực và khuyết điểm của người thực hiện pháp luật.
Bên cạnh việc nhấn mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát phải tiến hành đồng thời với tổ chức, cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò, mục đích, ý nghĩa của công tác kiểm tra. Theo Người "chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm"(6). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: mục đích, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra kiểm soát là giúp Đảng và Nhà nước nắm chắc được tình hình lãnh đạo, thực hiện các chủ trương, chính sách trong thực hiện cuộc sống, có gì đúng đắn, sai lệch, ai chấp hành tốt, ai chấp hành chưa tốt, năng lực thực tế của mỗi người. Hơn thế nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra trong việc thực hiện pháp luật trong nội bộ cơ quan nhà nước. Người nói: "Thanh tra là tai mắt của Chính phủ. Tai mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt. Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới"(7). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh tra, kiểm tra, giám sát chính là một trong những phương thức thực hiện quản lý nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt sự quan tâm chú trọng tới công tác thanh tra ngay từ những ngày đầu hoạt động của chính quyền nhà nước Việt nam dân chủ cộng hoà non trẻ. Điều đó được thể hiện trong việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64 - SL thành lập Ban thanh tra đặc biệt vào ngày 23.11.1945 - chỉ hai tháng sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba đình. Theo Sắc lệnh 64 "Ban thanh tra đặc biệt có toàn quyền nhận các đơn khiếu nại của dân; điều tra, hỏi chứng, xem xét các tài liệu, giấy tờ của Uỷ ban nhân dân hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho việc giám sát; đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Uỷ ban nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi. Như vậy, sự ra đời của Ban thanh tra đặc biệt, Ban thanh tra Chính phủ và sau này là Ban thanh tra Trung ương bằng cách ban hành các Sắc lệnh cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự quan tâm đặc biệt đến công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của cán bộ và cơ quan trong lĩnh vực quản lý nhà nước, coi đây là công việc cần phải được bảo đảm thực hiện bằng những quy định pháp luật.
Có thể nói, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát được Người hết sức quan tâm và được đề cập ngay từ thời kỳ đầu của chính quyền nhà nước non trẻ. Hồ Chí Minh đã từng nói: Từ ngày thành lập Chính phủ, trong nhân viên còn có nhiều khuyết điểm. Có người làm quan cách mạng, chợ đỏ, chợ đen, khinh dân, mưu vinh thân, phì gia... xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc Chính phủ"(8). Trong tư tưởng của Người, không một chính quyền nào là không có khuyết điểm, không có đội ngũ cán bộ nào là hoàn hảo cả. Muốn Nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh, tổ chức đảng thực sự hoạt động vì mục đích vì nhân dân thì Đảng và Nhà nước phải đề cao công tác phê bình và tự phê bình trong nội bộ và trước nhân dân, đồng thời chính nhân dân phải là lực lượng hùng hậu thực hiện công tác giám sát, kiểm tra. Đó cũng chính là cách thức hoạt động của một nhà nước dân chủ - mọi hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ đều dưới sự giám sát từ phía nhân dân. Người đã từng nhấn mạnh: phê bình và tự phê bình là phương pháp duy nhất để tìm thấy khuyết điểm để sửa chữa. Đó là phương pháp giúp nhân dân kiểm soát người mình bầu; kiểm soát cơ quan thay mặt mình. Đó là cách tốt nhất để nhân dân tham gia trực tiếp, thường xuyên và có hiệu lực vào công việc nước, kiểm soát để tín nhiệm nếu làm đúng, để chỉ trích nếu thực là không xứng.
Cũng với cách gọi là "kiểm soát" để chỉ hoạt động kiểm tra, giám sát, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật được vận dụng, thể hiện sinh động và cụ thể trong bản Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà - bản Hiến pháp do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh làm trưởng ban soạn thảo. Theo Hiến pháp 1946, khi Nghị viện không họp, Ban thường vụ có quyền kiểm soát và phê bình Chính phủ (Điều 36). Đặc biêt, quyền bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ cũng được Hiến pháp ghi nhận là một hình thức giám sát của Quốc hội.
Bên cạnh hình thức giám sát của Nghị viện đối với Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định vai trò giám sát trực tiếp của nhân dân đối với Nghị viện và Hội đồng nhân dân thông qua quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đây chính là cách thức giám sát của nhân dân (giám sát mang tính xã hội) đối với người đại biểu của mình, người thay mình thực hiện các công việc mang tính quyền lực nhà nước. Người nói: "Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân; nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình"(9). Xuất phát từ tư tưởng này, Hiến pháp 1946 quy định: "Nghị viện phải xét vấn đề bãi miễn một nghị viên khi nhận được đề nghị của một phần tư tổng số cử tri tỉnh hay thành phố đã bầu ra nghị viên đó. Nếu hai phần ba tổng số nghị viên ưng thuận đề nghị bãi miễn thì nghị viên đó phải từ chức (điều 41) và "đại biểu Hội đồng nhân dân... có thể bị bãi miễn" (điều 61). Hiến pháp 1946 hàm chứa tư tưởng rất tiến bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm mục đích đảm bảo cho quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, cơ quan nhà nước nào thực hiện quyền lực của nhân dân cũng phải chịu sự giám sát từ phía nhân dân. Trong trường hợp mất tín nhiệm thì bắt buộc phải từ chức hoặc bị bãi miễn.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật phải được tiến hành từ hai phía: do lãnh đạo và từ phía quần chúng nhân dân. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lý giải: "Những người lãnh đạo chỉ trong thấy một mặt của công việc, của sự thay đổi của mọi người, trông từ trên xuống. Vì vậy sự trông thấy có hạn. Trái lại, dân chúng trông thấy công việc, sự thay đổi của mọi người, một mặt khác, họ trông thấy từ dưới lên. Nên sự việc cũng có hạn. Vì vậy, muốn giải quyết tốt vấn đề cho đúng, ắt phải hợp kinh nghiệm của cả hai bên lại. Muốn như thế, người lãnh đạo phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa mình với các tầng lớp dân chúng". Xác định được tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát như vậy, trong Thư gửi đồng bào Liên khu IV Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khuyên nhủ: “Tôi mong rằng, từ nay các cán bộ đều biết phê bình và tự phê bình, đều cố gắng sửa đổi lối làm việc, theo đúng đường lối của Chính phủ và đoàn thể, hợp với lòng dân. Cán bộ cấp trên phải luôn đôn đốc kiểm tra công việc của cán bộ cấp dưới. Nhân dân thì giúp Chính phủ và đoàn thể kiểm tra công việc và hành vi của các cán bộ”(10).
Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động giám sát, kiểm tra, kiểm soát có vai trò quan trọng trong việc giúp cán bộ trong cơ quan nhà nước thực hiện đúng đường lối của Đảng, của Chính phủ, đoàn thể và phù hợp với lợi ích của nhân dân. Để hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật được cán bộ lãnh đạo, cán bộ trong cơ quan nhà nước hiện có hiệu quả Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến phương pháp giám sát.Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: kiểm soát phải khéo hoặc phải khéo léo trong kiểm tra, giám sát.
Với hoạt động giám sát từ phía nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh quyền khiếu nại tố cáo của nhân dân, coi đây là một trong những hình thức giám sát có hiệu quả đồng thời thể hiện quyền dân chủ của tất cả nhân dân Việt nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết rằng: “Nước ta là một nước dân chủ. Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm. Khắp nơi có đoàn thể nhân dân như Hội đồng nhân dân, Mặt trận, Công đoàn, Hội nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc v.v. Những đoàn thể ấy là tổ chức của dân, phấn đấu cho dân, bênh vực quyền của dân, liên lạc mật thiết nhân dân với Chính phủ. Khi ai có điều gì oan ức thì có thể do các đoàn thể tố cáo lên cấp trên. Đó là quyền dân chủ của tất cả các công dân Việt nam. Đồng bào cần hiểu rõ và khéo dùng quyền ấy"(11). Vậy theo Chủ tịch Hồ Chí Minh "khéo dùng" là như thế nào? Đó chính là phương pháp tiến hành kiểm tra, kiểm soát và giám sát. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "kiểm soát có hai cách: một cách là từ trên xuống. Tức là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình. Một cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên. Còn ở trong Đảng, khi khai hội, các đảng viên nghe người lãnh đạo báo cáo công việc, các đảng viên phê bình những khuyết điểm, cử hoặc không cử đồng chí nọ hoặc đồng chí kia vào cơ quan lãnh đạo. Đó là kiểm soát theo nguyên tắc dân chủ tập trung, phê bình, và tự phê bình, những nguyên tắc mà Đảng phải thực hành triệt để. Ở quần chúng, khai hội, phê bình và bày tỏ ý kiến, bầu cử các Uỷ ban, Hội đồng v..v. đó là những cách kiểm soát những người lãnh đạo"(12).
Đối với hoạt động kiểm tra trong nội bộ cơ quan (kiểm tra của lãnh đạo đối với cán bộ trong việc tuân thủ pháp luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến phương pháp giám sát khi đặt câu hỏi "kiểm soát cách thế nào?" và Người đã chỉ cho cán bộ lãnh đạo biết rằng: "cố nhiên, không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà chờ người ta báo cáo, phải đi tận nơi, xem tận chốn". Song, Người khẳng định: "muốn kiểm soát tốt phải có hai điều: một là kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải có đủ uy tín"(13).
Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đã có chính sách và pháp luật thì phải biết tổ chức thực hiện. Hiệu quả của việc thực hiện pháp luật phụ thuộc phần lớn vào việc áp dụng phương pháp giám sát mà quan trọng công tác giám sát, kiểm tra đó phải được tiến hành trên cơ sở khoa học, tiến hành một cách có hệ thống. Đó là cách thức kiểm tra, giám sát linh hoạt, đảm bảo tính thứ bậc giữa cấp trên và cấp dưới, kết hợp giữa kiểm tra thường xuyên, định kỳ với kiểm tra bất thường. Đặc biệt, cần tiến hành phương pháp kiểm tra gián tiếp thông qua báo cáo với việc áp dụng hình thức kiểm tra trực tiếp.
Bên cạnh việc áp dụng phương pháp giám sát, kiểm tra phù hợp với từng đối tượng giám sát, Chủ tịch Hồ chí Minh luôn chú ý đến chủ thể tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát. Theo Hồ Chí Minh, chủ thể thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát phải là những người vừa có kinh nghiệm, có năng lực lại vừa có uy tín và đạo đức cách mạng. Để tăng cường công tác công tác kiểm tra, thanh tra, đối với cán bộ làm công tác thanh tra, Trong bài "Sao cho được lòng dân" đăng trên báo Cứu quốc số 65 ra ngày 12.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Muốn cho dân yêu, muốn cho được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải ra sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dẫu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem đến". Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên căn dặn cán bộ thanh tra phải luôn tuân thủ những nguyên tắc trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Đó là: kịp thời, chóng chừng nào, hay chừng đấy. Trong Hội nghị công tác thanh tra toàn miền Bắc ngày 05 tháng 3 năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Về công tác xét và giải quyết các khiếu nại, tố giác, nhiệm vụ của các Ban thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, kịp thời, làm sớm chừng nào hay chừng ấy. Đồng bào có oan ức mới khiếu nại hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào mới thấy rõ Đảng và Chính phủ luôn quan tâm lo lắng đến quyền lợi của của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố hơn". Hơn thế nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn cán bộ thanh tra: "các cô, các chú làm thế nào đừng để thư khiếu nại, tố cáo gửi thẳng đến Bác, vì các địa phương không giải quyết tốt cho nhân dân nên họ phải đưa lên Bác". Như vậy, trong tư tưởng của Người, uy tín của cán bộ làm công tác thanh tra kiểm tra được thể hiện ở tinh thần phục vụ vì nhân dân, trách nhiệm giải quyết công việc một cách hoàn chỉnh, triệt để ngay từ nơi phát sinh khiếu kiện. Uy tín của người cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra được thể hiện ở kết quả công việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Qua đó, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân được tăng cường và ngày càng gắn bó. Qua đó, quyền lợi của nhân dân, quyền lợi của nhà nước được đảm bảo và uy tín của người lãnh đạo, của Đảng càng tăng./.
__________________________
(1) Hồ Chí Minh Nhà nước và pháp luật (1985), Nxb. Pháp lý, Hà Nội.
(2), (3), (4), (5), (8), (12), (13) Hồ Chí Minh Toàn tập (1995), Nxb. CTQG, Hà Nội, T.5, tr.520, tr.521, tr.641, tr.267, tr.61, tr.288, tr.287.
(6) XYZ, Báo Sự thật, số 103, ngày 30 tháng 11 năm 1948.
(7) Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn Miền Bắc năm 1960
(9) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, T.9, tr.591.
(10) Hồ Chí Minh, Thư gửi đồng bào liên khu IV, Nxb. CTQG, T.6, tr.66.
(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, T.6, tr.66.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền tháng 1,2 năm 2006
Bài liên quan
- Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
- Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
- Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
- Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
- Một số vấn đề về nhận diện bản chất của chủ nghĩa tư bản trong thời đại mới, góp phần củng cố vững chắc định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 3 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 4 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 5 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp to lớn đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Đối với công tác xây dựng Đảng, Đồng chí giữ vai trò là ngọn cờ lý luận, là người truyền cảm hứng, là nhà lãnh đạo xuất sắc trong thực hành công tác xây dựng Đảng, là người cộng sản mẫu mực, là tấm gương sáng ngời cho cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện.
Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Trong quá trình thực thi quyền lực chính trị, tính chính đáng cầm quyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tính chính đáng được xây dựng dựa trên cơ sở niềm tin của người dân đối với chủ thể cầm quyền, là sự thừa nhận rằng, chủ thể đó xứng đáng được cầm quyền. Nếu chủ thể cầm quyền có tính chính đáng cao, khi đưa ra các quyết định, các mệnh lệnh, mức độ chấp hành của người dân cũng cao. Điều này quy định tính hiệu quả của việc thực thi quyền lực.
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một chủ trương mới, được đưa ra trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm 2021. Tuy nhiên, nội dung, phương thức, bản chất của quản trị quốc gia là vấn đề còn khá mới mẻ và có nhiều ý kiến khác nhau. Mặt khác, vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quản trị quốc gia như thế nào? Bài viết góp phần thảo luận và phân tích, làm rõ những nội dung liên quan đến những vấn đề đó.
Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng ta kế thừa, vận dụng xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Trong bối cảnh mới hiện nay, nhiệm vụ tiếp tục quán triệt giá trị chân lý trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Bình luận