Huy động nguồn lực tài chính từ kinh tế tư nhân để phát triển kinh tế - xã hội
1. Kinh tế tư nhân và nguồn lực tài chính từ kinh tế tư nhân
Kinh tế tư nhân là một bộ phận trong nền kinh tế quốc dân. Sự hình thành và phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta gắn liền với những đổi mới trong nhận thức và đường lối chính sách kinh tế nhiều thành phần của Đảng và Nhà nước.
Kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân. Về hình thức đăng ký kinh doanh, kinh tế tư nhân bao gồm các hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp, công ty dựa trên sở hữu tư nhân.
Kể từ Đại hội VI của Đảng, kinh tế tư nhân đã được thừa nhận là một bộ phận của nền kinh tế nhiều thành phần; phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là một chủ trương đúng đắn và nhất quán.
Về cơ bản, nguồn lực tài chính từ kinh tế tư nhân được phân loại theo 3 tiêu chí:
Theo xuất xứ, nguồn lực tài chính từ kinh tế tư nhân bao gồm nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân; nguồn lực tài chính của các hộ kinh doanh cá thể, tiểu chủ.
Theo kênh huy động, nguồn lực tài chính từ kinh tế tư nhân được thể hiện ở tỷ trọng của tư nhân trong các khoản thu ngân sách nhà nước; trong các khoản vốn vay và các khoản tiền gửi ngân hàng; thị phần tham gia trên thị trường chứng khoán; hệ thống các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh tư nhân và các đơn vị sự nghiệp tư nhân.
Theo hình thức huy động, nguồn lực tài chính từ kinh tế tư nhân được thể hiện ở nguồn tài chính huy động được dưới hình thức các doanh nghiệp và hộ kinh doanh tư nhân nộp thuế, phí và lệ phí; doanh nghiệp tư nhân phát hành cổ phiếu và trái phiếu để huy động vốn; hoặc các hoạt động đầu tư gián tiếp của tư nhân dưới hình thức mua cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường chứng khoán; hoặc hoạt động đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp tư nhân.
Nguồn lực tài chính tư nhân có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, có tính phân tán trong các hộ gia đình, các cá nhân và nhiều doanh nghiệp dân doanh khác nhau, trên nhiều địa bàn. Tính phân tán khiến cho việc huy động khó khăn hơn nhiều so với huy động từ khu vực nhà nước.
Thứ hai, có tính đa dạng về quy mô (quy mô rất nhỏ ở các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ; có thể rất lớn trong các tập đoàn tư nhân như Hoàng Anh Gia Lai, Tân Tạo, Vingroup,…), về hình thức tồn tại (tiền mặt, ngoại tệ, kim loại quý, tiền gửi ngân hàng, chứng khoán, tài sản có giá khác)… Tính đa dạng của nguồn lực tài chính tư nhân phản ánh sự đa dạng của bản thân khu vực này. Do đó, phương pháp và công cụ huy động cũng phải đa dạng, phù hợp với từng quy mô, từng hình thức khác nhau.
Thứ ba, phần lớn còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ nhưng quy mô tổng thể lại rất lớn. Nếu khai thác tốt nguồn tài chính này sẽ là nguồn vốn rất lớn cho đầu tư phát triển.
Thứ tư, đang tăng trưởng nhanh chóng, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thực sự của khu vực này. Do đó, còn nhiều không gian để tiếp tục tăng trưởng nguồn lực tài chính từ khu vực này.
Thứ năm, khó đo lường, quản lý, đặc biệt trong điều kiện nước ta. Do việc thanh toán và dự trữ tài sản trong hệ thống ngân hàng của các hộ gia đình còn chưa phổ biến, giao dịch chủ yếu dưới dạng tiền mặt, rất khó để thống kê chính xác quy mô, tính chất và hình thức của các nguồn lực tài chính của khu vực tư nhân. Bên cạnh tiền gửi tại ngân hàng, hầu hết các hộ gia đình đều giữ tiền mặt, ngoại tệ, kim loại quý và các tài sản có giá trị khác tại nhà. Nguồn gốc của thu nhập các hộ gia đình cũng khác nhau và nhiều khoản thu nhập không công khai. Ngay nguồn lực tài chính trong các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không dễ đo lường, do nhiều doanh nghiệp sử dụng hệ thống sổ sách kế toán kép với cơ quan thuế và cơ quan quản lý.
Thứ sáu, nhạy cảm với lãi suất và lợi tức đầu tư. Nghĩa là nguồn lực tài chính này luôn tìm kiếm các cơ hội sinh lời cao, cho dù đi kèm với nó có thể là rủi ro cao hơn. Sự tồn tại của các hình thức tín dụng đen, tín dụng ngầm cũng minh chứng cho đặc điểm này.
2. Thực trạng huy động nguồn lực tài chính từ kinh tế tư nhân để phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay
Thu nhập cao hơn cho phép người dân và các doanh nghiệp chi tiêu nhiều hơn, đồng thời cũng tích lũy tốt hơn. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tiết kiệm của nước ta đã tăng 1,7 lần từ 597 nghìn tỷ đồng năm 2010 lên 1.016 nghìn tỷ đồng năm 2019. Tốc độ tăng trưởng tiết kiệm bình quân là 6%/năm, bao gồm cả lạm phát. Trong đó hai năm 2018 và 2019 có tốc độ tăng trưởng tiết kiệm khá nhanh, từ 7-10%, mặc dù hai năm này tỷ lệ lạm phát không cao. Như vậy, có thể thấy nhờ tăng trưởng kinh tế khá cao, mà nguồn lực tài chính trong nền kinh tế cũng gia tăng đáng kể.
- Huy động nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp tư nhân
Kết quả điều tra doanh nghiệp giai đoạn 2017-2019 cho thấy, có 60-70% doanh nghiệp tư nhân kinh doanh có lãi, thấp hơn mức khoảng 85% của doanh nghiệp nhà nước nhưng cao hơn mức 60-65% của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trên thực tế, khu vực doanh nghiệp tư nhân thường có khuynh hướng khai thấp số lãi hoặc khai lỗ để tránh thuế nên tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân có lãi thực tế có thể cao hơn nhiều. Tổng tích lũy từ lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng 2/3 tổng lợi nhuận khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực có vốn nước ngoài. Tuy nhiên, khu vực này lại có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất, từ 47 nghìn tỷ năm 2017 lên 78 nghìn tỷ năm 2019.
- Nguồn lực tài chính của các hộ gia đình
Thu nhập bình quân nhân khẩu theo tháng (tính theo giá hiện hành) của các nhóm hộ gia đình từ năm 2015 đến 2019. Có thể thấy, thu nhập bình quân đã tăng khá nhanh trong thời gian này. Cụ thể, thu nhập bình quân nhân khẩu ở thành thị tăng khoảng 3,4 lần (từ 622 nghìn/người/tháng lên 2,13 triệu/người/ tháng); thu nhập bình quân nông thôn tăng 3,9 lần (từ 275 nghìn/người/tháng lên 1,07 triệu/người/tháng).
Xét theo vùng địa lý, thu nhập bình quân cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (2,3 triệu/người/tháng) và đồng bằng sông Hồng (1,589 triệu/người/tháng) và thấp nhất là vùng trung du và miền núi phía Bắc (905 nghìn đồng/người/
tháng). Thu nhập bình quân nhân khẩu ở đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên tăng nhanh nhất (4,4 lần từ 2015 đến 2019) và chậm nhất ở Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 3,4 lần).
- Huy động qua đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp tư nhân và hộ cá thể
Trên thực tế, quy mô vốn bình quân của các doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn nhiều so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trung bình, vốn của một doanh nghiệp tư nhân năm 2019 chỉ có khoảng 18 tỷ đồng, bằng 1/54 doanh nghiệp nhà nước (973 tỷ đồng) và bằng 1/11 doanh nghiệp có vốn nước ngoài (204 tỷ đồng).
- Huy động qua hệ thống ngân hàng
Theo thống kê lượng vốn huy động qua một số ngân hàng lớn trong giai đoạn 2017-2019, nhìn chung, tốc độ huy động vốn của các ngân hàng cao hơn gấp nhiều lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng vốn huy động bình quân ba năm gần đây là: 20% năm 2017, 26% năm 2018 và 31% năm 2019. Tốc độ tăng trưởng này cũng cao hơn tốc độ tăng đầu tư phát triển bình quân. Quy mô và tốc độ huy động vốn cũng có sự khác nhau lớn giữa các ngân hàng. Nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn có quy mô huy động lớn nhất. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng huy động vốn chậm hơn so với các ngân hàng cổ phần. Chẳng hạn, Agribank tăng trưởng tín dụng năm 2019 chỉ là 9%, trong khi MBbank là 64%, ACB là 36%, Eximbank là 48%.
- Huy động trên thị trường chứng khoán và thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Từ năm 2016, các doanh nghiệp bắt đầu huy động thêm vốn từ thị trường chứng khoán. Ngay trong năm này, đã có 44 công ty cổ phần thực hiện chào bán cổ phiếu. Năm 2017, huy động vốn trên sàn chứng khoán bùng nổ với tổng lượng vốn huy động lên tới 40 nghìn tỷ đồng, với gần 200 đợt phát hành của 192 công ty và 4 ngân hàng thương mại. Từ đó đến nay, do sự suy giảm của thị trường chứng khoán nên huy động vốn qua sàn có giảm, nhưng cũng trên chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh cổ phiếu, Chính phủ và các doanh nghiệp cũng phát hành trái phiếu, kỳ phiếu để thu hút vốn trực tiếp từ dân cư. Tính đến tháng 3.2019, khối lượng trái phiếu chính phủ huy động chưa đáo hạn có mệnh giá lên tới 250 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 12% GDP năm 2019. Trái phiếu do các doanh nghiệp phát hành còn ít, quy mô nhỏ không đáng kể
Tính đến hết năm 2019, cả nước đã cổ phần hóa được gần 4.500 doanh nghiệp. Hiện nay, cả nước còn 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Việc chuyển các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đã thu hút thêm nguồn lực từ xã hội, trong đó một bộ phận nguồn lực vô cùng quan trọng là khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra, tiến độ cổ phần hóa vẫn bị chậm, cụ thể tính cả năm 2019, cả nước cổ phần hóa được 6 doanh nghiệp.
- Những hạn chế
Một là, đa số là các doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, thiếu vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý. Doanh nghiệp quy mô lớn, có thương hiệu còn quá ít ỏi. Điều này thể hiện chất lượng các doanh nghiệp tư nhân và cần được coi là một trong những vấn đề chính sách cần được xử lý nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cũng như vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế.
Hai là, mặc dù đang phát triển nhanh chóng nhưng chúng ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân. Nguyên nhân của vấn đề này là do vẫn còn những rào cản đối với khu vực này, như: gặp khó khăn khi tiếp cận đất đai, vốn; thủ tục hành chính để đầu tư còn phức tạp; tệ nạn tham nhũng, hối lộ, cửa quyền, nhũng nhiễu. Bên cạnh đó, bản thân kinh tế tư nhân còn có những hạn chế như tư duy tiểu nông, làm ăn manh mún, chụp giật, chưa có chiến lược lâu dài.
Ba là, huy động nguồn lực tài chính tư nhân qua hệ thống ngân hàng mới chỉ khai thác được một phần tiềm năng của khu vực này. Lý do là hệ thống ngân hàng còn kém phát triển, đơn điệu về nghiệp vụ; quy mô vốn chủ sở hữu còn nhỏ bé so với tiêu chuẩn khu vực và thế giới.
Bốn là, các kênh huy động nguồn lực tài chính mới như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu phát triển chưa vững chắc, quy mô nhỏ. Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 17% GDP trong khi ở các nước như Trung Quốc là 53%, Hàn Quốc là 105%. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn chưa phát triển, rất ít doanh nghiệp phát hành.
Năm là, kết quả hoạt động xã hội hóa một số lĩnh vực như giáo dục, y tế… còn hạn chế, số lượng cơ sở y tế, giáo dục được xã hội hóa còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu.
3. Một số giải pháp thúc đẩy huy động nguồn lực tài chính từ kinh tế tư nhân để phát triển kinh tế - xã hội
Để tăng cường huy động nguồn lực tài chính từ kinh tế tư nhân cho phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, tạo niềm tin, tâm lý an toàn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tư nhân.
Đây là cơ sở để tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững và để thu hút các nguồn lực tài chính vào đầu tư phát triển. Để ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta phải xử lý đồng thời các vấn đề có liên hệ chặt chẽ với nhau là đầu tư công, thâm hụt ngân sách, lạm phát, thâm hụt cán cân thanh toán, vàng hóa, đô la hóa và tỷ giá hối đoái.
Thứ hai, nhất quán chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, tăng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân trong GDP và trong thu ngân sách nhà nước. Cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật doanh nghiệp theo hướng tạo điều kiện dễ dàng cho thành lập và điều hành doanh nghiệp tư nhân. Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế, báo cáo thuế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tạo các điều kiện thuận lợi về tiếp cận đất đai cho các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thúc đẩy và tạo điều kiện hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp, các quỹ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất hợp lý, có các hình thức bảo lãnh vay vốn cho các doanh nghiệp nhỏ không có tài sản thế chấp. Thúc đẩy kinh tế hộ, đặc biệt trong nông nghiệp, nông thôn thông qua các hình thức hỗ trợ kỹ thuật, vốn, tài chính vi mô, hỗ trợ về tiếp cận thị trường, liên kết chuỗi sản phẩm,...
Thứ ba, tái cơ cấu, đổi mới phương thức kinh doanh của các ngân hàng thương mại nhằm thu hút nguồn lực tài chính từ kinh tế tư nhân. Cần nâng quy mô vốn chủ sở hữu các ngân hàng thông qua phát hành cổ phiếu hoặc sáp nhập các ngân hàng.
Thứ tư, tiếp tục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Kiên định chủ trương đẩy nhanh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và giảm tỷ lệ nắm giữ ở các doanh nghiệp đã cổ phần hóa.
Thứ năm, phát triển thị trường chứng khoán. Nâng cao tiêu chuẩn niêm yết trên sàn chứng khoán để loại bỏ các doanh nghiệp có quy mô quá nhỏ, các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Thắt chặt các điều kiện tín dụng của ngân hàng cho vay chứng khoán và của công ty chứng khoán cho vay nhà đầu tư để hạn chế tình trạng sử dụng đòn bẩy tràn lan, đầu tư rủi ro, làm giá, khiến cho thị trường bị bóp méo. Mở rộng hoạt động của thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu địa phương, trái phiếu công trình và trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ sáu, thúc đẩy hợp tác công tư, xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục. Thiết lập một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và thuận lợi cho các loại hình hợp tác công tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Xây dựng cơ chế hợp tác công tư đa dạng với nhiều hình thức hợp tác, bảo đảm chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân. Có chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục và y tế, tạo điều kiện tiếp cận đất đai và vốn. Hoàn thiện hệ thống luật pháp và cơ chế giám sát để hạn chế mặt trái về chất lượng dịch vụ gắn với xã hội hóa.
_____________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Văn Hân (2005), Doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán trong mối quan hệ với tín dụng ngân hàng, Tạp chí Thương mại số 26, 2005.
2. Vũ Hùng Cường (2011), Kinh tế tư nhân và vai trò động lực tăng trưởng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Phạm Thị Khanh (2014), Huy động vốn trong nước phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng, Nxb. Chính trị quốc gia, 2014.
4. Nguyễn Tiến Đạt - Phạm Khắc Hoàn (2015), Huy động đóng góp của doanh nghiệp - giải pháp tăng cường nguồn tài chính cho đào tạo nghề trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Khoa học giáo dục, Số 3.2015, tr.43-44.
5. Võ Văn Đức (2016), Huy động và sử dụng các nguồn lực chủ yếu nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4.2021
Bài liên quan
- Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
- Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Chiều 25/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin. Đây là phiên họp cuối cùng trong kế hoạch làm việc chung của Hội đồng để thống nhất thông qua Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Báo chí và thông tin, bước cuối cùng trước khi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiệm thu theo quy định.
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo công tác này, qua đó đạt được một số kết quả khá quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở phân tích thực trạng lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác này trong thời gian tới.
Bình luận