Mở rộng cơ hội giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trình độ cao của Việt Nam từ góc độ tiếp cận lý thuyết hệ thống
1. Mở rộng cơ hội giáo dục của Việt Nam từ Đổi mới đến nay
Tiếp cận lý thuyết hệ thống(1) trong giáo dục đòi hỏi phải xem xét hệ thống giáo dục quốc dân trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập thế giới. Hệ thống giáo dục tương tác và thích ứng với xã hội thông qua các đầu vào, trong đó có cơ hội giáo dục của nhân dân và đầu ra là trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động. Theo cách tiếp cận lý thuyết hệ thống tổng quát có thể nhận định rằng, cơ hội giáo dục của Việt Nam đã được mở rộng cho tất cả trẻ em và người lớn, nhất là ở bậc giáo dục mẫu giáo 5 tuổi, giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở. Tuy nhiên, cơ hội giáo dục ở bậc trung học phổ thông và giáo dục đại học còn hạn chế, do vậy cần được tiếp tục mở rộng để bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục bậc cao và xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển xã hội bền vững và phát triển con người.
Từ năm 1986, trong điều kinh tế còn rất khó khăn giai đoạn đầu của Đổi mới, cơ hội giáo dục ở nước ta vẫn liên tục được mở rộng. Giai đoạn 1992-1993, tỷ lệ đi học chung khá lớn và đạt 48,1%(2), trong đó tỷ lệ đi học chung tiểu học đạt 110,6% và tỷ lệ đi học đúng tuổi tiểu học đạt 78%, tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp II đạt 36%. Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng về cơ hội giáo dục trung học cơ sở (cấp II) thể hiện rõ giữa các nhóm giàu và nhóm nghèo(3). Cụ thể là khi so sánh tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp II của trẻ em thuộc nhóm giàu nhất (nhóm ngũ vị phân về mức chi tiêu) là 54,7% với tỷ lệ 18,6% của trẻ em thuộc nhóm nghèo nhất có thể phát hiện rõ mức độ phân hóa về cơ hội giáo dục một cách tương đối của nhóm giàu so với nhóm nghèo là 2,94 lần và mức tuyệt đối là 36,1%.
Nhờ chính sách giảm nghèo và chính sách phổ cập giáo dục tiểu học, chỉ sau 5 năm, từ năm 1993 đến năm 1998, cơ hội giáo dục thể hiện ở tỷ lệ đi học đúng tuổi của dân số Việt Nam đã tăng mạnh theo cấp học từ tiểu học đến đại học(4), cụ thể là, tỷ lệ đi học đúng tuổi tiểu học tăng từ 78% lên 92,6% trong năm 1993-1998, trung học cơ sở tăng gần gấp đôi, từ 36% lên 61,6%, trung học phổ thông tăng hơn gấp đôi từ 11,4% lên 28,8% và đại học tăng gần gấp 5 lần, từ 1,8% lên 9,3%. Tuy nhiên, cơ hội giáo dục phân bố không đồng đều cho các gia đình Việt Nam. Hệ số Gini về chi tiêu cho giáo dục (không tính chi tiêu cho ngoại ngữ và máy vi tính) của các hộ gia đình mỗi người trong độ tuổi đến trường (6-24 tuổi) trong 12 tháng trước ngày điều tra tăng từ 0,564 lên 0,570 trong năm 1993-1998. Điều này có thể cho thấy, bất bình đẳng giáo dục ở Việt Nam đã không giảm mà có chiều hướng tăng lên trong thời gian đó.
Có thể thấy rõ là, trong thời kỳ đổi mới, cơ hội giáo dục được mở rộng và bất bình đẳng đã giảm theo thời gian với tốc độ giảm nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách phổ cập giáo dục. Nhờ chính sách phổ cập giáo dục tiểu học và từng bước phổ cập giáo dục trung học cơ sở nên cơ hội giáo dục ở hai cấp học này đều được mở rộng và tiến tới bình đẳng giữa các nhóm xã hội khác nhau. Ví dụ gần đây nhất là nhờ thực hiện thành công chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi(5), Việt Nam đã đặt ra mục tiêu thực hiện chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi trong những năm tới.
Một yếu tố khác góp phần thúc đẩy cơ hội đến trường ở các cấp bậc giáo dục, nhất là giáo dục đại học là giá trị gia tăng của trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo(6). Một nghiên cứu về sự dịch chuyển xã hội giai đoạn 2004 - 2014 cho biết(7): học vấn càng cao càng làm tăng thu nhập, ví dụ, thu nhập bình quân đầu người của gia đình có chủ hộ đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhiều hơn gấp 3 lần so với chủ hộ chưa tốt nghiệp tiểu học; người tốt nghiệp cao đẳng, đại học có khả năng cao nhất trong tiếp cận việc làm với mức lương cao so với các nhóm có trình độ học vấn thấp hơn và bình quân cứ tăng 1 năm đi học thì có xác suất tăng thêm 5% khoản tiền lương, tiền công; học vấn làm tăng cơ hội chuyển từ việc làm thủ công sang việc làm có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao hơn. Học vấn của bố mẹ là yếu tố có khả năng làm tăng học vấn của con và nhờ vậy thúc đẩy sự dịch chuyển xã hội theo hướng đi lên và giảm khả năng di động xuống của con trong hệ thống phân tầng xã hội về vị thế việc làm và mức sống.
Thành tựu mở rộng cơ hội giáo dục và vấn đề đặt ra
Cần ghi nhận và tiếp tục phát huy thành tựu giáo dục lớn nhất của thời kỳ đổi mới kinh tế - xã hội đất nước từ năm 1986, nhất là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo từ năm 2013 đến nay là cơ hội giáo dục được mở rộng cho tất cả mọi người. Số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy rất rõ điều này(8). Năm 2019 với tỷ lệ nhập học đúng tuổi trung học phổ thông đạt trên 68%, tăng gần 12% so với mức gần 57% (năm 2009) và tỷ lệ nhập học đúng tuổi cao đẳng, đại học tăng từ 16,3% lên 26%. Cơ hội giáo dục trung học sơ sở và tiểu học được mở rộng và tương ứng, bất bình đẳng về cơ hội giáo dục giữa thành thị và nông thôn giảm trong giai đoạn 2009-2019.
Đây là những thành tựu rất lớn của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ có thể phát hiện thấy ba vấn đề đặt ra. Thứ nhất, tốc độ mở rộng cơ hội giáo dục không cao bởi vì bình quân mỗi năm tỷ lệ nhập học đúng tuổi trung học phổ thông tăng được trên 1% và giáo dục cao đẳng, đại học tăng gần 1%. Như vậy, có thể dự báo là nếu không có sự tập trung đầu tư mở rộng cơ hội giáo dục trung học phổ thông và giáo dục đại học thì sau 10 năm nữa, đến 2029, tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp này lần lượt sẽ là trên 78% ở cấp trung học phổ thông và gần 36% ở cấp cao đẳng, đại học. Thứ hai, năm 2019, tỷ lệ nhập học đúng tuổi trung học phổ thông là 68,3%, có nghĩa là vẫn còn 31,7% dân số trong độ tuổi 15-17 không đến trường trung học phổ thông. Tương tự, năm 2019 có 74% thanh niên tuổi 18-22 ở Việt Nam không đến trường cao đẳng, đại học. Vấn đề thứ ba là mặc dù cơ hội giáo dục đã tăng nhưng tỷ lệ nhập học đúng tuổi trung học phổ thông và nhất là nhập học đại học của Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập thế giới.
2. Yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trình độ cao
Trong một thập kỷ vừa qua, giáo dục và đào tạo đã góp phần làm tăng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật tăng từ gần 15% lên trên 23%. Trong đó, tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng tăng gấp đôi, từ 1,8% lên 3,9% và tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên tăng hơn gấp đôi từ 5% lên 10,6% (Bảng 1). Đây là những thành tựu rất lớn của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn lực và nâng cao trình độ lực lượng lao động Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật còn rất lớn với gần 77% (năm 2019) và tốc độ giảm rất chậm, bình quân mỗi năm giảm được 0,8%. Nếu theo xu hướng này, đến năm 2030, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo của Việt Nam vẫn cao, khoảng 68%. Đặc biệt, lực lượng lao động Việt Nam có trình độ thấp với tỷ lệ đại học trở lên chỉ đạt 10,6% vào năm 2019 và đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ có thể chỉ đạt được gần 16%. Một vấn đề khác là tình trạng bất bình đẳng giữa các vùng địa lý kinh tế về trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động trong cả nước.
Năm 2019, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật ở nông thôn chỉ gần bằng một nửa so với thành thị. Trong sáu vùng địa lý kinh tế, vùng đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao nhất với 31,8%, nhiều gấp 2,3 lần so với vùng đồng bằng sông Cửu Long (với 13,6%). Đặc biệt là xảy ra tình trạng bất bình đẳng lớn về trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao, “đại học trở lên”: tỷ lệ “đại học trở lên” ở thành thị là 22,2%, nhiều hơn gấp 4 lần so với ở nông thôn (với 5,2%).
Do vậy, vấn đề về những hạn chế của giáo dục Việt Nam vẫn còn rất rõ và đặt ra yêu cầu phải đầu tư giáo dục như đầu tư phát triển để tăng tỷ lệ lực lượng lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật và nhất là tăng tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao từ cao đẳng, đại học trở lên. Yêu cầu này đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 29 năm 2013 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập thế giới(9).
3. Một số giải pháp mở rộng cơ hội giáo dục và nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật
Theo cách tiếp cận lý thuyết hệ thống, để phát triển nguồn nhân lực trình độ cao sau trung học phổ thông và nhất là trình độ đại học là cần phải thực hiện các giải pháp mở rộng cơ hội giáo dục phổ thông và hình thành phẩm chất, năng lực học tập suốt đời. Giải pháp hàng đầu là phổ cập giáo dục. Thực tiễn đổi mới giáo dục trong thời gian qua chứng tỏ thành công và hiệu quả to lớn của chính sách phổ cập giáo dục đối với việc mở rộng cơ hội giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và gần đây nhất là giáo dục mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi.
Do vậy, theo tinh thần Kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo(10) cần tiếp tục thực hiện giải pháp phổ cập giáo dục để mở rộng cơ hội giáo dục trung học phổ thông và tiến tới mở rộng cơ hội giáo dục sau trung học phổ thông, cao đẳng và đại học. Đây là một giải pháp chính sách cơ bản nhằm đẩy nhanh tốc độ mở rộng cơ hội giáo dục trung học và nâng cao tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao từ đại học trở lên.
Nhóm giải pháp thứ hai là xây dựng xã hội học tập. Để giáo dục và đào tạo vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, vừa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, giải pháp cơ bản và quan trọng là thực hiện chính sách xây dựng xã hội học tập. Giải pháp này được cụ thể hóa trong Đề án của Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 với các mục tiêu cụ thể(11), ví dụ, đến năm 2015 Việt Nam sẽ có 15% dân số từ 15 tuổi trở lên đạt trình độ đại học và năm 2030 là 15%.
Nhóm giải pháp thứ ba là hình thành, phát triển năng lực học tập suốt đời. Từ góc độ lý thuyết hệ thống, việc phát triển năng lực học tập suốt đời là cốt lõi, hạt nhân của việc xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh khoa học, công nghệ trở thành lực lượng sản xuất. Trong thực tiễn Việt Nam, giải pháp xây dựng xã hội học tập với trọng tâm là học tập suốt đời đã thể hiện rõ trong Đề án của Chính phủ với mục tiêu, đến năm 2030 sẽ có 60% công dân đạt danh hiệu công dân học tập; 50% các huyện được công nhận danh hiệu huyện học tập; 35% các tỉnh được công nhận danh hiệu tỉnh học tập. Giải pháp này cần được mở rộng đến các cơ quan, tổ chức nhất là các tổ chức doanh nghiệp với nghĩa là Chính phủ cần tạo cơ hội, điều kiện để các tổ chức trở thành “tổ chức học tập”. Điều này có nghĩa là cần thực hiện giải pháp xây dựng xã hội học tập bảo đảm cả người sử dụng lao động và người lao động đều có động lực học tập, phát triển năng lực học tập suốt đời để có thể học hỏi và áp dụng “ngay và luôn” những điều tốt đẹp nhất ở trong nước và trên thế giới.
Nói cách khác, các giải pháp xây dựng xã hội học tập theo cách tiếp cận lý thuyết hệ thống tổng quát đòi hỏi tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, giáo dục ban đầu và giáo dục tiếp tục nhằm mở rộng cơ hội học tập chính quy, học tập phi chính quy, học tập không chính quy và học tập phi chính quy (Hình 1). Hình vẽ cho biết(12): giáo dục thường xuyên là “hệ thống giáo dục tiếp tục” bảo đảm “học tập không chính quy” dành cho người lớn để bổ sung cho “hệ thống giáo dục ban đầu” bảo đảm “học tập chính quy” dành cho dân số trong độ tuổi giáo dục chính quy (ví dụ từ 24 tuổi trở xuống). Giáo dục thường xuyên bảo đảm điều kiện “học tập phi chính quy” theo hướng “cần gì học nấy” và thuộc khu vực trung gian giữa “học tập chính quy” và “học tập không chính quy”(13).
Một nghiên cứu chỉ rõ chủ trương của Đảng từ năm 2013 là chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập(14). Đây là xu thế tất yếu và mang tính thời đại sâu sắc bảo đảm tăng trưởng và phát triển xã hội bền vững, bao trùm. Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục thường xuyên và xây dựng xã hội học tập cần được nghiên cứu và áp dụng những giải pháp mới, khác với giáo dục chính quy và “xã hội chưa học tập” đặc trưng cho thời kỳ trước đây.
Khoa học công nghệ truyền thông hiện đại của thời kỳ số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo điều kiện để tất cả mọi người có thể học tập suốt đời trong các cơ sở giáo dục chính quy và cơ sở giáo dục thường xuyên. Đồng thời, nhờ phương tiện công nghệ số, ví dụ như Internet kết nối vạn vật, máy tính và điện thoại thông minh, mọi người đều có thể học tập “ngay và luôn” những gì tốt đẹp cần thiết để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và chất lượng cuộc sống./.
__________________
(1) Lê Ngọc Hùng (2015), Hệ thống, cấu trúc và phân hóa xã hội, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
(2) Xem: Trương Thị Kim Chuyên, Thái Thị Ngọc Dung và Bạch Hồng Việt (1999), “Yếu tố ảnh hưởng đến đi học cấp II” Hộ gia đình Việt Nam nhìn qua phân tích định lượng; Dominique Haughton, Jonathan Haughton, Sarah Bales, Trương Thị Kim Chuyên, Nguyễn Thị Nguyệt Nga, Hoàng Văn Kình, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.115-332.
(3) Trong giáo dục phổ thông, tỷ lệ học sinh nữ cao hơn tỷ lệ học sinh nam. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới có thể bộc lộ dưới các hình thức khác với mức độ khác, ví dụ các trình bày trong sách giáo khoa.
(4) Đỗ Thiên Kính (2005), Bất bình đẳng về giáo dục ở Việt Nam hiện nay: Dựa trên cơ sở dữ liệu VLSS1993 và VLSS1998 và so sánh với một số nước Tây Âu trong những năm 1960-1965, Tạp chí Xã hội học, 1 (89): 48-55, http://www.thuvientailieu.vn/tai-lieu/bat-binh-dang-ve-giao-duc-o-viet-nam-hien-nay-43523.
(5) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 239/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015.
(6) Lê Ngọc Hùng: Cơ hội đi học và chính sách đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Tạp chí Cộng sản (điện tử), ngày 28.5.2018.
(7) Tổ chức Oxfam tại Việt Nam (2018), Dịch chuyển xã hội và bình đẳng cơ hội tại Việt Nam: xu hướng và các yếu tố tác động, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
(8) Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương: Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở: thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2020.
(9) ĐCSVN: Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Hà Nội, ngày 4.11.2013.
(10) Ban Bí thư: Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Hà Nội, ngày 30.5.2019.
(11) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1373 - QĐ-TTg Phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”, Hà Nội, ngày 3.7.2021.
(12), (13) Phạm Tất Dong: Giáo dục thường xuyên - Giá trị cho sự phát triển bền vững, https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-thuong-xuyen, truy cập ngày 23.10.2021.
(14) Nguyễn Xuân Thủy: Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020 và những vấn đề đặt ra trong thời gian tới, http://hdll.vn, truy cập ngày 23.10.2021.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 24.4.2022
Bài liên quan
- Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
- Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo công tác này, qua đó đạt được một số kết quả khá quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở phân tích thực trạng lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác này trong thời gian tới.
Bình luận