(LLCT&TT) Hiện nay, đổi mới sáng tạo đã trở thành động lực chủ yếu và là chiến lược phát triển phù hợp nhất của các quốc gia, dân tộc. Mặc dù Việt Nam cũng đã triển khai phát triển đất nước theo chiến lược đổi mới sáng tạo; song, việc thực hiện theo mô hình phát triển này ở nước ta vẫn còn khiêm tốn và hạn chế. Từ cách tiếp cận của mình, trong bài viết này, chúng tôi phân tích một số vấn đề đã và đang đặt ra trong quá trình tiến hành đổi mới sáng tạo ở Việt Nam theo các góc độ về nhận thức, kết quả, hệ sinh thái, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, ngụy khoa học và quyền sỡ hữu trí tuệ của quá trình đổi mới, sáng tạo.
Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo đã trở thành động lực chủ yếu và là chiến lược phát triển đất nước phù hợp nhất của các quốc gia. Để tận dụng những thành quả và cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa lại; đồng thời cũng là để hòa nhịp với xu thế phát triển chung của nhân loại, Việt Nam cũng đã bắt đầu tạo lập và triển khai quá trình phát triển đất nước theo chiến lược đổi mới sáng tạo. Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định, phải: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”(1).
Đặc biệt, mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã nhấn mạnh phấn đấu đến năm 2025, phải hình thành Chính phủ số, trong đó chủ trương thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia được xây dựng trên 03 trụ cột: Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, ... Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số xác định phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện; phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt. Theo tinh thần đó, thời gian tới, Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách thử nghiệm ứng dụng giải pháp, công nghệ mới một cách sáng tạo, phù hợp(2).
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện phát triển đất nước theo mô hình phát triển đổi mới sáng tạo ở nước ta còn khiêm tốn và còn nhiều hạn chế. Chính Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra, “Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp;…”(3). Như vậy, việc triển khai mô hình phát triển đổi mới sáng tạo ở Việt Nam còn gặp nhiều lực cản, nhiều thách thức do các nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Từ đó, đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và giải quyết trong quá trình tiến hành đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay.
Một là, nhận thức về đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện
Mô hình tăng trưởng nội sinh (được trao giải Nobel Kinh tế năm 2018) chứng minh rằng, công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. C.Mác đã từng dự báo, khoa học ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Và trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học và công nghệ đã thực sự trở thành lực lượng sản xuất không thể thay thế, thành trụ cột chính của lực lượng sản xuất hiện đại. Với bản chất mang tính cách mạng nội sinh, khoa học và công nghệ hiện đại đã tích hợp, kích hoạt và hợp lực được tiềm năng vô hạn của các yếu tố trong lực lượng sản xuất. Chính vì thế, ở Việt Nam hiện nay, “Cần phải xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước; là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế - xã hội”(4).
Song, một thực tế rất đáng suy ngẫm là, trong nhận thức của chúng ta, “trước hết là, nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện. Hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho ứng dụng phát triển khoa học công nghệ;…”(5)
Hai là, kết quả của đổi mới sáng tạo còn rất khiêm tốn, chưa trở thành động lực phát triển
Trên thực tế, hiệu quả của quá trình đổi mới sáng tạo ở Việt Nam còn khiêm tốn và hạn chế. Chính Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thẳng thắn chỉ ra: “Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Môi trường kinh doanh ở một số lĩnh vực, địa phương còn hạn chế, chưa thực sự thông thoáng. Các đột phá chiến lược chưa có bứt phá. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực phát triển... Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp;…”(6).
Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng nhận định: “Việt Nam đã mở rộng và đa dạng hoá cơ cấu ngành hàng xuất khẩu, nhưng quá trình chuyển đổi cơ cấu sang xuất khẩu các mặt hàng và dịch vụ “công nghệ cao”, phức tạp hơn và có hàm lượng tri thức cao hơn vẫn còn diễn ra khá chậm chạp. Việc mắc kẹt trong các hoạt động tạo ít giá trị gia tăng đã hạn chế khả năng học hỏi công nghệ và nâng cao năng lực sáng tạo… Năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện còn yếu và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún. Công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) vẫn chỉ là hoạt động mang tính thêm thắt trong các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước”(7).
Ba là, đầu tư và chi phí cho nghiên cứu đổi mới sáng tạo chưa tương xứng với với vai trò của nó
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, để đưa đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực cho phát triển đất nước thì việc đầu tư và chi phí cho hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo phải được quan tâm dành nguồn lực thích đáng trong tổng GDP phát triển của quốc gia. Rất tiếc là, ở Việt Nam, “tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ trên GDP chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng đánh giá: Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, về đổi mới sáng tạo và về năng suất lao động so với một số nước ở Châu Á như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Singapore. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, chi tiêu cho nghiên cứu phát triển cả khu vực nhà nước và tư nhân của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP, khá thấp so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%; Singapore 2,2%; Malaysia 1,3%, Trung Quốc 2,1% GDP). Nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình”(8).
Trên thực tế, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Việt Nam còn quá thấp. Trong năm 2021, Bộ KH&CN và Tổ chức SIRO’s Data61 của Australia hợp tác tiến hành một nghiên cứu chung nhằm phân tích, đánh giá một cách khoa học các giai đoạn phát triển công nghệ hiện tại ở Việt Nam cũng như những đóng góp của các hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) khác nhau đối với quá trình đổi mới công nghệ và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua. Theo báo cáo, trong những năm gần đây, mức đầu tư cho R&D của Việt Nam còn khá thấp. Năm 2019, ngân sách cho R&D tại Việt Nam bằng 0,53% tổng GDP, thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng (chỉ có Indonesia và Philippines là có cường độ R&D thấp hơn). Sự hạn chế của nguồn lực R&D thể hiện qua số lượng các nhà nghiên cứu tính trên một triệu dân. Tỉ lệ nhân lực làm R&D trên dân số của Việt Nam tương đối thấp so với các quốc gia khác, tỉ lệ này chỉ tương đương 20% so với tỷ lệ trung bình của khu vực EU, tương đương 7,6% của Hàn Quốc, tương đương 29,8% của Malaysia, tương đương 58% của Thái Lan. Nguồn nhân lực R&D của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực nhà nước (84,13%), trong khi khu vực ngoài nhà nước chiếm 13,8%(9).
Bên cạnh đó, do đầu tư chi cho R&D còn quá thấp, đã dẫn đến việc các doanh nghiệp Việt Nam phaỉ sử dụng máy móc, công nghệ cũ là còn khá lớn. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) về đổi mới sáng tạo công bố ngày 3.11.2021 cho thấy, đã chỉ ra số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam có sử dụng các công nghệ 4.0 như in 3-D, robot còn rất ít. “Chỉ có 29% doanh nghiệp sử dụng máy móc được điều khiển bởi máy tính, công nghệ kỹ thuật số của công nghiệp 3.0. Chỉ 8,7% sử dụng công nghệ này một cách tích cực, hiệu quả là vấn đề đáng quan ngại”(10).
Bốn là, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo chưa hoàn thiện
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nên được hiểu là một hệ thống các nhân tố đảm bảo hoạt động có hiệu quả cho quá trình đổi mới sáng tạo, gồm mạng lưới các tổ chức, các tác nhân cùng với các thể chế chính sách góp phần tạo ra sản phẩm mới, quy trình mới, phương thức tổ chức mới, được áp dụng để mang lại sự phát triển kinh tế - xã hội. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo chính là sự định hình tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, là điều kiện, tiền đề và là hành lang pháp lý cho hoạt động và phát triển của quá trình đổi mới sáng tạo.
Trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế chia sẻ và đại dịch COVID-19 hiện nay, việc xây dựng và phát triển một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở đang là nhu cầu cần thiết chứ không còn chỉ là một sự lựa chọn. Như vậy, một hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo là tất yếu không thể thiếu trong chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia. Tuy nhiên, rất tiếc là ở Việt Nam hiện nay, chúng ta còn chưa tạo dựng và hoàn thiện được một hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra “Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo;…”(11).
Theo PGS, TS. Trần Quốc Toản - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, chúng ta “chưa hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách để tạo được sự đột phá trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực xã hội, nhất là cho đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo động lực cho phát triển; việc sử dụng các nguồn lực vẫn còn phân tán và kém hiệu quả; vẫn còn cơ chế “xin - cho”, bị chi phối bởi lợi ích nhóm”(12). Còn ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN) nhận định, thế giới đang ở giai đoạn kinh tế chia sẻ, trong đó chia sẻ tri thức là một xu hướng. Tại Việt Nam, tính liên kết, hợp tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa đi vào chiều sâu, đặc biệt là các hoạt động từ phía các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, một trong những trụ cột lớn của hệ sinh thái vẫn còn đang thiếu và yếu(13).
Chính vì vậy, khi còn giữ cương vị Thủ tướng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã phải nhấn mạnh: “Tập trung hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm, khuyến khích sự sáng tạo của người dân, gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp, dịch vụ công nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn nhiên liệu mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bao trùm và bền vững”(14)
Năm là, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ còn chưa đáp ứng cho quá trình đổi mới sáng tạo
Để tiến hành đổi mới sáng tạo được thì một nhân tố có tính quyết định hàng đầu, đó chính là phải có chủ thể thực thi triển khai nó. Chủ thể này không phải ai khác chính là nguồn nhân lực khoa học và công nghệ quốc gia. Đây là nhân tố không thể thiếu của quá trình đổi mới sáng tạo. Không có nguồn nhân lực khoa học và công nghệ thì không thể nghĩ đến, chứ chưa muốn nói đến việc triển khai hiện thực hóa đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn ở Việt Nam hiện nay là nguồn nhân lực khoa học và công nghệ còn quá thiếu và yếu. Theo số liệu thống kê cho thấy, số lượng nguồn nhân lực KH&CN của Việt Nam mới chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với yêu cầu (mới chỉ chiếm 17,5% lao động xã hội), trong khi đó vẫn còn 2,2% trong tổng số lao động có trình độ chưa có việc làm và mức độ phát triển về quy mô những năm qua còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành KH&CN trong giai đoạn hiện nay(15). Chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cũng còn rất hạn chế. “Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực phát triển”(16), “năng lực sáng tạo của các nhà khoa học chưa được phát huy”(17). Cơ chế chính sách cho đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ còn bất cập. “Cơ chế và chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học và công nghệ còn nặng về hành chính hóa, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài”(18). “Hệ thống thông tin, thống kê khoa học và công nghệ chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phục vụ việc xây dựng các chiến lược, chính sách”(19). Bên cạnh đó, việc “… đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội… Đào tạo vẫn thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động”(20).
Sáu là, ngụy khoa học đã cản trở đổi mới sáng tạo
Việc đổi mới sáng tạo thực sự đòi hỏi phải được dựa trên nền tảng khoa học chân chính, phải là kết quả và là sản phẩm tất yếu của hoạt động khoa học và công nghệ đích thực. Hoạt động khoa học chân chính và đổi mới sáng tạo phải là chuỗi hoạt động liên tục, kế tiếp nhau, đan xen nhau, hòa quyện vào nhau, trở thành điều kiện và tiền đề cho nhau trong quá trình hoạt động và phát triển đi lên. Hơn thế nữa, hoạt động khoa học và công nghệ đích thực bao giờ cũng là nguồn lực và động lực chính cho đổi mới sáng tạo, bởi lẽ sản phẩm và tư duy khoa học bao giờ cũng mang lại giá trị tích cực, ý nghĩa to lớn và thiết thực cho đời sống và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là, nó mang lại “những đóng góp cho văn hóa, tiềm năng tạo ra những phát hiện có giá trị kinh tế to lớn và quan trọng trong đời sống thực tiễn, những phát hiện ngoài dự kiến (spin-offs) và tác động kích thích nền công nghiệp và giáo dục”(21).
Còn ngụy khoa học có thể hiểu một cách chung nhất, là một loại hình hoạt động khoa học được mang danh và “núp” dưới danh nghĩa khoa học, nhưng trong đó các kiến thức, sản phẩm hay các quy trình nào đó, mà nói chung không được giới khoa học công nhận là khoa học do không đáp ứng được các nguyên tắc khoa học cơ bản, đồng thời nó luôn cố gắng tự chứng tỏ đó là khoa học. Ngụy khoa học không chỉ là hiện tượng “giả” khoa học mà còn là một biểu hiện của sự tha hóa đạo đức trong khoa học. Một biểu hiện rõ nét mang tính điển hình của ngụy khoa học chính là việc đã sử dụng sản phẩm khoa học của người khác để làm sản phẩm và xem như là kết quả của sự nghiên cứu sáng tạo của chính mình. Vì vậy, hoạt động khoa học đích thực không bao giờ chấp nhận ngụy khoa học, thậm chí luôn luôn đối lập với ngụy khoa học.
Trên thực tế, cũng cần nhìn thẳng vào thực trạng khoa học cơ bản ở Việt Nam hiện nay, khi mà tình trạng sao chép, cóp nhặt công trình khoa học của người khác, và một số hiện tượng khác vẫn đang tồn tại. Tình trạng này không chỉ cho thấy phần nào sự yếu kém về tài năng và đạo đức của một số người nhân danh làm khoa học, ảnh hưởng tới sự phát triển của khoa học mà còn làm ảnh hưởng tới uy tín về khoa học của đất nước. Trong tiểu luận Chống gian dối, bảo vệ liêm khiết khoa học, GS. Hoàng Tụy đã trình bày khá cụ thể hiện tượng “đạo văn” trong nghiên cứu khoa học nhưng khi truy tìm nguyên nhân, ông cho rằng, hiện tượng này “còn do nhận thức chưa đúng đắn, chưa chặt chẽ về đạo đức nghề nghiệp, hay do trong một vài ngành chưa có chuẩn mực rõ về cách viết, cách công bố một công trình nghiên cứu khoa học…”(22). Gần đây, đã nổi lên vụ Việt Á, qua đó đã lộ dần tính ngụy khoa học trong hoạt động khoa học và công nghệ tại một số cơ quan, đơn vị ở nước ta. Tại giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, năm 2020, Bộ KHCN tổ chức họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kit test (xét nghiệm) Covid-19 do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) thực hiện. Đây được coi là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, được cấp tổng kinh phí gần 19 tỷ đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học. Tại thời điểm đó, việc cho ra đời bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV) được xem là niềm tự hào của doanh nghiệp trong nước, bởi sản phẩm được khẳng định là kết quả của khoa học, công nghệ Việt Nam. Tuy nhiên, những góc khuất xung quanh “đề tài khoa học” nêu trên dần bị phanh phui, bắt đầu từ vụ thổi giá kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, đến hành vi tham nhũng tham ô tài sản của vị chủ nhiệm đề tài, câu chuyện nhận hối lộ của một số giám đốc CDC các địa phương…(23). Qua vụ án, cũng cho thấy, “sản phẩm khoa học” của đề tài không phải do chính tập thể các nhà khoa học của đề tài nghiên cứu và chế tạo ra mà chỉ là lấy sản phẩm của nước ngoài rồi “gán mác” khoa học là sản phẩm do chính đề tài làm ra.
Bảy là, quyền sở hữu trí tuệ còn bị vi phạm
Trí tuệ và sản phẩm của trí tuệ là tài sản vô giá của nhân loại. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thư tư ngày càng bùng nổ mạnh mẽ, nền kinh tế dịch vụ ngày càng phát triển thì sự sáng tạo của con người là không có giới hạn và không ai có thể phủ định được những giá trị mà loại tài sản này mang lại cho chúng ta. Có những phát minh khoa học và công nghệ là vô giá, cũng có những sản phẩm của sự sáng tạo bởi khoa học và công nghệ được định giá nhiều tỷ USD, ... Song, để giá trị của những tài sản này được xem là “tài sản trí tuệ” của chủ thể làm ra nó thì việc bảo hộ “trí tuệ” là rất quan trọng, đặc biệt trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế thì vấn đề này trở thành mối quan tâm hàng đầu. Trong quá trình đổi mới sáng tạo của mỗi quốc gia thì “sở hữu trí tuệ” còn là tác nhân và điều kiện quan trọng, là động lực kích thích sự sáng tạo trong hoạt động khoa học và công nghệ, … Nói tóm lại, sở hữu trí tuệ chính là một trong yếu tố nền tảng định hình ra đổi mới sáng tạo.
Ở Việt Nam, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được quan tâm, nhất là khi pháp luật sở hữu trí tuệ ra đời, các cá nhân, tổ chức đã dần ý thức được tầm quan trọng giá trị của quyền sở hữu trí tuệ và có các biện pháp bảo vệ. Tuy vậy, trên thực tế sự vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ diễn ra rất nhanh, được xuất hiện ở hầu khắp các lĩnh vực hoạt động khoa học và sản xuất công nghệ và dần trở thành căn bệnh trong hoạt động khoa học và công nghệ. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra, “Bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa đạt yêu cầu; …”(24). Chính từ đây, Đảng ta đã chỉ đạo, phải “Tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ”(25).
Trên đây, xin được nêu một số vấn đề đặt ra trong đổi mới sáng tạo ở nước ta mà Việt Nam cần phải quan tâm giải quyết nhằm đưa đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực trong sự phát triển đất nước./.
_____________________________________________
(1), (3), (6), (11), (16), (17), (18), (19), (20), (24), (25) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG ST, Hà Nội, T.1, tr.214, 211, 210-211, 211, 211,83,83,83-84,82-83,84,230.
(15) Xem: Đào Thị Thu Thủy (2020), Chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của Việt Nam: Góc nhìn từ thực tiễn, Tạp chí nghiên cứu chính sách và quản lý - ĐH Quốc gia Hà Nội, số 2, tr.32-42.
Bình luận