Nâng cao nhận thức về trường học hạnh phúc giai đoạn hiện nay
1. Khái niệm về nhận thức
Nhận thức là hành động hay quá trình tiếp thu kiến thức và những am hiểu thông qua suy nghĩ, kinh nghiệm và giác quan, bao gồm các qui trình như là tri thức, sự chú ý, trí nhớ, sự đánh giá, sự ước lượng, sự lí luận, sự tính toán, việc giải quyết vấn đề, việc đưa ra quyết định, sự lĩnh hội và việc sử dụng ngôn ngữ. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, nhận thức là quá trình biện chứng của sự phản ánh thế giới khách quan trong ý thức con người, nhờ đó con người tư duy và không ngừng tiến đến gần khách thể. Theo quan điểm triết học Mác -Lênin, nhận thức là quá trình phản ánh biện chứng hiện thực khách quan vào trong bộ óc của con người, có tính tích cực, năng động, sáng tạo, trên cơ sở thực tiễn.
Các nhà triết học dù thuộc trường phái nào đều thừa nhận quá trình nhận thức bao gồm có nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính. Quá trình xác định vai trò, vị trí, mối quan hệ giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính lại rất khác nhau. V.I.Lênin đã khái quát con đường biện chứng của quá trình nhận thức như sau: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn - đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức thực tại khách quan”. Trực quan sinh động và tư duy trừu tượng là hai giai đoạn nhận thức có những thuộc tính khác nhau, kế tiếp, bổ sung cho nhau trong quá trình nhận thức thống nhất của con người về thế giới. Thực tiễn vừa là cơ sở, động lực, mục đích của quá trình nhận thức, vừa là khâu kiểm tra chân lý khách quan, vừa là yếu tố kết thúc một vòng khâu của sự nhận thức, vừa là điểm bắt đầu của vòng khâu mới của nhận thức. Cứ thế, sự nhận thức của con người là một quá trình không có điểm cuối, vậy trong quá trình nhận thức bao gồm có nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính.
Nhận thức cảm tính là giai đoạn đầu tiên của quá trình nhận thức, gắn liền với thực tiễn. Giai đoạn này, nhận thức của con người phản ánh trực tiếp khách thể thông qua các giác quan, được diễn ra bằng cảm giác, tri giác và biểu tượng. Cảm giác là hình thức đầu tiên của quá trình nhận thức ở giai đoạn cảm tính, được nảy sinh do sự tác động trực tiếp của khách thể lên các giác quan của con người, đưa lại cho con người những thông tin trực tiếp, giản đơn nhất về một thuộc tính riêng lẻ của sự vật. Tri giác là một hình thức nhận thức của giai đoạn trực quan sinh động. Tri giác là kết quả sự tác động trực tiếp của sự vật đồng thời lên nhiều giác quan của con người. Do vậy, tri giác là tổng hợp của nhiều cảm giác. Tri giác là hình ảnh trực tiếp, cảm tính về sự vật. Từ tri giác, nhận thức chuyển lên hình thức cao hơn là biểu tượng. Biểu tượng là hình thức cao nhất và phức tạp nhất của nhận thức cảm tính. Khác với cảm giác và tri giác, biểu tượng là hình ảnh sự vật được tái hiện trong óc nhờ trí nhớ, khi sự vật không trực tiếp tác động vào giác quan của con người. Biểu tượng lại giống tri giác là hình ảnh cảm tính về sự vật, mặc dù tương đối hoàn chỉnh. Cho nên, biểu tượng là khâu trung gian chuyển từ nhận thức cảm tính lên nhận thức lý tính.
Nhận thức lý tính bắt nguồn từ trực quan sinh động, thông qua tư duy trừu tượng, con người phản ánh sự vật một cách gián tiếp, khái quát dưới các hình thức: Khái niệm, phán đoán và suy lý.
Khái niệm là hình thức cơ bản của tư duy trừu tượng, phản ánh khái quát, gián tiếp một, hoặc một số thuộc tính chung có tính bản chất nào đó của một nhóm sự vật, hiện tượng được biểu thị bằng một từ hay một cụm từ. Khái niệm được hình thành trên cơ sở các hoạt động thực tiễn, hoạt động nhận thức của con người trong cuộc sống. Hoạt động thực tiễn của con người luôn luôn vận động và ngày càng đa dạng, phong phú, phát triển có chiều sâu. Do đó, khái niệm để phản ánh đúng thực tiễn cũng phải luôn phát triển, biến đổi cho phù hợp. Mỗi khái niệm đều nằm trong mối liên hệ với các khái niệm khác và tham gia vào quá trình nhận thức tiếp theo của con người.
Phán đoán là hình thức liên hệ các khái niệm, phản ánh mối liên hệ giữa các sự vật hiện tượng của thế giới trong ý thức con người. Phán đoán là một hình thức của tư duy trừu tượng nó liên kết các khái niệm lại để khẳng định hoặc phủ định một thuộc tính hay một mối liên hệ nào đó của sự vật. Phán đoán được biểu hiện dưới hình thức ngôn ngữ thành một mệnh đề, bao gồm lượng từ, chủ từ, hệ từ và vị từ.
Suy lý là những hình thức của tư duy trừu tượng, trong đó các phán đoán đã liên kết với nhau theo quy tắc: phán đoán cuối cùng được suy ra từ những phán đoán đã biết làm tiền đề. Có hai loại suy luận chính: quy nạp và diễn dịch. Quy nạp là loại hình suy luận trong đó từ tiền đề là những tri thức về riêng từng đối tượng người ta khái quát thành tri thức chung cho cả lớp đối tượng, tức là tư duy vận động từ cái đơn nhất đến cái chung, cái phổ biến. Diễn dịch là loại hình suy luận trong đó từ tiền đề là tri thức chung về cả lớp đối tượng người ta rút ra kết luận là tri thức về riêng từng đối tượng hay bộ phận đối tượng, tức là tư duy vận động từ cái chung đến cái ít chung hơn, đến cái đơn nhất. Trong quá trình nhận thức của con người, hai loại suy luận này liên hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau. Suy lý là phương thức quan trọng để tư duy của con người đi từ cái đã biết đến cái chưa biết một cách gián tiếp, rút ngắn thời gian trong việc phát hiện tri thức mới.
Tóm lại, nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính là hai giai đoạn khác nhau về chất nhưng lại thống nhất với nhau, liên hệ, bổ sung cho nhau trong quá trình nhận thức của con người. Nhận thức cảm tính là cơ sở cho nhận thức lý tính, không có nhận thức cảm tính thì không có nhận thức lý tính. Ngược lại, nhờ có nhận thức lý tính mà con người mới đi sâu nhận thức được bản chất của sự vật, hiện tượng. Trong thực tiễn, cần tránh cường điệu, tuyệt đối hoá vai trò của nhận thức cảm tính, hạ thấp và phủ nhận vai trò của nhận thức lý tính. Như vậy sẽ rơi vào chủ nghĩa duy cảm. Đồng thời, cần phải tránh cường điệu thái quá vai trò của nhận thức lý tính, của trí tuệ dẫn đến hạ thấp hoặc phủ nhận vai trò của nhận thức cảm tính, của cảm giác rơi vào chủ nghĩa duy lý cực đoan.
2. Quan niệm về trường học hạnh phúc
Trước tiên, chúng ta tìm hiểu, làm rõ hạnh phúc là gì. Hạnh phúc là điều mỗi chúng ta luôn mong muốn đạt được trong cuộc sống của mình. Chúng ta sẽ luôn mong muốn hạnh phúc với những nội hàm khác nhau, ở các vị trí và thời điểm khác nhau. Một cách dễ hiểu và hiểu đơn giản hạnh phúc là trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện của mình. Đây là mục tiêu trong cuộc sống, mục tiêu hành động của bất cứ cá nhân nào trong cuộc sống này.
Từ điển Bách khoa định nghĩa về hạnh phúc như sau: “Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí". Hạnh phúc, sung sướng là hai từ gần nghĩa, đều chỉ cảm giác thoải mái khi đạt được một giá trị, một mục đích, một kết quả nào đó… nhưng điểm khác nhau nằm ở tính hữu hình hay vô hình của giá trị, của mục đích, của kết quả đã đạt được.
Vào những năm đầu thế kỷ XXI, Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia cần coi hạnh phúc là mục tiêu cơ bản của con người, là thước đo chính xác cho tiến bộ xã hội và các mục tiêu chính sách công của các nước trên toàn cầu. Giáo dục thế giới, nhất là các nước Châu Á - Thái Bình Dương, đã lập tức đưa ra ngay câu hỏi: Hạnh phúc cá nhân của học sinh sao không thể lấy nó làm thức đo thành tích và chất lượng các nhà trường? Việc tiếp cận nâng cao chất lượng trường học thông qua đánh giá hạnh phúc người học thực chất là quay lại quan niệm về giá trị của giáo dục khối óc và giáo dục con tim, có từ xa xưa. Giáo dục hiện đại đã chỉ ra rằng, học tập bao giờ cũng có hai mặt và luôn đan xen nhau, đó là: Học tập là quá trình khám phá, phát hiện và học tập là sự thúc giục của tính ham muốn/thích thú/vui say. Thông qua học tập bằng khối óc được kết hợp học tập bằng con tim là phương thức học tập hiệu quả nhất. Coi trọng đánh giá chỉ số EQ bên cạnh chỉ số IQ truyền thống là minh chứng cho điều này.
Trường học hạnh phúc những năm gần đây được ngành giáo dục chú trọng đẩy mạnh, phát động nhân rộng và trở thành mô hình lan tỏa khắp các tỉnh thành trong cả nước. Trường học hạnh phúc là môi trường giáo dục hiệu quả, ý nghĩa, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, trường học thực sự là "nơi ước đến, chốn mong về" với đông đảo học sinh. Trong môi trường này, mỗi học sinh sẽ cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương tỏa ra từ thầy cô, bạn bè với niềm vui được nhân lên và nỗi buồn được chia sẻ. Hạnh phúc với người học đôi khi rất giản dị, một lời hỏi thăm, nhắn nhủ, động viên hay một lời phê, nhận xét chân tình, một giờ giảng hay, một phong cách giản dị; hay với mực thước với trí tuệ uyên bác của thầy cô đều mang lại những ấn tượng, hình ảnh tốt đẹp cho học sinh khiến các em thấy hạnh phúc trong suốt cuộc đời.
Hạnh phúc còn là khi nỗ lực, cố gắng của người học được đền đáp, ghi nhận qua những điểm số chính xác, bằng những phần thưởng nho nhỏ động viên; là sự chân thành, hồn nhiên, trong sáng của tình bạn; là những vấn vương, rung động đầu đời của tuổi mới lớn; là khung cảnh nên thơ, trữ tình của hàng cây, ghế đá,… Những hành động đẹp, lời nói đẹp, cảnh quang đẹp của thầy cô, bè bạn, mái trường đều góp phần dệt nên xúc cảm hạnh phúc, hân hoan trong trái tim, suy nghĩ tuổi học trò.
Hạnh phúc là khái niệm rộng lớn, khó hình dung, vì vậy, để xây dựng được một trường học hạnh phúc cần có những tiêu chí cụ thể. Ngày 22.11.2019 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tới dự và trò chuyện với hơn 400 hiệu trưởng đến từ các trường học trong cả nước trong chương trình Tọa đàm “Hiệu trưởng thay đổi vì một trường học hạnh phúc”. Tọa đàm do kênh truyền hình giáo dục quốc gia VTV7 phối hợp với Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức. Bộ trưởng đề cập tới 3 nhóm tiêu chí để xây dựng một môi trường học tập hạnh phúc.
Tiêu chí thứ nhất, xây dựng môi trường tôn trọng sự phát triển của mỗi cá nhân. Trong đó, không có bạo lực học đường, học sinh được thể hiện cái riêng của mình, được đối xử thân thiện, không phân biệt đẳng cấp hay xếp hạng. Ở đó, các em được phát triển tối đa năng lực của mình, được tôn trọng, không ai bị bỏ rơi. Trường học phải là một thiết chế văn hóa xanh, sạch, đẹp. Ở những vùng khó khăn, nếu hiệu trưởng biết sắp xếp thì vẫn có thể xây dựng được một ngôi trường tuy không khang trang, hiện đại nhưng sạch đẹp.
Nhóm tiêu chí thứ hai, trong nhà trường giáo viên phải được sáng tạo, được đổi mới phương pháp dạy học, được dân chủ đóng góp ý kiến. Phải khơi gợi cho các thầy cô giáo sự sáng tạo. “Hiện nay có nhiều hiệu trưởng tôn trọng sự sáng tạo, nhưng cũng có nhiều hiệu trưởng còn mang tư tưởng áp đặt, bắt giáo viên phải nghe theo. Do vậy, hiệu trưởng cần thay đổi, giao quyền chủ động cho giáo viên, tạo ra môi trường để giáo viên dám đổi mới, hỗ trợ lẫn nhau, không chạy theo thành tích. Cũng cần quan tâm giảm áp lực cho giáo viên từ sổ sách giấy tờ tới áp lực thành tích”. Học sinh đến trường bên cạnh việc học tập phải được vui chơi, trải nghiệm, sáng tạo. Khi không phải chịu áp lực của bài tập, không bị phân biệt đối xử. Nếu hiệu trưởng khích lệ, động viên kịp thời giáo viên sẽ phấn khởi, từ đó lại khích lệ kịp thời học sinh. Cần khen che đúng lúc và loại bỏ những hình phạt, thay vào đó là kỉ luật tích cực.
Nhóm tiêu chí thứ ba, quan hệ của nhà trường với cộng đồng xã hội, trong đó có những cựu học sinh của nhà trường. Hiệu trưởng trên cương vị của mình cần tạo dựng được mối quan hệ này để làm cho giáo viên, học sinh tự hào về môi trường đã ươm tạo, nuôi dưỡng nhiều tài năng, là ngôi trường được cộng đồng xã hội tôn trọng.
3. Thực trạng nhận thức về trường học hạnh phúc
Lấy cảm hứng từ mô hình “Happy School” của UNESCO, mô hình "Trường học hạnh phúc" bắt đầu triển khai thí điểm ở nước ta từ tháng 4.2018 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục đào tạo các cấp. Xây dựng trường học hạnh phúc là mục tiêu mà ngành giáo dục đã phát động từ nhiều năm qua và đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà trường và đội ngũ nhà giáo. Những năm gần đây, ngành giáo dục triển khai các giải pháp hướng đến giáo dục hạnh phúc như: giảm tải chương trình học, chương trình giáo dục phổ thông tiếp cận phát triển năng lực, phẩm chất và phát triển toàn diện học sinh theo từng cá nhân; giảm áp lực thi cử, thay đổi cách kiểm tra, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; tăng cường hoạt động trải nghiệm ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn; tăng cường khen thưởng, động viên và thực hiện kỷ luật tích cực đối với học sinh... Đến nay việc mô hình xây dựng “Trường học hạnh phúc” đã bước đầu tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động, thu hút sự chung sức của cả thầy và trò cùng tham gia, góp phần nâng chất lượng giáo dục toàn diện trong trường học.
Trong thời đại ngày nay, con người là sản phẩm của nhà trường rất năng động nhưng cũng quá căng thẳng trong cuộc sống, chịu áp lực của sự bất bình đẳng và môi trường ô nhiễm. Giáo dục cần hướng người học tới các giá trị tinh thần, tới lòng tốt và biết ơn, tới tinh thần cộng đồng và tính kiên trì. Các quốc gia cần định vị lại trường học, thay vì chỉ chú trọng dạy học theo tư duy phê phán, cần giải quyết vấn đề phát triển các giá trị của cảm xúc và của hạnh phúc, nâng cao lòng tự tin và năng lực hợp tác trong quá trình học tập và làm việc. Xây dựng “Trường học hạnh phúc” còn nhiều rào cản, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Thứ nhất, các thầy cô giáo hiện nay không chỉ chịu áp lực từ nhiệm vụ chuyên môn của mình, từ rất nhiều công việc "không tên" ngoài chuyên môn mà còn từ phía các bậc phụ huynh, của cộng đồng xã hội…. Các nhà trường mà đại diện ở đây là hiệu trưởng hàng ngày cũng đang hứng chịu vô vàn áp lực từ nhiều phía cả bên ngoài lẫn bên trong ngôi trường của mình. Giữa ngổn ngang bộn bề những công việc nhiệm vụ ấy thì việc nhắc tới hạnh phúc thôi đã là xa xỉ rồi chứ chưa nói đến việc tận hưởng nó. Đó là điều mà chúng ta nhìn thấy, nghe thấy khi tìm hiểu về các nhà trường. Đôi khi họ quá quan tâm tới việc làm thế nào để thực hiện tốt nhiệm vụ đã là tốt rồi chứ nói gì đến hạnh phúc. Vấn đề là rất nhiều khi chỉ để " làm tốt nhiệm vụ" mà áp lực được dồn lên giáo viên rồi học sinh, phụ huynh theo một cấp số nhân.
Thứ hai, áp lực cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới bệnh thành tích, hình thức trong giáo dục, là nguyên nhân của các hành vi bạo lực học đường, là nguyên nhân của các triệu chứng hoảng loạn, sợ hãi hay trầm cảm…. Rõ ràng khi áp lực quá lớn sẽ ảnh hưởng đến sự sáng tạo của giáo viên, học sinh từ đó ảnh hưởng tới năng suất lao động sư phạm và hiệu quả học tập. Ngành giáo dục đã quyết liệt với bệnh thành tích, nhưng công tác thi đua, khen thưởng thường tập trung vào các con số như: tỷ lệ học sinh giỏi, tỷ lệ tốt nghiệp, số giáo viên dạy giỏi, tỷ lệ lên lớp, nên tạo ra áp lực cho nhà trường, cho giáo viên và học sinh. Còn phụ huynh mong muốn con mình học giỏi, đỗ vào trường chuyên, hay đại học top đầu. Một số nơi sĩ số học sinh mỗi lớp rất cao, rất khó khăn cho dạy học và hoạt động giáo dục, nhất là đánh giá học sinh vừa nhận xét, vừa bằng điểm số.
Thứ ba, những tác động xấu của mặt trái nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ công nghệ thông tin, Internet, mạng xã hội đến tâm lý tuổi học trò khiến nhiều em có những suy nghĩ và hành động sai lệch, chệch hướng. Điều này đang chi phối và ảnh hưởng lớn đến môi trường giáo dục ở nước ta hiện nay. Một trong những giá trị, mục tiêu hướng đến của trường học hạnh phúc là sự an toàn cho cả thầy và trò, tuy nhiên hiện nay, không ít trường học đang không thể đứng vững trước sự tấn công ồ ạt, tinh vi của những trào lưu tư tưởng, lối sống phức tạp được du nhập từ bên ngoài; là tệ nạn xã hội, ma túy, bạo lực, là những tư tưởng, thói quen lệch lạc của không ít bạn trẻ.
Thứ tư, là sự suy thoái đạo đức, nhân cách của không ít cán bộ quản lý giáo dục vì lợi ích trước mắt mà hủy hoại đi giá trị đạo đức, huy hoại tiền đồ, nhất là hủy hoại bản chất của một nghề cao quý. Điều đó thể hiện trong những vụ việc, hiện tượng tiêu cực, gian lận thi cử thời gian qua, nhiều người phải vướng vào vòng lao lý. Hay những câu chuyện đau long làm phẫn nộ công chúng trên cả nước khi một số học sinh bị thầy cô xâm hại, quấy rối tình dục. Trong các trường học, xảy ra sự việc một số bảo mẫu bạo hành trẻ em. Những tai nạn thương tâm của học trò do sự lơ là vô cảm, vô tâm của người lớn. Đặc biệt, một số những vụ phụ huynh tố cáo nhà trường, chà đạp lên nhân phẩm, danh dự thầy cô. Một số cơ sở giáo dục đi vào quá trình thương mại hóa, đề cao lợi ích cá nhân, đồng tiền khiến xã hội bức xúc, phụ huynh lên tiếng… Tất cả những vụ việc ấy tuy không nhiều nhưng dư chấn và hậu họa mà nó để lại là vô cùng to lớn, gây tâm lý hoài nghi, mất niềm tin vào giáo dục, làm doãng cách mối quan hệ thầy trò, gia đình và nhà trường. Với phụ huynh và học sinh, chỉ cần một chút nghi ngại về nhà trường thì rất khó để có được sự yên tâm, sự an vui, hạnh phúc mỗi khi cho các con đến trường.
4. Giải pháp nâng cao nhận thức về trường học hạnh phúc
Để mô hình trường học hạnh phúc không dừng lại chỉ là mô hình, khẩu hiệu hay một phong trào nhất thời, cần nâng cao nhận thức của toàn thể đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội trong việc kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ. Trường học hạnh phúc là trường học thân thiện, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người học. Trong môi trường học tập, người học thấy hạnh phúc, yên tâm không bị áp lực, cảm xúc sẽ được thăng hoa, sẽ tạo nên động lực tinh thần để người học không ngừng nỗ lực vươn lên, để khẳng định mình và có những cống hiến to lớn và lớn lao cho xã hội.
Thứ nhất, cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo trực tiếp là nhân tố đầu tiên, quan trọng trong hành động, nhận thức, phải trao đi những yêu thương bằng những hành động cụ thể. Biết quan tâm đến hoàn cảnh của mỗi em; nắm bắt được tâm lí, năng lực, sở trường của người học để có biện pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả nhất. Để người học có được niềm vui, niềm hân hoan, hạnh phúc mỗi khi đến trường. Trường học hạnh phúc là khi mỗi học sinh cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương tỏa ra từ thầy cô, bạn bè với niềm vui được nhân lên và nỗi buồn được san sẻ. Những hành động đẹp, lời nói đẹp, cảnh quang đẹp của thầy cô, bè bạn, mái trường đều góp phần dệt nên xúc cảm hạnh phúc, hân hoan trong trái tim, suy nghĩ của tuổi học trò.
Vì thế, giáo dục với vai trò quan trọng của nó cũng cần phải được nhìn nhận, được tiếp cận ở việc mang lại hạnh phúc cho người học và nhà trường phải trở thành trường học hạnh phúc, ở đó mọi người đều có được cảm giác sung sướng vì đạt được ý nguyện. Trong đó quan trọng nhất là làm thế nào để mỗi thầy giáo, cô giáo của chúng ta được hạnh phúc, để họ có thể mang đến hạnh phúc cho học sinh theo kiểu dây chuyền mà hiệu trưởng là người khởi nguồn và tổ chức, kiến tạo; ngược lại, sự thành công và hạnh phúc của học sinh, của giáo viên lại là thành công và niềm vui của hiệu trưởng. Xây dựng trường học hạnh phúc làm cho mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh trở nên thân thiết, gần gũi và có sự tương tác nhiều hơn. Xây dựng trường học hạnh phúc cũng giúp đội ngũ giáo viên ngày càng hoàn thiện về mọi mặt, nhất là về kỹ năng ứng xử sư phạm và việc tuân thủ các quy định về đạo đức nhà giáo.
Thứ hai, trong mỗi nhà trường cần thiết phải có sự thay đổi, bởi chúng ta không thể có một sản phẩm mới dựa trên cách làm cũ do vậy đầu tiên là phải thay đổi. Trong rất nhiều thứ có thể thay đổi, trọng tâm là thay đổi mục tiêu giáo dục, thay đổi trong việc xây dựng văn hóa nhà trường. Thay đổi mục tiêu giáo dục, chuyển từ việc dạy học chú trọng phát triển kiến thức kỹ năng sang chú trọng phát triển năng lực phẩm chất. Việc chuyển đổi này khiến nhà trường, thầy cô linh hoạt hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, có nhiều không gian để sáng tạo hơn và đem lại cho học sinh, giáo viên nhiều giá trị hơn, thầy cô, học sinh, nhà trường và gia đình có thêm nhiều cơ hội được hạnh phúc hơn. Thay đổi trong việc xây dựng văn hóa nhà trường, khi văn hóa nhà trường được xây dựng dựa trên các nguyên tắc: được yêu thương, được tôn trọng, được an toàn, được hiểu và được có giá trị sẽ giúp cho việc xây dựng các mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.
Thứ ba, xây dựng thành công trường học hạnh phúc, người cán bộ quản lý, nhất là Hiệu trưởng phải là người không ngừng tư duy, đổi mới, sáng tạo trong mọi hoạt động. Gương mẫu, đi đầu trong công việc, quyết tâm trong hành động. Đặc biệt phải biết khơi gợi, truyền cảm hứng, nhiệt huyết cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Tạo điều kiện để giáo viên được học tập, bồi dưỡng. Tổ chức các hoạt động giáo dục để giáo viên có điều kiện được thể hiện bản thân, được tìm tòi, sáng tạo để khẳng định mình. Bên cạnh đó, nhà trường cần xây dựng các nội quy, quy định và quy tắc ứng xử của cán bộ giáo viên và học sinh trong và ngoài nhà trường. Theo đó, quy tắc trong nhà trường là ứng xử của cán bộ, giáo viên, nhân viên với đồng nghiệp, phụ huynh, nhân dân và học sinh. Đối với học sinh là ứng xử với thầy cô giáo, ông bà, cha mẹ, bạn bè…
Ngoài ra, nhà trường cũng xây dựng một số các qui định khác như: Đoàn kết, sẻ chia, yêu thương, nhân ái, thân thiện... Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, an toàn, xanh, sạch, đẹp. Đẩy mạnh phong trào thi đua Xây dựng trường học hạnh phúc kết hợp với việc thực hiện nhiệm vụ năm học và thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Hai không” và cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo” là tấm gương đạo đức tự học, sáng tạo, thực hiện nghiêm túc Quyết định sổ 16/2008/QĐ-BGD&ĐT ngày 16 tháng 4 năm 2008 ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo. Đồng thời, thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục trong năm học. Xây dựng mối quan hệ thân thiện trong tập thể sư phạm giữa cán bộ với giáo viên, nhân viên và giữa các cô giáo với các cháu, cô giáo với phụ huynh, thân thiện giữa trẻ với trẻ…
Thứ tư, vai trò của phụ huynh cũng rất quan trọng. Trường học hạnh phúc phải là nơi thầy, cô giáo, các em học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Phụ huynh tạo điều kiện cho nhà trường về cơ chế, chính sách để nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục và phát triển. Có nhiều ưu đãi cho cán bộ, giáo viên, học sinh đạt thành tích cao trong dạy và học. Do vậy, phụ huynh cần phối hợp tốt với nhà trường trong việc rèn luyện và giáo dục các con đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường. Cần sự tôn trọng nhiều hơn nữa của xã hội và các bậc phụ huynh đối với đội ngũ các thầy cô và những người làm công tác giáo dục. Mỗi gia đình cần xây dựng một qui tắc ứng xử phù hợp để tạo nên những điều tốt đẹp cho xã hội.
Thứ năm, vì mục tiêu cao cả “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai“, việc giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ có tri thức, trí tuệ, nhân cách là trách nhiệm của thế hệ đi trước, của cả cộng đồng, trong đó đội ngũ thầy cô giáo giữ vai trò quan trọng. Mục tiêu của giáo dục là lấy người học làm trung tâm, giúp họ phát triển toàn diện năng lực và tố chất để ngày càng hoàn thiện nhân cách, trở thành những con người hữu ích cho xã hội. Hãy nghe học sinh nói, để thấu hiểu những mong ước giản dị, từ đó mang lại những giá trị hạnh phúc cho họ từ những điều giản dị, thân thương nhất. Quan tâm, động viên chia sẻ, tuyên truyền cho các em những kỹ năng quan trọng, xử lý tình huống có thể xảy trong cuộc sống, nhất là tác động của sự bùng nổ công nghệ thông tin, Internet, mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm lý tuổi học trò khiến nhiều em có những suy nghĩ, hành động sai lệch. Hướng đến trường học hạnh phúc là sự an toàn cho cả thầy và trò trước sự tấn công ồ ạt tinh vi của những trào lưu tư tưởng, lối sống phức tạp được du nhập từ bên ngoài, tệ nạn xã hội, ma túy, bạo lực, những tư tưởng, thói quen lệch lạc của không ít học sinh.
Hành trình xây dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc không hề đơn giản, dễ dàng mà đó là một hành trình dài, nhiều khó khăn, trở ngại và thậm chí nhiều thử thách. Nhưng với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp chính quyền; sự đồng lòng, hỗ trợ của phụ huynh học sinh và xã hội, đặc biệt với sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động trong ngành, chúng ta tin tưởng rằng sẽ có nhiều trường học hạnh phúc ở các cấp học trong toàn ngành đáp ứng mong cầu của học sinh và phụ huynh học sinh, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo./.
________________________________________
Tài liệu tham khảo:
1. Từ điển Bách khoa Việt Nam, 2011
2. Giáo trình của Bộ môn Triết học, Khoa Mác-Lênin, Trường Đại học Khoa học Bách khoa Hà Nội, 2011
3. Giáo trình khoa Mác-Lênin tại trường Đại học Mỏ - Địa chất. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 10 năm 2008.
4. GS, TS Phạm Văn Đức, Giáo trình Triết học Mác-Lênin, 2019
5. Nhà Triết học cổ Aristote 384 TCN.
6. https://hanoimoi.com.vn/ban-in/Giao-duc/955995/chung-suc-xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc
7. https://giaoducthoidai.vn/phuong-phap/xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc-qua-yeu-thuong-an-toan-va-ton-trong-MsGajCxnR.html.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
- Thông điệp về “khát vọng hoà bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
- Chuyện tặng sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho Thư viện Karl Marx
- Tấm gương bình dị trong một nhân cách lớn
- Người chụp cả vạn bức ảnh đẹp về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 56: Dấu ấn về mùa thu lịch sử
- 2 Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đánh giá và giải pháp, kiến nghị
- 3 Giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa - góc nhìn từ thực tiễn thành phố Hà Nội hiện nay
- 4 Toàn văn phát biểu của đồng chí Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất
- 5 Tổ chức hoạt động truyền thông tại một số công ty du lịch vừa và nhỏ tại Việt Nam: Những hạn chế, thách thức và giải pháp
- 6 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kỷ niệm 75 năm truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kỷ niệm 75 năm truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Trong không khí của những ngày mùa thu lịch sử, chiều ngày 17/9/2024, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm truyền thống (1949-2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu Học viện và các Học viện trực thuộc. Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự và phát biểu tại buổi Lễ.
Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 và làm việc tại New York, Hoa Kỳ, ngày 23-9-2024 (giờ địa phương), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Columbia. Tạp chí trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Thông điệp về “khát vọng hoà bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
Thông điệp về “khát vọng hoà bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
Xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 40 của thế kỷ 20, tranh cổ động gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam và trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân Việt Nam. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tranh cổ động trở thành thứ vũ khí tinh thần mạnh mẽ trong hành trình giành độc lập dân tộc. Tuy nhiên, tranh cổ động không chỉ mang trong mình sứ mệnh tuyên truyền vận động, cổ vũ, tinh thần chiến đấu, thúc giục mọi người tham gia chiến đấu, mà còn mang trong đó những giá trị thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật cùng những thông điệp về khát vọng hoà bình. Bài viết này tập trung tìm hiểu về thông điệp “khát vọng hoà bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (từ năm 1954 - 1975).
Chuyện tặng sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho Thư viện Karl Marx
Chuyện tặng sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho Thư viện Karl Marx
Đầu năm 2022, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho ra mắt công chúng cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Là cán bộ trường Đảng, chúng tôi may mắn sớm được nhận cuốn sách để làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, báo chí - truyền thông. Đặc biệt, chúng tôi đã mang cuốn sách đó làm quà tặng Thư viện Karl Marx ở thủ đô London, Vương quốc Anh.
Tấm gương bình dị trong một nhân cách lớn
Tấm gương bình dị trong một nhân cách lớn
Khi Bộ Chính trị thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế lo lắng, cầu mong sức khỏe của Tổng Bí thư sẽ hồi phục. Nhưng phép màu nhiệm đã không đến... 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim người con ưu tú của đất nước, Nhân dân Việt Nam đã ngừng đập…
Bình luận