Năng lực truyền thông chính trị của báo chí số
1. Mối quan hệ giữa báo chí với chính trị
Chính trị là một trong những lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội, xét về mặt hoạt động của con người trong xã hội có nhà nước, có giai cấp, tầng lớp. Cụ thể hơn, chính trị là toàn bộ những hoạt động liên quan đến các mối quan hệ giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, các tầng lớp xã hội mà cốt lõi là vấn đề tổ chức chính quyền nhà nước, giành, giữ chính quyền, duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước...
Báo chí là phương tiện thiết yếu đối với đời sống xã hội. Ngay từ khi mới ra đời, báo chí cách mạng Việt Nam đã công khai thừa nhận tính giai cấp, tính đảng, tính chính trị. Báo Thanh niên do Hồ Chí Minh sáng lập năm 1925, trên thực tế, “đã là tờ báo tuyên truyền đường lối cách mạng, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam”(1), để 20 năm sau, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH.
Suốt gần một thế kỷ qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, lớn lên cùng cách mạng, phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân, thực hiện tốt sứ mệnh chính trị mà Đảng và nhân dân giao phó. Người làm công tác báo chí - truyền thông là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, với cây bút, trang giấy là vũ khí, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thực tế cách mạng và quan điểm của Đảng, Nhà nước trong chiều dài lịch sử đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã chứng minh, giữa báo chí - truyền thông với hệ thống chính trị Việt Nam có mối quan hệ không thể tách rời. Báo chí truyền thông là một bộ phận của vô sản chuyên chính, là một công cụ của Đảng, là vũ khí của cách mạng, của giai cấp, của Đảng(2), do đó, chịu sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tương hỗ của toàn hệ thống chính trị. Chỉ có thực hiện sự lãnh đạo của Đảng thì tờ báo mới có thanh, có sắc, mới phát triển tốt.
Như vậy, nói về mối quan hệ giữa báo chí với hệ thống chính trị Việt Nam, bản chất là nói đến vai trò, trách nhiệm, năng lực của báo chí trong việc thực hiện sứ mệnh là phương tiện, công cụ lãnh đạo, quản lý xã hội của Đảng, Nhà nước, là vũ khí của Đảng trong các hoạt động giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước. Ngược lại, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý báo chí là để bảo đảm cho báo chí có được đầy đủ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, được phát triển tốt đẹp.
Mối quan hệ giữa báo chí với chính trị được thể hiện ở những mặt sau đây:
Thứ nhất, báo chí là phương tiện, công cụ hỗ trợ đắc lực cho Đảng, Nhà nước trong hoạt động lãnh đạo, quản lý đất nước.
Thứ hai, báo chí truyền bá hệ tư tưởng, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tới quần chúng nhân dân, làm cho hệ tư tưởng này trở thành chủ đạo trong toàn bộ đời sống xã hội.
Thứ ba, báo chí thông tin, tuyên truyền kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến quần chúng nhân dân, giúp họ hiểu, vận dụng, tuân thủ.
Thứ tư, báo chí thông tin kịp thời về tình hình hoạt động của hệ thống chính trị, giúp các tổ chức trong hệ thống chính trị tăng cường hiểu biết lẫn nhau; đồng thời, giúp quần chúng nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam.
Thứ năm, báo chí trang bị cho quần chúng nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ, tích cực, giúp họ nhận thức đúng đắn bản chất các sự kiện, hiện tượng đang diễn ra trong đời sống chính trị - xã hội.
Thứ sáu, báo chí phát động các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tấm gương của các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, góp phần phát triển văn hóa xã hội.
Thứ bảy, báo chí tham gia đấu tranh chống các luận điệu phản động, thù địch, các động thái gây hấn từ bên ngoài, góp phần xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, dân tộc.
Thứ tám, báo chí giám sát và phản biện hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần hạn chế tiêu cực, nhân rộng mặt tích cực, v.v..
Về phần mình, hệ thống chính trị Việt Nam cũng có vai trò đặc biệt quan trọng đến hoạt động báo chí. Cụ thể:
Đảng lãnh đạo toàn diện mọi mặt hoạt động của báo chí. Đảng lãnh đạo báo chí bằng cách đề ra chỉ thị, nghị quyết đối với báo chí, thông qua tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí, thông qua Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan báo chí, Đảng lãnh đạo trực tiếp một số cơ quan báo chí lớn...
Nhà nước quản lý toàn diện hoạt động báo chí (xây dựng luật và các văn bản dưới luật; quản lý nội dung thông tin; khen thưởng, xử phạt; cấp và thu hồi giấy phép hoạt động; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí...); cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời về đường lối, chính sách và tình hình thực tiễn cho báo chí; tôn trọng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của báo chí...
Như vậy, mối quan hệ giữa báo chí và chính trị, cùng với hệ thống chính trị, là mối quan hệ biện chứng. Sự ổn định về chính trị, nhận thức, thái độ và hành vi chính trị đạt đến độ thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là minh chứng rõ ràng nhất cho vai trò truyền thông chính trị của báo chí. Bỏ trống trận địa báo chí là bỏ trống trận địa tư tưởng, văn hóa tinh thần to lớn; và khi đó công tác tập hợp, giáo dục, thuyết phục, tổ chức quần chúng sẽ khó đạt được kết quả như mong muốn. Ngược lại, báo chí chỉ có thể phát triển khi có một thể chế chính trị minh bạch, liêm chính, công bằng, tiến bộ, vì lợi ích của dân tộc và nhân dân.
Để phát huy hơn nữa mối quan hệ giữa báo chí với chính trị, cần tiếp tục nâng cao năng lực truyền thông chính trị của báo chí. Lâu nay, các nhà báo đang gặp khó khăn, do chính trị là một lĩnh vực không dễ để thông tin hay, hấp dẫn. Sự ra đời của báo chí số đã góp phần nâng cao năng lực truyền thông chính trị của báo chí.
2. Báo chí số
Báo chí số không chỉ là quá trình số hóa và nâng cấp mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động báo chí, mà thực sự là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực báo chí, tạo nên sự thay đổi toàn diện, từ mô hình tòa soạn, tổ chức bộ máy, phương thức tác nghiệp của nhà báo, hướng phát triển nội dung, tiếp thị công chúng, đến công tác lãnh đạo, quản lý...
Báo chí số là thuật ngữ dành cho cả báo mạng điện tử, phát thanh, truyền hình và báo in (số hóa báo in để đưa lên nền tảng Internet). Từ góc độ lấy nội dung làm trung tâm, báo chí số ứng dụng công nghệ hiện đại, như trí tuệ nhân tạo và các phần mềm biên tập, thiết kế, trình bày sản phẩm để tạo ra các trải nghiệm nội dung có giá trị, có chất lượng.
Từ góc độ lấy công chúng là trung tâm, báo chí số xoay quanh nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu của công chúng hiện đại. Nhiều cơ quan báo chí thay đổi công nghệ, áp dụng phần mềm để tăng khả năng tiếp cận các nhóm khách hàng tiềm năng thông qua phân tích hành vi, sự quan tâm của khách hàng và theo xu hướng của họ, từ đó, hỗ trợ hoạt động tương tác hai chiều, tạo ra các sản phẩm mới phù hợp, tăng doanh thu. Nhiều tòa soạn ứng dụng big data để phát triển nội dung, đo lường số lượng công chúng, sẵn sàng cho một mô hình thu phí của báo điện tử trong tương lai gần...
Đặc thù của báo chí số là “sáng tạo” và “báo chí ở đâu, công chúng ở đó”. Cơ quan báo chí và nhà báo không chỉ phải tìm cách “tiêu dùng công nghệ”, thích ứng với công nghệ, mà còn phải tìm cách để công nghệ phục vụ cho sự sáng tạo. Nói cách khác, công nghệ là phương tiện, là “bàn đạp” để nhà báo và tờ báo vươn lên chiếm lĩnh những tầm cao mới.
Hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ số, các tờ báo Việt Nam đều đang chuyển mình, chủ yếu theo chiều hướng tích cực. Cùng với đó, trong nhiệm vụ truyền thông chính trị, báo chí số đã và đang chứng minh những năng lực mới mẻ.
Chuyển động theo hướng số hóa đã đem đến cho báo chí diện mạo mới:
Một là, sự xuất hiện của báo chí internet (báo in Internet, phát thanh internet, truyền hình internet, báo mạng điện tử). Báo chí internet là một thành tựu kỹ thuật cho phép âm thanh, hình ảnh được số hóa và chia nhỏ để truyền trên internet. Hiệu quả cuối cùng là tạo ra cảm giác về “đài phát thanh”, “đài truyền hình”, “tờ báo” giống như báo chí theo định nghĩa truyền thống.
Nhờ định dạng báo chí internet, công chúng có thể được “xem, nhìn phát thanh”, được “đọc truyền hình, được lật giở báo in trên mạng”. Phát thanh, truyền hình internet đã khắc phục được các hạn chế cố hữu như: chỉ nghe/xem một lần, thoáng qua, bị động trong tiếp nhận, khả năng tương tác và lưu giữ thông tin kém... Hiện nay, công chúng được tiếp cận phát thanh, truyền hình phát lại, phát theo yêu cầu, được tiếp nhận thông tin bằng đa giác quan (vừa nghe bằng tai, vừa đọc/xem bằng mắt); được hoàn toàn chủ động về thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận; được tương tác nhanh, tức thì...
Báo chí Internet truyền tải dung lượng thông tin lớn, tốc độ truyền tải nhanh, linh hoạt, tạo ra nhiều tầng thông tin, cung cấp các dịch vụ gia tăng như văn bản, dữ liệu âm thanh, hình ảnh, video... đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dung.
Hai là, sự xuất hiện của báo chí mạng xã hội. Đó là hình thức đưa báo chí lên môi trường mạng xã hội như: Fanpage, Facebook, Youtube, Zalo, Instagram, Spotify, Google Podcast, Amazon Music, SoundCloud... giúp lan tỏa, phổ biến thông tin diện rộng, tạo nên xu hướng “distributed content”, nghĩa là nội dung báo chí được phát hành bởi bên thứ ba. Nhờ mạng xã hội, số lượng công chúng của các báo có thể tăng lên nhiều lần. Một thí dụ điển hình là “Báo Nhân Dân chuyển đổi mạnh mẽ fanpage trên Facebook, làm nội dung tiêu chuẩn hơn và chỉ sau 1 tháng, lượng tiếp cận đã tăng 5.000%, số lượng người theo dõi đã tăng gấp 7 lần so với trước khi thay đổi. Báo tạo tài khoản trên TikTok và chỉ trong một thời gian ngắn đã đạt hơn 1,4 triệu lượt thích, nhiều video clip đạt 3-4 triệu lượt xem”(3).
Ba là, sự xuất hiện của hệ tác phẩm báo chí số - hệ tác phẩm báo chí sáng tạo (Data journalism, Inforgraphics, Mega story, Long form, Lens, Quizz news, Rap news, báo chí thực tế ảo...), báo chí trí tuệ nhân tạo (phóng viên robot, phát thanh viên robot, kỹ thuật viên robot)...
Bốn là, sự hiện diện rõ nét của báo chí di động (Mobile Media, Mobile Journalism). Một số báo tạo ra nội dung dành riêng cho phiên bản điện thoại di động, như báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Vietnamnet.vn, Vnexpress.net, Zing.vn... Tất cả các báo điện tử cũng đưa ra phiên bản di động.
Truyền hình di động đang là xu thế được yêu thích. Khán giả Đài Truyền hình Việt Nam đã xem truyền hình trên các ứng dụng truyền hình di động, như VTVGo, FPT Play, TV360... Phát thanh mobile cũng rất phát triển với các gói thuê bao linh hoạt. Radio online qua kênh IVR (dịch vụ tương tác thoại trả lời thông tin tự động) và kênh wap/website. Hiện nay, tại Việt Nam, dịch vụ MobiRadio cung cấp trên 10 kênh radio trực tuyến: 4 kênh VOV1, VOV2, VOV3, VOV giao thông Hà Nội, VOV Giao thông TP HCM, FM Cảm xúc và 8 đài khu vực...
Năm là, xu hướng ứng dụng phần mềm phân tích website báo chí để đo lường người đọc, thu hút tương tác, phân tích nhu cầu công chúng.
3. Năng lực truyền thông chính trị của các dạng thức báo chí số
Nhờ khả năng ưu việt về công nghệ, kỹ thuật của báo chí chuyển đổi số, các cơ quan báo chí đã và đang tận dụng để gia tăng tiện ích truyền thông cũng như đẩy mạnh chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực thông tin trọng yếu, được ưu tiên, trong đó có lĩnh vực chính trị.
- Với dạng thức báo chí Internet
Trước đây, báo in, phát thanh, truyền hình chỉ có thể tiếp cận công chúng trên nền tảng báo chí truyền thống (qua giấy, qua đài và tivi). Hiện nay, nhờ phát trên nền tảng internet, những chương trình phát thanh, truyền hình, chuyên trang, chuyên mục về chính trị được hiện diện lần thứ hai trên môi trường mạng. Điều đó có nghĩa, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; những hoạt động của nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm sai lệch, xuyên tạc của các thế lực thù địch... được đưa lên báo chí internet tức thời, sinh động, đa dạng, đa chiều. Nhờ đó, công chúng trong nước và thế giới có thêm cơ hội nắm bắt thông tin chính trị Việt Nam nhanh chóng, trọng tâm, sâu sắc, chính thống. Hiệu quả truyền thông chính trị được tăng cường.
-Với dạng thức báo chí mạng xã hội
70% dân số Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội (số liệu năm 2022), là lý do giải thích cho việc báo chí mạng xã hội đang ngày càng chiếm lĩnh không gian thông tin, kéo theo năng lực truyền thông chính trị rộng mở. Nhiều cơ quan báo chí lớn, thí dụ báo Nhân Dân, đã đưa nhiều chuyên trang, chuyên mục của báo lên đa dạng nền tảng mạng xã hội, như: Facebook, Google Podcast, Instagram, Youtube, Soundclound, Spotify, Amazon music...
Tuy nhiên, mỗi nền tảng mạng xã hội có một đặc thù khác nhau, để tăng cường hiệu quả thông tin chính trị, cần lưu ý thực hiện một số điểm sau:
Thứ nhất, cơ quan báo chí phải chú trọng công tác quảng bá các nền tảng xã hội mà báo mình ứng dụng đến công chúng. Có một số cách:
Đính kèm biểu tượng Facebook, Google, Instagram, Youtube, Soundclound, Spotify, Amazon music... trên trang chủ, phía đầu trang, góc phải, hoặc chân trang, góc phải/trái, để công chúng có thể truy cập vào biểu tượng đó và theo dõi trên mạng xã hội.
Đính kèm biểu tượng Facebook, Google, Instagram, Youtube, Soundclound, Spotify, Amazon music... dưới mỗi bài báo để người đọc có thể chia sẻ lên trên trang cá nhân của mình. Lưu ý: các biểu tượng phải được hiển thị to, rõ nét, thậm chí được thiết kế dưới dạng ảnh động để thu hút sự chú ý của công chúng.
Thứ hai, các báo phải có đội ngũ nhân lực chuyên thiết kế thông tin trên nền tảng mạng xã hội, trong đó có thông tin chính trị. Đặc biệt, với các tờ báo Đảng và cơ quan báo lớn, tuyên truyền chính trị là một nhiệm vụ trọng yếu, thì công tác này càng cần được chú trọng. Nhân lực thiết kế thông tin chính trị trên nền tảng mạng xã hội phải thành thạo công nghệ, nắm bắt được quy luật tâm lý tiếp cận của công chúng.
Tin tức chính trị trên báo chí mạng xã hội không nên đơn giản chỉ là tạo đường link, dẫn lại nguyên vẹn các chương trình phát thanh, truyền hình, các bài báo về chính trị..., kết nối công chúng với trang chủ; cũng không nên chỉ là hình thức đưa lời dẫn ngắn và đường link. Bởi, thông tin chính trị vốn khô khan, khó hấp dẫn, thường không phải là ưu tiên tiếp nhận của đại bộ phận công chúng. Nếu trên mạng xã hội, nội dung tin tức chỉ là toàn bộ bài báo như cách tiếp nhận trên nền tảng báo chí, công chúng sẽ dễ bỏ qua.
Đặc thù tiếp nhận trên môi trường mạng không giống khi tiếp nhận trên nền tảng báo chí. Người lướt mạng thích nắm bắt thông tin nhanh và cơ bản, những ý trọng tâm cần được nhấn mạnh. Do đó, thông tin tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội phải là những tin tức quan trọng, dung lượng/thời lượng ngắn gọn hơn so với trên nền tảng báo chí.
Cùng với đó, hình thức trình bày tin chính trị trên mạng xã hội cũng cần ấn tượng, mới mẻ. Thí dụ, có thể dùng hình thức tin đồ họa (Inforgraphics), hoặc các trò chơi, câu hỏi trắc nghiệm để đưa tin (games news, quiz), hay thậm chí là hình thức đưa tin dưới dạng các bài hát, bài rap (rap news)...
Thứ ba, truyền thông chính trị là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt với các tờ báo Đảng và các cơ quan báo chí lớn trong bối cảnh Đảng ta đang tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và các nhiệm vụ chính trị khác. Để bảo đảm hiệu quả truyền thông trên mạng xã hội, ngoài việc đăng thông tin chính trị kết hợp với các loại thông tin khác trên cùng 1 trang mạng (biện pháp rải tin), cơ quan báo chí có thể lập trang mạng chuyên sâu về chính trị để tập trung chủ đề, tạo địa chỉ quen thuộc để công chúng tiếp nhận thuận tiện. Đồng thời, có kế hoạch quảng bá địa chỉ, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu của đơn vị, là trách nhiệm của đơn vị báo chí trước Đảng, Nhà nước, nhân dân.
- Với hệ tác phẩm báo chí số
Với tư duy sáng tạo, nhà báo có thể biến một bài báo thông tin chính trị “khô, cứng” trở nên sinh động, dễ tiếp nhận thông qua các tác phẩm báo chí số. Thí dụ, bài “Chuyến công du của Thủ tướng và cơ hội sau đại dịch” trên báo Zing.vn được thiết kế dưới dạng long form, với nhiều ảnh đẹp, lối trình bày cách điệu về font chữ, cỡ chữ, màu sắc, khổ báo, đính kèm video clip về cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng thống Mỹ Biden, đã trở nên tươi tắn, sinh động nhưng không kém phần trang trọng, đậm tính chính luận.
Rất nhiều bài báo chính trị đã được tư duy bằng ngôn ngữ hình ảnh, ngôn ngữ dữ liệu, được thiết kế, trình bày theo hệ báo chí sáng tạo, ít chữ, nhiều ảnh, đồ thị hóa, biểu bảng hóa, biểu đồ hóa thông tin, nên lôi cuốn, thu hút hơn nhiều so với lối thông tin truyền thống.
Nhiều cơ quan báo chí đã dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để lọc bình luận độc giả, sản xuất nội dung tin tức, biến văn bản thành âm thanh tự động trong các bản tin video, podcast, audio hay tìm hiểu thói quen người dùng... “Mỗi năm, VnExpress nhận gần 5 triệu lượt bình luận, ý kiến đóng góp từ độc giả. AI giúp kiểm duyệt bình luận của độc giả theo các tiêu chí không vi phạm định hướng thông tin, quy định của pháp luật cũng như giá trị thuần phong mỹ tục”(4)...
Robot viết và đọc tin, bài chính trị là một lối đi mới mẻ. Các phát thanh viên robot trình bày tin chính trị có thể là một cách thu hút công chúng. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để sản xuất podcast chính trị cũng là một ý tưởng thông minh để tiết kiệm chi phí cho cơ quan báo chí. Cơ quan báo chí có thể xây dựng các app/podcast chính trị độc lập và đưa lên nền tảng internet để công chúng có thể tải xuống và nghe bất cứ lúc nào trên thiết bị di động của mình.
Với các tạp chí khoa học, đặc biệt các tạp chí Lý luận chính trị, Xây dựng Đảng, Lịch sử Đảng, Tuyên giáo, Lý luận chính trị và Truyền thông... có số lượng bài nghiên cứu về lĩnh vực chính trị, lý luận chính trị đa dạng, có thể sử dụng các podcast để truyền thông về chính trị trên nền tảng internet, để mọi người có thể tiếp cận bằng hình thức âm thanh. Khác với các bài khoa học chính trị đăng trên tạp chí khoa học (bản in và bản điện tử), podcast chính trị sẽ là bài báo được chuyển thành tệp âm thanh; 1 bài báo khoa học chính trị có thể chia thành nhiều file nhỏ để công chúng có thể tải về máy dễ dàng. Podcast khoa học chính trị là một ý tưởng tuyệt vời cho giáo dục trong thời đại kỹ thuật số, khi các ứng dụng podcast luôn thân thiện và dễ sử dụng với hầu hết người dùng.
-Với dòng báo chí di động: Tuyên truyền về chính trị trên báo chí di động là một hướng đi cần thiết. Các cơ quan báo chí cần hướng tới xây dựng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục chính trị trên nền tảng di động, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc làm báo chí di động: tin bài ngắn gọn hơn, trọng tâm hơn, tít ngắn hơn, nhiều ảnh và video ngắn... để phù hợp với kích cỡ màn hình của thiết bị di động, phù hợp với khả năng tải file tiếng và file hình chậm do mạng 3G, 4G bị giới hạn tốc độ... Với xu hướng ứng dụng phần mềm phân tích website
Phân tích tiếp nhận của công chúng đối với các sản phẩm báo chí trên nền tảng internet nói chung và báo chí chính trị nói riêng là một ưu thế trong bối cảnh chuyển đổi số. Các cơ quan báo chí có thể tận dụng phần mềm phân tích website để đo lường công chúng tiếp cận thông tin chính trị ở các khía cạnh: lưu lượng truy cập thông tin chính trị, số lượt xem trang và bài chính trị, số lần nhấp chuột vào liên kết; số lượng truy cập lần đầu mỗi ngày, mỗi tuần hoặc mỗi tháng; tỷ lệ khách truy cập qua địa chỉ trực tiếp hoặc qua nền tảng mạng xã hội; số lượt truy cập vào mỗi loại chủ đề... Ngoài ra, còn có thể xác định dữ liệu công chúng đọc tin tức chính trị rất chính xác, như: độ tuổi, giới tính, khu vực sinh sống, quốc gia...
Các dữ liệu về công chúng tiếp nhận tin tức chính trị là những chỉ báo cần thiết để cơ quan báo chí điều chỉnh nội dung, hình thức, phương thức truyền thông chính trị phù hợp yêu cầu công chúng hiện đại.
Báo chí số làm thay đổi đáng kể năng lực truyền thông chính trị. Việc thực hiện những chiến dịch tuyên truyền chính trị với các nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, bám sát nhu cầu công chúng hiện đại được thực hiện dễ dàng hơn. Không chỉ thúc đẩy thông tin chính trị hiện diện sinh động và linh hoạt trên nhiều nền tảng truyền thông, báo chí số còn tạo nên siêu tương tác xã hội về các vấn đề chính trị, kết nối cơ quan báo chí - công chúng - cơ quan chức năng - cơ quan hoạch định và điều hành chính sách trong những mối quan tâm chung về chính trị, cùng giải quyết các vấn đề chính trị ở phạm vi cộng đồng, quốc gia, quốc tế... thuận tiện, hiệu quả./.
__________________________________________
(1) Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam (2004): Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H., tr.38.
(2) Kinh nghiệm báo chí Trung Quốc, Tài liệu của Đoàn báo chí Việt Nam sang thăm Trung Quốc, 1958, tr.7.
(3) Hoàng Ly: Thay đổi ít ai ngờ tới ở báo Nhân Dân và bí mật của chiến lược Digital first trong đại dịch, https://ictvietnam.vn/thay-doi-it-ai-ngo-toi-o-bao-nhan-dan-va-bi-mat-cua-chien-luoc-digital-first-trong-dai-dich-20220124110125527.htm.
(4) Minh Thu: Trí tuệ nhân tạo: Cơ hội phát triển cho báo chí thời đại công nghệ, https://ictvietnam.vn/tri-tue-nhan-tao-co-hoi-phat-trien-cho-bao-chi-thoi-dai-cong-nghe-20220108144520691.htm.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị ngày 2.7.2022
Bài liên quan
- Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
- Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
- Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
- Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
- Một số giải pháp cải thiện hoạt động khai thác, xuất bản sách tinh gọn tại Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Trong bối cảnh du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc phát triển du lịch bền vững tại Khánh Hòa đòi hỏi sự tham gia chủ động của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương (CĐĐP). Quản trị truyền thông không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh Khánh Hòa là một điểm đến bền vững, mà còn trở thành công cụ quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa. Bài báo khoa học này tập trung hệ thống hóa và đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời đề xuất các giải pháp quản trị truyền thông hiệu quả nhằm phát triển DLCĐ một cách đồng bộ, giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đúng định hướng chiến lược, trong đó DLCĐ đóng vai trò cốt lõi. Kết quả nghiên cứu được thu thập thông qua các phương pháp như: phỏng vấn sâu; phương pháp khảo sát; phân tích, tổng hợp và so sánh dữ liệu; xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS.22.0.
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra sự thay đổi sâu rộng trong ngành truyền hình với sự xuất hiện của truyền hình đa nền tảng. Khác với truyền hình truyền thống, truyền hình đa nền tảng đã và đang định hình lại cách thức tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung thông qua các đặc trưng nổi bật như tính thời sự, khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng, tính đa dạng và tương tác cao, quản lý và lưu trữ hiệu quả. Vận hành một mô hình sản xuất truyền hình đa nền tảng cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến các nguyên tắc về thông tin chính xác, kết hợp sản xuất nội dung với công nghệ mới, phát triển đa dạng các nền tảng...
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Bài viết nghiên cứu về tác động của truyền thông xã hội đối với hoạt động báo chí hiện nay, tập trung vào sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, phân phối tin tức và cấu trúc nội dung báo chí. Truyền thông xã hội đã trở thành một nguồn tin phong phú, đa chiều và nhanh chóng, làm thay đổi đáng kể cách thức thu thập và truyền tải thông tin. Tuy nhiên, tính xác thực của nguồn tin mạng xã hội vẫn là một thách thức, đòi hỏi báo chí phải chú trọng vào việc kiểm chứng và phản hồi thông tin một cách chính xác. Trên tinh thần đó, bài viết đề xuất báo chí cần phát triển nội dung chất lượng cao, tăng cường kỹ năng công nghệ số của phóng viên và xây dựng các nền tảng số riêng để giảm sự phụ thuộc vào truyền thông xã hội, đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy trong kỷ nguyên số.
Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan điểm chỉ đạo được nhấn mạnh trong Nghị quyết (NQ) là: “…chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định…” (1). NQ này đã được các cơ quan liên quan, trong đó có các cơ quan báo chí quán triệt, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để “chuyển hóa những thách thức thành cơ hội”, nhất là với vùng đồng bằng sông Cửu Long, để phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng thì vai trò, trách nhiệm của báo chí cần được nhận thức đầy đủ, chủ động hơn.
Bình luận