Nhận diện bản chất Trường Đảng và yêu cầu tổ chức giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
1. Nhận diện bản chất Trường Đảng
Trong bài diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I trường Nguyễn Ái Quốc vào ngày 7.9.1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trường Đảng là một trường học để đào tạo những chiến sĩ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản. Các đồng chí đều là những cán bộ cốt cán của Đảng”(1). Từ lời dạy ngắn gọn, súc tích trong bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định danh một khái niệm về Trường Đảng với những đặc trưng cơ bản sau:
Một là, là nơi đào tạo lý luận cho cán bộ cốt cán của Đảng
V.I.Lênin đã nhiều lần khẳng định, không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng; chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sỹ tiền phong, sứ mệnh của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém; cán bộ là cái gốc của mọi công việc; bởi vì, cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Nếu cán bộ không nhận thức được sứ mệnh, mục tiêu của tổ chức, thiếu thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, phương pháp làm việc biện chứng, khoa học sẽ khó hoàn thành tốt nhiệm vụ của tổ chức giao phó, vì vậy, cần phải mở trường đào tạo lý luận cho cán bộ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình”(2).
Hai là, là nơi đào tạo những chiến sĩ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản
Sự nghiệp của giai cấp vô sản là thực hiện một quá trình cách mạng toàn diện, sâu sắc nhằm xây dựng chế độ xã hội mới trên các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng. Để thực hiện hành trình của cuộc cách mạng triệt để ấy phải có con người XHCN. Trong quá trình thực hiện sự nghiệp cách mạng, đại bộ phận cán bộ thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong XHCN; có ý thức tự giác và được giác ngộ theo lý tưởng giai cấp vô sản, được rèn luyện qua thử thách, song, vẫn cần tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Hăng hái theo cách mạng, điều đó rất hay. Nhưng tư tưởng chưa thật đúng là tư tưởng cách mạng, vì thế cần phải học tập để sửa chữa cho đúng. Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm trọn nhiệm vụ cách mạng được”(3).
Người nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi đảng viên và cán bộ phải có lập trường giai cấp vô sản thật vững chắc, giác ngộ về chủ nghĩa xã hội cao; đòi hỏi cán bộ và đảng viên phải rửa sạch ảnh hưởng của những tư tưởng của giai cấp bóc lột, rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện chủ nghĩa tập thể. Nó đòi hỏi cán bộ và đảng viên phải khắc phục các bệnh quan liêu và cô độc hẹp hòi để liên hệ chặt chẽ với quần chúng, do đó mà phát huy được đầy đủ tính sáng tạo của hàng triệu quần chúng nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng được với sự giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo của hàng chục triệu người. Muốn thế phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, phải tổ chức học tập lý luận trong Đảng, trước hết là trong những cán bộ cốt cán của Đảng”(4).
Ba là, là nơi có môi trường học tập, rèn luyện tính Đảng sâu sắc
Để thực hiện sứ mệnh, mục tiêu, bất cứ trường học nào cũng xây dựng một môi trường học tập với những giá trị, chuẩn mực nhằm hoàn thiện, bổ sung, phát triển năng lực mỗi cá nhân. Tháng 9.1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trên trang đầu của cuốn sổ vàng khi Người đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tiền thân của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”(5).
Quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành mục tiêu, yêu cầu trong đào tạo của Trường Đảng. Muốn đạt được mục tiêu này, việc xây dựng môi trường học tập, rèn luyện tăng cường tính Đảng, như đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; điều tra, báo cáo rõ ràng tình hình; gắn lý luận và thực hành. Tính Đảng là nhân tố cốt lõi hình thành hệ giá trị: đạo đức, văn minh, danh dự, lương tâm, trách nhiệm...và được cụ thể trong quá trình học tập, rèn luyện của người dạy và người học. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh:
“Muốn cho việc học tập đạt được mục đích đề cao lý luận, cải tạo tư tưởng, tăng cường tính đảng, cần phải có thái độ học tập cho đúng:
- Phải khiêm tốn, thật thà. Trong Đảng ta trình độ lý luận còn thấp kém, không ai có thể tự xưng mình là giỏi lý luận. Do đó, phải nêu cao tinh thần khiêm tốn, thật thà..., kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập.
- Phải tự nguyện, tự giác xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập.
- Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng...
- Phải bảo vệ chân lý, phải có nguyên tắc tính, không được ba phải, điều hòa...
- Phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau học tập, mạnh dạn phê bình và thật thà tự phê bình và khi phê bình, tự phê bình thì phải xuất phát từ ý muốn đoàn kết, để đạt đến đoàn kết mới trên cơ sở mới”(6).
Với giá trị nền tảng cơ bản trên quy định chuẩn mực ứng xử giữa người học với người học; giữa giảng viên với học viên và các quan hệ trong tổ chức, tạo không gian văn hóa Trường Đảng, góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng.
Như vậy, từ việc định dạng cho khái niệm Trường Đảng dựa trên những dấu hiệu đặc trưng cơ bản, chúng tôi bước đầu khái quát về bản chất(7) thông qua đặc tính của Trường Đảng như sau:
(1) Tính Đảng
Mỗi hệ tư tưởng, tính đảng luôn giữ vai trò nòng cốt, chi phối và biểu hiện quan điểm về thế giới quan, nhân sinh quan, các quan điểm xã hội. Đối với Đảng ta là một Đảng Mác - Lênin do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, được trưởng thành qua việc lãnh đạo thành công cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH, thì tính Đảng được thể hiện trong mối quan hệ chiều sâu, quy định chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức/đơn vị, mỗi đảng viên trong tổ chức. Tính Đảng trong Trường Đảng được thể hiện:
- Về lập trường, thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận: Kiên định với thế giới quan duy vật, phương pháp luận biện chứng; nhận thức được tính quy luật phát triển xã hội và con đường lên CNXH; có nhân sinh quan cách mạng của những người cộng sản;
- Về sự thống nhất tư tưởng, nhận thức, đạo đức và hành động: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng; ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng;
- Về quan hệ lợi ích và cách thức rèn luyện: Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình; ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình nâng cao tư tưởng, cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ; lý luận và thực hành phải luôn đi đôi với nhau(8).
(2) Tính khoa học
Bất cứ trường học nào cũng là nơi phổ biến, truyền bá, giảng dạy những tri thức khoa học, lý luận khoa học; đồng thời, cung cấp phương pháp khoa học nhằm khám phá, tìm tòi tri thức mới để áp dụng vào đời sống, phục vụ đời sống. Tiêu chí khẳng định tính khoa học là khách quan, chân thực, chân lý.
Tính khoa học được thể hiện của Trường Đảng chính là việc nghiên cứu, tổ chức giảng dạy lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận trong bối cảnh mới. Chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống các tri thức khoa học, những quy luật chung nhất về sự phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy, cung cấp những tri thức cơ bản để nhận thức và cải tạo thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là lý luận về sự vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin là “Khoa học về các quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội; khoa học về cách mạng của quần chúng bị áp bức và bị bóc lột; khoa học về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở tất cả các nước; khoa học về xây dựng chủ nghĩa cộng sản”(9).
(3) Tính sáng tạo
Nhắc đến nhà trường là nói đến tri thức, đồng thời phải nói đến tính sáng tạo. Đối với Trường Đảng thì đặc tính sáng tạo càng được nổi trội và được thể hiện ở tri thức lý luận, phương pháp đào tạo, môi trường, không gian, quản trị nhà trường.
Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin khi xây dựng học thuyết của mình đã kế thừa những thành tựu khoa học đương thời (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội), cùng với sự tổng kết thực tiễn các phong trào cách mạng để khám phá ra/sáng tạo ra những quy luật khách quan, phổ biến của sự phát triển xã hội loài người. Lý luận này làm cơ sở khoa học cho các Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân ở các nước xây dựng đường lối cách mạng. Đây là quá trình sáng tạo không ngừng, vì thế, lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin luôn là vũ khí đấu tranh cải tạo thế giới, hướng tới thế giới tiến bộ, văn minh.
Mặc dù vậy, bản thân những người sáng lập ra chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định: “Học thuyết của các ông không phải là giáo điều mà sẽ liên tục phát triển cùng với sự phát triển của thực tiễn”. V.I.Lênin khẳng định rằng: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(10).
Cách đặt vấn đề của V.I.Lênin và chính sự vận dụng của Hồ Chí Minh trong phát triển học thuyết Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam cho một hình mẫu về lý luận sáng tạo không ngừng. Sự sáng tạo đó chính là nắm chắc được nguyên lý để vận dụng vào thực tiễn trong bối cảnh mới; đồng thời, sử dụng nguyên lý, các phương pháp khoa học để tổng kết thực tiễn, bổ sung cho lý luận. Vì vậy, Trường Đảng nơi nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nơi đào tạo lý luận cho cán bộ của Đảng luôn thể hiện và là biểu tượng của tính sáng tạo.
(4) Tính thực tiễn
Sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn vừa là nguyên tắc, vừa là phương pháp trong tổ chức dạy và học ở Trường Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”(11).
Sự thể hiện tính thực tiễn như là yêu cầu có tính nguyên tắc trong tổ chức nhiệm vụ của Trường Đảng, là do, bản thân tính thực tiễn đã được chứa đựng trong các nguyên lý, quy luật chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều đó có nghĩa là, trong quá trình tổ chức giảng dạy lý luận luôn phải có sự soi xét, gắn kết từ thực tiễn, luôn phải được thực tiễn kiểm nghiệm.
V.I.Lênin nhiều lần nhấn mạnh, đặt trong quan hệ với lý luận, thì thực tiễn phải là quan niệm thứ nhất; thực tiễn là cơ sở của lý luận, là động lực của nhận thức và là tiêu chuẩn của chân lý.
Do thực tiễn là điểm khởi đầu cũng như điểm kết thúc của chu trình nhận thức, hình thành lý luận. Vì vậy, mỗi điều kiện lịch sử cụ thể cần thực hiện tổng kết thực tiễn, để bổ sung lý luận, tạo nên sức sống của lý luận phù hợp với thời đại là nhiệm vụ trọng tâm của Trường Đảng. Đây chính là sự kết nối giữa lý luận và thực tiễn, biểu hiện bản chất trong thực hiện nhiệm vụ của Trường Đảng.
2. Những yêu cầu tổ chức giảng dạy của Trường Đảng hiện nay
Tổ chức giảng dạy là quá trình thống nhất hai mặt (dạy và học) thông qua hoạt động cộng tác giữa giảng viên và học viên để đạt mục tiêu, yêu cầu của chương trình đào tạo. Căn cứ bản chất Trường Đảng, căn cứ mục tiêu, yêu cầu chương trình đào tạo, bước đầu khái quát về yêu cầu cơ bản trong tổ chức giảng dạy ở Trường Đảng như sau:
Một là, tổ chức giảng dạy phải đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, tính sáng tạo nhằm toát yếu được tinh thần, quan điểm, lập trường, nguyên tắc, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở, việc dạy học lý luận chính trị phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc, song, Người chỉ dạy cần thấm nhuần việc dạy và học phải là sự học tập tinh thần; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp để áp dụng vào lập trường, quan điểm và phương pháp ấy để giải quyết tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng, tránh giáo điều, máy móc, rập khuôn, sơ cứng.
Vì sao quán triệt yêu cầu này trong tổ chức giảng dạy? Để trả lời câu hỏi này, cần trở lại nghiên cứu lịch sử ra đời và phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Chúng ta đã biết, C. Mác và Ph.Ăngghen xây dựng lý luận khoa học, cách mạng dựa trên kết quả của sự phát triển khoa học đương thời và thực tiễn đấu tranh cách mạng những năm 40 của thế kỷ XIX. Các nhà kinh điển luôn khẳng định, lý luận của các ông chỉ là cung cấp những nguyên lý, phương pháp, như kim chỉ nam, định hướng cho sự phát triển trong tương lai.
Quán triệt tinh thần này, V.I.Lênin kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết của C. Mác vào thực tiễn cách mạng ở Nga, đề ra học thuyết về cách mạng XHCN trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa; đồng thời, đã đưa ra luận thuyết khoa học và cách mạng về sự quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.
Đối với Việt Nam, trong điều kiện khủng khoảng về đường lối giải phóng dân tộc vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã truyền bá, vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, đề ra đường lối, sách lược, phương pháp cách mạng lãnh đạo giành độc lập dân tộc, xây dựng CNXH.
Như vậy, lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho thực tiễn cách mạng XHCN; học thuyết Mác - Lênin, cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh, thực sự trở thành nền tảng tư tưởng lý luận, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng ta trong lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tuy nhiên, do tính giới hạn lịch sử, dù học thuyết Mác - Lênin có khoa học và đúng đắn đến đâu đi nữa, thì cũng là sản phẩm của thời đại, của hoàn cảnh lịch sử nhất định, do vậy, không thể giải đáp đầy đủ, chi tiết, cặn kẽ mọi vấn đề, ở mọi thời đại. Ph.Ăngghen đã từng khẳng định: “Toàn bộ thế giới quan [Auffassungsweise] của Mác không phải là một học thuyết, mà là một phương pháp. Nó không đem lại những giáo điều có sẵn, mà đem lại những điểm xuất phát cho việc tiếp tục nghiên cứu và phương pháp cho sự nghiên cứu đó”(12). Hồ Chí Minh khẳng định, học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác phải nắm được cái cốt, linh hồn sống của nó, đó là phép biện chứng cách mạng.
Như vậy, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin cho chúng ta phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu, vận dụng luận kinh điển vào thực tiễn cách mạng. Nhiệm vụ trong tổ chức giảng dạy ở Trường Đảng cần phải làm nổi bật cho người học tinh thần, quan điểm, lập trường, nguyên tắc, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tránh sa đà giảng dạy lý luận mênh mông, sáo cũ.
Hai là, tổ chức giảng dạy đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, giảng viên Trường Đảng mang nhiều tư cách khác nhau, song, với tư cách là người đảng viên, người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị - chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa là tư cách quan trọng nhất, thể hiện tính đảng sâu sắc nhất. Muốn thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, thì bản thân phải nghiên cứu kỹ lưỡng những nội dung cơ bản Cương lĩnh, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giảng viên không chỉ nắm vững nội dung của vấn đề mình cần trình bày, mà đã thấm sâu, nhuần nhuyễn và trở thành nội lực của bản thân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Huấn luyện chính trị có hai thứ: thời sự và chính sách. Cách huấn luyện thời sự là khuyên gắng và đốc thúc các cán bộ xem báo, thảo luận và giải thích những vấn đề quan trọng, và định kỳ khai hội cán bộ, báo cáo thời sự. Huấn luyện chính sách là đốc thúc các cán bộ nghiên cứu và thảo luận những nghị quyết, những chương trình, những tuyên ngôn của Đảng, của Chính phủ”(13). Điều đó có nghĩa là, trong chương trình lý luận chính trị phải chú trọng dạy và học đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn liền với tình hình thời sự chính trị hiện tại của đất nước.
Theo Hồ Chí Minh, nội dung chương trình dạy và học đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước là phải làm cho người dạy và người học nắm vững đường lối cơ bản và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam. Vì cán bộ, đảng viên: “Có nắm vững đường lối cách mạng mới thấy rõ phương hướng tiến lên của cách mạng, mới hiểu rõ mình phải làm gì và đi theo phương hướng nào để thực hiện mục đích của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay”(14).
Ba là, tổ chức giảng dạy phải rèn luyện đạo đức cách mạng, tác phong, lề lối làm việc cho người học
Bản thân học viên Trường Đảng là cán bộ cốt cán, nên quan hệ giữa học viên và giảng viên không phải là quan hệ thầy - trò mà là quan hệ đồng chí. Vì thế, trong tổ chức giảng dạy, giảng viên là tấm gương về lời nói đi đôi với việc làm; có thái độ khách quan, trung thực và ý thức tổ chức kỷ luật cao; trong giảng dạy phải thực sự tâm huyết; trong cuộc sống hàng ngày phải giản dị, lắng nghe ý kiến những người xung quanh, không vụ lợi; trong quan hệ đồng chí, học viên phải đoàn kết, khiêm tốn, hết lòng giúp đỡ...
Điều căn bản của phương pháp rèn luyện cán bộ ở Trường Đảng phải là hướng tới mục tiêu rèn luyện bản lĩnh chính trị. Một người thủ lĩnh chính trị nếu không có bản lĩnh chính trị, nếu không nắm vững những nguyên tắc của Đảng sẽ ngả nghiêng, dao động trước tình hình, diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh nhiều thay đổi như hiện nay. Vì thế, trong quá trình học tập ở Trường Đảng cần có phương pháp, cách thức rèn luyện bản lĩnh cho người học để có phương pháp, cách thức giải quyết những tình huống khó, phức tạp trong lãnh đạo, quản lý; cần có những phương pháp tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời.
Do tính đặc thù về đối tượng, nên phương pháp rèn luyện ở Trường Đảng cần có cách thức để tạo ra những con người hành động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới vì lợi ích chung. Sự khác biệt căn bản giữa cán bộ lãnh đạo với thủ lĩnh chính trị là sự hành động; cán bộ giỏi phải hành động; cán bộ xuất sắc phải hành động, vì thế trong cách thức đào tạo cần tạo môi trường, phương pháp huấn luyện người học để họ có thể học tập và phấn đấu nâng cao trình độ thông qua học tập trên lớp, rèn luyện ngoài giờ lên lớp, kết hợp học tập giảng đường với hiện trường nhằm gắn lý luận với thực tiễn; đồng thời, phải có cơ chế đánh giá khách quan để hình thành kỹ năng và phong cách hành động thống nhất giữa nói và làm, giữa ý chí và hành động.
Bốn là, tổ chức giảng dạy lý luận cốt để áp dụng vào thực tế
Sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn vừa là nguyên tắc, vừa là phương pháp trong tổ chức dạy và học ở Trường Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Việc học tập lý luận của các đồng chí không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lý luận suông, mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí tốt hơn, nghĩa là các đồng chí phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin... Khi học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận... Không phải học để thuộc lòng từng câu từng chữ, đem kinh nghiệm của các nước anh em áp dụng một cách máy móc. Nhưng chúng ta phải học chủ nghĩa Mác - Lênin để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng nước ta, cho hợp với điều kiện đặc biệt của nước ta”(15).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thực tế là các vấn đề mình phải giải quyết, là mâu thuẫn của sự vật... thực tế của chúng ta là những vấn đề mà cách mạng đề ra cho ta phải giải quyết. Thực tế bao gồm rất rộng. Nó bao gồm kinh nghiệm công tác và tư tưởng của cá nhân, chính sách và đường lối của Đảng, kinh nghiệm lịch sử của Đảng cho đến các vấn đề trong nước và trên thế giới. Trong khi học tập, đó là những thực tế mà chúng ta cần liên hệ”(16).
Như vậy, đối với Trường Đảng và đội ngũ giảng viên, với mục đích cuối cùng là để học viên “phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp cách mạng”. Vì thế, trong quá trình giảng dạy, ngoài trang bị lý luận chính trị, người giảng viên phải gắn với thực tiễn, bám sát tình hình thực tiễn để người học hiểu và nắm chắc lý luận. Quan trọng hơn, người giảng viên phải giúp cho học viên biết cách vận dụng lý luận vào thực tiễn.
__________________
(1), (2), (4), (6), (9), (11), (15), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.95, 90, 95, 98-99, 96, 95, 95-96, 96.
(3), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 360, 208.
(7) Bản chất: là thực chất cơ bản bên trong sự vật; là toàn bộ những mối liên hệ, quan hệ sâu sắc và những quy luật bên trong quyết định những đặc điểm và khuynh hướng phát triển cơ bản của sự vận, hiện tượng, quá trình. Tuy nhiên, để nhận thức được bản chất của sự vật, hiện tượng, quá trình phải thông qua các hiện tượng, các đặc tính chủ yếu, các quy luật của chúng.
(8) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.307-308; t.11, tr.603.
(10) V.I.Lênin: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 232.
(12) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.39, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.545.
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.310- 311.
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.113.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9.2020
Bài liên quan
- Đào tạo theo phương thức tín chỉ ở các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện nay
- Khai giảng Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu năm học 2024-2025
- Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Xem nhiều
-
1
Đại hội Chi bộ khoa Tuyên truyền nhiệm kỳ 2025-2027
-
2
Quản lý thông tin về khoa học quân sự trên báo chí quân đội ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và một số giải pháp tăng cường
-
3
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
-
4
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên hiện nay
-
5
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh trong tham gia xây dựng Đảng
-
6
Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh trong tình hình mới
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Phát huy mục đích, ý nghĩa của công tác luân chuyển cán bộ kiểm tra đảng các cấp
Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, cùng với hoạt động lãnh đạo, bảo đảm cho Đảng thực sự là người lãnh đạo, người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Với vai trò quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, Đảng luôn coi trọng tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, nhất là trong thời kỳ đổi mới, tập trung vào việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra đảng, trong đó, một khâu rất quan trọng được quan tâm là luân chuyển cán bộ kiểm tra đảng. Khẳng định mục đích, ý nghĩa quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ kiểm tra đảng sẽ góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp về đẩy mạnh luân chuyển cán bộ kiểm tra đảng, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp.
Đào tạo theo phương thức tín chỉ ở các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện nay
Đào tạo theo phương thức tín chỉ ở các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện nay
Sau hơn 10 năm thực hiện, phương thức đào tạo tín chỉ đã khẳng định được sự ưu trội, hiệu quả và hiện đại của nó so với phương thức đào tạo theo niên chế. Tuy nhiên vì là phương thức đào tạo mới được áp dụng cho nên không tránh khỏi những khó khăn, thách thức, hạn chế cần phải vượt qua. Bài viết của tác giả góp phần luận giải để có một cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn cả về lý luận và thực tiễn nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả phương thức đào tạo tín chỉ trong các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng ở nước ta hiện nay.
Khai giảng Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu năm học 2024-2025
Khai giảng Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu năm học 2024-2025
Chiều 26/11/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền long trọng tổ chức Lễ Khai giảng Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu năm học 2024-2025.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nghiên cứu dựa trên các điều tra khảo sát hàng năm của khoa Xã hội học và Phát triển đối với sinh viên đang học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm đánh giá về nhiều vấn đề xã hội trong có đánh giá về giảng viên và cơ sở vật chất thông qua 48 biến số. Kết quả nghiên cứu năm 2024 với 734 sinh viên cho thấy, phần lớn sinh viên đánh giá ở mức cao hơn so với một số đánh giá của sinh viên tại các trường đại học khác. Có 7 nhóm yếu tố được đánh giá ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về giảng viên và cơ sở vật chất gồm: Chất lượng giảng viên; Chuyên môn của giảng viên; Phương pháp dạy của giảng viên; Năng lực tổ chức môi trường học tập; Phẩm chất sư phạm của giảng viên; Cố vấn học tập; Cơ sở vật chất. Đối với biến phụ thuộc đo lường về sự hài lòng của sinh viên dựa trên thang đo niềm tin (được đánh giá với thang đo từ 0-9 điểm) thông qua 9 biến số về quản lý, giảng viên, cơ chế đào tạo, phương pháp giảng dạy, thư viện và cơ sở vật chất của giảng đường.
Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Việc sử dụng ChatGPT để cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh mang lại nhiều lợi ích. Công cụ này giúp tăng cường tương tác, cá nhân hóa học tập và cung cấp tài liệu phong phú cho cả giáo viên và sinh viên. Sinh viên có thể tiếp cận ngữ pháp, từ vựng và kỹ năng viết một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, để tối ưu hóa lợi ích, giáo viên cần hướng dẫn sinh viên sử dụng ChatGPT một cách có ý thức, khuyến khích tư duy độc lập và tự đánh giá.
Bình luận