Những dạng lỗi thường gặp về chính tả và cách khắc phục
Thực tế cho thấy, lỗi về chính tả trong tiếng Việt chủ yếu liên quan tới sự nhầm lẫn các phụ âm đầu CH/TR, R/GI/D, S/X, L/N. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày một số mẹo giúp viết đúng các phụ âm trên; đồng thời, giới thiệu những cặp (nhóm) tiếng mà ở đó chúng hay bị nhầm lẫn hơn cả, và kèm theo là những những ví dụ tiêu biểu về khả năng kết hợp của từng tiếng để bạn đọc tham khảo và tự rút ra những điều hữu ích cho bản thân.
I. CH/TR
1. Một số mẹo giúp phân biệt CH/TR
1.1. Mẹo trường từ vựng
- Những từ chỉ quan hệ thân thuộc trong gia đình chỉ viết với CH chứ không viết với TR: cha, chú, chị, chồng, cháu, chắt, chút, chít, v. v.
- Những đồ dùng trong gia đình nông dân cũng được viết với CH chứ không viết với TR, chẳng hạn: cái chạn, cái chõng, cái chum, cái chai, cái chăn, cái chày (giã gạo, giã cua), cái chổi, cái chậu, cái chĩnh, chuồng gà (lợn, trâu,).
ở đây có một ngoại lệ là: cái tráp.
1.2. Mẹo đồng nghĩa tranh - giành
Trong tiếng Việt có nhiều cặp từ đồng nghĩa mà một được viết với TR, một được viết với GI, chẳng hạn: tranh - giành, trai - giai, v.v. Vậy khi gặp một từ chưa rõ viết với CH hay TR, mà lại đồng nghĩa với một từ được viết với GI thì từ đó phải được viết với TR.
Ví dụ: Tranh - giành, trăng - giăng, trầu - giầu, trời - giời, trữ - giữ, trả - giả, nhà tranh - nhà gianh, trở mặt - giở mặt, tro - gio, trồng - giồng…
1.3. Mẹo kết hợp âm đệm
Về mặt kết hợp, TR không bao giờ đi với các vần -oa, -oă, -oe, -uê. Chỉ có CH là có khả năng đi với các vần này. Do vậy, ta có thể yên tâm viết: Choáng váng, choảng nhau, choàng vai, loắt choắt, chích choè, cái choé, chạnh choẹ, nông choèn choẹt, choen hoẻn, chuệch choạc, chuếnh choáng, chuệnh choạng, v. v.
1.4. Mẹo láy âm
CH láy âm với các phụ âm đứng trước hoặc đứng sau, TR không láy âm với các phụ âm khác, trừ 4 ngoại lệ, đều là láy với L: trọc lóc, trụi lũi, trót lọt, trẹt lét. Như vậy, nếu một tiếng không rõ được viết với CH hay TR nhưng có thể láy với các âm khác thì trừ bốn trường hợp ngoại lệ trên đây, tiếng đó sẽ được viết với CH.
Ví dụ:
- CH láy với B; chơi bời, chèo bẻo, chành bành, chình bình, v. v.
- CH láy với L; Cheo leo, chìm lỉm, chi li, chói lọi; loắt choắt, lau chau, lanh chanh, lã chã, lích chích, loạng choạng, lởm chởm, loai choai, v.v.
- CH láy với R: chàng ràng, chộn rộn, chình rình, v.v.
- CH láy với V: choáng váng, chờn vờn, chạy vạy, chon von, chơi vơi, chót vót, chênh vênh, chạng vạng, v.v.
- CH láy với âm đầu zêrô: chình ình, chàng àng, chềnh ềnh, v.v.
1.5. Mẹo thanh điệu trong từ Hán - Việt
Những từ Hán - Việt mang dấu nặng và dấu huyền đều chỉ đi với TR chứ không đi với CH, ví dụ: trịnh trọng, trị giá, trụ sở, vũ trụ, thổ trạch, hỗ trợ, triệu phú, trận mạc, trạm xá, trục lợi, truỵ lạc; truyền thống, từ trường, trần thế, trù bị, phong trào, lập trường, trùng hợp, trầm tích, trừng trị, v.v.
2. Những cặp tiếng tiêu biểu viết với CH/TR
2.1. Chà/Trà
Chà: chà đạp, chà xát; chà! mệt quá; ái chà; quả chà là.
Trà: Trà đá, trà tàu; chén trà, phòng trà, thói trà lá, tuần trà; trà mi; sơn trà, thanh trà; trà trộn; đại trà.
2.2.Chả/Trả
Chả: chả cá, chả quế, chả xương sông; bánh chả, bún chả, giò chả; chả ai, chả bù, chả hạn, chả trách; chả là.
Trả: trả bài, trả lời, trả nợ; trả bữa, trả đũa, trả giá, trả thù; bánh trả, đánh trả; chim trả, màu cánh trả.
2.3.Chá/Trá
Chá: khoái chá
Trá: trá hàng, trá hình; dối trá, man trá, trí trá, xảo trá; khoái trá.
2.4. Chác/Trác
Chác: bán chác, chia chác, đánh chác, đổi chác, kiếm chác
Trác: trác tuyệt, trác việt; điêu trác, trác táng.
2.5. Chai/Trai
Chai: chai lọ; chai chân, nổi chai; chai mật, chai sạn.
Trai: trai ngọc, con trai (cái hến), khảm trai, mũ lưỡi trai; trai gái, trai tráng, con trai, đẹp trai, nhà trai; trai đàn, trai giới, trai phòng, thụ trai; thiền trai, th trai.
2.6. Chải/Trải
Chải: chải chuốt, chải đầu, bàn chải; bơn chải.
Trải: Trải chiếu, trải khăn, trải dài, dàn trải; trải đời, trải qua, nếm trải, từng trải; bơi trải; trang trải công nợ; trống trải.
2.7. Chạm/Trạm
Chạm: chạm cốc, chạm mặt, chạm ngõ, chạm trán, chạm nọc, động chạm, va chạm; chạm khắc, chạm trổ, thợ chạm.
Trạm: trạm gác, trạm bơm, trạm biến thế, trạm xá, binh trạm, tiền trạm.
2.8. Chàng/ Tràng
Chàng: Chàng rể, chàng trai, chàng và nàng; chàng và đục; chẫu chàng; chim chàng làng; chàng màng.
Tràng: tràng hạt, tràng nhạc, tràng pháo, tràng vỗ tay, bắn một tràng; tràng thi, trưởng tràng; tràng giang đại hải; tràng kỷ; đại tràng, nhuận tràng; sơn tràng.
2.9. Chanh/Tranh
Chanh: Chanh cốm, chanh đào, chanh muối, quả chanh, húng chanh; chanh chua; lanh chanh.
Tranh: cỏ tranh, lều tranh, nhà tranh; tranh ảnh, tranh nghệ thuật, bức tranh, đẹp như tranh, truyện tranh; đàn tranh; tranh cãi, tranh chấp, tranh công, tranh giành, tranh luận, tranh thủ, tranh tối tranh sáng; cạnh tranh, chiến tranh, đấu tranh, phân tranh.
2.10. Chao/Trao
Chao: món chao; chao đèn; chao cánh, chao đảo, chao động, chao qua chao lại; chao! đẹp quá, chao ôi.
Trao: trao duyên, trao đổi, trao giải, trao quyền, trao tặng, trao trả, tiền trao cháo múc.
2.11. Chào/Trào
Chào: chào đón, chào đời, chào hàng, cổng chào, lời chào; chim chào mào; ôi chào.
Trào: trào nước mắt, nước sôi trào; bãi trào, cựu trào; trào lưu, cao trào, phong trào, thoái trào; trào lộng, trào phúng, tự trào.
2.12. Chát/Trát
Chát: chát lè, chát xít, chan chát, chua chát; chát chúa, bốp chát, chao chát, đốp chát, tom chát.
Trát: trát của quan; trát phấn, trát tường, bôi tro trát trấu, xây trát.
2.13. Chau/Trau
Chau: chau mặt, chau mày, lau chau.
Trau: Trau chuốt, trau dồi, trau ngọc.
2.14. Chắc/Trắc
Chắc: chắc chắn, chắc nịch, chắc tay, lúa chắc hạt, rắn chắc, vững chắc; chắc ăn, chắc hẳn, chắc là, chắc lép, chắc mẩm.
Trắc: gỗ trắc; trắc trở, luật bằng trắc, trúc trắc, thanh trắc; phản trắc; trắc địa, trắc nghiệm, bất trắc, đài quan trắc; trắc ẩn; trắc bá, trắc bách diệp.
2.15. Chặn/ Trặn
Chặn: chặn đứng, chặn đường, ăn chặn, ngăn chặn, chặn họng; bằng chằn chặn, vuông chằn chặn.
Trặn: mặt tròn trặn.
2.16. Châm/Trâm
Châm: châm biếm, châm chọc, châm cứu, buốt như kim châm, chỗ ong châm; nam châm, phương châm; châm đèn, châm thuốc, châm ngòi; châm rượu, châm dầu vào đèn; châm chước; châm ngôn.
Trâm: trâm cài tóc; dòng dõi trâm anh; cây trâm bầu.
2.17. Chân/ Trân
Chân: chân giò, chân kính, chân sào, chân đất, có chân trong hội đồng; chân mạ, chân ruộng; chân chỉ, chân không, chân lý, chân phương; chân - thiện - mĩ, văn tả chân.
Trân: trân trọng, chè trân châu, chuỗi hạt trân châu, lúa trân châu lùn, món thời trân; trân mặt, chết trân, ngó trân trân, nhìn trân trối.
2.18. Chấn/Trấn
Chấn: chấn chỉnh, chấn hưng, chấn lưu, phấn chấn; chấn động, chấn thương, địa chấn; chấn song.
Trấn: thị trấn; trấn giữ, trấn lột, trấn thủ, đứng trấn ở cửa, quan tổng trấn; trấn an, trấn áp, trấn ngự, trấn tĩnh.
2.19. Chí/Trí
Chí: con chí cắn đôi, cấu chí; chí hướng, chí khí, chí thú làm ăn, đắc chí, quyết chí, thiện chí, ý chí; từ đầu chí cuối, đòn chí tử, lo chí chết, ngày đông chí, thậm chí; chí công vô tư, chí cốt, chí hiếu, chí ít, chí thiết, đấng chí tôn; báo chí, tạp chí; tiêu chí, chí chát, mộ chí; chí choét.
Trí: trí dũng song toàn, trí khôn, trí nhớ, trí trá, đãng trí, mưu trí, rối trí, sáng trí; nhất trí; đòn trí mạng; an trí, bài trí, bố trí, trang trí, vị trí.
2.20. Chiết/Triết
Chiết: chiết áp, chiết công điểm, chiết rượu sang chai, chiết tinh dầu, chiết khấu, chiết cành cây; bát chiết yêu, độ chiết suất, nói khúc chiết; giọng chì chiết.
Triết: triết học, triết lý, nhà hiền triết.
2.21. Chinh/ Trinh
Chinh: chinh phạt, chinh phục, chinh phu, chinh chiến, chinh phụ ngâm, cuộc viễn chinh, giờ xuất chinh; đường trường chinh; thân chinh.
Trinh: tính từng đồng trinh, không một trinh dính túi; trinh tiết, trinh phụ, trinh trắng; cây trinh nữ, đức mẹ đồng trinh, kiên trinh, trung trinh; trinh sát, trinh thám.
2.22. Chốc/Trốc
Chốc: chốc đầu, chốc lở; chốc chốc (lại gọi điện), chốc nữa (hãy sang), bỗng chốc, trong chốc lát, phút chốc.
Trốc: trốc tủ, bạc trốc, ăn trên ngồi trốc, trên trốc đầu; trốc cả gốc, bão trốc mái nhà, trốc tận rễ.
2.23. Chồi/Trồi
Chồi: đâm chồi nảy lộc, rừng chồi
Trồi: mầm cây trồi lên, đầu trồi khỏi mặt nước.
2.24. Chốn/Trốn
Chốn: Chốn quê mùa, nơi chốn (đi đến nơi về đến chốn, có nơi có chốn).
Trốn: Trốn học, trốn việc, bỏ trốn, chơi trốn tìm, tường xây trốn cột.
2.25. Chơ/Trơ
Chơ: chơ chỏng, chơ vơ.
Trơ: trơ gốc ra, trơ khấc một mình, trơ mắt ếch, trơ như đá, trơ thổ địa.
2.26. Chở/Trở
Chở: che chở ; chuyên chở, chở khách, chở củi về rừng.
Trở: trở đầu đũa, trở gót quay lại, trở mình, trăn trở, trở dạ, trở mặt, trở quẻ, trở nên, trở chứng, tráo trở, từ giờ trở đi, từ đây trở xuống; trở lực, trở ngại, cách trở, điện trở, hiểm trở, trắc trở; nhà có trở, để trở.
2.27. Chú/ Trú
Chú: chú bộ đội, chú mình, chú chuột, chú rể; chú bác; thần chú, niệm chú, tay ấn miệng chú; chú thích, ghi chú; chú trọng, chú ý; chăm chú.
Trú: trú chân, trú mưa, trú nạn; trú ẩn, khách trú; trú ngụ, trú quán, sinh quán, cư trú, ngoại trú, thường trú; trú quân, đồn trú.
2.28. Chung/Trung
Chung: chung rượu; chung đúc, chung tình; chung lưng đấu cật, chung sống, chung chung, nói chung; chung quy, sự cáo chung, chung kết, lâm chung, chung thuỷ; tù chung thân; chung quanh; chung chiêng.
Trung: trung bình, trung lập, trung tá, bậc trung, tập trung, trung thu; không trung, tựu trung, vô hình trung, ý trung nhân; trung hiếu, trung hậu, trung thành, trung trinh, trung thực, tận trung.
2.29. Chùng/Trùng
Chùng: chùng tay (không dám làm), dây đàn chùng, quần chùng áo dài, thần kinh chùng xuống; chùng chình ( cha muốn đi ngay), thuyền chùng chiềng.
Trùng: trùng lao, ấu trùng, côn trùng, nhiễm trùng, vi trùng, vô trùng; ngàn trùng, trùng trùng điệp điệp, trập trùng, trùng dương; trùng nhau, trùng tên, trùng hợp, trùng lặp; trùng tu, (cơ hội) trùng phùng, (trần, tròn) trùng trục.
2.30. Chuyền/ Truyền
Chuyền: chuyền tay, bay chuyền, bóng chuyền, dây chuyền, đánh chuyền.
Truyền: truyền máu, truyền nhiệt, truyền tin, truyền nhiễm, truyền khẩu, truyền đơn, truyền thần; truyền nghề, truyền ngôi, gia truyền, cha truyền con nối, truyền thống, truyền kiếp; truyền bảo con cháu, truyền gọi.
2.31. Chuyện/ Truyện
Chuyện: chuyện ngày xa, câu chuyện, công chuyện, làm nên chuyện, chuyện đùa, sinh chuyện, vẽ chuyện; chuyện trò, bắt chuyện, hay chuyện, chuyện vãn, chuyện gẫu.
Truyện: truyện cổ tích, truyện thơ, truyện ngắn, truyện dài, phim truyện , đọc truyện, viết truyện, tự truyện.
2.32. Chữ/Trữ
Chữ: mù chữ, chữ viết; chữ cái, chữ ký, chữ số, hình chữ thập, khoá chữ, máy chữ; nét chữ, chơi chữ; chữ nghĩa.
Trữ: trữ lượng, trữ thóc, trữ nước, dự trữ, lưu trữ, tích trữ; thơ trữ tình.
2.33. Chưng/ Trưng
Chưng: bánh chưng; chưng bày, chưng diện; chưng cất, nước mắm chưng hạt tiêu; chưng hửng; bởi chưng, vì chưng.
Trưng: trưng bày, trưng cờ và khẩu hiệu, sáng trưng; trưng cầu ý kiến; trưng binh, trưng dụng, trưng thu; đặc trưng cho hoà bình, tượng trưng.
2.34. Chướng/Trướng
Chướng: chướng tai gai mắt, gió chướng, nghiệp chướng, chướng ngại vật; lam sơn chướng khí; hoa cẩm chướng.
Trướng: trướng rủ màn che, bức trướng, dưới trướng, hổ trướng; trướng hơi đầy bụng, bành trướng, xơ gan cổ trướng./.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 6 (tháng 11+12)/2005
Bài liên quan
- Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
- Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
- Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
- Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- Một số vấn đề đặt ra với chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2024- 2027
Ngày 19/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2024 – 2027.
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Những biến đổi trong đời sống xã hội cùng với những thành tựu của Cách mạng 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đã tạo ra môi trường thông tin rộng lớn, dễ tiếp cận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tin giả, thông tin sai lệch. Điều này tác động sâu sắc đến công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay. Việc đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là một đòi hỏi tất yếu để góp phần vào xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, duy trì sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Khi phát biểu trước công chúng, người nói không chỉ dùng ngôn từ tác động đến người nghe mà còn dùng giọng nói, trọng âm, tốc độ… để góp phần chuyển tải thông điệp. Những yếu tố ấy chính là cận ngôn ngữ. Bài viết này nhận diện các yếu tố cận ngôn ngữ và vai trò của chúng trong phát biểu trước công chúng.
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Giám sát và phản biện xã hội là chức năng cơ bản của báo chí. Để thể hiện được vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí, người làm báo cần có khả năng phản biện tốt. Trong môi trường thông tin mở, vai trò giám sát và phản biện xã hội càng trở nên quan trọng, đòi hỏi người làm báo nâng cao năng lực hoạt động, trong đó có năng lực phản biện xã hội. Cơ sở và điều kiện của năng lực này là khả năng tư duy phản biện của đội ngũ người làm báo. Bài viết bàn về nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong quá trình đào tạo sinh viên chuyên ngành báo chí ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Những ngày qua, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế lo lắng, cầu mong mọi điều bình an đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Thật buồn, khi tôi đang viết bài này thì phép màu nhiệm đã không đến... Vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim người con ưu tú của nước Việt đã ngừng đập…
Bình luận