(LLCT&TT) Việc dạy và học nói chung và đối với bậc đại học nói riêng đang thay đổi không ngừng trong giai đoạn vừa qua. Đặc biệt, với sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, hiện nay việc dạy và học trực tuyến đã trở thành phương thức dạy học chủ đạo ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng nên coi việc dạy học trực tuyến là một phương pháp dạy học chủ đạo trong trường học, và tiến tới thay thế hoàn toàn hoặc một phần việc dạy học trực tiếp trên lớp. Tuy nhiên, việc dạy học trực tuyến có nhiều vấn đề nan giải khiến cho việc thay thế và áp dụng rộng rãi trở nên rất khó khăn. Bài viết này có mục tiêu làm rõ một số vấn đề gặp phải trong dạy và học trực tuyến.
Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên toàn thế giới, giáo dục trực tuyến đã trở thành một hình thức được khuyến khích áp dụng. Đây là một hình thức đào tạo tiên tiến với nhiều lợi ích thiết thực, đặc biệt trong thời kỳ phải giãn cách xã hội vì dịch bệnh. Giáo dục trực tuyến được mong đợi sẽ mang lại những thay đổi lớn giúp cộng đồng nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng do đại dịch. Đặc biệt trong thời gian gần đây (tháng 5/2021), đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát tại Việt Nam với sự xuất hiện của chủng virus mới từ Ấn Độ càng khiến cho việc dạy và học trực tuyến trở nên cần thiết, đến mức gần như bắt buộc tại tất cả các tỉnh, thành.
Giáo dục trực tuyến là hình thức giáo dục từ xa, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin, liên lạc. Người học và người dạy có thể truy cập được các tài nguyên dạy học trực tuyến trên nền tảng công nghệ một cách thuận tiện (Arkorful và Abaidoo, 2015). Abbad và cộng sự (2009) đã định nghĩa, giáo dục trực tuyến là bất cứ hình thức học tập nào sử dụng công nghệ điện tử, và thu hẹp lại, những hình thức học tập sử dụng mạng Internet và nền tảng website. Qua những định nghĩa trên, có thể rút ra kết luận là một trong những điều kiện chủ yếu mà giáo dục trực tuyến cần có là khả năng truy cập mạng Internet của người dạy và người học.
Gần đây, việc dạy học trực tuyến ở Việt Nam đã được tiến hành dưới nhiều hình thức, đặc biệt là dựa vào các nền tảng hội nghị trực tuyến (video conference). Zoom Meeting và Microsoft Teams là hai nền tảng phổ biến nhất. Giáo dục trực tuyến hiện này có thêm một hình thức nữa được ưa chuộng hơn đó là bài giảng “động”, trong đó người dạy và người học tương tác gián tiếp với nhau thông qua Internet và máy tính cá nhân hoặc điện thoại. Đây là một bước tiến mới trong đó việc dạy học trực tuyến. Nó trở nên gần giống so với việc dạy học trực tiếp, vì trong môi trường này, người học và người dạy được tương tác với nhau trong thời gian thực giống như đang ngồi ở trong lớp học. Loại hình giảng dạy này được kỳ vọng sẽ là một bước tiến có thể thay thế được giảng dạy trên lớp và ứng dụng tiện ích trong thời kỳ dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, trong thực tế, việc dạy và học trực tuyến tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra dưới đây.
1. Tâm lý nghi ngại và sự bất hợp tác của người học
Vấn đề đầu tiên phát sinh trong quá trình dạy học trực tuyến là tâm lý “ngại” học và thái độ “bất hợp tác” của người học. Có một thực tế là từ những ngày đầu việc dạy học trực tuyến được áp dụng như một hình thức bắt buộc ở Việt Nam do sự bùng phát của đại dịch Covid-19, cộng thêm việc thời gian nghỉ Tết vừa mới kết thúc, nhiều học sinh, sinh viên tỏ thái độ nghi ngại, thậm chí là coi thường, việc dạy học trực tuyến qua các nền tảng như Zoom, Microsoft Teams hay Skype. Cá biệt, có những trường hợp thanh niên Việt Nam đồng loạt đánh giá 1 sao cho tất cả các ứng dụng tổ chức cuộc họp này trên những chợ ứng dụng của Android và iOS nhằm mục đích phá hoại để các ứng dụng này bị gỡ xuống khỏi các chợ, để “khỏi phải học”, như một số bình luận có ghi lại.
Có một số lý do có thể giải thích được cho thái độ của người học kể trên. Đầu tiên, do trải qua một đợt nghỉ quá dài, tâm lý của người học ban đầu nói chung là ngại, không muốn quay trở lại với việc học do đã quen với việc không phải vận động trí óc và cơ thể nhiều trong dịp nghỉ lễ. Đặc biệt là với việc đột ngột phải chuyển sang một hình thức học mới, tâm lý này càng trở nên mạnh hơn trong một bộ phận người học vốn luôn nghĩ rằng việc học là một nghĩa vụ bắt buộc chứ không phải là một quyền lợi, và vốn vẫn luôn có tâm lý lười học và học chống đối ở hầu như tất cả các cấp học. Tất cả những điều đó dẫn đến những hành động bột phát trong một nhóm người học như đã nêu ở trên.
Hơn nữa, việc tiến hành việc học trong một môi trường ngẫu nhiên không liên quan đến sư phạm (ở nhà thậm chí trong phòng ngủ, quán cà phê,…) thay vì một môi trường sư phạm đặc thù khiến cho tâm lý học tập của người học càng bất ổn hơn. Những môi trường như vậy có rất nhiều yếu tố ngoại cảnh không liên quan đến bài học tác động trực tiếp lên người học cùng lúc với bài giảng khiến cho người học, đặc biệt là học sinh ở những cấp học phổ thông, dễ dàng bị phân tán sự tập trung và làm việc học không đạt hiệu quả. Những vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng giáo dục như đường truyền Internet, thiết bị học tập (máy tính xách tay, điện thoại, camera, micro…) càng làm những vấn đề này nghiêm trọng hơn.
Một bất cập lớn khác của giáo dục trực tuyến chính là việc thiếu môi trường tương tác. Việc giảng dạy trực tuyến có một đặc điểm là người học trong đa số trường hợp không thể ở gần nhau trong một môi trường chung như trực tiếp trên lớp. Điều này dẫn đến việc người học thiếu tương tác với nhau mà chỉ có một chiều tương tác duy nhất giữa người học và giáo viên thông qua màn hình. Giáo viên có thể sử dụng công cụ của ứng dụng để phân các nhóm tương tác, nhưng tính năng của các công cụ này rất hạn chế và chỉ có hiệu quả giữa các nhóm nhỏ. Với việc người học yếu về kỹ năng phản biện, thảo luận nhóm, trình bày ý kiến cá nhân… và không phải chịu áp lực trực tiếp từ giáo viên cũng như những người học khác làm cho người học có xu hướng giữ im lặng và chỉ lên tiếng khi có yêu cầu từ giáo viên. Điều này dễ dẫn lớp học quay trở về tình trạng “người dạy nói, người học đọc chép”, là hình thức giảng dạy nhàm chán và đang bị phê phán bởi các chuyên gia về giáo dục. Vì vậy, người học càng có ác cảm hơn với hình thức giáo dục trực tuyến.
2. Cơ sở hạ tầng, thiết bị kỹ thuật chưa đồng bộ
Vấn đề thứ hai của giảng dạy trực tuyến tại Việt Nam là việc thiếu thốn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Nhìn lại lịch sử của dạy học từ xa nói chung, có thể thấy rằng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đủ điều kiện để đào tạo là rất quan trọng. Theo Alshamrani (2019), để giáo dục trực tuyến đạt hiệu quả thì một trong những yêu cầu tối thiểu là phải có một kết nối Internet ổn định ở cả hai đầu người dạy lẫn người học. Đây là một vấn đề nan giải ở Việt Nam, vì trong khi đường truyền Internet của giáo viên có thể được đảm bảo bằng cách nâng cấp các gói Internet đặc biệt được các nhà mạng cung cấp, không có gì bảo đảm rằng đường truyền Internet của người học có thể đảm bảo được kết nối ổn định trong quá trình của giờ học. Không phải người học nào cũng có đủ điều kiện tài chính hoặc địa điểm để sử dụng các gói Internet đặc biệt dành cho học trực tuyến, và kể cả nếu như có điều kiện thì những nhân tố khách quan khác ví dụ như thời tiết, áp lực từ gia đình,… cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tiến trình của giờ học. Ngoài ra, dịch vụ Internet ở Việt Nam phải phụ thuộc vào các tuyến cáp quang biển quốc tế, và tuyến cáp quang được sử dụng nhiều nhất là tuyến cáp Asia-America Gateway (AAG). Tuyến cáp này có một nhược điểm là rất hay bị hư hại vì nhiều lý do khác nhau, ví dụ như vướng phải neo của tàu thuyền đi qua khu vực giáp ranh giữa Malaysia và Singapore gây đứt cáp (Nguyễn Văn Khoa, 2014). Mỗi lần tuyến cáp bị hư hại, thời gian phải dành ra để sửa chữa là khá dài, cá biệt có trường hợp lên tới 1 hoặc 2 tháng. Với việc giáo dục trực tuyến ở Việt Nam hiện tại phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào những ứng dụng có máy chủ đặt tại nước ngoài như Zoom Meeting hoặc Microsoft Teams, vốn yêu cầu đường truyền quốc tế ổn định để đảm bảo sử dụng trơn tru, những lần cáp quang biển bị tổn hại như vậy gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình dạy và học.
Thêm vào đó, lý do khiến cho giáo dục trực tuyến của nước ta phải phụ thuộc vào những ứng dụng nước ngoài như đã nêu trên một phần là do những nền tảng hội nghị trực tuyến (video conference) nội địa của ta vẫn chưa có khả năng cạnh tranh với những nền tảng của nước ngoài. Theo Vietnamnet (2021), có một số nguyên nhân khiến cho các phần mềm video conference của Việt Nam chưa được người dùng trong nước ưa chuộng.
Thứ nhất, các phần mềm của ta chỉ được đưa ra thị trường sau khi các ứng dụng của nước ngoài đặc biệt là Zoom Meeting và Microsoft Teams đã chiếm thị phần gần như tuyệt đối trên thị trường không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Với tư thế làm “kẻ đi sau” như vậy, rất khó để các ứng dụng của ta có thể chiếm được phần trên chiếc bánh thị phần giáo dục trực tuyến ở thị trường nội địa, khi mà những ứng dụng phổ biến trên đã đi trước chúng ta khá lâu và có những điểm mạnh mà những ứng dụng của ta vẫn chưa có khả năng bắt kịp, ví dụ như có bộ lọc (filter) đẹp, có nền tảng kết nối trên cả điện thoại lẫn máy tính, hỗ trợ chia nhóm…
Thứ hai, người dùng cá nhân thường có tâm lý “ngại” đổi sang những sản phẩm mới chưa nổi bật cho dù những sản phẩm cũ có những điểm yếu kém không thể chấp nhận. Năm 2020, Zoom từng bị chỉ trích rất nặng nề trên toàn thế giới vì để lộ hàng loạt thông tin cá nhân của người dùng, thậm chí bị các cơ quan chính phủ Anh và Mỹ cấm sử dụng vì không đảm bảo về bảo mật. Vậy mà sau đó, ứng dụng này vẫn tiếp tục phát triển và hiện đang đứng đầu danh sách các ứng dụng hội nghị trực tuyến về số người sử dụng và lượt tải. Khi được hỏi về những vấn đề của các ứng dụng hội nghị trực tuyến, đa số người trả lời không quan tâm lắm đến những vấn đề như an ninh hay bảo mật mà chỉ quan tâm đến sự tiện dụng và chất lượng hình ảnh, đường truyền… mà thôi. Hơn nữa, mỗi nền tảng hội nghị trực tuyến chỉ có thể kết nối được với chính nền tảng đó giữa các thiết bị với nhau, vì vậy nên một khi một nền tảng đã được phủ sóng rộng rãi thì đa phần người dùng sẽ không muốn đổi sang sử dụng một nền tảng khác nữa. Vì vậy, chắc chắn những nền tảng đã có sẵn và phủ sóng rộng rãi trên khắp thế giới sẽ có ưu thế hơn hẳn so với những phần mềm non trẻ mới được phát triển trong thời gian gần đây.
Một vấn đề nữa cũng cần được nhắc đến, đó là cơ sở vật chất của lớp học trực tuyến. Để lớp học có thể đảm bảo được chất lượng thì yêu cầu về chất lượng âm thanh, thiết bị trình chiếu, môi trường giảng dạy… là rất cần thiết. Tuy nhiên, chi phí của những thiết bị đảm bảo được các yêu cầu này thường là rất cao và ít có cá nhân có thể sở hữu riêng được những thiết bị như vậy. Mặc dù điều này có thể phần nào được giải quyết bằng cách lập ra những phòng dạy trực tuyến đặc biệt dành riêng cho giáo viên các lớp dạy trực tuyến, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế vì không có cơ sở nào có thể thiết lập đủ các phòng học như vậy cho tất cả giáo viên trong thời gian ngắn và khẩn cấp như trong thời kỳ đại dịch hiện nay. Hơn nữa, để đảm bảo được chất lượng của việc giảng dạy trực tuyến thì trang thiết bị từ người học cũng rất cần thiết. Không phải người học nào cũng có thể giải quyết dễ dàng vấn đề trang thiết bị trong thời gian ngắn, đặc biệt là người học ở vùng sâu vùng xa hoặc vùng khó khăn, chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với các thiết bị công nghệ hiện đại.
3. Kinh nghiệm dạy học trực tuyến và môi trường của lớp học
Theo khảo sát của Chu Cẩm Thơ (2021), các giáo viên tham gia dạy học trực tuyến cảm thấy không thực sự hài lòng với kết quả bài giảng của mình, với bài giảng được soạn sẵn từ Microsoft Word hoặc Microsoft PowerPoint thay vì sử dụng phần mềm chuyên sâu để tăng tương tác cho bài học. Điều này cho thấy rằng, không thể sử dụng bài giảng theo giáo trình đã có sẵn - vốn được thiết kế để dạy trực tiếp trên lớp - để dạy theo hình thức trực tuyến như nhiều người vẫn lầm tưởng được. Để có thể có một bài giảng trực tuyến đảm bảo chất lượng, người dạy cần phải bỏ ra lượng thời gian dài gấp nhiều lần thời gian mà họ phải dành ra để thiết kế một bài giảng thông thường, bao gồm không chỉ việc thiết kế lượng kiến thức mà còn phải cả thiết kế các bài tập thực hành để củng cố lại kiến thức đã dạy, vốn đã khó thu hút được sự chú ý của người học khi dạy trực tiếp trên lớp, nay còn khó hơn khi giáo viên không thể kiểm soát được hoạt động của học viên ở sau màn hình máy tính. Đặc biệt, với đa số giáo viên chưa từng dạy trực tuyến trước đây, thời gian phải bỏ ra đó còn nhiều hơn nữa vì họ chưa có kinh nghiệm về việc phải dạy thế nào cho hiệu quả. Do đó, nhiều giáo viên thường có xu hướng chán nản và “ngại” dạy theo hình thức trực tuyến.
Thêm vào đó, có thể thấy được rằng việc chuyển đổi bất ngờ từ giảng dạy trực tiếp tại lớp học sang giảng dạy trực tuyến gây nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật cho đa số giáo viên, đặc biệt là các giáo viên lớn tuổi ít tiếp xúc với các công nghệ hiện đại. Để xây dựng bài giảng trực tuyến, giáo viên cần phải học cách sử dụng nhiều loại công nghệ giảng dạy khác nhau.
Ngoài ra, dạy học trực tuyến khiến cho giáo viên khó có thể sử dụng các liệu pháp gây cảm xúc, truyền cảm hứng và kích thích tâm lý của người học giống như ở một lớp học thông thường. Những liệu pháp như thảo luận theo nhóm, chơi trò chơi tư duy, hoạt động… đòi hỏi sự tương tác trực tiếp và sẽ có hiệu quả lớn nhất nếu được sử dụng với một nhóm người. Tuy nhiên, với việc học trực tuyến, việc đảm bảo được sự tương tác giống như vậy là gần như không thể. Mặc dù một số nền tảng hội nghị trực tuyến đã bổ sung các công cụ có thể giả lập được phần nào môi trường tương tác này, nhưng điều quan trọng nhất trong giao tiếp đó là tương tác bằng mắt thì vẫn chưa có công cụ nào có thể đảm bảo được.
4. Những khó khăn khác
Ngoài những vấn đề đã nêu trên, việc giảng dạy trực tuyến còn có những khó khăn dễ nhận thấy khác như:
Thứ nhất, việc học trực tuyến dù trên nền tảng nào cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người học lẫn người dạy. Khi thực hiện giảng dạy trực tuyến, người dạy và người học sẽ phải ngồi trước thiết bị liên lạc (máy tính, điện thoại di động,…) trong thời gian khá dài, từ 4 đến 5 giờ. Có bằng chứng cho thấy rằng việc sử dụng thiết bị liên lạc một cách quá mức sẽ gây những vấn đề cho sức khỏe tâm thần của người sử dụng, ví dụ như trầm cảm, gây nghiện, giảm sự tự tin,…(Pantic, 2014)(1). Đó là chưa kể dến việc phải ngồi một thời gian dài trước thiết bị liên lạc có thể gây đến những vấn đề sức khỏe khác như béo phì, các bệnh về mắt, về tim mạch, v.v..
Thứ hai, là vấn đề gian lận. Theo nghiên cứu của Alshamrani (2019)(2), khả năng có gian lận thi cử trong một khóa học trực tuyến cao hơn so với tỷ lệ tương tự ở một khóa học thông thường. Arkorful và Abaidoo (2015)(3) cho rằng, do các bài kiểm tra đánh giá trong e-learning nói chung thường được giám sát bởi đại diện trung gian chứ không phải là những người có kinh nghiệm trong đào tạo và quản lý người học, việc kiểm soát những hành vi gian lận trong thi cử sẽ trở nên rất phức tạp và khó khăn. Ngoài ra, vấn đề đạo văn và lạm dụng phương pháp cắt dán trong các bài tập và luận văn cũng rất phổ biến với hình thức đào tạo này, một phần do tâm lý người học sẽ bị ỳ hơn so với học trên lớp do luôn luôn có khả năng truy cập dễ dàng đến các tài liệu có sẵn.
Tóm lại, từ những điểm đã nêu trên, có thể thấy, mặc dù là một hình thức rất hứa hẹn với nhiều ưu điểm đáng kể, trong tương lai gần, dạy học trực tuyến vẫn sẽ chỉ là một giải pháp tình huống để thay thế tạm thời cho giảng dạy trực tiếp trên lớp. Có nhiều nhược điểm khiến cho việc hoàn toàn thay thế giảng dạy trực tiếp bằng giảng dạy trực tuyến ở thời điểm hiện tại tại Việt Nam là rất khó khăn nếu không muốn nói là không thể. Tuy nhiên, trong tương lai, với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng đến việc sử dụng giáo dục trực tuyến như một hình thức chính trong hoạt động giáo dục và đào tạo./.
________________________________________
(1) Pantic, I. (2014), “Online Social Networking and Mental Health”. Cyberpsychology, Behavior, And and Social Networking, 17(10), tr. 652-657. DOI: 10.1089/cyber.2014.0070.
(2) Alshamrani, M. S. (2019), An Investigation of the Advantages and Disadvantages of Online Education, School of Engineering, Computer and Mathematical Sciences, Auckland University of Technology.
(3) Arkorful, V. và Abaidoo, N. (2015), “The role of e-learning, advantages and disadvantages of its adoption in higher education”. International Journal of Instructional Technology and Distance Learning, January 2015, 12 (1), tr. 34.
Bình luận