Phản ứng của Trung Quốc đối với chính sách hành động hướng đông của Ấn Độ
1. Nhận diện quan điểm của Trung Quốc đối với Chính sách Hành động hướng Đông (AEP)
Từ khi Ấn Độ điều chỉnh chính sách hướng Đông (LEP) thành AEP (năm 2014) đến nay, chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra thông báo chính thức nào đối với AEP. Tuy nhiên, giới học giả Trung Quốc lại đánh giá và đưa ra quan điểm rất rõ ràng về AEP. Ở Trung Quốc, có sự tương đối đồng nhất trong quan điểm chính sách, chính sách đối ngoại giữa giới học giả và chính phủ, do đó đây cũng là cơ sở quan trọng để đánh giá quan điểm của Trung Quốc đối với AEP.
Thứ nhất, về mục tiêu của AEP
Trong quan điểm của giới học giả Trung Quốc, mục tiêu chính sách của AEP hoàn toàn khác với các mục tiêu mà Chính phủ Ấn Độ tuyên bố. Theo đó, Trung Quốc cho rằng, mục tiêu chính của Ấn Độ thông qua AEP tập trung vào hai hướng chính: (i) nâng cao vị thế của Ấn Độ như một cường quốc khu vực và (ii) đóng vai trò là đối trọng trước ảnh hưởng chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc, tạo đòn bẩy để can thiệp vào Biển Đông, làm giảm vai trò trung tâm của ASEAN và phản đối các dự án kết nối của Trung Quốc(1)
Bên cạnh đó, với việc nhìn nhận chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ là sự mở rộng của AEP, do đó, Trung Quốc coi AEP là một nỗ lực nhằm hình thành các liên minh không chính thức để ngăn chặn Trung Quốc(2). Điều này khiến Trung Quốc tin rằng sự mở rộng AEP thông qua chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ có mục tiêu quan trọng nhất là biến Ấn Độ thành “cường quốc”, thông qua thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế và quốc phòng chặt chẽ với ASEAN và xây dựng “Hành lang kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” bởi QUAD(3).
Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng cho rằng việc Ấn Độ đang ngày càng lồng ghép và đồng bộ AEP với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ khiến quốc gia này phụ thuộc vào chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ(4), từ đó khiến AEP không đạt được các mục tiêu trọng tâm trong quan hệ với ASEAN và làm loãng quan hệ song phương với các quốc gia Đông Nam Á.
Thứ hai, về bản chất của AEP
Theo giới học giả Trung Quốc, AEP chính là biểu hiện của việc “mở rộng về phía Đông” của Ấn Độ, trong đó Trung Quốc ngày càng chiếm vị thế nổi bật(5). Hay nói cách khác “sự chuyển động về phía Đông” của Ấn Độ được thể hiện bằng sự sẵn sàng hợp tác với Mỹ để đối trọng và cân bằng, thậm chí là kiềm chế Trung Quốc. Do đó, AEP được xem là một chiến lược “hai mặt” của New Delhi.
Một mặt, khi nhằm vào Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã thực hiện “chiến lược đa liên kết” để hình thành liên kết chùm thông qua AEP nhằm thúc đẩy các liên minh khu vực có cùng chí hướng, mặt khác Ấn Độ cũng tuyên bố không xác lập các quan hệ đồng minh theo ý nghĩa truyền thống nhằm “trấn an” Trung Quốc rằng các động thái của Ấn Độ là vì lợi ích quốc gia chứ không phải để kiềm chế, đối trọng hay chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thông qua AEP, một chiến lược đối trọng với Trung Quốc thông qua sự mở rộng không gian và đối tác về phía Đông” của Ấn Độ đang ngày càng trở nên rõ nét(6).
Thứ ba, về quá trình triển khai và điều chỉnh phạm vi chiến lược của AEP
Học giả Trung Quốc cho rằng, Chính sách hướng Đông (LEP) và hiện nay là AEP của Ấn Độ là “chính sách hướng về phía Đông ba giai đoạn”. Theo đó, sự triển khai chiến lược hướng Đông của Ấn Độ diễn ra ở ba giai đoạn, cụ thể: (i) giai đoạn 1 (1992 -2002): là giai đoạn bố trí chiến lược, (ii) giai đoạn 2 (2002 -2013): mở rộng chiến lược và (iii) giai đoạn 3 (từ năm 2013 đến nay): thúc đẩy đối tác chiến lược với Mỹ, Nhật Bản và Australia. Trong đó, giai đoạn ba của AEP gắn với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ, hay nói cách khác, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chính là sự mở rộng về phạm vi hoạt động và đối tác của AEP(7).
Để triển khai Chiến lược hướng Đông ba giai đoạn này, theo quan điểm của Trung Quốc, Ấn Độ đang nỗ lực tiến về phía Đông cả về từ kinh tế, chính trị và dần dần mở rộng sang khía cạnh an ninh để đối phó với Trung Quốc. Đặc biệt, giai đoạn ba là giai đoạn mà Trung Quốc thấy rằng AEP của Ấn Độ “có vấn đề” và đã phản ứng gay gắt. Giai đoạn thứ ba tương ứng với sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi ở Ấn Độ, là thời điểm chứng kiến sự bất cân bằng quan hệ Ấn - Trung do sự chuyển dịch quyền lực có lợi cho Trung Quốc và mối quan hệ căng thẳng liên quan đến xung đột biên giới giữa hai nước ở Doklam và Galwan(8).
Trong giai đoạn ba, Ấn Độ đã hình thành một “vòng cung chiến lược” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua QUAD và các sáng kiến như “An ninh và Tăng trưởng cho tất cả trong khu vực” (SAGAR), BIMSTEC nhằm “bao vây” đa hướng Trung Quốc. Như vậy, với việc mở rộng phạm vi và đối tác trong khuôn khổ AEP thông qua chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Ấn Độ đang nỗ lực tạo ra một liên minh không chính thức nhưng cùng chí hướng để kiềm chế Trung Quốc(9).
Thứ tư, về khả năng thành công khi triển khai AEP
Trung Quốc cho rằng “Ấn Độ vẫn còn tương đối yếu về mặt sức mạnh kinh tế và chính trị” nên tham vọng địa chính trị của Ấn Độ ở một mức độ nào đó đã bị kiểm soát bởi sự cạnh tranh với Pakistan và Trung Quốc. Hay nói cách khác, việc phải đối phó đồng thời với thách thức “hai mặt trận”(10) đến từ Trung Quốc và Pakistan khiến tham vọng mở rộng về phía Đông của Ấn Độ bị hạn chế.
Các học giả Trung Quốc lập luận rằng do “năng lực tài chính hạn chế” và “thủ tục pháp lý phức tạp của một quốc gia theo thể chế liên bang” nên các dự án như Đường cao tốc ba bên Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan, dự án Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ và Nepal (BBIN), Chương trình Mausam, SAGAR, BIMSTEC, Dự án Vận tải quá cảnh đa phương thức Kaladan của Ấn Độ với các quốc gia Đông Nam Á trong khuôn khổ AEP đều bị chậm tiến độ.
Điều này phản ánh sự hạn chế về thể chế và tài chính của Ấn Độ khi can dự về phía Đông thông qua AEP. Thậm chí việc Ấn Độ không tham gia RCEP đã cho thấy sự “tự rút lui về ảnh hưởng kinh tế” ở khu vực phía Đông của Ấn Độ(11). Mặc dù giá trị thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN có những kết quả nhất định, tuy nhiên, nếu so với giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN trong giai đoạn hiện nay thì con số đó vẫn còn khá khiêm tốn, nên các tham vọng mở rộng ảnh hưởng về phía Đông của Ấn Độ thông qua AEP ở một mức độ nào đó bị hạn chế bởi ưu thế vượt trội về sức mạnh kinh tế và tài chính của Trung Quốc.
Thứ năm, về tác động của AEP đối với Trung Quốc và quan hệ Ấn - Trung
(i) Theo quan điểm của các học giả Trung Quốc, mặc dù Ấn Độ nhấn mạnh về việc theo đuổi nguyên tắc “tự chủ chiến lược” nhưng các động thái của Ấn Độ thông qua AEP khiến Trung Quốc không thể phớt lờ về khả năng Ấn Độ thành lập liên minh không chính thức ở phía Đông để đối phó với Trung Quốc. Những động thái này của Ấn Độ rõ ràng đang phần nào cản trở sự triển khai chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh cũng như hiệu quả của các dự án trong BRI.
Trong những năm gần đây, việc Ấn Độ thúc đẩy chiến lược “quan hệ thuần kinh tế” với Trung Quốc, nghĩa là tách bạch quan hệ kinh tế khỏi mối quan hệ tổng thể chung của hai nước vốn có nhiều hạn chế, cũng như sự đối đầu giữa hai nước ở khu vực biên giới đã khiến mức độ tin cậy chính trị giữa hai nước vốn rất thấp, thì nay càng tụt giảm. Như vậy, việc triển khai AEP của Ấn Độ mặc dù không rõ nét nhưng có tác động tiêu cực đến các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, khi đó Ấn Độ có thể lợi dụng tình hình để tiếp tục tạo áp lực nhiều hướng đối với Bắc Kinh thông qua các quan hệ đối tác của mình(12).
(ii) Trong quá trình “tiến về phía Đông” trong khuôn khổ AEP, Ấn Độ nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, Nhật Bản, Australia cũng như các quốc gia Đông Nam Á. Điều này đẩy Trung Quốc vào thế bị kiềm tỏa bởi liên minh không chính thức của các quốc gia này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng quan ngại rằng, khi Ấn Độ có “chỗ dựa” là liên minh với Mỹ, Nhật Bản và Australia (thông qua QUAD), nước này có thể triển khai chính sách quyết đoán và có “tính khiêu khích” ở khu vực biên giới Trung - Ấn. Thậm chí, đối với Trung Quốc, việc Ấn Độ ngày càng thể hiện quan điểm và sự can dự ngày càng rõ ràng trong vấn đề Đài Loan và Biển Đông, đã cho thấy Ấn Độ đã bước lên “lằn ranh đỏ” trong quan hệ với Trung Quốc. Khi đó AEP thể trở thành điểm tối trong quan hệ Ấn - Trung.
(iii) Mặc dù Trung Quốc tin rằng thách thức chiến lược chính mà nước này phải đối phó là Mỹ chứ không phải Ấn Độ. Nhưng các học giả Trung Quốc cho rằng, việc triển khai AEP của Ấn Độ cũng như logic chiến lược “tiến về phía Đông” của Ấn Độ cho thấy Ấn Độ không muốn trỗi dậy đồng thời với Trung Quốc mà muốn ngăn chặn quá trình lịch sử trỗi dậy của Trung Quốc, sau đó thay thế vị thế của Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới(13). Đặc biệt, việc Ấn Độ đề xuất mô hình toàn cầu hóa “phi tập trung”, khái niệm toàn cầu hóa “hướng tới con người” và xây dựng chuỗi cung ứng công nghiệp mới, nhưng lại cố gắng loại trừ Trung Quốc khỏi các chiến lược này, cho thấy logic chiến lược thực sự của chiến lược “hướng Đông” của Ấn Độ thông qua AEP là sự vươn vòi ảnh hưởng về chính trị và an ninh. Vì vậy, trong tương lai, Trung Quốc không chỉ phải đối mặt với áp lực địa chính trị ở phía Đông mà ở phía Tây Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng đối đầu cùng lúc với Mỹ và Ấn Độ. Điều này rõ ràng đã gây áp lực lớn lên an ninh địa chính trị của Trung Quốc.
(iv) Ở khía cạnh tích cực, giới học giả Trung Quốc cũng cho rằng, việc Ấn Độ đẩy mạnh AEP ở Đông Nam Á và Đông Á cũng mở ra cơ hội hợp tác cho Ấn Độ và Trung Quốc trên cơ sở tận dụng các diễn đàn ASEAN, cụ thể là “ASEAN+8”. Hiện nay, Trung Quốc và Ấn Độ đã hợp tác theo một số cơ chế như Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+, Hội nghị cấp cao Đông Á và Diễn đàn Hàng hải ASEAN+. Theo đó, thông qua các cơ chế hợp tác đa phương, giúp Trung Quốc và Ấn Độ thúc đẩy quan hệ song phương và tăng cường lòng tin giữa hai nước. Đây là sự bổ sung quan trọng cho quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ.
Tóm lại, trong quan điểm của các học giả Trung Quốc, chiến lược tiến về phía Đông của Ấn Độ có tác động không nhiều đến quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, nhưng không thể đánh giá thấp các tác động tiềm ẩn trong dài hạn. Do đó, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn còn dư địa đáng kể để hợp tác ở Đông Nam Á trên cơ sở coi trọng và tận dụng nền tảng ASEAN.
2. Phản ứng của Trung Quốc đối với AEP
Hiện nay, phần lớn giới học giả Trung Quốc đều tương đối đồng nhất trong quan điểm cho rằng, đối với Trung Quốc, cần khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại với ASEAN, phát huy vai trò "nền tảng" của kinh tế, tích cực thúc đẩy đối thoại và giải quyết thỏa đáng vấn đề Biển Đông, tăng cường sự đồng thuận và tin cậy chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ, cải thiện quan hệ Trung - Mỹ, để đối phó với ảnh hưởng từ AEP của Ấn Độ(14).
Phản đối và phòng ngừa rủi ro đối với sự mở rộng phạm vi địa lý, lĩnh vực hợp tác và đối tác trong khuôn khổ AEP
Trước hết, để loại bỏ ảnh hưởng của Ấn Độ ở khu vực này, Trung Quốc thường đề cao vai trò của cơ chế ASEAN +3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) nhằm định hình khu vực thành một cộng đồng kinh tế lấy Trung Quốc làm trung tâm, từ đó loại trừ vòng ảnh hưởng của Mỹ và Ấn Độ trong khu vực này.
Mặt khác, trong quan điểm của Trung Quốc, phạm vi hoạt AEP của Ấn Độ đã mở rộng, không chỉ giới hạn ở ASEAN mà còn bao gồm toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này đã “tạo cơ hội cho Ấn Độ can thiệp vào các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương; hoạt động như một “chủ thể cân bằng” (平衡者); tham gia vào vòng cung “cân bằng chiến lược” Trung Quốc thông qua QUAD, từ đó làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương(15). Do đó, Trung Quốc đã lên án chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và các quốc gia đối tác (trong đó có Ấn Độ).
Trung Quốc cho rằng, việc mở rộng phạm vi hoạt động của AEP sang toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như chính sách đa liên kết của Ấn Độ ở khu vực này là động thái “thách thức” đối với Trung Quốc. Đồng thời, các học giả Trung Quốc cũng thừa nhận, hiện nay Mỹ xem Ấn Độ là “đối tác chiến lược tự nhiên”, “chủ thể cung cấp an ninh ròng ở khu vực Nam Á”, “thành trì dân chủ” ở Ấn Độ Dương và là “đối trọng chiến lược” với Trung Quốc.
Điều này đối với Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến “sự bất cân xứng về nhận thức” giữa Trung Quốc và Ấn Độ, là nguyên nhân khiến quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc phát triển theo chiều hướng tiêu cực(16). Từ quan điểm này, Trung Quốc cho rằng AEP của Ấn Độ đang “thông đồng” với chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương của Mỹ nhằm thiết lập mạng lưới các liên minh và đối tác với Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” để cân bằng chiến lược và đối trọng với Trung Quốc(17).
Hơn nữa, Trung Quốc tin rằng AEP của Ấn Độ “sẽ cho phép Ấn Độ can thiệp vào vấn đề Biển Đông". Do đó, như một phản ứng chính sách và chiến lược của một nước lớn, Trung Quốc phản đối các động thái này của Ấn Độ, từ đó triển khai chính sách phòng ngừa rủi ro với Ấn Độ.
Duy trì quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh thông qua đẩy mạnh triển khai chiến lược toàn cầu và mời Ấn Độ tham gia BRI
Thông qua BRI với hai thành phần chính là “Con đường tơ lụa mới trên bộ” và “Con đường tơ lụa trên biển”, Trung Quốc đang triển khai đa mặt trận, đa công cụ để ứng phó với sự mở rộng AEP của Ấn Độ. Từ khi bắt đầu triển khai các dự án BRI, Trung Quốc đã có động thái mời Ấn Độ tham gia BRI và khẳng định Ấn Độ là một cầu nối quan trọng trong việc giúp BRI kết nối châu Âu và châu Á(18), nhưng Ấn Độ đã từ chối tham gia dự án này.
Như vậy, bên cạnh đặt Ấn Độ trong tổng thể mối quan hệ nước lớn, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, trong đó yếu tố cạnh tranh và đối trọng là xu thế chính thì Trung Quốc còn tăng cường triển khai sức mạnh kinh tế để lôi kéo các quốc gia ở Đông Nam Á nhằm phân tán ảnh hưởng của Ấn Độ và hạn chế việc Ấn Độ hình thành cơ chế an ninh không chính thức với các quốc gia QUAD để kiềm chế Trung Quốc.
Nhấn mạnh đến khía cạnh hợp tác trong quan hệ hai nước, một số nhà phân tích Trung Quốc cũng cho rằng, AEP của Ấn Độ và BRI của Trung Quốc có thể tích hợp với nhau thông qua mở rộng hợp tác kinh tế. Vì vậy, Trung Quốc không muốn Ấn Độ nhất quán theo đuổi AEP chỉ thuần ở khía cạnh cạnh tranh hay cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực. Thậm chí, ở khía cạnh tích cực, Trung Quốc còn cho rằng, với sự chia sẻ về tầm nhìn về trật tự thế giới đa cực, thì việc Ấn Độ tích cực hội nhập với ASEAN cũng được xem như một nỗ lực định hình “trật tự khu vực đa cực” và khẳng định sự trỗi dậy của thế kỷ châu Á, trong đó Ấn Độ và Trung Quốc là hai nhân tố tuyến đầu và trung tâm.
Chính sự tương đồng về trật tự đa cực và chủ nghĩa đa phương” là khía cạnh Trung Quốc nhìn thấy cơ hội lôi kéo Ấn Độ tham gia vào các cơ chế như BRICS, Tổ chức hợp tác Thương Hải (SCO) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB). Điều này cũng góp phần giúp Trung Quốc giải quyết được nguy cơ rủi ro về “một Ấn Độ mới nổi trở thành “đối thủ cạnh tranh mạnh của Trung Quốc” ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và việc Ấn Độ có thể trở thành lực cản trong việc phát triển quan hệ Trung Quốc - ASEAN trong tương lai bằng cách tham gia các cơ chế khác do Mỹ và phương Tây lãnh đạo(19) như QUAD và quan hệ đối tác an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS).
Tận dụng lợi thế và ưu thế vượt trội về kinh tế để đẩy lùi các ảnh hưởng chính trị và văn hóa của Ấn Độ ở Đông Nam Á
Theo quan điểm của học giả Trung Quốc, Bắc Kinh bắt buộc phải phản ứng với AEP của Ấn Độ là bởi AEP đã góp phần thắt chặt quan hệ của Ấn Độ với Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia ASEAN, làm giảm ảnh hưởng, vai trò của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở khía cạnh an ninh hàng hải. Do đó, Trung Quốc cần hành động để giảm thiểu sự lan rộng ảnh hưởng của Ấn Độ thông qua AEP(20).
Đông Nam Á được xem là địa bàn chiến lược và ASEAN có vị trí cốt lõi trong triển khai AEP của Ấn Độ. Từ khi triển khai đến nay, thông qua AEP, Ấn Độ đã thực sự hội nhập về chính trị, kinh tế và từng bước mở rộng sang khía cạnh an ninh với khu vực này, có tiềm năng trở trở thành lực cản trong phát triển quan hệ Trung Quốc - ASEAN trong tương lai.
Từ nhận thức đó, thông qua triển khai chính sách ngoại giao láng giềng chủ động với các quốc gia Đông Nam Á, mục tiêu của Trung Quốc là chuyển đổi các khu vực lân cận, láng giềng thành “cộng đồng chung vận mệnh”. Theo đó,Trung Quốc đang đồng thời triển khai hai chiến lược: sử dụng công cụ kinh tế để cạnh tranh với các nước lớn (trong đó có Ấn Độ) nhằm kéo khu vực này đến gần mình hơn về mặt kinh tế thông qua BRI, đồng thời tìm cách củng cố quyền kiểm soát đối với các yêu sách lãnh thổ đang tranh chấp ở Biển Đông và xem đây một địa bàn thử nghiệm vai trò “cường quốc” cũng là một điển hình cho sự răn đe đối với các quốc gia láng giềng (trong đó có Ấn Độ) đang có tranh chấp lãnh thổ, biên giới với Trung Quốc(21).
Do đó, để kéo Đông Nam Á khỏi vòng ảnh hưởng của các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ hay Ấn Độ, Trung Quốc thông qua công cụ kinh tế đã đẩy mạnh sự hội nhập với các nước Đông Nam Á vào một mạng lưới quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa và an ninh lấy Trung Quốc làm trung tâm.
Trên cơ sở tận dụng ưu thế về sức mạnh và tài chính để đẩy lùi ảnh hưởng của các dự án kết nối, đầu tư, thương mại của Ấn Độ với các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc đã triển khai đồng bộ các các dự án ở Đông Nam Á bao gồm các đập thủy điện, đường ống dẫn dầu và khí đốt, và đường sắt mở rộng nhằm kết nối Thành phố Côn Minh phía Tây Nam với Lào, Thái Lan, Singapore qua Malaysia(22). Ngoài ra, Trung Quốc đang phát triển các sáng kiến tiểu vùng mới, chẳng hạn như cơ chế Hợp tác Lancang - Mekong (LMC), theo đó Bắc Kinh đã dành hơn 22 tỷ USD theo cơ chế hỗ trợ các dự án tập trung vào kết nối công nghệ và phát triển công nghiệp cũng như thương mại, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.
Tận dụng ưu thế về sức mạnh kinh tế, Trung Quốc đã tăng cường hệ số quyền lực cho các quốc gia Đông Nam Á thông qua các quỹ tài chính và dự án đầu tư. Từ năm 2009, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, với sự hợp tác đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Trên cơ sở các hiệp định mang tính bước ngoặt như Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã thúc đẩy tăng trưởng thương mại thông qua cắt giảm thuế quan và liên kết chuỗi cung ứng chặt chẽ hơn giữa ASEAN và Trung Quốc. Đến năm 2022, khối lượng thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 722 tỷ USD, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 14 năm liên tiếp(23).
Năm 2023, tổng đầu tư của Trung Quốc đạt gần 20 tỷ USD trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tăng 37% so với năm 2022, trong đó, khoảng 50% đầu tư khu vực của Trung Quốc đổ vào Đông Nam Á, tăng 27% so với năm trước 2022 và Indonesia là quốc gia nhận được vốn đầu tư nhiều nhất với khoảng 7,3 tỷ USD vào năm 2023(24). Một điều dễ thấy trong dòng đầu tư của Trung Quốc những năm gần đây là tập trung vào các quốc gia tham gia BRI. Ngoài ra, đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN đã tăng mạnh vào năm 2022 lên 15,4 tỷ USD, tăng rõ rệt so với mức 9 tỷ USD đầu tư vào năm 2019 trước đại dịch Covdi 19.
ASEAN chủ yếu nhập siêu từ Trung Quốc, thậm chí ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về đầu vào sản xuất trong khi xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, một số mặt hàng điện tử và nông sản(25). Các dự án, chiến lược này của Trung Quốc đã đạt được kết quả khả quan khi Trung Quốc là một trong những đối tác đối thoại đầu tiên nâng cấp lên Đối tác Toàn diện với ASEAN vào năm 2021, một minh chứng cho mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc - ASEAN cũng như phản ánh được vị thế của nước này ở Đông Nam Á trong so sánh với Trung Quốc.
Như vậy, việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược của Trung Quốc với ASEAN không những trấn an đối với các quốc gia Đông Nam Á về sự trỗi dậy của Trung Quốc biến quốc gia này từ “mối đe dọa” thành “đối tác chiến lược”, mà còn là sự định vị vị trí của Trung Quốc ở Đông Nam Á cũng như tạo bệ phóng để quốc gia này có ưu thế chiến lược trong cạnh tranh với các đối thủ khác trong khu vực, điển hình là Ấn Độ. Do đó, Trung Quốc trở thành thách thức lớn nhất trong hiệu quả triển khai AEP của Ấn Độ.
Phân tán sự triển khai AEP thông qua cạnh tranh chiến lược với Ấn Độ ở Nam Á/Ấn Độ Dương
Để phân tán sự tập trung của Ấn Độ vào việc triển khai và đạt được hiệu quả của AEP, trên nguyên tắc vận dụng đa công cụ ở đa lĩnh vực và ở nhiều địa bàn triển khai, Trung Quốc triển khai các biện pháp cạnh tranh trực diện và chiến lược với Ấn Độ ở Nam Á.
Pakistan là con bài được quốc gia này sử dụng nhằm tạo “thách thức hai mặt trận” đối với Ấn Độ. Trong đó, Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) - một trong các dự án trọng điểm thuộc BRI - đang được Trung Quốc và Pakistan nỗ lực triển khai được xem là một thách thức trực tiếp đối với Ấn Độ. Mặt khác, việc Trung Quốc công khai ủng hộ Pakistan trong vấn đề lãnh thổ với Ấn Độ cũng cho thấy những bước đi tính toán chiến lược nhằm khiến Ấn Độ “phải bận rộn” với các công việc ở Nam Á để “không rảnh tay” mở rộng AEP ở Đông Á và Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh phát triển chính sách “ngoại giao cơ sở hạ tầng”, “ngoại giao kinh tế”, “ngoại giao văn hóa” ở Nam Á với tuyên bố nhằm tạo ra một môi trường hợp tác cùng có lợi, kéo các nước Nam Á về phía mình, cạnh tranh với vị trí “số một” tại khu vực Nam Á với Ấn Độ. Thông qua chiến lược “quyền lực mềm, đồng tiền mạnh”. Trong giai đoạn 2013 - 2023, thương mại của Trung Quốc với các nước Nam Á đã tăng gấp đôi, với mức tăng trưởng hàng năm là 8,3%. Khoản đầu tư tích lũy của Trung Quốc trong khu vực là 15 tỷ USD(26).
Các dự án đầu tư ồ ạt của Trung Quốc tại các quốc gia Nam Á như Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Maldives, Nepal,… là ví dụ điển hình cho mục tiêu gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Á. Điển hình là hành lang kinh tế CPEC, cảng Colombo (Sri Lanka) và cảng Gwadar (Pakistan)...
Một điều đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc xây dựng ở Nam Á hầu hết nằm ở các vị trí chiến lược bên ngoài biên giới Ấn Độ và theo đó, sẽ có khả năng hoạt động như là các căn cứ hải quân tại các vị trí chiến lược then chốt(27). Điều này mang đến cho Ấn Độ những lo ngại về an ninh. Hiện nay, các cảng biển mà Trung Quốc đang xây dựng và được quyền sử dụng tại Bangladesh, Sri Lanka và Pakistan có thể là một phần của “Chuỗi ngọc trai”, nơi mà Ấn Độ lo ngại đây sẽ là bàn đạp để hải quân Trung Quốc “kiềm tỏa” Ấn Độ từ biển.
Ở khía cạnh hội nhập khu vực, Trung Quốc cũng tích cực tham gia với tư cách là quan sát viên của 3 thể chế khu vực quan trọng nhất ở Nam Á như: Trung Quốc là quan sát viên của Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (với 23 quốc gia thành viên và 11 đối tác đối thoại), Hội nghị chuyên đề Hải quân Ấn Độ Dương (IONS) gồm 25 quốc gia và Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC).
Ngoài ra, kể từ khi triển khai BRI, Trung Quốc đã nỗ lực để kết nối với khu vực Nam Á thông qua thành lập các cơ chế hợp tác đa phương với các quốc gia Nam Á mà không có sự tham gia của Ấn Độ, điển hình là Diễn đàn Trung Quốc - Ấn Độ Dương với trọng tâm là thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Đây là một trong những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thiết lập các diễn đàn song song nhằm thách thức vị thế số một của Ấn Độ ở khu vực này.
3. Liên hệ đến Việt Nam
Thứ nhất, khác với Trung Quốc, với tư cách là “trụ cột trong AEP”, Việt Nam luôn khẳng định “ủng hộ”(28) và “ủng hộ mạnh mẽ”(29) AEP của Ấn Độ. Sự nhất quán, xuyên suốt trong quan điểm của Việt Nam đối với AEP cũng được thể hiện rất rõ ràng trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ từ ngày 30/7-1/8/2024 của Thủ tướng Phạm Minh Chính - chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Ấn Độ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (2016).
Theo đó, trong chuyên thăm này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã một lần nữa tái khẳng định và nhấn mạnh rằng “ủng hộ mạnh mẽ chính sách hướng Đông của Ấn Độ và ủng hộ vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ trong các thể chế hợp tác quan trọng ở khu vực và toàn cầu”(30). Điều này cho thấy sự khác biệt trong quan điểm của Việt Nam và Trung Quốc đối với AEP của Ấn Độ. Theo đó, nếu quan hệ Ấn - Trung có những mâu thuẫn kết cấu liên quan đến vấn đề lãnh thổ và cạnh tranh chiến lược, thì quan hệ Việt - Ấn là cặp quan hệ quan hệ phản ánh sự tin cậy chính trị, sự tương đồng về lợi ích chiến lược.
Thứ hai, khác với Trung Quốc, sự triển khai AEP của Ấn Độ ở Đông Nam Á nói riêng cũng như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung có những tác động thuận chiều cho Việt Nam. Hiện nay, hợp tác chính trị - ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, giao lưu văn hóa, nhân dân được xem là những trụ cột của quan hệ Việt - Ấn trong khuôn khổ AEP của Ấn Độ. Hiện nay, quan điểm của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông cũng có tác động thuận chiều cho Việt Nam.
Theo đó, tháng 10/2014 tại Myanmar, Thủ thướng N. Modi đã kêu gọi ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông trên cơ sở đồng thuận. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN (tháng 9/2017), Ấn Độ tuyên bố: “ủng hộ tự do hàng hải và tiếp cận các nguồn lực ở Biển Đông trong khung khổ phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm cả Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp Quốc”. Do đó, với tư cách là Đối tác chiến lược toàn diện diện của Việt Nam, quan điểm, cách tiếp cận và ứng xử của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam cũng như quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Ấn.
Thứ ba, hiện nay, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều là Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Bên cạnh mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đang ngày càng phát triển sâu rộng và bền chặt, tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước và khu vực, thì Trung Quốc cũng là một láng giềng lớn, là một trong các đối tác quan trọng hiện nay của Việt Nam.
Do đó, mặc dù phản ứng của Trung Quốc đối với AEP ít nhiều tác động đến bối cảnh khu vực Đông Nam Á nhưng không tác động nhiều đến quan hệ Việt - Ấn. Trong bối cảnh này, “ngoại giao cây tre” của Việt Nam một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và cân bằng quan hệ với các nước lớn, rõ nhất là trong quan hệ với Ấn Độ và Trung Quốc.
Kết luận
Tóm lại, có thể khẳng định rằng quan điểm và phản ứng của Trung Quốc đối với AEP của Ấn Độ bị tác động bởi sự gần gũi về mặt địa lý, quan hệ đối tác kinh tế, nhận thức về mối đe dọa, yếu tố lịch sử và vấn đề biên giới. Thông qua AEP, ảnh hưởng của Ấn Độ đã được mở rộng đáng kể ở khu vực Đông Nam Á, Đông Á cả về khía cạnh sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Điều này rõ ràng là thách thức đối với các khu vực mà Trung Quốc xem là khu vực ảnh hưởng truyền thống của mình.
Theo đó, bên cạnh kêu gọi hợp tác với Ấn Độ ở các cơ chế đa phương, Trung Quốc đã sử dụng chiến lược cạnh tranh nhằm ngăn chặn sự lan rộng ảnh hưởng của Ấn Độ cũng như ngăn chặn việc mở rộng hợp tác giữa Ấn Độ với các nước trong khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trước tình hình này, Trung Quốc đã đẩy mạnh các biện pháp kiềm chế sự mở rộng ảnh hưởng của Ấn Độ thông qua AEP. Một đặc điểm có thể thấy là các chiến lược, biện pháp mà Trung Quốc triển khai nhằm kiềm chế Ấn Độ không phải là bộ chính sách riêng lẻ, mà được lồng ghép qua các sáng kiến, chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, điển hình là BRI./.
(*) Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp Bộ “Chính sách của Ấn Độ với các nước lớn trong chính sách Hành động hướng Đông”, do Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi là tổ chức chủ trì.
_____________________________________
(1) Vaishnavi Mulay (2017), India’s Act East Policy: But What About China?, https://blogs.lse.ac.uk/southasia /2017/11/27/indias-act-east-policy-but-what-about-china, truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2024.
(2) B.R. Deepak (2022), “Three decades of India’s Eastward engagement: China’s perceptions and responses”, Issue and Policy Briefs, Institute for Sercurity and Development Policy, No 1, p.1.
(3) Shi Xuewei (2019), “印度 “印太” 战略: 逻辑、目标与趋向” (“India's "Indo-Pacific" Strategy: Logic, Goals and Trends”. Pacific Journal 27(9) (2019), pp. 23-34.
(4) Ning Shengnan (2021), “印 太” 视 角 下 印 度 与 东 盟 关 系 研 究” (“India-ASEAN Relations from the "Indo-Pacific" Perspective”), “印 度 洋 经 济 体 研 究” (Indian Ocean Economic and Political Review), https://www.ciis.org.cn/ yjcg/xslw/202105/t20210510_7926.html, truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2024.
(5), (6), (12) Dương Tư Linh (2021), “Logic chiến lược và xu hướng phát triển của Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á 6. 杨 思 灵 (2021), “印 度“东进”的战略逻辑及其变迁”, 东 南 亚 研 究 6.
(7) Zhao Hong (2006), “India's changing relations with ASEAN: From China's perspective”, Journal of East Asian Affairs 20, pp. 141-170.
(8) B.R. Deepak (2023), “India’s Act East Policy: China’s Perception and Responses”, in India’s Relations with Neighboring South and South East Asian Countries, Lipi Ghosh, Anasua Basu Ray Chaudhury, Springer, Singapore, pp. 155-166.
(9) Wang Lina (2018), “An assessment of Modi government's “Indo-Pacific” strategy”, Journal of Contemporary Asia Pacific Studies, vol 3, pp. 90-114.
(10) B.R. Deepak (2022), “Three decades of India’s Eastward engagement: China’s perceptions and responses”, Issue and Policy Briefs, Institute for Sercurity and Development Policy, p.1.
(11) Shi Xuewei (2019). “India's "Indo-Pacific" Strategy: Logic, Goals and Trends”, Pacific Journal, Vol 27, pp. 23-34.
(13) Lạc Vĩnh Khôn (2019), “Ấn Độ Hành động hướng Đông ở Đông Nam Á: những bước phát triển mới, nguyên nhân và ảnh hưởng”, Tạp chí Hòa bình và Phát triển, số 4, tr.3-4. 骆 永 昆. 2019. 印 度 东 进 东 南. 新 进 展 4.
(14) Thẩm Tần Vũ (2023), “Tiến trình phát triển Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ, ảnh hưởng khu vực và phản ứng chiến lược của Trung Quốc”, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6, tr.76-87. 动 因及 影 响申沁雨 (2023), “印度"东进政策"的发展演变、区域影响与中国的应对策略”. 东 南 亚 纵横 6: 76-87.
(15) Li Li (2021) “India's Considerations and Limitations of Indo-Pacific Diplomacy”, China and International Relations, vol 2, pp.50-62.
(16), (19) Wang Yi (2021) “践 行 真 正 多 边 主 义 的 四 点 主 张” (“Four propositions on practicing true multilateralism”, Ministry of Foreign Affairs, https://www.fmprc.gov.cn/wjbzhd/202105/t202105079137265.shtml, truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2024.
(17) Zhao Hong (2006) “India's changing relations with ASEAN: From China's perspective”, Journal of East Asian Affairs, Vol 20, pp. 141-170.
(18) Timesofindia.in (2017), China wants India to be part of Belt and Road Initiative, http://timesofindia.indiatimes .com/articleshow/58299861.cms?utm_source=contentofinterest&utm_medium=text&utm_campaign=cppst, truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2024.
(20) Tien-sze Fang (2014), India‟s Act East Policy and Implications for China - India Relations, Taiwan: National Tsing Hua Univeristy.
(21) Jonathan Stromseth (2019), The Test ground: China’s rising influence in Southeast Asia and regional responses, Global China, https://archive.mecouncil.org/research/the-testing-ground-chinas-rising-influence-in-southeast-asia-and-regional-responses/index.html, truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2024.
(22) Mitsuru Obe, Marimi Kishimoto (2019), Why China is Determined to Connect Southeast Asia by Rail, Nikkei Asian Review, https://asia.nikkei.com/Spotlight/Cover-Story/Why-China-is-determined-toconnect-Southeast-Asia-by-rail, truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2024.
(23) Joanne Lin (2024), Commentary: Navigating China’s influence and expanding role in Southeast Asia, Chanel News Asia, https://www.channelnewsasia.com/commentary/china-asean-southeast-asia-influence-choose-sides-4242511, truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2024.
(24) Zhou Cissy (2024), Chinese investment in Asia rose 37% in 2023, led by Indonesia, Nikkei Asian Review, https://asia.nikkei.com/Spotlight/Belt-and-Road/Chinese-investment-in-Asia-rose-37-in-2023-led-by-Indonesia#:~:text=Around%2050%25%20of%20China's%20regional,taking%20in%20around%20%247.3%20billion, truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2024.
(25) Shay Wester (2023), Balancing Act: Assessing China’s Growing Economic Influence in ASEAN, Asia Society Policy Institute, https://asiasociety.org/policy-institute/balancing-act-assessing-chinas-growing-economic-influence-asean, truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2024.
(26) Smruti S Pattanaik (2023), China’s growing footprint in South Asia, https://kathmandupost.com/columns/ 2023/12/20/china-s-growing-footprint-in-south-asia, ngày truy cập 15 tháng 3 năm 2024.
(27) Garver (2011), “The Diplomacy of a Rising China in South Asia”, Foreign Policy Research Institute and the Reserve Officers Association vol 4, pp.392.
(28) Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (2019), Việt Nam ủng hộ chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ, https://dangcongsan.vn/thoi-su/viet-nam-ung-ho-chinh-sach-hanh-dong-huong-dong-cua-an-do-53591 2.html, ngày truy cập 15 tháng 3 năm 2024.
(29) Vov (2019). Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ chính sách "Hành động Hướng Đông" của Ấn Độ”, https://vov.vn/ chinh-tri/viet-nam-ung-ho-manh-me-chinh-sach-hanh-dong-huong-dong-cua-an-do-974839.vov, ngày truy cập 15 tháng 2 năm 2024.
(30) Báo Điện tử Chính phủ (2024), Từ lịch sử hướng tới tương lai, mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, https://baochinhphu.vn/tu-lich-su-huong-toi-tuong-lai-mo-ra-chuong-moi-trong-quan-he-viet-nam-an-do -102240802062544131.htm, ngày truy cập 15 tháng 3 năm 2024.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Xây dựng mô hình tự quản trong phương pháp quản lý lưu học sinh nước ngoài tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 9 trường đại học, học viện đào tạo báo chí, truyền thông của Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đại học Truyền thông Trung Quốc và tham gia các tọa đàm về đào tạo
- Chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam cho một tương lai hoà bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng và bền vững
- Quyết tâm gìn giữ, vun đắp quan hệ Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, liên tục phát triển
- Vai trò của phát ngôn đối ngoại đối với công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam
Xem nhiều
- 1 Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
- 2 Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- 3 Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 4 Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
- 5 Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- 6 Một số phương tiện truyền thông mới trên nền tảng web 3.0 hiện nay
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan điểm chỉ đạo được nhấn mạnh trong Nghị quyết (NQ) là: “…chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định…” (1). NQ này đã được các cơ quan liên quan, trong đó có các cơ quan báo chí quán triệt, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để “chuyển hóa những thách thức thành cơ hội”, nhất là với vùng đồng bằng sông Cửu Long, để phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng thì vai trò, trách nhiệm của báo chí cần được nhận thức đầy đủ, chủ động hơn.
Xây dựng mô hình tự quản trong phương pháp quản lý lưu học sinh nước ngoài tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Xây dựng mô hình tự quản trong phương pháp quản lý lưu học sinh nước ngoài tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và lý luận chính trị có uy tín trên cả nước. Bởi vậy, việc liên kết đào tạo về các lĩnh vực này không chỉ được thực hiện ở các đơn vị đào tạo trong nước mà còn được thực hiện cả ở sự liên kết đào tạo quốc tế. Hàng năm, Học viện đón tiếp một lượng lớn sinh viên quốc tế theo học ở các bậc cử nhân, cao học và nghiên cứu sinh. Do vậy, công tác quản lý sinh viên quốc tế là công tác quan trọng và có tính đặc thù. Công tác này để đạt hiệu quả tốt không chỉ thuộc về phương pháp và trách nhiệm của các đơn vị trong học viện mà còn phụ thuộc vào chính năng lực tự quản của các em. Tuy nhiên, để sự tự quản được thực hiện có chất lượng cần thực hiện trên nguyên tắc: Học viện định hướng – phòng Quản lý Ký túc xá xây dựng phương pháp và giám sát – lưu học sinh tự quản. Với nguyên tắc trên, phòng Quản lý ký túc xá đã thu được những thành công nhất định. Bài viết này trình bày những kinh nghiệm đã thu được trong qua trình xây dựng mô hình tự quản trong tập thể lưu học sinh nước ngoài tại học viện.
9 trường đại học, học viện đào tạo báo chí, truyền thông của Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đại học Truyền thông Trung Quốc và tham gia các tọa đàm về đào tạo
9 trường đại học, học viện đào tạo báo chí, truyền thông của Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đại học Truyền thông Trung Quốc và tham gia các tọa đàm về đào tạo
Từ ngày 24 đến 27/9/2024, 9 trường đại học, học viện đào tạo báo chí, truyền thông của Việt Nam đã đến thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đại học Truyền thông Trung Quốc và tham gia các tọa đàm về nghiên cứu học thuật, đào tạo, bồi dưỡng báo chí, truyền thông.
Chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam cho một tương lai hoà bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng và bền vững
Chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam cho một tương lai hoà bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng và bền vững
Ngày 24/9 theo giờ địa phương, tại Trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Hoa Kỳ, đã diễn ra lễ khai mạc Phiên Thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khoá 79. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Phiên Thảo luận.
Quyết tâm gìn giữ, vun đắp quan hệ Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, liên tục phát triển
Quyết tâm gìn giữ, vun đắp quan hệ Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, liên tục phát triển
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoong-lun Xỉ-xu-lít khẳng định quan hệ Việt Nam - Lào là tài sản chung vô giá của hai dân tộc, là tất yếu khách quan và là nguồn sức mạnh to lớn nhất của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, cần tiếp tục phát huy, giữ gìn và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.
Bình luận