Tác động của chuyển đổi năng lượng tái tạo trong quan hệ quốc tế và những vấn đề đặt ra hiện nay
1. Trong hai thế kỷ qua, sự tập trung địa lý của dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá đã góp phần vào việc định hình bối cảnh địa chính trị quốc tế
Than đá và sức mạnh hơi nước đã thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp và định hình địa chính trị vào thế kỷ XIX. Đến thế kỷ XX, việc kiểm soát dầu mỏ là đặc điểm chính của quyền lực chính trị. Sự lo ngại, thậm chí là sợ hãi về lệnh cấm vận dầu mỏ hoặc tình trạng thiếu khí đốt đã thúc đẩy sự hình thành các liên minh hoặc bắt đầu các cuộc chiến tranh và việc tiếp cận, kiểm soát, khai thác các mỏ dầu đã mang lại sự giàu có cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Thực tế cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng đến việc định vị một quốc gia trong hệ thống quốc tế gồm GDP, dân số, quy mô đất đai, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa chiến lược, sức mạnh cứng (quân sự) và “quyền lực mềm”. Việc có quyền kiểm soát và khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng và thị trường quan trọng trên thế giới sẽ giúp các quốc gia bảo vệ các lợi ích quốc gia - dân tộc và gây ảnh hưởng kinh tế - chính trị ở nước ngoài. Các quốc gia không có lợi thế và khả năng đó sẽ ít cơ hội, đòn bẩy hơn, thậm chí là dễ bị tổn thương hơn.
Theo thống kê của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), do tác động của đại dịch Covid-19, năm 2020, nhu cầu năng lượng sơ cấp giảm gần 4%, lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng toàn cầu giảm 5,8%; mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch như dầu giảm 8,6%, than giảm 4%; trong khi năng lượng tái tạo và xe điện hầu như không bị ảnh hưởng; nhiên liệu và công nghệ cácbon thấp, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió đạt tỷ trọng tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay trong hỗn hợp năng lượng toàn cầu (tăng hơn 1%).
Một số xu hướng chính phát triển năng lượng hiện nay như: dịch chuyển dần từ dầu mỏ sang khí; tăng cường tích hợp lọc - hóa dầu; phát triển năng lượng tái tạo; sự phát triển của nền kinh tế methanol, nền kinh tế hydro; chuyển hóa CO2(1); tiết kiệm năng lượng... Trong đó, khí tự nhiên đóng vai trò là bước trung gian cho quá trình chuyển đổi này. Nhiều tập đoàn dầu khí trên thế giới đã định hướng chuyển đổi từ mô hình tập đoàn dầu khí thành tập đoàn năng lượng để thích ứng với xu thế và yêu cầu chuyển dịch năng lượng.
Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo được xem là xu hướng tất yếu hiện nay, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, cũng như giảm sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch. Cuộc chiến Nga - Ucraina gần đây là nhân tố thúc đẩy các nước châu Âu đẩy nhanh việc ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.
Thế giới đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng, trong đó sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn “năng lượng xanh” được xem là điểm sáng nổi bật. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo cũng đã và đang có những tác động sâu rộng và đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết trong trong quan hệ quốc tế.
2. Tác động của chuyển đổi năng lượng tái tạo
Về chính trị:
Một là, sự chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo đang được đánh giá là có thể tạo ra sự thay đổi quyền lực toàn cầu, thậm chí có khả năng dẫn đến việc vẽ lại bản đồ chính trị trong thế kỷ XXI(2). Bên cạnh đó, chuyển đổi năng lượng tái tạo cũng sẽ tạo ra các tác động địa chính trị bằng cách giảm thiểu những tác động tiêu cực theo cấp số nhân của biến đổi khí hậu, giúp cải tổ quyền lực chính trị và kinh tế, do năng lượng tái tạo có xu hướng phi tập trung hóa và dân chủ hóa các hệ thống năng lượng. Vai trò của nhà nước tập trung trong hệ thống năng lượng có thể thay đổi, trong khi nhiều tác nhân mới và mô hình kinh doanh mới có khả năng xuất hiện và phát triển mạnh mẽ(3).
Hai là, chuyển đổi năng lượng tái tạo cũng dẫn đến sự hình thành một số liên minh và sáng kiến mới do các chính phủ và nhiều chủ thể lợi ích khác khởi xướng nhằm thúc đẩy hợp tác về công nghệ tái tạo ở các diễn đàn đa phương, quốc tế và khu vực. Năm 2015, sự ra đời của Thỏa thuận Paris đã khai sinh ra Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế (ISA), Liên minh địa nhiệt toàn cầu... Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi đó khẳng định “ISA sẽ thay thế vai trò của OPEC là nhà cung cấp năng lượng toàn cầu trong tương lai”(4).
Ba là, việc chuyển đổi năng lượng tái tạo cũng góp phần làm leo thang căng thẳng giữa các nước phát triển và đang phát triển đối với việc sử dụng, sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Trong khi một số nước giàu vẫn tiếp tục khai thác dầu khí và than đá trong nước, thì các nước giàu khác, tự coi mình là nhà lãnh đạo về khí hậu, ngày càng gây áp lực, yêu cầu không được khai thác đối với các nước nghèo như Guyana, Mozambique và Tanzania, hoặc các công ty đối tác muốn hợp tác với họ, không cho khai thác(5).
Về quân sự, an ninh:
Một là, trong nền kinh tế năng lượng tái tạo, hầu hết các quốc gia có thể đạt được độc lập về năng lượng qua đó bảo đảm an ninh năng lượng cao hơn và tự do hơn trong việc đưa ra các quyết định về năng lượng phù hợp. Các quốc gia độc lập về năng lượng cũng ít bị tổn thương hơn hoặc bị đe dọa bởi các nhà cung cấp của họ, do đó có thể theo đuổi các mục tiêu chiến lược và chính sách đối ngoại một cách độc lập hơn(6).
Hai là, sự chuyển đổi năng lượng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến cách thức hoạt động và điều hành các căn cứ, doanh trại quốc phòng. Ở một số quốc gia, quân đội đã chặn việc triển khai các tuabin gió vì cho rằng các thiết bị này cản trở sự giám sát bằng rađa quân sự. Ba là, việc tăng cường an ninh năng lượng thông qua triển khai năng lượng tái tạo có thể thay đổi động lực giữa các nhà xuất khẩu và nhập khẩu năng lượng. Nó cũng sẽ giảm bớt vai trò của dầu khí trong chính trị quốc tế.
Về kinh tế, thương mại:
Một là, các quốc gia phụ thuộc nguồn nguyên liệu hóa thạch nhập khẩu có thể chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để thực hiện những lợi ích chiến lược và kinh tế. Chuyển đổi năng lượng tái tạo mang lại các lợi thế về kinh tế vĩ mô(7), tác động đến việc cơ cấu lại các liên minh và dòng chảy thương mại, đồng thời tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau xung quanh lưới điện và hàng hóa mới(8).
Hai là, giống như chuyển đổi năng lượng trong 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, chuyển đổi năng lượng tái tạo trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo ra sự biến đổi sâu sắc về kinh tế - xã hội, bao gồm sự thịnh vượng, việc làm và các tổ chức xã hội. Ba là, các quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch sẽ chịu những tác động, thậm chí là thiệt hại lớn từ xu hướng chuyển sang năng lượng tái tạo. IEA đã cảnh báo các nền kinh tế sản xuất dầu và khí đốt có thể mất 7 nghìn tỷ USD vào năm 2040(9).
3. Những vấn đề đặt ra thời gian tới
Một là, việc theo đuổi phương pháp sạch hơn để cung cấp năng lượng đi kèm với sức ép phải giảm lượng khí CO2 đã và đang tạo ra các thách thức giải quyết các tác động trong khuôn khổ địa chính trị, bao gồm cạnh tranh Mỹ - Trung, Mỹ - Nga về công nghệ năng lượng tái tạo và quyền kiểm soát chuỗi giá trị, bao gồm chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng đối với các công nghệ năng lượng sạch như coban, đồng, liti, niken và đất hiếm. Trung Quốc gần như độc quyền đối với nhiều vật liệu đất hiếm, bao gồm 17 khoáng chất được sử dụng trong nhiều ứng dụng công nghiệp và quân sự. Trung Quốc hiện đang sản xuất 80% lượng lithium trên thế giới và 60% nguyên liệu đất hiếm cần thiết cho pin EV. Mỹ đang gấp rút nghiên cứu, đánh giá sự tổn thương và biện pháp khắc phục những hệ lụy từ việc phụ thuộc vào nước ngoài để sản xuất vật tư y tế thiết yếu đầu đại dịch Covid-19 và vào Trung Quốc để cung cấp các nguyên liệu quan trọng để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như xe điện, điện thoại di động, máy tính, pin mặt trời, tuabin gió và máy bay chiến đấu F-35 (mỗi máy bay yêu cầu 415kg vật liệu đất hiếm)(10).
Hai là, nguy cơ xuất hiện một loạt kẻ thắng và người thua trong cuộc chạy đua về năng lượng sạch, đe doạ đến sự cân bằng quyền lực trong quan hệ quốc tế(11). Các quốc gia làm chủ công nghệ sạch hoặc nhập khẩu ít nhiên liệu hóa thạch hơn có thể thu được lợi nhuận từ hệ thống mới, trong khi những quốc gia dựa vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch - chẳng hạn như Trung Đông hoặc Nga - có thể thấy sức mạnh của họ suy giảm(12). Bên cạnh đó là các thách thức về hạn chế nguồn lực trong chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Thí dụ, các quốc gia giàu có như Đức có thể chi hàng tỷ đô la vào khu vực khai thác than trong nước để xoa dịu tổn thất, thiệt hại khi chuyển đổi năng lượng sạch; tuy nhiên, Nigiêria hay Angiêri không thể làm tương tự với ngành công nghiệp dầu mỏ của họ(13).
Ba là, nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, tội phạm mạng và rủi ro về quyền riêng tư khi công nghệ số là một phần quan trọng trong triển khai, sản xuất và quản lý năng lượng tái tạo, đặc biệt đối với mạng lưới điện và việc chưa có khuôn khổ dựa trên quy tắc quốc tế trong lĩnh vực này. Các nhóm tội phạm, khủng bố, thậm chí là cơ quan an ninh của các quốc gia có thể xâm nhập vào các hệ thống số hóa kiểm soát các tiện ích và mạng lưới, cho các mục đích tội phạm như gian lận, trộm cắp hoặc thực hiện các hoạt động quân sự, gián điệp(14).
Bốn là, nguy cơ chạy đua xây dựng quyền lực, ảnh hưởng thông qua việc thiết lập, áp đặt các tiêu chuẩn về năng lượng sạch(15). Theo IEA, sản xuất năng lượng hạt nhân sẽ cần tăng gấp đôi từ nay đến năm 2050 để thế giới đạt được mức phát thải ròng bằng không (net-zero). Tính đến năm 2018, trong số 72 lò phản ứng hạt nhân được lên kế hoạch hoặc đang xây dựng bên ngoài biên giới của Nga, hơn 50% đang được xây dựng bởi các công ty Nga và khoảng 20% do các công ty Trung Quốc xây dựng; nhưng vẫn ít hơn 2% so với Mỹ. Các quốc gia có lợi thế về lĩnh vực này có thể chủ động tác động, gây ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn liên quan đến việc không phổ biến hạt nhân và áp đặt các tiêu chuẩn an toàn mới được thiết kế để giúp các công ty của họ có chỗ đứng lâu dài trong lĩnh vực này khi quá trình chuyển đổi năng lượng bắt đầu.
Năm là, nguy cơ leo thang căng thẳng về lãnh thổ do tăng nhu cầu về các nguyên vật liệu quan trọng cho phát triển năng lượng tái tạo. Thí dụ, sự gia tăng nhu cầu về kim loại liti đã khơi lại cuộc tranh luận lịch sử về quyền tiếp cận lãnh thổ, nguồn nước giữa Bôlivia, Chilê và Achentina đối với sa mạc Atacama, nơi nắm giữ 1/2 dự trữ kim loại liti toàn cầu(16).
4. Chuyển đổi năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á
Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện nay đang phải đối mặt tình huống tiến thoái lưỡng nan về chuyển đổi năng lượng. Các nền kinh tế trong khu vực đang phát triển nhanh chóng, mức độ đô thị hóa tăng nhanh và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu đã làm gia tăng nhu cầu năng lượng và điện năng. Khu vực này có 8% nguồn nhiên liệu hóa thạch trên thế giới, trong đó, gần như toàn bộ trữ lượng than của ASEAN nằm ở Inđônêxia (83%) và Việt Nam (10%). Khí tự nhiên và dầu mỏ được tìm thấy ở Brunây, Inđônêxia, Malaixia và Việt Nam. Inđônêxia và Philíppin lần lượt là các quốc gia sản xuất năng lượng từ các nguồn địa nhiệt lớn thứ hai và thứ tư trên toàn thế giới. Thủy điện phong phú ở Thái Lan, Inđônêxia và Việt Nam(17).
Năm 2021, Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 39 (AMEM 39) đã ra Tuyên bố chung về An ninh năng lượng và Chuyển dịch năng lượng, khẳng định ý chí của các quốc gia thành viên trong việc cùng nhau theo đuổi mục tiêu an ninh và chuyển dịch năng lượng khu vực, đồng thời đưa ra các giải pháp về tài chính, thu hút đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật để phát triển nền kinh tế ít cácbon trong cộng đồng ASEAN, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 23% trong tổng cung năng lượng sơ cấp và giảm 32% cường độ năng lượng.
Đối với Việt Nam, từ năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia đi đầu ASEAN về công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió. Theo IRENA, năm 2020, tổng công suất quang điện mặt trời của Việt Nam đạt khoảng 16.500 MW, vượt xa mục tiêu 850 MW và thậm chí đang tiến gần đến mục tiêu năm 2030 là 18.600 MW. Năm 2019, Việt Nam đã lắp đặt hơn 100.000 hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà. Số liệu thống kê cũng cho thấy, sản lượng điện mặt trời và điện gió của Việt Nam đã tăng từ 4,7 TWh năm 2019 lên 9,5 TWh năm 2020, tức là tăng gần 200%. Mức tăng này của Việt Nam được đánh giá cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.
Việt Nam cũng là quốc gia ASEAN duy nhất miễn giảm thuế thuê đất đối với các doanh nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo nên đã tạo động lực để các doanh nghiệp đầu tư và tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo. Việt Nam có môi trường đầu tư khá thuận lợi cho các dự án năng lượng tái tạo; so với Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, Việt Nam là quốc gia có mức trợ giá thấp nhất đối với nhiên liệu hóa thạch.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp lớn về chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam trong thời gian tới. Nghị quyết được đánh giá có tính chiến lược và toàn diện, được các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đánh giá cao. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần sớm thúc đẩy thể chế hóa và cụ thể hóa Nghị quyết thành các chiến lược và chính sách cụ thể. Bên cạnh đó, quyết định số 1658 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 của Chính phủ đưa ra nhiều mục tiêu hướng đến phát triển nền kinh tế xanh đã được thiết lập cho giai đoạn từ nay đến năm 2030 và năm 2050(18).
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, khó đoán định, trên cơ sở những phân tích tác động và những vấn đề đặt ra, để thực hiện các chiến lược quan trọng, đặc biệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030 và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, từ góc độ chính trị, đối ngoại, cần lưu tâm một số nội dung sau:
Một là, chủ động, tích cực tham gia đóng góp các nội dung liên quan đến chuyển đổi năng lượng tái tạo với phát triển bền vững tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt Liên hợp quốc, bao gồm các sáng kiến, chương trình nghị sự do Tổng Thư ký Liên hợp quốc khởi xướng như Chương trình nghị sự chung của chúng ta. Tranh thủ tìm kiếm, khai thác cơ hội hợp tác, ký kết thỏa thuận từ các chương trình, sáng kiến của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế như nhóm G7, G20, IEA, IERA, UNIDO trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết COP26, bao gồm việc xây dựng lộ trình chấm dứt sử dụng than và các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Tham gia vào các tiến trình trong việc xây dựng nội hàm, cấu trúc của hệ sinh thái xanh toàn cầu, theo đó, tập trung vào việc lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh...
Hai là, nghiên cứu, đề xuất sáng kiến chủ động dẫn dắt ASEAN trong việc thực hiện chuyển đổi năng lượng tái tạo, qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, các đối tác tư nhân quốc tế; tham gia tích cực các tiến trình toàn cầu về xây dựng đô thị mới giải quyết những thách thức duy trì năng lượng xanh đi kèm với việc giảm thiểu ròng cácbon, phục vụ phát triền bền ứng và nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ba là, nghiên cứu, đánh giá tình hình thế giới, bao gồm trật tự thế giới, đặc biệt là khả năng về sự phân tách cực trật tự thế giới, nguy cơ toàn cầu hóa bị phá vỡ hay chỉ bị chậm lại trong thời gian tới, nguy cơ chiến tranh lạnh 2.0 sau cuộc chiến Nga - Ucraina, những chuyển động tại khu vực Bắc Cực vốn nhiều tài nguyên chưa được khai thác, thậm chí là những kịch bản bi quan có thể xảy ra ở biển Đông. Qua đó, đưa ra những đánh giá tác động và dự báo môi trường đối ngoại, an ninh quốc tế và khu vực, cạnh tranh giữa các nước lớn, bao gồm cạnh tranh về năng lượng tái tạo. Trên cơ sở đó, đề xuất những điều chỉnh chính sách chiến lược quan trọng phù hợp, bao gồm nội dung chuyển đổi năng lượng tái tạo để xây dựng hệ sinh thái xanh và tăng trưởng xanh đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045, đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước nhà và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Bốn là, cân nhắc nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo cùng với việc đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Dầu khí, hoàn thiện các luật chuyên ngành về điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các luật khác liên quan đến ngành năng lượng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn cơ chế thị trường, đóng góp vào việc thực hiện tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các “cú sốc” từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, tầm nhìn năm 2045. Thiết lập các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, sản xuất và xuất khẩu nhiên liệu cácbon thấp gồm khí hydro và amoniac(19). Thắt chặt việc quản lý khai thác khoảng sản, đặc biệt là đối với những mỏ khoáng sản quan trọng cho công nghệ năng lượng tái tạo; nghiên cứu, đề xuất khả năng hợp tác với các đối tác trong tham gia khai thác các mỏ khí tại khu vực Bắc Cực.
______________________________________
(1) Net-zero là không phát thải thêm bất kỳ lượng CO2 nào vào khí quyển. Cácbon trung tính là vẫn phát thải một lượng CO2 nhất định và khử được một lượng tương đương trong khí quyển.
(2), (6) A New World: A Geopolitics of the Energy Transformation, tr.38, 39.
(3) Do chi phí xây dựng điện mặt trời và năng lượng gió giảm và việc phân phối thông minh, đa dạng nên hầu như bất kỳ ai có mái nhà hoặc một khu đất đều có thể đầu tư sản xuất điện phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc kinh doanh, hòa vào lưới điện quốc gia. Điều này giúp tạo ra một hệ sinh thái năng lượng đa dạng hơn.
(4) Vishwa Mohan: ISA could replace Opec as key global energy supplier in future:PMModi, http://timesofindia.indiatimes.com/articleshow/66044985.cms?utm_source=contentofinterest&utm_medium=text&utm_campaign=cppst, truy cập ngày 3-3-2022.
(5) Bordoff and Meghan L. O’Sullivan: Green Upheaval, The New Geopolitics of Energy, https://www.foreignaffairs.com/articles/world/2021-11-30/geopolitics-energy-green-upheaval, truy cập ngày 6.3.2022
(7) Thí dụ, vào năm 2050, chi phí cho năng lượng có thể giảm từ 5% GDP toàn cầu xuống hơn 2%.
(8) Bằng cách dẫn đầu về năng lượng tái tạo, Trung Quốc đã cải thiện vị thế địa chính trị của mình ở một số khía cạnh. Với việc tự sản xuất nhiều năng lượng hơn, Trung Quốc đang giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu và những rủi ro do gián đoạn năng lượng có thể kim hãm các tham vọng kinh tế của nước này. Chuyên môn công nghệ trong năng lượng tái tạo đã xác lập Trung Quốc như một nhà xuất khẩu hàng đầu về công nghệ năng lượng sạch, tạo ra cân bằng lợi thế thương mại.
(9) InternationalEnergyAgency: OutlookforProducer Economies: What Do Changing Energy Dynamics Mean for Major Oil and Gas Exporters?, IEA, 2018.
(10) Noel Nevshehir: These are the biggest hurdles on the path to clean energy, https://www.
weforum.org/agenda/2021/02/heres-why-geopolitics-could-hamper-the-energy-transition.
(11) Cũng có các quan điểm lo ngại về sự xuất hiện của chủ nghĩa thực dân năng lượng tái tạo, gia tăng xung đột từ khai thác tài nguyên và sự hình thành quá trình thực dân tư bản xanh.
(12) Các quốc gia dầu khí hiện nay như Ả Rập Xêút, Nga, Venezuela, Irắc, Nigiêria... phải đối mặt với những thách thức lớn có thể dẫn đến việc chuyển đổi sang các nền kinh tế đa dạng hơn sử dụng năng lượng tái tạo, hoặc sự bất ổn và sụp đổ.
(13) Goldthau, Westphal: Why the Global Energy Transition Does Not Mean the End of the Petrostate, K.Glob.Policy, https://doi.org/10.1111/1758-5899.12649 (2019).
(14) State Grid (công ty tiện ích lớn nhất thế giới và lớn nhất Trung Quốc) mua cổ phần trong một số mạng lưới điện và các công ty tiện ích ở Úc (Ausgrid), Bỉ (Eandis), và Đức (50Hertz).
(15) Thí dụ, Úc, Chilê, Nhật Bản và Ả Rập Xêút đã nổi lên là những nước sớm chấp nhận việc buôn bán hyđrô cácbon thấp và amoniac qua biên giới và do đó có thể thiết lập các tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng và tiêu chuẩn chứng nhận cho các nguồn nhiên liệu đó, mang lại cho họ những công nghệ và thiết bị được ưa chuộng.
(16) Patricia I. Vásquez: The LithiumTriangle: The Case for Post-Pandemic Optimism, Latin America Program Working Paper, Wilson Cetner, 2020.
(17) https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/bai-toan-ve-chuyen-doi-nang-luong-o-cac-quoc-gia-dong-nam-a-1491833826
(18) Ngày 25.9.2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững, bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam.
(19) Kịch bản “không ròng vào năm 2050” của IEA dự đoán rằng giao dịch hyđrô và amoniac sẽ tăng từ gần như không có gì hiện nay lên hơn một phần ba tổng số giao dịch liên quan đến năng lượng.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử 1.7.2022
Bài liên quan
- Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
- Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Hội thảo khoa học: “Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay”
Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển như vũ bão và đóng vai trò then chốt cho sự phát triển, công tác tư tưởng, lý luận cũng đang đứng trước cơ hội để nâng tầm và hoạt động mạnh mẽ, hiệu lực, hiệu quả nếu biết tận dụng tốt những lợi thế cuộc cách mạng chuyển đổi số 4.0 mang lại.
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo công tác này, qua đó đạt được một số kết quả khá quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở phân tích thực trạng lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác này trong thời gian tới.
Bình luận