Tác động của tăng trưởng kinh tế đến giảm nghèo ở Việt Nam giai đoạn 2001-2020
1. Tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo lý thuyết và thực tiễn
Tăng trưởng kinh tế là sự tăng lên về giá trị sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định, thường là một năm. Sự tăng trưởng thể hiện ở quy mô và tốc độ, quy mô phản ánh sự tăng nhiều hay ít, tốc độ phản ánh sự tăng nhanh hay chậm. Tăng trưởng kinh tế được đo lường bằng các chỉ tiêu như tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tổng sản phẩm quốc dân (GNP) và thu nhập bình quân đầu người (GDP/ người hay GNI/người). Bản chất của tăng trưởng kinh tế là phản ánh sự thay đổi về lượng của nền kinh tế.
Nghèo là một khái niệm rất rộng, có nhiều quan niệm khác nhau về nghèo, phụ thuộc vào cách nhìn nhận, cách tiếp cận. Tại Hội nghị quốc tế về vấn đề đói nghèo tại Thái Lan năm 1993, khái niệm về nghèo được đưa ra như sau: “nghèo là tình trạng một bộ phận dân số không được hưởng và thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của con người đã được xã hội thừa nhận tùy theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội và phong tục tập quán của từng địa phương”. Quan niệm về nghèo này xuất phát từ việc tiếp cận thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của con người như ăn, mặc ở, học hành, khám chữa bệnh…, sự thiếu hụt một hoặc một số nhu cầu đó được coi là nghèo.
Chuẩn nghèo là thước đo đói nghèo, đó là mức giới hạn mà cá nhân hay hộ gia đình nằm dưới mức đó sẽ bị coi là nghèo. Chuẩn nghèo bao gồm nghèo tuyệt đối và nghèo tương đối. Nghèo tuyệt đối là chuẩn tuyệt đối về mức sống được coi là tối thiểu cần thiết để cá nhân hoặc hộ gia đình có thể tồn tại khỏe mạnh. Nghèo tương đối phản ánh tình trạng của một bộ phận dân cư sống dưới mức trung bình của cộng đồng.
Ngân hàng thế giới (World Bank) đưa ra mức chuẩn nghèo thế giới là 1,9 USD/người/ngày; 3,2 USD/người/ngày và 5,5 USD/ người/ngày. Tùy thuộc vào thu nhập, trình độ phát triển mà các quốc gia thiết lập chuẩn nghèo quốc gia riêng của mình. Đối với Việt Nam, chuẩn nghèo được điều chỉnh sau mỗi 5 năm, từ năm 2015 Việt Nam tiếp cận chuẩn nghèo theo hướng nghèo đa chiều. Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 bao gồm: tiêu chí thu nhập: chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 1.500.000đồng/ người/tháng, khu vực thành thị là 2.000.000 đồng/người/tháng; tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản gồm việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.
Chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 12 chỉ số: việc làm, người phụ thuộc trong hộ gia đình, dinh dưỡng, BHYT, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin. Tiêu chí dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và ngưỡng thiếu hụt theo quy định(1). Giảm nghèo là cách làm một bộ phận dân số tăng mức sống và dần dần thoát nghèo hay giảm nghèo thực chất là một quá trình đưa bộ phận dân số nghèo có mức sống cao hơn.
Theo Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP), tăng trưởng kinh tế có lợi cho người nghèo là tăng trưởng đưa đến phân phối lại thu nhập có lợi cho người nghèo. Theo Ngân hàng Châu Á (ADB) thì tăng trưởng kinh tế có lợi cho người nghèo khi đó là dạng tăng trưởng tận dụng lao động và kèm theo bằng những chính sách và chương trình giảm thiểu những bất bình đẳng, thúc đẩy tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, đặc biệt là cho phụ nữ và các nhóm xã hội bị cô lập. Thực chất tăng trưởng kinh tế có lợi cho người nghèo là tăng trưởng tối đa hóa tác động tích cực của tăng trưởng trong việc giảm nghèo. Một chiến lược tăng trưởng có lợi cho người nghèo không chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà còn tác động đến mô hình phân phối thu nhập để người nghèo được hưởng lợi từ tăng trưởng theo một tỷ lệ lớn hơn người giàu, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Như vậy, để thực hiện giảm nghèo ngoài tăng trưởng kinh tế còn có các yếu tố khác như mô hình tăng trưởng, bất bình đẳng phân phối thu nhập, quá trình đô thị hóa, thất nghiệp, cơ hội việc làm, dân số, tự do hóa thương mại, chính sách kinh tế - xã hội trợ cấp cho người nghèo, nỗ lực của bản thân người nghèo… cũng tác động đến giảm nghèo.
2. Tác động của tăng trưởng đến giảm nghèo ở Việt Nam
Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa có sự ổn định. Theo số liệu thống kê thì tốc độ tăng trưởng có bị suy giảm trong năm 2008, 2009 và 2012, 2013. Sự suy giảm này là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng nợ công ở một số nước châu Âu. Tính bình quân giai đoạn 2001-2020, tốc độ tăng trưởng đạt 6,6%/ năm, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2001-2010 đạt trung bình 7,3%/năm, cao hơn so 5,9% bình quan trong giai đoạn 2011-2020. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới giữ được tốc độ tăng trưởng dương (2,91%), hầu hết các nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng kinh tế âm.
Năm 2020, quy mô GDP của Việt Nam là 343 tỷ USD vượt Singapore (337,5 tỷ USD) và Malaysia (336,3 tỷ USD) để trở thành quốc gia có nền kinh tế thứ 4 ASEAN sau Indonesia (1.088,8 tỷ USD), Thái Lan (509,2 tỷ USD) và Philippines (367,4 tỷ USD). Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 là 3521 USD/năm.
Cùng với thành tựu của tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã đạt được thành công trong giảm nghèo, cụ thể tỷ lệ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 28,9% năm 2002 và 3,7% năm 2019, dự báo sẽ giảm xuống còn 2,7% năm 2020. Bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước giảm khoảng 1,43%. Ngân hàng Thế giới đã đánh giá Việt Nam là bài học thành công trong cải cách và giảm nghèo.
Sau mỗi giai đoạn 5 năm có sự điều chỉnh chuẩn nghèo thì tỷ lệ nghèo tăng lên, cụ thể, giai đoạn 2011-2015, Việt Nam có sự điều chỉnh chuẩn nghèo đối với thành thị thu nhập tăng từ 260.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng /người/tháng, với nông thôn tăng từ 200.000 đồng/người/tháng lên 400.000 đồng/người/ tháng, tỷ lệ nghèo tăng từ 9,45% năm 2010 lên 14,2% năm 2011. Giai đoạn 2016-2020, chuẩn nghèo được tiếp cận theo chuẩn nghèo đa chiều, chuẩn nghèo được điều chỉnh đối với khu vực thành thị là 900.000 đồng/người/tháng, và nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng, tỷ lệ nghèo tăng từ 4,5% năm 2015 lên 8,23% năm 2016.
Tăng trưởng kinh tế trong những năm qua được đánh giá có tác động tích cực đến giảm nghèo. Mức độ tác động tăng trưởng kinh tế đến giảm nghèo có sự khác nhau giữa các thời kỳ. Thập niên 1990s tăng trưởng kinh tế có tác động đến giảm nghèo nhiều hơn thập niên 2000s. Cứ 1% tăng trong GDP đầu người có thể làm tỷ lệ nghèo 0,95% thập niên 1990s, trong khi chỉ làm giảm tỷ lệ nghèo 0,82% thập niên 2000s(2). Trong 2 năm 2008 và 2009 tốc độ giảm nghèo thấp hơn so với năm trước đó là do tốc độ tăng trưởng giảm. Thu Hang Pham (2019)(3) nghiên cứu mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo giai đoạn 2010-2016 nhận định rằng tăng trưởng kinh tế không có tác động nhiều đến giảm nghèo. Giảm nghèo trong giai đoạn này chịu tác động của sự tăng trưởng các ngành trong nền kinh tế như ngành nông nghiệp và ngành công nghiệp, cũng như chịu sự tác động của đô thị hóa, tốc độ tăng dân số, cơ hội việc làm.
Số liệu thống kê cho thấy trong những năm gần đây cùng với tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ giảm nghèo có giảm, tuy nhiên tốc độ giảm có xu hướng giảm dần. Điều đó có nghĩa là lợi ích từ tăng trưởng kinh tế mang lại cho người nghèo ngày càng giảm. Lý do là bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở Việt Nam có xu hướng tăng. Theo số liệu thống kê thì tỷ lệ thu nhập của 20% dân số giàu nhất và 20% dân số nghèo nhất tăng trong 20 năm qua, cụ thể tỷ lệ này là 8 lần trong giai đoạn 1995-1999; 8,1- 8,9 lần trong giai đoạn 2002-2008, giai đoạn 2010-2016 tỷ lệ này tăng lên 9,2-9,8 lần và hơn 10 lần 2018 - 2020(4).
Tác động của tăng trưởng kinh tế đến giảm nghèo không đồng đều giữa các dân tộc. Đồng bào Kinh nhận được lợi ích lớn hơn từ tăng trưởng kinh tế so với các đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 52,66% trên tổng số hộ nghèo của cả nước và chiếm 27,55% số hộ dân tộc thiểu số. Hơn nữa, tỷ lệ hộ tái nghèo trong những năm gần đây cao. Chẳng hạn, trong 2 năm 2016-2017 tỷ lệ hộ tái nghèo chiến bình quân 5,17% tổng số hộ thoát nghèo, trong đó vùng miền núi Tây Bắc có tỷ lệ tái nghèo lên tới 26,86%, tỷ lệ tái nghèo trong 4 năm 2016-2019 bình quân là 4,09% so với tổng số hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cao, trung bình giai đoạn 2016-2019 là 21,8% so với tổng số hộ thoát nghèo, tập trung chủ yếu ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đầu tư cho giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 có sự suy giảm so với giai đoạn trước, 32,982 tỷ so với 43,488 giai đoạn 2006-2010(5).
3. Giải pháp gắn tăng trưởng kinh tế với giảm nghèo trong thời gian tới
Trong 20 năm qua tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có tác động tích cực đến giảm nghèo. Tăng trưởng kinh tế đi liền với tỷ lệ hộ nghèo giảm, tuy nhiên tốc độ giảm của hộ nghèo giảm dần. Giảm nghèo ở Việt Nam trong những năm qua được đánh giá là chưa bền vững, người nghèo chưa có mục tiêu thoát nghèo, tỷ lệ tái nghèo và tỷ lệ nghèo phát sinh còn cao. Hộ nghèo chiếm tỷ lệ lớn chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2020-2030 Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững theo hướng toàn diện, bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau thì cần phải gắn tăng trưởng kinh tế đi đôi với giảm nghèo. Giải pháp cần phải thực hiện trong thời gian tới là:
Một là, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để tăng đầu tư cho giảm nghèo. Hiện nay phần lớn hộ nghèo cư trú ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, khó khăn trong tiếp cận cơ sở hạ tầng, giao thông, giáo dục, trợ giúp của Chính phủ và quốc tế. Hơn nữa trình độ dân trí rất thấp, cụ thể hiện vẫn còn 20,8% dân tộc thiểu số tuổi từ 15 trở lên vẫn còn chưa biết đọc, biết viết, con số này cao gấp 4 lần so với trung bình chung cả nước là 5,3%(6). Vì vậy cần thúc đẩy đầu tư cho người nghèo: (1) xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội cho vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông để tạo điều kiện cho họ tiếp cận với vùng phát triển; (2) đầu tư cho giáo dục, dạy nghề cho người nghèo để nâng cao trình độ dân trí, trình độ chuyên môn kỹ thuật để họ có cơ hội tìm việc làm, tham gia vào quá trình tăng trưởng và hưởng lợi từ quá trình này; (3) tăng đầu tư của Chính phủ cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo để thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ cho người nghèo về y tế, nhà ở, tín dụng.
Hai là, mô hình tăng trưởng kinh tế kết hợp theo chiều rộng và chiều sâu, tăng năng suất lao động để từ đó gia tăng nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo. Hỗ trợ cho người nghèo, vùng nghèo cả vốn, kỹ thuật sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đây là những điều mà người nghèo thực sự rất cần để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nghèo, giúp người nghèo thoát nghèo. Hơn nữa, người nghèo cần phải nâng cao ý thức thoát nghèo, đây đang được đánh giá là nhân tố quan trọng để thực hiện giảm nghèo bền vững.
Ba là, mô hình tăng trưởng kinh tế kết hợp hiệu quả kinh tế với công bằng xã hội. Bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ngày càng tăng thì tỷ lệ người nghèo ngày càng cao và ngược lại. Tức là tăng trưởng kinh tế chủ yếu mang lại lợi ích cho người giàu, đa số người nghèo không hoặc ít nhận được lợi ích từ tăng trưởng. Giảm bất bình đẳng trong thu nhập thì người nghèo sẽ nhận được nhiều từ lợi ích tăng trưởng kinh tế hơn. Chính sách của Chính phủ phải hướng tới giảm chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, tạo điều kiện thuận lợi, những ưu đãi để thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số./.
____________________
(1) Nghị định của Chính phủ quy định về chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27.1.2021.
(2) Le, Minh S., Nguyen, Tom, Singh, Tarlok, Economic Growth and Poverty in Vietnam: Evidence from Elasticity Approach (Working paper), 2014, Griffith University, Queensland, Australia.
(3) Thu Hăng Pham, Impacts of the sectoral composition of growth on poverty reduction in Vietnam, Journal of Economics and Development, Vol 21 No 2, 2019, Pages 213-222.
(4), (5) (6) Báo cáo phát triển con người 2019 của UNDP, Tổng hợp số liệu từ bảng 1, tr.300, 301, 302 và bảng 6, tr.320, 321.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 05.2021
Bài liên quan
- Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
- Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo công tác này, qua đó đạt được một số kết quả khá quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở phân tích thực trạng lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác này trong thời gian tới.
Bình luận