Tấm gương bình dị trong một nhân cách lớn
Tôi có may mắn được tiếp xúc với những người thân, cán bộ gần gũi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và được chứng kiến, nghe họ kể lại nhiều câu chuyện cảm động, trân quý. Tôi viết về ông - một con người bình dị, một nhân cách lớn trong một gia đình mẫu mực với những xúc cảm trân trọng.
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam là bạn đồng môn khóa 8 (1963 - 1967), Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với Tổng Bí thư kể: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất giản dị, gần gũi, thân thiện. Ông không nề hà, phân biệt là lãnh đạo cao cấp hay thường dân mỗi khi gặp bạn bè, đồng môn. Những lần họp lớp đại học, ông đều đến dự đầy đủ, cho dù bận trăm công ngàn việc. Lần nào đến, ông cũng mặc giản dị, gần gũi, không quan cách. Có lần đến dự họp lớp, ông tự tay xách theo một túi quà quê để biếu lớp, biếu thầy giáo chủ nhiệm cũ của mình. Quà của ông là hai bình rượu nếp Bầu Đá, đặc sản của Bình Định. Một bình để lớp liên hoan và một bình kính biếu thầy giáo chủ nhiệm cũ”.
Tháng trước (tháng 6/2024), nhà báo Vũ Huyến “tiết lộ” với tôi rằng, ông được tham gia trong bộ phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư. Phim do Điện ảnh Quân đội làm. Ông tham gia với tư cách là bạn đồng môn văn khoa, có những tư liệu quý liên quan đến Tổng Bí thư trong thời gian học chung đại học và trong thời gian cùng làm báo.
Hôm 18/7, Bộ Chính trị ra thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư, tôi hỏi anh Vũ Huyến, bộ phim đã làm xong chưa? Anh Vũ Huyến chỉ đưa ra một thông điệp là “rất khó khăn”. Đến tối ngày 19/7/2024, Đài Truyền hình Việt Nam chính thức công chiếu bộ phim tài liệu “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ và mẫu mực”, tôi hiểu bộ phim đã kịp hoàn thành. Anh Vũ Huyến bảo, Điện ảnh Quân đội chuẩn bị làm bộ phim này khá lâu rồi, nhất là từ khi sức khỏe của Tổng Bí thư không được tốt…
Tôi còn có một số lần được về thăm quê, gia đình những người ruột thịt của Tổng Bí thư. Quê của Tổng Bí thư ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội. Đây là một miền quê đẹp, giáp ranh với tỉnh Bắc Ninh, một cái nôi văn hóa đặc sắc của nước Việt.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là con trai út trong gia đình, trên là 4 người chị gái. Bây giờ thì cả 5 chị em đã cùng về miền mây trắng. Đây là một gia đình nền nếp, giản dị, chan hòa tình thân, được bè bạn, bà con thôn xóm kính quý.
Tôi thân thiện với anh con trai của người chị gái thứ hai của Tổng Bí thư, gọi Tổng Bí thư bằng cậu. Anh lái chiếc xe cũ kỹ của nhà trường, dùng chuyên chở cán bộ, sinh viên đi công tác, thực tế. Anh hiền lành, dân dã, dễ gần. Gần 30 năm làm việc chung và có nhiều chuyến đi công tác xa với anh, tôi chưa hề thấy anh đòi hỏi gì ngoài việc tận tâm phục vụ cơ quan với công việc bình dị.
Trong trường, còn có một người bán hàng nước, cũng là con người chị gái thứ hai của Tổng Bí thư. Thuê một góc nhỏ trong trường mở hàng nước, bán đồ ăn vặt phục vụ sinh viên, cô ấy ăn vận xềnh xoàng, đi chiếc xe máy cũ. Ít người biết cô ấy lại là cháu gái của Tổng Bí thư. Thi thoảng tôi có ghé quán, uống ly trà đá, trò chuyện về công việc và hỏi han gia đình. Cô ấy rất kín tiếng. Có lần, tôi gạn hỏi, sao không nhờ cậu xin cho làm việc ở chỗ khác… Cô ấy bảo, công việc như vậy là tốt rồi, không lại phiền đến cậu. Cậu còn bận trăm công ngàn việc…
Dạo người chị gái thứ hai của Tổng Bí thư còn khỏe, vào mùa gặt, bà thường gánh theo mấy đụn rơm nếp, đi xe buýt từ Đông Anh sang phụ con gái bán hàng. Bà rất phúc hậu. Bà ngồi bện chổi rơm ở góc nhỏ sân trường, bên quán nước của cô con gái. Nhiều cán bộ, giảng viên và sinh viên đi qua, thấy có một bà cụ ngồi bện rơm thì lạ lắm. Có sinh viên báo chí còn chụp ảnh, vì thấy hình ảnh đó rất đẹp, có cái gì mộc mạc hồn quê. Chẳng mấy ai biết, bà lại là chị gái của Tổng Bí thư.
Những người cháu, chắt ngoại của Tổng Bí thư mà tôi biết cũng thường rất khiêm tốn, “kín tiếng”, không lấy người cậu, người ông làm lãnh đạo cao cấp ra để khoe hay lợi dụng để thăng tiến.
Một cựu sinh viên của trường kể: Hồi còn sinh viên, có lần phụ giúp ở quán nước trong trường. Một lần, em con gái của cô chủ quán bảo: “Hôm nào mời chị về nhà em chơi. Chị có muốn gặp ông em không? Hỏi, ông em là ai, cô bé chỉ lên ti vi bảo, ông em (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) đang phát biểu đó”. Tôi bảo: “Vậy mai mốt tốt nghiệp, không lo tìm việc làm rồi”. Nhưng cô bé lắc đầu bảo: “Ông em nghiêm lắm. Ông dặn phải học hành tử tế. Con cháu cũng phải tự cầm hồ sơ đi xin việc như bao người khác”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có hai người con một trai, một gái. Người con gái lớn cũng theo nghiệp báo chí. Cô có trình độ tiến sĩ ngành văn hóa, là cán bộ cấp vụ, làm việc ở Tạp chí Cộng sản. Lúc cô ấy học nghiên cứu sinh, tôi được phân công là thành viên hội đồng khoa học đánh giá chuyên đề nghiên cứu và bảo vệ luận án cấp cơ sở của cô ấy. Cô ấy nghiên cứu rất nghiêm túc, tư duy và phương pháp khoa học mạch lạc, độc lập với đề tài về văn hóa truyền thông ở các tạp chí của Đảng.
Nhớ mãi một chi tiết, khi cô ấy hẹn, đến đưa luận án để tôi đọc, viết nhận xét, đánh giá. Tôi đến phòng làm việc chậm hơn giờ hẹn. Cô ấy đứng đợi ở hành lang. Khi tôi đến, bác bảo vệ cơ quan bảo: “Thầy có khách ở quê ra. Cô ấy đang chờ gặp thầy ở cửa phòng đấy!”. Tôi cười, nói với bác bảo vệ: “Cô ấy là con gái của bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đấy!”. Bác bảo vệ bối rối, cười bảo: “Thế mà tôi nom như người ở quê ra thăm thầy!”. Quả thực, cô ấy ăn vận giản dị nhưng tươi tắn, nói năng từ tốn, lễ phép, giản dị và rất am hiểu kiến thức về văn hóa, truyền thông, báo chí.
Mỗi lần gặp trao đổi về luận án, thầy - trò ngồi trò chuyện với nhau cả tiếng đồng hồ, không chỉ là vấn đề chuyên môn nghiên cứu mà còn chia sẻ cả những vấn đề về công tác tổ chức - cán bộ, vì chúng tôi đều đang được giao thực hiện nhiệm vụ chuyên môn “tay trái” này ở hai cơ quan. Sau này, mỗi dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Tết Nguyên đán, cô ấy đều gửi lời chúc mừng tôi. Những lần, chúng tôi ra thăm tòa soạn dịp 21/6 (ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam), cô ấy cùng Ban Biên tập đón tiếp rất thân tình, kính trọng, lễ phép.
Trên đây chỉ là vài câu chuyện nho nhỏ của tôi chứa đầy xúc cảm, yêu thương, kính trọng đối với một con người, một nhân cách, một gia đình đầm ấm, nền nếp, kỷ cương của vị Tổng Bí thư kính mến.
Xin được kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Tổng Bí thư và chia sẻ nỗi đau, mất mát với đại gia đình.
Hà Nội, ngày 19/7/2024
Nhà báo Lê Trí Dũng, nguyên Trưởng Ban Ảnh (Thông tấn xã Việt Nam), phóng viên ảnh chuyên trách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là một nhà báo gần gũi với ông từ năm 2006 đến nay kể: “Tôi may mắn được phục vụ chụp ảnh, đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ năm 2006, khi ông đang là Chủ tịch Quốc hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vốn xuất thân từ nghề báo nên ông rất gần gũi, quan tâm tới anh em báo chí, nhất là trong các chuyến đi công tác. Năm 2015, Tổng Bí thư có chuyến thăm hữu nghị chính thức Hoa Kỳ nhân dịp 20 năm bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Tôi may mắn dường như là phóng viên Việt Nam duy nhất được vào Phòng bầu dục để chụp khoảnh khắc Tổng Bí thư hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Gần 20 năm vinh dự được tháp tùng, tác nghiệp ảnh về Tổng Bí thư trong các chuyến đi công tác trong và ngoài nước, tôi học được từ ông rất nhiều điều về lẽ sống”.
Nguồn: Bài đăng trên Báo điện tử Pháp luật Việt Nam ngày 22/7/2024
Bài liên quan
- Thông điệp về “khát vọng hoà bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
- Chuyện tặng sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho Thư viện Karl Marx
- Người chụp cả vạn bức ảnh đẹp về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Các yếu tố tác động đến sự hình thành dư luận xã hội
- Hiệp định Pari - thắng lợi có ý nghĩa chiến lược dẫn đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- 3 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 4 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Sáng 8/8/2024, Đoàn đánh giá ngoài của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh đã thực hiện khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng 04 chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền gồm: ngành Chính trị học, chuyên ngành Truyền thông chính sách; ngành Truyền thông quốc tế; ngành Kinh tế, chuyên ngành Quản lý kinh tế; ngành Quản lý công.
Thông điệp về “khát vọng hoà bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
Thông điệp về “khát vọng hoà bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
Xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 40 của thế kỷ 20, tranh cổ động gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam và trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân Việt Nam. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tranh cổ động trở thành thứ vũ khí tinh thần mạnh mẽ trong hành trình giành độc lập dân tộc. Tuy nhiên, tranh cổ động không chỉ mang trong mình sứ mệnh tuyên truyền vận động, cổ vũ, tinh thần chiến đấu, thúc giục mọi người tham gia chiến đấu, mà còn mang trong đó những giá trị thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật cùng những thông điệp về khát vọng hoà bình. Bài viết này tập trung tìm hiểu về thông điệp “khát vọng hoà bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (từ năm 1954 - 1975).
Chuyện tặng sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho Thư viện Karl Marx
Chuyện tặng sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho Thư viện Karl Marx
Đầu năm 2022, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho ra mắt công chúng cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Là cán bộ trường Đảng, chúng tôi may mắn sớm được nhận cuốn sách để làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, báo chí - truyền thông. Đặc biệt, chúng tôi đã mang cuốn sách đó làm quà tặng Thư viện Karl Marx ở thủ đô London, Vương quốc Anh.
Tấm gương bình dị trong một nhân cách lớn
Tấm gương bình dị trong một nhân cách lớn
Khi Bộ Chính trị thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế lo lắng, cầu mong sức khỏe của Tổng Bí thư sẽ hồi phục. Nhưng phép màu nhiệm đã không đến... 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim người con ưu tú của đất nước, Nhân dân Việt Nam đã ngừng đập…
Người chụp cả vạn bức ảnh đẹp về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Người chụp cả vạn bức ảnh đẹp về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tôi biết nhà báo Lê Trí Dũng từ năm 1992. Khi đó, anh đang là sinh viên lớp đại học báo chí Khóa 10 (1992-1995), Khoa Báo chí, trường Đại học Tuyên giáo (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Lúc này, các lớp đại học báo chí có hai đối tượng học chung, đó là cán bộ đang làm việc ở các cơ quan báo chí và học sinh mới tốt nghiệp trung học phổ thông.
Bình luận